Quyết định 2836/QĐ-UBND năm 2014 duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030
Số hiệu: 2836/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Trần Văn Vĩnh
Ngày ban hành: 16/09/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2836/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 16 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020 VÀ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 34/2009/TT-BXD ngày 30/9/2009 của Bộ Xây dựng về quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2013/NQ-HĐND ngày 18/9/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 18/9/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 116/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 167/TTr-SXD ngày 29/8/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2030 với nội dung chính như sau:

1. Quan điểm

Phát triển đô thị tỉnh Đồng Nai phù hợp với lộ trình phát triển đô thị toàn Quốc giai đoạn đến năm 2020 theo Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Bộ Xây dựng về điều chỉnh mốc thời gian và nâng loại đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tại Văn bản số 712/BXD-PTĐT ngày 18/4/2014; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2015 xây dựng Đồng Nai cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp phát triển có nền tảng kinh tế - xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030 Đồng Nai sẽ trở thành một trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và vùng nông lâm nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững. Đến năm 2050 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái.

2. Mục tiêu cụ thể

Xây dựng hệ thống đô thị theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo theo 49 tiêu chí quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị và gắn với chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012.

- Năm 2015: Có 11 đô thị, trong đó có 01 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I (Biên Hòa), 02 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III (Long Khánh, Nhơn Trạch), 01 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV (Trảng Bom) và 07 đô thị loại V (đô thị Long Thành, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú). Tỷ lệ đô thị hóa đạt là 40 - 45%;

- Năm 2020: Có 11 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa), 01 đô thị cơ bản đạt tiêu chí của đô thị loại II (Nhơn Trạch), 01 đô thị III (thị xã Long Khánh), 02 đô thị loại IV (đô thị Long Thành, Trảng Bom) và 06 đô thị loại V (đô thị Định Quán, Tân Phú, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An). Tỷ lệ đô thị hóa đạt là 50 - 60%;

- Năm 2030: Có 17 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại I (thành phố Biên Hòa), 02 đô thị loại II (Long Khánh, Nhơn Trạch), 02 đô thị cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III (Long Thành, Trảng Bom), 07 đô thị loại IV (đô thị Bình Sơn, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú) và 05 đô thị loại V (đô thị Phước Thái, Thạnh Phú, Phú Lý, Phú Túc, La Ngà). Tỷ lệ đô thị hóa đạt là 60 - 70%.

3. Nội dung của chương trình

3.1. Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng:

- Chương trình dự án trọng điểm giao thông cấp vùng: Kết nối tỉnh Đồng Nai với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thực hiện hoàn chỉnh dự án đường bộ cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai III, IV,... Hạ tầng kết nối hai đô thị lớn của tỉnh là thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch với các trung tâm huyện lỵ; các tuyến giao thông kết nối các khu vực tập trung đô thị và khu công nghiệp với các tuyến đường cao tốc như cầu An Hảo (Biên Hòa), đường liên cảng huyện Nhơn Trạch, cải tạo nâng cấp hoàn chỉnh Tỉnh lộ 25A (ĐT 769, đoạn từ bến phà Cát Lái đến ngã 3 Quốc lộ 51), nâng cấp mở rộng đường 25C,…;

- Chương trình dự án trọng điểm giao thông cấp huyện: Kết nối các trung tâm huyện lỵ;

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối cấp điện: Phát triển lưới điện truyền tải đồng bộ bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, trung tâm hành chính, thương mại. Ưu tiên triển khai các dự án xây mới và nâng công suất trạm cấp điện đầu mối (trạm 500/220 KV, trạm 220/110 KV); xây dựng các tuyến cao thế liên kết các trạm 500 KV, 220 KV, 110 KV;

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối cấp nước: Xây dựng và nâng cấp các nhà máy nước liên vùng, ưu tiên xây dựng hệ thống cấp nước Thiện Tân giai đoạn 02, công suất 100.000m3/ngày; hệ thống cấp nước Nhơn Trạch giai đoạn 02 nâng công suất lên 200.000m3/ngày,...;

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối thoát nước thải: Gồm các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị, tuyến thoát nước kết nối thoát nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư. Tập trung đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị thuộc thành phố Biên Hòa. Một số tuyến thoát nước cấp bách thuộc địa bàn Nhơn Trạch để kết nối thoát nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư và các dự án kết nối thoát nước thuộc các địa phương khác trong tỉnh như dự án trạm xử lý nước thải giai đoạn 01 công suất 16.000m3/ng.đ huyện Nhơn Trạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa, giai đoạn 01, hệ thống thoát nước từ cầu Suối Cạn ra rạch Cái Sình thuộc huyện Nhơn Trạch, hệ thống thoát nước thải tập trung thị trấn Trảng Bom giai đoạn 01, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thị trấn Vĩnh An giai đoạn 01;

- Chương trình xây dựng công trình đầu mối quản lý chất thải rắn và nghĩa trang cấp vùng.

3.2. Xây dựng mạng lưới đô thị:

- Giai đoạn đến năm 2015: Tập trung các nguồn lực phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất của 04 đô thị động lực của tỉnh là: Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom và Nhơn Trạch;

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư, phát triển các đô thị động lực của tỉnh và đô thị Long Thành gắn với các chức năng quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Cải tạo, nâng loại 08 đô thị: Long Khánh, Long Thành, Trảng Bom, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Định Quán, Tân Phú và từng bước xây dựng, hình thành mới 06 đô thị là: Bình Sơn, Phước Thái, Thạch Phú, Phú Lý, Phú Túc, La Ngà.

Cụ thể:

a) Đô thị Biên Hòa:

- Giai đoạn đến năm 2015: Tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh và khắc phục các tiêu chí còn thiếu của đô thị Biên Hòa để đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại I. Ưu tiên đầu tư các tiêu chí về: Giao thông; tiêu thoát nước - thủy lợi; cây xanh, thu gom xử lý chất thải rắn - nghĩa trang và kiến trúc cảnh quan đô thị;

- Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Giải quyết ô nhiễm môi trường từ các khu, cụm công nghiệp. Xây mới hạ tầng trung tâm hành chính, văn hóa cấp tỉnh. Tiếp tục cải tạo, xây dựng đô thị Biên Hòa đạt chuẩn quy định của đô thị loại I;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Xây dựng hạ tầng đô thị theo quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa. Đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

b) Đô thị Long Khánh:

- Giai đoạn đến năm 2015: Tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh và khắc phục các tiêu chí còn thiếu của đô thị Long Khánh để đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại III. Ưu tiên đầu tư các tiêu chí về: Giao thông, tiêu thoát nước - thủy lợi, cây xanh, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang;

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị Long Khánh để nâng cấp lên thành phố và đạt chuẩn quy định của đô thị loại III. Từng bước xây dựng các khu chức năng mới theo quy hoạch chung xây dựng đô thị được UBND tỉnh phê duyệt;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại II.

c) Đô thị Nhơn Trạch:

- Giai đoạn đến năm 2015: Chuẩn bị kế hoạch và xây dựng khu vực trung tâm đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh. Ưu tiên xây dựng công trình hạ tầng xã hội tại trung tâm huyện, nhà ở xã hội, giao thông vành đai và giao thông chính đô thị; công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị về cấp điện, cấp nước và thoát nước… đáp ứng một số tiêu chí của đô thị loại III;

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư và hoàn thiện các hạng mục công trình đã thực hiện trong giai đoạn năm 2015, đáp ứng một số tiêu chí của đô thị loại II;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại II theo quy hoạch xây dựng đô thị mới Nhơn Trạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

d) Đô thị Long Thành:

- Giai đoạn đến năm 2015: Chuẩn bị kế hoạch để đầu tư một số công trình hạ tầng đô thị như giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước, cây xanh…;

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh và khắc phục các tiêu chí còn thiếu của đô thị Long Thành để đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại IV và nâng cấp lên thị xã về giao thông, hệ thống thoát nước, cây xanh, thu gom xử lý chất thải rắn - nghĩa trang và cảnh quan đô thị;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu. Xây mới các khu vực chức năng, các công trình trọng điểm theo mô hình đô thị xanh, đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại III và nâng cấp lên thành phố.

e) Đô thị Trảng Bom:

- Giai đoạn đến năm 2015: Tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị theo hướng mô hình đô thị xanh và khắc phục các tiêu chí còn thiếu của đô thị Trảng Bom để đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại IV về cấp nước, cây xanh, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và cảnh quan đô thị;

- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu nâng cấp lên thị xã. Xây mới các khu vực chức năng, các hạng mục trọng điểm theo quy hoạch được duyệt;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị áp dụng hệ thống hạ tầng đô thị xanh, đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại III và nâng cấp lên thành phố.

g) Các đô thị Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú:

- Giai đoạn đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020: Tập trung xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị áp dụng hệ thống hạ tầng đô thị xanh và hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại V về: Giao thông, cây xanh, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang…;

- Giai đoạn 2021 - 2030: Xây mới các khu vực chức năng, các công trình trọng điểm đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại IV.

h) Các đô thị phát triển mới như Bình Sơn, Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà: Giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu lựa chọn địa điểm và lập quy hoạch xây dựng các đô thị mới theo hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái. Giai đoạn 2026 - 2030, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị và các công trình động lực đô thị nhằm phát triển đô thị mới Bình Sơn đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại IV và các đô thị Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà đạt các tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại V.

4. Nhu cầu vốn đầu tư và các giải pháp về vốn

(Bảng chi tiết kèm theo - Phụ lục 02).

4.1. Nhu cầu vốn của chương trình: Khoảng 440,53 nghìn tỷ đồng.

a) Phân theo giai đoạn thực hiện:

- Giai đoạn đến năm 2020          : 178,01 nghìn tỷ đồng, gồm:

+ Giai đoạn đến năm 2015         : 29,25 nghìn tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2016 - 2020             : 148,76 nghìn tỷ đồng;

- Giai đoạn 2021 - 2030              : 262,52 nghìn tỷ đồng.

b) Phân theo lĩnh vực:

- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng: Khoảng 187,43 nghìn tỷ đồng, gồm:

+ Giao thông                             : Khoảng 176,37 nghìn tỷ đồng, chiếm 94,1%;

+ Cấp điện                                : Khoảng 5,77 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,08%;

+ Quản lý chất thải rắn và nghĩa trang: Khoảng 1,0 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,53%;

+ Cấp nước                              : Khoảng 4,07 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17%;

+ Thoát nước và xử lý nước thải đô thị: Khoảng 0,22 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,12%.

- Mạng lưới đô thị                     : Khoảng 253,10 nghìn tỷ đồng, gồm:

+ Thành phố Biên Hòa               : Khoảng 156,96 nghìn tỷ đồng;

+ Thị xã Long Khánh                  : Khoảng 6,87 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Long Thành                  : Khoảng 11,04 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Nhơn Trạch                  : Khoảng 44,64 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Vĩnh Cửu                     : Khoảng 11,97 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Tân Phú                       : Khoảng 1,94 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Định Quán                    : Khoảng 3,65 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Xuân Lộc                     : Khoảng 4,25 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Trảng Bom                   : Khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Thống Nhất                  : Khoảng 4,24 nghìn tỷ đồng;

+ Huyện Cẩm Mỹ                       : Khoảng 5,39 nghìn tỷ đồng.

Để chương trình có tính khả thi cao với tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 440,53 nghìn tỷ đồng, cần thực hiện:

- Về cơ cấu nguồn vốn: Ngoài nguồn vốn ngân sách, tiếp tục kiến nghị các nguồn hỗ trợ từ Trung ương để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng vùng. Huy động thêm nhiều nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa, nguồn vốn từ các tổ chức trong nước và Quốc tế được lồng ghép với các chương trình Quốc gia, chương trình mục tiêu Quốc gia,…;

- Về giải pháp nguồn vốn: Xác định các nguyên tắc sử dụng vốn và ưu tiên sử dụng vốn ngân sách; đề xuất nội dung và khu vực ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn phù hợp với yêu cầu nâng cấp và phát triển đô thị theo quy hoạch.

Cụ thể như sau:

4.2. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư

(Bảng chi tiết kèm theo - Phụ lục 03).

Dự kiến cơ cấu các nguồn vốn đầu tư phát triển nâng cấp đô thị bao gồm:

- Nguồn vốn ngân sách địa phương quản lý, chủ yếu là vốn ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển và vốn huy động từ đất đai chiếm 8 - 9,3%, khoảng 40,82 nghìn tỷ đồng;

- Nguồn vốn ngân sách do Trung ương quản lý chiếm 1,0 - 2,7%, khoảng 12,05 nghìn tỷ đồng chủ yếu là vốn đầu tư hạ tầng giao thông, cấp nước, cấp điện, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội;

- Nguồn vốn đầu tư của Nhân dân và doanh nghiệp chiếm 39,0 - 40,5%, khoảng 178,54 nghìn tỷ đồng;

- Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm 45,0 - 47,0%, khoảng 200,14 nghìn tỷ đồng;

- Các nguồn vốn khác: Chiếm 1,0 - 2,0%, khoảng 8,99 nghìn tỷ đồng.

4.3. Về giải pháp nguồn vốn

a) Nguyên tắc sử dụng các nguồn vốn

- Ưu tiên sử dụng vốn ngân sách thực hiện các chương trình, dự án xây dựng đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua giai đoạn 2011 - 2015; các dự án trọng điểm kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng cấp tỉnh, các chương trình, dự án tạo động lực phát triển các đô thị trọng điểm: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Khánh, Trảng Bom, Long Thành; các dự án thuộc kế hoạch nâng loại và nâng cấp đô thị;

- Nghiên cứu các chương trình, dự án đặc thù có thể sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương hoặc sử dụng vốn từ các tổ chức tài chính trong nước hoặc Quốc tế như ADB, WB,…;

- Tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án thuộc chương trình kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ODA, vốn doanh nghiệp bằng nhiều phương thức: BOT, BT, PPP,...;

- Phát huy nguồn vốn xã hội hóa để tăng cường chất lượng sống trong các khu dân cư. Vận động Nhân dân tham gia đóng góp nguồn lực vào phát triển hạ tầng đô thị: Tạo quỹ đất để xây dựng các công trình hạ tầng, trồng và chăm sóc cây xanh ở nơi cư trú, tham gia đóng góp vật liệu, ngày công vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật như vỉa hè, đường khu dân cư, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng ngõ phố,…

b) Nội dung và khu vực ưu tiên đầu tư

(Bảng chi tiết kèm theo - Phụ lục 04).

b1) Giai đoạn đến năm 2020

- Giai đoạn đến năm 2015:

+ Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, thị xã Long Khánh, thị trấn Trảng Bom;

+ Nội dung ưu tiên đầu tư:

Các dự án đầu tư xây dựng thuộc Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010, giai đoạn 2011 - 2015 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua;

Lập chương trình phát triển đô thị và đề án nâng loại đô thị thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh, thị trấn Trảng Bom;

Đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng đô thị nhằm khắc phục các điểm yếu theo quy định của Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị để đưa thành phố Biên Hòa đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại I, Long Khánh đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại III và chuẩn bị kế hoạch nâng cấp lên thành phố, Trảng Bom đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại IV, tiếp tục đầu tư đô thị mới Nhơn Trạch.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, thị xã Long Khánh, thị trấn Trảng Bom, thị trấn Long Thành.

+ Nội dung ưu tiên đầu tư:

Lập các quy hoạch phân khu các đô thị thuộc khu vực ưu tiên;

Xây dựng hệ thống hệ thống hạ tầng kỹ thuật diện rộng và các công trình hạ tầng chính các đô thị trên địa bàn tỉnh;

Xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ cấp vùng;

Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;

Mạng lưới hạ tầng đô thị chuẩn bị kế hoạch nâng cấp và nâng loại các đô thị: Nhơn Trạch đạt một số tiêu chí cơ bản của đô thị loại II; Long Thành nâng lên đô thị loại IV. Nâng cấp Long Khánh lên thành phố và Long Thành, Trảng Bom lên thành thị xã.

b2) Giai đoạn 2021 - 2030

- Giai đoạn 2021 - 2025

+ Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, các đô thị: Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú.

+ Nội dung ưu tiên đầu tư:

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật diện rộng và các công trình hạ tầng chính các đô thị;

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị, lập chương trình phát triển đô thị; lập đề án nâng loại đô thị; đầu tư cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và hoàn thiện hạ tầng dân cư các đô thị Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao, Vĩnh An, Định Quán, Tân Phú đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại IV;

Lập quy hoạch xây dựng các đô thị mới Bình Sơn, Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà.

- Giai đoạn 2026 - 2030:

+ Địa bàn ưu tiên đầu tư: Thành phố Biên Hòa, đô thị mới Nhơn Trạch, các đô thị mới Bình Sơn, Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà.

+ Nội dung ưu tiên đầu tư:

Đầu tư xây dựng các đô thị mới Bình Sơn đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại IV; Phước Thái, Phú Lý, Thạnh Phú, Phú Túc, La Ngà đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại V;

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị, lập chương trình phát triển đô thị; lập đề án nâng loại đô thị; đầu tư cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và hoàn thiện hạ tầng dân cư các đô thị Long Thành và Trảng Bom đạt tiêu chuẩn cơ bản của đô thị loại III và thành lập thành phố;

Triển khai dự án môi trường và biến đổi khí hậu.

Ðiều 2. Trách nhiệm thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan liên quan huy động và tổng hợp nguồn lực thực hiện mục tiêu chương trình; phối hợp với các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Xây dựng và các chủ đầu tư tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn hỗ trợ mục tiêu của Trung ương, vốn hỗ trợ của các tổ chức tài chính Quốc tế, vốn vay, vốn ODA; xem xét đề xuất triển khai đầu tư những dự án có điều kiện, cần thiết phải đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP, xã hội hóa,…;

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện các ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư phát triển đô thị;

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp kế hoạch kinh phí đầu tư phát triển hàng năm và các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án đầu tư tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Thực hiện việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, xử lý và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án phát triển và nâng cấp đô thị;

- Xây dựng bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giá đất trong trường hợp cụ thể để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án;

- Giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc giới thiệu địa điểm, thu hồi đất, giao đất để thực hiện các dự án nâng cấp và phát triển đô thị.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp kinh phí hàng năm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư cho phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua dự toán chi hàng năm và hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện và thanh quyết toán theo quy định hiện hành.

4. Sở Nội vụ:

Phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị trực thuộc tỉnh (theo Khoản 2, Điều 46 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị); phối hợp với các địa phương để nâng cấp các đơn vị hành chính.

5. Sở Xây dựng:

- Chủ trì, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các bộ, ngành Trung ương lồng ghép Chương trình phát triển đô thị Đồng Nai với các chương trình nâng cấp, phát triển đô thị Quốc gia;

- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị trực thuộc tỉnh;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và Sở Nội vụ thành lập các thị trấn Long Giao, Dầu Giây, Hiệp Phước; lập, thẩm định chương trình, kế hoạch, đề án nâng loại và nâng cấp đô thị; tiếp tục cập nhật các thông tin mới liên quan đến quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị;

- Tổ chức xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về phát triển đô thị trên phạm vi toàn tỉnh; kiểm tra kết quả thực hiện của chương trình hàng quý, 06 tháng và trong năm, tổng kết báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có hướng chỉ đạo.

6. Các sở, ban, ngành có liên quan:

Trên cơ sở nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực của từng sở, ban, ngành quản lý; đồng thời tham gia huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm triển khai thực hiện Chương trình này đối với những nội dung liên quan đến địa bàn mình quản lý;

- Đối với các đô thị chưa có thủ tục hành chính pháp lý công nhận đô thị hoặc thành lập thị trấn, sớm hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét;

- Rà soát quy hoạch và có hướng điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị cho phù hợp với định hướng và lộ trình phát triển đô thị của tỉnh. Lập chương trình phát triển đô thị, đề án nâng loại và nâng cấp đô thị thuộc địa bàn huyện;

- Đề xuất các dự án trọng điểm đưa vào chương trình nghị quyết Hội đồng nhân dân hàng năm, làm cơ sở thực hiện kế hoạch nâng loại, nâng cấp đô thị trên địa bàn.

Ðiều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ðiều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 





Nghị định 42/2009/NĐ-CP về việc phân loại đô thị Ban hành: 07/05/2009 | Cập nhật: 09/05/2009