Nghị quyết 116/NQ-HĐND năm 2017 về phê chuẩn quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2016
Số hiệu: 116/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang Người ký: Đặng Tuyết Em
Ngày ban hành: 08/12/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 116/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 08 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÊ CHUẨN QUYẾT TOÁN THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ SÁU

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ ban hành quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

Xét Báo cáo số 270/BC-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê chuẩn quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2016 trên địa bàn tỉnh và Tờ trình số 256/TTr-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê chuẩn quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2016; Báo cáo thẩm tra số 184/BC-HĐND ngày 28 tháng 11 năm 2017 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê chuẩn quyết toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2016. Nội dung cụ thể như sau:

1. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 7.936.875 triệu đồng (bảy ngàn chín trăm ba mươi sáu tỷ, tám trăm bảy mươi lăm triệu đồng).

2. Tổng thu ngân sách địa phương được hưởng: 16.826.401 triệu đồng, trong đó:

a) Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp: 6.436.422 triệu đồng;

b) Thu kết dư năm trước: 1.088.434 triệu đồng;

c) Thu huy động đầu tư: 60.000 triệu đồng;

d) Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương: 4.921.354 triệu đồng;

đ) Thu chuyển nguồn năm 2015 chuyển sang: 3.018.530 triệu đồng;

e) Thu từ ngân sách cấp dưới nộp lên: 27.266 triệu đồng;

g) Thu viện trợ không hoàn lại: 8.072 triệu đồng;

h) Các khoản thu quản lý qua ngân sách: 1.266.323 triệu đồng.

3. Tổng chi ngân sách địa phương: 14.996.556 triệu đồng (mười bốn ngàn chín trăm chín mươi sáu tỷ, năm trăm năm mươi sáu triệu đồng).

4. Cân đối tổng quyết toán số kết dư niên độ năm ngân sách 2016 là 1.829.845 triệu đồng, trong đó:

a) Ngân sách cấp tỉnh: 261.854 triệu đồng;

b) Ngân sách cấp huyện: 1.349.141 triệu đồng;

c) Ngân sách cấp xã: 218.850 triệu đồng.

(Kèm theo Báo cáo số 270/BC-UBND ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa IX, Kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đặng Tuyết Em

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 270/BC-UBND

Kiên Giang, ngày 21 tháng 11 năm 2017

 

BÁO CÁO

QUYẾT TOÁN THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

Kết thúc năm ngân sách 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2016. Cụ thể như sau:

Năm 2016, nhiệm vụ thu chi ngân sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang giao gồm (kèm theo các phụ lục):

- Về thu, Bộ Tài chính giao chỉ tiêu pháp lệnh là 4.880.000 triệu đồng (trong đó: Thu nội địa 4.760.000 triệu đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 120.000 triệu đồng). Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 6.431.362 triệu đồng (trong đó: Thu nội địa 5.051.362 triệu đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 120.000 triệu đồng).

- Về chi, Bộ Tài chính giao là 9.114.950 triệu đồng, Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 10.684.503 triệu đồng, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.084.384 triệu đồng; chi thường xuyên 5.848.231 triệu đồng; các khoản chi quản lý qua ngân sách 1.260.000 triệu đồng.

I. KẾT QUẢ THU CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016

1. VỀ THU NGÂN SÁCH

1.1. Về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 7.936.875 triệu đồng, đạt 123,41% so dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh, bao gồm:

a) Thu nội địa: Tổng thu trong năm 6.528.285 triệu đồng, đạt 137,15% dự toán Trung ương, đạt 129,24% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 24,8% so với thực hiện năm 2015.

Có 11/16 khoản thu đạt dự toán, cụ thể một số khoản như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương đạt 107,8%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 138,7%; thu từ khu vực công thương nghiệp – ngoài quốc doanh đạt 131,4%; lệ phí trước bạ đạt 110,3%; thuế bảo vệ môi trường đạt 144,6%; phí, lệ phí đã loại trừ các khoản không cân đối ngân sách đạt 141,2%; thu tiền thuê đất, mặt nước đạt 151,3%; thu tiền sử dụng đất đạt 180,1%; thu tiền bán và thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước đạt 207,7%; thu cố định tại xã đạt 103,4%. Trong đó số thu chiếm tỷ trọng lớn từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện 1.970.728 triệu đồng, chiếm 30,19% thu nội địa, tăng 53,2% so với thực hiện năm trước.

Các khu vực, sắc thuế thu đạt và vượt dự toán là nhờ trong năm đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác; tập trung thu nợ đọng thuế, khai thác tốt các nguồn thu mới phát sinh từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đồng thời triển khai tốt các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất phát triển.

Tuy nhiên vẫn còn 5/16 khoản thu không đạt dự toán, cụ thể như sau:

- Thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 71,5% dự toán. Nguyên nhân khoản thu không đạt dự toán là do nguồn thu từ hoạt động sản xuất xi măng, xây dựng phát sinh thấp do kinh doanh không hiệu quả, tình hình tài chính một số doanh nghiệp khó khăn nên việc thu hồi nợ đọng thuế chậm.

- Thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 95,4% dự toán, bằng 96,48% so năm 2015. Nguyên nhân là do tình hình chuyển nhượng đất trong dân phát sinh thấp tại Phú Quốc, từ đó thuế thu nhập cá nhân từ chuyển quyền sử dụng đất giảm.

- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 91,1% dự toán, bằng 68,87% so năm 2015. Nguyên nhân do thực hiện miễn, giảm thuế trên địa bàn thị xã Hà Tiên (theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ) và do thay đổi cơ chế chính sách, cơ quan thuế sẽ không thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của các hộ từ 50.000 đồng trở xuống.

- Thu cấp tiền khai thác khoáng sản đạt 44,6% dự toán, tăng 6,97% so năm 2015. Nguyên nhân không đạt dự toán là do các doanh nghiệp chỉ nộp thuế theo sản lượng khoáng sản thực tế khai thác.

- Thu khác ngân sách đạt 93,4% so với dự toán, bằng 92,77% so năm 2015.

b) Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 134.195 triệu đồng, đạt 111,8% so dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao đầu năm và đạt 125,2% so với thực hiện năm 2015, trong đó:

- Thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu và thu khác: 16.246 triệu đồng, đạt 162,5% so dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao đầu năm, tăng 7,48% so với thực hiện năm trước;

- Thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu: 117.949 triệu đồng, đạt 107% dự toán Trung ương và HĐND tỉnh giao đầu năm, tăng 28% so với thực hiện năm trước.

Nguyên nhân vượt dự toán là do phát sinh chủ yếu từ các dự án đầu tư nhập khẩu tạo tài sản cố định các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc.

c) Thu quản lý qua ngân sách: 1.266.323 triệu đồng, bao gồm: Học phí 75.522 triệu đồng, thu hoạt động xổ số kiến thiết là 1.150.000 triệu đồng, thu từ các lĩnh vực khác là 40.801 triệu đồng.

d) Thu viện trợ không hoàn lại là 8.072 triệu đồng.

1.2. Về thu ngân sách địa phương được hưởng

Tổng thu ngân sách địa phương được hưởng là 16.826.401 triệu đồng, bao gồm:

+ Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp: 6.436.422 triệu đồng.

+ Thu kết dư năm trước : 1.088.434 triệu đồng.

+ Thu huy động đầu tư (thu vay) : 60.000 triệu đồng.

+ Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương : 4.921.354 triệu đồng.

+ Thu chuyển nguồn từ năm 2015 chuyển sang : 3.018.530 triệu đồng.

+ Thu từ ngân sách cấp dưới nộp lên : 27.266 triệu đồng.

+ Thu viện trợ không hoàn lại : 8.072 triệu đồng.

+ Các khoản thu quản lý qua ngân sách : 1.266.323 triệu đồng.

2. VỀ CHI NGÂN SÁCH

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2016 là 14.996.556 triệu đồng, đạt 140,36% so dự toán HĐND tỉnh giao. Nếu loại trừ số chi chuyển nguồn sang năm sau thực hiện thì tổng chi ngân sách địa phương là 11.385.874 triệu đồng, đạt 106,56% so dự toán. Cụ thể như sau:

2.1. Chi cân đối ngân sách năm 2016 là 11.358.608 triệu đồng, đạt 106,31% so dự toán HĐND tỉnh giao. Gồm các khoản chi:

- Chi xây dựng cơ bản: 3.209.367 triệu đồng, đạt 104,05% so dự toán (tính cả số chuyển nguồn vốn xây dựng cơ bản năm trước sang), chiếm 21,4% trong tổng chi ngân sách ngân sách địa phương. Nguyên nhân chi vượt dự toán chủ yếu là do tăng chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê (phát sinh tăng ghi chi), tăng chi đầu tư từ nguồn kết dư vốn xây dựng cơ bản năm 2015 và tăng chi đầu tư từ nguồn thu tiền bán đấu giá nhà, đất.

- Chi thường xuyên: 7.003.430 triệu đồng, đạt 119,75% dự toán của HĐND tỉnh giao, tăng 2,37% so năm 2015.

Trong tổng chi thường xuyên năm 2016, nhiều khoản chi vượt dự toán như: Chi quốc phòng – an ninh 233.141 triệu đồng, đạt 153,67%; chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề 2.614.611 triệu đồng, đạt 104,44%; chi sự nghiệp y tế 914.919 triệu đồng, đạt 145,32%; chi sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục - thể thao và phát thanh truyền hình 110.960 triệu đồng, đạt 186,74%; chi đảm bảo xã hội 351.026 triệu đồng, đạt 187,91%; chi sự nghiệp kinh tế 907.358 triệu đồng, đạt 149,71%; chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể 1.531.223 triệu đồng, đạt 100,24%; chi khác ngân sách 188.391 triệu đồng, đạt 206,65%; chi sự nghiệp môi trường 125.734 triệu đồng, đạt 147,97% so dự toán.

Nguyên nhân tăng chi do trong năm thực hiện một số nhiệm vụ phát sinh như: Chi trả tiền lương tăng thêm theo quy định, các khoản phát sinh tăng chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp được Trung ương bổ sung có mục tiêu thực hiện một số nhiệm vụ mới phát sinh ngoài dự toán như: Kinh phí mua lúa giống hỗ trợ nông dân sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2012 là 16,8 tỷ đồng; kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập vụ Đông Xuân năm 2015-2016 là 41,5 tỷ; kinh phí thực hiện chính sách phát triển thủy sản 42,1 tỷ; kinh phí thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc gia đình nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình năm 2015 là 58,8 tỷ; kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu y tế và dân số 6,7 tỷ; kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp đặc thù trong các cơ sở y tế công lập năm 2014 là 27,2 tỷ; kinh phí bầu cử là 28,6 tỷ; kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế 19,4 tỷ; kinh phí thực hiện chính sách bù lỗ giá điện 43,7 tỷ; kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội năm 2015 là 35 tỷ,… Đồng thời tăng chi từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương để thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán.

Bên cạnh đó, còn khoản chi không đạt dự toán là chi khoa học công nghệ 7.346 triệu đồng, bằng 97,3% dự toán HĐND tỉnh. Nguyên nhân chi không đạt dự toán chủ yếu là một số chương trình, dự án triển khai chậm trong năm nên chuyển nguồn sang năm sau tiếp tục thực hiện.

- Các khoản chi quản lý qua ngân sách: 1.108.067 triệu đồng, đạt 87,94% so dự toán và bằng 71,3% so với thực hiện năm 2015, bao gồm: Chi đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết 1.031.031 triệu đồng; chi từ nguồn thu các lĩnh vực khác là 1.514 triệu đồng; ghi chi học phí là 75.522 triệu đồng.

- Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính: 1.040 triệu đồng bằng 100% dự toán.

- Các khoản chi sự nghiệp cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 36.704 triệu đồng, đạt 150,31% so dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao (số quyết toán bao gồm vốn chuyển nguồn năm trước sang, nếu so sánh với dự toán tính cả số chuyển nguồn thì đạt 92,9%).

2.2. Chi chuyển nguồn 3.610.682 triệu đồng, gồm: Ngân sách tỉnh 2.213.229 triệu đồng; ngân sách cấp huyện 1.303.912 triệu đồng; ngân sách cấp xã 93.541 triệu đồng.

Trong đó chi chuyển nguồn ngân sách cấp tỉnh chủ yếu các nội dung như sau: Vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu 139.651 triệu đồng (trong đó: Kinh phí hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ là 19.353 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ là 45.853 triệu đồng; kinh phí cấp bù miễn giảm học phí theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ là 27.793 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ tiền ăn trưa trẻ em từ 3 đến 5 tuổi là 21.121 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ tiền điện hộ nghèo là 6.287 triệu đồng; kinh phí trợ giá điện là 7.653 triệu đồng...); nguồn thực hiện cải cách tiền lương là 251.940 triệu đồng; nguồn 50% tăng thu là 128.117 triệu đồng; vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 895.608 triệu đồng (trong đó: Tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi 686.531 triệu đồng; số dư dự toán xét chuyển là 209.077 triệu đồng); nguồn thu tiền sử dụng đất là 327.388 triệu đồng; kinh phí trợ giá nhu yếu phẩm biển đảo là 15.000 triệu đồng; dự phòng ngân sách là 53.134 triệu đồng; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và khai thác khoáng sản là 82.379 triệu đồng; kinh phí huy động, đóng góp là 21.599 triệu đồng,...

Đối với ngân sách cấp huyện, số chi chuyển nguồn lớn chủ yếu là chuyển nguồn số thu tiền sử dụng đất, nguồn thực hiện cải cách tiền lương; nguồn 50% tăng thu thực hiện năm 2016; vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã thanh toán nhưng chưa đủ điều kiện quyết toán trong năm; nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu từ tỉnh về cho huyện. Đối với ngân sách cấp xã, chi chuyển nguồn chủ yếu là chuyển nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nguồn 50% tăng thu thực hiện năm 2016.

2.3. Các khoản chi từ ngân sách cấp dưới nộp lên 27.266 triệu đồng.

II. CÂN ĐỐI THU CHI NGÂN SÁCH NĂM 2016

1. Tổng thu ngân sách địa phương được hưởng là 16.826.401 triệu đồng.

2. Tổng chi ngân sách địa phương 14.996.556 triệu đồng.

3. Cân đối ngân sách: Ngân sách kết dư cuối năm 2016 là 1.829.845 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách tỉnh : 261.854 triệu đồng.

- Ngân sách cấp huyện : 1.349.141 triệu đồng.

- Ngân sách cấp xã : 218.850 triệu đồng.

Số kết dư ngân sách tỉnh chủ yếu là nguồn hủy dự toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp cấp tỉnh. Ngân sách huyện kết dư chủ yếu là nguồn tăng thu ngân sách huyện, nguồn xây dựng cơ bản chưa giải ngân theo dự toán trong năm, nguồn hủy dự toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn sự nghiệp (trong đó ngân sách huyện Phú Quốc kết dư 1.179 tỷ đồng). Đối với ngân sách cấp xã kết dư chủ yếu là nguồn tăng thu ngân sách xã được hưởng theo phân cấp so dự toán và nguồn thực hiện cải cách tiền lương (trong đó các xã của Phú Quốc kết dư 163 tỷ đồng).

Trên đây là báo cáo quyết toán ngân sách năm 2016. Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét./.