Nghị quyết 89/NQ-HĐND năm 2013 về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 89/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Trần Văn Tư
Ngày ban hành: 18/09/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 89/NQ-HĐND

Đồng Nai, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH ĐỒNG NAI THỜI KỲ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 30/10/2012 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2011 - 2015) tỉnh Đồng Nai;

Căn cứ Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng về ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 7265/TTr-UBND ngày 06/9/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh, ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại tổ, tại kỳ họp và nội dung giải trình của Lãnh đạo UBND tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung cụ thể, thống nhất như đồ án (Đính kèm đồ án).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo đúng quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ, Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng và các văn bản khác để hoàn chỉnh đề án, trong đó, chú trọng đến việc phát triển mô hình sinh thái, nông nghiệp, nông thôn xanh, đô thị sinh thái, công nghiệp xanh… Thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi triển khai thực hiện quy hoạch.

2. Giao UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định pháp luật triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (tiến hành phê duyệt, công bố quy hoạch và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật). Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, UBND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh xem xét giải quyết và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 18/9/2013./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trần Văn Tư

 

Phần I:

PHẦN MỞ ĐẦU

I.1. Sự cần thiết lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai:

I.1.1. Tổng quan về tỉnh Đồng Nai.

Đồng Nai là tỉnh vừa nằm ở khu vực Đông Nam bộ, vừa thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (KTTĐPN) và vùng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM); Diện tích tự nhiên 5.907,236 km2 chiếm khoảng 1,8% diện tích của cả nước và 19,43% diện tích của vùng TP. Hồ Chí Minh (vùng KTTĐPN). Bao gồm 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: Thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Long Thành, Nhơn Trạch; Trong đó thành phố Biên Hòa là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội của tỉnh. Dân số toàn tỉnh năm 2011 là 2.665.079 người với 40 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn.

Đồng Nai tiếp giáp với 5 tỉnh, thành phố : Phía Tây giáp với thành phố Hồ Chí Minh. Phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận và phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng. Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước và Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương.

Tỉnh Đồng Nai nằm trên các trục đường giao thông quan trọng như: tuyến đường sắt Bắc-Nam. Đường bộ QL1 - 1k, QL 20 nối với Tây Nguyên, QL 51 và QL 56 nối với Bà Rịa - Vũng Tàu; Đường thủy sông Đồng Nai, gần cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đồng Nai có lợi thế phát triển giao lưu thương với cả nước và quốc tế.

I.1.2. Lý do lập quy hoạch xây dựng vùng.

1. Trong thời gian qua các chiến lược phát triển của Quốc gia, các ngành tác động lên vai trò vị thế mới và định hướng không gian vùng tỉnh Đồng Nai do vậy cần phải quy hoạch để kết nối và phù hợp với các chiến lược này đó là :

- Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020.

- Quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2025 và vùng Tây Nguyên.

- Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, TP. Biên Hòa - TP. Vũng Tàu, đường vành đai 3, vành đai 4, đường TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt. Dự án phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam - Xuyên Á - Vũng Tàu, Sân bay Quốc tế Long Thành, Cảng trung chuyển Quốc tế Cái Mép - Vũng Tàu.

2. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai nhằm phát huy vai trò, vị thế mới của tỉnh, khai thác tiềm năng lợi thế trong vùng TP. Hồ Chí Minh :

- Vị trí địa lý kinh tế chính trị.

- Đầu mối hạ tầng kỹ thuật kết nối với quốc tế và các vùng Quốc gia.

- Tiềm năng tự nhiên và nhân văn, tiềm năng nguồn nhân lực.

Khắc phục các tồn tại bất cập hiện nay :

- Thiếu tính kết nối và liên kết vùng. Chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.

- Hạ tầng xã hội, kỹ thuật phát triển chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Cạnh tranh kêu gọi đầu tư.

- Nguồn nhân lực chất lượng cao.

3. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu tích hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác. Đáp ứng yêu cầu liên kết vùng.

- Đáp ứng yêu cầu tích hợp đa ngành.

- Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

- Phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

4. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đáp ứng yêu cầu liên kết không gian toàn vùng và kiểm soát phát triển, công cụ để chỉ đạo phát triển các ngành và thu hút đầu tư.

5. Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai nhằm đáp ứng yêu cầu biến đổi khí hậu.

I.2. Các căn cứ lập quy hoạch:

I.2.1. Căn cứ pháp lý.

- Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc Hội khóa XI.

- Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ ban hành về quy hoạch xây dựng.

- Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/04/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.

- Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/03/2008 Ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với Nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch Xây dựng.

- Nghị quyết 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Quyết định 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.

- Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh.

- Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/04/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 20/05/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Nghị quyết số 05/NQ-CP ngày 5 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Thành để mở rộng địa giới hành chính TP. Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai.

- Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

- Quyết định số 3582/QĐ-TTg ngày 03/06/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 về việc phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020.

- Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13/08/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

- Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 20/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020.

- Quyết định số 67/QĐ.CT.UBT ngày 07/1/2003 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

- Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 30/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015).

- Quyết định số 2766/QĐ-UBND ngày 21/10/2010 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Công văn số 521/SXD-QLQH ngày 06/04/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc đề nghị chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung đồ án quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa.

- Thông báo số 4137/TB-UBND ngày 11/06/2012 của UBND tỉnh Đồng Nai về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tại buổi làm việc về Quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai và Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa.

- Biên bản số 44/BB-SXD ngày 29/06/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc thông qua hồ sơ quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Công văn số 1923/SXD-QLQH ngày 12/10/2012 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc tổng hợp ý kiến góp ý của các Sở, ngành liên quan và địa phương vào hồ sơ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Công văn số 3474/UBND-CNN ngày 08/05/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch Vùng tỉnh Đồng Nai và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa theo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

- Báo cáo số 153/BC-SXD ngày 31/07/2013 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam góp ý thẩm định hồ sơ Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng thành phố Biên Hòa giai đoạn 2010 – 2030, tầm nhìn đến 2050.

- Công văn số 166/SXD-QLQH ngày 16/08/2013 của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai về việc hoàn chỉnh hồ sơ chuẩn bị báo cáo HĐND tỉnh về Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai.

- Thông báo số 77/BB-HĐTĐ ngày 20/08/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Hội đồng thẩm định Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Công văn số 2338-CV/VPTU ngày 20/08/2013 của Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai về việc trích Biên bản số 83-BB/TU ngày 15/08/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận chỉ đạo đồ án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Công văn số 6165/BKHĐT-QLQH ngày 22/08/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với Tờ trình và dự thảo nghị quyết về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 18/09/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai về quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai thời kỳ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

- Các Công văn góp ý của các Sở, ngành và địa phương về đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quy chuẩn xây dựng Việt Nam của Bộ Xây dựng năm 2008.

- Niên giám Thống kê năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011 của tỉnh Đồng Nai.

- Bản đồ địa hình tỷ lệ 1/ 500.000, 1/250.000, 1/100.000, 1/50.000 và 1/25.000.

I.2.2. Cơ sở nghiên cứu.

- Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

- Các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh Đồng Nai: Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch; Thương mại – dịch vụ; Giao thông, Công nghiệp, Nông nghiệp, Cấp điện, cấp thoát nước, Thủy lợi; Vệ sinh môi trường; Các tài liệu, số liệu về điều tra cơ bản, các sơ đồ và đồ án quy hoạch có liên quan.

- Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2050 của tỉnh Đồng Nai.

- Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho tỉnh Đồng Nai đến năm 2100.

- Bản đồ không ảnh vùng nghiên cứu quy hoạch và vùng liên quan trực tiếp.

I.3. Mục tiêu và nhiệm vụ đồ án :

I.3.1. Quan điểm lập đồ án :

- Tiếp cận chiến lược phát triển mới. Phương pháp luận mới. Sử dụng các công cụ phân tích.

- Xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược, gắn với đa ngành, phát triển toàn diện và cân bằng.

I.3.2. Mục tiêu:

- Cụ thể hóa quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh và quy hoạch kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

- Tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Định hướng phát triển không gian toàn vùng đến năm 2050 bao gồm : không gian xây dựng đô thị, dân cư nông thôn theo hướng gắn kết hài hòa với không gian công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

- Làm cơ sở để chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền trong việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng chuyên ngành, lập các chương trình đầu tư và hoạch định các chính sách phát triển.

- Làm công cụ quản lý phát triển kiểm soát không gian toàn vùng. Tạo cơ hội đầu tư ổn định và bền vững.

I.3.3. Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng tỉnh:

- Đánh giá các đặc điểm tự nhiên, các tiềm năng lợi thế. Đánh giá các khó khăn tồn tại, bất cập, xác định các vấn đề và các giải pháp về phát triển không gian vùng trong mối quan hệ liên vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên.

- Xác định bối cảnh phát triển tương lai của quốc tế, Quốc gia và các vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia. Xác định vai trò và vị thế của vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh. Đánh giá tiềm năng và động lực phát triển vùng.

- Đề xuất tính chất của vùng, các dự báo phát triển, các chỉ tiêu quy hoạch

- Đề xuất mô hình phát triển vùng trên cơ sở đề xuất cấu trúc không gian toàn vùng xác định tầm nhìn, các mục tiêu chiến lược hướng tới tầm nhìn.

- Đề xuất phân bố các vùng chức năng: phân vùng kinh tế, phân bố vùng phát triển đô thị, vùng công nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp, vùng du lịch và vùng cảnh quan không gian mở.

- Đề xuất định hướng tổ chức không gian toàn vùng.

- Đề xuất định hướng hạ tầng xã hội. Đề xuất định hướng hạ tầng kỹ thuật. Đánh giá tác động môi trường chiến lược.

- Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

I.4. Phạm vi nghiên cứu :

I.4.1. Phạm vi nghiên cứu mở rộng:

Phạm vi nghiên cứu mở rộng bao gồm vùng TP. Hồ Chí Minh, Vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên, vùng Quốc gia, vùng ASEAN.

Hình 1 - Phạm vi nghiên cứu mở rộng trong vùng ASEAN

Hình 2 - Phạm vi nghiên cứu mở rộng trong vùng Mêkông mở rộng

Hình 3 – Phạm vi nghiên cứu mở rộng trong vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

I.4.2. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp :

Phạm vi lập quy hoạch trong phạm vi ranh giới toàn tỉnh Đồng Nai (bao gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú). Tổng diện tích tự nhiên 5.907,236 km2, Quy mô dân số năm 2011 là 2.665.079 người, mật độ dân số là 451 người/km2.

Hình 4 - Phạm vi nghiên cứu trực tiếp

I.4.3. Giai đoạn quy hoạch xây dựng vùng:

Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai theo giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phần II:

ĐÁNH GIÁ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, HIỆN TRẠNG VÀ CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN VÙNG

II.1. Phân tích đánh giá các đặc điểm tự nhiên :

II.1.1. Vị trí địa lý:

Tỉnh Đồng Nai thuộc vùng TP. Hồ Chí Minh, cửa ngõ ba vùng kinh tế Quốc gia. Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 30 km, cách TP. Vũng Tàu 90 km, cách TP. Đà Lạt 270 km. Và nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế, Quốc gia: đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56, quốc lộ 1K, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải.

Tỉnh Đồng Nai (bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện) : có tọa độ địa lý : 10o31'17'' đến 11o34'49'' vĩ độ Bắc và 106o41'45'' đến 107o34'50'' kinh độ Đông.

- Phía Đông và Đông Bắc: giáp tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng;

- Phía Tây và Tây Nam: giáp tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh;

- Phía Nam: giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

- Phía Bắc và Tây Bắc : giáp tỉnh Bình Phước.

Hình 5 - Vị trí địa lý vùng tỉnh Đồng Nai

II.1.2. Khí hậu:

Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt với nền nhiệt độ cao đều quanh năm, thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp.

a) Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình trong năm 25,9 oC, trung bình năm cao nhất 27,3oC, trung bình năm thấp nhất 24,3oC.

b) Mưa:

Mùa mưa tập trung vào tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa bình quân từ 114 - 149 mm, tổng lượng mưa là 1.800 - 2.508 mm/năm. Lượng mưa lớn, phân bố theo vùng và theo mùa đã chi phối mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh, gây nên tình trạng ngập úng cục bộ ở một số vùng có địa hình thấp và vùng ven sông như một số xã huyện Tân Phú (Đắc Lua, Tà Lài, Núi Tượng, Nam Cát Tiên, Phú Thanh, Phú Điền, Phú Bình,…).

c) Nắng :

Số giờ nắng trong năm bình quân là 2.179 giờ. Số giờ nắng trong ngày bình quân là 6,5 - 7 giờ, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

d) Độ ẩm: Độ ẩm không khí trung bình là 81 - 855, tháng 8, 9 và nửa đầu tháng 10 là thời kỳ có độ ẩm cao nhất.

e) Chế độ gió: Hàng năm có 2 loại gió chính có ảnh hưởng đến khí hậu tỉnh là:

- Gió mùa Đông Bắc: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

- Gió mùa Tây Nam: Từ tháng 5 đến tháng 10.

f) Bão - áp thấp nhiệt đới:

Thời gian gần đây, lượng mưa trung bình của tỉnh đã tăng khá nhanh. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy đổ bộ và có ảnh hưởng đến Đồng Nai có xu hướng gia tăng gây lũ lụt, sạt lở đất ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

II.1.3. Đặc điểm địa hình, địa chất thủy văn

a) Đặc điểm địa hình:

Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Cao nguyên và Duyên hải nên tỉnh có địa hình vùng đồng bằng và bình nguyên, có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam. Địa hình của tỉnh được phân thành 3 dạng chính sau:

- Dạng địa hình núi thấp: gồm các núi rải rác có độ cao thay đổi từ 200 - 700m, độ dốc khoảng 20 - 30o, chiếm khoảng 8% diện tích tự nhiên; tập trung chủ yếu ở các huyện phía Bắc của tỉnh như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc.

- Dạng địa hình lượn sóng: chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh (80%), bao gồm những đồi đất bazalt và đồi phù sa cổ, địa hình đồi rất bằng phẳng, độ dốc chỉ dao động từ 3 - 8o, độ cao thay đổi từ 20 - 150m; phân bố tập trung ở TX. Long Khánh, huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và rải rác ở một số huyện khác trong tỉnh.

- Dạng địa hình đồng bằng: chiếm khoảng 12% diện tích tự nhiên, có độ cao dưới 20m, độ dốc <3o, phân bố ở hầu hết các huyện, trong đó tập trung nhiều ở huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Thành và thành phố Biên Hòa.

Nhìn chung địa hình của tỉnh tương đối bằng phẳng, phần diện tích có độ dốc lớn trên 15o chỉ chiếm 8%, còn lại có độ dốc dưới 15o và phân bố tập trung, hình thành các tiểu vùng địa hình, thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, hình thành các vùng cây chuyên canh, phù hợp với điều kiện địa hình, đất đai của tỉnh.

(Nguồn: Quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2011 - 2015).

Hình 6: Sơ đồ phân tích địa hình.

b) Địa chất thủy văn.

Hệ thống sông ngòi của tỉnh có thể chia thành 2 thủy vực lớn là hệ thống sông Đồng Nai và hệ thống các sông ngắn đổ trực tiếp ra biển Đông.

- Hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh nhỏ hẹp, tốc độ dòng chảy lớn dẫn đến khả năng bồi lắng phù sa và cung cấp nước cho sản xuất nông - lâm nghiệp kém. Mặt khác, do ảnh hưởng mưa theo mùa nên thường gặp lũ trong mùa mưa (vào các tháng 7,8,9,10) và thiếu nước trong mùa khô.

- Chế độ thủy văn của tỉnh phân hóa theo mùa và theo chế độ thủy triều:

+ Mùa khô lưu lượng nước các sông thấp, chiếm khoảng 20% tổng lượng nước trong năm (hồ Trị An 19%; sông Tà Lài 19%; sông Buông 20%; sông Ray 21%) nên khả năng cung cấp nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân bị hạn chế. Mùa mưa, mực nước các sông dâng cao chiếm khoảng 80% lượng dòng chảy cả năm (hồ Trị An 81%; sông Buông 80%), các đợt mưa lớn kéo dài gây tình trạng ngập úng ở một số xã thuộc huyện Tân Phú, Long Thành, Xuân Lộc và một số khu vực ven sông.

+ Chế độ thủy triều của vùng cửa sông Đồng Nai là chế độ bán nhật triều, trước khi có đập thủy điện Trị An, mực nước thủy triều ảnh hưởng tới hạ lưu cầu Đồng Nai, có năm lên tới Biên Hòa. Tuy nhiên sau khi có đập Trị An thì mức độ ảnh hưởng của thủy triều đã giảm xuống, lượng nước trong mùa khô tăng và trong mùa mưa giảm, nhờ lượng nước tăng trong mùa khô đã làm giảm đáng kể sự xâm nhập mặn, thuận lợi cho việc tăng diện tích sản xuất lúa vùng hạ lưu sông Đồng Nai.

Hình 7 : Sơ đồ phân tích thủy văn.

c)Kịch bản biến đổi khí hậu :

- Theo dự án “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho tỉnh Đồng Nai đến năm 2100”, có 3 kịch bản về nhiệt độ trung bình khu vực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 – 2100 bao gồm : kịch bản phát thải thấp (B1), phát thải trung bình (B2) và phát thải cao (A1F1), trong đó nhiệt độ của tỉnh tăng đều qua các năm.

Bảng 1: Nhiệt độ trung bình (oC) khu vực tỉnh Đồng Nai qua các kịch bản

Kịch bản

2020

2030

2050

2070

2100

B1

26,54

26,72

27,11

27,49

27,79

B2

26,55

26,76

27,45

28,00

28,48

A1F1

26,57

26,87

27,78

28,90

30,21

- Kịch bản về lượng mưa: lượng mưa trung bình tăng dần qua các giai đoạn và theo kịch bản phát thải. Lượng mưa trung bình năm ở khu vực tỉnh Đồng Nai trong các kịch bản có xu thế thấp ở vùng nằm sau trong nội địa. Từ năm 2020 đến 2100, lượng mưa tăng dần về phía đất liền.

Bảng 2: Lượng mưa trung bình (mm) qua các kịch bản ở khu vực tỉnh Đồng Nai

Năm

Kịch bản

2020

2030

2050

2070

2100

B1

2233

2244

2265

2286

2302

B2

2234

2250

2285

2320

2340

A1F1

2236

2252

2301

2363

2434

 

Hình 8 : Sơ đồ phân bố lượng mưa trung bình tỉnh Đồng Nai năm 2020 và 2050 theo Kịch bản phát thải cao (A1F1)

- Ngập lụt: các khu vực bị ngập chính là huyện Nhơn Trạch, một phần huyện Long Thành và TP. Biên Hòa, ngoài ra còn có một phần nhỏ ở huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom. Tỷ lệ diện tích ngập ở toàn bộ các kịch bản theo các năm dao động trong khoảng 1,56 - 1,68% tương ứng với diện tích ngập khoảng 92,21 - 99,09 km2. Nước biển dâng gây ngập lụt nhiều diện tích đất sản xuất, giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người dân sinh sống tại các địa phương dễ chịu tác động của BĐKH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, BĐKH cũng đe dọa đến hệ thống cảng của tỉnh do mưa, lũ bất thường gây sạt lở đất, thiên tai phá hỏng hạ tầng.

- Xâm nhập mặn : biên mặn lấn sâu vào đất liền, các khu vực có khả năng xâm nhập mặn cao ở xã Phước An (Nhơn Trạch), xã Phước Bình (Long Thành). Độ mặn tăng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và vùng nuôi trồng thủy sản, làm giảm năng suất và hạn chế một số loại thủy sản trong tự nhiên. Trong trường hợp xấu nhất, ranh giới mặn 2‰ tiến sâu khoảng 25 km, ranh giới mặn 4‰ tiến sâu hơn 30 km. Diện tích nước mặt nhiễm mặn 2‰ ở năm 2020 khoảng 68 - 69 km2 tùy theo các kịch bản, đến năm 2100 khoảng 77 - 80 km2.

- Biến đổi khí hậu và nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ đến vùng tỉnh Đồng Nai :

+ Tài nguyên nước : các khu vực sông nhạy cảm với BĐKH như: sông Đồng Nai khu vực hợp lưu sông Bé - sông Đồng Nai, khu vực chảy qua thành phố Biên Hòa và sông Thị Vải. Các khu vực cạn kiệt nước vào mùa khô như suối Rết, suối Lức ở huyện Cẩm Mỹ, suối Gia Huynh ở huyện Xuân Lộc. Tình hình ngập lụt và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho khu vực huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa.

+ Tài nguyên đất :

§ Diện tích đất có nguy cơ ảnh hưởng bởi ngập mặn đến năm 2020 là 76,27km2. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20,76 km2 (chiếm 0,44% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh), đất phi nông nghiệp là 42,66km2 (chiếm 3,52% diện tích đất phi nông nghiệp toàn tỉnh). Diện tích đất bị ngập mặn thuộc huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa. Trong đó huyện Long Thành có diện tích đất chịu ảnh hưởng lớn nhất (31,5km2) và ít nhất là huyện Trảng Bom (3,87km2).

§ Các loại đất phù sa, đất Gley, đất cát ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu và TP. Biên Hòa sẽ bị ảnh hưởng của mặn hóa. Đất phù sa phèn, gley phèn tại khu vực bằng phẳng, thấp trũng bị tác động do ngập và phèn hóa.

+ Tài nguyên khoáng sản : 7 mỏ khoáng sản ở Vĩnh Cửu, Biên Hòa bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Một số vùng triển vọng đá xây dựng tại Biên Hòa, sét gạch ngói tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, than bùn, cát xây dựng tại Biên Hòa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

+ Kinh tế xã hội : 43% người dân sinh sống trong khu vực thường xuyên bị hạn hán chủ yếu tại xã Thiện Tân, Mã Đà (Vĩnh Cửu), Lang Minh, 39% người dân (chủ yếu là nông dân) trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng do ngập lụt tập trung tại xã Phước Khánh (Nhơn Trạch) và xã Phước Thái (Long Thành). Cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch và một phần huyện Vĩnh Cửu bị ảnh hưởng do tác động của BĐKH, trong đó có các bệnh viện, trạm y tế, làm giảm chất lượng phục vụ sức khỏe cộng đồng.

+ Xử lý CTR : các bãi rác xã Phước Tân (Biên Hòa), Đồng Mu Rùa (xã Phước An – Nhơn Trạch), 02 bãi rác tạm ở xã Bắc Sơn, Bình Minh (huyện Trảng Bom) có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Tuy trong tương lai các bãi rác tạm này sẽ đóng cửa nhưng vẫn cần tạo tường chắn, xây đê cao,…. Đối với các khu xử lý CTR quy hoạch đến năm 2020, chỉ có khu xử lý CTR xã Vĩnh Tân (Vĩnh Cửu) quy mô 81 ha nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập, có độ sâu mực nước rất cao so với các vị trí khác trong tỉnh.

+ Đa dạng sinh học: BĐKH và nước biển dâng không gây tác động tiêu cực đến sự đa dạng sinh học của Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, vườn Quốc gia Cát Tiên, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu về sinh kế của người dân ở khu vực xung quanh vườn Quốc gia, khu bảo tồn, rừng đặc dụng có thể sẽ gây ra các biến động về đa dạng sinh học của các khu vực này.

+ Thiên tai: Gia tăng cường độ ngập lụt do nước biển dâng tại Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch; cường độ ngập lụt, lũ quét do mưa lớn tại Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc.

+ Cơ cấu cây trồng, vật nuôi và vụ mùa có thể bị thay đổi ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

+ Nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ cháy rừng, các loại bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm.

+ Chi phí gia tăng cho việc làm mát, thông gió, bảo quản và vận hành thiết bị, phương tiện, sức bền vật liệu, v.v….

II.1.4. Các tài nguyên tự nhiên và nhân văn:

a) Tài nguyên nước:

- Nguồn nước mặt:

Có nguồn nước mặt rất phong phú, được cung cấp bởi hệ thống sông suối chính là sông Đồng Nai; sông La Ngà; sông Lá Buông; sông Ray; sông Xoài và sông Thị Vải…, lưu lượng nước phụ thuộc theo mùa, thường tập trung lớn trong mùa mưa, ở mùa khô lượng nước chỉ còn khoảng 20% tổng lượng nước trong năm. Chính vì vậy, cần phải đầu tư xây dựng các công trình hồ, đập chứa nước để điều phối lượng nước cung cấp trong mùa khô.

Mật độ sông suối của tỉnh khoảng 0,5 km/km2 nhưng phân phối không đều. Phần lớn sông suối tập trung ở phía Bắc và dọc theo sông Đồng Nai về hướng Tây Nam. Tổng lượng nước dồi dào 16,82 tỷ m3/năm, trong đó mùa mưa chiếm 80%, mùa khô chiếm 20%.

+ Sông Đồng Nai: chảy vào tỉnh Đồng Nai ở bậc địa hình thứ 3 và là vùng trung lưu của sông. Đoạn từ ranh giới Đồng Nai - Lâm Đồng đến cửa sông Bé Tân Uyên sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Địa hình lưu vực đoạn trung lưu từ 100 - 300m, đoạn từ Tà Lài đến Trị An có nhiều thác ghềnh. Đoạn sau Trị An sông chảy êm đềm, lòng sông mở rộng và sâu. Các phụ lưu lớn của sông Đồng Nai có sông La Ngà, Sông Bé.

+ Sông La Ngà: Đoạn chảy trong tỉnh khá hẹp, khúc khuỷu, nhiều ghềnh thác, có nhiều nhánh đổ vào, điển hình là suối Gia Huynh và suối Tam Bung. Suối Gia Huynh có lưu vực 135 km2, bắt nguồn từ vùng Quốc lộ 1, ranh giới Đồng Nai - Bình Thuận. Suối Tam Bung có diện tích lưu vực 155 km2, bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Xuân Lộc. Sông La Ngà đổ vào hồ Trị An khoảng 4,5 tỷ m3/năm, chiếm 1/3 tổng lượng nước hồ.

+ Sông Buông: bắt nguồn từ phía Tây cao nguyên Xuân Lộc, chảy theo hướng từ Đông sang Tây, dài khoảng 40 km, có lượng nước dồi dào so với các sông nhỏ trong tỉnh với tổng lượng nước trung bình 0,23 tỷ m3/năm.

+ Sông Ray: lưu vực sông chiếm gần 1/3 diện tích phía Nam của tỉnh. Sông bắt nguồn từ phía Nam, Đông Nam cao nguyên Xuân Lộc, đổ thẳng ra biển, chảy theo hướng Bắc Nam, độ dốc lưu vực khá lớn, nếu không có đập chặn giữ thì mùa khô thường cạn kiệt nước. Tổng lượng nước sông là 0,634 tỷ m3/năm trong đó mùa mưa chiếm 79%. Sông Ray nếu được sử dụng hợp lý có thể giải quyết vấn đề khô cạn cho vùng Đông Nam của tỉnh.

+ Sông Thị Vải: thuộc vùng phía Tây Nam của tỉnh, bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc và đổ thẳng ra biển. Sông Thị Vải ở phía thượng lưu gồm các suối nhỏ và dốc, phần hạ lưu (phía dưới Quốc lộ 51 đi Vũng Tàu) là sông nước mặn, lòng sông mở rộng.

Tỉnh Đồng Nai có nhiều công trình hồ và đập chứa nước, trong đó đáng chú ý là Hồ Trị An không chỉ cung cấp nước, năng lượng thủy điện mà còn quyết định đến chế độ thủy văn và cân bằng hệ sinh thái của vùng. Ngoài ra còn có hồ Sông Mây, hồ Đa Tôn, đập Suối Cả, Suối Vọng,… cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

- Nguồn nước ngầm :

Nguồn nước ngầm phong phú, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở phía Tây của tỉnh và thị xã Long Khánh, chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất.

- Phức hệ Holocen : chủ yếu ở khu vực Tây, Tây Nam tỉnh, dọc theo thung lũng sông Đồng Nai và sông La Ngà, lưu lượng nhỏ, khả năng chứa nước kém.

- Tầng chứa nước Pleistoxen: Từ Biên Hòa xuống Long Thành, khả năng khai thác trung bình. Ở phía Nam huyện Nhơn Trạch hầu hết nước bị nhiễm mặn.

- Tầng chứa nước Pliocen: phân bố ở Long Thành, Thống Nhất, tổng trữ lượng khá lớn, phân bố chủ yếu Vĩnh Cữu - Long Bình- Long Thành và Nhơn Trạch.

- Tầng chứa nước các thành tạo phun trào Bazan: Phân bố ở Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc và phía Đông Bắc huyện Thống Nhất, có khả năng khai thác ở quy mô vừa và nhỏ.

- Phức hệ nước trong tầng đá Mezozoi: Phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc, một số ít ở phía Đông và Đông Bắc, khả năng chứa nước rất hạn chế.

b) Tài nguyên khoáng sản:

Tài nguyên khoáng sản của tỉnh khá đa dạng, phong phú về chủng loại với 5 nhóm chính như than bùn, kim loại, không kim loại, đá quý, nước khoáng. Trong đó nguyên vật liệu xây dựng (đá, cát, sét, Laterit, Puzơlan) và nước khoáng là quan trọng nhất. Tuy nhiên việc khai thác khoáng sản cần có kế hoạch hợp lý để vừa đảm bảo nhu cầu hiện nay, vừa có thể khai thác lâu dài đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Hình 9 : Sơ đồ phân bố tài nguyên khoáng sản

- Vàng: chủ yếu ở phía Bắc tỉnh, có 17 mỏ, điểm quặng. Trong đó 2 mỏ ở Hiếu Liêm, Vĩnh An có triển vọng, còn lại là các điểm quặng khác như Suối Ty, Suối Nho, Tam Bung, Suối Sa Mách, lâm trường Vĩnh An, La Ngà, Hiếu Liêm.

- Nhôm (Quặng bauxit): 2 mỏ ở DaTapok (lâm trường Mã Đà) và lâm trường La Ngà, diện tích 1.120ha, nhưng đã thuộc vào vùng cấm (rừng Nam Cát Tiên) trên 2/3 diện tích. Trữ lượng ước đạt khoảng 450 triệu m3.

- Thiếc: hàm lượng thấp, tập trung ở núi Chứa Chan, Suối Rét, Suối Sao, sông Gia Ray. Chì kẽm đa kim ở núi Chứa Chan.

- Kao lin: 10 mỏ nhỏ, chủ yếu ở Phước Thiền, Hang Nai, Phước Thọ, Tam Hòa, Tân Phong, Bình Ý, Thạnh Phú.

- Sét màu: 9 điểm quặng ở Long Bình Tân, Xuân Khánh và Xuân Lộc.

- Đá vôi: 2 điểm ở Tân Phú, Suối Cát. Thạch anh mạch phân bố rải rác, phát hiện 1 điểm ở Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc).

- Đá xây dựng: 24 mỏ đang khai thác, tập trung ở Biên Hòa, Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, Định Quán, Nhơn Trạch, Xuân Lộc.

- Cát xây dựng chủ yếu trên sông Đồng Nai với trữ lượng khá lớn, ngoài ra còn có ở các sông suối nhỏ ở khu vực Định Quán, Tân Phú, lòng hồ Trị An. Cát san lấp ở Phước An (đồng Mu Rùa, gò Sim…), sông Nhà Bè, Đồng Tranh.

- Sét gạch ngói: chủ yếu ở Thiện Tân, Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Long An, Long Phước (huyện Long Thành), có thể khai thác hàng triệu m3/năm.

- Keramzit phân bố ở Đại An, Trị An với trữ lượng khoảng 8 triệu tấn; Puzolan ở Định Quán, Long Thành, Cây Gáo, Gia Kiệm, Vĩnh Tân; Laterit ở Vĩnh Cửu, Biên Hoà, Long Thành và Nhơn Trạch.

- Đá quý và báu quý: Quy mô nhỏ, bao gồm Ziricon (Gia Kiệm, Núi Lá, Tân Phong), Saphia (cầu La Ngà, phía Nam Tân Phong, Gia Kiệm), Pyrop-ziricon, Opan-canxedoan (núi Chứa Chan), Tecfic (Bắc Tà Lài).

- Nước khoáng: Phân bố ở Phú Lộc, Kay, Suối Nho, Tam Phước, Nhơn Trạch, phía Nam Thành Tuy Hạ, Nam Tuy Hạ.

c) Tài nguyên đất:

Tổng diện tích đất tự nhiên là 590.722,62 ha, có 10 nhóm đất chính, trong đó đất xám 234.867 ha (chiếm tỷ lệ lớn nhất là 39,76%), đất đen 131.604 ha (chiếm 22,28%), đất đỏ 95.389 ha (chiếm 16,15%), đất phù sa 27.929 ha (chiếm 4,73%), đất gley 26.758 ha (chiếm 4,53%),…

Đất xám phân bố ở Vĩnh Cửu, rải rác ở Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán và Biên Hòa, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng. Đất đen tập trung ở Xuân Lộc, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán thích hợp trồng các loại cây hằng năm. Đất đỏ chủ yếu ở Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất, Tân Phú, thích hợp trồng các cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đất phù sa ven sông Đồng Nai, đất Gley chủ yếu trồng lúa, rau, màu và các loại cây trồng khác. Đất nâu (chiếm 1,93%), đất tầng mỏng (chiếm 0,54%), đất đá bọt (chiếm 0,41%), đất cát, đất có tầng loang lổ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Diện tích đất có chất lượng chiếm khoảng 44% diện tích tự nhiên. Nhìn chung, các nhóm đất có chất lượng tốt, phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh trồng cây cao su, cà phê, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày (thuốc lá, bông vải,…).

d) Tài nguyên rừng :

Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng, tiêu biểu là hệ sinh thái rừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai. Diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh năm 2010 là 181.589 ha trong đó đất rừng là 167.881 ha, độ che phủ rừng là 27,4% diện tích tự nhiên, tập trung chủ yến ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch, Long Thành. Trong đó, rừng trồng là 56.247 ha, rừng tự nhiên là 111.634 ha, rừng tự nhiên tập trung phần lớn tại các địa phương như Định Quán, Vĩnh Cửu, Tân Phú và hiện tại do các đơn vị: Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Tổng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý.

Thảm thực vật tự nhiên rất phong phú. Động vật rừng đa dạng, mang tính chất đại diện cho hệ động vật vùng Đông Nam Á, tiêu biểu là tính hỗn hợp của khu vực Ấn Độ - Mã Lai, có những đặc trưng của một khu hệ động vật nhiệt đới với nhiều loại chim, thú quý hiếm thuộc nhiều loại, họ, bộ khác nhau. Chính vì vậy, khu vực rừng Cát Tiên đã được công nhận là một trong những khu bảo tồn Quốc gia về hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn các loại động thực vật quý hiếm trong cả nước.

Tháng 11/2011, Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu DTSQ thế giới trên cơ sở mở rộng khu DTSQ Cát Tiên. Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 5 tỉnh : Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông, trong đó chủ yếu ở Đồng Nai, bao gồm : Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai, Khu bảo tồn vùng nước ngập nội địa Trị An - Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu và Vườn Quốc gia Cát Tiên.

e) Tài nguyên nhân văn :

Đồng Nai là một vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, có nhiều di chỉ của nền văn hóa cổ của người Việt trong quá trình khai phá đất Nam Bộ.

Tài nguyên nhân văn đa dạng với nhiều di tích văn hóa lịch sử, công trình tôn giáo nổi tiếng như khu Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Thiền viện Linh Chiếu, Liễu Đức, Trúc Lâm, chùa Ông, khu di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch, khu di tích lịch sử Chiến khu D,… là những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Tài nguyên văn hóa phi vật thể khá phong phú như lễ hội Kỳ Yên, lễ Địa nàng - Bóng rỗi tại các miếu thờ Bà, lễ cúng thần Lúa của người Chơ ro, lễ hội đâm trâu của người Mạ,… Nghệ thuật văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc, các vùng miền như dân ca miền Bắc, miền Trung, quan họ, ca Huế, ví dặm, múa dân gian của người Chơ ro, hát kể “Tăm pớt”, văn hóa cồng chiêng của người Mạ; các nhạc cụ như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiềng đồng, khèn môi,… Các đặc sản, văn hóa ẩm thực như xôi chiên phồng, bánh cúng - bánh cấp, bánh canh đầu cá lóc, gỏi cá, gỏi bưởi, nem bưởi, lẩu tôm, bưởi Tân Triều,… mang đậm nét đặc trưng riêng của vùng đất Đồng Nai.

Hình 10 : Sơ đồ phân bố tài nguyên nhân văn

f) Tài nguyên du lịch sinh thái:

Đồng Nai là vùng có cảnh quan sinh thái phong phú đa dạng với các hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái rừng, hồ, các dòng sông và vùng cửa sông, là cơ sở quan trọng để phát triển cảnh quan đô thị và ngành du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Đồng Nai cũng là nơi tập trung đông dân cư, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước nên có điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch.

Các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai khá đa dạng, phong phú như : Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, khu du lịch Cù Lao Phố, thác Giang Điền, Bò Cạp Vàng, Bửu Long, hồ Trị An, Núi Le, rừng Mã Đà, cù lao Ba Xê, núi Chứa Chan, làng bưởi Tân Triều, Thác Mai - hồ nước nóng, Đảo Ó,… Du khách sẽ có dịp tham gia những chuyến du lịch sinh thái trong các khu rừng hoặc vườn cây ăn quả, câu cá, du thuyền trên sông Đồng Nai, cắm trại dã ngoại,… Tuy nhiên, phần lớn điểm đến chưa được đầu tư quy mô về cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Hình 11: Sơ đồ phân bố tài nguyên cảnh quan và du lịch sinh thái

II.1.5. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên.

a) Điểm mạnh:

- Đồng Nai có vị trí rất thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối giao thông quan trọng của Quốc gia và quốc tế. Cửa ngõ giao thương giữa các vùng kinh tế, tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước.

- Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị của Quốc gia, quốc tế. Đầu mối giao thương quốc tế của vùng và Quốc gia.

- Địa hình, đất đai phong phú đa dạng. Thuận lợi cho sản xuất và đầu tư xây dựng.

- Tài nguyên nước mặt, nước ngầm phong phú. Là nguồn nước cung cấp cho các tỉnh trong vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tài nguyên rừng ở Đồng Nai khá phong phú và đa dạng, có đủ các hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng nhiệt đới, hệ sinh thái rừng có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loại động thực vật quý hiếm.

- Tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là các loại khoáng sản phục vụ xây dựng, đáp ứng nhu cầu trước mắt của ngành công nghiệp địa phương.

b) Điểm yếu:

- Vùng dễ bị tổn thương về cảnh quan rừng, bảo vệ nguồn nước

- Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú nhưng có trữ lượng thấp, không có giá trị xuất khẩu.

- Bị tác động biến đổi khí hậu dọc sông Đồng Nai và khu vực xung quanh các hồ.

II.2. Đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội:

II.2.1. Kinh tế:

a. Cơ cấu kinh tế :

- Tổng GDP toàn tỉnh Đồng Nai (theo giá so sánh năm 1994), năm 2010 là 36.202,478 tỷ đồng, năm 2011 ước đạt 41.028,626 tỷ đồng.

- GDP bình quân đầu người năm 2011 là 36,33 triệu đồng (1.743USD), tăng gấp 2,6 lần năm 2005.

- Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 ước đạt 13,33%, thấp hơn năm 2010 (13,49%) trong đó: ngành nông lâm thủy sản tăng 3,94%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,8%, thương mại, dịch vụ tăng 16,12%.

- Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2006 - 2011 là 13,34%/năm, trong đó: Ngành nông lâm thủy sản tăng 4,44%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,3%, thương mại dịch vụ tăng 15,39%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Bảng 3 : Tổng GDP và cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2006 - 2011

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Hạng mục

2006

2007

2008

2009

2010

Ước 2011

Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2006 - 2011 (%)

I

GDP theo giá so sánh

21.941,20

25.265,79

29.172,47

31.903,02

36.202,48

41028,626

13,34

1

Nông lâm thủy sản

3.181,57

3.340,91

3.529,13

3.657,48

3.804,13

3953,982

4,44

2

Công nghiệp - xây dựng

13.739,57

16.059,96

18.761,68

20.535,37

23.555,09

26805,905

14,30

3

Thương mại dịch vụ

5.020,06

5.864,92

6.881,66

7.710,17

8.843,25

10268,739

15,39

II

Cơ cấu GDP theo giá so sánh

100

100

100

100

100

100

 

1

Nông lâm thủy sản

14,50

13,22

12,10

11,46

10,51

9,64

 

2

Công nghiệp - xây dựng

62,62

63,56

64,31

64,37

65,06

65,33

 

3

Thương mại dịch vụ

22,88

23,21

23,59

24,17

24,43

25,03

 

(Nguồn : Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011)

b) Các ngành nghề kinh tế phát triển vùng :

b)1. Nông lâm nghiệp, thủy sản :

- Tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp, thủy sản năm 2011 (theo giá so sánh) là 3,94%. Cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch theo hướng giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi. Ngành nông nghiệp đã có hướng phát triển theo hình thức bền vững, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.

- Hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung như : cây điều tại các huyện Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom; cây tiêu tại Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán; cây cao su tại Cẩm Mỹ, Long Thành, Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc, Long Khánh; cây cà phê tại Long Khánh, Cẩm Mỹ; cây xoài tại Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc; cây sầu riêng tại Long Khánh, Tân Phú, Thống Nhất. Các loại cây trồng chính là: điều, cà phê, cao su, tiêu, bưởi, xoài, sầu riêng, chôm chôm đối với cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái và lúa, bắp đối với cây lương thực.

- Ngành chăn nuôi có sự phát triển, tuy nhiên sự phát triển chưa được ổn định, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc tăng đàn bị hạn chế. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa, các loài vật nuôi chính là heo, gà, …

- Phát triển vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt (cá chép, rô phi, mè, …) ở Tân Phú, Vĩnh Cửu, Định Quán, Trảng Bom ; nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung ở xã Phước An, Long Thọ, Phước Khánh, Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch), Phước Thái, Long Phước (huyện Long Thành). Triển khai áp dụng thí điểm mô hình GAP trong nuôi tôm tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch.

- Thực hiện tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp cũng tăng khá nhanh, năm 2011 đạt 113,463 tỷ đồng (theo giá so sánh).

(Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011;

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai)

b)2. Công nghiệp - xây dựng :

- Tổng GDP ngành công nghiệp - xây dựng năm 2011 (theo giá so sánh) đạt 26.805,905 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn và tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Có 9 ngành công nghiệp chủ lực có mức tăng khá cao và ổn định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, như : khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may, giày dép, chế biến gỗ, tre, giấy, hóa chất, cao su, nhựa, cơ khí, điện - điện tử, sản xuất điện, nước. Đồng Nai luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút dự án vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

- Năm 2011 toàn tỉnh có 12.480 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó khu vực kinh tế trong nước có 11.777 cơ sở (40 cơ sở Nhà nước, 27 cơ sở tập thể, 1.297 cơ sở tư nhân, 10.413 cơ sở cá thể); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 703 cơ sở.

- Khu công nghiệp : hiện nay có 31 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 9.724,26 ha, trong đó có 26 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 412.486 lao động, tập trung ở TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành.

+ Tổng diện tích đất cho thuê là 6.270,99 ha, trong đó đã cho thuê được 3.946,98 ha, đạt tỷ lệ 61,95%. Phần lớn các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao đều nằm ở các vị trí thuận lợi: TP. Biên Hòa (KCN Biên Hòa I, II, Loteco, Tam Phước -100%, Agtex Long Bình 95,88%, Amata 80,83%); huyện Long Thành (KCN Gò Dầu 100%, Long Thành 80,37%); huyện Nhơn Trạch (Nhơn Trạch I- 90,43%, Nhơn Trạch II, Nhơn Trạch III gđ 1-100%); huyện Trảng Bom (Bàu Xéo 93,43%, Hố Nai gđ1 92,25%). Các khu công nghiệp ở các huyện vùng xa, điều kiện kém thuận lợi có tỷ lệ lấp đầy thấp như KCN Thạnh Phú (46,84%), Tân Phú (12,19%), Long Khánh (6,11%), Dầu Giây (3,39%), gây lãng phí đất đai. Nhìn chung các khu công nghiệp ở khu vực huyện Định Quán, Tân Phú, … tuy đã có nhiều chính sách ưu đãi, giá thuê đất giảm mạnh nhưng do cách xa vùng trung tâm, hệ thống hạ tầng còn yếu kém, thiếu lao động có tay nghề cao,… nên khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

+ 26 khu công nghiệp đang hoạt động bao gồm : KCN Amata (giai đoạn 1-2), Biên Hòa I, Biên Hòa II, Loteco, Agtex Long Bình, Gò Dầu, Tam Phước, Long Thành, Nhơn Trạch I, II, III, V, Dệt may Nhơn Trạch, Ông Kèo, Sông Mây (giai đoạn 1-2), Hố Nai (giai đoạn 1-2), Bàu Xéo, Định Quán, Xuân Lộc, Thạnh Phú, Tân Phú, Dầu Giây, Long Khánh, ….

+ 5 khu công nghiệp đang xây dựng cơ bản bao gồm : KCN An Phước, Nhơn Trạch VI, Giang Điền, Lộc An - Bình Sơn, Suối Tre.

+ Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu là dệt may da giày, chế biến gỗ, lắp ráp linh kiện điện, điện tử, … chiếm trên 50%. Nhiều dự án quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường.

+ Hiện nay đã khởi công xây dựng Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ) quy mô 226,8 ha bao gồm tổ hợp nghiên cứu ứng dụng - sản xuất công nghệ cao - đô thị và dịch vụ tổng hợp. Dự kiến trong tương lai sẽ phát triển thành Khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học để nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ men, vi sinh, công nghệ di truyền, tế bào, công nghệ Enzim, công nghệ môi trường vào sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

(Nguồn: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai

Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025)

- Cụm công nghiệp : toàn tỉnh có 47 cụm CN được quy hoạch với tổng diện tích 2.485 ha, trong đó có 40 cụm đã triển khai thủ tục đầu tư hoặc đã đầu tư hạ tầng. Sau khi tỉnh rà soát đã đề nghị giữ lại 33 cụm, trong đó 28 CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 1.442 ha và 11 CCN có 90 dự án đang hoạt động sản xuất. Tổng diện tích đã cho thuê mới chỉ đạt 238 ha. Tình hình triển khai các CCN khá chậm, nguyên nhân là do khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu nên việc thu hút đầu tư bị giảm sút, nhiều doanh nghiệp bị thiếu vốn đầu tư hạ tầng; một số CCN bị vướng mắc trong thủ tục bồi thường giao đất,…

- Các làng nghề truyền thống được bảo tồn và phát triển, nổi bật là nghề gốm sứ (Tân Hòa, Tân Thiền, Tân Vạn, Bửu Long), đan lát, mây tre lá (Long Thành, Phước Tân, Vĩnh Phước), mộc dân dụng (chợ Đồn), đóng ghe xuồng (Tân Triều Tây, Tân Ba, Phước Thiền), dệt thổ cẩm Tà Lài, hàng mỹ nghệ,… góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

(Nguồn: Sở Công thương tỉnh Đồng Nai).

- Năm 2011 mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành xây dựng vẫn phát triển khá. Đang triển khai dự án nhà ở sinh viên, công nhân, nhà ở thu nhập thấp, dự thảo kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Hình 12 : Sơ đồ phân bố hiện trạng các khu, cụm công nghiệp

b)3. Dịch vụ :

- Trong những năm qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm đều tăng khá.

Bảng 4: Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, du lịch giai đoạn 2006 - 2011

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Hạng mục

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

I

Tổng mức bán lẻ h/hóa và dịch vụ

21.158

27.049

37.721

45.320

57.221

71.705

I.1

Thương mại

17.852

22.380

31.072

37.129

47.174

58.751

I.2

Khách sạn, nhà hàng

1.383

1.905

2.646

3.305

4.233

5.311

I.3

Du lịch

8

12

16

21

27

33

I.4

Dịch vụ

1.915

2.752

3.987

4.775

5.787

7.610

II

Cơ cấu (%)

100

100

100

100

100

100

II.1

Thương mại

84,37

82,34

82,37

81,93

82,44

81,93

II.2

Khách sạn, nhà hàng

6,54

7,04

7,01

7,29

7,40

7,41

II.3

Du lịch

0,04

0,04

0,04

0,05

0,05

0,05

II.4

Dịch vụ

9,05

10,17

10,57

10,54

10,11

10,61

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011

b)3.1. Dịch vụ-thương mại:

- Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá ổn định, năm 2010 đạt 7.546 triệu USD, năm 2011 đạt khoảng 9.535 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á, châu Âu, Mỹ. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng điện tử, giày dép, may mặc, mộc dân dụng, sản phẩm nhựa, cáp điện, ….

- Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2010 đạt 9.167 triệu USD, năm 2011 đạt khoảng 10.743 triệu USD chủ yếu là phụ liệu hàng may mặc, vải, máy tính và linh kiện, phụ tùng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

- Các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông,… phát triển ổn định.

Bảng 5 : Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh giai đoạn 2006 - 2011

Đơn vị: Triệu USD

TT

Chỉ tiêu

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2011 (%)

1

Kim ngạch xuất khẩu

4.275

5.475

6.391

5.891

7.546

9.535

17,40

2

Kim ngạch nhập khẩu

4.999

6.329

7.897

6.634

9.167

10.743

16,53

b)3.2. Dịch vụ du lịch:

- Khách du lịch : Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng đều trong giai đoạn 2005 – 2011. Năm 2010 khoảng 1.373.350 lượt khách, năm 2011 đón 1.444.000 lượt khách. Hầu hết lượng du khách đến Đồng Nai là khách nội địa (chiếm 96 - 97%), thời gian lưu trú trung bình khoảng 1 ngày.

- Doanh thu du lịch năm 2011 là 167,866 tỷ đồng. Doanh thu lưu trú chiếm 80,41%, lữ hành chiếm 19,59%.

- Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch trong nước khoảng 378 ngàn/ngày, khách du lịch nước ngoài khoảng 405 ngàn/ngày, khá thấp do thiếu các điểm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm để hấp dẫn du khách.

Bảng 6 : Hiện trạng ngành du lịch của tỉnh giai đoạn 2006 - 2011

TT

Hạng mục

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006 - 2011 (%)

1

Tổng số lượt khách

860.226

989.260

1.038.450

1.194.217

1.373.350

1.444.000

10,92

 

Khách quốc tế

17.105

34.255

34.160

34.250

34.275

48.455

23,15

 

Khách nội địa

843.121

955.005

1.004.290

1.159.967

1.339.075

1.395.545

10,60

2

Số khách lưu trú

 

 

 

 

 

 

 

 

Khách quốc tế

17.105

34.255

34.160

34.250

34.275

48.455

23,15

 

Khách nội địa

329.706

521.145

705.627

918.003

1.108.425

1.042.124

25,88

3

Số ngày khách lưu trú

 

 

 

 

 

 

 

 

Khách quốc tế

47.897

52.020

51.244

52.320

 

75.250

9,46

 

Khách nội địa

395.613

478.672

682.459

895.546

1.103.845

1.165.320

24,12

4

Ngày lưu trú trung bình

 

 

 

 

 

 

 

 

Khách quốc tế

2,8

1,5

1,5

1,5

 

1,6

 

 

Khách nội địa

1,2

0,9

1,0

1,0

1,0

1,1

 

5

Doanh thu du lịch theo giá hiện hành (tỷ đồng)

82.229

96.447

111.035

136.221

157.277

167.866

15,34

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011

II.2.2. Dân số - lao động :

a. Dân số, lao động, nghề nghiệp, di dân :

a.1. Dân số :

Dân số toàn tỉnh năm 2011 là 2.665.079 người trong đó thành phố Biên Hòa 848.384 người. Mật độ dân số bình quân là 451 người/km2.

Dân số thành thị là 897.591 người, dân số nông thôn là 1.767.488 người. Tỷ lệ đô thị hóa là 33,68%. Tỷ lệ tăng tự nhiên là 1,1%, thuộc loại trung bình trong cả nước.

Bảng 7 : Diện tích, dân số toàn tỉnh năm 2011

TT

Đơn vị hành chính

Số xã, phường, thị trấn

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Thành phố Biên Hòa

30

263,548

848.384

3.219

2

Thị xã Long Khánh

15

191,860

135.311

705

3

Huyện Vĩnh Cửu

12

1.095,706

135.190

123

4

Huyện Tân Phú

18

776,929

161.385

208

5

Huyện Định Quán

14

971,090

203.171

209

6

Huyện Xuân Lộc

15

727,195

223.590

307

7

Huyện Trảng Bom

17

323,685

269.651

833

8

Huyện Thống Nhất

10

247,236

156.069

631

9

Huyện Long Thành

15

430,660

205.991

478

10

Huyện Nhơn Trạch

12

410,780

178.660

435

11

Huyện Cẩm Mỹ

13

468,548

147.677

315

 

Toàn tỉnh

171

5.907,236

2.665.079

451

Bảng 8 : Dân số toàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2011

TT

Đơn vị hành chính

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tỷ lệ tăng dân số giai đoạn 2006-2011 (%)

1

Thành phố Biên Hòa

615.011

641.713

673.094

704.073

820.128

848.384

6,65

2

Thị xã Long Khánh

129.757

130.560

131.091

131.679

132.849

135.311

0,84

3

Huyện Vĩnh Cửu

116.634

119.865

123.223

126.529

130.167

135.190

3,00

4

Huyện Tân Phú

159.282

158.943

157.604

157.212

158.529

161.385

0,26

5

Huyện Định Quán

196.113

195.683

194.253

193.801

197.489

203.171

0,71

6

Huyện Xuân Lộc

200.430

201.425

202.056

203.225

212.153

223.590

2,21

7

Huyện Trảng Bom

221.635

230.103

238.910

249.173

257.980

269.651

4,00

8

Huyện Thống Nhất

146.101

147.114

148.164

148.773

151.654

156.069

1,33

9

Huyện Long Thành

249.958

261.125

272.741

286.502

197.792

205.991

-3,80

10

Huyện Nhơn Trạch

139.791

146.067

152.593

159.817

168.174

178.660

5,03

11

Huyện Cẩm Mỹ

140.184

140.050

139.016

138.872

142.527

147.677

1,05

 

Toàn tỉnh

2.314.896

2.372.648

2.432.745

2.499.656

2.569.442

2.665.079

2,86

Bảng 9 : Tình hình biến động dân số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2011

TT

Hạng mục

2006

2007

2008

2009

2010

2011

1

Dân số toàn tỉnh (người)

2.314.896

2.372.648

2.432.745

2.499.656

2.569.442

2.665.079

 

Thành thị

748.159

774.011

801.054

829.303

858.894

897.591

 

Nông thôn

1.566.737

1.598.637

1.631.691

1.670.353

1.710.548

1.767.488

2

Tỷ lệ tăng dân số (%)

-1,84

2,49

2,53

2,75

2,79

3,49

 

Tăng tự nhiên

1,221

1,162

1,161

1,566

1,190

1,1

 

Tăng cơ học

-3,06

1,33

1,37

1,18

1,60

2,39

(Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011)

a)2. Lao động, nghề nghiệp:

- Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 1.474.976 người, chiếm 55,34% tổng dân số.

- Nguồn lực lao động dồi dào nhưng cũng gây khó khăn về vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục đào tạo và các vấn đề xã hội khác.

Bảng 10: Lao động làm việc trong các ngành kinh tế giai đoạn 2006 - 2011

TT

Hạng mục

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

 

Lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Trong đó :

1.181.993

100

1.221.020

100

1.263.639

100

1.337.670

100

1.398.192

100

1.474.976

100

1

Lao động ngành nông lâm, thủy sản

447.739

37,88

440.345

36,06

440.460

34,86

434.208

32,46

429.034

30,68

427.743

29,00

2

Lao động ngành công nghiệp – xây dựng

398.686

33,73

423.695

34,70

461.547

36,53

516.207

38,59

549.281

39,29

581.141

39,40

3

Lao động ngành thương mại dịch vụ

335.568

28,39

356.980

29,24

361.632

28,62

387.255

28,95

419.877

30,03

466.092

31,60

·   Chất lượng lao động :

- Năm 2011 toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho 92.135 lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 54%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 43,5%. Công tác dạy nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Tuy nhiên nhìn chung chất lượng lao động còn thấp, đội ngũ cán bộ KHKT và công nhân lành nghề còn ít, gây khó khăn trong việc tiếp thu công nghệ mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, là trở ngại lớn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

a)3. Di dân :

- Dân số của Đồng Nai chủ yếu là tăng cơ học. Do phát triển các khu, cụm CN, khu đô thị đã thu hút một phần lao động từ các tỉnh khác đến Đồng Nai làm việc, một phần dân cư đến các khu đô thị mới như ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom. Một số ít dân cư của tỉnh chuyển dịch đến TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh khác để sinh sống, học tập, làm việc.

b) Dân tộc và truyền thống văn hóa, tôn giáo :

b)1. Thành phần dân tộc :

- Đồng Nai là vùng đất có lịch sử khai phá và phát triển lâu đời. Toàn tỉnh có 40 dân tộc trong đó dân tộc Kinh chiếm 91,5%, còn lại là dân tộc Hoa, Xiêng, Chơ ro, Chăm, Mạ,…. chiếm 8,5%. Bản sắc văn hóa đa dạng, phong tục tập quán phong phú, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc ít người.

b)2. Truyền thống văn hóa :

- Toàn tỉnh có 25 di tích cấp Quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh như :

+ Di tích cấp Quốc gia : Mộ cự thạch Hàng Gòn, Địa điểm chiến thắng La Ngà, Nhà Xanh, Đài Chiến sĩ/Đài Kỷ Niệm, Danh thắng Đá chồng Định Quán, Tòa Hành chánh Long Khánh, Đình An Hòa, Danh thắng Bửu Long, Chùa Đại Giác, Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Đình Tân Lân, Đền thờ và Mộ Nguyễn Hữu Cảnh, Chùa Long Thiền, Nhà hội Bình Trước, Quảng trường Sông Phố, Đền thờ Nguyễn Tri Phương, Nhà lao Tân Hiệp, Mộ Nguyễn Đức Ứng và 26 nghĩa binh, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Mộ - đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, Địa đạo Suối Linh, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Chùa Ông/Thất phủ cổ miếu, Địa đạo Nhơn Trạch, Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia.

+ Di tích cấp tỉnh : Bửu Hưng tự/chùa Cô hồn, Toà bố Biên Hoà, Địa điểm Ngã ba Giồng Sắn, Đình Bình Quan, Đình Phú Mỹ, Nhà cổ Trần Ngọc Du, Địa điểm Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Địa điểm thành lập chi bộ Đảng cộng sản Bình Phước Tân Triều và Tỉnh ủy Lâm thời Biên Hòa, Đình Phước Lộc, Thành Biên Hoà, Đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa, Miếu Tổ sư/Thiên hậu cổ miếu, Đình Hưng Lộc, Đình Phước Thiền, Núi Chứa Chan, Vườn Cao su đầu tiên, sân điểm đồn điền cao su Dầu Giây,…

+ Các lễ hội : lễ hội Kỳ Yên, lễ Địa nàng – Bóng rỗi tại các miếu thờ Bà, lễ cúng thần Lúa của người Chơ ro, lễ hội đâm trâu của người Mạ, … Nghệ thuật văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc, các vùng miền như dân ca miền Bắc, miền Trung, quan họ, ca Huế, ví dặm, múa dân gian của người Chơ ro, hát kể “Tăm pớt”, văn hóa cồng chiêng của người Mạ; các nhạc cụ như đàn đá Bình Đa, sáo trúc, chiềng đồng, khèn môi, …

b)3. Tôn giáo :

- Đồng Nai có 2 tôn giáo chính là Phật giáoCông giáo, ngoài ra một số ít người theo đạo Tin Lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài, Hòa Hảo. Đa số các tôn giáo hoạt động bình thường, ổn định, có mối quan hệ gắn bó với chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

c) Tỷ lệ hộ nghèo:

- Đến đầu năm 2013 số hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia là 5.822 hộ chiếm 0,9% tổng số hộ dân, số hộ cận nghèo là 6.307 hộ, chiếm 0,98% tổng số hộ dân.

- Công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, chương trình giảm nghèo được thực hiện lồng ghép với các chương trình mục tiêu. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, chính sách ưu đãi cho người có công như : vay vốn tạo việc làm, đào tạo nghề khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, đầu tư sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã vùng sâu, vùng xa, ... Tuy nhiên đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư và giữa các khu vực trong tỉnh còn khá lớn.

(Nguồn : Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025).

e) Những chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu :

Bảng 11: Tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2006 - 2011

TT

Các chỉ tiêu

Đơn vị

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

A

Chỉ tiêu kinh tế

 

 

 

 

 

 

 

1

Tổng sản phẩm GDP theo giá so sánh

Tỷ đồng

21.94,200

25.265,789

29.172,467

31.903,016

36.202,478

41.028,63

 

Tốc độ tăng trưởng GDP

- Nông lâm thủy sản

- Công nghiệp - xây dựng

- Dịch vụ

%

14,40

5,26

16,89

14,04

15,15

5,01

16,89

16,85

15,46

5,63

16,82

17,34

9,36

3,64

9,45

12,04

13,48

4,01

14,71

14,70

13,34

4,44

14,3

15,39

 

GDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành)

Triệu đồng

8,676

10,051

13,175

14,990

16,316

16,316

2

Cơ cấu GDP (giá so sánh)

%

100

100

100

100

100

100

 

- Nông lâm ngư nghiệp

- Công nghiệp - xây dựng

- Dịch vụ

%

%

%

14,50

62,62

22,88

13,22

63,56

23,21

12,10

64,31

23,59

11,46

64,37

24,17

10,51

65,06

2,43

9,64

65,33

25,03

3

Xuất nhập khẩu

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu

Triệu USD

4.275

5.474

6.391

5.891

7.546

9.535

 

Tổng kim ngạch nhập khẩu

Triệu USD

4.999

6.329

7.897

6.634

9.167

10.743

B

Chỉ tiêu xã hội

 

 

 

 

 

 

 

1

Dân số trung bình

Người

2.314.896

2.372.648

2.432.745

2.499.656

2.569.442

2.665.079

 

- Dân số đô thị

- Dân số nông thôn

- Tỉ lệ đô thị hóa

Người

Người

%

748.159

1.566.737

32,3

774.011

1.598.637

32,6

801.054

1.631.691

32,9

829.303

1.670.353

33,2

858.894

1.710.548

33,4

897.591

1767.488

33,68

2

Tỷ lệ tăng tự nhiên

%

1,221

1,162

1,161

1,566

1,190

1,1

3

Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế

Người

 

1.181.993

1.221.020

1.263.639

1.337.670

1.398.192

1.474.976

 

- Nông lâm thủy sản

- Công nghiệp - xây dựng

- Dịch vụ

Người

Người

Người

447.739

398.686

335.568

440.345

423.695

356.980

440.460

461.547

361.632

434.208

516.207

387.255

429.034

549.281

419.877

427.743

581.141

966.092

 

Cơ cấu lao động :

- Nông lâm thủy sản

- Công nghiệp - xây dựng

- Dịch vụ

 

%

%

%

 

37,88

33,73

28,39

 

36,06

34,70

29,24

 

34,86

36,53

28,62

 

32,46

38,59

28,95

 

30,68

39,29

30,03

 

29

39,4

31,6

(Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011)

II.2.3. Hiện trạng phân bố dân cư.

·   Phân bố dân cư theo đơn vị hành chính:

Dân cư phân bố không đều, phần lớn dân cư tập trung ở thành phố Biên Hòa và thị xã Long Khánh, các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch do thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng, nguồn nước, các khu, cụm công nghiệp thu hút đông lao động, có mật độ dân số khá cao. Huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú do giao thông không thuận lợi nên dân cư sống rải rác, mật độ dân số khá thấp, gây khó khăn cho việc bố trí cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, trạm y tế,…).

Mật độ dân số cao nhất là TP. Biên Hòa (3.219 người/km2), huyện Trảng Bom (833 người/km2), Thị xã Long Khánh (705 người/km2) ; mật độ dân số thấp nhất là huyện Vĩnh Cửu (123 người/km2).

- Khu vực có mật độ cao (> 1000 người/km2) : có TP. Biên Hòa.

- Khu vực có mật độ trung bình (500 - 1.000 người/km2) : có thị xã Long Khánh, huyện Trảng Bom, Thống Nhất.

- Khu vực có mật độ thấp (200 - 500 người/km2) : có huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ.

- Khu vực có mật độ thưa (100 - 200 người/km2) : có huyện Vĩnh Cửu.

·   Phân bố dân cư đô thị :

- Thị xã Long Khánh có mật độ cao nhất (5.714 người/km2), kế đến là TP. Biên Hòa (5.232 người/km2).

- Các đô thị còn lại có mật độ trung bình 2.000 - 3.000 người/km2.

- Thị trấn Vĩnh An, Gia Ray có mật độ thấp nhất < 1.000 người/km2.

Hình 13 : Sơ đồ hiện trạng phân bố mật độ dân cư

II.2.4. Đánh giá chung hiện trạng kinh tế - xã hội:

a. Điểm mạnh:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Đã đưa vào hoạt động 26 khu công nghiệp tập trung và nhiều cụm công nghiệp, TTCN. Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

- Nhiều cơ chế chính sách phát triển được bổ sung và sửa đổi kịp thời, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Cơ cấu dân số lao động trẻ, nguồn nhân lực được đào tạo và có trình độ chuyên môn cao.

- Vùng có đa dạng về dân tộc và bản sắc văn hóa.

- Vùng thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài lớn và kim ngạch xuất khẩu tăng cao.

b) Điểm yếu:

- Tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, phát triển thiếu bền vững.

- Công nghiệp phát triển nhanh nhưng giá trị gia tăng cao còn ít. Dịch vụ phát triển chậm. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được ấn tượng với du khách.

- Nông nghiệp sản xuất còn phân tán, chưa theo hướng sản xuất hàng hóa, chưa hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

- Việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển còn hạn chế so với nhu cầu và tiềm năng của tỉnh.

- Việc tăng dân số cơ học gây khó khăn cho địa phương về an ninh trật tự, nhà ở, thiếu hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

- Sự chênh lệch lớn về đời sống giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn ngày càng lớn.

II.3. Hiện trạng sử dụng đất đai.

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh năm 2011 là 590.722 ha, chiếm khoảng 18% diện tích cả nước và 19,43% diện tích vùng TP. Hồ Chí Minh.

II.3.1. Đất xây dựng đô thị :

Diện tích đất xây dựng đô thị của tỉnh khoảng 8.100 ha, chiếm 1,37% tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh và bình quân khoảng 90,2 m2/người. Trong đó đất ở đô thị là 3.959 ha, bình quân 44,11 m2/người.

II.3.2. Đất nông nghiệp :

Diện tích đất nông nghiệp là 468.575ha, chiếm 79,32% diện tích tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp tập trung nhiều nhất tại các huyện như Vĩnh Cửu (90.313 ha), Định Quán (75.643 ha), Tân Phú (72.650 ha), Xuân Lộc (57.405 ha), trong đó diện tích đất nông nghiệp phân theo các diện tích sử dụng như sau :

a) Đất sản xuất nông nghiệp :

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp gồm: 277.642ha, trong đó :

- Đất trồng cây hằng năm: 73.591 ha.

- Đất trồng cây lâu năm: 204.051 ha.

Diện tích đất trồng cây hằng năm là 73.591 ha, trong đó đất trồng lúa là 38.777 ha, phân bố tập trung tại các vùng đồng bằng ven sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông La Ngà, các địa phương có nhiều diện tích đất trồng lúa là: Tân Phú (7.163 ha), Định Quán ( 4.629 ha), Xuân Lộc (6.496 ha), Long Thành (3.591 ha), Nhơn Trạch (4.692 ha); Đất trồng cây hằng năm khác là 34.582 ha, phân bố nhiều tại các địa phương: Xuân Lộc (6.114 ha), Cẩm Mỹ (4.578 ha), Định Quán (6.001 ha); Đất trồng cỏ dùng cho chăn nuôi diện tích 232 ha, tập trung tại Vĩnh Cửu, Long Thành, Biên Hòa.

Diện tích đất trồng cây lâu năm phân bố nhiều nhất tại các địa phương : Xuân Lộc (34.851 ha), Cẩm Mỹ (34.575 ha), Định Quán (28.666 ha), Long Thành (22.751 ha); trong đó đất trồng cây công nghiệp lâu năm có diện tích 139.159 ha, phân bố nhiều nhất tại Long Khánh, Cẩm Mỹ, Long Thành, Xuân Lộc, Định Quán, Thống Nhất ; đất trồng cây ăn trái có diện tích 41.587 ha, phân bố nhiều tại Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Thống Nhất, Trảng Bom; đất trồng cây lâu năm khác diện tích 23.299 ha.

b) Đất lâm nghiệp:

Diện tích đất lâm nghiệp là 181.578 ha, trong đó :

- Đất rừng sản xuất là 43.927 ha;

- Đất rừng phòng hộ là 36.394 ha;

- Đất rừng đặc dụng là 101.257 ha.

Diện tích rừng phòng hộ chủ yếu do các Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, Tân Phú, 600, Long Thành quản lý. Diện tích rừng đặc dụng nằm tập trung tại các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú và do các đơn vị : Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai quản lý.

c) Đất nuôi trồng thủy sản :

Diện tích đất nuôi trồng thủy sản là 7.956 ha, gồm có : đất nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung chủ yếu tại Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, Trảng Bom và đất nuôi trồng thủy sản nước lợ tập trung tại Long Thành, Nhơn Trạch.

d) Đất nông nghiệp khác :

Đất nông nghiệp khác diện tích 1.399 ha, chiếm 0,24% DTTN, chủ yếu là các trang trại chăn nuôi, nhà kho, các cơ sở nghiên cứu, lai tạo giống phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung nhiều nhất ở huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Vĩnh Cửu.

II.3.4. Đất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp :

Đất khu, cụm công nghiệp, điểm công nghiệp có tổng diện tích khoảng 10.240 ha, bao gồm diện tích 31 khu công nghiệp, các CCN đã hoạt động và đang xây dựng hạ tầng, các cơ sở TTCN, … tập trung ở các huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành, thành phố Biên Hòa.

(Nguồn : Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011 ;

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai)

II.3.5. Đất chưa sử dụng :

Đất chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh còn 897 ha, chiếm 0,15% diện tích tự nhiên của tỉnh, tập trung chủ yếu tại Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Trong đó đất bằng chưa sử dụng là 50 ha, đất đồi núi chưa sử dụng là 103 ha, núi đá không có rừng cây là 744 ha, chủ yếu là núi Chứa Chan và một số khu vực khác ở Định Quán, Tân Phú.

Bảng 12 : Hiện trạng sử dụng đất toàn tỉnh năm 2011

TT

Loại đất

Diện tích

(ha)

Tỷ lệ so với DTTN toàn tỉnh (%)

1

Đất nông nghiệp

468.575

79,32

1.1

Đất sản xuất nông nghiệp

277.642

47,00

-

Đất trồng cây hằng năm

73.591

 

-

Đất trồng cây lâu năm

204.051

 

1.2

Đất lâm nghiệp

181.578

30,74

-

Đất rừng sản xuất

43.927

 

-

Đất rừng phòng hộ

36.394

 

-

Đất rừng đặc dụng

101.257

 

1.3

Đất nuôi trồng thủy sản

7.956

1,35

1.4

Đất nông nghiệp khác

1.399

0,24

2

Đất phi nông nghiệp

121.250

20,53

2.1

Đất ở

16.764

 

 

Đất ở đô thị

12.805

 

 

Đất ở nông thôn

3.959

 

2.2

Đất chuyên dùng

49.717

 

2.3

Đất tôn giáo, tín ngưỡng

821

 

2.4

Đất nghĩa địa

1.193

 

2.5

Đất sông suối, mặt nước chuyên dùng

52.716

 

2.6

Đất phi nông nghiệp khác

39

 

3

Đất chưa sử dụng

897

0,15

3.1

Đất bằng chưa sử dụng

50

 

3.2

Đất đồi núi chưa sử dụng

103

 

3.3

Đất núi đá, không có cây rừng

744

 

(Nguồn : Niên giám Thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011)

II.3.8. Đánh giá chung về hiện trạng sử dụng đất.

a) Điểm mạnh.

- Diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp khá lớn chiếm 79,32% so với đất tự nhiên.

- Có tiềm năng đất đai dọc các trục hành lang đô thị để phát triển đô thị, công nghiệp và đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

- Có tiềm năng đất đai phát triển rừng cảnh quan, các khu du lịch, vùng nông nghiệp sản xuất theo hàng hóa.

b) Điểm yếu.

- Đất sản xuất nông nghiệp dùng cho các mục đích phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa đã và đang tạo nên những áp lực đối với đất đai của tỉnh.

- Phát triển các khu công nghiệp dàn trải thiếu tập trung.

- Phân bố công tác quản lý đất đai chưa hợp lý.

II.4. Hiện trạng phát triển đô thị và điểm dân cư nông thôn:

II.4.1. Lịch sử hình thành, phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn tỉnh Đồng Nai.

Năm 1698 trở thành một mốc lịch sử quan trọng đối với vùng đất Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng. Hơn ba trăm năm, Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay, trải qua bao biến thiên lịch sử đã ghi lại nhiều dấu ấn trong tiến trình hình thành và phát triển.

a) Các đô thị đầu tiên là :

- Thành phố Biên Hòa:

Năm 1975 tỉnh Biên Hòa bị giải thể và thành lập tỉnh Đồng Nai, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Biên Hòa, năm 1976 Thị xã Biên Hòa được nâng cấp thành Thành phố Biên Hòa - đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Năm 1993, Thành phố Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Từ một tỉnh lỵ nhỏ năm 1923 với dân số là 4.8834 người, năm 1997 tăng lên 224.505 người, ngày nay thành phố Biên Hòa dân số là 848.384 người (năm 2011).

Thành phố Biên Hòa được phê duyệt quy hoạch chung lần đầu vào năm 1993 và lập điều chỉnh quy hoạch chung lần 1 vào năm 2003. Đang triển khai điều chỉnh lần 2.

TP. Biên Hòa là Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai. Biên Hòa còn là một trung tâm công nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng của vùng và là một trong ba trung tâm hạt nhân của tam giác tăng trưởng thuộc vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Thị xã Long Khánh: Hình thành từ thị trấn Xuân Lộc phát triển từ một làng trung tâm của tổng Bình Lâm Thượng, năm 1957 là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh, năm 1976 là huyện lỵ của huyện Xuân Lộc, năm 1996 là huyện lỵ của huyện Long Khánh. Tháng 8/2003 thành lập thị xã Long Khánh.

Dân số từ 1.846 người năm 1923 lên 56.920 người năm 1996, hiện nay là đô thị loại IV, dân số là 135.311 người (năm 2011).

Thị trấn Xuân Lộc cũ đã được phê duyệt QHCT 1/2000 khu dân cư thị trấn vào năm 1993. Ngày 22/10/2007 đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị xã Long Khánh đến năm 2020, đến ngày 23/06/2008 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thị xã Long Khánh đến năm 2020.

Thị xã Long Khánh được xác định là trung tâm hành chính, kinh tế văn hóa thuộc tiểu vùng phía Đông của tỉnh Đồng Nai

- Thị trấn Định Quán: được hình thành từ 1 xã của tổng Bình Tuy, từ năm 1957 trở thành huyện lỵ của huyện Định Quán.

Quy hoạch chung thị trấn Định Quán giai đoạn 1996-2010 được phê duyệt năm 1996. Ngày 16/10/2009 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng thị trấn định quán đến năm 2020 với tổng diện tích tự nhiên toàn thị trấn là 996,94 ha.

Thị trấn Định Quán là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội, thương mại và dịch vụ quan trọng của huyện Định Quán. Là đầu mối giao thông phát triển du lịch và kinh tế trên địa bàn tỉnh; trung tâm tiểu vùng kinh tế nông nghiệp - du lịch - công nghiệp của tỉnh.

b) Các đô thị từ năm 1980 đến nay là :

- Thị trấn Long Thành: Là trung tâm huyện lỵ của huyện Long Thành, có diện tích 9,15 km², dân số năm 1999 là 22.152 người. Hiện nay là đô thị loại V, dân số năm 2011 là 29.808 người.

Năm 1994 đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thị trấn Long Thành giai đoạn 1994 - 2010. Ngày 10/12/2007 đã phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Long Thành đến năm 2020. Hiện nay đang nghiên cứu lập điều chỉnh mở rộng ranh giới đô thị.

Thị trấn Long Thành là trung tâm hành chính, dịch vụ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện Long Thành.

- Thị trấn Trảng Bom: Thành lập năm 1994 tách ra từ xã Trảng Bom 1, dân số năm 1999 là 12.993 người. Đến năm 2011 diện tích 9,308 km2, dân số 20.540 người. Hiện nay là đô thị loại V.

Năm 1993 đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chung thị trấn Trảng Bom cho giai đoạn 1993 - 2020. Ngày 19/02/2013 đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Trảng Bom đến năm 2025. Đô thị Trảng Bom là trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội và an ninh quốc phòng của huyện Trảng Bom, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Đồng Nai và vùng TP. Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại – dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp, kho bãi.

- Thị trấn Gia Ray: được thành lập năm 1993, dân số năm 1999 là 10.713 người; năm 2011 là 14.959 người, là đô thị loại V.

Năm 1999 đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2000 thị trấn Gia Ray cho giai đoạn 1999 - 2005 và định hướng đến năm 2010. Thị trấn Gia Ray được phê duyệt quy hoạch chung vào ngày 12/6/2008, tổng diện tích đất tự nhiên của toàn thị trấn là 1.385,61 ha.

Thị trấn Gia Ray là trung tâm hành chính, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch của huyện Xuân Lộc. Là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ khu công nghiệp Xuân Lộc.

- Thị trấn Vĩnh An: được thành lập ngày 07/10/1975, diện tích là 3.294 ha, dân số năm 2011 là 25.121 người. Hiện nay là đô thị loại V.

Năm 1997 đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng chung thị trấn Vĩnh An cho giai đoạn 1997 - 2005 và định hướng đến 2010 với quy mô diện tích 410ha. Ngày 23/02/2013 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu đến năm 2025.

Thị trấn Vĩnh An là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, an ninh quốc phòng của huyện Vĩnh Cữu; Là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái cảnh quan rừng, hồ của vùng tỉnh Đồng Nai và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

- Thị trấn Tân Phú: được thành lập năm 1992, dân số năm 1999 là 20.660 người. Năm 2011 diện tích 8,094km2, dân số 23.170 người, là đô thị loại V.

Năm 1996 đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chung thị trấn Tân Phú cho giai đoạn 1996 - 2010. Ngày 29/9/2008 đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Tân Phú với tổng diện tích tự nhiên toàn thị trấn là 805,79 ha.

Thị trấn Tân Phú là trung tâm hành chính, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch của huyện Tân Phú.

c) Các đô thị dự kiến đã được triển khai lập quy hoạch:

- Đô thị Nhơn Trạch:

Thành phố mới Nhơn Trạch được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng vào năm 1996 và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch lần 1 vào năm 2006. Quy hoạch điều chỉnh đã xác định tổng diện tích tự nhiên 41.089,1 ha (bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện Nhơn Trạch), dân số dự kiến đến năm 2010 là 150.000 người, đến năm 2020 khoảng 600.000 người (trong đó dân số nội thị chiếm khoảng 450.000 người).

Ngày 31/05/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với dân số dự kiến đến năm 2020 là 250.000 - 260.000 người (trong đó dân số nội thị khoảng 160.000 - 170.000 người), đến năm 2030 là 330.000 - 350.000 người (trong đó dân số nội thị khoảng 230.000 - 245.000 người).

Là đô thị mới với chức năng là một trong những trung tâm, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; hỗ trợ các chức năng giáo dục - đào tạo, y tế, thương mại, dịch vụ hỗn hợp Vùng thành phố Hồ Chí Minh; Là đô thị vệ tinh Vùng thành phố Hồ Chí Minh, có vị trí quan trọng về giao thông vận tải, an ninh, quốc phòng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Đô thị Long Giao: Là điểm dân cư tập trung trên cơ sở xã Long Giao. Hiện nay là trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ. Định hướng quy hoạch là thị trấn huyện lỵ huyện Cẩm Mỹ.

Năm 2004 đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chung đô thị trung tâm huyện mới thành lập cho giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2020 với quy mô diện tích 600ha. Định hướng quy hoạch xác định đô thị là trung tâm hành chính cấp huyện, hình thành trung tâm dịch vụ vùng công - nông nghiệp góp phần hình thành mạng lưới đô thị - dân cư tập trung phía Đông của tỉnh.

- Đô thị Dầu Giây: Là điểm dân cư nông thôn tập trung trên cơ sở xã Bàu Hàm II và 2 ấp Lập Thành và ấp Trần Hưng Đạo thuộc xã Xuân Thạnh và 2 ấp Hưng Hiệp và ấp Hưng Nhơn thuộc xã Hưng Lộc. Hiện nay là trung tâm hành chính của huyện Thống Nhất.

Năm 2001 đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng chung đô thị Dầu Giây cho giai đoạn 2001 - 2005 và định hướng đến năm 2010. Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Dầu Giây đã phê duyệt năm 2007 và đến tháng 11/2012 phê duyệt điều chỉnh cục bộ. Hiện nay đã đầu tư xây dựng trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa - TDTT huyện.

Đô thị Dầu Giây là trung tâm hành chính cấp huyện, với vai trò đô thị dịch vụ thương mại tổng hợp và là cửa ngõ giao thông trung chuyển giữa khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

- Đô thị Phước Thái : hiện nay là điểm dân cư tập trung, phát triển trên cơ sở xã Phước Thái và một phần giáp ranh giữa xã Phước Thái và Tân Hiệp. Định hướng quy hoạch là đô thị dịch vụ cảng biển của huyện Long Thành.

Năm 2005 đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng chung đô thị Phước Thái, huyện Long Thành đến năm 2025, là đô thị loại V. Phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và gắn với khu công nghiệp Gò Dầu, các cụm TTCN và cảng biển.

- Đô thị La Ngà : phát triển trên cơ sở là điểm dân cư tập trung của xã La Ngà gắn với khu công nghiệp Định Quán. Định hướng quy hoạch là đô thị công nghiệp của huyện Định Quán.

Năm 2006 đã phê duyệt quy hoạch xây dựng TL 1/2000 Khu đô thị công nghiệp - dịch vụ tại xã La Ngà, huyện Định Quán, là khu đô thị mới hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

II.4.2. Hiện trạng phát triển hệ thống đô thị trong vùng.

a. Dân số đô thị, tỷ lệ đô thị hóa :

- Dân số đô thị toàn tỉnh năm 2011 là 897.591 người.

- Tỷ lệ đô thị hóa là 33,68%.

- Dân số Đồng Nai đặc biệt tăng nhanh do quá trình đô thị hóa và làn sóng di cư của nhiều người dân lao động các tỉnh phía Bắc vào Nam làm công nhân tại các khu công nghiệp tập trung. Các vùng có tốc độ đô thị hóa cao tập trung các khu vực phát triển nhiều khu công nghiệp nhất tỉnh tại TP. Biên Hòa, TX. Long Khánh, huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom.

- Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội kéo theo sự gia tăng dòng người di cư từ nông thôn ra đô thị, đem lại cả mặt tích cực và tiêu cực, giải quyết vấn đề môi trường sống, an sinh sẽ dẫn tới những hệ lụy phát triển kinh tế.

Bảng 13: So sánh tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh năm 2011

TT

Đơn vị hành chính

Dân số

(nghìn người)

Dân số đô thị

(nghìn người)

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

1

Long An

1.449,6

258,0

17,80

2

Tiền Giang

1.682,6

265,4

15,77

3

Bình Phước

905,3

152,1

16,80

4

Tây Ninh

1.080,7

169,1

15,65

5

Bình Dương

1.691,4

1.084,2

64,10

6

Đồng Nai

2.665,1

897,6

33,68

7

Bà Rịa - Vũng Tàu

1.027,2

512,1

49,85

8

TP. Hồ Chí Minh

7.521,1

6.250,7

83,11

 

Toàn vùng TP. Hồ Chí Minh

18.023,0

9.589,2

53,21

Bảng 14: Tỷ lệ đô thị hóa các vùng trong cả nước năm 2011

Đơn vị: %

Cả nước

Vùng Đồng Bằng sông Hồng

Vùng TP. HCM

Vùng Duyên hải Nam Trung bộ

Vùng Tây Nguyên

Vùng Đông Nam bộ

Vùng ĐBSCL

31,75

30,90

53,21

38,91

28,88

60,88

24,28

(Nguồn: Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2011)

Nhận xét: Hiện trạng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Đồng Nai ở mức trung bình trong vùng TP. Hồ Chí Minh và các vùng trong cả nước.

b) Số lượng đô thị, mật độ phân bố đô thị :

- Toàn tỉnh có 08 đô thị bao gồm 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 06 đô thị loại V.

- Mật độ phân bố đô thị toàn tỉnh là 1,36 đô thị/1000km2.

Bảng 15: Hiện trạng hệ thống đô thị của tỉnh Đồng Nai năm 2011


TT

Đơn vị hành chính

Tên đô thị

Diện tích (km2)

Dân số đô thị (người)

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

Phân loại đô thị

Tính chất

1

TP. Biên Hòa

TP. Biên Hòa

135,056

706.609

83,29

I

Tỉnh lỵ

2

TX. Long Khánh

TX. Long Khánh

9,513

54.357

40,17

IV

Huyện lỵ

3

H. Vĩnh Cửu

Thị trấn Vĩnh An

33,816

25.121

18,58

V

Huyện lỵ

4

H. Tân Phú

Thị trấn Tân Phú

8,094

23.170

14,36

V

Huyện lỵ

5

H. Định Quán

Thị trấn Định Quán

9,969

21.767

10,71

V

Huyện lỵ

6

H. Xuân Lộc

Thị trấn Gia Ray

13,858

14.959

6,69

V

Huyện lỵ

7

H. Trảng Bom

Thị trấn Trảng Bom

9,308

21.800

8,08

V

Huyện lỵ

8

H. Thống Nhất

-

 

0

0

 

 

9

H. Long Thành

Thị trấn Long Thành

9,284

29.808

14,47

V

Huyện lỵ

10

H. Nhơn Trạch

-

 

0

0

 

 

11

H. Cẩm Mỹ

-

 

0

0

 

 

 

Tổng cộng

 

228,899

897.591

33,68

 

 

Bảng 16 : Tình hình biến động dân số đô thị tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2011

Đơn vị: Người

TT

Đơn vị hành chính

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tỷ lệ tăng dân số đô thị giai đoạn 2006 - 2011 (%)

1

TP. Biên Hòa

573.437

598.455

627.593

655.300

680.476

706.609

4,59

2

TX. Long Khánh

52.597

52.485

50.994

51.044

52.305

54.357

0,18

3

H. Vĩnh Cửu

24.680

24.261

23.406

22.713

23.740

25.121

0,95

4

H. Tân Phú

21.384

21.394

21.213

21.127

21.935

23.170

0,64

5

H. Định Quán

20.278

20.234

19.911

19.834

20.356

21.767

0,10

6

H. Xuân Lộc

12.286

12.367

12.406

12.460

13.103

14.959

1,66

7

H. Trảng Bom

17.376

18.118

18.802

19.566

20.540

21.800

4,55

8

H. Thống Nhất

 

 

 

 

 

 

 

9

H. Long Thành

26.121

26.697

26.729

27.259

28.318

29.808

2,10

10

H. Nhơn Trạch

 

 

 

 

 

 

 

11

H. Cẩm Mỹ

 

 

 

 

 

 

 

 

Toàn tỉnh

748.159

774.011

801.054

829.303

858.894

897.591

3,70

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2006 - 2011

c. Phân loại đô thị :

·   Phân loại theo tính chất hành chính :

- 01 Thành phố tỉnh lỵ : Thành phố Biên Hòa

- 01 Thị xã thuộc tỉnh : Thị xã Long Khánh.

- 06 Thị trấn thuộc huyện.

·   Phân loại theo quy mô dân số đô thị :

- Đô thị loại II : TP. Biên Hòa - trung tâm tỉnh lỵ có dân số trên 800 ngàn người.

- Đô thị loại IV : Thị xã Long Khánh có dân số trên 100 ngàn người.

- Đô thị loại V : các thị trấn Tân Phú, Vĩnh An, Định Quán, Trảng Bom, Long Thành có dân số 20 - 30 ngàn người, thị trấn Gia Ray có dân số 13.103 người.

Hình 14 : Sơ đồ hiện trạng hệ thống đô thị

d) Tình hình xây dựng, phát triển và quản lý đô thị :

·   Tình hình xây dựng và công tác phát triển đô thị:

- Các đô thị phát triển còn chậm, tỷ lệ khu vực được chỉnh trang nâng cấp và xây dựng mới còn thấp. Nhìn chung các đô thị chủ yếu mang tính chất hành chính.

- Tốc độ đô thị hóa trung bình. Tình hình xây dựng còn manh mún, tự phát, thiếu đồng bộ. Hệ thống hạ tầng đô thị tuy có được đầu tư nhưng còn thiếu, đa phần đã xuống cấp, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai.

- Hiện đang lập Chương trình phát triển đô thị đến năm 2015 : nâng cấp TP. Biên Hòa lên đô thị loại I, thị xã Long Khánh lên đô thị loại III, thị trấn Trảng Bom, Long Thành lên đô thị loại IV.

·   Phát triển nhà ở :

- Phát triển nhà ở : thời gian qua nhiều dự án đã triển khai xây dựng nhà và chung cư đồng bộ tuy nhiên tốc độ triển khai còn chậm. Một số KCN đã có dự án xây dựng nhà ở công nhân gắn kết với các công trình dịch vụ, nhìn chung chỉ có KCN Long Thành đã triển khai xây dựng, còn lại các dự án khác đang trong giai đoạn thỏa thuận địa điểm, lập QHCT, báo cáo khả thi hoặc đang san lấp mặt bằng.

- Nhà ở xây dựng tự phát, cảnh quan lộn xộn, khó kiểm soát. Nhà ở chia lô dân tự xây dựng nhiều nơi còn lộn xộn không tạo được bộ mặt khang trang cho đô thị.

·   Quản lý đô thị:

- Đã lập quy hoạch chung xây dựng đô thị nhưng công tác quản lý đô thị chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Cảnh quan đô thị chưa được khang trang, các đô thị ít có bản sắc riêng. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh nằm xen lẫn khu dân cư, chưa xử lý nước thải, rác thải triệt để dễ gây ô nhiễm môi trường cho đô thị và khu vực xung quanh.

II.4.3. Hiện trạng phát triển các điểm dân cư nông thôn.

Năm 2011 toàn tỉnh có 136 xã, dân số nông thôn là 1.767.488 người, chiếm 66,32% tổng dân số toàn tỉnh. Hệ thống dân cư nông thôn phân bố không đều, mật độ dân số từ 100 - 800 người/km2.

Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu vực nông thôn chưa hoàn chỉnh. Các điểm dân cư nông thôn sống phân tán, phát triển dân cư mang tính tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ. Nhiều xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn cần đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chương trình 327, xoá đói giảm nghèo, dự án xây dựng trung tâm cụm xã, dự án 135, …. nhằm sắp xếp, ổn định dân cư, đất sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nông thôn.

Trong thời gian qua tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, triển khai công tác lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đào tạo nghề, mở rộng sản xuất,…. Đến nay Đồng Nai có 5 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ có 12 xã đạt 19/19 tiêu chí; 25 xã đạt chuẩn từ 14 đến 18 tiêu chí; nâng cao thu nhập, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo.

(Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai).

Bảng 17: Hiện trạng dân số nông thôn toàn tỉnh năm 2011

TT

Đơn vị hành chính

Số xã

Dân số nông thôn (người)

Tỷ lệ so với vùng tỉnh (%)

1

TP. Biên Hòa

30

141.775

8,02

2

TX. Long Khánh

15

80.954

4,58

3

H. Vĩnh Cửu

12

110.069

6,23

4

H. Tân Phú

18

138.215

7,82

5

H. Định Quán

14

181.404

10,26

6

H. Xuân Lộc

15

208.631

11,80

7

H. Trảng Bom

17

247.851

14,02

8

H. Thống Nhất

10

156.069

8,83

9

H. Long Thành

15

176.183

9,97

10

H. Nhơn Trạch

12

178.660

10,11

11

H. Cẩm Mỹ

13

147.677

8,36

 

Toàn tỉnh

136

1.767.488

100

Bảng 18 : Tình hình biến động dân số nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010

Đơn vị : Người

TT

Đơn vị hành chính

2006

2007

2008

2009

2010

2011

Tỷ lệ tăng dân số nông thôn giai đoạn 2006 - 2011 (%)

1

TP. Biên Hòa

41.574

43.258

45.501

48.773

141.445

141.775

27,81

2

TX. Long Khánh

77.160

78.075

80.097

80.635

80.630

80.954

0,96

3

H. Vĩnh Cửu

91.954

95.604

99.817

103.816

106.427

110.069

3,66

4

H. Tân Phú

137.898

137.549

136.391

136.085

136.594

138.215

0,05

5

H. Định Quán

175.835

175.449

174.342

173.967

177.133

181.404

0,63

6

H. Xuân Lộc

188.144

189.058

189.650

190.765

199.050

208.631

2,09

7

H. Trảng Bom

204.259

211.985

220.108

229.607

237.440

247.851

3,94

8

H. Thống Nhất

146.101

147.114

148.164

148.773

151.654

156.069

1,33

9

H. Long Thành

223.837

234.428

246.012

259.243

169.474

176.183

-4,68

10

H. Nhơn Trạch

139.791

146.067

152.593

159.817

168.174

178.660

5,03

11

H. Cẩm Mỹ

140.184

140.050

139.016

138.872

142.527

147.677

1,05

 

Toàn tỉnh

1.556.737

1.598.637

1.631.691

1.670.353

1.710.548

1.767.488

2,57

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2011

II.4.4. Đánh giá chung về hiện trạng hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn.

a. Điểm mạnh.

- Tỉ lệ đô thị hóa cao.

- Đã hình thành hệ thống đô thị trên toàn vùng. Đô thị trung tâm tỉnh lỵ, các đô thị trung tâm các huyện. Các đô thị chuyên ngành kinh tế.

- Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình công nghiệp - dịch vụ, các công trình dịch vụ công cộng đang dần được đầu tư tạo động lực cho đô thị phát triển.

- Hạ tầng khung kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ.

- Đã hình thành các điểm dân cư tập trung phát triển kinh tế và các trung tâm xã.

- Đã triển khai quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

b) Điểm yếu.

- Việc phân bố hệ thống đô thị chưa hợp lý. Thiếu một chiến lược đô thị hóa và kết nối với chiến lược đô thị hóa của vùng và Quốc gia.

- Các đô thị huyện lỵ chưa phát huy được vai trò là hạt nhân và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

- Các đô thị bám theo các trục quốc lộ và thường xuyên gây tai nạn giao thông.

- Đô thị phát triển thiếu bản sắc, thiếu bền vững.

- Các đô thị chưa liên kết thành mạng lưới đô thị.


 

 

 

`

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


II.5. Hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội:

II.5.1. Nhà ở - dịch vụ công cộng:

- Đã hình thành và phát triển các khu dân cư tập trung dọc theo các trục đường giao thông chính tại các đô thị, chủ yếu là hình thức nhà phố xen lẫn nhà vườn.

- Nhà ở nông thôn nằm rải rác kết hợp với đất sản xuất, chủ yếu là nhà bán kiên cố, nhà tạm.

- Tỷ lệ nhà kiên cố ở các đô thị cao hơn khu vực nông thôn.

- Nhìn chung nhà ở chưa được quản lý chặt chẽ, xây dựng tự phát, chất lượng thấp, thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, hình thức kiến trúc lai tạp,… làm mất vẻ mỹ quan của đô thị và điểm dân cư nông thôn.

- Các công trình dịch vụ công cộng đô thị phân bố theo các khu đô thị bán kính phục vụ hợp lý. Các công trình dịch vụ công cộng nông thôn tập trung ở trung tâm xã.

II.5.2. Hệ thống giáo dục - đào tạo :

·        Hiện trạng :

- Đại học: Có 4 trường đại học là Đại học Đồng Nai, Đại học Lạc Hồng, Đại học Nguyễn Huệ (nâng cấp từ Trường Sĩ quan Lục quân 2), Đại học Công nghệ Đồng Nai và 3 cơ sở phân hiệu là Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Đại học Lâm nghiệp (cơ sở 2 tại Trảng Bom), Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (cơ sở tại Biên Hòa).

- Cao đẳng: có trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi, Cao đẳng Mỹ thuật – Trang trí Đồng Nai, Cao đẳng Nghề Đồng Nai, Cao đẳng Nghề số 8, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đồng Nai, Cao đẳng Lê Quý Đôn (Biên Hòa).

- Trung cấp chuyên nghiệp: có 6 trường trung cấp chuyên nghiệp (5 trường công lập, 1 trường dân lập), với 169 giáo viên và 14.667 học sinh.

- Trường dạy nghề : trường Trung cấp nghề 26/3, trung tâm dạy nghề Bách Khoa (Biên Hòa), trung tâm dạy nghề huyện Trảng Bom, Định Quán, …

- Phổ thông : Mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông phát triển rộng khắp. Tuy nhiên nhìn chung cơ sở vật chất còn thiếu, cần bổ sung phòng thí nghiệm, thực hành.

- Cơ sở vật chất tương đối khang trang. Hình thức đào tạo nghề theo hướng đa dạng hóa và gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Đã triển khai khá hiệu quả các chính sách xã hội hóa ngành giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Tuy nhiên một số trường có cơ sở vật chất, trang thiết bị còn yếu kém, thiếu giáo viên, khó đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tương lai.

·        Các dự án lớn đang triển khai :

- Làng đại học tại khu vực Long Tân - Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch) diện tích 320,04 ha : đã phê duyệt QH.

- Trường đại học Miền Đông (huyện Thống Nhất) : UBND tỉnh chấp thuận chủ trương thành lập.

- Dự kiến nâng cấp trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi lên thành trường Đại học, Trung cấp Kinh tế Đồng Nai lên thành trường Cao đẳng.

II.5.3. Hệ thống y tế :

Năm 2011 mạng lưới y tế toàn tỉnh có 251 cơ sở gồm :

- 8 bệnh viện tuyến tỉnh, gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai, Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, Bệnh viện Công ty cao su Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Khu công nghiệp, Cấp cứu Y tế. Đang xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai giai đoạn 2 quy mô 1.400 giường tại phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa.

- 9 bệnh viện đa khoa cấp huyện, thị, thành phố: bệnh viện đa khoa khu vực TX. Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ.

- 39 phòng khám đa khoa khu vực : Phòng khám đa khoa khu vực TP. Biên Hòa (27), huyện Vĩnh Cửu (2), Tân Phú (2), Định Quán (2), Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Cẩm Mỹ (2) với tổng số 290 giường bệnh.

- 21 nhà hộ sinh với 41 giường bệnh, 171 trạm y tế xã, phường, thị trấn và 1 trạm y tế của cơ quan – xí nghiệp với 895 giường bệnh.

- Tổng số giường bệnh của Đồng Nai năm 2011 là 6.659 giường (trong đó có 5.433 giường bệnh của 19 bệnh viện), với 4.802 cán bộ ngành y trong đó có 1.095 bác sĩ, 962 y sĩ và 2.055 y tá, 690 nữ hộ sinh; 631 cán bộ ngành dược trong đó 76 dược sĩ cao cấp, 499 dược sĩ trung cấp và 56 dược tá.

- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế năm 2010 đạt 98,8%, năm 2011 ước đạt 100%.

- Chỉ tiêu của ngành y tế: 2,5 giường/1000 dân, 0,41 bác sĩ/1000 dân.

- Bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện đa khoa khu vực đã được trang bị các phương tiện hiện đại, từng bước được nâng cấp, cải tạo và hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật cao. Một số trạm y tế xã cũng được xây dựng đạt chuẩn nhằm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa. Nhân lực của ngành dần dần được đáp ứng nhu cầu về chất và lượng, bảo đảm đội ngũ bác sĩ phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh.

II.5.4. Hệ thống công trình văn hóa, thể thao :

Trong những năm qua các công trình văn hóa, thể dục thể thao đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh.

- Công trình văn hóa : Năm 2010 toàn tỉnh có 1 trung tâm văn hóa tỉnh, 11 trung tâm văn hóa huyện, thị xã, thành phố, Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, 11 thư viện huyện, thành phố, thị xã. Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, Đoàn Nghệ thuật cải lương, Đoàn Ca múa kịch tỉnh Đồng Nai.

- Toàn tỉnh có 25 di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá du lịch gắn với các di tích văn hóa, lịch sử. Nguồn vốn nhà nước và xã hội hóa dành cho ngành văn hóa - thông tin đã đ­ược cải thiện như­ng còn thấp so với yêu cầu; Công trình văn hóa ở cấp cơ sở còn thiếu thốn, mức hưởng thụ đời sống văn hóa cơ sở ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

- Công trình TDTT : trung tâm thể dục thể thao tỉnh, các CLB TDTT, sân thể thao từ cấp huyện, thị, thành phố đến xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua hoạt động văn hóa - thể thao của tỉnh khá sôi nổi. Thể thao thành tích cao phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực cho ngành TDTT của khu vực phía Nam và cả nước, đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đã thực hiện các chính sách xã hội hóa ngành văn hóa - thể thao. Tỉnh đã tổ chức các lễ hội quy mô lớn như Lễ hội Phật giáo Liên Hiệp Quốc (Vesak - 2008), lễ hội 310 năm - Đồng Nai hình thành và phát triển (năm 2008), lễ hội ẩm thực Đồng Nai năm 2011, còn các lễ hội truyền thống quy mô nhỏ, tổ chức không thường xuyên. Ngoài ra còn tổ chức các giải thi đấu thể thao trong tỉnh và tham gia các giải thi đấu thể thao trong nước.

Hình 15 : Sơ đồ phân bố hệ thống hạ tầng xã hội

II.5.5. Đánh giá chung về hiện trạng hệ thống hạ tầng xã hội :

a) Điểm mạnh.

- Đã xây dựng được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh có đủ các ngành, cấp học đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa.

- Mạng lưới y tế đã được đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhân lực được tăng cường, hình thành các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hệ thống y tế dự phòng khám chữa bệnh, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân.

- Đã hình thành các trung tâm văn hóa, trung tâm TDTT cấp tỉnh. Hoàn chỉnh thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa, công trình TDTT cấp tỉnh đã được đầu tư xây dựng.

- Trung tâm thương mại, mạng lưới chợ, dịch vụ được phát triển rộng khắp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.

b) Điểm yếu.

- Phát triển hệ thống giáo dục - đào tạo chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa.

- Hệ thống mạng lưới y tế thiếu các trung tâm y tế chuyên khoa chất lượng cao. Các bệnh viện tuyến huyện chưa thu hút và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

- Thiếu trung tâm Văn hóa - TDTT và giải trí cấp vùng; trung tâm văn hóa huyện và xã.

- Xã hội hóa giáo dục, y tế, văn hóa – TDTT phát triển chưa mạnh, đầu tư vào hạ tầng xã hội còn nhỏ, chưa tập trung.

- Thiếu trung tâm thương mại lớn là động lực phát triển kinh tế cho các đô thị.

- Công tác quy hoạch, bảo tồn bản sắc văn hóa còn hạn chế.

II.6. Hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật :

II.6.1. Hiện trạng giao thông.

Đồng Nai là tỉnh có mạng lưới giao thông vận tải phân bố đều khắp và khá đa dạng bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và tương lai là đường hàng không. Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng của vùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

a) Đường bộ :

Hệ thống giao thông đường bộ có tổng chiều dài khoảng 6.876,5 km, bao gồm 244,5km đường quốc lộ (đạt cấp II, III đồng bằng), 511 km đường tỉnh lộ, 1491 km đường huyện lộ, đường đô thị, 4.143 km đường giao thông xã, phường và 487 km đường chuyên dùng.

·   Đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây :

- Tổng chiều dài là 55km, có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng Đông Nam Bộ, kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành. Hiện nay đang triển khai xây dựng. Dự kiến cuối năm 2013 hoàn thành đưa vào sử dụng đoạn TP.Hồ Chí Minh - Long Thành.

·   Các tuyến quốc lộ :

- Quốc lộ 1 : nối tỉnh Đồng Nai với cả nước, đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài 102,45 km. Mặt đường BTN, đoạn từ ranh Bình Thuận đến thị xã Long Khánh rộng 12m, đoạn từ thị xã Long Khánh đến cầu Đồng Nai rộng 16m, đạt tiêu chuẩn đường cấp II, III.

- Quốc lộ 20 : kết nối tỉnh Đồng Nai với vùng Tây Nguyên, đoạn qua tỉnh dài 75,4 km. Kết cấu mặt đường BTN, rộng 12m, đạt tiêu chuẩn đường cấp III. Hiện nay một số đoạn đường bị xuống cấp khá nặng.

- Quốc lộ 51 : nối Đồng Nai với TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), đoạn qua tỉnh dài 42,65 km. Kết cấu mặt đường BTN, rộng 22m, đạt tiêu chuẩn đường cấp II.

- Quốc lộ 56 : nối Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu, đoạn qua tỉnh dài 18 km. Kết cấu mặt đường BTN, rộng 9m, đạt tiêu chuẩn đường cấp III.

- Quốc lộ 1 cũ và QL 1K: đoạn qua tỉnh dài 13,042 km, bắt đầu từ ngã 3 Chợ Sặt đến giáp tỉnh Bình Dương. Kết cấu mặt đường BTN, nền rộng 12 - 55m, hiện trạng là đường đô thị (Đường Nguyễn Ái Quốc). Trên tuyến có cầu Hóa An.

- Các tuyến quốc lộ là những trục giao thông huyết mạch quan trọng nhất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nối kết Đồng Nai với các tỉnh trong vùng Nam Bộ, Tây Nguyên và cả nước, nối kết với khu vực cảng biển Thị Vải – Cái Mép. Thời gian qua đã từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên lưu lượng giao thông tăng nhanh, tai nạn giao thông trên tuyến cũng tăng cao.

·   Các tuyến tỉnh lộ :

- Có 20 tuyến với tổng chiều dài 511 km đều được nối liền với hệ thống Quốc lộ, nhựa hóa 100%, bao gồm: Đường ĐT 760, 761, 762, 763, 764, 765, 766, 767, 768, 769, đường Chất thải rắn, Suối Tre - Bình Lộc, Xuân Lộc - Long Khánh,…

- Nhiều tuyến đường đã được đầu tư mở rộng và duy tu bảo dưỡng, nâng cấp một số tuyến đường huyện thành đường tỉnh quản lý với tỷ lệ nhựa hóa 90%, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên nhìn chung đường có lộ giới nhỏ, năng lực phương tiện thông qua hạn chế, một số tuyến bị xuống cấp trầm trọng (như đường ĐT 769 đoạn từ thị trấn Long Thành đến ngã tư Dầu Giây).

·   Các tuyến huyện lộ và đường đô thị :

- Có gần 300 tuyến với tổng chiều dài 1.491 km trong đó đường nhựa chiếm 60%, còn lại là đường bê tông, đường cấp phối, rải đá, đường đất.

- Một số tuyến đường huyện do xây dựng từ nhiều năm trước nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng trong khi nhu cầu lưu thông ngày càng tăng.

- Các tuyến đường đô thị tại TP Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các thị trấn huyện lỵ đã và đang được cải tạo nâng cấp mở rộng và nhựa hóa.

·   Giao thông nông thôn :

- Tổng chiều dài là 4.143 km, tỷ lệ nhựa hóa khoảng 30%, đường đất chiếm hơn 40%, còn lại là đường bê tông, đường cấp phối, đường rải đá.

·   Đường chuyên dùng :

- Tổng chiều dài là 487 km do các đơn vị kinh tế trong tỉnh trực tiếp quản lý, chủ yếu là đường nhựa, đường cấp phối.

·   Bến bãi :

- Hiện nay có 15 bến xe khách và 12 trạm xe buýt có tổng diện tích khoảng 11,7 ha, trong đó có 3 bến xe khách liên tỉnh ở Biên Hòa và 12 bến xe khách ở các thị trấn, thị xã trong tỉnh. Các bến xe đáp ứng được việc mở và khai thác các tuyến vận tải khách trong và ra ngoài tỉnh, vận tải khách công cộng bằng xe buýt, góp phần phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân ngày một tốt hơn và tạo điều kiện cho các lái xe dừng đón, trả khách đúng nơi quy định, giữ trật tự an toàn giao thông.

- Nhìn chung bến bãi trạm dừng xe còn thiếu. Cần tiếp tục triển khai việc hoàn chỉnh và xây dựng các bến xe, trang thiết bị theo quy định cấp bậc loại bến, dành đất để xây dựng các bến, trạm, điểm dừng đỗ xe.

(Nguồn : Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025).

·   Nhận xét chung về thực trạng giao thông đường bộ :

- Hiện nay giao thông chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên toàn tỉnh. Mật độ mạng lưới giao thông đường bộ còn thấp, phân bố không đều giữa các khu vực : tập trung phát triển ở khu vực phía Nam, còn ở vùng phía Bắc có tỷ lệ thấp.

b) Đường thủy :

·   Tuyến đường thủy:

- Toàn tỉnh có 24 tuyến đường sông đang hoạt động, tổng chiều dài 431 km, trong đó có 6 tuyến tổng chiều dài 169 km do Trung ương quản lý và 18 tuyến tổng chiều dài 262 km do tỉnh quản lý. Ngoài ra, còn 61 tuyến kênh rạch tổng chiều dài 101 km do đơn vị cơ sở khai thác, quản lý. Các tuyến đường sông chính gồm 8 tuyến trên các sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Cái, sông Gò Gia và sông La Ngà, trong đó quan trọng nhất là các tuyến :

+ Sông Đồng Nai: Dài 162 km là tuyến vận tải đường thủy huyết mạch trong tỉnh và từ tỉnh đi TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, có luồng tàu ra vào cảng Đồng Nai.

+ Các sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai gồm sông Nhà Bè (8,5 km) và sông Lòng Tàu (9 km) có luồng tầu biển ra vào cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái và khu cảng Phú Hữu, Ông Kèo của tỉnh; sông Thị Vải có luồng tàu biển ra vào khu cảng Gò Dầu, Phước An.

b.2. Hệ thống cảng :

·   Cảng biển :

- Trên sông Đồng Nai có các cảng chính :

+ Cảng tổng hợp Đồng Nai tiếp nhận tàu 5.000 DWT, cảng chuyên dụng hàng lỏng (cảng SCTGas, VT.Gas) tiếp nhận tàu 1.000 DWT ; cảng tổng hợp Phú Hữu II tiếp nhận tàu 20.000 DWT.

+ Các cảng sông trung chuyển container: Bến container Tín Nghĩa, Long Tân.

- Trên sông Nhà Bè và Lòng Tàu (thuộc Nhơn Trạch) :

+ Cảng tổng hợp Phú Hữu 1: Tiếp nhận tàu 20.000 DWT.

+ Cảng gỗ mảnh Phú Đông (S.Nhà Bè) : tiếp nhận tàu 25.000 DWT.

+ Cảng xăng dầu Phước Khánh (S.Nhà Bè): Tiếp nhận tàu dầu 25.000 DWT.

+ Cảng Nhà máy đóng tàu 76: Chuyên dùng cho việc đóng mới và sửa chữa tàu 50.000 DWT.

+ Cảng cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Nhơn Trạch: Thuộc KCN Ông Kèo, tiếp nhận tàu 20.000 DWT.

+ Cảng nhà máy dầu nhờn Trâm Anh : tiếp nhận tàu dầu 2000 - 5000 DWT.

+ Cảng VIKOWOCHIMEX : tiếp nhận tàu 15.000 DWT.

+ Cảng Sun Steel – China Himent.

- Trên sông Thị Vải :

+ Cảng Phước Thái (cảng VEDAN): tiếp nhận tàu 10.000 - 12.000 DWT.

+ Cảng tổng hợp Gò Dầu A: Tiếp nhận tàu 2.000 DWT, đang xây dựng có thể tiếp nhận tàu 5.000 - 10.000 DWT.

+ Cảng tổng hợp Gò Dầu B: Tiếp nhận tàu 6.500 - 12.000 DWT, dự kiến có thể thông qua tàu 15.000 DWT.

+ Cảng Super Photphat Long Thành: chuyên dụng cho tàu 3.000 DWT.

+ Cảng nhà máy Unique Gas: có một bến hàng lỏng cho tàu 6.500 DWT.

·   Hệ thống bến thủy nội địa :

* Bến khách :

- Có một số bến đò khách trên sông nhưng quy mô nhỏ như bến khách ở phường Thanh Bình, Hòa Bình,…

* Bến hàng hóa :

- Hàng hóa thông qua các bến cảng sông hiện đạt khoảng 142 - 205 nghìn tấn/năm, còn lại chủ yếu là nguyên vật liệu xây dựng từ khai thác tại chỗ. Các bến cảng chính gồm :

+ Bến cảng chuyên dụng của các doanh nghiệp và hàng container: khu vực phường An Bình (TP. Biên Hòa), trên sông Cái hiện có bến COGIDO của công ty giấy Đồng Nai sử dụng cho sà lan 500 tấn, bến thức ăn gia súc Con Cò cho sà lan 500- 1000 tấn, bến Tín Nghĩa (ICD Biên Hòa) phục vụ container cho sà lan 1000 tấn và trên sông Đồng Nai có bến bột ngọt Ajinomoto cho sà lan đến 500 tấn, bến cảng của công ty Vận tải sông biển cho sà lan 500 - 1000 tấn; tại xã Long Tân (Nhơn Trạch) có cảng trung chuyển container gồm 3 bến sà lan 1000 tấn và 3 bến sà lan 3000 tấn.

+ Bến vật liệu xây dựng: khu vực TP.Biên Hòa có 5 bến bốc xếp cát, đá sỏi An Bình cho sà lan 500- 1000 tấn, 27 bến xuất đá và 5 bến xuất cát tại Hóa An; khu vực Long Thành trên sông Buông có 5 bến bốc xếp đất đỏ cho sà lan 500- 1000 tấn; khu vực huyện Vĩnh Cửu có 8 bến trên sông Đồng Nai gồm 1 bến xuất cát, 3 bến xuất đất đỏ, 1 bến puzalan tại Đại An cho ghe 100 tấn và 3 bến xuất đá tại Thiện Tân cho sà lan 500 tấn.

Nhận xét chung về giao thông đường thủy :

- Hệ thống giao thông thủy chủ yếu tập trung ở phía Nam và phía Tây của tỉnh, phía Bắc do độ dốc sông cao, nhiều đá ngầm nên hạn chế giao thông thủy

- Độ tĩnh không các cầu trên tuyến sông Đồng Nai cũng làm hạn chế năng lực vận tải đường thủy trên tuyến sông chính của tỉnh (đoạn từ cầu Đồng Nai lên phía Bắc).

c) Đường sắt :

- Tuyến đường sắt Bắc- Nam chạy qua tỉnh có chiều dài 87,5 km gồm 8 ga là tuyến lưu thông hàng hoá, hành khách quan trọng giữa tỉnh với các khu vực Duyên hải miền Trung và khu vực phía Bắc, ga Biên Hoà là ga chính hiện đã trang bị hệ thống thông tin tín hiệu chạy tàu bán tự động trên toàn tuyến đường sắt Bắc- Nam.

d) Đường hàng không :

- Tỉnh Đồng Nai có sân bay Biên Hòa với tổng diện tích là 40km2 nằm ở phía Bắc trung tâm thành phố Biên Hòa. Đây là sân bay quân sự tỉnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.

- Ngoài ra còn có một số sân bay dã chiến được xây dựng trước năm 1975, như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc... Đến nay các sân bay này hầu như không sử dụng. Chưa có sân bay dân dụng trên địa bàn.


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


II.6.2. Hiện trạng chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng :

a. Hiện trạng nền:

Căn cứ bản đồ địa hình tự nhiên của tỉnh Đồng Nai, phần lớn đất đai có địa hình đa dạng từ vùng núi cao, núi thấp đến vùng đồng bằng.

Các thành phố, thị xã hiện nay đã xây dựng trên những vùng có cao độ khác nhau (được xác định theo các đồ án quy hoạch chung), tùy theo địa hình. Các biện pháp san nền chính (đắp nền cho những khu vực thấp trũng, khu vực ven sườn núi ven các dòng suối san nền cục bộ giật cấp,...) đã được sử dụng ở các đô thị, các điểm dân cư tập trung trong vùng. Nhìn chung các thành phố, thị xã đã có quy hoạch chung xây dựng đều được xây dựng theo đúng cao độ xây dựng khống chế. Các thị trấn, điểm dân cư nông thôn đều xây dựng trên những vùng đất cao không bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm. Tuy nhiên thời gian gần đây cùng với nhịp độ phát triển kinh tế, tốc độ xây dựng các khu đô thị, các khu công nghiệp, du lịch, … cũng rất cao làm cho quá trình xây dựng không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Do vậy san lấp mặt bằng không tuân thủ theo một nguyên tắc nhất định nên ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Các làng xóm nằm trong thành phố được đô thị hóa nên trong các khu vực này có đặc điểm là nền công trình thấp, mạng đường nhỏ, nền đường cao nên ảnh hưởng đến việc thoát nước.

Cụ thể nền một số đô thị như sau:

·      Thành phố Biên Hòa:

- Địa hình có cao độ trung bình từ 1 - 80m và hướng dốc từ Đông Bắc thấp dần xuống Tây Nam.

- Khu vực thành phố có địa hình dốc thoải, độ dốc trung bình là 2-4%, và chỉ có khu vực ven sông Đồng Nai và các sông nhánh cao độ 0,5 - 2m thường bị ngập do triều cường.

·      Thị xã Long Khánh:

- Địa hình có cao độ từ 120-310m, khu vực có cao độ cao nên không bị ảnh hưởng ngập lụt ngập lụt. Ở phía Tây thị xã có địa hình đồi núi phức tạp, còn lại phần lớn địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc thấp dần từ Tây sang Đông.

b. Hiện trạng thoát nước mặt :

b.1. Hệ thống thoát nước vùng tỉnh :

- Trục tiêu chính là trục sông Đồng Nai ở phía Tây và các trục sông chính khác trên địa bàn tỉnh như sông Ray, sông Thị Vải.

- Hướng thoát: Các trục sông này đều thoát ra biển Đông.

- Trên các sông có các hồ thủy điện, thủy lợi góp phần chứa nước và điều tiết dòng chảy vào mùa lũ như : hồ thủy điện Trị An, hồ Sông Mây, hồ Đa Tôn, hồ Bờ Hào, hồ Gia Ui, hồ Núi Le, hồ Suối Vọng, …

b.2. Các đô thị :

- Đối với TP. Biên Hòa, TX. Long Khánh đã có hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung nhưng chưa hoàn chỉnh.

- Hiên tại các khu công nghiệp, các khu đô thị mới đã xây dựng hệ thống thoát nước mưa riêng.

- Hệ thống cống chung gồm 3 loại : Cống ngầm, mương nắp đan kết hợp với mương xây hở và các hồ điều hòa.

·      Thành phố Biên Hòa :

- Hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung, hệ thống cống xây dựng đã lâu nên nhiều đoạn bị hỏng và xuống cấp, khẩu độ nhỏ vì vậy khi mưa to thường gây ngập úng, nhất là khu vực phía Tây thành phố.

- Hệ thống các mương, suối trong thành phố gần đây bị thu hẹp do người dân lấn chiếm, dẫn đến giảm khả năng tiêu thoát nước.

- Phần lớn trên diện tích Thành phố Biên Hòa nước mưa chảy theo địa hình tự nhiên ra sông suối. Khu vực trung tâm thành phố và các khu dân cư hiện hữu có hệ thống thoát nước mưa chung với nước thải sinh hoạt bằng hệ thống cống tròn, xả trực tiếp ra các sông suối trên địa bàn Thành phố. Các khu công nghiệp và khu dân cư mới phát triển có xây dựng hệ thống thoát nước riêng giữa nước mưa và nước thải.

- Các lưu vực thoát nước chính trong phạm vi TP. Biên Hòa gồm : Lưu vực suối Săn Máu, Lưu vực suối Linh, Lưu vực suối Chùa, suối Bà, Lưu vực suối Cầu Quan, Lưu vực hệ thống sông Buông. Các sông suối trên cuối cùng đều thoát ra sông Đồng Nai, hiện nay các suối trên đã được cải tạo, nạo vét và bảo vệ bờ suối nên cũng phần nào hạn chế việc ngập úng khi mưa lớn.

·      Thị xã Long Khánh :

- Đã có hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung nhưng chưa hoàn chỉnh. Nước được thoát ra suối Gia Liêu, suối Đá, hồ Suối Tre và theo các suối khác dẫn về sông Ray, sông La Ngà, hồ Trị An.

·      Thị trấn Gia Ray:

- Chỉ có một số tuyến đường đã có cống thoát nước mưa riêng như đường Hùng Vương, Ngô Quyền, Trần. Hướng thoát nước chính ra hồ Núi Le.

·      Thị trấn Trảng Bom:

- Hướng thoát nước chính ra hồ Sông Mây.

·      Thị trấn Vĩnh An:

- Hướng thoát nước chính ra hồ Trị An và sông Đồng Nai.

·      Thị trấn Định Quán:

- Hướng thoát nước chính ra các suối rồi dẫn về hồ Trị An.

·      Thị trấn Tân Phú:

- Hướng thoát nước chính ra bàu Sân Bay và bàu Ngựa.

·      Thị trấn Long Thành:

- Hướng thoát nước chính ra sông Vàm Môn.

·      Đô thị Long Giao :

- Hướng thoát nước chính ra hồ Cầu Mới.

·      Đô thị Nhơn Trạch:

- Đã có hệ thống thoát nước mưa riêng, hướng thoát nước chính ra sông Thị Vải và sông Cái Gốc.

·      Đô thị Dầu Giây:

- Hướng thoát nước chính ra các suối rồi dẫn về hồ Sông Mây.

c. Hiện trạng các công trình thủy lợi :

- Toàn tỉnh có 123 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng năng lực phục vụ 23.355 ha đất canh tác bao gồm đất trồng lúa 19.756 ha chiếm tỷ lệ 51%, hoa màu 819 ha, cây công nghiệp và cây ăn trái 2.780 ha, ngoài ra còn phục vụ nuôi trồng thủy sản 955,5 ha và ngăn mặn, tiêu lũ 9.369 ha.

- Trong 123 công trình thủy lợi của tỉnh có 51 công trình thủy lợi đầu mối do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý bao gồm: 10 hồ chứa nước, 24 trạm bơm điện, 15 đập dâng và 2 hệ thống đê ngăn mặn, phục vụ cho 15.300 ha đất canh tác, hiệu suất đạt khoảng 81,1%.

- Thời gian vừa qua, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng 14 công trình thủy lợi bao gồm 2 hồ chứa, 4 đập dâng, 2 trạm bơm, 3 kênh tiêu lũ, 2 cống và 1 công trình phòng chống cháy rừng toàn tỉnh, tổng năng lực phục vụ tưới đạt 1.525 ha, tiêu nước 4.530 ha, cấp nước 106.000m3/ngày. Hiện nay đang triển khai 25 dự án xây dựng, tu bổ công trình thủy lợi gồm: 5 hồ chứa, 3 đập dâng, 6 trạm bơm, 2 hệ thống kênh tưới, 9 công trình tiêu, ngăn lũ, kè sông. Đã kiên cố hóa 267,7 km kênh mương đạt 45% so với yêu cầu. Một số công trình đã phát huy hiệu quả cao như: Trạm bơm ấp 2 xã Thanh Sơn (Định Quán), trạm bơm Tà Lài (Tân Phú), hồ Cầu Mới,…

- Các công trình thủy lợi lớn của tỉnh :

+ Hồ chứa :

§  Hồ Trị An : diện tích lưu vực 323 km2, dung tích tổng cộng 2.740 triệu m3, dung tích hữu ích 2.540 triệu m3, là hồ chứa nước lớn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều tiết nước của hệ thống sông Đồng Nai trong mùa lũ và mùa khô.

§  Các hồ chứa lớn vừa và nhỏ trên các sông nhánh đã góp phần cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất và cắt giảm đỉnh lũ, hạn chế tình trạng lũ quét cục bộ như hồ Đa Tôn, Sông Mây, Gia Ui, Núi Le, Cầu Mới, …

+ Đê bao chống lũ và ngăn mặn : Có các tuyến đê bao chống lũ, ngăn mặn một số khu vực ven sông, phần lớn chưa hoàn chỉnh, bao cục bộ từng khu nhỏ như : đê bao khu vực Cát Tiên và Đa Tẻ ven dòng chính sông Đồng Nai, hệ thống đê Ông Kèo khu vực hạ lưu sông Đồng Nai nhằm ngăn mặn kết hợp chống lũ và triều cường, …

- Các dự án thủy lợi chậm triển khai : Trạm bơm Cao Cang, Đắc Lua, kênh hồ cầu mới, dự án nạo vét kênh Ông Kèo, suối Săn Máu, suối Sâu (Vĩnh Cửu), dự án hồ Gia Măng (Xuân Lộc), ….. do vướng công tác giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư, thay đổi một số quy định về xây dựng cơ bản,…

- Hiện nay một số vùng vẫn còn thiếu nước tưới, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa khô. Một số công trình hồ, đập, kênh mương đầu mối đã xuống cấp, mức độ kiên cố hóa kênh mương còn thấp nên thất thoát nước còn lớn, hạn chế đến phát huy năng lực công trình đầu nguồn.

(Nguồn : Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Báo cáo điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 – 2020, định hướng đến năm 2025;

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai).


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


II.6.3. Hiện trạng cấp điện :

a. Tài liệu tham khảo :

- Tổng sơ đồ phát triển lưới điện Việt Nam giai đoạn VII do Bộ Công Thương thực hiện.

- Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020 do Viện Năng Lượng lập.

- Và một số tài liệu khác.

b. Hiện trạng hệ thống điện :

b.1. Nguồn điện :

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai được cấp điện từ các nguồn điện của hệ thống điện Quốc gia qua các tuyến cao thế 220kV, 110kV, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện thuộc khu vực phía Nam.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có các nhà máy điện :

- Thủy điện Trị An 400MW.

- Nhiệt điện Nhơn Trạch 600MW.

- Nhiệt điện Formosa 300MW.

- Nhiệt điện Vedan 68MW.

- Nhiệt điện Amata 12,8MW.

- Diesel Hóa An 13MW.

b.2. Lưới điện :

* Lưới 220kV :

Các tuyến 500kV hiện có trên địa bàn tỉnh :

- Phú Mỹ – Nhơn Trạch.

- Nhơn Trạch – Nhà Bè.

* Lưới 110kV :

Các tuyến 110kV hiện có trên địa bàn tỉnh :

- Formosa – Long Thành.

- Long Thành – Long Bình.

- Phú Mỹ – Long Thành.

- Hàm Thuận – Long Thành.

- Trị An – Long Bình.

- Long Bình – Bảo Lộc.

- Long Bình – Thủ Đức.

- Trị An – Hóc Môn.

- Trị An – Bình Hòa.

- Nhơn Trạch – Nhà Bè.

- Nhơn Trạch – Cát Lái.

- Nhơn Trạch – Cai Lậy.

- Nhơn Trạch – Phú Mỹ.

Các trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh :

- Trạm Long Bình 2x250MVA, đặt tại KCN Biên Hòa 2.

- Trạm Long Thành 2x250MVA, đặt tại xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.

- Trạm Trị An 2x63MVA, đặt tại NMĐ Trị An.

- Trạm NMĐ Nhơn Trạch 125MVA.

* Lưới 110kV :

Các tuyến 110kV hiện có trên địa bàn tỉnh :

-    Long Bình – Đồng Nai.

-    Long Bình – Thủ Đức Bắc.

-    Long Bình – Biên Hòa.

-    Long Bình – An Bình.

-    Long Bình – Tân Mai.

-    Long Bình – Hố Nai.

-    Long Bình – Xuân Trường – Hàm Tân.

-    Trị An – Đồng Xoài.

-    Trị An – Định Quán – Bảo Lộc.

-    Trị An – Tân Hòa.

-    Tân Hòa – Thạnh Phú.

-    Tân Hòa – Sông Mây.

-    Long Thành – Tuy Hạ.

-    Long Thành – Long Bình.

-    Long Thành – Phú Mỹ.

-    Long Thành – Nhơn Trạch.

-    Long Thành – KCN Dệt May.

-    Dệt May – Nhơn Trạch 2.

-    Long Thành – Nhơn Trạch 2.

-    Tuy Hạ - Tp. Nhơn Trạch.

-    Các nhánh rẽ Bàu Xéo, Tam Phước, Sun Steel, Pou Sung.

Các trạm biến áp 110/22kV trên địa bàn tỉnh :

-    An Bình 2x63MVA.

-    Long Bình 2x63MVA.

-    Biên Hòa 2x40MVA.

-    Đồng Nai 2x40MVA.

-    Vicasa 2x30MVA

-    Tân Mai 2x63MVA.

-    Thạnh Phú 40+63MVA.

-    Tân Hòa 40+63MVA.

-    Sông Mây 2x40MVA.

-    Amata 40MVA.

-    Loteco 2x40MVA

-    Hố Nai 40+63MVA.

-    Thống Nhất 25+40

-    Bàu Xéo 40MVA.

-    Pou Sung 63MVA

-    Long Khánh 25+40MVA.

-    Xuân Trường 2x25MVA.

-    Tam Phước 40MVA.

-    Tam An 63MVA.

-    Tuy Hạ 2x40MVA.

-    KCN Dệt May 40MVA.

-    KCN Long Thành 63MVA

-    Hyosung 3x40MVA

-    Nhơn Trạch 2 40MVA.

-    Nhơn Trạch 5 40MVA.

-    Tp. Nhơn Trạch 25+40MVA.

-    Sun Steel 63MVA.

-    Vedan 218MVA.

-    Gò Dầu 40+63MVA.

-    Trị An 40MVA.

-    Định Quán 25MVA.

-    Tân Phú 25MVA.

-    Kiệm Tân 25+16MVA.

* Lưới phân phối trung thế :

- Các tuyến trung thế đã cải tạo và được xây dựng ở cấp 22kV, cấu trúc tuyến là 3 pha 4 dây, trung tính nối đất trực tiếp và lặp lại. Phần lớn là đường dây trên không.

- Nhìn chung lưới 22 kV được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại với tiết diện đường trục từ 120 ÷ 240 mm2. Các lộ ra trung thế được bảo vệ bằng máy cắt, trên các đường trục, nhánh rẽ được lắp đặt các bộ Recloser, cột điện dùng cột bêtông ly tâm từ 10 – 14 m, giữa các tuyến đường dây có các mạch vòng hỗ trợ lẫn nhau, ở chế độ bình thường chỉ mang tải từ 40 – 50% công suất. Do vậy lưới 22 kV vận hành linh hoạt, ít sự cố, tổn thất điện áp, điện năng thấp và có độ phụ tải phát triển từ 3-5 năm.

- Các trạm hạ thế được vận hành ở cấp điện áp 22/0,4kV. Gồm các loại trạm ngoài trời (trạm treo, trạm giàn, trạm nền, trạm compact) và trạm trong nhà.

- Các trạm thường lắp đặt theo sơ đồ bảo vệ gồm FCO và LA.

b.3. Phụ tải điện :

- Năm 2010, tổng điện nhận lưới là 6.476 triệu kWh, tổn thất 200,7 triệu kWh (chiếm tỷ lệ 3,1%). Tổng điện thương phẩm là 6.725,2 triệu kWh, trong đó thành phần Công nghiệp Xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất là 77,5%, Quản lý và TDDC 17,8%, Nông nghiệp thủy lợi 1,5%, Thương mại dịch vụ 1,2%, các nhu cầu khác 2%.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2005 đế 2010 là 14,6%.

- Mức độ điện khí hóa : 100% xã có điện.

- Tỷ lệ hộ dùng điện năm 2011 là 99%.

b.4. Nhận xét hiện trạng điện :

- Tỉnh Đồng Nai được cung cấp điện từ nhiều nguồn điện khác nhau như: Trung tâm Nhiệt điện Phú Mỹ, thủy điện Trị An, thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi, nhiệt điện Formosa,…. Các nhà máy điện này có công suất dự trữ lớn, cho phép hệ thống điện vận hành linh hoạt, có độ tin cậy cung cấp điện cao, khả năng huy động công suất trong giờ cao điểm lớn, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.

- Khả năng liên kết lưới điện 220kV, 110kV của tỉnh Đồng Nai với các tỉnh thành lân cận khá tốt, tạo thành mạch vòng, an toàn trong cung cấp điện.

- Khu vực thành phố Biên Hòa, một số tuyến trung thế vận hành đầy và quá tải.

- Lượng tiêu thụ điện tăng cao do các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh ngày càng phát triển mở rộng.

- Mức độ tăng trưởng bình quân hằng năm cao. Mức tổn hao trên lưới điện thấp.

II.6.4. Hiện trạng cấp nước :

a. Hiện trạng nguồn nước :

a.1. Nguồn nước mặt :

Nguồn nước mặt rất phong phú, được cung cấp bởi hệ thống sông suối chính là sông Đồng Nai; sông La Ngà; sông Buông; sông Ray; sông Soài Rạp và sông Thị Vải. Hệ thống sông Đồng Nai đóng vai trò quan trọng và chủ yếu trong việc cung cấp nước cho các nhu cầu nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của tỉnh Đồng Nai nói riêng và tỉnh miền Đông Nam bộ nói chung. Sông Đồng Nai đoạn từ Biên Hòa đến Trị An là tiềm năng lớn nhất về nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các đô thị của tỉnh.

- Hồ chứa nước Trị An: là hồ chứa nước lớn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc điều tiết nước của hệ thống sông Đồng Nai trong mùa lũ và mùa khô. Hồ chứa nước Trị An tiếp nhận nước của sông chính Đồng Nai và phụ lưu là sông La Ngà.

+ Mực nước max: +62.00; Mực nước min: +48.00.

+ Lưu lượng max: 2.700 m3/s; Lưu lượng min: 158m3/s.

·      Nhận xét :

- Hệ thống sông Đồng Nai là nguồn cung cấp nước thô quan trọng cho TP. Hồ Chí Minh (nhà máy nước Thủ Đức), cho TP. Biên Hòa và các đô thị quan trọng của tỉnh Đồng Nai.

- Hồ Trị An có tiềm năng khai thác nước thô cho hệ thống cấp nước cho quy mô lớn (lên đến hàng trăm ngàn m3/ngđ).

- Một số các sông, suối, hồ nhỏ khác như: Sông Ui, suối Đa Công, hồ Núi Le (huyện Xuân Lộc - đang được nhà máy nước Gia Rai khai thác, cấp nước sinh hoạt cho khu vực); hồ Sông Mây, suối Tre, sông Thao, hồ Bàu Hàm (huyện Thống Nhất); hồ Đa Tôn, bàu Min, bàu Mây, Bàu Sấu (huyện Tân Phú); suối Quýt, suối Cả, sông Nhạn, sông Ba Đội (huyện Long Khánh).

- Hồ Cầu Mới : được lựa chọn làm nguồn cung cấp nước thô có quy mô 85.000m3/ngđ cho hệ thống cấp nước đô thị.

- Hồ Núi Le (cho hệ thống cấp nước thị trấn Gia Ray), hồ Suối Tre 2 (cho hệ thống cấp nước thị xã Long Khánh).

a.2. Nguồn nước ngầm :

Nguồn nước ngầm phong phú, phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung ở phía Tây của tỉnh và thị xã Long Khánh, chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Một số dự án khoan thăm dò đánh giá nước ngầm tại thị trấn Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất (Trảng Bom) cũng đã thực hiện.

- Phức hệ Holocen : chủ yếu ở khu vực Tây, Tây Nam tỉnh, dọc theo thung lũng sông Đồng Nai và sông La Ngà. Chiều dày tầng chứa nước thay đổi từ 1-2m đến 10-20m,. Khu vực phía Tây và Nam Nhơn Trạch hầu hết nước bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, ở khu vực cao dọc Quốc Lộ 51 và Biên Hòa nước thuộc loại siêu nhạt. Đây là tầng chứa nước có lưu lượng nhỏ, khả năng chứa nước kém, không có ý nghĩa cho cấp nước quy mô đô thị, chỉ có khả năng khai thác phục vụ cho từng hộ gia đình riêng lẻ.

- Tầng chứa nước Pleistoxen: phân bố từ Biên Hòa xuống Long Thành, chiều dày tầng chứa nước thay đổi từ 5-10m đến 20-45m. Trữ lượng tĩnh đạt 471.250m3/ngày và tổng trữ lượng đạt 710.000 m3/ngđ, khả năng khai thác trung bình. Khu vực phía Bắc Biên Hoà, huyện Thống Nhất, Long Thành có khả năng chứa nước tương đối giàu. Ở phía Nam Nhơn Trạch hầu hết nước bị nhiễm mặn.

- Tầng chứa nước Pliocen : phân bố ở Long Thành, Thống Nhất, tổng trữ lượng khá lớn, phân bố chủ yếu Vĩnh Cữu - Long Bình- Long Thành và Nhơn Trạch.

- Tầng chứa nước các thành tạo phun trào Bazan : phân bố ở Tân Phú, Định Quán, Long Khánh, Xuân Lộc và phía Đông Bắc huyệnThống Nhất, có khả năng khai thác ở quy mô vừa và nhỏ.

- Phức hệ nước trong tầng đá Mezozoi : phân bố chủ yếu ở khu vực phía Bắc, một số ít ở phía Đông và Đông Bắc, khả năng chứa nước rất hạn chế. Trữ lượng tĩnh là 93.000 m3/ngày tổng trữ lượng 254.000m3/ngày.

Chỉ có 3 phân vị có ý nghĩa sử dụng là tầng chứa nước Pliocen; Tầng chứa nước Pleistocen; Đới chứa nước trong các thành tạo phun trào Bazan. Dự báo khả năng khai thác nước ngầm cho một số khu vực cụ thể trên địa bàn tỉnh Đồng Nai như sau:

- Vùng Long Thành: Kéo dài từ ngã Ba Thái Lan (Tam Phước) tới trường Lục quân có thể khai thác từ 25.000-35.000 m3/ngày với giếng sâu 80m, cách nhau 300m, cung lượng giếng 1.000 m3/ngày.

- Vùng Tuy Hạ (Nhơn Trạch) có thể khai thác từ 60.000 m3/ngày ở độ sâu 80-90 m với cung lượng 1.000-1.500 m3/ngày. Hành lang khai thác là 3 cụm giếng, trong đó 1 cụm là 35.000 m3/ngày; cụm thứ 2 có công suất 20.000 m3/ngày và cụm thứ 3 có công suất 5.000 m3/ngày.

- Vùng Bắc Biên Hòa có thể khai thác với công suất 30.000 m3/ngày, bãi giếng gồm 25 giếng với chiều sâu trung bình của giếng là 100.

- Thị trấn Trảng Bom (huyện Thống Nhất) có thể khai thác cấp công nghiệp là 3.400 m3/ngày với cụm giếng gồm 5 giếng.

- Thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú) có thể khai thác cấp công nghiệp là 2.780 m3/ngày với bãi giếng khoan có qui mô công suất mỗi giếng là 480 đến 600 m3/giờ.

- Thị trấn Gia Rai (huyện Xuân Lộc) có thể khai thác đến 16.000 m3/ngày.

- Thị xã Long Khánh (huyện Long Khánh) có thể khai thác đến 32.000 m3/ngày.

b. Hiện trạng các nhà máy nước chính :

- Tính đến nay, tổng công suất thiết kế của các nhà máy nước do Công ty cấp nước Đồng Nai đang quản lý khoảng 239.000m3/ngày đêm. Hầu hết các nhà máy nước lớn trong tỉnh đều lấy nước sông Đồng Nai làm nguồn cấp nước chính.

Bảng 19 : Hiện trạng các nhà máy nước tại các đô thị của tỉnh Đồng Nai

STT

Địa phương

Công suất (m3/ngđ)

Nguồn

Ghi chú

Hiện hữu

Đang triển khai

1

Thành phố Biên Hòa

 

 

 

 

 

NMN Biên Hòa

36.000

 

Nước s. Đồng Nai

 

 

NMN Long Bình

30.000

 

Nước s. Đồng Nai

 

 

NMN Thiện Tân I.II

120.000

100.000

Nước s. Đồng Nai

 

 

NMN Hóa An

6.000

 

Nước s. Đồng Nai

 

2

Thị xã Long Khánh

 

 

 

 

 

HTCN ngầm TX Long Khánh

7.000

 

Nước ngầm

 

3

Huyện Nhơn Trạch

 

 

 

 

 

NMN ngầm Đại Phước

5.000

 

 

 

 

HT nước ngầm Nhơn Trạch

20.400

 

Nước ngầm

 

 

NMN Nhơn Trạch 1 (nguồn Thiện Tân)

 

100.000

Nước s. Đồng Nai

2013 đưa vào hoạt động

4

Huyện Trảng Bom

 

 

 

 

 

HTCN ngầm TT Trảng Bom

300

 

Nước ngầm

 

5

Huyện Xuân Lộc

 

 

 

 

 

HTCN TT Gia Ray

2.400

 

Nước hồ Núi Le

 

 

NMN Tân Hưng Hòa

3.000

 

Nước hồ Gia Ui

 

6

Huyện Định Quán

 

 

 

 

 

HTCN TT Định Quán

4.200

 

Nước s. Đồng Nai

 

7

Huyện Tân Phú

 

 

 

 

 

HTCN ngầm TT Tân Phú

2.500

 

Nước ngầm

 

8

Huyện Vĩnh Cửu

 

 

 

 

 

HTCN TT Vĩnh An

2.000

4.000

Nước hồ Trị An

 

9

Huyện Cẩm Mỹ - Trạm sông Ray

300

 

 

 

 

Tổng cộng

239.100

 

 

 

Bảng 20 : Hiện trạng các nhà máy nước tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai

STT

Tên khu công nghiệp

Nhà máy

Công suất hiện hữu (m³/ng)

1

KCN Vedan

1

24.000

2

KCN Sông Mây

1

5.000

3

KCN Nhơn Trạch 1

1

15.000

4

KCN Amata

1

2.000

5

KCN Formosa

1

30.000

 

Tổng cộng

 

76.000

Bảng 21 : Các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

TT

Địa phương

Nhà máy

Công suất (m3/ngđ)

Ghi chú

Hiện hữu

Đang triển khai

 

1

Nhà máy nước Thiện Tân 2

1

 

100.000

2015 đưa vào sử dụng

2

Nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1

1

 

100.000

Cấp cho Nhơn Trạch và các khu CN dọc QL51- 2013 hoàn thành

3

Nhà máy nước Hóa An

1

6.000

15.000

Cấp cho xã Hóa An, Tân Thạnh

4

Nhà máy nước Bửu Hòa

1

 

15.000

Cấp cho phường Bửu Hòa, Tân Vạn

 

Tổng cộng

 

 

230.000

 

* Thành phố Biên Hòa :

- Hiện tại năm 2011, TP Biên Hòa có 3 nhà máy nước đang hoạt động với công suất tổng cộng : 186.000 m³/ngày lấy nước sông Đồng Nai, thuộc Cty TNHH 1 thành viên cấp nước quản lý, phục vụ cho các dân cư nội thị và các khu công nghiệp.

- Tỷ lệ dân được cấp nước 95%, tiêu chuẩn dùng nước cho dân cư nội thành khoảng 120-150l/người -ngày .Tỷ lệ thất thoát khoảng 27%.

* Thị xã Long Khánh :

- Hiện nay trên địa bàn thị xã Long Khánh nước ngầm được khai thác là nguồn nước chính. Nước được khai thác tại độ sâu 300-400m. Tổng công suất nước ngầm khai thác 7.000 m3/ngđ.

* Huyện Nhơn Trạch :

- Hiện đang khai thác cả nguồn nước ngầm lẫn nước mặt.

- Dự án nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn 1 với công suất 100.000 m3/ngđ khai thác nước sông Đồng Nai dự tính đến năm 2013 sẽ được đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu dùng nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn cũng như nhu cầu dùng nước của các khu công nghiệp tại đây.

* Huyện Tân Phú: đã có hệ thống cấp nước khai thác nguồn nước ngầm là chính, công suất còn nhỏ và chủ yếu là để cấp cho dân cư trung tâm huyện.

* Huyện Trảng Bom : Đã được đầu tư xây dựng ống chuyển tải và phân phối nước phục vụ thị trấn lấy từ nguồn nhà máy nước Long Bình, ống chuyển tải Ø 500 đi qua khu CN Bàu Xéo, ngoài ra Cty cấp nước đang đầu tư khai thác nước ngầm (4 giếng khoan) để cung cấp cho nhu cầu đô thị và công nghiệp .

* Huyện Long Thành : Đã được đầu tư xây dựng ống chuyển tải và phân phối nước phục vụ thị trấn lấy từ nguồn nhà máy nước Thiện Tân giai đoạn 1, ống chuyển tải Ø500-400 Long Thành – Nhơn Trạch.

* Huyện Xuân Lộc, Định Quán và Vĩnh Cửu: là vùng có nguồn nước mặt phong phú, các thị trấn trên địa bàn huyện đều đã có hệ thống cấp nước tập trung, công suất nhỏ để đáp ứng nhu cầu dùng nước cho người dân thị trấn .

* Huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ: hiện chưa có hệ thống cấp nước tập trung, toàn bộ dân trong khu vực này hiện đang sử dụng nước chủ yếu từ các nguồn tự khai thác là các giếng do dân cư tự khoan, giếng đào, từ nguồn nước mưa và các nguồn nước mặt khác từ xa về.

c. Cấp nước nông thôn :

- Hiện tại trong tỉnh có một số xã là có hệ thống cấp nước sạch, theo chương trình nước sạch nông thôn, xây dựng bằng hệ thống cấp nước giếng khoan với công suất nhỏ. Và giếng bơm tay như xã Phú Đông, xã Phú Hữu, xã Phú Khánh, xã Xuân Hòa bằng hệ thống cấp nước suối Đa Công công suất 50m3/ngày đêm.

- Còn lại đa số dân cư trong các xã, điểm dân cư hiện đang dùng nước ngầm mạch nông với các giếng bơm tay và nước trong các sông và hồ không được xử lý hợp vệ sinh.

d. Nhận xét hiện trạng cấp nước:

- Là vùng có nguồn nước mặt dồi dào được cấp chủ yếu từ hệ thống sông Đồng Nai, chất lượng nước khá tốt, có thể khai thác với trữ lượng lớn. Là vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư, các khu công nghiệp có khả năng phát triển mạnh, nhiều khách hàng tiềm năng.

- Có khả năng xây dựng các nhà máy nước lớn cấp cho đô thị, khu công nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển kinh tế.

- Có khả năng kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy nước cho cả vùng rộng theo chương trình của Chính phủ và của tỉnh.

- Tuy nhiên chất lượng nguồn nước ngày càng biến đổi theo chiều hướng xấu đi, do không quản lý được chất thải và nước thải của đô thị, khu công nghiệp nằm trong lưu vực sông (nhất là các khu công nghiệp). Biến đổi khí hậu làm biên mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền. Quản lý chất thải rắn, nước thải không chặt chẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng nước. Kinh phí đầu tư ống chuyển tải lớn.

II.6.5. Hiện trạng thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:

a. Hiện trạng thoát nước thải :

a.1. Nước thải sinh hoạt :

- Các Thành phố, Thị xã, Thị trấn trong tỉnh đều đang sử dụng hệ thống cống thoát nước chung : nước mưa và nước thải chảy chung, chảy thẳng ra sông rạch, không qua xử lý.

- Nước thải sinh hoạt chỉ được xử lý sơ bộ bằng các bể tự hoại gia đình hoặc hố xí thấm với tỉ lệ 60% số hộ, nhiều khi chưa đạt quy chuẩn, còn nước thải bệnh viện, không được xử lý; tình hình ô nhiểm môi trường và nguồn nước đang có dấu hiệu báo động tại khu vực thành phố.

- Các đô thị khác chỉ có vài tuyến cống thoát nước mưa trên 1 số trục đường chính, khi mưa to nước không thoát được, gây tù đọng trên mặt đường, mất vệ sinh

- Các dự án đang triển khai : đang giải phóng mặt bằng dự án thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa, xây dựng tuyến thoát nước dải cây xanh huyện Nhơn Trạch, tuyến thoát nước khu vực suối Nước Trong.

a.2. Nước thải Công nghiệp :

- Tính đến tháng 6/2012, các KCN đang hoạt động đã và đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trong đó :

+ 19 KCN đã có NMXLNT hoạt động ổn định bao gồm : Biên Hòa I, Biên Hòa II, Amata, Loteco, Tam Phước, Long Thành, Gò Dầu, Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch II, Nhơn Trạch III, Agtex Long Bình, Nhơn Trạch V, Hố Nai, Sông Mây, Dệt May Nhơn Trạch, Định Quán, Bàu Xéo, Tân Phú, Nhơn Trạch II-Lộc Khang (trong đó KCN Biên Hòa I đấu nối nước thải về KCN Biên Hòa II, KCN Nhơn Trạch II-Lộc Khang đấu nối nước thải về KCN Nhơn Trạch II).

+ 4 KCN (Xuân Lộc, Nhơn Trạch II - Nhơn Phú, Long Khánh, Giang Điền) đã có NMXLNTTT nhưng chưa có nước thải để vận hành. Riêng NMXLNTTT KCN Dầu Giây chuẩn bị đưa vào vận hành thử.

+ 2 KCN đang hoạt động (Ông Kèo, Thạnh Phú) đang xây dựng NMXLNTTT và dự kiến hoàn thành trong năm 2012.

+ KCN Tam Phước đang nâng công suất NMXLNTTT từ 3.000 m3/ngđ lên 7.000 m3/ngđ; KCN Amata đang nâng công suất NM XLNTTT từ 5.000 m3/ngđ lên 7.000 m3/ngđ, dự kiến cuối 2012 đưa vào vận hành.

- Tổng lượng nước thải của 26 KCN đang hoạt động khoảng 74.776 m3/ngđ, tổng lượng nước thải của 24 KCN có NMXLNTTT khoảng 72.743 m3/ngđ trong đó lượng nước thải được đấu nối vào NMXLNTTT chiếm 68,1%, lượng nước thải còn lại phần lớn do các doanh nghiệp được cấp phép xả thải tự xử lý đạt tiêu chuẩn sau đó xả trực tiếp vào môi trường hoặc đang đấu nối vào NMXLNTTT, …

- Các nhà máy sản xuất nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu ở không được xử lý nước thải, cũng giống như nước thải đô thị, đang xả vào cống chung thoát ra sông rạch.

(Nguồn : Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai).

Bảng 22 : Hiện trạng các nhà máy xử lý nước thải tại các khu công nghiệp

TT

Địa phương

Nhà máy

Công suất (m3/ngđ)

Ghi chú

Hiện hữu

Huyện

1.

NMXLNT KCN Amata

1

5.000

TP. Biên Hòa

2.000

2.

NMXLNT KCN Gò Dầu

1

500

H. Long Thành

 

3.

NMXLNT KCN Long Thành

1

10.000

H. Long Thành

 

4.

NMXLNT KCN Long Bình

1

5.000

TP. Biên Hòa

 

6.

NMXLNT KCN Loteco

1

2.000

TP. Biên Hòa

8.000 (cstk)

7.

NMXLNT KCN Nhơn Trạch 1

1

4.000

H. Nhơn Trạch

10.000

8.

NMXLNT KCN Fomosa

1

3.000

H. Nhơn Trạch

 

 

Tổng cộng

 

31.500

 

 

b. Hiện trạng quản lý CTR :

b.1. Chất thải rắn sinh hoạt:

- Thành phố Biên Hòa: rác được Công ty Dịch vụ Môi trường Đô thị Biên Hòa chịu trách nhiệm thu gom, rác sau khi thu gom sẽ được chuyển đến xe ép rác chuyên dùng rồi vận chuyển về bãi rác ở phường Trảng Dài (quy mô 15ha) để xử lý.

- Ngoài thành phố Biên Hòa, trên địa bàn tỉnh chất thải sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý tốt. Rác chủ yếu được thu gom để đổ ở các hồ đào, bãi đất trống và trũng hoặc bãi san lấp của huyện rồi san lấp mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào hoặc là đốt thủ công.

- Riêng tại thị trấn Long Thành rác được trung tâm dịch vụ quản lý đô thị thu gom và đưa về bãi rác tạm thời tại khu Liên Kim Sơn.

- Huyện Thống Nhất có khu xử lý chất thải rắn Quang Trung (xã Quang Trung) quy mô 110 ha.

- Các bãi rác trên địa bàn tỉnh :

+   Bãi rác Trảng Dài : quy mô 15ha.

+   Khu xử lý chất thải rắn Quang Trung : quy mô 110ha.

+   Khu chôn lấp thành phố Biên Hòa: quy mô 40 ha

+   Bãi đổ tạm ở Long Thành: Diện tích 5ha. (Công suất : 20-30 tấn/ngày)

+   Và một số bãi chôn lấp nhỏ ( quy mô dưới 5ha) tại một số đô thị có quy mô nhỏ.

b.2. Chất thải rắn công nghiệp :

- Lượng chất thải rắn không nguy hại của các khu công nghiệp được Công ty Dịch vụ Môi trường Đô thị Biên Hòa thu gom, vận chuyển đến bãi rác Trảng Dài xử lý chung với chất thải rắn sinh hoạt.

- Đối với chất thải có khả năng tái chế phần lớn được các doanh nghiệp bán cho các đơn vị tư nhân (trong và ngoài tỉnh) đưa đi tái chế. Trong số đó có rất ít doanh nghiệp được cấp phép nên việc vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải rắn công nghiệp của các đơn vị này là rất khó giám sát.

- Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có ba đơn vị hoạt động thu gom, lưu trữ và xử lý chất thải nguy hại đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động là Xí nghiệp Dịch vụ KCN Sonadezi, DNTN Tân Phát Tài, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đồng Nai. Ngoài ra còn có 4 đơn vị của TP HCM hoạt động thu gom và xử lý chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp Đồng Nai là Công ty TNHH Môi trường xanh, Công ty TNHH Tân Đức Thảo, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty TNHH Thảo Thuận.

b.3. Chất thải rắn y tế :

- CTR tại các bệnh viện và trung tâm y tế thải ra hơn 0,81 tấn/ngày. Đa phần các loại CTR này được thu gom và lưu trữ bằng các thùng chứa chuyên dùng tại các bệnh viện, phòng khám sau đó được xử lý tại cơ sở hoặc vận chuyển đến nơi có lò đốt chất thải y tế để xử lý.

·         Nhận xét :

- Chưa có tổ chức phân loại CTR tại nguồn.

- Chất thải rắn công nghiệp chưa được phân loại và xử lý riêng.

- Một số đô thị đã có khu xử lý CTR nhưng cục bộ, chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường.

- Các điểm dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý CTR. CTR được xử lý tại chỗ bằng biện pháp đốt hoặc san lấp mặt bằng nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường.

c. Hiện trạng Nghĩa trang :

- Tại mỗi thành phố, thị trấn trong tỉnh đều có nghĩa trang riêng quy mô nhỏ 5- 30ha, hiện nay diện tích đất sử dụng cho nghĩa địa đã hết và hầu hết nằm rất gần khu dân cư.

+   Thành phố Biên Hòa : diện tích nghĩa trang trong thành phố là 47ha (không tính các nghĩa trang nhỏ lẻ tự phát và giáo xứ) bao gồm 4 nghĩa trang, 1 lò hỏa táng, trong đó lớn nhất là nghĩa trang Long Bình 33ha dự kiến sử dụng tới năm 2025.

+   Huyện Long Thành : tổng diện tích đất nghĩa trang 165ha hầu hết là nhỏ lẻ, không có quy hoạch.

+   Huyện Nhơn Trạch : Nghĩa trang Long Thọ mới được xây dựng theo quy hoạch quy mô 20,5ha, còn lại hầu hết là nhỏ lẻ tự phát và nằm xen lẫn trong khu ở.

+   Huyện Cẩm Mỹ: có 37 nghĩa trang ở 13 xã tổng diện tích 76ha hầu hết là nhỏ lẻ tự phát, nằm gần khu dân cư.

+   Huyện Thống Nhất : có 10 nghĩa trang tại các xã trong đó 2 nghĩa trang Bàu Hàm 5,8ha và Quang Trung 40ha mới được xây dựng theo quy hoạch.

+   Huyện Trảng Bom : diện tích 101ha với rất nhiều nghĩa trang nhỏ lẻ không theo quy hoạch.

+   Thị xã Long Khánh : diện tích 70ha hầu hết là tự phát và nằm gần khu dân cư, hiện tại Thị xã đang xây dựng nghĩa trang Hàng Gòn 64ha.

+   Huyện Xuân Lộc: có 52 nghĩa trang với 123ha hầu hết không theo quy hoạch, không người quản lý.

+   Huyện Định Quán: diện tích 65ha nằm rải rác ở các xã, không đạt tiêu chuẩn môi trường.

+   Huyện Tân Phú : diện tích 71ha với nhiều loại hình, hầu hết là nằm cách xa khu dân cư, đặc điểm là nhiều mộ được xây dựng với quy mô khá lớn.

+   Huyện Vĩnh Cửu : diện tích 218ha không theo quy hoạch, phân tán nhỏ lẻ nằm lẫn trong khu dân cư, đồng ruộng .

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


II.6.6. Đánh giá chung về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật:

a. Điểm mạnh.

-    Đầu mối giao thương quốc tế của vùng và Quốc gia như sân bay quốc tế Long Thành, cụm cảng số 5 trên sông Lòng Tàu-Thị Vải, ga đường sắt, các trung tâm tiếp vận lớn, các trung tâm kho vận vùng.

-    Có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy Quốc gia đi qua.

-    Địa hình cao và bằng phẳng; hệ thống sông hồ thuận lợi cho giao thông đường thủy và tiêu thoát nước.

-    Các công trình thủy lợi được xây dựng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và góp phần điều tiết dòng chảy.

-    Thuận lợi về nguồn nước mặt, cung cấp nước cho các nhà máy trong vùng TP.HCM. Các đô thị đã xây dựng nhà máy cấp nước.

-    Nguồn cung cấp điện năng cho Quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm.

b. Điểm yếu.

-    Vùng bị tác động về biến đổi khí hậu, bị nhiễm mặn khi nước biển dâng dọc sông Đồng Nai, sông Thị Vải.

-    Hệ thống khung giao thông Quốc gia đi qua chưa đồng bộ, chưa kết nối toàn vùng, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông nông thôn còn hạn chế.

-    Phần lớn các đô thị và các cụm dân cư chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh. Hệ thống thoát nước mưa tại các đô thị chảy chung với nước thải gây ô nhiễm môi trường.

-    Trong tương lai tỉnh phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp quy mô lớn, nguồn nước và điện sẽ không đủ cung cấp.

-    Tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, thiếu các khu xử lý nước thải tập trung.

II.9. Rà soát quy hoạch kinh tế xã hội, các quy hoạch chuyên ngành và dự án đang triển khai trong vùng:

a. Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

a1. Nội dung chính:

a1.1. Mục tiêu tổng quát :

- Phát huy lợi thế, duy trì nhịp độ phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội - môi trường đi đôi với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng Đồng Nai cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 và tỉnh công nghiệp có nền tảng kinh tế - xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại vào năm 2020.

a1.2. Khung phát triển Kinh tế - Xã hội:

 

Hạng mục

Dự báo

2015

2020

2025

Dân số

Tổng (triệu người)

2,8 - 2,9

3,1 - 3,2

3,3 - 3,4

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (%)

1,1

<1,1

 

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

 

 

55 - 56

Lao động

Tỷ lệ lao động qua đào tạo

68

85

90

Tỷ lệ lao động đào tạo nghề

50

65

80

Phát triển kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (%)

12 - 13

12,5 - 13

11 - 12

GDP/người (USD)

2.700 – 2.900

5.300 - 5.800

9.000-10.000

Cơ cấu kinh tế (%)

Công nghiệp

56 - 57

55 - 56

53 - 54

Dịch vụ

38 - 39

39 - 40

44 - 45

Nông nghiệp

5 - 6

4 - 5

3 – 4

Tổng vốn đầu tư

Tỷ đồng

180-200

296-330

 

Phát triển xã hội

Tỷ lệ nghèo theo chuẩn Quốc gia (%)

0

0

0

Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (%)

20

80

>90

Giáo dục

Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng (sinh viên/vạn dân)

300

450

 

Y tế

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (%)

12

<10

 

Giường bệnh/ 1 vạn dân

26

32

 

Bác sỹ/vạn dân

7,5

9

 

Dịch vụ cơ bản

Cấp điện (% hộ gia đình)

>99

 

 

Cấp nước sạch đô thị (% hộ gia đình)

99

100

100

Cấp nước sạch nông thôn (% hộ gia đình)

95

98

100

Tỷ lệ thu gom CTR

100

100

100

Môi trường

Tỷ lệ phủ xanh (%)

56

52

 

Độ che phủ của rừng (%)

 

29,76

 

Mức độ ô nhiễm nguồn nước mặt

Mức B

Mức B

 

a1.3. Phát triển không gian:

- Phân vùng kinh tế gồm 3 tiểu vùng :

§  Vùng kinh tế Tây Nam Đồng Nai:

+ Bao gồm TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành.

+ Đóng vai trò là Vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, hướng đến trở thành Vùng trung tâm đô thị và công nghiệp - dịch vụ mới nằm phía bờ Đông sông Đồng Nai của Vùng KTTĐPN vào năm 2020. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao; dịch vụ vận chuyển, kho bãi, cảng biển, cảng cạn, dịch vụ hậu cần sau cảng Logistics, dịch vụ hàng không sân bay Long Thành. Phát triển các dịch vụ tài chính- ngân hàng, thương mại xuất nhập khẩu, dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ xã hội như giáo dục, đào tạo, y tế với trung tâm dịch vụ là thành phố Biên Hòa.

§  Vùng kinh tế Đông Nam Đồng Nai:

+ Bao gồm TX. Long Khánh và các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ.

+ Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH, nhanh chóng chuyển từ tiểu vùng trọng điểm nông nghiệp thành tiểu vùng trọng điểm về công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Phát triển các khu, cụm CN chuyên ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tạo thương hiệu cho tỉnh.

§  Vùng kinh tế Bắc Đồng Nai:

+ Bao gồm huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú.

+ Phát triển nông lâm nghiệp kết hợp công nghiệp và dịch vụ, là khu vực rừng đầu nguồn phòng hộ cho hồ thủy điện Trị An, sông Đồng Nai, sông La Ngà, vành đai xanh nông, lâm nghiệp của tỉnh và Vùng KTTĐPN. Bảo vệ và phát triển rừng theo hướng đa mục tiêu, đặc biệt là Khu rừng Nam Cát Tiên và Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với sông Đồng Nai, hồ Trị An, Vườn Quốc gia Cát Tiên, các di tích văn hóa lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên rừng, hồ.

Hình 16: Sơ đồ điều chỉnh quy hoạch KT-XH đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025

a2. Đánh giá chung :

- Đồ án đã đánh giá được tiềm năng cơ hội thách thức phát triển trong thời kỳ tới; Dự báo khả năng thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

- Đề xuất phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực (công nghiệp, Nông- lâm- thủy sản, dịch vụ, Khoa học- công nghệ, Giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa- Thông tin- TDTT). Đề xuất phương hướng phát triển kinh tế - xã hội theo lãnh thổ, trong đó tập trung phát triển đô thị trung tâm của tỉnh, trung tâm tiểu vùng và huyện, đô thị chức năng phát triển ngành.

- Đề xuất xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông vận tải, định hướng cấp thoát nước, cấp điện).

- Đề xuất giải pháp và tổ chức thực hiện.

b. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

b1. Nội dung chính:

- Phân vùng kinh tế:

+ Vùng I: Vùng kinh tế công nghiệp và dịch vụ, bao gồm TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, 1 phần (huyện Long Thành, huyện Trảng Bom).

+ Vùng II: Vùng kinh tế nông nghiệp và dịch vụ, bao gồm 1 phần (huyện Trảng Bom, huyện Long Thành, huyện Định Quán), huyện Thống Nhất, huyện Long Thành, huyện Cẩm Mỹ, huyện Xuân Lộc.

+ Vùng III: Vùng kinh tế nông- lâm nghiệp, bao gồm 1 phần (huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán) và huyện Tân Phú.

b2. Nhận xét:

- Dự báo quy mô dân số và các đô thị phù hợp thời điểm dự báo, nhưng dự báo từng đô thị tại các huyện thị còn dàn trải chưa tập trung quy mô phát triển cho đô thị trung tâm vùng và trung tâm các tiểu vùng.

- Dự báo việc hình thành các đô thị giai đoạn lập quy hoạch chưa phù hợp tình hình thực tế hiện nay do tác động của các quy hoạch chiến lược của Quốc gia ảnh hưởng đến vùng tỉnh Đồng Nai như: Quy hoạch xây dựng vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung bộ, vùng Tây Nguyên;

- Các dự án giao thông đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép, đường vành đai, các đường cao tốc, đường sắt kết nối Đồng Nai với Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Lạt … Việc hình thành các dự án khu công nghiệp tập trung quy mô lớn, các dự án giáo dục, du lịch …

Hình 17: Sơ đồ định hướng phát triển không gian hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn đến năm 2020

b. Các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch xây dựng và dự án đang triển khai trong vùng tỉnh Đồng Nai.

b1. Quy hoạch chuyên ngành.

b1.1. Quy hoạch sử dụng đất.

- Đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015).

- Là công cụ quan trọng của quản lý Nhà nước đối với đất đai, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Hình 18: Sơ đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020

b1.2. Quy hoạch giao thông.

- Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2010 – 2020 do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển giao thông vận tải tư vấn. Đồ án cơ bản đã cập nhật các dự án giao thông của Quốc gia, của vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ và quy hoạch các tuyến giao thông kết nối trong nội vùng tỉnh Đồng Nai.

Hình 19 :Sơ đồ quy hoạch giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020

b1.2. Quy hoạch nông – lâm, ngư nghiệp.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai đang triển khai Quy hoạch nông - lâm nghiệp - ngư nghiệp tỉnh Đồng Nai đến năm 2020.

- Đồ án đã đề xuất phân vùng và định hướng phát triển Nông-lâm-ngư nghiệp trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế và mức độ cạnh tranh trên thị trường, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, Xây dựng nông-lâm-ngư nghiệp hàng hoá phát triển chất lượng cao và giá trị cao. Hình thành nền nông nghiệp sinh thái đô thị, ứng dụng công nghệ cao. Bảo vệ, tái sinh khai thác hiệu quả đất lâm nghiệp và tài nguyên rừng.

Hình 20: Sơ đồ quy hoạch sản xuất Nông – lâm và thủy sản

b2. Quy hoạch xây dựng, các dự án.

Trong thời gian vừa qua tỉnh đã triển khai lập các quy hoạch xây dựng: quy hoạch các đồ án quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị, khu đô thị và các quy hoạch chi tiết khu dân cư, khu công nghiệp, khu du lịch, …

- Quy hoạch xây dựng vùng huyện Long Thành, quy hoạch các đô thị (TP. Biên Hòa, đô thị Nhơn Trạch, TX. Long Khánh, thị trấn Dầu Giây, Gia Ray, Tân Phú, Vĩnh An, Long Thành, đô thị Trảng Bom, Long Giao, La Ngà).

- Các dự án khu công nghiệp chủ yếu tập trung tại TP. Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, ….

- Các dự án sân bay, giao thông đường bộ, đường sắt.

Hình 21: Sơ đồ cập nhật dự án

b3. Đánh giá chung:

b3.1. Những kết quả đạt được :

-    Các dự án quy hoạch được phê duyệt làm công cụ quản lý và kêu gọi đầu tư.

-    Thu hút nhiều dự án đầu tư, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa trong tỉnh.

-    Từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của vùng.

b3.2. Những bất cập tồn tại :

-    Các dự án quy hoạch trên địa bàn tỉnh phát triển thiếu đồng bộ, thiếu khả thi và kết nối giữa các ngành. Đáp ứng theo yêu cầu của nhà đầu tư, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, phát triển tràn lan quá nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, …. và các nhà đầu tư không có năng lực, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên đất.

-    Các dự án quy hoạch đều dự báo dân số không thống nhất, dựa vào quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ, các đô thị một cách riêng lẻ nên dự báo dân số quá lớn không thực tế.

-    Các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm diện tích quá lớn nhưng triển khai chậm làm ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.

-    Các quy hoạch chưa đề cập tác động biến đổi khí hậu, đánh giá môi trường chiến lược và phát triển bền vững.

-    Các quy hoạch thiếu tầm nhìn, còn mâu thuẫn nhau, phương pháp quy hoạch lạc hậu.

II.8. Đánh giá hiện trạng tổng hợp (Phân tích SWOT):

II.8.1. Điểm mạnh.

-    Vùng tỉnh Đồng Nai có lợi thế vị trí cửa ngõ giao thương của ba vùng kinh tế Quốc gia, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng TP. Hồ Chí Minh) – Vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Vùng Tây Nguyên.

-    Kết nối trực tiếp với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua hệ thống đường vành đai và hướng tâm. Trung tâm cực tăng trưởng TP. HCM – Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu.

-    Có sân bay quốc tế Long Thành, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Có sức thu hút đầu tư lớn, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ cao cấp.

-    Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế - Quốc gia. Đầu mối giao thông của vùng TP.HCM và Quốc gia như hệ thống đường thủy, đường sắt, đường bộ, đường hàng không.

-    Vùng có tiềm năng tài nguyên tự nhiên phong phú đa dạng như : tiềm năng đất đai, khí hậu, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, khoáng sản.

-    Khai thác lợi thế dọc sông Đồng Nai phát triển cảng, dịch vụ Logistics, du lịch sinh thái, khai thác- nuôi trồng thủy sản.

-    Vùng có tiềm năng phát triển công nghiệp – đô thị tầm Quốc gia và quốc tế, phát triển thương mại - dịch vụ cao cấp, phát triển nông, lâm, thủy sản chất lượng cao.

-    Vùng có tài nguyên du lịch văn hóa lịch sử đa dạng, du lịch cảnh quan sinh thái rừng Quốc gia Cát Tiên, rừng ngập mặn, du lịch cảnh quan sông Đồng Nai, sông La Ngà, hồ Trị An.

-    Có nguồn lao động trẻ, có trình độ chuyên môn cao, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thủ tục hành chính được chính quyền quan tâm, do đó tạo điều kiện thu hút đầu tư đặc biệt đầu tư nước ngoài.

II.8.2. Điểm yếu.

-    Chưa phát huy vai trò vị thế của vùng trong mối quan hệ với các vùng kinh tế và Quốc gia, đặc biệt là trong vùng TP.Hồ Chí Minh. Cạnh tranh về thu hút đầu tư với các tỉnh trong vùng TP. Hồ Chí Minh

-    Vùng tỉnh Đồng Nai thiếu một chiến lược phát triển toàn diện và cân bằng, yếu tố liên kết, tích hợp đa ngành còn hạn chế, kiểm soát không gian toàn vùng còn yếu, chưa có thể chế quản lý phát triển không gian vùng. Kiểm soát và phân bố dân cư còn nhiều bất cập.

-    Hệ thống đô thị phân bố chưa hợp lý, thiếu chiến lược phát triển đô thị đồng bộ, kiểm soát quá trình đô thị hóa chưa tốt.

-    Nền kinh tế phát triển chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của tỉnh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, tốc độ phát triển nhanh tập trung vùng kinh tế trung tâm còn vùng phía Đông và vùng phía Bắc phát triển chậm. Cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn, thương mại dịch vụ còn mờ nhạt.

-    Khung kết cấu hạ tầng Quốc gia chưa đồng bộ.

-    Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều bất cập trước yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế.

-    Vốn đầu tư hạn chế và sức hút đầu tư chưa cao vào các ngành công nghệ cao.

-    Thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Lao động có tay nghề chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa.

-    Vấn đề phát triển thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu dẫn đến mực nước biển dâng cao, mưa lũ bất thường gây sạt lở chưa được quan tâm.

II.8.3. Cơ hội.

-    Thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển theo một chiến lược cân bằng và toàn diện. Góp phần tăng trưởng kinh tế Quốc gia và xóa đói giảm nghèo.

-    Khai thác lợi thế vị trí nằm liền kề trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Phát triển kết nối với vành đai 3, 4, các trục hướng tâm, thu hút vốn đầu tư, hình thành vùng đô thị Biên Hòa, thúc đẩy nhanh đô thị hóa.

-    Khai thác các cửa ngõ quốc tế quan trọng trên các trục hành lang kinh tế đô thị, Cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế, thu hút vốn đầu tư xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm dịch vụ cao cấp tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh.

-    Khả năng kết nối với vùng trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Phát triển mạnh thương mại – dịch vụ chất lượng cao

-    Hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các đô thị, tạo thương hiệu nổi tiếng. Phát triển các trung tâm du lịch sinh thái đặc trưng vùng Nam Cát Tiên, du lịch văn hóa lịch sử Cù Lao Phố, du lịch cảnh quan trên sông Đồng Nai.

-    Hình thành các vùng công nghiệp tập trung chuyên ngành, công nghiệp công nghệ cao.

II.8.4. Thách thức.

-    Cạnh tranh lợi thế so sánh phát triển với các tỉnh trong vùng KTTĐ phía Nam về các lĩnh vực như đầu tư, nguồn nhân lực và các cơ hội phát triển khác.

-    Vấn đề bảo vệ nguồn nước, rừng đặc dụng và kiểm soát phát triển rừng đầu nguồn cho toàn vùng, đặc biệt là nguồn nước vùng đô thị hóa và công nghiệp hóa tăng nhanh.

-    Chiến lược tài chính đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, vành đai cao tốc, quốc lộ, cảng biển, đồng bộ và kịp thời. Nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ cho vùng tỉnh.

-    Khả năng thu hút đầu tư, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao, khu nghiên cứu khoa học công nghệ giáp ranh TP. Hồ Chí Minh. Hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao.

-    Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về quản lý, kỹ thuật, công nghệ.

-    Khả năng thích ứng và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu mà Đồng Nai là tỉnh bị tác động trong vùng TP.Hồ Chí Minh.

-    Khắc phục ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững. Giải quyết mâu thuẫn giữa khai thác các nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

-    Vấn đề an ninh xã hội, an ninh quốc phòng.

Phần III:

CÁC TIỀN ĐỀ PHÁT TRIỂN VÙNG.

III.1. Các Bối cảnh phát triển.

a. Bối cảnh quốc tế.

-    Toàn cầu hóa tạo cơ hội giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy quan hệ về khoa học – công nghệ, thương mại - du lịch và đầu tư.

-    Thay đổi kinh tế toàn cầu: Thay đổi phương thức công nghiệp hóa, thúc đẩy tính cạnh tranh cao, dòng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư thay đổi, cơ cấu kinh tế thay đổi tiến đến nền kinh tế tri thức.

-    Triển vọng phát triển các nền kinh tế ở các nước lớn và các liên minh khu vực.

-    ASEAN trở thành một cộng đồng khu vực kinh tế lớn và đồng thuận chia sẻ lợi ích.

-    Sự nóng lên của toàn cầu tác động biến đổi khí hậu gây ra nước biển dâng, mưa lũ và xói lở bất thường.

-    Khủng hoảng về năng lượng dẫn đến nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, giá cả tăng cao.

-    Tình hình suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu.

b. Bối cảnh Quốc gia.

-    Năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển hiện đại. Việt Nam đã gia nhập WTO, AFTA, nền kinh tế hội nhập toàn diện với toàn cầu.

-    Hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, an ninh lương thực và phát triển bền vững.

-    Phát triển hệ thống đô thị trên cơ sở động lực là các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

-    Định hướng phát triển các ngành công nghiệp chuyên môn hoá cao, công nghệ cao đi đôi với bảo vệ môi trường- phát triển bền vững.

-    Việt Nam là nước chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng.

-    Đối diện với nhập cư và đô thị hoá tăng nhanh, dịch cư từ vùng kinh tế tăng trưởng thấp sang vùng kinh tế tăng trưởng cao, từ vùng nông thôn vào đô thị dẫn đến kiểm soát phát triển khó khăn, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hình 22 : Vị trí Đồng Nai trong vùng cả nước

c. Bối cảnh vùng TP. Hồ Chí Minh (Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam).

-    Đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ phát triển kinh tế cao và bền vững.

-    Là vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á.

-    Là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm công nghiệp công nghệ cao với trình độ chuyên môn hóa cao; đồng thời là trung tâm văn hoá - đào tạo - y tế chất lượng cao, là vùng có cảnh quan và môi trường tốt.

Hình 23: Sơ đồ vị trí vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh

d. Bối cảnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ:

-    Đến năm 2025, vùng Duyên hải Nam Trung bộ sẽ được quy hoạch xây dựng theo hướng là vùng kinh tế tổng hợp, là cửa ngõ hướng biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan.

-    Phát triển các ngành kinh tế quan trọng gắn với biển, vùng du lịch đặc trưng về sinh thái biển, vịnh, đầm, đồi núi và là vùng chuyển tiếp giữa vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

e. Bối cảnh vùng Tây Nguyên:

-    Đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, vùng Tây Nguyên sẽ là vùng kinh tế động lực của cả nước về phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển thủy điện, thủy lợi, là đầu mối giao thương, trung chuyển của các nước tiểu vùng sông MêKông và vùng biển Đông; Là vùng có vai trò bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và đa dạng sinh học của Quốc gia và khu vực; vùng đệm an toàn sinh thái cho khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ.

-    Là vùng lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc bản địa và là vùng trung tâm du lịch lớn của cả khu vực ASEAN.

Hình 24: Sơ đồ vị trí vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

III.2. Vai trò vị thế của tỉnh Đồng Nai trong các mối quan hệ vùng.

a. Vai trò, vị thế và mối quan hệ của vùng tỉnh Đồng Nai với vùng ASEAN và vùng Mê Kông mở rộng :

-    Đồng Nai là tỉnh có mối quan hệ với quốc tế. Đồng Nai – TP.HCM – Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là cực tăng trưởng trong vùng Đông Á.

-    Đồng Nai kết nối với quốc tế thông qua sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Thông qua các trục hành lang kinh tế đô thị Xuyên Á. Quan hệ về đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa khoa học kỹ thuật với quốc tế.

-    Từ Đồng Nai có thể quan hệ trực tiếp đến các trung tâm kinh tế tăng trưởng của vùng ASEAN và vùng Đông Á từ 1 đến 3 giờ bay. Đồng Nai có thể kết nối với các nước vùng sông Mê Kông mê rộng thông qua đường bộ, đường sắt Xuyên Á.

Hình 25: Vị trí tỉnh Đồng Nai trong vùng ASEAN và vùng Mêkông mở rộng

b. Vai trò, vị thế và mối quan hệ của vùng tỉnh Đồng Nai với vùng Quốc gia.

-    Chiến lược đô thị hóa Quốc gia theo mô hình mạng lưới đô thị, bao gồm vùng đô thị trọng điểm Quốc gia, vùng đô thị trung tâm vùng, trung tâm các tiểu vùng, trung tâm các tỉnh thành và theo các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế và Quốc gia.

-    Đồng Nai là tỉnh sẽ phát triển nhanh và có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao, kết nối trong vùng TP. HCM và hệ thống đô thị toàn quốc.

-    Hình thành 7 vùng kinh tế, trong đó có các vùng kinh tế trọng điểm với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ bao gồm: Đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường quốc lộ, đường thủy, đường sắt.

-    Đồng Nai có vai trò là tỉnh động lực trong vùng vùng KTTĐ phía Nam, đầu mối giao thông Quốc gia kết nối với quốc tế. Là tỉnh cửa ngõ giao thương giữa 3 vùng kinh tế Quốc gia là vùng KTTĐ phía Nam – vùng Tây Nguyên – Vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đồng Nai có quan hệ với các vùng kinh tế Quốc gia, các tỉnh thành trong cả nước về đầu tư, văn hóa khoa học, du lịch và phát triển kinh tế.

Hình 26 : Vị trí tỉnh Đồng Nai trong vùng Quốc gia

c. Vai trò, vị thế và mối quan hệ của vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh.

-    Đồng Nai là động lực phát triển đô thị, công nghiệp cho trung tâm vùng TP.HCM. Động lực phát triển kinh tế về nông, lâm, thủy sản, du lịch sinh thái đặc trưng rừng Quốc gia Cát Tiên. Trung tâm bảo vệ nguồn nước và sự đa dạng sinh học của vùng. Cực phát triển đối trọng phía Đông vùng TP. HCM.

-    Cửa ngõ kết nối Vùng TP. HCM với quốc tế, với các vùng kinh tế Quốc gia là Vùng TP.HCM – Vùng Tây Nguyên – Vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

-    Đầu mối hạ tầng kỹ thuật trong vùng TP. Hồ Chí Minh như sân bay quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Đầu mối giao thông các trục hành lang kinh tế Quốc gia, quốc tế. Các trục vành đai 3 - 4, các trục hướng tâm phát triển đô thị, công nghiệp vùng trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

-    Là thị trường lớn cung cấp nguyên liệu nông – lâm - thủy sản và sản phẩm chế biến nông – lâm – thủy sản cho vùng TP. HCM.

-    Hợp tác phát triển du lịch trong vùng TP.HCM, liên kết các tour, kết nối các tuyến, điểm du lịch giữa trung tâm TP.HCM – Đồng Nai – Vũng Tàu.

-    Hỗ trợ, hợp tác đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ trong vùng TP.HCM (Tổng kho ngoại quan, chợ đầu mối, trung tâm thương mại lớn).

-    Chuyển giao công nghệ, tận dụng và đón đầu cơ hội đầu tư. Giao lưu trung tâm tài chính quốc tế. Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tiếp nhận các dịch vụ giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao.

d. Vai trò, vị thế và mối quan hệ vùng của vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ:

-    Đồng Nai nằm ở cửa ngõ phía Đông vùng TP.HCM, tiếp giáp với vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đồng Nai là trung tâm của cực tăng trưởng TP.HCM – TP. Đà Lạt – TP. Nha Trang kết nối phát triển với vùng sông Mê Kông mở rộng và quốc tế.

-    Có vai trò cửa ngõ kết nối vùng TP.HCM và vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Trao đổi khoa học kỹ thuật, thương mại, dịch vụ, du lịch, đầu tư.

-    Trung tâm tiêu thụ hàng nông sản, hải sản và cung ứng hàng công nghệ cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

e. Vai trò, vị thế và mối quan hệ vùng tỉnh Đồng Nai với vùng Tây Nguyên:

-    Cửa ngõ kết nối vùng TP.HCM và Vùng Tây Nguyên. Cầu nối trong giao thương, hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật với vùng TP.HCM.

-    Kết nối vùng du lịch sinh thái đặc trưng vườn Quốc gia Cát Tiên. Hợp tác phát triển Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao. Trung tâm điện năng liên vùng và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự đa dạng sinh học.

-    Đầu mối giao thông quan trọng kết nối hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt liên vùng.

-    Là cửa ngõ ra quốc tế của vùng Tây Nguyên thông qua cảng trên sông Đồng Nai – sông Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành.

Hình 27: Sơ đồ vị trí vùng tỉnh Đồng Nai trong vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên

III.3. Các tiềm năng và nguồn lực phát triển.

a. Vị trí chiến lược địa chính trị - kinh tế :

-    Vị trí trung tâm động lực tăng trưởng vùng TP. Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu. Trung tâm kinh tế lớn của Quốc gia, trung tâm các cực tăng trưởng kinh tế của vùng Đông Á. Kết nối với quốc tế và Quốc gia theo các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế và Quốc gia bằng đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không.

-    Cửa ngõ kết nối vùng TP. HCM, vùng Tây Nguyên, Vùng Duyên hải Nam Trung bộ và kết nối vùng sông MêKông mở rộng.

-    Vị trí tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trung tâm kinh tế lớn của vùng và Quốc gia.

-    Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc tế - Quốc gia. Đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường Xuyên Á, TP.HCM – Đà Lạt, vành đai 4 - 3, TP. Biên Hòa – TP.Vũng Tàu, đường quốc lộ 1, 1K, 51, 56, 20. Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam – Xuyên Á – Vũng Tàu. Đường thủy trên sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải nối Đồng Nai với các tỉnh trong vùng TP. Hồ Chí Minh, cả nước và quốc tế.

b. Đầu mối hạ tầng kỹ thuật:

-    Đầu mối các trung tâm tiếp vận của vùng. Hệ thống dịch vụ cao cấp. Đầu mối kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải.

-    Đầu mối các nguồn nước, nguồn năng lượng của vùng và Quốc gia.

-    Đấu mối hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ của vùng và Quốc gia.

c. Tiềm năng về tài nguyên tự nhiên – nhân văn, nguồn nhân lực :

-    Tài nguyên nước: Đồng Nai có nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào.

-    Tiềm năng đất đai phong phú, thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, có giá trị kinh tế cao. thuận lợi phát triển đô thị, công nghiệp, sản xuất nông nghiệp; Đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

-    Tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học: phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch sinh thái, kinh tế rừng của tỉnh.

-    Tiềm năng cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, du lịch: tài nguyên du lịch phong phú, nhiều sông, hồ cảnh quan đẹp, nhiều di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống lâu đời, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái vùng sông nước, rừng cảnh quan; du lịch văn hóa, tham quan làng nghề, …

-    Tiềm năng về nguồn nhân lực: nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động được đào tạo tương đối cao, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.

III.4. Động lực phát triển vùng:

-    Phát triển các vùng đô thị, các khu công nghiệp tập trung. Công nghiệp công nghệ cao, các trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

-    Phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính quốc tế. Phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, các trung tâm tiếp vận vùng.

-    Phát triển nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao.

-    Bảo tồn rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, bảo tồn các vùng cảnh quan sông hồ.

-    Phát triển du lịch sinh thái rừng đặc trưng, du lịch cảnh quan, văn hóa lịch sử.

III.5. Tính chất vùng:

-    Là trung tâm giao thương ba vùng kinh tế động lực của Quốc gia (vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ).

-    Là cực tăng trưởng kinh tế lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Trung tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

-    Đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, trung tâm kho vận, tiếp vận của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm giao thương của cả nước.

-    Là vùng phát triển đô thị và đô thị hóa cao; Trung tâm dịch vụ đa ngành, trung tâm công nghiệp tập trung, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm thương mại-tài chính của Quốc gia.

-    Trung tâm phát triển nông lâm, nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn nước của vùng TP. Hồ Chí Minh.

-    Trung tâm du lịch sinh thái đặc trưng. Du lịch văn hóa lịch sử.

-    Có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc phòng của cả nước.

III.6. Các dự báo.

III.6.1. Dự báo phát triển kinh tế:

a. Dự báo về tăng trưởng và cơ cấu kinh tế:

a.1. Tăng trưởng GDP:

- Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế :

+   Giai đoạn 2011-2015: 12 - 13%

+   Giai đoạn 2016- 2020: 12,5 – 13 %

+   Giai đoạn 2021 – 2025: 11 – 12%.

+   Giai đoạn 2026 – 2030: 11,5 – 12%.

a.2. Cơ cấu kinh tế:

- Dự báo cơ cấu kinh tế tỉnh (Theo Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế- xã hội tỉnh Ðồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025):

TT

Hạng mục

Cơ cấu (%)

2015

2020

2030

1

Nông lâm ngư nghiệp

5 - 6

4 - 5

3 – 4

2

Công nghiệp – xây dựng

56 - 57

55 - 56

53 - 54

3

Thương mại dịch vụ, du lịch

38 - 39

39 - 40

44 - 45

a.3. GDP bình quân đầu người:

- Thu nhập bình quân đầu người: 2.700- 2.900 USD/người (năm 2015), 5.300 – 5.800 USD/người (năm 2020), 9.000 – 10.000 USD (năm 2025) và dự kiến 10.000 – 11.000 USD (năm 2030).

(Nguồn: Dự báo kinh tế giai đoạn 2011 - 2025 căn cứ theo Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025).

b. Dự báo phát triển và phân bố các ngành kinh tế:

b.1. Nông, lâm, thủy sản :

Mục tiêu và các chiến lược phát triển:

-    Hiện đại hóa, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ các loại nông sản, tăng cường xuất khẩu. Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp hiện có.

-    Phát triển khu vực sản xuất nông – lâm - ngư nghiệp theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung; sử dụng các biện pháp cơ giới hóa, hiện đại hóa trong các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến sản phẩm; phát triển sản xuất ổn định, bền vững và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái; lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp trong sự biến đổi khí hậu.

-    Phát triển vùng chuyên canh các loại cây trồng chủ lực của tỉnh, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

-    Phát triển chăn nuôi theo hướng xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung trong vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi.

-    Phát triển ngành thủy sản mang tính chất kết hợp, xây dựng các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh tại các vùng sông, hồ, ao trên địa bàn mà có điều kiện môi trường không bị ô nhiễm bởi các hoạt động sản xuất khác.

-    Tăng cường công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và bảo tồn sự đa dạng sinh học tại các hệ sinh thái rừng đặc trưng, để giảm thiểu sự tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

b.2. Công nghiệp - xây dựng:

Mục tiêu và các chiến lược phát triển:

-    Thay đổi cơ cấu trong ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Kết nối với vùng KTTĐPN và Vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Tiếp nhận các ngành công nghiệp hiện nay và phát triển các ngành công nghiệp mới góp phần triển kinh tế ổn định và cân bằng.

-    Thu hút đầu tư nước ngoài phát triển các vùng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, sạch. Phát triển các khu công nghiệp phụ trợ.

-    Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, công nghiệp sản xuất máy nông cụ, vật liệu xây dựng, các ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp.

-    Hình thành các trung tâm dịch vụ Logistics, ICD. Phát triển dịch vụ công nghiệp cảng, khu phi thuế quan.

b.3. Thương mại, dịch vụ, du lịch :

Mục tiêu và các chiến lược phát triển.

-    Hỗ trợ nhà đầu tư và phát triển dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, đáp ứng yêu cầu dịch vụ chất lượng cao, phát triển thương mại dịch vụ như một mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế.

-    Phát triển thương mại dịch vụ qua cửa khẩu sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế nhằm trao đổi hàng hóa với khu vực ASEAN và quốc tế.

-    Phát triển trung tâm thương mại quy mô lớn, chợ đầu mối ở các đô thị trung tâm vùng và trung tâm tiểu vùng của tỉnh nhằm đẩy mạnh giao lưu kinh tế với các khu vực trong và ngoài tỉnh. Củng cố mạng lưới chợ ở các thị trấn và vùng nông thôn.

-    Phát triển mạnh du lịch sinh thái khai thác cảnh quan sông, hồ, rừng cảnh quan; du lịch văn hóa, lịch sử, vui chơi giải trí, tham quan làng nghề truyền thống.

III.6.2. Dự báo phát triển các khu, cụm công nghiệp:

-    Với lợi thế nằm liền kề TP. Hồ Chí Minh, có sân bay quốc tế Long Thành, có hệ thống cảng, nằm trên các trục giao thông - kinh tế quan trọng như đường cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 1, 51, 20, 56, đường vành đai 1, 2, 3. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh khá đồng bộ sẽ góp phần thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp – TTCN, làng nghề, khai thác lợi thế về vị trí, nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực dồi dào của tỉnh Đồng Nai.

-    Nghị quyết số 69/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015) đã phân bổ diện tích đất khu, cụm công nghiệp đến năm 2020 là 13.817 ha.

-    Trên cơ sở Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, có tính đến năm 2025; Quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2007 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được phê duyệt, đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế và mang tính khả thi. Dự báo :

+ Năm 2020 : diện tích đất công nghiệp tập trung là 13.817 ha, trong đó đất khu công nghiệp là 12.018 ha, đất cụm công nghiệp là 1.799 ha. Toàn tỉnh có 37 khu công nghiệp, 33 cụm công nghiệp.

+ Năm 2030 : diện tích đất công nghiệp tập trung là 15.400 ha, trong đó đất khu công nghiệp là 13.400 ha, đất cụm công nghiệp là 2.000 ha. Toàn tỉnh có 38 khu công nghiệp, 36 cụm công nghiệp.

III.6.3. Dự báo dân số, lao động:

a. Cơ sở dự báo

-    Chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam 2010 - 2020.

-    Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

-    Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012 - 2020.

-    Chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (vùng TP. Hồ Chí Minh), vùng Đông Nam bộ và vùng tỉnh Đồng Nai.

-    Phân tích quá trình biến động dân số tỉnh Đồng Nai năm 2005 - 2012.

-    Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

-    Các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh Đồng Nai. Các dự án phát triển công nghiệp, thương mại – dịch vụ, du lịch.

b. Phương pháp và kết quả dự báo:

b.1. Tính toán dân số theo tăng tự nhiên:

Dự báo dân số tỉnh Đồng Nai tương lai dựa theo tỷ lệ tăng tự nhiên trung bình hàng năm của tỉnh, theo công thức:

Pt = Po (1 + µ)n

Trong đó:

Pt: Dân số năm dự báo ; Po: Dân số năm hiện trạng

α: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên theo các giai đoạn; n: Số năm dự báo

TT

Hạng mục

Hiện trạng 2011

Dự báo

2015

2020

2030

1

Dân số tăng tự nhiên Tỉnh Đồng Nai

2.665.079

2.778.788

2.920.534

3.194.287

 

theo hàm số Pt = Po (1 + α)n

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ tăng tự nhiên, %/năm

1,10

1,05

1,00

0,90

Kết quả dự báo theo tăng tự nhiên:

Dân số toàn tỉnh đến năm 2020 khoảng: 2,9 triệu người và đến năm 2030 khoảng 3,2 triệu người.

b.2. Tính toán dân số theo phương pháp cân bằng lao động:

- Lao động theo nhu cầu phát triển công nghiệp:

Dự báo đất công nghiệp đến năm 2020 khoảng 13.817 ha, đến năm 2030 khoảng 15.400 ha. Dự kiến lấp đầy khoảng 80-90%, bình quân 1 ha đất công nghiệp/80-100 lao động. Nên nhu cầu lao động phục vụ các khu cụm công nghiệp đến năm 2020 khoảng 950.000 lao động, đến năm 2030 khoảng 1.200.000 lao động.

- Lao động theo nhu cầu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và hành chính sự nghiệp (HCSN):

+ Thương mại, các loại hình dịch vụ như dịch vụ vận chuyển, kho bãi, bưu chính viễn thông, dịch vụ tài chính- ngân hàng, … phát triển mạnh.

+ Dự báo đến năm 2020 Đồng Nai đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón khoảng 6-7 triệu lượt khách. Nên lao động phục vụ du lịch vào năm 2020 khoảng 45.000 người, năm 2030 khoảng 80.000 lao động.

Vì vậy nhu cầu lao động ngành dịch vụ- thương mại, HCSN chiếm khoảng 20-30% lao động trong các ngành kinh tế, nên dự kiến đến năm 2020 khoảng 500.000 người, năm 2030 khoảng 731.000 người.

Lao động nông lâm nghiệp chiếm khoảng 10-25% lao động các ngành kinh tế. Nên dự kiến năm 2020 khoảng 350.000 người, năm 2030 khoảng 260.000 người.

- Kết quả dự báo theo nhu cầu lao động:

+ Như vậy tổng lao động trong độ tuổi vào năm 2020 khoảng 2.000.000 - 2.150.000 người, dự báo số lao động trong độ tuổi chiếm khoảng dân số chiếm khoảng 66% tổng dân số, khoảng 1.800.000 người. Nên dự báo dân số toàn tỉnh Đồng Nai nội suy từ nhu cầu lao động đến năm 2020 khoảng 3.100.000 - 3.200.000 người.

+ Đến năm 2030 tổng lao động trong độ tuổi khoảng 2.400.000 - 2.550.000 người, dự báo số lao động trong độ tuổi chiếm khoảng dân số chiếm khoảng 68% tổng dân số, khoảng 2.100.000 – 2.200.000 người. Nên dự báo dân số toàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 khoảng 3.600.000 - 3.700.000 người.

Bảng 23 : Cân bằng lao động

TT

Hạng mục

Hiện trạng 2011

Dự báo

2015

2020

2030

I

Dân số trong tuổi LĐ (1000 người)

1718,976

1848,837

2068,97

2489,77

 

- Tỷ lệ % so dân số

64,50

65,00

66,00

68,00

II

Tổng LĐ làm việc trong các ngành

1474,97

1590,00

1800,00

2191,00

 

kinh tế (1000 người)

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ % so LĐ trong độ tuổi

85,81

86,00

87,00

88,00

 

Phân theo ngành:

 

 

 

 

2.1

LĐ nông lâm nghiệp, thủy sản (1000 người)

427,74

410,00

350,00

260,00

 

- Tỷ lệ % so LĐ làm việc

29,00

25,79

19,44

11,87

2.2

LĐ CN, TTCN, XD (1000 người )

798,90

850

980

1.250

 

- Tỷ lệ % so LĐ làm việc

54,16

53,46

54,44

57,05

2.3

LĐ dịch vụ-thương mại, du lịch, HCSN (1000 người)

248,34

330,00

470,00

681,00

 

- Tỷ lệ % so LĐ làm việc

16,84

20,75

26,11

31,08

III

Lao động khác

110,58

258,84

268,97

298,77

3.1

Dân số trong tuổi lao động đi học, nội trợ

90,00

212,62

227,59

261,43

 

- Tỷ lệ % so tổng dân số trong tuổi lao động

11,20

11,50

11,00

10,50

3.2

Thất nghiệp, không ổn định (1000 người)

20,58

0,00

0,00

0,00

 

- Tỷ lệ % so tổng dân số trong tuổi lao động

3,00

0,00

0,00

0,00

b.3. Nhận xét:

Theo tính toán dân số tăng tự nhiên dân số toàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 khoảng: 2.900.000 người và đến năm 2030 khoảng 3.200.000 triệu người. Và tính toán dân số trên cơ sở nhu cầu lao động dân số toàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 3.100.000 -3.200.000 người, năm 2030 khoảng 3.600.000 – 3.700.000 người.

Nên cần lượng lao động tăng cơ học từ các vùng phụ cận đến lao động các ngành nghề kinh tế, chủ yếu là lao động công nghiệp, dịch vụ dự kiến năm 2020 khoảng 300.000 người, năm 2030 khoảng 500.000 người.

c. Tổng hợp dự báo dân số, lao động:

c.1. Dự báo dân số :

Dự báo tỷ lệ tăng tự nhiên đến năm 2020 khoảng 1,0% và năm 2030 khoảng 0,85%. Tỷ lệ tăng dân số cơ học giai đoạn 2011 – 2020 khoảng 0,77%, giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 0,85%.

Tỷ lệ tăng dân số trung bình toàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 là 1,77%, giai đoạn 2021 – 2030 là 1,7%.

Dự báo dân số toàn vùng tỉnh :

- Đến năm 2015: khoảng 2.800.000 – 2.900.000 người.

- Đến năm 2020: khoảng 3.100.000 – 3.200.000 người.

- Đến năm 2030: khoảng 3.600.000 – 3.700.000 người.

Bảng 24 : Dự báo tỷ lệ tăng trưởng dân số đến năm 2030

Tỷ lệ tăng dân số

Giai đoạn 2011-2020 (%)

Tỷ lệ tăng dân số

Giai đoạn 2021-2030 (%)

Trung bình

Tự nhiên

Cơ học

Trung bình

Tự nhiên

Cơ học

1,77

1

0,77

1,70

0,85

0,85

Bảng 25 : Dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2030

TT

Hạng mục

Hiện trạng 2011

Dự báo

2015

2020

2025

2030

1

TP. Biên Hòa

848.384

950.000

1.100.000

1.250.000

1.400.000

2

TX. Long Khánh

135.311

160.000

170.860

200.000

240.000

3

Huyện Long Thành

205.991

240.000

250.000

270.000

290.000

4

Huyện Nhơn Trạch

178.660

200.000

260.000

300.000

350.000

5

Huyện Vĩnh Cửu

135.190

137.500

140.500

144.000

155.000

6

Huyện Tân Phú

161.385

164.500

167.000

170.000

175.000

7

Huyện Định Quán

203.171

207.000

209.000

212.000

215.000

8

Huyện Xuân Lộc

223.590

226.000

230.000

235.000

240.000

9

Huyện Trảng Bom

269.651

275.000

280.000

285.000

290.000

10

Huyện Thống Nhất

156.069

162.000

168.000

170.000

175.000

11

Huyện Cẩm Mỹ

147.677

150.000

155.000

160.000

165.000

 

Toàn tỉnh

2.665.079

2.872.000

3.130.360

3.396.000

3.695.000

b. Dự báo lao động :

Dự báo tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh đến năm 2030 là 65 - 68%.

Dự báo dân số trong độ tuổi lao động:

-    Đến năm 2015: khoảng 1.850.000 – 2.000.000 người.

-    Đến năm 2020: khoảng 2.000.000 – 2.150.000 người.

-    Đến năm 2030: khoảng 2.400.000 – 2.550.000 người.

Dự báo lao động trong các ngành kinh tế:

-    Đến năm 2015: khoảng 1.500.000 - 1.600.000 người.

-    Đến năm 2020: khoảng 1.700.000 – 1.800.000 người.

-    Đến năm 2030: khoảng 2.100.000 – 2.200.000 người.

Cơ cấu lao động:

-    Khu vực I (nông lâm thủy sản): 26% (năm 2015), 19% (năm 2020), 12% (năm 2030).

-    Khu vực II (công nghiệp xây dựng): 53% (năm 2015), 54% (năm 2020), 57% (năm 2030).

-    Khu vực III (thương mại dịch vụ): 21% (năm 2015), 26% (năm 2020), 31% (năm 2030).

Bảng 26 : Dự báo lao động toàn tỉnh đến năm 2030

TT

Hạng mục

Năm 2015

Năm 2020

Năm 2030

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

Số người

Tỷ lệ (%)

I

Dân số trong độ tuổi lao động

1.848.837

 

2.068.966

 

2.489.773

 

II

Lao động làm việc trong các ngành kinh tế. Trong đó :

1.590.000

100

1.800.000

100

2.191.000

100

1

- Lao động ngành nông lâm, thủy sản

410.000

26

350.000

19

260.000

12

2

- Lao động ngành công nghiệp –xây dựng

850.000

53

980.000

54

1.250.000

57

3

- Lao động ngành thương mại dịch vụ

330.000

21

470.000

26

681.000

31

III.6.4. Dự báo dân số đô thị và tỷ lệ đô thị hóa:

a. Dự báo tỷ lệ đô thị hóa:

Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của tỉnh là 33,68% cao hơn tỷ lệ đô thị hóa của cả nước là 29,9%.

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa của cả nước đến năm 2015 là 38%, năm 2020 là 45% và đến năm 2025 là 50%. Ngoài ra, theo dự báo tỷ lệ đô thị hóa của vùng TP. Hồ Chí Minh (Theo quy hoạch vùng TP. Hồ Chí Minh năm 2020 : 77-80%, năm 2030: 90%)

Do tỉnh Đồng Nai nằm liền kề TP. Hồ Chí Minh, sự hình thành các dự án, quy hoạch như đường cao tốc, đường sắt Bắc – Nam, sân bay Long Thành, các khu công nghiệp tập trung, công nghiệp cảng, các dịch vụ sẽ tác động đô thị hóa mạnh tập trung tại TP. Biên Hòa, đô thị Nhơn Trạch, đô thị Bình Sơn (dịch vụ sân bay), đô thị Long Thành, đô thị Trảng Bom, … nên dân số, lao động tăng nhanh chủ yếu là tăng cơ học từ TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

Vì vậy dự báo tỷ lệ đô thị hóa của Đồng Nai đến năm 2015 là 40-45%, năm 2020 là 50-60%, năm 2030 là 60-70%.

b. Dự báo dân số đô thị:

- Đến năm 2015: 1.200.000 - 1.300.000 nguời.

- Đến năm 2020: 1.600.000 - 1.700.000 nguời.

- Đến năm 2025: 2.000.000 – 2.100.000 nguời.

- Đến năm 2030: 2.500.000 - 2.600.000 nguời.

Bảng 27 : Dự báo dân số đô thị của tỉnh đến năm 2030

TT

Hạng mục

Hiện trạng 2011

Dự báo

2015

2020

2025

2030

1

TP. Biên Hòa

706.609

800.000

1.000.000

1.200.000

1.400.000

2

TX. Long Khánh

54.357

100.000

115.000

140.000

170.000

3

Huyện Long Thành

29.808

60.000

100.000

190.000

230.000

4

Huyện Nhơn Trạch

0

120.000

170.000

200.000

245.000

5

Huyện Vĩnh Cửu

25.121

26.000

26.500

84.000

120.000

6

Huyện Tân Phú

23.170

29.500

35.000

40.000

50.000

7

Huyện Định Quán

21.767

30.000

35.000

40.000

80.000

8

Huyện Xuân Lộc

14.959

20.000

28.000

35.000

50.000

9

Huyện Trảng Bom

21.800

60.000

80.000

100.000

120.000

10

Huyện Thống Nhất

0

25.000

48.000

55.000

65.000

11

Huyện Cẩm Mỹ

0

20.000

30.000

40.000

65.000

 

Toàn tỉnh

897.591

1.290.500

1.667.500

2.124.000

2.595.000

III.6.5. Dự báo nhu cầu đất xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn:

a. Dự báo về nhu cầu đất xây dựng đô thị :

a.1. Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị:

- Đối với đô thị loại I – III: 120 – 200 m2/người.

- Đối với đô thị loại IV - V: 150 – 250 m2/người.

a.2. Dự báo quy mô đất xây dựng đô thị:

- Đến năm 2015: khoảng 20.000 - 25.000 ha.

- Đến năm 2020: khoảng 25.000 - 32.000 ha.

- Đến năm 2030: khoảng 40.000 - 45.000 ha.

b. Dự báo về nhu cầu đất xây dựng khu dân cư nông thôn :

b.1. Dự báo về dân cư nông thôn:

Dân số nông thôn chủ yếu tăng tự nhiên và có xu hướng giảm so với hiện trạng do các nguyên nhân chính sau:

+ Do tác động đô thị hóa, việc hình thành nâng cấp các đô thị đáp ứng các tiêu chí đô thị như TP. Biên Hòa (đô thị loại 1), TP. Nhơn Trạch (đô thị loại II), TX. Long Khánh (đô thị loại II), các đô thị loại II (đô thị Long Thành, Trảng Bom) và các đô thị loại IV, V tại các huyện, nên sẽ mở rộng ranh giới hành chính, một số xã tại các huyện thị lân cận xung quanh các đô thị sẽ được sát nhập vào các đô thị này. Ngoài ra còn hình thành các đô thị mới trên cơ sở nâng cấp các điểm, khu dân cư tập trung tại các xã.

+ Việc hình thành các khu, cụm công nghiệp tại các đô thị sẽ dịch chuyển lao động trong nội vùng tại các khu vực nông thôn đến các đô thị sinh sống làm việc.

Theo quy hoạch nông thôn mới sẽ bố trí lại dân cư tập trung tại các trung tâm xã, các điểm dân cư tập trung theo tuyến đảm bảo cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Bảng 28 : Dự báo dân số nông thôn toàn tỉnh đến năm 2030

TT

Hạng mục

Hiện trạng 2011

Dự báo

2015

2020

2025

2030

1

TP. Biên Hòa

706.609

150.000

100.000

50.000

0

2

TX. Long Khánh

54.357

60.000

55.860

60.000

70.000

3

Huyện Long Thành

29.808

180.000

150.000

80.000

60.000

4

Huyện Nhơn Trạch

0

80.000

90.000

100.000

105.000

5

Huyện Vĩnh Cửu

25.121

111.500

114.000

60.000

35.000

6

Huyện Tân Phú

23.170

135.000

132.000

130.000

125.000

7

Huyện Định Quán

21.767

177.000

174.000

172.000

135.000

8

Huyện Xuân Lộc

14.959

206.000

202.000

200.000

190.000

9

Huyện Trảng Bom

21.800

215.000

200.000

185.000

170.000

10

Huyện Thống Nhất

0

137.000

120.000

115.000

110.000

11

Huyện Cẩm Mỹ

0

130.000

125.000

120.000

100.000

 

Toàn tỉnh

897.591

1.581.500

1.462.860

1.272.000

1.100.000

b. 2. Dự báo về nhu cầu đất xây dựng khu dân cư nông thôn :

- Chỉ tiêu đất ở nông thôn: 300 - 500m2/hộ.

- Dự kiến quy mô đất đai xây dựng khu dân cư nông thôn :

+ Đến năm 2020: khoảng 26.000 - 27.000 ha.

+ Đến năm 2030: khoảng 28.000 - 33.000 ha.

 


Bảng 29 :Tổng hợp dự báo dân số toàn huyện thị, dân số đô thị, dân số nông thôn đến năm 2030

TT

Hạng mục

Hiện trạng năm 2011

Dự báo

Tỷ lệ đô thị hóa (%)

Tổng

Đô thị

Nông thôn

Dân số toàn huyện, thị

Dân số đô thị

Dân số nông thôn

 

 

 

 

 

2015

2020

2025

2030

2015

2020

2025

2030

2015

2020

2025

2030

1

TP. Biên Hòa

848.384

706.609

141.775

950.000

1.100.000

1.250.000

1.400.000

800.000

1.000.000

1.200.000

1.400.000

150.000

100.000

50.000

0

100

2

TX. Long Khánh

135.311

54.357

80.954

160.000

170.860

200.000

240.000

100.000

115.000

140.000

170.000

60.000

55.860

60.000

70.000

75

3

Huyện Long Thành

205.991

29.808

176.183

240.000

250.000

270.000

290.000

60.000

100.000

190.000

230.000

180.000

150.000

80.000

60.000

80

4

Huyện Nhơn Trạch

178.660

0

178.660

200.000

260.000

300.000

350.000

120.000

170.000

200.000

245.000

80.000

90.000

100.000

105.000

70

5

Huyện Vĩnh Cửu

135.190

25.121

110.069

137.500

140.500

144.000

155.000

26.000

26.500

84.000

120.000

111.500

114.000

60.000

35.000

40

6

Huyện Tân Phú

161.385

23.170

138.215

164.500

167.000

170.000

175.000

29.500

35.000

40.000

50.000

135.000

132.000

130.000

125.000

40

7

Huyện Định Quán

203.171

21.767

181.404

207.000

209.000

212.000

215.000

30.000

35.000

40.000

80.000

177.000

174.000

172.000

135.000

40

8

Huyện Xuân Lộc

223.590

14.959

208.631

226.000

230.000

235.000

240.000

20.000

28.000

35.000

50.000

206.000

202.000

200.000

190.000

40

9

Huyện Trảng Bom

269.651

21.800

247.851

275.000

280.000

285.000

290.000

60.000

80.000

100.000

120.000

215.000

200.000

185.000

170.000

40

10

Huyện Thống Nhất

156.069

0

156.069

162.000

168.000

170.000

175.000

25.000

48.000

55.000

65.000

137.000

120.000

115.000

110.000

40

11

Huyện Cẩm Mỹ

147.677

0

147.677

150.000

155.000

160.000

165.000

20.000

30.000

40.000

65.000

130.000

125.000

120.000

100.000

40

 

Toàn tỉnh

2.665.079

897.591

1.767.488

2.872.000

3.130.360

3.396.000

3.695.000

1.290.500

1.667.500

2.124.000

2.595.000

1.581.500

1.462.860

1.272.000

1.100.000

70

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

a

Theo QĐPDKTXH

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Dân số

 

 

 

2.800.000-2.900.000

3.100.000-3.200.000

3.300.000-3.400.000

 

1.050.000- 1.100.000

1.400.000-1.450.000

 

 

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ đô thị hóa (%)

 

33,68

 

 

 

 

 

38 - 38,5

45,5 - 46

55-56

 

 

 

 

 

 

b

Theo QĐ phê duyệt NVTK

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Dân số

 

 

 

2.700.000

2.800.000-2.900.000

 

3.050.000

1.215.000 - 1.350.000

1.450.000-1.740.000

 

1.914.000-2.392.000

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ đô thị hóa

 

 

 

 

 

 

 

45 - 50

50 - 60

 

60 - 70

 

 

 

 

 

c

Theo quy hoạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

- Dân số

 

 

 

 

 

 

 

1.290.500

1.667.500

2.124.000

2.595.000

 

 

 

 

 

 

- Tỷ lệ đô thị hóa

 

 

 

 

 

 

 

44,93

53,27

62,54

70,23

55

47

41

30

 

Ghi chú: Trên cơ sở dự báo dân số theo phương pháp cân bằng lao động, dự báo dân số có tính khả thi cao. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh, từng huyện thị phù hợp với dự báo tỷ lệ đô thị hóa của vùng TP. HCM, tỉnh Đồng Nai và các huyện thị trong tương lai.

Dự báo dân số toàn tỉnh và dân số đô thị năm 2020 tăng hơn so với dự báo của Quy hoạch Kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, vì đáp ứng tiêu chí đô thị TP. Biên Hòa là đô thị loại I (phù hợp định hướng QH KT-XH của thành phố), cùng với việc thành lập Thành phố mới Nhơn Trạch đô thị loại II, nên dân số tăng chủ yếu tập trung tại TP. Biên Hòa và TP. Nhơn Trạch, TX. Long Khánh, còn các huyện lỵ tăng rất ít không đáng kể.


Phần IV:

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN VÙNG.

IV.1. Quan điểm phát triển:

-    Đặt sự phát triển của vùng tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh phát triển quốc tế, quốc gia và các vùng kinh tế trọng điểm như vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

-    Phát triển nhanh, bền vững hài hòa về kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường.

-    Phát triển không gian vùng phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tích hợp phát triển các ngành, khai thác tiềm năng lợi thế, tài nguyên đặc trưng cho phát triển từng tiểu vùng. Phát triển có trọng điểm, trọng tâm, theo chiến lược toàn diện và cân bằng. Phát triển mô hình đô thị sinh thái, công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh, hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

-    Xây dựng kết cấu hạ tầng khung đồng bộ kết nối với các đầu mối hạ tầng kỹ thuật như sân bay quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải. Kết nối với các vùng kinh tế Quốc gia và các vùng trong tỉnh.

IV.2. Tầm nhìn đến năm 2050 :

-    Đồng Nai sẽ đóng vai trò là vùng phát triển động lực kinh tế của vùng TP. Hồ Chí Minh và Quốc gia, cửa ngõ giao thương của 3 vùng kinh tế. Đầu mối giao thương quốc tế của vùng Quốc gia.

-    Đến năm 2020 tỉnh Đồng Nai cơ bản là tỉnh Công nghiệp phát triển, đến năm 2030 sẽ trở thành một Trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao và vùng nông lâm nghiệp hiện đại phát triển cân bằng và bền vững. Đến năm 2050 sẽ tập trung nâng cao chất lượng đô thị, phát triển theo mô hình đô thị sinh thái.

-    Vùng phát triển du lịch sinh thái rừng đặc trưng, du lịch lịch sử, văn hóa đặc sắc. Vùng bảo vệ nguồn nước, rừng cảnh quan và sự đa dạng sinh học.

-    Là vùng có chất lượng cuộc sống tốt, hài hòa thân thiện với môi trường.

IV.3. Các mục tiêu chiến lược hướng tới tầm nhìn.

-    Phát huy vai trò vị thế và tiềm năng của vùng tỉnh Đồng Nai là cửa ngõ giao thương giữa vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam trung bộ. Trung tâm kinh tế động lực của vùng TP. Hồ Chí Minh và Quốc gia.

-    Đầu mối giao thông quan trọng về đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối với các vùng kinh tế Quốc gia và quốc tế.

-    Xây dựng khung chiến lược phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững. Thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, nâng cao chất lượng sống, bảo vệ môi trường.

-    Xây dựng cấu trúc không gian toàn vùng. Bao gồm hệ thống cấu trúc lưu thông kết nối với các vùng kinh tế Quốc gia và quốc tế. Cấu trúc vùng cảnh quan đặc trưng tự nhiên, vùng nông nghiệp, lâm nghiệp và không gian mở. Cấu trúc các vùng phát triển đô thị và công nghiệp hiện đại.

-    Đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết hỗ trợ giữa các vùng đô thị trong vùng tỉnh và vùng TP. Hồ Chí Minh. Đầu tư phát triển vùng đô thị hạt nhân TP. Biên Hòa – đô thị Trảng Bom – đô thị Long Thành – đô thị Bình Sơn (đô thị dịch vụ sân bay) – đô thị Nhơn Trạch. Vai trò vị thế thành phố Biên Hòa là hạt nhân tăng trưởng của tiểu vùng. Xây dựng cực đối trọng phía Đông vùng TP. Hồ Chí Minh với đô thị hạt nhân là TX. Long Khánh. Phát triển hành lang đô thị hóa quốc lộ 20, đường cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt.

-    Phát triển các khu công nghệ cao và phân bố lại các vùng công nghiệp tập trung chuyên môn hóa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

-    Hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất nông lâm nghiệp chuyên canh theo hướng hàng hóa. Hiện đại hóa nông thôn.

-    Xây dựng và phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính dịch vụ logistics cấp quốc tế, Quốc gia.

-    Phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm Quốc gia gắn với lịch sử văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên. Phát triển mô hình du lịch sinh thái đặc trưng vườn Quốc gia Cát Tiên, kết nối với các trung tâm du lịch vùng TP.Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và quốc tế.

-    Phát triển các vùng du lịch, các trung tâm du lịch tầm Quốc gia gắn với lịch sử văn hóa, đô thị và cảnh quan tự nhiên; Phát triển mô hình du lịch sinh thái đặc trưng vườn Quốc gia Cát Tiên, kết nối với các trung tâm du lịch vùng TP.Hồ Chí Minh, vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và quốc tế.

-    Xây dựng các trung tâm chuyên ngành cấp Quốc gia và quốc tế; Trung tâm giáo dục đào tạo, giải trí cấp quốc tế. Xây dựng trung tâm văn hóa, TDTT, dịch vụ y tế cấp vùng.

-    Xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ vùng tỉnh, kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh, các vùng Quốc gia và vùng quốc tế.

-    Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn và nguồn nhân lực chất lượng cao. Bảo tồn rừng cảnh quan và sự đa dạng sinh học.

-    Xây dựng chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu. Đánh giá môi trường chiến lược.

-    Nâng cao chất lượng sống và xóa đói giảm nghèo cho cư dân trong vùng. Phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn. Kiểm soát quá trình dịch cư.

-    Phát triển các dự án chiến lược, trọng điểm có sức lan tỏa và hỗ trợ các vùng khác phát triển. Xây dựng cơ chế quản lý và kiểm soát phát triển không gian toàn vùng.

IV.4. Mô hình phát triển :

a. Các tiêu chí lựa chọn mô hình

-    Tiêu chí kiểm soát phát triển: Yêu cầu về quản lý trong mô hình ở mức độ cao quy mô các đô thị lớn.

-    Tiêu chí về giảm tiêu hao năng lượng: Bối cảnh phát triển cho thấy giá cả năng lượng sẽ tăng và ảnh hưởng sống còn đến hiệu quả phát triển. Đây là tiêu chí được đánh giá là quan trọng hàng đầu để đánh giá mô hình phát triển. Tiêu hao năng lượng được đánh giá là thấp nhất khi các khu vực sản xuất được bố trí gần nguồn tiêu thụ và gần nguồn lao động. Phương án khai thác lợi thế tiềm năng của trung tâm vùng và các tiểu vùng, các trục hành lang kinh tế - đô thị, đồng thời có sự đan xen tốt nhất giữa các không gian đô thị, không gian các khu công nghiệp, không gian nông lâm, thủy sản và các vùng cảnh quan.

-    Tiêu chí về khả năng thích nghi với thời kỳ hậu công nghiệp: Lịch sử phát triển công nghiệp trên thế giới đã cho thấy giai đoạn phát triển công nghiệp là nhất thời, sau khoảng 40 - 50 năm sẽ chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp khi các nhà máy hết hạn sử dụng và đóng cửa. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sẽ thay đổi mạnh phát triển cân bằng hơn. Tiêu chí về khả năng thích nghi với thời kỳ hậu công nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá tính bền vững. Sự phát triển các đô thị tương đối tập trung sẽ hình thành nên mô hình của các chuỗi đô thị dọc quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20, các trục hướng tâm, các trục vành đai vùng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để khu công nghiệp có thể chuyển đổi chức năng và tiếp tục tồn tại khi phát triển đến giai đoạn hậu công nghiệp. Để các khu công nghiệp tồn tại được ở giai đoạn hậu công nghiệp, nhất thiết phải phát triển các khu công nghiệp - đô thị đa chức năng, không phát triển các khu công nghiệp - đô thị chỉ dựa vào một loại hình công nghiệp nào đó. Quy mô đô thị càng lớn, cơ hội chuyển đổi và thích nghi với giai đoạn phát triển hậu công nghiệp càng cao.

-    Tiêu chí về khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao: các điều kiện về biến đổi khí hậu đã được liên tục cảnh báo. Các tổ chức khoa học quốc tế và đặc biệt là các nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới đã cho thấy việc mực nước biển dâng cao 1 – 1,6m là hoàn toàn có thể xảy ra trong giai đoạn quy hoạch đến năm 2100 và sau đó có thể tiếp tục dâng cao hơn nữa nếu không có những biện pháp đặc biệt được áp dụng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, việc xác định hành lang động lực phát triển về phía Bắc và Đông Bắc nơi có cao độ địa hình tự nhiên đủ cao để không phải lo đối phó với vấn đề nước biển dâng cao là giải pháp hữu hiệu nhất đảm bảo sự phát triển bền vững. Các khu vực hiện nay đang tập trung phát triển mạnh như: khu vực phía Nam và ven sông có cao độ địa hình < 5m so với mực nước biển cần được nghiên cứu áp dụng các giải pháp bảo vệ để các thành quả phát triển kinh tế - xã hội không bị chìm dưới mực nước biển.

-    Tiêu chí về khả năng khai thác lợi thế vùng: Đặc biệt là lợi thế về vị trí, sân bay - cảng biển quốc tế, về vị trí trung tâm tiếp vận của bản thân vùng cũng như các tiểu vùng lân cận. Tiêu chí này đánh giá chủ yếu khả năng khai thác một cách hiệu quả nhất các yếu tố trung tâm vùng như đô thị, sân bay - cảng biển quốc tế, trung tâm tiếp vận cũng như các hành lang tuyến giao thông cao tốc dự kiến phát triển.

-    Tiêu chí về bảo vệ môi trường sinh thái: Trong mô hình phát triển thì khung bảo vệ môi trường sinh thái cảnh quan đều được đề xuất tương đối giống nhau, đảm bảo các yêu cầu thiết yếu về bảo vệ các giá trị cảnh quan quý báu trong vùng. Tuy nhiên, xét ở góc độ bảo vệ môi trường, việc phát triển dàn trải sẽ gây tác động nhiều hơn đến môi trường nếu năng lực quản lý kém.

-    Tiêu chí về phân vùng tạo động lực phát triển: Việc phân bố hợp lý các trung tâm phát triển sẽ tạo động lực phát triển hài hòa, giảm khoảng cách giữa các vùng.

b. Mô hình phát triển.

-    Trên cơ sở xác định bối cảnh phát triển, tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược phát triển của vùng. Đánh giá các tiềm năng, lợi thế và các nguồn lực của vùng, các tiêu chí lựa chọn mô hình phát triển. Mô hình phát triển vùng tỉnh Đồng Nai phát triển theo mô hình trung tâm vùng, trung tâm các tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, vành đai liên kết vùng TP. Hồ Chí Minh - Vùng Tây Nguyên – Vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

IV.5. Cấu trúc không gian vùng.

a. Cấu trúc khung giao thông.

Khung phát triển giao thông vùng tỉnh Đồng Nai dựa trên định hướng phát triển các trục hướng tâm, các trục vành đai đảm bảo kết nối đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong vùng thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và quốc tế như sau :

-    Trục hành lang hướng tâm: Quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20; đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Biên Hòa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh – Dầu Giây – Đà Lạt.

-    Trục hành lang đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam - Xuyên Á kết nối Đồng Nai với trung tâm TP. Hồ Chí Minh - TP.Vũng Tàu - Cần Thơ trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.

-    Hành lang các trục vành đai cao tốc 3, 4 vùng TP. Hồ Chí Minh kết nối Đồng Nai với quốc tế qua sân bay quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Vành đai liên kết Đồng Xoài - Long Khánh – TP. Bà Rịa các cực phát triển đối trọng của vùng.

-    Trục hành lang kinh tế đường thủy: Hệ thống sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải kết nối Đồng Nai với Quốc gia và quốc tế.

b.       Cấu trúc không gian các vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ tập trung (gồm 3 vùng cơ bản).

-    Trung tâm vùng tỉnh: gồm thành phố Biên Hòa; đô thị Bình Sơn (đô thị dịch vụ sân bay quốc tế Long Thành); đô thị Long Thành; đô thị Nhơn Trạch; đô thị Phước Thái (đô thị dịch vụ cảng Phú Mỹ - Gò Dầu), đô thị Trảng Bom; đô thị Thạnh Phú; Các khu công nghiệp Biên Hòa, Thạnh Phú, Hố Nai, Sông Mây, Trảng Bom, Bàu Xéo - Giang Điền, Tam Phước, Long Thành, Nhơn Trạch, Ông Kèo.

-    Vùng phía Đông: gồm các đô thị Long Khánh, Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao. Các khu công nghiệp Dầu Giây, Long Khánh, Xuân Lộc; Các cụm công nghiệp tập trung gắn với các đô thị.

-    Vùng đô thị - công nghiệp hành lang quốc lộ 20: gồm đô thị Phú Túc, La Ngà, Định Quán, Tân Phú; Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tập trung gắn với các đô thị.

c. Cấu trúc không gian vùng cảnh quan và không gian mở.

-    Hệ thống sông hồ bao gồm : sông Đồng Nai, sông Bé, sông La Ngà, sông Buông, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu, sông Nhà Bè, hồ Trị An, hồ Sông Mây. Đây là hệ thống sông, hồ phục vụ giao thông vận tải, cấp nước, thoát nước, cấp điện, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái đồng thời cũng tạo yếu tố bản sắc riêng cho Đồng Nai.

-    Các vùng bảo tồn rừng cảnh quan Nam Cát Tiên, hồ Trị An, rừng ngập mặn Nhơn Trạch, vùng cảnh quan ven sông Đồng Nai, vùng lâm nghiệp rừng trồng. Cấu trúc thành các vùng đặc trưng tập trung và đan xen giữa các vùng đô thị - công nghiệp tạo phát triển cân bằng.

d) Vùng hạn chế và cấm xây dựng :

-    Cấm xây dựng trong khu vực rừng đặc dụng của khu bảo tồn thiên nhiên (vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai, Khu bảo tồn vùng nước ngập hồ Trị An – sông Đồng Nai, Khu Ramsar Bàu Sấu), vùng rừng ngập mặn Nhơn Trạch, Long Thành, khu vực hành lang bảo vệ xung quanh hồ Trị An và dọc sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải; khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn quan trọng của tỉnh để bảo vệ sự đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, nguồn tài nguyên nước.

-    Hạn chế xây dựng trong vùng vành đai bảo vệ an toàn cảng hàng không quốc tế Long Thành; sân bay Biên Hòa; các khu đất quốc phòng, an ninh quản lý, vùng thấp trũng hạ lưu sông Đồng Nai có nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, thành phố Biên Hòa; các khu vực ven sông có nguy cơ sạt lở, không ổn định nền đất.

Hình 28 – Cấu trúc không gian vùng

IV.6. Định hướng phân bố các vùng chức năng:

IV.6.1. Phân vùng phát triển kinh tế:

Trên cơ sở đặc điểm tự nhiên địa hình, địa thế, tài nguyên thiên nhiên, các cơ sở về hạ tầng kỹ thuật đặc biệt các hành lang kinh tế đô thị và mối liên hệ vùng TP. Hồ Chí Minh. Vùng tỉnh Đồng Nai được phân thành 3 vùng phát triển kinh tế cụ thể như sau :

a. Vùng I: Vùng công nghiệp – đô thị - dịch vụ Trung tâm vùng tỉnh.

Hình 29 –Vùng đô thị - Công nghiệp trung tâm

Là vùng phát triển kinh tế động lực của vùng tỉnh Đồng Nai bao gồm thành phố Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần huyện Vĩnh Cửu; Trong đó thành phố Biên Hòa là đô thị hạt nhân.

a.1. Quy mô:

- Đất đai: 1628,67 km2.

- Dân số (năm 2011): 1.474.070 người. Năm 2020: 2.143.000 người, Năm 2030: 2.366.000 người.

a.2. Tiềm năng và nguồn lực phát triển của vùng:

-    Vị trí địa kinh tế: Nằm ở trung tâm bán kính 30km vùng TP.HCM, tiếp giáp trung tâm TP.HCM – TP. Vũng Tàu – Bình Dương. Nằm ở cực động lực tăng trưởng TP. Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu của vùng TP.HCM kết nối quốc tế thông qua Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hệ thống cảng biển nhóm 5 tại huyện Nhơn Trạch và Bà Rịa – Vũng Tàu, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh -Long Thành-Dầu Giây, đường vành đai 3, 4 vùng TP. Hồ Chí Minh, hành lang Xuyên Á.

-    Tài nguyên tự nhiên; tài nguyên đất : quỹ đất lớn thuận lợi, có điều kiện phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan rừng phòng hộ, nông nghiệp công nghệ cao. Nguồn nước mặt dồi dào, có hệ thống sông Đồng Nai, sông Buông, sông Thị Vải, các hồ nước thuận lợi tiêu thoát nước và cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tài nguyên rừng cảnh quan ven sông Đồng Nai, sông Buông, cảnh quan rừng phòng hộ và các khu du lịch. Tài nguyên khoáng sản kim loại và phi kim.

-    Tài nguyên nhân văn: các di tích văn hóa lịch sử Cù Lao Phố, các công trình tôn giáo tín ngưỡng đa văn hóa.

-    Nguồn nhân lực: Vùng có nguồn nhân lực lớn, có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo nghề. Có các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và có xu hướng tập trung tiếp nhận các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao từ trung tâm TP.HCM.

a.3. Động lực phát triển:

- Phát triển vùng đô thị, động lực phát triển kinh tế:

+ Hình thành vùng đô thị Biên Hòa bao gồm: Đô thị Biên Hòa, đô thị Nhơn Trạch, đô thị Long Thành, đô thị Trảng Bom, đô thị Thạnh Phú, đô thị Vĩnh An, đô thị Bình Sơn (đô thị dịch vụ sân bay), đô thị Phước Thái (đô thị dịch vụ cảng biển). Trong đó TP. Biên Hòa là đô thị hạt nhân của toàn vùng.

- Phát triển các vùng công nghiệp, đầu mối hạ tầng, cảng biển, sân bay quốc tế:

+ Phát triển vùng công nghiệp Biên Hòa – Long Thành : các khu công nghiệp công nghệ cao Biên Hòa, Long Bình, Long Thành; các khu công nghiệp tập trung Thạnh Phú, Hố Nai, Tam Phước. Phát triển các vùng công nghiệp Trảng Bom với các khu công nghiệp Sông Mây, Bàu Xéo, Trảng Bom, Giang Điền; Vùng Nhơn Trạch với các khu công nghiệp Nhơn Trạch, Ông Kèo, Gò Dầu. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ, bảo đảm môi trường xanh, sạch.

+ Phát triển hệ thống cảng biển, cảng đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu, sông Thị Vải. Phát triển cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Thị Vải – Cái Mép. Phát triển đầu mối giao thông của vùng và Quốc gia.

- Phát triển thương mại dịch vụ, du lịch sinh thái, giải trí cao cấp.

+ Phát triển trung tâm thương mại - tài chính cấp vùng, Quốc gia và quốc tế, trung tâm dịch vụ đào tạo – nghiên cứu khoa học, y tế chất lượng cao. Phát triển các trung tâm kho vận, tiếp vận cấp vùng và Quốc gia.

+ Phát triển dịch vụ du lịch, giải trí : Khu phức hợp giải trí, khai thác cảnh quan ven sông Đồng Nai, du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử, ….

+ Phát triển trung tâm TDTT cấp Quốc gia và cấp vùng: Hình thành sân vận động tiêu chuẩn quốc tế vừa phát triển TDTT của tỉnh vừa thu hút vận động viên trên thế giới đến du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp tập luyện, thi đấu.

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

+        Phát triển nông nghiệp sạch, chất lượng cao: Hình thành các vùng trái cây, vùng cây cảnh, rau xanh, vùng cảnh quan công viên chuyên đề hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

a.4. Thế mạnh của vùng: Là phát triển vùng đô thị và đô thị hóa cao đa chức năng gắn kết với phát triển các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên ngành, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các trung tâm thương mại – tài chính cấp vùng, trung tâm kho vận, tiếp vận lớn. Phát triển đầu mối giao thông của vùng và Quốc gia, quốc tế, cảng biển, cảng sông, sân bay quốc tế; phát triển dịch vụ du lịch, giải trí, du lịch cảnh quan, văn hóa lịch sử.

b. Vùng II: Vùng kinh tế phía Đông.

Hình 30 - Vùng kinh tế phía Đông

Vùng kinh tế phía Đông bao gồm thị xã Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc; Là vùng phát triển năng động thứ 2 của tỉnh Đồng Nai; Trong đó thị xã Long Khánh là đô thị hạt nhân.

a.1. Quy mô:

- Đất đai: 1634,839 km2.

- Dân số (năm 2011): 662.647 người. Năm 2020: 772.000 người, Năm 2030: 834.000 người.

a.2. Tiềm năng và nguồn lực của vùng:

-    Vị trí địa kinh tế: Nằm ở phía Đông của vùng tỉnh Đồng Nai và vùng TP.HCM. Tiếp giáp tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Nằm trên các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia như quốc lộ 1, 20, 56, đường sắt Bắc - Nam. Trong tương lai có tuyến cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao.

-    Tài nguyên tự nhiên : tiềm năng quỹ đất lớn thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chuyên canh, lâm nghiệp, đô thị và công nghiệp tập trung. Đất thích hợp loại cây trồng cao su, cây ăn trái. Rừng trồng sản xuất và rừng phòng hộ gắn với phát triển kinh tế. Tiềm năng cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn (khu di tích lịch sử cách mạng).

-    Nguồn nhân lực : vùng có nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo nghề, khả năng tiếp nhận nguồn nhân lực từ ngoài để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp hiện đại.

a.3. Động lực phát triển:

- Phát triển đô thị:Khả năng hình thành vùng đô thị hóa mạnh phía Đông của vùng tỉnh bao gồm thị xã Long Khánh, các đô thị Dầu Giây, Gia Ray, Long Giao với động lực là công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Hạt nhân là thị xã Long Khánh.

- Phát triển công nghiệp tập trung chuyên ngành.

+ Hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn: Khu công nghiệp Long Khánh, Suối Tre, Dầu Giây, Gia Kiệm, Cẩm Mỹ, khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học Cẩm Mỹ, các cụm TTCN trên quốc lộ 1, quốc lộ 56, đường Suối Tre – Bình Lộc, Long Thành – Cẩm Mỹ - Xuân Lộc.

- Phát triển thương mại - dịch vụ cấp vùng, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử.

+ Hình thành trung tâm thương mại – dịch vụ cấp vùng, giao thương trao đổi hàng hóa với vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

+ Phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn (khu di tích lịch sử cách mạng).

- Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh.

+ Phát triển mô hình trang trại tập trung hiện đại, vùng nông nghiệp công nghệ cao (hoa, rau sạch, cây cảnh); vùng nông nghiệp chuyên canh cây công nghiệp cao su, cây ăn trái.

+ Hình thành trang trại mô hình chăn nuôi heo, bò sữa, thỏ, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá theo hướng an toàn sinh học.

+ Hệ thống các điểm dân cư nông thôn tập trung gắn với lợi thế sản xuất nông, lâm nghiệp tại các xã trên địa bàn các huyện.

a.4. Thế mạnh của vùng: Là phát triển vùng đô thị, công nghiệp tập trung chuyên ngành. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh, thương mại - dịch vụ cấp vùng.

c. Vùng III: Vùng sinh thái phía Bắc.

Hình 31 - Vùng sinh thái phía Bắc

Vùng sinh thái phía Bắc bao gồm huyện Định Quán, Tân Phú và một phần huyện Vĩnh Cửu, quan hệ trực tiếp với tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước. Vùng có chức năng bảo tồn rừng cảnh quan, bảo vệ nguồn nước và sự đa dạng sinh học. Trong đó thị trấn Định Quán là đô thị hạt nhân.

a.1. Quy mô:

- Đất đai : 2.643,73 km2.

- Dân số (năm 2011): 456.185 người. Năm 2020: 477.000 người, Năm 2030: 495.000 người.

a.2. Tiềm năng và nguồn lực của vùng:

-    Vị trí địa kinh tế: Nằm ở phía Bắc tỉnh Đồng Nai, tiếp giáp tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương. Nằm trên sông Đồng Nai, sông Bé, sông La Ngà, hồ Trị An và trên quốc lộ 20.

-    Tài nguyên tự nhiên; Tài nguyên đất, là vùng đất cao chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng, đất đai thuận lợi phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp. Tài nguyên rừng. Là vùng đặc trưng sinh thái rừng bao gồm vườn Quốc gia Nam Cát Tiên, khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu, các khu rừng phòng hộ, rừng trồng. Tài nguyên nước. là vùng bảo vệ nguồn nước cho vùng TP.HCM bao gồm sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Bé và hồ Trị An. Các sông hồ cung cấp nguồn nước, thoát nước mà còn phát triển thủy sản, thủy điện. Tài nguyên du lịch sinh thái rừng cảnh quan, du lịch văn hóa lịch sử chiến khu D.

a.3. Động lực phát triển:

- Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

+ Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh như cao su, cây ăn trái.

+ Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng trồng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng.

+ Phát triển vùng chăn nuôi tập trung hình thức trang trại có quy mô lớn, diện tích khoảng 3.300 – 3.500 ha.

+ Phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

- Phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch sinh thái rừng cảnh quan.

+ Hình thành trung tâm thương mại chợ đầu mối trao đổi tiêu thụ hàng hóa nông sản.

+ Phát triển du lịch tham quan rừng Nam Cát Tiên, hồ Trị An, ven sông Đồng Nai, khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Hình thành các khu du lịch văn hóa lịch sử cách mạng.

- Phát triển đô thị - công nghiệp – TTCN, làng nghề.

+ Hình thành vùng đô thị công nghiệp tập trung Tân Phú, Định Quán, La Ngà, Phú Túc dọc quốc lộ 20 và đô thị Phú Lý, các cụm CN-TTCN tại đô thị vừa và nhỏ.

+ Phát triển làng nghề đan lát phục vụ du lịch.

a.4. Thế mạnh của vùng: là phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa có chất lượng cao (chủ yếu vùng chuyên canh sản xuất cao su); phát triển thương mại dịch vụ; du lịch sinh thái cảnh quan rừng Nam Cát Tiên, hồ Trị An, ven sông Đồng Nai, khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai.

Hình 32 - Phân vùng phát triển kinh tế

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012