Quyết định 1107/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015
Số hiệu: 1107/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trương Vĩnh Trọng
Ngày ban hành: 28/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 10/08/2009 Số công báo: Từ số 375 đến số 376
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1107/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 07 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC HỆ THỐNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TUYẾN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Quyết định số 255/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về y tế dự phòng giai đoạn 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tuyến tỉnh) giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Nâng cao năng lực của hệ thống phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

2. Các chỉ tiêu đạt được đến năm 2015:

a) 100% Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng bảo đảm chuẩn quốc gia do Bộ Y tế ban hành;

b) 100% Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được đầu tư đủ các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng yêu cầu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;

c) Trên 65% công chức, viên chức Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh có trình độ đại học, sau đại học và 100% cán bộ, nhân viên Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh được đào tạo, tập huấn chuyên môn về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

3. Phân loại quy mô đầu tư Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh:

a) Quy mô I gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Kon Tum, Đắk Nông, Điện Biên, Quảng Trị, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Thuận, Bình Dương, Hà Giang, Phú Yên, Lạng Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hậu Giang, Bình Phước, Bạc Liêu, Hòa Bình, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Bình, Tuyên Quang, Quảng Bình.

b) Quy mô II gồm: Sơn La, Bắc Ninh, Trà Vinh, Tây Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Hưng Yên, Lâm Đồng, Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Hà Tỉnh, Phú Thọ, Long An, Gia Lai.

c) Quy mô III gồm: Bình Định, Bắc Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc.

d) Quy mô IV gồm: Thái Nguyên, Nam Định, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang, Thanh Hóa.

đ) Quy mô đặc biệt gồm: thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

4. Nguồn vốn đầu tư:

a) Tổng số vốn thực hiện Đề án ước khoảng 1.590 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thông qua nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS khoảng 1.064 tỷ đồng.

- Ngân sách của địa phương khoảng 526 tỷ đồng.

- Vốn ODA, các nguồn viện trợ quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

b) Phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn:

- Giai đoạn 2010-2011 khoảng 631 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển dành cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị khoảng 612 tỷ đồng.

+ Vốn sự nghiệp dành cho công tác đào tạo khoảng 19 tỷ đồng.

- Giai đoạn 2012-2015 khoảng 959 tỷ đồng, trong đó:

+ Vốn đầu tư phát triển dành cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị khoảng 911 tỷ đồng.

+ Vốn sự nghiệp dành cho công tác đào tạo khoảng 48 tỷ đồng.

c) Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương từ nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS theo nguyên tắc:

- Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Đề án bằng ngân sách địa phương.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho các tỉnh miền núi, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ 90% cho các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Ninh Thuận.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ 80% cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ trợ cấp trên chi cân đối ngân sách địa phương năm 2008 từ 35% trở lên; đối với các tỉnh còn lại thuộc khu vực này, ngân sách trung ương hỗ trợ 75%.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ 60% đối với các tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%.

- Ngân sách trung ương hỗ trợ 30% đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương trên 50%, riêng thành phố Cần Thơ ngân sách trung ương hỗ trợ 80% và tỉnh Vĩnh Phúc ngân sách trung ương hỗ trợ 40%.

d) Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh do ngân sách địa phương bảo đảm, ngân sách trung ương hỗ trợ thông qua dự án phòng chống HIV/AIDS thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006 – 2010.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Y tế là cơ quan thường trực đề án có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Chuẩn quốc gia của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS (bao gồm: cơ sở vật chất, danh mục trang thiết bị thiết yếu và đội ngũ cán bộ) làm căn cứ để các tỉnh xây dựng các dự án đầu tư phù hợp với địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu và phương án phân bổ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện đề án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính vào kỳ báo cáo kế hoạch để tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án;

c) Chủ trì, phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu, lập kế hoạch đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS; ưu tiên những địa phương đã được đầu tư để kịp thời phát huy hiệu quả;

d) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện đề án; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xử lý những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề án tại các địa phương. Định kỳ 3 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện đề án.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, tổng hợp nhu cầu, cân đối kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS để thực hiện Đề án.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan giám sát việc phân bổ vốn đầu tư cho các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh bảo đảm đúng mục tiêu và đối tượng.

c) Tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề án tại các địa phương; định kỳ 3 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3) Bộ Tài chính có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư cho các dự án theo quy định. Hướng dẫn các địa phương đầu tư kinh phí để vận hành, duy tu, bảo dưỡng máy móc trang thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, tổng hợp nhu cầu, cân đối kế hoạch vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS để thực hiện Đề án.

c) Tham gia kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề án tại các địa phương; định kỳ 3 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ:

Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo và tăng chỉ tiêu đào tạo cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh có nhiệm vụ:

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đề án tại địa phương theo đúng mục tiêu, chỉ tiêu và tiến độ quy định tại Điều 1 Quyết định này.

b) Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Ban, ngành liên quan của địa phương căn cứ vào quy hoạch phát triển mạng lưới y tế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và Chuẩn quốc gia của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS để xây dựng dự án đầu tư Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng.

c) Chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư; chỉ đạo sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị một cách hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát.

d) Bố trí đầy đủ vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; bố trí đủ kinh phí thường xuyên để vận hành, bảo dưỡng và duy trì cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị được đầu tư; cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sử dụng trang thiết bị.

đ) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương kiểm tra, giám sát thực hiện đề án bảo đảm đúng tiến độ và quy định.

e) Định kỳ 3 tháng, hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện đề án về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng