Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2017 về Quy định cụ thể hóa tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: 2753/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Đào Công Thiên
Ngày ban hành: 19/09/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2753/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 19 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CỤ THỂ HÓA TIÊU CHÍ HUYỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI VÀ QUY ĐỊNH THỊ XÃ, THÀNH PHỐ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Thông tư số 35/2016/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 531/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và mức đạt chuẩn nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020;

Căn cứ Quyết định số 532/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 2247/SNN-VPĐP ngày 11 tháng 9 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cụ thể hóa tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 2664/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định cụ thể hóa tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Công Thiên

 

QUY ĐỊNH

CỤ THỂ HÓA TIÊU CHÍ HUYỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI VÀ THỊ XÃ, THÀNH PHỐ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2016-2020
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 2753/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định nội dung cụ thể hóa tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới áp dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020; làm cơ sở để đánh giá công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với tất cả các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

3. Giải thích từ ngữ: Xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã được cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định hiện hành.

Chương II

NỘI DUNG CỤ THỂ HÓA TIÊU CHUẨN HUYỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI

Điều 2. Quy định huyện đạt chuẩn nông thôn mới

- Có 100% số xã tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới trong huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

- Có tất cả các tiêu chí sau đạt chuẩn theo quy định:

TT

Tên tiêu chí

Nội dung tiêu chí

Chỉ tiêu

1

Quy hoạch

Có quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện được phê duyệt

Đạt

2

Giao thông

2.1. Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối tới các xã

Đạt

2.2. Tỷ lệ km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch

100%

3

Thủy lợi

Hệ thống thủy lợi liên xã đồng bộ với hệ thống thủy lợi các xã theo quy hoạch

Đạt

4

Điện

Hệ thống điện liên xã đồng bộ với hệ thống điện các xã theo quy hoạch, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của cả hệ thống

Đạt

5

Y tế - văn hóa - giáo dục

5.1. Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3; Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia

Đạt

5.2. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn, có nhiều hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với các xã có hiệu quả

Đạt

5.3. Tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn

≥ 60%

6

Sản xuất

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; hoặc có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện

Đạt

7

Môi trường

7.1. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn

Đạt

7.2. Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường

100%

8

An ninh, trật tự xã hội

Đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội

Đạt

9

Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

9.1. Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định

Đạt

9.2. Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện được tổ chức và hoạt động đúng quy định

Đạt

Điều 3. Nội dung chi tiết tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới

1. Tiêu chí quy hoạch

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về quy hoạch khi đáp ứng các yêu cầu sau: Có quy hoạch xây dựng vùng huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và được công bố công khai; có quy định quản lý xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.

a) Việc lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện thực hiện theo Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và Quyết định số 09/2017/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, theo đó:

- Các vùng huyện trong một tỉnh, các vùng huyện được lập quy hoạch xây dựng vùng theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, đáp ứng yêu cầu quản lý làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù, các quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chung các đô thị thuộc huyện.

- Sở Xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện.

- Sở Xây dựng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện.

b) Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng vùng phải đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ quy hoạch được duyệt và các yêu cầu cụ thể quy định tại Điều 8 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ.

c) Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng: Thực hiện theo Điều 9 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ.

d) Các đồ án quy hoạch xây dựng vùng đảm bảo đáp ứng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và yêu cầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, gồm:

- Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có quy hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thế mạnh và lợi thế phát triển của huyện.

- Tổ chức, định hướng hệ thống trung tâm cấp huyện gắn với phát triển đô thị, cụm công nghiệp, trung tâm dịch vụ thương mại cấp huyện và dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn.

- Xác định, tổ chức hệ thống các điểm dân cư nông thôn, bao gồm các điểm dân cư tập trung phát triển (cho phát triển dân cư mới).

- Xác định các khu vực sản xuất phi nông nghiệp theo hướng tập trung, thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng và xử lý môi trường; hệ thống kho bãi, trại sản xuất tập trung cấp huyện, liên xã.

- Xác định và tổ chức hệ thống hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin truyền thông) trên địa bàn huyện.

- Xác định mục tiêu và các giải pháp, công trình bảo vệ môi trường.

- Định hướng hạ tầng kỹ thuật gồm:

+ Giao thông: Xác định đầy đủ hệ thống đường huyện, đường xã và đường nối với các khu vực sản xuất theo quy định tại Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”;

+ Cấp nước: Xác định nguồn cấp nước và cân đối nguồn nước, khu vực cấp nước tập trung, phân tán; các trạm cấp nước và xử lý nước tập trung;

+ Thoát nước: Xác định lưu vực thoát nước, mạng lưới và giải pháp khung thoát nước, xử lý nước thải trên địa bàn huyện;

+ Cấp điện: Xác định hệ thống lưới điện trung áp đạt yêu cầu các thông số vận hành trong hệ thống điện phân phối;

+ Môi trường: Xác định hệ thống nghĩa trang phát triển lâu dài đến cấp xã; hệ thống khung xử lý, thu gom chất thải rắn;

+ Thủy lợi: Xác định mạng lưới thủy lợi theo quy hoạch của ngành thủy lợi, đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Tiêu chí giao thông

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về giao thông khi đáp ứng các yêu cầu sau:

2.1. Đường bộ

- Có 100% km đường huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn; tỷ lệ mặt đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đạt 100%.

- Cấp kỹ thuật đường huyện đạt tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054:2005 “Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế”.

Cấp đường huyện phù hợp với quy hoạch được duyệt: Tất cả các tuyến đường huyện trên địa bàn các huyện đều đạt chuẩn về quy mô, cấp kỹ thuật theo quy hoạch giao thông đã được phê duyệt và công bố của địa phương.

- Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch.

- Có 100% km đường huyện do huyện quản lý được bảo trì hàng năm. Yêu cầu về quản lý, bảo trì công trình đường bộ thực hiện theo Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình đường bộ.

2.2. Đường thủy (nếu có):

Đường thủy nội địa do địa phương quản lý được lắp đặt hệ thống báo hiệu đảm bảo an toàn, thuận tiện cho các phương tiện lưu thông. Yêu cầu kỹ thuật về báo hiệu đường thủy nội địa theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam QCVN 39:2011/BGTVT”.

Các bến thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa phải đảm bảo các điều kiện về an toàn và được cấp phép hoạt động theo Thông tư số 50/2014/TT-BGTVT ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

2.3. Vận tải:

Bến xe khách tại trung tâm huyện (nếu có theo quy hoạch) tối thiểu đạt loại 4; bố trí điểm dừng, điểm đỗ tại trung tâm các xã dọc theo quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện có tuyến vận tải khách công cộng theo quy hoạch.

3. Tiêu chí thủy lợi

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về thủy lợi khi đáp ứng các yêu cầu sau:

3.1. Hệ thống thủy lợi liên xã (bao gồm các công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau về khai thác và bảo vệ từ 02 xã trở lên) được xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi đã được phê duyệt.

Hệ thống thủy lợi liên xã là tập hợp các công trình thủy lợi có liên quan trực tiếp với nhau về khai thác và bảo vệ hoặc phục vụ tưới, tiêu, cấp nước cho tổ chức, cá nhân hưởng lợi thuộc 02 xã trở lên trên địa bàn huyện được xây dựng phù hợp với quy hoạch thủy lợi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3.2. Có tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi liên xã hoạt động hiệu quả bền vững:

a) Được thành lập theo quy định hiện hành: Hệ thống thủy lợi liên xã trên địa bàn huyện được giao cho tổ chức quản lý khai thác (Công ty Khai thác công trình thủy lợi, hợp tác xã...) được thành lập theo quy định hiện hành.

b) Quản lý khai thác hệ thống theo đúng kế hoạch được duyệt, đảm bảo điều hòa phân phối nước, tiêu nước công bằng, hợp lý:

Tổ chức được giao quản lý khai thác phải quản lý, khai thác hệ thống theo đúng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo công trình hoạt động điều hòa phân phối nước, tiêu nước công bằng, hợp lý, không xảy ra tranh chấp lưu vực tưới, tiêu.

c) Thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi được duyệt:

Tổ chức được giao quản lý khai thác thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

4. Tiêu chí điện

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về điện khi đáp ứng yêu cầu: Các công trình hệ thống điện trung thế liên xã đầu tư trên địa bàn huyện theo quy hoạch, đảm bảo cấp điện an toàn đạt tiêu chuẩn và đảm bảo nhu cầu sử dụng điện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo hướng dẫn thực hiện của Bộ Công thương tại Quyết định số 5131/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2016 về phương pháp đánh giá thực hiện tiêu chí số 4 về điện huyện nông thôn mới trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.

5. Tiêu chí y tế - văn hóa - giáo dục

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về y tế - văn hóa - giáo dục khi đáp ứng các yêu cầu sau:

5.1. Tiêu chí y tế

a) Bệnh viện huyện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng 3 theo quy định tại Thông tư số 23/2005/TT-BYT ngày 25 tháng 8 năm 2005 của Bộ Y tế về hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế.

b) Trung tâm y tế huyện đạt chuẩn quốc gia khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ theo hướng dẫn thực hiện của Bộ Y tế.

5.2. Tiêu chí văn hóa

a) Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BVHTTDL ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của tổ chức sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thông tư số 11/2010/TT-BVHTTDL ngày 22 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

b) Tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao kết nối với cấp xã:

- Tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa văn nghệ (vùng đô thị, đồng bằng tối thiểu 06 cuộc/năm; vùng miền núi, hải đảo tối thiểu 04 cuộc/năm) bình quân có 80% xã thuộc huyện tham gia;

- Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao (vùng đô thị, đồng bằng tối thiểu 08 cuộc/năm; vùng miền núi, hải đảo tối thiểu 06 cuộc/năm) bình quân có 70% xã thuộc huyện tham gia;

- 100% xã thuộc huyện tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ về văn hóa - thể thao do Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện tổ chức hàng năm (tối thiểu 06 lớp/năm đối với vùng đô thị, đồng bằng; tối thiểu 04 lớp/năm đối vùng miền núi, hải đảo).

5.3. Tiêu chí giáo dục

a) Có từ 60% trở lên số trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b) Trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện bao gồm trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học trung học phổ thông.

c) Tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giữa số trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia trên tổng số trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện.

6. Tiêu chí sản xuất

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về sản xuất khi đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điểm 1 hoặc Điểm 2 Khoản này.

6.1. Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, đảm bảo:

a) Có quy mô sản xuất đất đai, mặt nước lớn, liên xã có một trong các vùng tối thiểu như sau:

+ Vùng trồng lúa: 100 ha trở lên;

+ Vùng trồng rau: 2 ha trở lên;

+ Vùng trồng cây ăn quả: 200 ha trở lên;

+ Vùng trồng cây công nghiệp: 30 ha trở lên;

+ Vùng nuôi trồng thủy sản: 20 ha trở lên;

+ Chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt: 5.000 con trở lên;

+ Chăn nuôi gia súc, gia cầm: 50.000 con trở lên.

b) Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất (từ sản xuất đến thu hoạch) đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

c) Các khâu sản xuất trồng trọt được cơ giới hóa đồng bộ (từ làm đất đến thu hoạch); các khâu sản xuất chăn nuôi được áp dụng cơ giới hóa khâu cung cấp thức ăn, nước uống tự động và có hệ thống chuồng trại chắc chắn, thông thoáng, sạch sẽ; nuôi trồng thủy sản được áp dụng cơ giới hóa các khâu quạt nước, máy nén khí, cung cấp oxy, máy phun mưa tự động và có hệ thống bờ bao vững chắc.

6.2. Có mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện theo quy hoạch. Mô hình liên kết thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

a) Có hợp đồng thu mua sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân với doanh nghiệp, thời gian thực hiện hợp đồng ổn định từ 02 năm trở lên.

b) Có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ký giữa nông dân, tổ chức đại diện của nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân kiểm tra, giám sát quá trình sản xuất của nông dân và cung ứng yếu tố đầu vào, vốn, kỹ thuật để đạt được sản lượng, chất lượng nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp và tổ chức đại diện của nông dân, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông nghiệp cho nông dân.

7. Tiêu chí môi trường

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về môi trường khi đáp ứng các yêu cầu sau:

7.1. Hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn khi:

a) Có đề án hoặc kế hoạch hoặc phương án quản lý (giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý) chất thải rắn trên địa bàn huyện được phê duyệt và triển khai thực hiện, bao gồm các hạng mục công trình, biện pháp, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện đảm bảo yêu cầu:

- Thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý đúng quy định đối với toàn bộ lượng chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt thông thường phát sinh trên địa bàn nếu không tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý tại chỗ bằng phương pháp chế biến phân hữu cơ (composting);

- Phân loại, phân định, thu gom riêng, cách ly phù hợp trong quá trình vận chuyển và chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại đối với toàn bộ các loại chất thải rắn nguy hại phát sinh trên địa bàn;

- Thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phát sinh trên địa bàn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2016 về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

- Phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 quy định về quản lý chất thải y tế.

b) Khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện (nếu có) phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định tại nội dung (a) Điểm 2 Khoản này và phải đảm bảo:

- Bãi chôn lấp chất thải rắn (nếu có) phải tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về bãi chôn lấp chất thải rắn (TCXDVN 261:2001); nước thải từ bãi chôn lấp phải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải bãi chôn lấp (QCVN 25:2009/BTNMT);

- Lò đốt chất thải rắn công nghiệp (nếu có) phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn công nghiệp (QCVN 30:2012/BTNMT);

- Lò đốt chất thải rắn y tế (nếu có) phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế (QCVN 02:2012/BTNMT), không sử dụng để đốt chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt;

- Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (nếu có) phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT), không sử dụng để đốt chất thải rắn công nghiệp và y tế.

7.2. Cơ sở sản xuất, chế biến, dịch vụ (công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm) thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường khi:

a) Có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường, bao gồm:

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc đề án bảo vệ môi trường chi tiết, hoặc đề án bảo vệ môi trường đơn giản, hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, hoặc hồ sơ tương đương theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục I Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, nếu chưa có các hồ sơ nêu trên phải lập báo cáo về các biện pháp bảo vệ môi trường;

- Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy phép khai thác, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định (nếu có);

- Phương án bảo vệ môi trường đối với các đối tượng theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

b) Có công trình, biện pháp, hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường để thu gom, phân loại, lưu giữ, tái chế, thu hồi hoặc xử lý chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn) đúng quy định; thực hiện đầy đủ và đúng các nội dung về bảo vệ môi trường đã cam kết trong các hồ sơ, thủ tục về môi trường nêu trên.

c) Cơ sở nuôi trồng thủy sản ngoài các yêu cầu tại nội dung (a) và (b) Điểm 2 Khoản này phải tuân thủ quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương và các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại Điều 71 Luật Bảo vệ môi trường.

d) Cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung ngoài các yêu cầu nội dung (a) và (b) Điểm 2 Khoản này phải đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y trong chăn nuôi theo quy định tại Luật Thú y, Điều 69 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 11 Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.

e) Làng nghề trên địa bàn, cơ sở sản xuất tại làng nghề phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường, Chương IV Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Chương III Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

f) Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, Ban Quản lý khu kinh doanh, dịch vụ tập trung trên địa bàn, cơ sở trong cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung (trừ cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung) phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định tại nội dung (a) Điểm 2 Khoản này; đồng thời, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

Cơ sở nuôi trồng thủy sản; cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung trong cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung phải thực hiện theo quy định tại nội dung (c) hoặc (d) Điểm 2 Khoản này; đồng thời, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

g) Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp (trừ cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung) phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định tại nội dung (a) Điểm 2 Khoản này; đồng thời, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường khu công nghiệp theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường và Chương III, Chương IV Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;

Cơ sở nuôi trồng thủy sản; cơ sở chăn nuôi, khu chăn nuôi tập trung trong khu công nghiệp phải thực hiện theo quy định tại nội dung (c) hoặc (d) Điểm 2 Khoản này; đồng thời, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường khu công nghiệp theo quy định tại Điều 66 Luật Bảo vệ môi trường và Chương III, Chương IV Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

8. Tiêu chí an ninh, trật tự xã hội

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội khi đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Hằng năm, Huyện ủy có nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện có kế hoạch về công tác an ninh, trật tự; chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

b) Không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài; khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật.

c) Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm liền kề trước.

d) Lực lượng vũ trang huyện (công an, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

9. Tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới

Huyện đạt chuẩn tiêu chí về chỉ đạo xây dựng nông thôn mới khi đáp ứng các yêu cầu sau:

9.1. Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện được kiện toàn tổ chức và hoạt động đúng quy định khi đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Có quyết định thành lập, kiện toàn tổ chức Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện của cấp có thẩm quyền;

b) Có Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Chỉ đạo, quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên phạm vi địa bàn huyện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng quy định;

d) Chỉ đạo việc ban hành cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các xã xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương;

e) Chỉ đạo không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản và không huy động quá khả năng đóng góp tự nguyện của dân trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện;

f) Chỉ đạo các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và tiến hành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

9.2. Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp huyện (gọi tắt là Văn phòng nông thôn mới huyện) được tổ chức và hoạt động đúng quy định khi đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Có quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Văn phòng nông thôn mới huyện của cấp có thẩm quyền;

b) Có Quy chế hoạt động và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các thành viên của Văn phòng nông thôn mới huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Đảm bảo thực hiện hoàn thành đúng, đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.

Chương III

QUY ĐỊNH THỊ XÃ, THÀNH PHỐ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Điều 4. Quy định thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Có 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan theo dõi việc thẩm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của các huyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của thị xã, thành phố; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh các văn bản thủ tục, hồ sơ pháp lý đăng ký huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổ chức thẩm tra, đề nghị xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thẩm định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới bảo đảm đúng quy định về nội dung và thời gian theo quy định hiện hành.

2. Nội dung phối hợp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện từng tiêu chí với các sở, ngành như sau:

a) Về bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã: Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 531/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Quy định cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và mức đạt chuẩn nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2020 và hướng dẫn thay đổi, bổ sung của các bộ, ngành liên quan (nếu có) làm cơ sở để thẩm định, xét công nhận các xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

b) Đối với các tiêu chí huyện nông thôn mới: Các sở, ngành phụ trách thẩm tra, theo dõi từng chỉ tiêu, tiêu chí như sau:

- Sở Xây dựng: Tiêu chí quy hoạch;

- Sở Giao thông vận tải: Tiêu chí giao thông;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tiêu chí thủy lợi, sản xuất, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới;

- Sở Công thương: Tiêu chí điện;

- Sở Y tế: Tiêu chí về y tế (5.1);

- Sở Văn hóa và Thể thao: Tiêu chí về văn hóa (5.2);

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Tiêu chí về giáo dục (5.3);

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Tiêu chí môi trường;

- Công an tỉnh: Tiêu chí an ninh, trật tự xã hội.

Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện theo dõi, hướng dẫn triển khai cụ thể thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới.

2. Ủy ban nhân dân huyện tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới; Ủy ban nhân dân thị xã, thành phố tổ chức tự đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Khi các tiêu chí ngành có điều chỉnh, thay đổi thì những tiêu chuẩn được trích dẫn trong Quy định này được áp dụng theo tiêu chuẩn mới khi các văn bản điều chỉnh các tiêu chuẩn ngành có hiệu lực thi hành.

2. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, các địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi kịp thời./.





Quyết định 09/2017/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 1073/2005/QĐ-UB Ban hành: 28/03/2017 | Cập nhật: 22/04/2017

Quyết định 09/2017/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 07/2012/QĐ-UBND Ban hành: 10/03/2017 | Cập nhật: 16/03/2017

Thông tư 23/2005/TT-BYT xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế Ban hành: 25/08/2005 | Cập nhật: 20/05/2006