Quyết định 2107/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020
Số hiệu: 2107/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Huỳnh Thanh Điền
Ngày ban hành: 27/05/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2107/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 27 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 06/NQ-TU ngày 04/11/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 5260/QĐ-UBND ngày 06/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Theo đề nghị phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 của Sở Công Thương tại Công văn số 325/SCT-KHTC ngày 09/4/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020 với những nội dung cơ bản sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:

1. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với thị trường tiêu thụ và gắn với vùng nguyên liệu để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở chế biến phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, an toàn với môi trường; có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; tạo được sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh thị trường; giải quyết được nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020:

1. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản (theo giá cố định 2010) đạt 24.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12,2-12,5%/năm: Kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD, tăng bình quân 17,02%/năm.

2. Tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho khoảng lao động 40.000 lao động, góp phần giảm áp lực về mặt xã hội, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỉ lệ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An.

3. Công nghiệp hóa - hiện đại hóa toàn diện theo hướng bền vững, tạo thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới.

4. Gắn sản xuất chế biến với vùng nguyên liệu để giảm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị sản phẩm đầu vào cho người trồng nguyên liệu; tạo sự gắn kết bền vững lâu dài giữa người trồng nguyên liệu và cơ sở chế biến.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2020:

1. Chế biến thức ăn chăn nuôi:

- Phát huy hết công suất 03 nhà máy hiện có trên cơ sở đảm bảo các quy định về bảo vệ môi Trường; Kêu gọi thu hút đầu tư thêm 01 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất trên 60.000 tấn/năm tại khu vực huyện Đô Lương.

- Khuyến khích phát triển 20 cơ sở chế biến quy mô nhỏ sản xuất thức ăn chăn nuôi (có công suất 500 - 1.000 tấn/cơ sở/năm) đảm bảo các yếu tố về môi trường, nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nhu cầu tại chỗ. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng công suất từ 10.000-15.000 tấn/năm.

2. Chế biến thịt gia súc, gia cầm:

- Đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, công suất chế biến cho Nhà máy Chế biến và Xuất khẩu Súc Sản Nghệ An.

- Thu hút đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế biến thịt và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm tại Khu công nghiệp Nam Cấm, có công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.

- Phát triển các cơ sở giết mổ thịt gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, để tạo nguồn lực thực phẩm sạch cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 120 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, với công suất giết mổ dự kiến đạt khoảng 600 - 700 con trâu bò/ngày đêm, 4.000 - 4,500 con lợn/ngày đêm và khoảng trên 15.000 con gia cầm/ngày đêm, trong đó 30 % cơ sở giết mổ gia súc gia cầm áp dụng hệ thống GHP, GMP, HACCP trong hoạt động giết mổ.

- Phấn đấu đưa 100% số điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ tại vùng đồng bằng, 70 - 80 % tại vùng trung du và 50 % vùng miền núi cao vào các cơ sở tập trung. Quản lý và kiểm soát được trên 90% sản phẩm giết mổ tại vùng đồng bằng, 70 - 80 % tại vùng trung du và 50 % vùng miền núi cao.

3. Chế biến sữa:

- Phát huy hết công suất của Nhà máy sữa Vinamilk tại thị xã Cửa Lò và Nhà máy sữa TH tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến sữa TH công suất 300.000 tấn/năm tại xã Nghĩa Sơn huyện Nghĩa Đàn, phấn đấu đưa vào hoạt động trong năm 2017.

- Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng sữa chế biến đạt khoảng 450 - 500 triệu lít/năm.

4. Sản xuất đường kính:

- Ổn định công suất Nhà máy đường NASU 9.000 tấn mía cây/ngày; Nâng công suất Nhà máy đường Sông Con từ 2.500 tấn lên 5.000 tấn mía cây/ngày và Nhà máy đường Sông Lam từ 1.000 tấn lên 1.500 tấn mía cây/ ngày.

- Từng bước cải tiến, đầu tư thêm dây chuyền công nghệ tại các Nhà máy để tạo thêm sản phẩm phụ sau đường (sản xuất cồn, phân vi sinh,...) nâng cao hiệu quả đầu tư.

5. Chế biến chè:

- Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở chế biến chè hiện có; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chè đang có thị trường ổn định, đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu ổn định, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến chè xanh, chè đen. Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng chế biến đạt 22.000 tấn/năm.

- Thu hút đầu tư 01 Nhà máy chế biến các sản phẩm cao cấp từ chè, như: Nước giải khát đóng chai chè xanh, chè xanh hòa tan, tinh dầu chiết xuất từ chè xanh,...

- Tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến thủ công truyền thống có sản phẩm chất lượng cạnh tranh được với thị trường và xuất khẩu.

6. Chế biến cao su:

Rà soát, sắp xếp lại các Nhà máy hiện có để đổi mới công nghệ đảm bảo các điều kiện về môi trường; Thu hút đầu tư xây dựng mới khoảng 01-02 nhà máy chế biến cao su (công suất 3.000-5.000 tấn/năm/nhà máy) theo khả năng đáp ứng vùng nguyên liệu và thị trường ổn định. Phấn đấu đến năm 2020 sản lượng mủ cao su khô đạt 14.000-15.000 tấn/năm.

7. Chế biến sắn:

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn công suất 500 tấn sắn tươi/ngày tại huyện Anh Sơn đi vào sản xuất. Nâng tổng công suất chế biến quy mô công nghiệp từ 800 tấn lên 1.300 tấn sắn tươi/ngày.

- Phát huy công suất Nhà máy sắn Thanh Chương (500 tấn sắn tươi/ngày); Nhà máy sắn Yên Thành (300 tấn sắn tươi/ngày), trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về môi trường.

- Thay đổi công nghệ chế biến, khắc phục ô nhiễm môi trường tại Nhà máy chế biến bột sắn tại xã Nghĩa Long huyện Nghĩa Đàn để đáp ứng yêu cầu sản xuất và bảo đảm môi trường.

8. Chế biến nước hoa quả: Phát huy hết công suất Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Nghệ An để chế biến cô đặc sản phẩm từ chanh leo, gấc,...

9. Chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ:

9.1. Chế biến gỗ:

- Duy trì và phát huy công suất các cơ sở sản xuất chế biến gỗ công nghiệp hiện tại;

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến gỗ thanh và gỗ MDF của Công ty CP Lâm Nghiệp Tháng Năm tại Nghĩa Đàn (đến năm 2020 gỗ MDF đạt 400.000 m3 sản phẩm/năm, ván ghép thanh xuất khẩu đạt 10.000 m3 sản phẩm/năm).

- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Nhà máy sản xuất chế biến, gỗ than củi sạch xuất khẩu tại huyện Anh Sơn công suất 240.000m3 gỗ ván ghép/năm và 60.000 tấn viên gỗ nén/năm.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại Thanh Xuân huyện Thanh Chương công suất 15.000 m3 gỗ ván ghép/năm và 30.000 tấn viên gỗ nén/năm, đưa vào sản xuất từ quý III/2015.

9.2. Chế biến bột giấy: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khôi phục lại nhà máy bột giấy Tân Hồng, sớm đưa vào hoạt động.

9.3. Chế biến dăm gỗ:

Giảm dần tiến tới chấm dứt sản xuất dăm gỗ, dành nguyên liệu cho chế biến gỗ MDF, gỗ ván ghép, than củi sạch, bột giấy hiệu quả cao hơn.

10. Chế biến thủy sản:

- Ổn định và nâng cấp các cơ sở chế biến hiện có đảm bảo VSATTP. Đến năm 2020 có 100% cơ sở đạt tiêu chuẩn VSATTP.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến cá hộp RoyalFood, Nhà máy nước mắm của Tập đoàn Masan tại Khu công nghiệp Nam Cấm.

Đến năm 2020 đạt 32.000 tấn sản phẩm các loại.

- Khuyến khích các cơ sở chế biến theo nghề truyền thống đảm bảo VSATTP và môi trường. Chế biến mắm đạt 10.000 tấn, chế biến bột cá đạt 8.000 tấn và nước mắm đạt 35 triệu lít. Số cơ sở chế biến truyền thống đảm bảo VSATTP đến năm 2020 đạt tỷ lệ 80-90% tổng số cơ sở.

- Phát triển hệ thống kho lạnh thương mại (kho lạnh không nằm trong dây chuyền sản xuất): Giai đoạn 2015-2020 xây dựng thêm 20 kho lạnh (công suất 240 tấn sản phẩm/năm), đến năm 2020 có tổng số 150 kho lạnh, với tổng công suất đạt 36.000 tấn.

11. Chế biến dược liệu

Xây dựng nhà máy chế biến công suất 50.000 tấn dược liệu thô/năm để sản xuất được 5.000 tấn dược liệu tinh/năm, làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm như biệt dược, thực phẩm chức năng.

IV. GIẢI PHÁP:

1. Giải pháp về nguyên liệu: Đảm bảo ổn định vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản, gia súc, gia cầm và phát triển mở rộng trên cơ sở hiệu quả đầu tư, nhu cầu của các dự án và đảm bảo cung ứng cho thị trường chế biến. Tập trung ổn định một số nguyên liệu chính gồm:

1.1. Thức ăn chăn nuôi:

- Phát triển diện tích trồng ngô, đậu tương vụ đông và xuân hè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao tại các địa phương có điều kiện thuận lợi, phấn đấu cho sản lượng 100.000 tấn/năm.

1.2. Thịt gia súc, gia cầm:

- Trâu bò: Đến năm 2020 đạt tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 30.000 tấn (trong đó sản lượng thịt trâu hơi là 10.000 tấn, bò là 20.000 tấn).

- Lợn: Đến năm 2020 toàn tỉnh có 1.800.000 con lợn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 180.000 tấn.

- Gia cầm: Đến năm 2020 tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt 18.000 ngàn con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 45.000 tấn.

1.3. Sữa: Phát triển đàn bò tại các dự án chăn nuôi bò sữa TH, Vinamilk. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 147.000 con, có 60.000 con cho sữa, sản lượng sữa 650.000 tấn tại Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa

1.3. Mía: Ổn định vùng nguyên liệu, đầu tư thâm canh nâng cao năng suất mía cây đảm bảo nguyên liệu cho các Nhà máy đang hoạt động.

1.4. Chè: Ổn định diện tích trồng chè 12.000 ha; đưa các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, dần thay thế dần các giống chè cũ năng suất thấp. Phấn đấu sản lượng đạt 156.000 tấn búp tươi/ năm cung cấp cho các cơ sở, nhà máy chế biến.

1.5. Cao su: Ổn định diện tích cao su từ 16.000-17.000 ba, diện tích kinh doanh 10.000-11.000 ha, cho sản lượng 60.000 tấn mủ tươi. Vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳ Châu, Quế Phong, Anh Sơn và Thanh Chương.

1.6. Sắn: Ổn định vùng quy hoạch nguyên liệu, ứng dụng các giống sắn cao sản vào canh tác, đầu tư thâm canh để tăng năng suất cung cấp ổn định nguyên liệu cho 02 Nhà máy chế biến tại huyện Thanh Chương, huyện Yên Thành và 01 Nhà máy đang xây dựng tại huyện Anh Sơn; Từng bước bổ sung quy hoạch ở các huyện biên giới và các huyện miền núi phù hợp với lộ trình đầu tư thêm 02 Nhà máy chế biến sắn theo chủ trương đồng ý đầu tư của Tỉnh ủy. Phấn đấu sản lượng đạt 320 - 400 ngàn tấn, cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy.

1.7. Dứa, chanh leo:

- Ổn định diện tích trồng cây dứa khoảng 1.500 ha, tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn; phấn đấu sản lượng 29.000 - 35.000 tấn quả.

- Ổn định diện tích trồng chanh leo khoảng 900 ha; phấn đấu sản lượng đạt 50.000 tấn quả.

1.8. Gỗ rừng trồng:

- Làm tốt công tác khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Phát triển lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững và nâng cao chất lượng rừng. Chăm sóc để phát triển rừng nghèo thành rừng giàu; chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu thành rùng sản xuất; Tập trung tăng nhanh diện tích rừng trồng; rừng sản xuất để tạo hệ sinh thái bền vững. Hoàn thành giao đất, khoán rừng ổn định và lâu dài cho hộ nông dân gắn với công tác định canh định cư.

- Trồng rừng kinh tế để có khoảng 160.000 ha rừng nguyên liệu tập trung; phát triển rừng nguyên liệu lấy gỗ phục vụ chế biến đồ gỗ.

1.9. Dược liệu: Tập trung bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững. Xây dựng vùng sản xuất tập trung các loại cây: gấc, chanh leo, gừng, nghệ... phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc Linh, tam thất,... trên đất của các lâm trường, hộ gia đình để tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến với công suất 50.000 tấn dược liệu thô/năm (khoảng 5.000 tấn dược liệu tinh/năm), làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm thực phẩm chức năng. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng cây dược liệu đạt khoảng 15.000 - 16.000 ha.

- Ổn định và phát triển mở rộng quy hoạch trồng Gấc theo nhu cầu và lộ trình thực hiện dự án Chế biến tinh dầu, dược liệu tại huyện Thanh Chương.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách, quản lý Nhà nước:

- Thực hiện tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP , Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ; Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND ngày 22/01/2015 của UBND tỉnh Ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 đến 2020.

- Khuyến khích, hỗ trợ cho các hộ nông dân thông qua chính sách cho vay ưu đãi, đầu tư ứng trước... để phát triển nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách khuyến nông, chính sách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp;

- Tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 43/2014/NQ-CP.

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

3. Sắp xếp lại mạng lưới cơ sở sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản trên địa bàn, xác định quy mô và lựa chọn giải pháp công nghệ thích hợp.

- Rà soát, xây dựng bổ sung quy hoạch ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn sử dụng một loại nguyên liệu hoặc sản xuất một loại sản phẩm.

- Lựa chọn một số nhà máy chế biến trọng điểm để ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng xuất khẩu là chính, từ đó hình thành hệ thống các cơ sở vệ tinh có nhiệm vụ sơ chế nguyên liệu, sản xuất thành phẩm hoặc bán thành phẩm có quy mô vừa và trình độ thích hợp.

- Mở rộng mạng lưới cơ sở làm nhiệm vụ thu gom, bảo quản sơ chế nguyên liệu tại vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.

- Tích cực triển khai chương trình đổi mới công nghệ và thiết bị, từng bước ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp chế biến:

+ Về máy móc thiết bị: Đổi mới từng bước, chọn khâu, bộ phận thực hiện đầu tư mới hệ thống hiện đại. Thực hiện tốt chính sách khấu hao nhanh máy móc, thiết bị nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới kỹ thuật ở các ngành quan trọng của tỉnh, áp dụng khấu hao đặc biệt đổi mới ngành công nghiệp chế biến để rút ngắn khoảng cách lạc hậu so với bên ngoài.

+ Về trình độ công nghệ: Đẩy mạnh liên kết vùng, các thành phố lớn có trình độ công nghệ cao và các nước tiên tiến để chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý, kỹ năng cho các doanh nghiệp chế biến.

+ Có chính sách hỗ trợ máy móc thiết bị, kỹ thuật sơ chế nông lâm thủy sản đối với các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, hộ gia đình làm nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp có công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến.

4. Tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ:

- Ban hành chính sách đòn bẩy kết hợp hài hòa giữa khâu khai thác cung ứng nguyên vật liệu với khâu sơ chế, công nghiệp chế biến các doanh nghiệp chế biến.

- Phối hợp giữa các nhà máy chế biến nông lâm thủy sản với các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu để tuyển chọn, lai tạo giống cây con đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Tiếp tục triển khai thêm các vùng nguyên liệu tập trung như vùng cây ăn quả, vùng rau sạch, vùng nguyên liệu lâm sản (keo, lùng nứa, gỗ...), nuôi trồng thủy hải sản, gia súc, gia cầm... Phối hợp với các tỉnh phụ cận như Thanh Hóa, Hà Tĩnh và nước bạn Lào để hình thành một số vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản cho tỉnh.

- Tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nông thôn, khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển kinh tế trang trại.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông thủy sản trước khi đưa đi tiêu thụ, có chính sách khuyến khích sản xuất các loại nông thủy sản có chất lượng cao.

- Trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kêu gọi đầu tư gắn với đổi mới quy hoạch và quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu. Tăng cường các hình thức liên doanh, liên kết và đầu tư sản xuất các sản phẩm theo chuỗi.

- Rà soát quỹ đất phân vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chè; kêu gọi đầu tư nhà máy phải gắn với phát triển mới vùng nguyên liệu chưa có nhà máy chế biến, kiên quyết không kêu gọi vào những vùng đã có cơ sở chế biến.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Ưu tiên, bố trí vốn đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ nhà đầu tư. Hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn như Dự án sản xuất tinh dầu dược liệu, Dự án chăn nuôi và chế biến sữa công nghiệp tập trung (TH True Milk)...

5. Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm.

Chất lượng sản phẩm sản xuất ra là yếu tố quyết định đến sự phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng phải được tiếp cận một cách hệ thống và toàn diện. Chất lượng sản phẩm chế biến có ý nghĩa quyết định trong cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, nhất là xu hướng trong thị trường hiện nay đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Để nâng cao chất lượng chế biến, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Tăng cường quản lý chất lượng từ khâu canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến; xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ; tăng cường các giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ.

- Đối với sản phẩm tiêu thụ nội địa: Phải đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam, các tiêu chí an toàn, vệ sinh, nâng cao dần chất lượng về màu sắc, mùi vị.

- Đối với các sản phẩm xuất khẩu: Đạt đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đặc biệt là các chỉ tiêu về vệ sinh và an toàn, tạo nên sự đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã, bao bì sản phẩm đúng quy cách và hấp dẫn.

- Quản lý chặt chẽ nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn quốc tế và vệ sinh gắn với tập huấn mô hình, nâng cao nhận thức cho nhân dân tham gia vùng dự án. Nghiên cứu áp dụng các phương pháp quản lý chất lượng hiện đại và lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

6. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nâng cao tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch tổ chức đào tạo, xây dựng đội ngũ chuyên gia về quản lý nhà nước ngành chế biến nông, lâm thủy sản; bồi dưỡng kỹ năng quản trị, nghiệp vụ kinh doanh cho các doanh nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đội ngũ các bộ, công nhân kỹ thuật trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, yêu cầu vận hành các dây chuyền thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Khuyến khích, ưu đãi với đội ngũ chuyên gia chất lượng cao trong các doanh nghiệp.

- Thực hiện hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với sử dụng lao động tại chỗ hoặc đặt hàng về đào tạo.

7. Giải pháp phát triển thị trường

6.1. Thị trường nội địa:

- Tiếp tục thực hiện có kết quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

- Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối thông qua các đầu mối bán buôn sản phẩm, đến hệ thống bán lẻ, các cửa hàng tiện ích, đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi.

- Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thông qua hoạt động Hội chợ triển lãm với sự tham gia của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu trên địa bàn.

6.2. Thị trường xuất khẩu

- Tổ chức nghiên cứu, phân tích dự báo thị trường về nhu cầu, xu hướng tiêu thụ sản phẩm, biến động thị trường để phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu.

Đa dạng hóa thị trường nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản địa phương.

V. DANH MỤC DỰ ÁN THU HÚT ĐẦU TƯ

(Phụ lục kèm theo)

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Tổng kinh phí khoảng: 24 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn phát triển Đề án chủ yếu từ nguồn lực của Nhà đầu tư. Ngân sách nhà nước cân đối hàng năm để hỗ trợ phát triển theo cơ chế chính sách hiện hành.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, công bố và triển khai thực hiện Đề án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt;

Tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá sản phẩm hàng hóa; xây dựng các cơ chế, chính sách; dự báo nhu cầu thị trường liên quan đến phát triển công nghiệp chế biến hàng hóa nông lâm, thủy sản.

Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

Tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung đề án khi cần thiết.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển các vùng cây, con nguyên liệu có năng suất và chất lượng đáp ứng đủ nhu cầu cho công nghiệp chế biến.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn để thực hiện hiệu quả đề án.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan cân đối, huy động các nguồn lực, xây dựng các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để triển khai thực hiện Đề án; đề xuất và thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan cân đối, bố trí các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác trong kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án được duyệt.

5. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện tham mưu các vấn đề liên quan đến địa điểm, quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp tại địa phương.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường; Hướng dẫn các nhà đầu tư, các cơ sở chế biến lập các thủ tục về đất đai, môi trường theo quy định.

7. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thuộc chức năng, nhiệm vụ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt, hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị mới tiên tiến trước khi ứng dụng vào sản xuất theo quy mô công nghiệp.

8. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất công nghiệp đảm bảo phù hợp với từng thời kỳ.

9. Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình vận động thu hút đầu tư, thẩm định, lựa chọn các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp phù hợp với đề án, theo phân cấp quản lý.

10. Các Sở, ban, ngành liên quan: Căn cứ chức năng nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, phối hợp với Sở Công Thương triển khai tổ chức thực hiện đề án; tham mưu cho UBND tỉnh các công việc liên quan để thực hiện đề án có hiệu quả.

11. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

Tổ chức thực hiện đề án trên phạm vi địa bàn; hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án được đầu tư xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi bố trí các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến nông, lâm, thủy sản vào cụm công nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.

12. Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm thủy sản:

Đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất từ cung ứng các dịch vụ đầu vào đến thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Lao động Thương binh và Xã hội; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- Phó Chủ tịch CN;
- PVP TC;
- Lưu: VTUB, CVNN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thanh Điền

 

DANH MỤC

DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2107/QĐ-UBND ngày 27/05/2015 của UBND tỉnh Nghệ An)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Công suất

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

Nguồn vốn

Ngân sách
(tỷ đồng)

1

Chế biến đường kính

 

 

385

 

4

1.1

Nâng công suất Nhà máy đường Sông Lam

Anh Sơn

1.500 tấn/ngày

85

Vốn trong nước

Sla 1a: 1

1.2

Nâng công suất Nhà máy đường Sông Con

Tân Kỳ

3.000 tấn/ngày

300

Vốn trong nước

Sla 1c: 3

2

Chế biến sắn

 

 

150

 

13

2.1

Nhà máy chế biến tinh bột sắn vùng miền núi

Anh Sơn

30.000 tấn/năm

150

Vốn trong nước

Sla 1b: 2

GT: 12*1=12

3

Chế biến chè

 

 

400

 

68

3.1

Đầu tư nâng công suất các nhà máy chè hiện có: Nhà máy chế biến chè Tháng Mười - Anh Sơn, Xí nghiệp chè Ngọc lâm - Thanh Chương, Xí nghiệp chè Thanh Mai - Thanh Chương, Tổng đội thanh niên xung phong 8 - Kỳ Sơn

Anh Sơn, Thanh Chương, Kỳ Sơn

276 tấn chè búp tươi/ngày

30

Vốn trong nước

 

3.2

Kêu gọi đầu tư 04-05 nhà máy chế biến chè xanh

Các địa phương trong tỉnh

24 tấn chè/ngày

100

Vốn trong nước, liên doanh

Sla 1a: 1*4=4 GT: 12*0,5*4=24

3.3

Dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao tại Nghệ An

Con Cuông

2.500-3.000 tấn chè khô/năm

120

 

Sla 1b: 2

GT: 12*2=24

3.4

Nhà máy sản xuất chè túi hòa tan chất lượng cao

Anh Sơn

5.000 - 6.000 tấn/năm

150

 

Sla 1b: 2

GT: 12*1=12

4

Chế biến cao su

 

 

200

 

30

4.1

Nhà máy chế biến sản phẩm cao su kỹ thuật (dây curoa, vòng đệm....)

KCN Phủ Quỳ

10 triệu SP/năm

100

 

Sla 1b: 2

4.2

Công ty CP Cao su Nghệ An xây dựng 2 nhà máy chế biến mủ cao su

Anh Sơn, Thanh Chương

3.000-5.000 tấn/năm

100

Liên doanh

Sla 1b: 4

GT: 12*2=24

5

Công nghiệp sản xuất và chế biến thịt

 

 

140

 

4

5.1

Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt các loại: trâu, bò, dê, lợn mành, lợn Block, lợn sữa, gia cầm

Khu công nghiệp Nam Cấm

10.000 tấn SP/năm

100

Vốn trong nước

Sla 1b: 2

5.2

Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi

CCN Đô Lương

60.000 tấn/năm

40

Liên doanh

Sla 1b: 2

6

Chế biến sữa

 

 

17.000

 

64

6.1

Đầu tư, nâng công suất Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP chế biến sữa TH

Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn

500 triệu lít/năm

17.000

Vốn trong nước

Sla 1c: 4

GT: 12*5=60

7

Công nghiệp chế biến thủy sản

 

 

700

 

32

7.1

Đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ chế biến thủy hải sản xuất khẩu tại Nhà máy chế biến 38A (Cửa Hội) và 38B (Quỳnh Lưu).

Cửa Hội, Quỳnh Lưu

 

20

Vốn trong nước

 

7.2

Nhà máy chế biến cá hộp

Khu công nghiệp Nam Cấm

100 tấn/ngày

300

Vốn trong nước, Liên doanh

Sla 1c: 4

7.3

Nhà máy đông lạnh

Lạch Vạn

15 tấn/ngày

20

Vốn trong nước

Sla 1a: 1

7.4

Xây dựng các cụm chế biến thủy sản

Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc

 

360

 

HT: 3*3=9,

GT: 6*3=18

8

Công nghiệp chế biến các sản phẩm lâm sản

 

 

4.245

 

105

8.1

Xây dựng nhà máy sản xuất ván sợi (MDF)

Nghĩa Đàn

300.000 m3/năm

2.880

Vốn trong nước, Liên doanh

Sla 1c: 4

GT: 12*1=12

8.2

Nhà máy sản xuất ván ghép và than củi sạch xuất khẩu tại huyện Anh Sơn.

Anh Sơn

60.000 tấn viên gỗ nén/năm; 240.000m3 gỗ ván ghép/năm

320

Vốn doanh nghiệp

Sla 1c: 4;

GT: 12*1=12

8.3

Nhà máy sản xuất gỗ thành phẩm và than sinh thái Thành Phát

Thanh Chương

15.000 m3 gỗ ván ghép/năm; 30.000 tấn viên gỗ nén/năm

45

Vốn doanh nghiệp

Sla 1a: 1

GT: 12*1=12

8.4

Trồng và chế biến cây dược liệu

Các huyện miền núi

5.000 tấn Sp/năm

1.000

Vốn trong nước, Liên doanh

GT: 12*5=60

 

Tổng cộng

 

 

23.220

 

320

 





Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công Ban hành: 21/05/2012 | Cập nhật: 23/05/2012