Quyết định 20/2010/QĐ-UBND Quy định về quản lý và cấp phép sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu: 20/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Văn Thông
Ngày ban hành: 31/08/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 20/2010/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 31 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI ĐẤT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 121/QĐ-TTg, ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 567/QĐ-TTg , ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXD không nung đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 15/2000/QĐ-BXD , ngày 24/7/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định đầu tư sản xuất gạch ngói đất sét nung;
Căn cứ Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND , ngày 29/7/2008 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Quy hoạch các điểm sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng tỉnh Hưng Yên đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 55/TTr-SXD ngày 16/7/2010
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và cấp phép sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổ chức phổ biến, hướng dẫn thực hiện.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thông

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÉP SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI ĐẤT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh Hưng Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định các điều kiện, trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Điều 3. Điều kiện hoạt động

Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên chỉ được phép hoạt động sau khi có giấy phép sản xuất được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT GẠCH, NGÓI ĐẤT NUNG

Điều 4. Điều kiện để được đầu tư sản xuất gạch, ngói đất nung

1. Tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất gạch, ngói đất nung phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

2. Dự án đầu tư phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, chấp thuận và thoả mãn các điều kiện sau:

a) Phù hợp với quy hoạch các điểm sản xuất, khai thác Vật liệu xây dựng (VLXD) đã được Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Hưng Yên phê duyệt; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và Luật Khoáng sản (Luật KS).

b) Công nghệ, thiết bị sản xuất phải đảm bảo hiện đại, tiên tiến đã được áp dụng tại các nước phát triển, có mức tiêu hao nhiên liệu thấp, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường gồm công nghệ nung tuynel hoặc công nghệ tiên tiến khác đã được Bộ Xây dựng thẩm định và được UBND tỉnh cho phép áp dụng đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh.

c) Sản phẩm của dự án phải có các chỉ tiêu chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc quy chuẩn kỹ thuật do các cơ quan chức năng ban hành.

d) Có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 5. Điều kiện về đất cho thuê để sản xuất gạch, ngói đất nung

1. Đất cho thuê làm mặt bằng sản xuất và khai thác nguyên liệu phải phù hợp với Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và Quy hoạch các điểm sản xuất và khai thác VLXD tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.

2. Đất nguyên liệu để sản xuất gạch, ngói phải là đất bãi sông, đất nạo vét sông, hồ.

3. Có đủ trữ lượng và thành phần đất phù hợp với yêu cầu sản xuất.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản ghi trong hợp đồng sử dụng đất với cơ quan quản lý đất đai.

Điều 6. Khu vực cấm khai thác đất để sản xuất gạch, ngói đất nung

Không được khai thác đất để sản xuất gạch, ngói đất nung tại các khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động vì lý do quốc phòng, an ninh, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, cảnh quan và lợi ích công cộng khác; cụ thể:

1. Đất sản xuất nông nghiệp, đất quốc phòng, an ninh quốc gia, đất trong phạm vi di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, đất công trình công cộng.

2. Đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ giao thông, đê, kè, cầu, cống, đường sắt, đường điện cao thế và các công trình khác đã được pháp luật quy định.

3. Đất tôn giáo, tín ngưỡng.

4. Đất không nằm trong quy hoạch khai thác để sản xuất gạch, ngói đất nung.

Điều 7. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư sản xuất gạch, ngói đất nung

1. Chấp thuận chủ trương đầu tư:

Hồ Sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư;

b) Đề cương tóm tắt dự án đầu tư.

2. Lập dự án đầu tư:

Hồ sơ gồm :

a) Thông báo chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh;

b) Thông báo vị trí thực hiện dự án được UBND tỉnh chấp thuận;

c) Báo cáo dự án đầu tư (gồm thuyết minh và thiết kế cơ sở của dự án);

d) Mặt bằng quy hoạch tổng thể nhà máy được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Thẩm định và chấp thuận dự án đầu tư:

a) Thẩm định dự án đầu tư:

- Sở Xây dựng thẩm định vị trí thực hiện dự án, công nghệ sản xuất trình UBND tỉnh ra thông báo chấp thuận; chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố có vị trí xây dựng dự án thẩm định tổng mặt bằng; thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án;

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận, thẩm định trình UBND tỉnh chủ trương đầu tư và dự án đầu tư.

b) Chấp thuận dự án:

UBND tỉnh xem xét, chấp thuận dự án trên cơ sở Tờ trình đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

4. Thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất thực hiện dự án và báo cáo đánh giá tác động môi trường (theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường).

 5. Đề nghị cấp giấy phép xây dựng các hạng mục công trình (theo hướng dẫn của Sở Xây dựng).

6. Thực hiện dự án đầu tư và nghiệm thu hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất, xử lý môi trường… theo nội dung dự án đã được phê duyệt.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung

Sau khi nghiệm thu hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt dây chuyền công nghệ sản xuất, xử lý môi trường… theo nội dung dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung.

Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất của chủ đầu tư (theo mẫu);

- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (bản chính);

- Trích lục bản đồ vị trí sản xuất và vùng khai thác nguyên liệu;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền chấp thuận;

- Giấy phép xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

- Một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất (Quyết định cho thuê đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của cấp có thẩm quyền cấp;

- Hồ sơ nghiệm thu phần xây dựng các hạng mục công trình và nghiệm thu phần thiết bị dây chuyền công nghệ (bao gồm cả phần lắp đặt) theo đúng quy định hiện hành.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp lại hoặc gia hạn giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung

Trường hợp dự án có thay đổi về công nghệ, quy mô sản xuất hoặc hết hạn sử dụng giấy phép thì chủ đầu tư dự án phải làm thủ tục đề nghị cấp lại giấy phép sản xuất.

Hồ sơ đề nghị cấp lại hoặc gia hạn giấy phép sản xuất gồm có:

- Đơn đề nghị cấp lại hoặc gia hạn giấy phép sản xuất của chủ đầu tư (theo mẫu);

- Giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung đã được cấp;

- Đề án báo cáo phương án sản xuất mới (trong đó nêu rõ công nghệ sản xuất, công suất, chủng loại sản phẩm xuất xưởng, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất);

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Điều 10. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung đối với các cơ sở đang hoạt động nhưng chưa có giấy phép

Đối với các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất nung có vị trí và công nghệ phù hợp với Quy hoạch đang hoạt động mà chưa có giấy phép sản xuất thì chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động trình cấp có thẩm quyền cấp (trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày ban hành quy định này). Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất của chủ đầu tư (theo mẫu);

- Bản vẽ mặt bằng hiện trạng nhà máy có xác nhận của UBND cấp huyện nơi nhà máy sản xuất;

- Báo cáo phương án sản xuất hiện tại (trong đó nêu rõ công nghệ sản xuất, công suất, chủng loại sản phẩm xuất xưởng, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thời gian hoạt động tiếp của nhà máy);

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền chấp thuận;

- Một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất (Quyết định cho thuê đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của cấp có thẩm quyền cấp.

Điều 11. Trách nhiệm, thời hạn thẩm định cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung

- Sở Xây dựng có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung;

- Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của các tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung; Sở Xây dựng phải hoàn thành việc thẩm định theo quy định và cấp giấy phép theo thẩm quyền;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Xây dựng, UBND tỉnh xem xét quyết định cấp hoặc không cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp giấy phép thì Sở Xây dựng phải có ý kiến trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy phép.

Điều 12. Thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung (cấp phép có thời hạn)

1. Thẩm quyền cấp giấy phép:

- UBND tỉnh cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung đối với các cơ sở sản xuất có công suất > 20 triệu viên/năm, trên cơ sở Tờ trình đề nghị của Sở Xây dựng;

- Sở Xây dựng thừa uỷ quyền của UBND tỉnh cấp giấy phép sản xuất cho các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất nung có công suất ≤ 20 triệu viên/năm;

- Giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung có giá trị sử dụng không quá 05 năm kể từ ngày được cấp phép và được xem xét gia hạn giấy phép.

Nghiêm cấm việc cấp giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung cho các cơ sở sản xuất theo phương pháp thủ công, các cơ sở không nằm trong điểm quy hoạch sản xuất VLXD đã được UBND tỉnh phê duyệt, hoặc không đúng nội dung dự án đầu tư đã được UBND tỉnh chấp thuận.

2. Thẩm quyền thu hồi giấy phép:

Cấp có thẩm quyền cấp giấy phép thì có thẩm quyền thu hồi giấy phép.

Chương III

THANH TRA, KIỂM TRA

Điều 13. Cơ quan tổ chức thực hiện và nội dung thanh tra, kiểm tra

1. Cơ quan tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra:

- Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra về các hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh.

2. Nội dung thanh tra, kiểm tra:

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý các hoạt động: sản xuất gạch, ngói đất nung; đồng thời thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép hoạt động sản xuất và khai thác cung cấp nguyên liệu để sản xuất;

- Phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố kiểm tra về lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, chất lượng sản phẩm, quản lý sử dụng đất đai và quản lý đê điều trong các hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung.

Điều 14. Thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, hồ sơ và trả lời những vấn đề cần thiết liên quan đến hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung (Nghị định số 124 của Chính phủ);

- Điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan đến nội dung, đối tượng thanh tra, kiểm tra và tiến hành những biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường;

- Xử lý các vi phạm (cảnh cáo, xử phạt) theo quy định hoặc kiến nghị đình chỉ các hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung không có giấy phép; tạm đình chỉ trong trường hợp khẩn cấp các hoạt động có thể gây ra tác hại cho đê điều, nguy hiểm cho người hoặc tổn thất nghiêm trọng đến tài nguyên môi trường, đồng thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định;

- Phối hợp với thanh tra các ngành, các cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân trong các hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Trách nhiệm của các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố

1. Sở Xây dựng là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

a) Xây dựng kế hoạch quản lý hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh;

b) Hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy phép hoặc thu hồi giấy phép sản xuất gạch, ngói đất nung;

c) Tham gia thẩm định các dự án đầu tư, phương án sản xuất, đánh giá tác động môi trường trong các hoạt động sản xuất, khai thác nói trên;

d) Kiểm tra, theo dõi, tổng hợp tình hình sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng theo quy định.

2. Các sở, ngành liên quan:

Các sở, ngành liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

3. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

a) Trực tiếp quản lý việc sử dụng đất đai trong sản xuất gạch, ngói đất nung tại địa phương theo quy định;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường ở địa phương;

c) Phối hợp với các đoàn kiểm tra, thanh tra các cấp trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói đất nung trên địa bàn quản lý.

Điều 16. Xử lý vi phạm (nếu có) các cơ sở sản xuất gạch, ngói đất nung

Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nếu vi phạm quy định này hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo mức độ mà bị xử lý như sau:

a) Bị xử lý hành chính khi có vi phạm các quy định về hành chính trong hoạt động sản xuất;

b) Bị thu hồi giấy phép sản xuất có thời hạn, không thời hạn, hoặc bị xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật;

c) Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất gạch, ngói đất nung trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quy định này./.





Quyết định 17/2008/QĐ-UBND hủy bỏ quyết định 58/2005/QĐ-UBND Ban hành: 14/04/2008 | Cập nhật: 22/07/2013

Nghị định 124/2007/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng Ban hành: 31/07/2007 | Cập nhật: 04/08/2007