Quyết định 186/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Dự án “Hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản tỉnh An Giang đến giai đoạn 2018-2020
Số hiệu: 186/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lâm Quang Thi
Ngày ban hành: 26/01/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 186/QĐ-UBND

An Giang, ngày 26 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “DỰ ÁN HỖ TRỢ CƠ GIỚI HÓA, TỰ ĐỘNG HÓA TRONG SẢN XUẤT THỦY SẢN TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2018-2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 183/2010/TTLT/BTC-BNN, ngày 15 tháng 11 năm 2010 giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29 tháng 11 năm 2012 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2014 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 110/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2015 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2015-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số: 14/TTr- SKHĐT ngày 19 tháng 01 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản tỉnh An Giang đến giai đoạn 2018 - 2020”, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: “Hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản tỉnh An Giang giai đoạn 2018 - 2020”.

2. Cơ quan thực hiện dự án: Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang.

3. Phạm vi dự án:

Dự án được triển khai thực hiện tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang, địa điểm xây dựng các mô hình trình diễn được lựa chọn theo tiêu chí: (1) vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, (2) vùng quy hoạch thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020, cụ thể:

STT

Loại thủy sản

Địa bàn thực hiện

Ghi chú

1

Cá tra

Thành phố Long Xuyên; Các huyện: Tân Châu, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới.

 

2

Tôm càng xanh

Các huyện: Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn.

 

3

Thủy sản khác (cá lóc, cá sặc rằn, lươn….)

Vùng quy hoạch thủy sản ứng dụng CNC và vùng nuôi tập trung.

 

4. Thời gian thực hiện dự án: 2018-2020.

5. Đối tượng và điều kiện chọn lựa:

a) Đối tượng triển khai thực hiện dự án là các cơ sở nuôi thủy sản tại các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh An Giang.

b) Điều kiện chọn lựa cơ sở nuôi thủy sản thực hiện mô hình trình diễn cơ giới hóa, tự động hóa:

- Có địa điểm để thực hiện mô hình trình diễn phù hợp với nội dung và quy trình kỹ thuật của dự án.

- Cam kết đầu tư vốn cho mô hình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của dự án, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo tiến độ và tương ứng với tỷ lệ đầu tư thực tế của chủ mô hình.

- Cơ sở nuôi thủy sản đảm bảo người trực tiếp tham gia mô hình có kinh nghiệm và kỹ năng sản xuất, cần cù, chịu khó trong lao động;

- Cơ sở có quy mô sản xuất đạt tối thiểu 01 hecta.

6. Mục tiêu dự án:

6.1. Mục tiêu tổng quát: Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

6.2. Mục tiêu cụ thể:

Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước đưa cơ giới hóa, tự động hóa vào trong sản xuất thủy sản, cụ thể:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các cơ sở nuôi thủy sản nâng cao trình độ công nghệ góp phần hợp lý hóa sản xuất, tạo sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

- Đến năm 2018 thực hiện 04 mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản

- Đến năm 2020 nhân rộng tổng cộng 08 mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ tiên tiến cơ giới hóa, tự động hóa trong khâu chăm sóc, quản lý và phòng trị bệnh, nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

7. Nội dung thực hiện:

7.1 Tập huấn đào tạo kiến thức:

a) Tổng số lớp tập huấn: Tổ chức 08 lớp tập huấn đào tạo trong đó: gồm có 06 lớp tập huấn cho nông dân và 02 lớp đào tạo cho cán bộ tham gia dự án:

- Tổ chức 06 lớp tập huấn cho nông dân, công ty, cá nhân tham gia chương trình về kiến thức cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất cho các hộ nuôi trồng thủy sản thương phẩm trong tỉnh.

- Tổ chức 02 lớp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nâng cao năng lực kiến thức cơ giới hóa, tự động hóa cho đội ngũ cán bộ các cấp tham gia trực tiếp dự án.

b) Nội dung tập huấn:

- Thời gian tập huấn: 01 ngày/lớp

- Số lượng nông dân tham dự: 30 người/lớp

- Nội dung tập huấn: Giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học, những mô hình đã ứng dụng thành công trong nước về cơ giới hóa, tự động hóa, những lợi ích và hiệu quả kinh tế trong cơ giới hóa và tự động hóa.

c) Nội dung đào tạo:

- Thời gian tập huấn: 03 ngày/lớp

- Số lượng cán bộ tham dự: 30 người/lớp.

- Nội dung đào tạo: Đào tạo kiến thức chuyên môn về cơ giới hóa, tự động hóa, kỹ năng tổ chức mô hình trình diễn, vận hành, theo dõi, kiểm tra và giám sát mô hình, lực lượng này trực tiếp tham gia hỗ trợ, theo dõi giám sát thực hiện các mô hình cơ giới hóa và tự động hóa trên địa bàn tỉnh An Giang.

7.2. Triển khai học tập mô hình:

a) Tổ chức: Tổ chức 3 đợt học tập mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản trong tỉnh và ngoài tỉnh, gồm: 02 đợt trong tỉnh và 01 đợt ngoài tỉnh. Thời gian được tổ chức trong giai đoạn từ năm 2018-2020.

b) Nội dung:

- Thời gian: 01 ngày

- Số người tham gia: 25 người/đợt.

- Nội dung triển khai học tập trong tỉnh: Các mô hình đã được nông dân ứng dụng có hiệu quả cao trong tỉnh như mô hình thiết kế xây dựng hệ thống tự động cho cá ăn loại thức ăn viên công nghiệp bằng máy phun thức ăn; Mô hình sát trùng nguồn nước ao nuôi bằng các loại bình phun thay thế cách làm bằng thủ công; Mô hình sử dụng máy để trộn dinh dưỡng vào thức ăn phòng trị bệnh thủy sản nuôi thay thế phương pháp trộn thủ công.

- Nội dung triển khai học tập ngoài tỉnh: Mô hình xây dựng thiết kế hệ thống tự động loại bỏ bùn thải đáy ao ra khỏi ao nuôi thủy sản không sử dụng máy hút bùn; Mô hình thiết kế hệ thống tự động đo quan trắc tự động các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi kết nối với điện thoại cầm tay thông minh và máy vi tính có thể ghi nhận các kết quả về tình hình diễn biến chất lượng nước ao nuôi.

7.3. Thực hiện 8 mô hình trình diễn cơ giới hóa, tự động hóa:

a) Thực hiện 02 mô hình xây dựng hệ thống tự động cho cá ăn loại thức ăn viên công nghiệp bằng máy phun thức ăn. Đối tượng thực hiện mô hình này là cơ sở nuôi tôm càng xanh thương phẩm và nuôi cá tra giống có quy mô lớn trên 01 ha. Nội dung triển khai mô hình gồm các giai đoạn sau:

- Tổ chức triển khai học tập mô hình ứng dụng xây dựng hệ thống tự động cho cá ăn loại thức ăn viên công nghiệp bằng máy phun thức ăn. Hiện nay các hộ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã ứng dụng máy tự động cho ăn để thay thế lao động thủ công, mô hình nay đã đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho các hộ nuôi tôm.

- Để ứng dụng hiệu quả vào mô hình nuôi thủy sản tỉnh An Giang cần phải thực hiện khảo sát đánh giá, lựa chọn địa điểm cơ sở nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình, lựa chọn loại máy thích hợp, có công suất đáp ứng quy trình nuôi cá tra, tôm càng xanh và cá tra giống hiện nay của tỉnh An Giang.

- Năm 2018 triển khai thực hiện 01 mô hình, nông dân chịu 70% chi phí, dự án hỗ trợ 30% chi phí mua máy tự động cho ăn và chi phí lắp đặt để xây dựng mô hình xây dựng hệ thống tự động cho cá ăn loại thức ăn viên công nghiệp bằng máy phun thức ăn; trong đó, kinh phí dự án hỗ trợ không quá 3,6 triệu đồng/mô hình. Nông dân chịu 100% chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí sản xuất, chi phí vận hành máy tự động cho cá ăn và chi phí phát sinh khác có liên quan trong quá trình thực hiện mô hình.

Sau khi thực hiện mô hình năm 2018, sẽ có báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế cụ thể mô hình thực hiện, rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện mô hình thứ hai.

b) Thực hiện 02 mô hình thiết kế hệ thống tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi kết nối máy điện thoại thông minh, với máy vi tính có thể ghi nhận các kết quả về tình hình diễn biến chất lượng nước ao nuôi. Đối tượng thực hiện mô hình này là cơ sở nuôi tôm càng xanh thương phẩm, nuôi cá tra thương phẩm và nuôi cá tra giống có quy mô lớn, trên 01 ha. Nội dung triển khai:

- Tiếp nhận công nghệ từ trường Đại học Cần Thơ lắp đặt thiết bị hệ thống tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi.

- Tổ chức tập huấn mô hình thiết kế hệ thống tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi kết nối với máy vi tính, máy điện thoại thông minh cầm tay có thể ghi nhận các kết quả về tình hình diễn biến chất lượng nước ao nuôi.

- Khảo sát lựa chọn cơ sở nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình, triển khai mô hình trình diễn tại hộ nuôi tôm càng xanh tại huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang.

- Nông dân chịu 70% chi phí, dự án hỗ trợ 30% chi phí mua máy tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi và chi phí lắp đặt hệ thống tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi; trong đó kinh phí dự án hỗ trợ không quá 24 triệu đồng/mô hình. Nông dân chịu 100% chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí sản xuất, chi phí vận hành máy tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi và chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện mô hình.

- Năm 2018 triển khai thực hiện thành công 01 mô hình, sau khi thực hiện mô hình 01 báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế cụ thể, rút kinh nghiệm để khi đến năm 2020 dự án thực hiện được 02 mô hình trình diễn ứng dụng hệ thống tự động đo các chỉ số về thủy lý hóa môi trường ao nuôi.

c) Thực hiện 02 mô hình sát trùng nguồn nước ao nuôi bằng các loại máy thay thế cách làm thủ công. Đối tượng hiện mô hình này là cơ sở nuôi cá tra thương phẩm có quy mô lớn, trên 01 ha. Nội dung triển khai:

- Tổ chức triển khai học tập mô hình sát trùng nguồn nước ao nuôi bằng các loại bình phun thay thế cách làm bằng thủ công. Hiện nay Doanh nghiệp nuôi cá tra huyện Châu Phú đã thực hiện tự chế máy sát trùng nguồn nước ao nuôi bằng các loại bình phun đạt hiệu quả rất cao.

- Để xây dựng được mô hình, cần thực hiện nghiên cứu sử dụng máy phun thích hợp đáp ứng nhu cầu của cơ sở nuôi cá tra có quy mô tối thiểu 01 ha, lựa chọn cơ sở nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình, cần phải thực hiện khảo sát đánh giá, lựa chọn máy thích hợp, có công suất đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình trên địa bàn tỉnh.

- Nông dân chịu 70% chi phí, dự án hỗ trợ 30% chi phí mua máy phun thuốc sát trùng nguồn nước ao nuôi và chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện mô hình; trong đó kinh phí dự án hỗ trợ không quá 1,5 triệu đồng/mô hình. Nông dân chịu 100% chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí sản xuất, chi phí vận hành máy phun thuốc sát trùng nguồn nước ao nuôi và chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện mô hình.

- Năm 2018 triển khai thực hiện 01 mô hình, sau khi thực hiện mô hình báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế cụ thể, rút kinh nghiệm để khi đến năm 2020 dự án thực hiện được 02 mô hình trình diễn ứng dụng sát trùng nguồn nước ao nuôi bằng các loại máy phun tự động.

d) Thực hiện 02 mô hình sử dụng máy để trộn dinh dưỡng vào trong thức ăn tăng sức khỏe cho thủy sản nuôi thay thế phương pháp trộn thủ công. Đối tượng thực hiện mô hình này là cơ sở nuôi cá tra thương phẩm có quy mô lớn, trên 01 ha. Nội dung triển khai:

- Thực hiện triển khai học tập mô hình sử dụng máy trộn dinh dưỡng vào thức ăn chăn nuôi để đảm bảo dinh dưỡng cho thủy sản nuôi trồng thay thế phương pháp thủ công. Hiện nay Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Chợ Mới tại xã Kiến An huyện Chợ Mới có quy mô diện tích 10 ha đã thực hiện tự chế máy trộn dinh dưỡng để nâng cao chất lượng thương phẩm cho cá tra. Với diện tích tổng 10 ha mặt nước, nhu cầu sử dụng thức ăn công nghiệp khoảng 3-8 tấn thức ăn/ 1 ngày.

- Để xây dựng mô hình, cần nghiên cứu sử dụng máy trộn thích hợp đáp ứng nhu cầu của cơ sở nuôi cá tra có quy mô tối thiểu 01 ha, lựa chọn cơ sở nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình, cần thực hiện khảo sát đánh giá, lựa chọn loại máy thích hợp, có công suất đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình.

- Cơ sở nuôi cá tra có quy mô tối thiểu 01 ha, lựa chọn cơ sở nuôi đủ điều kiện tham gia mô hình, thực hiện khảo sát đánh giá, lựa chọn thiết kế máy thích hợp, có công suất đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Nông dân chịu 70% chi phí, dự án hỗ trợ 30% chi phí mua máy trộn dinh dưỡng, chất bổ sung vào trong thức ăn, chi phí lắp đặt máy trộn và các chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện mô hình; trong đó kinh phí dự án hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/mô hình. Nông dân chịu 100% chi phí đầu tư cơ sở vật chất, chi phí sản xuất, chi phí vận hành máy trộn dinh dưỡng, chất bổ sung và các chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện mô hình.

- Năm 2018 triển khai thực hiện thành công 01 mô hình, sau khi thực hiện mô hình báo cáo đánh giá hiệu quả kinh tế cụ thể, rút kinh nghiệm để khi đến năm 2020 dự án thực hiện được 02 mô hình trình diễn ứng dụng máy trộn dinh dưỡng vào trong thức ăn.

d) Hội thảo nhân rộng mô hình:

Sau khi thực hiện thành công 04 mô hình và nhân rộng được 08 mô hình trình diễn sẽ tổ chức 02 cuộc hội thảo đánh giá kết quả, tuyên truyền, nhân rộng mô hình trình diễn ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, (bình quân 02 mô hình trình diễn/hội thảo).

- Tổ chức hội thảo

+ Địa điểm tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình được thực hiện tại địa phương nơi triển khai mô hình trình diễn.

+ Thời gian hội thảo: 01 ngày/cuộc.

+ Số người tham dự: 70 người.

+ Nông dân tham dự hội thảo là những nông dân nuôi thủy sản tại địa phương có điều kiện để áp dụng nhân rộng mô hình.

- Nội dung hội thảo

+ Báo cáo kết quả triển khai mô hình, đánh giá hiệu quả đạt được, hiệu quả kinh tế khi thực hiện mô hình.

+ Tổ chức cho các đại biểu tham dự khảo sát thực địa tại mô hình trình diễn, khuyến khích nông dân nuôi thủy sản áp dụng mô hình cơ giới hóa, tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản.

8. Tổng kinh phí thực hiện:

a) Tổng kinh phí của dự án: 554.560.000 đồng

Trong đó: Nguồn vốn SNNN: 221.960.000 đồng

Nguồn vốn dân: 332.600.000 đồng

b) Phân kỳ nguồn vốn:

Đơn vị tính: Nghìn đồng.

Nguồn vốn

Tổng cộng

Trong đó

2018

2019

2020

Nguồn SNNN

221.960

111.480

77.880

32.600

Nguồn DN/Dân

332.600

166.300

166.300

 

 

TỔNG HỢP KINH PHÍ DỰ ÁN

Đơn vị tính: nghìn đồng.

Nội dung

Tổng cộng
(đồng)

Trong đó

Nguồn SNNN

Nguồn vốn dân

1. Tập huấn đào tạo kiến thức

38.160

38.160

 

2.Triển khai học tập

29.000

29.000

 

3. Xây dựng mô hình

 

 

 

- Dự án hỗ trợ 30%

88.200

88.200

 

- DN/Dân 70%

332.600

 

332.600

4. Hội thảo nhân rộng mô hình

17.000

17.000

 

5. Phí giám sát quản lý mô hình

49.600

49.600

 

Tổng cộng

554.560

221.960

332.600

9. Phương thức tổ chức thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định này theo đúng tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy sản tổng hợp, kiểm tra báo cáo đột xuất và định kỳ tình hình thực hiện Dự án, và xem xét kiến nghị từ cơ sở để đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành những chính sách liên quan đến hoạt động cơ giới hóa-tự động hóa trong sản xuất thủy sản.

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung Dự án “Hỗ trợ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất thủy sản tỉnh An Giang đến năm 2020” theo đúng Điều 1 của Quyết định này, tuân thủ và thực hiện theo đúng định mức quy định hiện hành của Nhà nước. Khi tiến hành triển khai dự án, yêu cầu nguồn vốn tự có của dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện đảm bảo phải đúng theo kế hoạch đã được tính toán trong dự án và khi đó mới kết hợp với nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp tiến hành thực hiện triển khai dự án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố và đơn vị thực hiện triển khai dự án (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: KHĐT, NN&PTNT, TC;
- Kho bạc Nhà nước-CN An Giang;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Phòng KTN, KTTH, HCTC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 





Quyết định 1021/QĐ-UBND năm 2016 bãi bỏ văn bản Ban hành: 10/03/2016 | Cập nhật: 14/03/2016