Quyết định 1726/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt báo cáo điều chỉnh quy hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025
Số hiệu: 1726/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Trần Văn Vĩnh
Ngày ban hành: 08/07/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1726/QĐ-UBND

Ngày 08 Tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH VÀ SẮP XẾP THỨ TỰ ƯU TIÊN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1590/QĐ-TTg ngày 09/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng phát triển quy hoạch thủy lợi Việt Nam;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1161/TT-SNN-TL ngày 01/6/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kết quả điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025, gồm những nội dung như sau:

1. Phương hướng phát triển

Quản lý, khai thác có hiệu quả, sửa chữa, nâng cấp hoàn thiện các công trình thủy lợi hiện có. Xây dựng mới công trình thủy lợi gắn với mục tiêu: Phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng tiết kiệm nước, cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, cấp nước công nghiệp, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước trong mùa khô; chú trọng các xã điểm xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp đô thị; tiêu thoát lũ; chống sạt lở.

2. Mục tiêu phát triển giai đoạn 2011 - 2020

a) Xây dựng mới

Tổng số công trình trong quy hoạch giai đoạn 2010 - 2020 đã được phê duyệt là 121 công trình. Sau khi điều chỉnh, giai đoạn 2011 - 2020 dự kiến thực hiện 76 công trình gồm: 25 hồ chứa; 14 đập dâng; 13 trạm bơm và 24 công trình khác như (kênh tiêu, bờ bao...). Tổng năng lực phục vụ: Tưới: 17.741 ha; tiêu, ngăn lũ, ngăn mặn: 9.480 ha; cấp nước: 45.250m3/ngày.đêm. Kinh phí thực hiện: 2.982.836 triệu đồng.

Trong đó phân ra 02 giai đoạn như sau:

* Giai đoạn 2011 - 2015: Xây dựng mới: 38 công trình, bao gồm:

- Công trình cấp nước phục vụ cây trồng chủ lực, lúa, màu cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản: 07 công trình.

- Công trình phục vụ cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cung cấp nguồn phục vụ tưới tiết kiệm, kết hợp điều hòa không khí, tạo môi trường sinh thái: 05 công trình.

- Công trình phục vụ tưới, cấp nước nuôi trồng thủy sản: 11 công trình.

- Công trình gia cố bờ sông, chống sạt lở, kết hợp tạo cảnh quan môi trường: 03 công trình.

- Công trình nạo vét, tiêu thoát lũ, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường: 11 công trình.

- Công trình ngăn lũ, góp phần ổn định cuộc sống dân cư: 01 công trình.

Tổng kinh phí đầu tư khoảng: 1.597.515 triệu đồng (tỷ lệ cơ cấu vốn: Ngân sách Trung ương: 8%, ngân sách tỉnh: 87%, ngân sách huyện: 5%). Năng lực phục vụ tăng thêm: Tưới 10.385 ha; tiêu: 6.180 ha; ngăn mặn: 800 ha; cấp nước công nghiệp: 31.750m3/ngày.

* Giai đoạn 2016 - 2020: Xây dựng mới 38 công trình, bao gồm:

- Công trình đa mục tiêu: Cấp nước phục vụ cây trồng chủ lực, lúa, màu cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản: 09 công trình.

- Công trình phục vụ cấp nước công nghiệp, sinh hoạt, cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiết kiệm, kết hợp điều hòa không khí, tạo môi trường sinh thái: 06 công trình.

- Công trình phục vụ tưới, cấp nước nuôi trồng thủy sản: 15 công trình.

- Công trình gia cố bờ sông, chống sạt lở, tạo cảnh quan môi trường: 03 công trình.

- Công trình nạo vét, tiêu thoát lũ, góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường: 05 công trình.

Tổng kinh phí đầu tư khoảng: 1.385.321 triệu đồng (tỷ lệ cơ cấu vốn: Ngân sách Trung ương: 20%, ngân sách tỉnh: 75%, ngân sách huyện: 5%). Năng lực phục vụ tăng thêm: Tưới 7.356 ha; tiêu: 2.500 ha; cấp nước công nghiệp: 13.500m3/ngày.

b) Sửa chữa nâng cấp giai đoạn 2011 - 2015:

- Số công trình chưa thực hiện xong trong giai đoạn 2006 - 2010: 06 công trình.

- Số công trình bổ sung: 07 công trình.

Tổng cộng: 13 công trình (gồm: 08 hồ chứa; 02 đập dâng; 02 trạm bơm), ước tính kinh phí khoảng 29,1 tỷ đồng.

c) Kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011 - 2015:

- Số công trình chưa thực hiện xong trong giai đoạn 2006 - 2010: 34 công trình.

- Số công trình bổ sung: 18 công trình.

Tổng cộng: 52 công trình. Tổng chiều dài: 182,09 km, trong đó: 11,94 km kênh chính, 148,8 km kênh cấp 1, 2 và nội đồng. Tổng kinh phí khoảng: 98.773 triệu đồng.

3. Quy hoạch định hướng đến năm 2025:

Kết quả định hướng giai đoạn đến năm 2025 là 85 công trình, bao gồm: 45 hồ chứa, 22 đập dâng, 07 trạm bơm và 11 kênh tiêu, ngăn lũ, ngăn mặn, bờ bao. Năng lực phục vụ tăng thêm của các công trình trong giai đoạn 2020 - 2025: Tưới: 18.495 ha; tiêu, ngăn lũ, ngăn mặn: 5.600 ha; cấp nước: 65.000m3/ngày.đêm. Tổng kinh phí khoảng: 1.652 tỷ đồng.

(Số liệu chi tiết kết quả thực hiện quy hoạch giai đoạn 2006 - 2010, quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020, định hướng 2020 - 2025 đính kèm phụ lục).

4. Các giải pháp chủ yếu:

a) Về nguồn vốn:

Việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi mang lại lợi ích thiết thực đối với đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng nông thôn: Giúp thâm canh, tăng vụ, tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Tuy nhiên để thực hiện quy hoạch thì yếu tố quan trọng nhất là nguồn vốn, với nguồn ngân sách địa phương có hạn, cần phải tranh thủ được nguồn vốn từ các nguồn khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân; vốn vay ưu đãi.

b) Về thực hiện đầu tư:

Việc thực hiện đầu tư các dự án xây dựng công trình thủy lợi cần được triển khai theo quy định hiện hành như: Dự án phù hợp quy hoạch được phê duyệt, ý kiến đồng thuận của người dân vùng hưởng lợi, ý kiến phản biện của các tổ chức, ngành, đơn vị liên quan…

Công tác lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế kỹ thuật có năng lực, kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến tiến độ và hiệu quả đầu tư, cần được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc theo những quy định hiện hành.

Chủ đầu tư thực hiện tốt vai trò trách nhiệm được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương và đơn vị liên quan kịp thời xử lý những tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, để dự án sớm được triển khai thi công.

c) Về tổ chức quản lý khai thác:

Tiếp tục thực hiện Thông tư 75/2004/TT-BNN ngày 20/12/2004 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về thành lập, củng cố và phát triển tổ hợp tác dùng nước, Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT ngày 06/11/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 14/7/2009 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc ban hành quy định về tổ chức, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

d) Về công tác đào tạo cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật:

Nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong việc khai thác hiệu quả công trình, trách nhiệm của các địa phương và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi phải tuyển dụng bổ sung cán bộ kỹ thuật, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thủy lợi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị trong công tác đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan, các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch.

2. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa thực hiện quy hoạch thủy lợi.

3. UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa căn cứ quy hoạch thủy lợi của tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển thủy lợi trên địa bàn phù hợp với quy hoạch chung.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN