Quyết định 48/2009/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng nước biển tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành
Số hiệu: 48/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
Ngày ban hành: 22/06/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 48/2009/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 22 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TẠI CÁC VÙNG NƯỚC BIỂN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 27/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính Phủ về điều kiện sản xuất kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;
Căn cứ Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên biển và hải đảo;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa tại Tờ trình số 965/TTr-SNN ngày 27 tháng 4 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng nước biển tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2.  Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi tình hình triển khai thực hiện Quy chế; trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo kịp thời Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN TẠI CÁC VÙNG NƯỚC BIỂN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 48/2009/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này được áp dụng để quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các vùng nước biển tỉnh Khánh Hòa, nhằm quản lý vùng nước nuôi trồng thủy sản biển, giúp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản biển được thuận lợi, phát triển bền vững.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nuôi trồng thủy sản tại các vùng nước biển thuộc tỉnh Khánh Hòa, các cơ quan quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản biển, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 3. Điều kiện để nuôi trồng thủy sản biển

Cá nhân, tổ chức nuôi trồng thủy sản có có đủ các điều kiện quy định tại Điều 24 của Luật Thủy sản.

Chương II

GIAO MẶT NƯỚC BIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 4. Đối tượng được giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

Đối tượng được giao mặt nước biển, không thu tiền sử dụng để nuôi trồng thủy sản là:

1. Cá nhân sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Khánh Hòa trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản.

2. Cá nhân sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Khánh Hòa làm nghề khai thác thủy sản ven bờ nay chuyển sang nuôi trồng thủy sản.

Điều 5. Thủ tục giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Hồ sơ xin giao mặt nước biển nuôi trồng thủy sản

Hồ sơ được làm thành ba bộ, mỗi bộ gồm:

a) Đơn đề nghị giao mặt nước biển nuôi trồng thủy sản.

(Đơn phải ghi tên chủ hộ, vị trí, diện tích, đối tượng nuôi, thể hiện được năng lực nuôi, cam kết bảo vệ môi trường, chấp hành qui định chung của cộng đồng, chấp hành quản lý của nhà nước liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản).

Riêng đối với trường hợp hộ khẩu thường trú tại địa phương khác trong tỉnh thì đơn phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã nơi có hộ khẩu thường trú chưa được giao mặt nước nuôi trồng thủy sản.

b) Hộ khẩu thường trú, giấy chứng minh nhân dân (bản sao hợp lệ).

c) Bản vẽ sơ đồ ghi đánh dấu vị trí nuôi và toạ độ.

d) Giấy đăng ký tạm trú của xã, phường, thị trấn nơi xin giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản (bản sao có chứng thực) đối với trường hợp hộ khẩu thường trú tại địa phương khác trong tỉnh.

2. Trình tự giải quyết

a) Hồ sơ được nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi nuôi trồng thủy sản. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, xác nhận các nội dung trong đơn, ghi ý kiến đề nghị cho phép nuôi trồng thủy sản (hướng dẫn làm lại hồ sơ nếu chưa đủ, chưa đúng). Thời hạn giải quyết tối đa không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b) Hồ sơ sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn được gửi đến Phòng Tài nguyên và môi trường.

c) Phòng Tài nguyên và môi trường chủ trì phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triến nông thôn (đối với huyện) hoặc Phòng Kinh tế (đối với thành phố Nha Trang, Thị xã Cam Ranh), kiểm tra, tổng hợp các ý kiến, tham mưu trình Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xem xét để ra Quyết định giao mặt nước biển nuôi trồng thủy sản, nếu không giao thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do. Thời hạn giải quyết tối đa không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 6. Hạn mức giao mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Diện tích giao không quá 1 ha.

2. Thời gian giao: Không quá hai mươi (20) năm, tính từ ngày ghi trong quyết định giao mặt nước biển.

Chương III

THUÊ MẶT NƯỚC BIỂN NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN

Điều 7. Đối tượng thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

Đối tượng được thuê mặt nước biển (phải nộp tiền sử dụng mặt nước biển) để nuôi trồng thủy sản là tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu đủ điều kiện để nuôi trồng thuỷ sản.

Điều 8. Thủ tục thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản

1. Hồ sơ thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản

Hồ sơ làm thành năm bộ, mỗi bộ gồm:

a) Đơn đề nghị thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản.

b) Báo cáo dự án đầu tư khái quát gồm:

- Tên dự án đầu tư, mục tiêu đầu tư, đối tượng nuôi, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện.

- Giới thiệu về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính thực hiện dự án.

- Địa điểm đầu tư; nhu cầu về đất, mặt nước; bản vẽ sơ đồ đất, mặt nước (nếu có).

- Hiện trạng sử dụng mặt nước của tổ chức, cá nhân tại địa điểm dự kiến của dự án đầu tư.

c) Báo cáo đánh giá tác động môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định).

d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc giấy phép đầu tư đối với cá nhân tổ chức nước ngoài (bản sao hợp lệ).

2. Trình tự giải quyết

a) Đối với dự án đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư dưới 300 tỉ đồng Việt Nam và dự án đầu tư trong nước có quy mô đầu tư từ 15 tỉ đồng Việt Nam trở lên: Hồ sơ được nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi các cơ quan chuyên môn xem xét thẩm định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang nơi có mặt nước biển xin thuê nuôi trồng thủy sản) trong thời gian 4 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ các ngành, địa phương được hỏi ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp cần khảo sát thực tế thì thông báo để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đoàn khảo sát chung gồm nhà đầu tư và các thành phần có liên quan đến giải quyết thẩm định hồ sơ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân đề nghị thuê mặt nước biển, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để ra Quyết định cấp văn bản thỏa thuận địa điểm đầu tư.

Căn cứ Quyết định cấp văn bản thỏa thuận địa điểm đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp làm các thủ tục để được thuê mặt nước biển, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển theo quy định pháp luật.

b) Đối với dự án đầu tư trong nước, có quy mô vốn đầu tư dưới 15 tỉ đồng Việt Nam: Hồ sơ được nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố giao Phòng Tài chính Kế hoạch thẩm định về tài chính, đồng thời chuyển Phòng Tài nguyên và Môi trường để chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế) thẩm định (về quy hoạch, vị trí, diện tích, tính khả thi ...). Quá trình thẩm định nếu cần thì tổ chức khảo sát thực tế gồm nhà đầu tư và các thành phần có liên quan đến giải quyết thẩm định hồ sơ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố xem xét để ra Quyết định cấp văn bản thỏa thuận địa điểm đầu tư.

Sau khi Ủy ban nhân dân huyện có văn bản thỏa thuận địa điểm đầu tư, Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp tiến hành các thủ tục liên quan đến đầu tư và cho thuê mặt nước biển trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo qui định của pháp luật; nếu không đồng ý cho thuê thì phải trả lời bằng văn bản cho nhà đầu tư biết và nêu rõ lý do.

Điều 9. Hạn mức và thời hạn cho thuê

1. Diện tích mặt nước biển cho thuê để nuôi trồng thủy sản đối với 1 cá nhân tổ chức:

- Không quá ba mươi (30) ha trong vùng biển từ ba (3) hải lý trở vào bờ;

- Không quá một trăm (100) ha trong vùng biển cách bờ từ ba (3) hải lý trở ra.

2. Thời gian thuê không quá hai mươi (20) năm, tính từ ngày ghi trong quyết định cho thuê mặt nước biển.

3. Tiền thuê mặt nước

Giá cho thuê mặt nước biển, việc thu nộp, miễn, giảm tiền thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản được thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.

Chương IV

THU HỒI, GIA HẠN MẶT NƯỚC BIỂN GIAO, CHO THUÊ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 10. Thu hồi mặt nước biển đã giao hoặc cho thuê để nuôi trồng thủy sản

1.Thu hồi mặt nước biển đã giao hoặc cho thuê trong các trường hợp sau:

a) Sử dụng không đúng mục đích.

b) Quá 24 tháng liền mà không sử dụng để nuôi trồng thủy sản, trừ trường hợp có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

c) Trường hợp không sử dụng hết phần diện tích giao, cho thuê để nuôi trồng thủy sản theo quy định thì bị thu hồi phần diện tích mặt nước biển không sử dụng đó.

d) Người nuôi trồng thủy sản không thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê mặt nước biển, không báo cáo thống kê theo quy định pháp luật, không thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

đ) Người sử dụng mặt nước biển tự nguyện trả lại diện tích được giao, cho thuê.

e) Nhà nước có nhu cầu thu hồi vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh.

2. Thẩm quyền thu hồi

- Ủy ban nhân dân huyện, thị xã Cam Ranh, thành phố Nha Trang ra quyết định thu hồi diện tích mặt nước biển đã giao để nuôi trồng thủy sản.

- Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thu hồi diện tích mặt nước biển đã cho thuê để nuôi trồng thủy sản.

3. Trước khi ra quyết định thu hồi mặt nước biển đã giao hoặc cho thuê, cơ quan ký quyết định thu hồi phải thông báo trước 6 tháng cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi biết.

Điều 11. Gia hạn thời hạn giao hoặc cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản khi hết thời hạn quyền sử dụng

Trước thời điểm hết hạn quyền sử dụng mặt nước biển sáu (6) tháng, tổ chức cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản phải làm hồ sơ như quy định về việc xin giao hoặc cho thuê mặt nước biển, gửi đến cơ quan nơi quyết định giao hoặc cho thuê trước đây để xin gia hạn giao hoặc cho thuê mặt nước biển.

Đối với tổ chức cá nhân nước ngoài phải có bản sao hợp lệ giấy phép đầu tư được gia hạn (nếu giấy phép đầu tư trước đây đã hết hạn).

Thời gian gia hạn giao hoặc cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản tùy theo từng trường hợp nhưng không quá thời gian giao, cho thuê trước đó.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định việc gia hạn giao hoặc cho thuê và cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản. Trường hợp không gia hạn giao, cho thuê mặt nước biển thì phải trả lời bằng văn bản và phải nêu rõ lý do.

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ NUÔI THỦY SẢN LỒNG BÈ TRÊN BIỂN

Điều 12. Địa điểm nuôi

Vị trí nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch, đảm bảo môi trường nước nuôi, mực nước sâu tối thiểu khu vực nuôi khi triều thấp nhất là 4 mét.

Điều 13. Cơ sở vật chất nuôi thủy sản lồng, bè

1. Lồng nuôi phải theo quy định của ngành và phù hợp với hình thức nuôi.

2. Mật độ lồng, bè nuôi, quy cách lồng, bè nuôi phải tuân thủ theo quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản biển.

3. Nhà làm việc phải đảm bảo chắc chắn, đủ điều kiện ăn ở, sinh hoạt, có nơi chứa dụng cụ để bảo quản thức ăn sống, thuốc thú y, hóa chất, dụng cụ.

4. Dụng cụ và thiết bị hỗ trợ: Các dụng cụ và thiết bị hỗ trợ gồm thuyền, thùng bảo ôn, thùng đựng thuốc thú y, hóa chất, bộ đồ lặn, máy nén khí. Các dụng cụ và thiết bị hỗ trợ phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động.

Điều 14. Chất lượng giống thả nuôi, thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi

1. Giống thủy sản thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, vận chuyển, thả nuôi theo đúng kỹ thuật, mật độ thả nuôi phù hợp từng loài, từng kích cỡ.

2. Thức ăn nuôi phải đảm bảo chất lượng, đối với thức ăn công nghiệp phải còn thời hạn sử dụng, có mùi đặc trưng, không bị nấm mốc.

3. Không được sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục cấm.

Điều 15. Quản lý chăm sóc, vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường

1. Quản lý chăm sóc đúng kỹ thuật, hạn chế thức ăn thừa.

2. Khử trùng lồng, bè, dụng cụ trước khi thả nuôi, vệ sinh lồng bè nuôi thường xuyên, tạo sự lưu thông nước, hạn chế ô nhiễm, thu gom chất thải thường xuyên và định kỳ sau từng đợt nuôi.

3. Đối với nuôi lồng đặt gần sát nền đáy biển thì phải thu dọn chất thải trên nền đáy sau từng đợt sản xuất.

4. Khi có dịch bệnh phát sinh phải thông báo tình hình dịch bệnh cho chính quyền địa phương và cơ quan quản lý biết để có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Ghi chép theo dõi sản xuất, tình hình dịch bệnh, lưu trữ tài liệu để sử dụng khi cần.

Điều 16. Nhân lực và an toàn lao động

Người lao động phải đủ sức khoẻ theo qui định, được tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản lồng, bè trên biển, kiến thức bảo vệ môi trường biển và an toàn lao động trên biển. Cơ sở nuôi lồng, bè phải có phương tiện cứu sinh, phải trang bị phương tiện theo dõi dự báo thời tiết.

Chương VI

QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN BIỂN

Điều 17. Quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản biển

1. Quyền lợi

Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển nuôi trồng thủy sản, được nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm hại đến quyền sử dụng mặt nước nuôi trồng thủy sản hợp pháp của mình, được bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi vì mục đích công cộng quốc phòng, an ninh trước thời hạn giao, cho thuê và được ưu tiên giao hoặc cho thuê mặt nước biển khác để nuôi trồng thủy sản nếu có nhu cầu và địa phương còn quỹ mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản; được thông báo về tình hình dịch bệnh, môi trường có liên quan hoạt động nuôi trồng thủy sản; được phổ biến, đào tạo, tập huấn về nuôi trồng thủy sản.

2. Nghĩa vụ

a) Sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả diện tích mặt nước biển được giao, cho thuê nuôi trồng thủy sản. Sử dụng đúng ranh giới vùng mặt nước được giao, cho thuê. Không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng mặt nước biển chung quanh.

b) Bảo vệ các công trình phục vụ chung cho nuôi trồng thủy sản.

c) Nộp tiền thuê mặt nước đúng qui định.

d) Báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý theo quy định.

e) Giao lại mặt nước nuôi trồng thủy sản khi có quyết định thu hồi.

f) Thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản.

g) Tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về công trình nuôi theo quy định chung của nhà nước, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản chuyên ngành, thời gian cấm thu hoạch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

h) Khi có dịch bệnh phát sinh phải nhanh chóng xử lý, thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn biết để phối hợp giải quyết hậu quả, hạn chế lây lan.

i) Thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn nuôi trồng thủy sản, thuốc, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản phải đạt tiêu chuẩn nhà nước qui định.

k) Thực hiện các quy định về an toàn cho người và tài sản.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản biển

1. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Tiếp nhận, trả lời nhà đầu tư các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản biển của chủ đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư dưới 300 tỉ đồng Việt Nam và dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản biển trong nước có vốn đầu tư trên 15 tỉ đồng.

- Chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra hoặc tự tổ chức kiểm tra tình hình triển khai dự án và tình hình hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư trong nước có vốn đầu tư trên 15 tỉ đồng.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì thẩm định về môi trường các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản biển.

- Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định về giá cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tiến hành các thủ tục liên quan đến việc cho thuê, thu hồi mặt nước biển để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển, ra quyết định thu hồi mặt nước biển nuôi trồng thủy sản cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu việc lập qui hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản biển, quy hoạch sử dụng mặt nước biển tại các vịnh liên quan nhiều huyện để nuôi trồng thủy sản.

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản;

- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản biển; chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản biển đã được phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc cho thuê, thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật.

- Tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo dịch bệnh khi có dịch bệnh thủy sản biển xảy ra tại các địa phương trong tỉnh; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phối hợp giải quyết, khắc phục hậu quả.

- Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản biển bao gồm vùng nuôi tập trung, đối tượng, kỹ thuật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới.

- Tham gia thẩm định các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản biển.

- Chỉ đạo việc thành lập các Ban quản lý các vùng nuôi tập trung để trực tiếp quản lý.

- Đề xuất việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nuôi biển, chế độ chính sách hỗ trợ người nuôi biển.

- Chịu trách nhiệm quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, phòng trừ dịch bệnh, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành phục vụ nuôi trồng thủy sản biển.

- Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các qui định của pháp luật và xử lý vi phạm theo qui định pháp luật hiện hành.

- Tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật nuôi, chăm sóc, quản lý môi trường, dịch bệnh, kỹ thuật an toàn cho người và tài sản nuôi biển. Thông báo về phòng chống lụt bão, sự cố môi trường để người nuôi biết, phòng tránh.

- Báo cáo cơ quan cấp trên khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có vấn đề bất thường xảy ra.

- Chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản biển.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Xây dựng quy hoạch chi tiết sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để ban hành và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản biển.

b) Tổ chức thực hiện việc giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản cho cá nhân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo quy định của pháp luật.

c) Tổ chức quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch được duyệt, chịu trách nhiệm tổ chức quản lý về môi trường, dịch bệnh, phối hợp giải quyết những nội dung phát sinh có liên quan nơi địa phương quản lý.

d) Tiếp nhận hồ sơ, trả lời nhà đầu tư các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản biển trong nước có vốn đầu tư dưới 15 tỉ đồng Việt Nam.

e) Chủ trì tổ chức kiểm tra tình hình dự án và tình hình hoạt động của các dự án nuôi trồng thủy sản biển trong nước có vốn đầu tư dưới 15 tỉ đồng Việt Nam.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Thường xuyên theo dõi hoạt động nuôi trồng thủy sản biển, nắm bắt thông tin từ người nuôi để báo cáo, đề xuất lên cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý chuyên ngành về những nội dung liên quan, giúp hoạt động nuôi trồng thủy sản biển phát triển hiệu quả, bền vững.

b) Quản lý mặt nước nuôi biển, quản lý quy hoạch nuôi biển. Hướng dẫn người nuôi làm thủ tục xin giao mặt nước nuôi trồng thủy sản. Tiếp nhận hồ sơ ghi ý kiến đề xuất gửi phòng Tài nguyên Môi trường thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét ra Quyết định giao mặt nước cho cá nhân nuôi trồng thủy sản.

c) Hướng dẫn người nuôi làm thủ tục gia hạn khi hết thời hạn giao mặt nước nuôi trồng thủy sản, phối hợp giải quyết, đề xuất việc gia hạn.

d) Phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc quy hoạch vùng nuôi, quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, tập huấn tuyên truyền về kỹ thuật nuôi, chăm sóc, quản lý môi trường, dịch bệnh... báo cáo cơ quan cấp trên, cơ quan quản lý chuyên ngành khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có vấn đề bất thường xảy ra./.