Quyết định 162/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021-2026
Số hiệu: 162/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Hồ Tiến Thiệu
Ngày ban hành: 15/01/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 162/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 15 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN, GIAI ĐOẠN 2021 - 2026

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 3709/TTr- SGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 - 2025 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh, các phòng CV, Trung tâm TH-CB;
- Lưu: VT, KT(VQK).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2021- 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh về phê chuẩn Đề án phát triển giao thông nông thôn (GTNT) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 - 2020, công tác phát triển GTNT của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Đề án đã được triển khai rộng khắp, tạo được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp phát triển GTNT của tỉnh. Tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, hạ tầng giao thông chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là hệ thống GTNT, đến nay vẫn còn nhiều thôn, bản chưa có đường ô tô được cứng hóa đến trung tâm thôn; hệ thống đường huyện, đường xã, đường trục thôn, đường xóm, ngõ xóm tỷ lệ cứng hóa còn thấp. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đường GTNT đã cứng hóa được 4.955Km, đạt tỷ lệ 45%, còn lại là đường đất, mùa khô bụi bẩn, mùa mưa thì trơn lầy nên rất khó khăn cho việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội khu vực nông thôn.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được của Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016-2020, thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 về GTNT tỉnh Lạng Sơn phù hợp với chiến lược phát triển GTNT của cả nước, đồng thời tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn, cải thiện nâng cao mức sống của người nông dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi khó khăn, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thì việc tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao tỷ lệ cứng hóa GTNT trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tạo nên sự đột phá trong việc thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh.

II . CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;

Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030;

Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành triển khai, thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII;

Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 12/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2025;

Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 25/4/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn Ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 125-KH/TU ngày 12/02/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2025.

Phần II

THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. KHÁI QUÁT MẠNG LƯỚI GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tổng số 14.119km, trong đó:

1. Đường cao tốc đoạn CT03 từ Km45+100 – Km109+080,3 dài 64km

2. Quốc lộ có 6 tuyến, tổng chiều dài 554km gồm các quốc lộ: 1A, 1B, 3B, 4A, 4B, 31 và quốc lộ 279.

3. Đường tỉnh có 23 tuyến với tổng chiều dài 725km;

4. Đường huyện có 110 tuyến với tổng chiều dài 1.377km;

5. Đường đô thị tại 11 huyện, thành phố có tổng chiều dài 156km; đường tuần tra biên giới dài trên 232km.

6. Đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài 11.011km, chia ra:

a) Hệ thống đường xã với tổng chiều dài 2.699 km, mặt đường được cứng hoá là 1.333 km đạt tỷ lệ 49,4%, còn lại là đường đất.

b) Hệ thống đường trục thôn: có tổng chiều dài 3.300 km, mặt đường được cứng hoá 1.390 km đạt tỷ lệ 42,2%, còn lại là đường đất.

c) Hệ thống đường ngõ xóm: có tổng chiều dài 4.666km, mặt đường được cứng hoá 2.132km đạt tỷ lệ 45,7%, còn lại là đường đất.

d) Hệ thống đường trục chính nội đồng: có tổng chiều dài 346km, mặt đường được cứng hoá 99km đạt tỷ lệ 28,5%, còn lại là đường đất.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GTNT GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

1. Trong giai đoạn 5 năm (2016-2020), tổng số nguồn vốn hỗ trợ và huy động để làm đường GTNT là 1.108,1 tỷ đồng cụ thể là:

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ đã hỗ trợ 374,59 tỷ đồng, đã phân bổ chi hỗ trợ 211,89 tỷ đồng, bao gồm: hỗ trợ 114.658 tấn xi măng tương đương 127,6 tỷ đồng, hỗ trợ vật liệu cát đá, hỗ trợ thi công và chi phí khác là 84,29 tỷ đồng. Số kinh phí còn thiếu chưa được bố trí là 162,7 tỷ đồng.

- Ngân sách huyện hỗ trợ 148,2 tỷ đồng, bao gồm: hỗ trợ 117.470 tấn xi măng tương đương 142,2 tỷ đồng, hỗ trợ vật liệu cát đá, hỗ trợ thi công và chi phí khác là 6,0 tỷ đồng.

- Các nguồn vốn khác được lồng ghép thực hiện là 305,5 tỷ đồng.

- Nguồn huy động từ xã hội hóa là 279,8 tỷ đồng, bao gồm: chi phí thiết bị, nhân công của doanh nghiệp hỗ trợ thi công, Nhân dân đóng góp tiền mặt, khai thác vật liệu, đóng góp ngày công quy ra tiền.

2. Kết quả thực hiện: Trong 05 năm qua toàn tỉnh đã làm được 2.021km đường GTNT các loại, trong đó làm được 627,6km đường trục xã, làm được 585,8km đường trục thôn, làm được 700,1km đường ngõ xóm và 107,5km đường trục chính nội đồng.

- Tổng số km đường giao thông nông thôn đến thời điểm hiện tại là 11.011 km, đã cứng hóa được 4.955km, tỷ lệ cứng hóa đạt 45%.

(Chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo)

- Tổng số Km đường đến trung tâm xã hiện nay là 1.350km, đã được nhựa hóa, bê tông hóa được 1.218km đạt tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã là 90,2%

- Số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa là 161xã/181 xã đạt 88,9% (còn 20 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa).

(Chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo)

- Tổng số thôn trên địa bàn tỉnh là 1.850 thôn. Số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa là 1.202 thôn đạt tỷ lệ 65%.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Những mặt tích cực đã đạt được

- Tiếp tục khẳng định chủ trương phát triển đường GTNT trên địa bàn tỉnh với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Dân làm, nhà nước hỗ trợ” là một chủ trương đúng đắn, đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân, đặc biệt khu vực nông thôn.

- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho phát triển GTNT. Các công trình sau khi hoàn thành được bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả.

- Công tác xã hội hóa trong xây dựng đường GTNT thực hiện tốt, các địa phương đã huy động và kết hợp các nguồn lực của nhân dân và các tổ chức khác tham gia đầu tư xây dựng GTNT. Qua đó đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng; tạo không khí phấn khởi, tích cực tham gia đóng góp huy động nguồn lực để chung sức xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo người dân có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo trì đường làng, ngõ xóm.

- Năng lực quản lý và trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác GTNT ở các cấp đã dần được nâng lên. Đẩy nhanh tiến độ các thủ tục, tổ chức thi công; tận dụng được nguồn vật liệu địa phương, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn.

- Giao thông nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu lưu thông, giao lưu tiêu thụ hàng hoá nông, lâm sản, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn.

2. Những khó khăn hạn chế

a) Khó khăn, hạn chế

- Mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và có sự chuyển biến rõ rệt, nhưng hệ thống đường GTNT vẫn còn thấp kém, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới.

- Nhu cầu vốn đầu tư để phát triển hạ tầng GTNT còn lớn trong khi ngân sách của tỉnh còn nhiều hạn chế dẫn đến kinh phí hằng năm bố trí cho hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn còn khó khăn. Việc thực hiện cơ chế nhà nước hỗ trợ cả vật liệu cát, đá và một phần thi công cho các xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa đáp ứng đủ kinh phí theo nhu cầu.

- Công tác xã hội hóa làm đường GTNT thực hiện chưa đồng đều giữa các địa phương, một số nơi vẫn còn tư tưởng thụ động, phụ thuộc vào ngân sách tỉnh, chưa chủ động tiến hành lồng ghép được các nguồn vốn để tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng công trình.

- Cán bộ theo dõi công tác GTNT ở các cấp có nâng cao nhưng còn thiếu, yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ phụ trách giao thông ở cấp xã còn kiêm nhiệm nhiều, chưa được đào tạo, tập huấn về công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn nên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

b) Nguyên nhân

- Nguyên nhân khách quan

+ Do đặc điểm là tỉnh miền núi, vùng cao địa hình bị chia cắt bởi sông, suối, khe dọc, dân cư phân bố không tập trung nên các công trình đường giao thông thường có khối lượng lớn trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế dẫn đến việc đầu tư công trình nhằm phát triển giao thông nông thôn còn gặp rất nhiều khó khăn.

+ Nguồn kinh phí dành cho đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn còn phụ thuộc quá lớn vào phân bổ từ trung ương và thu ngân sách của tỉnh dẫn đến tình trạng trông chờ, ỷ lại ở một số địa phương.

+ Trình độ dân trí ở một số nơi còn thấp, các tuyến đường GTNT ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đời sống người dân còn khó khăn, dẫn đến việc huy động, đóng góp của người dân gặp nhiều hạn chế.

- Nguyên nhân chủ quan

+ Hàng năm, các ngành, các địa phương chưa thực sự chủ động phối hợp đề xuất lồng ghép các nguồn vốn cùng Đề án Phát triển Giao thông nông thôn. Nhiều địa phương được phân bổ vốn vẫn thực hiện thuê tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật để đầu tư các tuyến trục xã, trục thôn, dẫn đến thủ tục, thời gian lâu, tốn kém thêm chi phí, hiệu quả đầu tư không cao.

+ Quy hoạch phát triển GTNT trên địa bàn huyện, xã chưa được chú trọng, chất lượng chưa cao; các huyện chưa chủ động lập kế hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn ngay từ đầu năm dẫn đến sự lúng túng, thiếu chính xác trong việc tổng hợp, thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn.

+ Trình độ chuyên môn của Ban Quản lý dự án cấp xã còn nhiều hạn chế dẫn đến lúng túng trong thực hiện thủ tục đầu tư, công tác quản lý, giám sát xây dựng còn yếu, không kiểm soát được khối lượng xi măng đã phân bổ. Sự phối hợp hoạt động giữa Ban Quản lý dự án với phòng kinh tế - hạ tầng của một số huyện chưa tốt, dẫn đến việc chậm trễ, thiếu chính xác trong công tác quản lý, tổng hợp, báo cáo, đề xuất.

3. Bài học kinh nghiệm:

- Khẳng định những kết quả đã đạt được là phù hợp với mục tiêu, định hướng đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh;

- Nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, biết tập hợp các đoàn thể, chăm lo đến công tác tuyên truyền vận động phát động, thực hiện công khai minh bạch thì nơi đó có phong trào và kết quả làm đường GTNT tốt.

- Vai trò của Bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và thành tích trong phát triển đường GTNT.

- Sự nghiệp phát triển GTNT trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu là của dân, do dân, người dân trực tiếp được hưởng lợi; vì vậy cần gắn chặt trách nhiệm của người dân với công trình do họ làm nên, phân cấp cho nhân dân quản lý, sửa chữa, bảo trì và sử dụng có hiệu quả.

- Thường xuyên đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ phụ trách giao thông cấp xã về kỹ thuật, công tác quản lý, duy tu để họ tự làm, tự quản lý các công trình theo phân cấp, qua đó mới tăng hiệu quả khai thác sử dụng các công trình đã được đầu tư.

- Việc tổng kết, đánh giá, khen thưởng đúng lúc, đúng việc sẽ là động lực lớn để xây dựng phong trào, phát huy nội lực cho công tác phát triển GTNT.

Phần III

QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH VÀ CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

I. QUAN ĐIỂM

1. Quan điểm

a) Phát triển GTNT phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nhằm tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia với đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn bản; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển GTNT đi trước một bước tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn miền núi, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho các xã nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, củng cố an ninh - quốc phòng của địa phương và khu vực, làm giảm bớt sự chênh lệch, cách biệt mức độ phát triển giữa nông thôn và thành thị.

b) Xây dựng hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng, cần huy động nhiều nguồn lực, do đó phải có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển GTNT với phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Tuy nhiên phải khẳng định vai trò chủ thể của Nhân dân dựa vào nội lực cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước; khích lệ các thành phần kinh tế cùng tham gia; đảm bảo quan điểm là “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân thụ hưởng”, đồng thời kết hợp lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

c) Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, vật liệu mới, công nghệ tiên tiến kết hợp với sử dụng vật liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí xây dựng cho các công trình GTNT. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển GTNT, tiếp tục phân cấp cho các địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

d) Tập trung cho cứng hóa mặt đường trên cơ sở nền đường cũ hiện có, thực hiện đầu tư theo hướng áp dụng thiết kế mẫu, Nhà nước hỗ trợ tối đa về vật liệu để cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện, giảm những chi phí trung gian, rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

II. MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới đồng bộ mạng lưới GTNT của tỉnh đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển phục vụ có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách, nâng cao đời sống của đồng bào vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Đến hết năm 2025 đạt 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông1, 80% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa; nâng tỷ lệ cứng hóa 04 loại đường GTNT đạt tối thiểu 60%. Trong đó ưu tiên hoàn thành tiêu chí số 02 về giao thông của 115 xã trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể: trong giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 1.750km mặt đường GTNT các loại (tương ứng mỗi năm cứng hóa được 350km), nâng tổng số mặt đường GTNT được cứng hóa đến hết năm 2025 đạt 6.705km/11.011km (đạt tỷ lệ 60,89%). Đến năm 2025, tổng số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 1.480 thôn /1.850 thôn (đạt tỷ lệ 80%), cụ thể như sau:

- Đường trục xã: giai đoạn 2021-2025 cứng hoá thêm được 425km, nâng tổng chiều dài đường trục xã được cứng hóa đến hết năm 2025 là 1.758km/2.699km (đạt tỷ lệ 65%).

- Hệ thống đường trục thôn: giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 575km, nâng tổng chiều dài đường trục thôn được cứng hóa đến hết năm 2025 là 1.965km/3.300km (đạt tỷ lệ 60%).

- Hệ thống đường ngõ xóm: giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 675km, nâng chiều dài đường ngõ xóm được cứng hóa đến hết năm 2025 đạt 2.807km/4.666km (đạt tỷ lệ 60%).

- Hệ thống đường trục chính nội đồng: giai đoạn 2021-2025 cứng hóa thêm được 75km, nâng tổng chiều dài đường trục chính nội đồng được cứng hóa đến hết năm 2025 được 174km/346km (đạt tỷ lệ 50%).

III. NGUYÊN TẮC VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

1. Nguyên tắc

1.1. Chủ thể quản lý, đầu tư phát triển mạng lưới GTNT do cấp xã chủ động, chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trường hợp cấp xã không đủ năng lực thực hiện Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có trách nhiệm giao Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban quản lý dự án huyện thực hiện hoặc hướng dẫn, tăng cường cán bộ chuyên môn giúp cấp xã thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên phải đảm bảo điều kiện là không được tính các chi phí tư vấn, quản lý dự án để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn huy động được.

1.2. Phát triển đường GTNT chủ yếu với phương châm “dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trong đó Nhà nước hỗ trợ các loại vật tư, vật liệu chủ yếu gồm xi măng, cát, đá hoặc sỏi đổ bê tông (đối với mặt đường BTXM); đối với các tuyến gia cố nền đường bằng tro bay, tro xỉ, phụ gia, mặt đường đá dăm láng nhựa, sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật liệu chính, hỗ trợ chi phí máy, hỗ trợ thi công; hỗ trợ chi phí quản lý, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, thanh quyết toán công trình...

1.3. Đối tượng hỗ trợ

- Hệ thống đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, bao gồm: (1) đường trục xã; (2) đường trục thôn; (3) đường ngõ xóm; (4) đường trục chính nội đồng trong giai đoạn từ 2021 đến hết 2025.

- Phần mặt đường các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng.

- Các hạng mục khác như: nền đường, cầu, ngầm, cống, rãnh thoát nước không tính hỗ trợ đầu tư trong Đề án này.

1.4. Ngân sách tỉnh hỗ trợ đối với đường trục xã; ngân sách huyện hỗ trợ đối với đường trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng.

1.5. Các công trình do cấp xã, thôn tổ chức huy động cộng đồng dân cư, nhóm thợ, đơn vị thi công để tổ chức thực hiện, có sự kiểm soát của Nhà nước về kỹ thuật, vật tư, vật liệu.

1.6. Nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp phần vật liệu còn lại cùng tổ chức thi công xây dựng công trình.

2. Cơ chế thực hiện đầu tư

- Trình tự, thủ tục đầu tư công trình GTNT thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Đối với những công trình có quy mô kỹ thuật đơn giản, không phức tạp sử dụng “Thiết kế mẫu đường giao thông nông thôn”; được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Đối với những công trình có các hạng cầu, ngầm, cống, kè, rãnh thoát nước và các công trình phụ trợ khác chủ đầu tư phải lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện đồng bộ đảm bảo yêu cầu khai thác, sử dụng. Khuyến khích sự đóng góp và tự tổ chức thi công của nhân dân theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Thực hiện giám sát cộng đồng (các huyên, thành phố cử cán bộ kỹ thuật của phòng chuyên môn tham gia giám sát cùng cộng đồng dân cư).

3. Cơ chế hỗ trợ

3.1. Đường trục xã: Ngân sách tỉnh hỗ trợ

a) Mặt đường bê tông xi măng

- Hỗ trợ vật liệu: Hỗ trợ 100% vật liệu xi măng, cát, đá hoặc sỏi để xây dựng mặt đường bê tông xi măng.

- Hỗ trợ thi công: đối với các xã khu vực III và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới an toàn khu hỗ trợ 70% chi phí thi công (nhân công, máy, vật liệu phụ); các xã khu vực II hỗ trợ 50% chi phí thi công (nhân công, máy, vật liệu phụ); các xã khu vực I hỗ trợ 30% chi phí thi công (nhân công, máy, vật liệu phụ).

b) Mặt đường láng nhựa (sử dụng các chất gia cố: xi măng, tro bay, tro xỉ, phụ gia để gia cố nền, mặt đường được láng nhựa, nhũ tương hoặc cacboncor).

- Hỗ trợ vật liệu: hỗ trợ 100% vật liệu tro bay, tro xỉ, xi măng, nhựa đường, đá để gia cố nền và làm mặt đường.

- Hỗ trợ thi công: hỗ trợ 100% chi phí máy thi công. Đối với các xã khu vực III và các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới an toàn khu hỗ trợ 70% chi phí thi công (nhân công, vật liệu phụ), các xã khu vực II hỗ trợ 50% chi phí thi công (nhân công, vật liệu phụ), các xã khu vực I hỗ trợ 30% chi phí thi công (nhân công, vật liệu phụ).

3.2. Đường trục thôn: ngân sách huyện hỗ trợ a) Mặt đường bê tông xi măng

- Hỗ trợ vật liệu: hỗ trợ 100% vật liệu xi măng, cát, đá hoặc sỏi để xây dựng mặt đường bê tông xi măng.

- Các chi phí nhân công, vật liệu phụ Nhân dân tự khai thác, vận động trong cộng đồng cùng nhau đóng góp để thực hiện.

b) Mặt đường láng nhựa (sử dụng các chất gia cố: xi măng, tro bay, tro xỉ, phụ gia để gia cố nền, mặt đường được láng nhựa hoặc nhũ tương).

- Hỗ trợ vật liệu: hỗ trợ 100% vật liệu tro bay, tro xỉ, xi măng, nhựa đường, đá để gia cố nền và làm mặt đường.

- Hỗ trợ thi công: hỗ trợ 100% chi phí máy thi công. Các chi phí nhân công, vật liệu phụ do cộng đồng dân cư chủ động huy động, đóng góp... tự tổ chức thực hiện.

3.3. Đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng: ngân sách huyện hỗ trợ toàn bộ xi măng. Các chi phí cát, đá, nhân công, vật liệu phụ do cộng đồng dân cư chủ động huy động, đóng góp... tự tổ chức thực hiện.

3.4. Hỗ trợ chi phí khác: Nhà nước hỗ trợ các khoản chi khác cho đường trục xã, trục thôn gồm: tư vấn kỹ thuật, quản lý tiến độ, chất lượng thi công, lập hồ sơ dự toán công trình, lập hồ sơ thanh quyết toán,... với giá trị tối đa bằng 5% tổng dự toán được duyệt, tuy nhiên không quá 150 triệu/1 công trình.

3.5. Đóng góp của Nhân dân: tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp phần vật liệu còn lại và tự tổ chức thi công xây dựng công trình (thi công nền đường, đắp lề đường, rãnh thoát nước và đổ bê tông mặt đường, duy tu bảo dưỡng thường xuyên đường).

4. Quy mô áp dụng

- Đối với mặt đường BTXM: áp dụng 04 cấp (cấp A, cấp B, cấp C và cấp D) tương ứng với từng loại đường trục xã, trục thôn, trục chính nội đồng và đường ngõ xóm, cụ thể:

Cấp đường

Loại đường

Quy mô chính

Cấp A

Trục xã

Mặt đường 3,5m, dày 20cm

Cấp B

Trục xã, trục thôn

Mặt đường 3,0m, dày 18cm

Cấp C

Trục thôn, trục chính nội đồng

Mặt đường 2,0m, dày 14cm

Cấp D

Ngõ xóm

Mặt đường 1,0m, dày 10cm

- Đối với mặt đường láng nhựa: áp dụng cho loại đường trục xã, trục thôn có mặt đường rộng trung bình 3,5m, chiều dày gia cố 20cm, mặt đường láng nhựa.

(Chi tiết phương án tính toán tại Phụ lục số 03 kèm theo)

IV. NHU CẦU NGUỒN LỰC ĐẦU TƯ

1. Nhu cầu vốn đầu tư: Khối lượng thực hiện cho cả giai đoạn 2021-2025 1.750Km đường với tổng kinh phí là là 925,37 tỷ đồng, cụ thể như sau:

TT

Loại đường

Mục tiêu

Kinh phí

 

 

(Km)

(tỷ đồng)

1

Đường trục xã

425

356,3

2

Đường trục thôn

575

366,7

3

Đường ngõ, xóm

675

168,0

4

Đường trục chính nội đồng

75

34,4

 

Tổng cộng

1.750

925,4

- Cơ cấu vốn cụ thể như sau: vốn ngân sách hỗ trợ là 628,77 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 68%, vốn huy động khác là 296,60 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 32%.

(Chi tiết cơ cấu vốn tại Phụ lục số 04 kèm theo)

2. Nguồn vốn

a) Ngân sách tỉnh

- Nguồn vốn bố trí trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025.

- Bố trí từ nguồn chi khác ngân sách tỉnh.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác của tỉnh.

b) Ngân sách huyện:

- Vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách huyện hỗ trợ xi măng.

- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn chi khác ngân sách huyện hỗ trợ cát, đá, hỗ trợ thi công và chi phí khác cho đường trục thôn, ngõ xóm và trục chính nội đồng.

c) Các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các nguồn vốn khác được thực hiện lồng ghép để thi công nền đường, cầu, ngầm, cống, kè, rãnh thoát nước… được phân bổ chi tiết khi duyệt kế hoạch hàng năm.

3. Phân cấp vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ: tổng vốn Nhà nước hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 là 628,76 tỷ đồng, cụ thể như sau:

a) Ngân sách tỉnh hỗ trợ cả giai đoạn là 311,73 tỷ đồng, mỗi năm bố trí 62,35 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng đường trục xã, gồm:

- Nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ 150 tỷ đồng, tương ứng 30 tỷ đồng/năm.

- Bố trí từ nguồn chi khác ngân sách tỉnh là 75,0 tỷ đồng, tương ứng 15,0 tỷ đồng/năm.

- Các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ 86,0 tỷ đồng, tương ứng 17,2 tỷ đồng/năm.

b) Ngân sách huyện hỗ trợ cả giai đoạn là 317,03 tỷ đồng, mỗi năm trung

bình 63,41 tỷ đồng để hỗ trợ cho các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, trục chính nội đồng, bình quân mỗi huyện 6,3 tỷ đồng/năm, trong đó:

- Vốn đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách huyện hỗ trợ 3,0 tỷ đồng/năm cho xi măng.

- Các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn dự phòng, nguồn chi khác ngân sách huyện và các nguồn hợp pháp khác hỗ trợ cát, đá, thi công và chi phí khác là 3,3 tỷ đồng/năm.

(Chi tiết nguồn vốn, phân cấp hỗ trợ có phụ lục số 05 kèm theo)

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai nhiệm vụ phát triển đường giao thông nông thôn; tăng cường công tác tuyên truyền sâu, rộng trong các tầng lớp Nhân dân về chủ trương xây dựng đường GTNT theo hình thức “Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân làm”, “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý và dân thụ hưởng” để Nhân dân hiểu, tự giác và chủ động triển khai thực hiện.

2. Giải pháp về vốn: Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách, thực hành tiết kiệm chi thường xuyên để tăng nguồn thu, bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng GTNT; tranh thủ tối đa các nguồn vốn của trung ương, vốn các chương trình mục tiêu (nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS-MN), vốn TPCP... nguồn vốn ODA và các nguồn hợp pháp khác để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; huy động vốn đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức (nhất là các doanh nghiệp khai thác, chế biến, tiêu thụ khoáng sản), cá nhân, các nhà hảo tâm, các Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng hạ tầng giao thông trong khu vực để xây dựng đường GTNT.

3. Về nguồn nhân lực: tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ, năng lực phục vụ quản lý ngành; có chính sách đãi ngộ thoả đáng nhằm giữ và thu hút nhân tài; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ tiếp cận những tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật; thực hiện đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ hiện có nhằm đáp ứng được nhiệm vụ trong thời gian tới.

4. Áp dụng khoa học kỹ thuật: tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, tiêu chuẩn kỹ thuật, khuyến khích áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới; mua thiết bị thi công kèm chuyển giao công nghệ tiên tiến hiện đại để đáp ứng yêu cầu.

5. Hợp tác quốc tế: đẩy mạnh giao lưu, trao đổi nhằm nâng cao trình độ, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực quản lý nhà nước về GTNT.

6. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án ở cấp huyện va cấp xã để giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp mình tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Cấp huyện, thành phố: thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án với thành phần Trưởng ban là đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân; các thành viên gồm lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn; cơ quan Thường trực là phòng Kinh tế và Hạ tầng của huyện, phòng Quản lý đô thị của thành phố.

2. Cấp xã, phường, thị trấn: thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án do Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn hoặc Chủ tịch xã, phường, thị trấn (tuỳ theo từng địa phương) làm Trưởng ban, thành viên là đại diện các đoàn thể chính trị và các bộ phận chuyên môn (cơ cấu, số lượng thành viên do xã, phường, thị trấn quyết định). Cấp xã cử 01 cán bộ chuyên môn làm nhiệm vụ chuyên trách theo dõi thực hiện.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP

1. Sở Giao thông vận tải:

a) Làm cơ quan đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án; theo dõi, tổng hợp, định kỳ hằng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Đề án.

b) Chủ trì phối hợp Sở Tài chính và cơ quan liên quan cân đối bố trí vốn sự nghiệp giao thông thực hiện đề án theo kế hoạch năm đã phê duyệt.

c) Hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trong thực hiện công tác quản lý chất lượng xây dựng và quản lý, bảo trì công trình GTNT;

d) Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn cơ chế thực hiện đầu tư để triển khai thực hiện.

đ) Tổng hợp danh mục các công trình GTNT cần được hỗ trợ đầu tư xây dựng cho từng huyện, thành phố, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 9 của năm trước để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch kế hoạch đầu tư công năm sau.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch

vốn hàng năm và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch hằng năm cho việc thực hiện Đề án.

b) Chủ trì phối hợp cơ quan liên quan cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công vốn NSĐP (ngân sách tỉnh) hằng năm thực hiện hỗ trợ đường trục xã theo nội dung Đề án.

c) Tham mưu lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS- MN) theo danh mục công trình phân bổ hàng năm.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan cân đối, bố trí kế hoạch vốn hằng năm thực hiện hỗ trợ đường trục xã theo nội dung Đề án

4. Các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

5. Các Sở, ngành liên quan: Theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ thực hiện Đề án này.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Lập kế hoạch hằng năm cho việc thực hiện Đề án.

- Cân đối bố trí các nguồn vốn ngân sách huyện, kế hoạch đầu tư công ngân sách huyện hằng năm thực hiện nội dung các trục đường còn lại (trục thôn, ngõ xóm, nội đồng...), chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có) theo Đề án.

- Kiểm tra, theo dõi, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã trong quá trình tổ chức thực hiện. Bố trí kinh phí hỗ trợ theo danh mục các công trình GTNT cần được hỗ trợ từ nguồn ngân sách huyện, thành phố theo quy định.

- Lập danh mục các đường trục xã cần được hỗ trợ đầu tư xây dựng, gửi Sở Giao thông vận tải trước ngày 15 tháng 9 của năm trước để tổng hợp.

b) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động, phát động thi đua thực hiện phong trào phát triển giao thông nông thôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.

c) Chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát, đăng ký danh mục đường trục thôn, ngõ xóm và trục chính nội đồng cần hỗ trợ để xây dựng kế hoạch thực hằng năm theo quy định.

d) Thực hiện việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) về tình hình, kết quả thực hiện Đề án.

7. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:

a) Đăng ký danh mục đường trục thôn, ngõ xóm và trục chính nội đồng cần hỗ trợ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ từ ngân sách huyện, thành phố hằng năm theo quy định.

b) Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển GTNT; quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng các công trình GTNT trên địa bàn được giao quản lý.

c) Chủ trì triển khai, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý mọi mặt công tác phát triển GTNT trên địa bàn.

d) Rà soát, Quyết định loại đường trục thôn, ngõ xóm và trục chính nội đồng, trên cơ sở thẩm định, thỏa thuận bằng văn bản của Phòng chuyên môn cấp huyện.

đ) Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố về tình hình triển khai và kết quả thực hiện phát triển GTNT trên địa bàn.

e) Tổ chức bàn giao các tuyến đường đã xây dựng, nghiệm thu xong cho thôn, cụm dân cư sử dụng, quản lý và bảo trì.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tổ chức phổ biến, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án; tham gia tích cực việc giám sát cộng đồng đối với các hoạt động xây dựng va phát triển GTNT./.



1 Đối với 132km đường đến trung tâm 20 xã hiện nay chưa được rải nhựa hoặc bê tông theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.