Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND quy định về khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
Số hiệu: 12/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Phạm Hoàng Sơn
Ngày ban hành: 11/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUY
Ê
N
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2020/NQ-HĐND

Thái Nguyên, ngày 11 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH KHU VỰC THUỘC NỘI THÀNH CỦA THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, THỊ TRẤN, KHU DÂN CƯ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI VÀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHI NGỪNG HOẠT ĐỘNG CHĂN NUÔI HOẶC DI DỜI CƠ SỞ CHĂN NUÔI RA KHỎI KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÉP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi;

Xét Tờ trình số 131/TTr-UBND, ngày 23 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài có cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

Điều 2. Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh không được phép chăn nuôi

1. Khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm, bao gồm: Các phường, thị trấn, khu dân cư thuộc các thành phố, thị xã, các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm từ 85% trở lên và tổng diện tích nhóm đất phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ từ 80% trở lên so với tổng diện tích đất tự nhiên.

2. Thời hạn các cơ sở chăn nuôi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp tối đa là 05 năm kể từ khi quyết định công bố khu vực không được phép chăn nuôi của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

3. Căn cứ vào tiêu chí quy định khu vực không được phép chăn nuôi tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết này, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định danh sách các phường, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Quy định chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi

1. Hỗ trợ do mất việc làm; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trực tiếp tại cơ sở chăn nuôi khi ngừng hoạt động chăn nuôi.

a) Số lao động được hỗ trợ theo quy mô chăn nuôi như sau:

- Chăn nuôi nông hộ: 01 lao động thường xuyên/cơ sở.

- Trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ: Không quá 02 lao động thường xuyên/cơ sở.

- Trang trại chăn nuôi quy mô vừa: Không quá 05 lao động thường xuyên/cơ sở.

- Trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Không quá 10 lao động thường xuyên/cơ sở.

Ngoài các quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 còn được ưu tiên hỗ trợ tham gia đào tạo nghề và tuyển dụng lao động theo quy định trên địa bàn tỉnh.

b) Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/01 tháng/01 lao động thường xuyên.

c) Thời gian hỗ trợ: 03 tháng.

d) Phương thức thực hiện: Hỗ trợ một lần sau khi cơ sở ngừng hoạt động chăn nuôi.

2. Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, với mức hỗ trợ một lần là 100.000 đồng/m2 chuồng trại. Tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/trang trại quy mô nhỏ; 100 triệu đồng/trang trại quy mô vừa; 150 triệu đồng/trang trại quy mô lớn. Phương thức hỗ trợ một lần chi phí sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành di dời đến địa điểm phù hợp.

3. Hỗ trợ đầu tư xây dựng mới đối với cơ sở chăn nuôi

Các cơ sở chăn nuôi di dời từ vùng không được phép chăn nuôi sang vùng được phép chăn nuôi khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định được hưởng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư theo Nghị định số 57/2018/NĐ - CP ngày 17 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các chính sách hỗ trợ chăn nuôi được phê duyệt của tỉnh Thái Nguyên.

Điều 4. Nguyên tắc, điều kiện, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ và kinh phí hỗ trợ

1. Nguyên tắc, điều kiện, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ

a) Cơ sở chăn nuôi thuộc diện phải ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi mà không thực hiện theo quy định sẽ không được hưởng hỗ trợ theo chính sách này và bị xử lý cưỡng chế ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

b) Quy mô chăn nuôi để được hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc hỗ trợ do mất việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động trực tiếp tại cơ sở chăn nuôi khi ngừng hoạt động chăn nuôi: chăn nuôi nông hộ (từ 01- dưới 10 đơn vị vật nuôi), chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi), chăn nuôi trang trại quy mô vừa (từ 30 đến dưới 300 đơn vị vật nuôi), chăn nuôi trang trại quy mô lớn (từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên).

c) Cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết này được thụ hưởng chính sách hỗ trợ một lần, nếu có nhiều chính sách hỗ trợ thì được lựa chọn chính sách hỗ trợ cao nhất. Trong trường hợp cơ sở chăn nuôi đã được hưởng chính sách hỗ trợ tại khoản 1 Điều 3 sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết này.

d) Cơ sở chăn nuôi phát sinh sau ngày Quyết định công bố khu vực không được phép chăn nuôi có hiệu lực thi hành thì không được hưởng chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết này, đồng thời phải bị xử lý theo các quy định của pháp luật.

đ) Người lao động được thụ hưởng chính sách tại Nghị quyết này phải có hợp đồng lao động với chủ cơ sở hoặc có tên trong danh sách trả lương và trong sổ thanh toán lương của cơ sở, có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Đối với người lao động vừa làm trực tiếp vừa là chủ cơ sở (chăn nuôi nông hộ) phải có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

e) Chủ cơ sở di dời phải hoàn chỉnh hồ sơ và có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở chăn nuôi phải di dời. Việc xác nhận chi phí hỗ trợ phải do các phòng, ban chuyên môn cấp huyện thẩm định và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

g) Chủ cơ sở chăn nuôi phải thực hiện kê khai chăn nuôi; có kế hoạch, phương án, dự án ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi; thực hiện đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt.

2. Kinh phí hỗ trợ

Kinh phí hỗ trợ quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này được cân đối trong dự toán ngân sách của tỉnh giao cho các huyện, thành phố, thị xã hằng năm.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII, Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Báo cáo);
- Chính phủ (Báo cáo);
- Bộ Tài chính (Báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Báo cáo);
- Cục Kiểm tra VB QPPL - Bộ Tư pháp (kiểm tra);
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIII;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục thi hành án dân sự tỉnh;
- Kiểm toán Nhà nước Khu vực X;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh;
- LĐ Văn phòng HĐND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên, Trung tâm thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, TH.

CHỦ TỊCH




Phạm Hoàng Sơn

 





Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi Ban hành: 21/01/2020 | Cập nhật: 23/01/2020