Quyết định 1201/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu: 1201/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Mai Thanh Thắng
Ngày ban hành: 23/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1201/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 23 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ ĐẾN NĂM 2015 VÀ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch được duyệt đúng mục tiêu, đạt kết quả đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế; Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban Chỉ đạo thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Thanh Thắng

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ ĐẾN NĂM 2015 VÀ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 23/4/2013 của UBND tỉnh Bình Định)

Phần I

CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở;

- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020;

- Quyết định số 28/2008/QĐ-UBND ngày 08/9/2008 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành quy hoạch phát triển hệ thống Y tế tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

- Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 22/8/2011 của Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến 2020”;

- Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 05/9/2011 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2015.

II. THỰC TRẠNG Y TẾ XÃ

1. Tình hình thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010:

Đến tháng 9 năm 2011, toàn tỉnh có 150 xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2001 - 2010 (sau đây gọi tắt là Chuẩn), đạt tỷ lệ 94,3%; 09/11 huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là huyện) có 100% số xã đạt Chuẩn là thành phố Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Hoài Ân và Vĩnh Thạnh.

Việc thực hiện Chuẩn đã được ngành Y tế và chính quyền các địa phương trong tỉnh tích cực tổ chức thực hiện, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tại các xã đạt Chuẩn, công tác y tế được triển khai thực hiện có nề nếp, khoa học và toàn diện; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực trạm y tế cơ bản được chuẩn hóa, các hoạt động chuyên môn có chất lượng và đạt hiệu quả. Tuy nhiên y tế xã vẫn còn những khó khăn, tồn tại, chủ yếu là:

- Vệ sinh môi trường tại nhiều địa phương chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh, xử lý rác thải và phân gia súc hợp vệ sinh còn ở mức thấp.

- Công tác khám, quản lý sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật, học sinh ở nhiều đơn vị chưa đạt chỉ tiêu theo quy định; thiếu sự chỉ đạo, hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương để duy trì hoạt động này.

- Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và tỷ lệ xã có chuyên trách y học cổ truyền còn thấp.

- Nhân lực một số trạm y tế vẫn chưa đủ về số lượng và các chức danh chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.

- Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của nhiều trạm y tế chưa đủ theo các quy định hiện hành.

- Tại một số địa phương đã đạt Chuẩn, chất lượng hoạt động chuyên môn y tế chưa được duy trì và nâng cao, kết quả đạt được những năm sau thấp hơn so với năm đạt Chuẩn.

2. Kết quả điều tra, khảo sát thực trạng y tế xã theo Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020:

a. Kết quả chung:

Năm 2012, ngành Y tế đã tổ chức khảo sát thực trạng về y tế của 159 xã trên địa bàn tỉnh theo các tiêu chí nêu trong Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011- 2020 (sau đây gọi tắt là BTCQGYTX). Kết quả khảo sát như sau:

- Điểm trung bình của y tế các xã là 67,1 điểm; xã có điểm thấp nhất là 33,0 điểm; xã có điểm cao nhất là 93,0 điểm. Có 01 xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã (đạt 93,0 điểm và không có điểm liệt).

- Điểm trung bình của các xã thuộc khu vực thành thị là 70,1 điểm; đồng bằng là 68,2 điểm và miền núi là 63,7 điểm. Điểm trung bình của các xã thuộc khu vực thành thị và đồng bằng cao hơn so với các xã thuộc khu vực miền núi.

- Điểm trung bình của các xã thuộc đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn là 63,5 điểm; các xã không thuộc vùng khó khăn là 69,2 điểm.

- Điểm trung bình của các xã có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 62,4 điểm; các xã không thuộc diện xã đặc biệt khó khăn là 68,6 điểm.

- Điểm trung bình của các xã đã đạt Chuẩn là 68,5 điểm; các xã chưa đạt Chuẩn là 45,1 điểm.

b. Kết quả thực hiện các tiêu chí cụ thể:

- Tiêu chí 1: Chỉ đạo, điều hành công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân

Có 39 xã (24,5%) đạt điểm tối đa; 4 xã (2,5%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn; 8 xã (5%) bị điểm liệt do không có Ban Chỉ đạo (BCĐ) hoặc có BCĐ nhưng không hoạt động.

Chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là BCĐ không có đủ quy chế làm việc hoặc kế hoạch hoạt động hàng năm hoặc không có đủ biên bản các cuộc họp định kỳ, họp đột xuất (69,2%).

- Tiêu chí 2: Nhân lực y tế

Không xã nào đạt điểm tối đa; 20 xã (12,6%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 84 xã (52,8%) không đủ số lượng cán bộ trạm y tế (TYT) trong định biên theo quy định; 124 xã (78%) không đủ cơ cấu cán bộ TYT theo quy định; 100% số xã không đạt về đào tạo nhân viên TYT; 79 xã (49,7%) không đạt về đào tạo nhân viên y tế thôn (NVYTT).

- Tiêu chí 3: Cơ sở hạ tầng trạm y tế xã

Có 7 xã (4,4%) đạt điểm tối đa, 5 xã (3,1%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 81 TYT (50,9%) có diện tích xây dựng và sử dụng của khối nhà chính chưa đạt yêu cầu theo quy định; 57 trạm (35,8%) thiếu phòng chức năng; 71 trạm (44,7%) bố trí các phòng chức năng chưa phù hợp theo quy định; 91 trạm (57,2%) không đủ các công trình phụ trợ; 112 trạm (70,4%) xử lý chất thải tại trạm chưa đúng quy định. Ngoài ra có 6 trạm (3,8%) có diện tích mặt bằng đất chưa đạt yêu cầu.

- Tiêu chí 4: Trang thiết bị, thuốc và phương tiện khác

Không xã nào đạt điểm tối đa; 44 xã (27,7%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn; 63 xã (39,6%) bị điểm liệt do TYT có dưới 50% số chủng loại trang thiết bị.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 149 TYT (93,7%) không có đủ số chủng loại trang thiết bị theo quy định; 85 trạm (53,5%) có bác sỹ nhưng không có loại trang thiết bị nào theo quy định đối với TYT có bác sỹ; 102 trạm (64,2%) có dưới 70% số loại thuốc theo danh mục quy định; việc cung cấp, bổ sung, thay thế vật tư tiêu hao, hóa chất, dụng cụ phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình cho TYT, YTT và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng TYT còn hạn chế.

- Tiêu chí 5: Kế hoạch - Tài chính

Có 17 xã (10,7%) đạt điểm tối đa, 8 xã (5%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 115 xã (72,3%) có tỷ lệ người dân tham gia BHYT chưa đạt theo quy định; 44 trạm (27,7%) chưa được UBND xã, huyện quan tâm hỗ trợ bổ sung kinh phí để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

- Tiêu chí 6: Y tế dự phòng, vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế

10 xã (6,3%) đạt điểm tối đa; 13 xã (8,2%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 52 xã (32,7%) chưa thực hiện đạt yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh; 59 xã (37,1%) chưa đạt yêu cầu về chỉ tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; 50 xã (31,4%) chưa đạt yêu cầu về các hoạt động đảm bảo ATVSTP; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên và tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2011 còn cao; 79 xã (49,7%) chưa đạt yêu cầu về các hoạt động phòng chống HIV/AIDS; 98 xã (61,6%) chưa đạt yêu cầu về việc phát hiện, điều trị, quản lý và theo dõi các bệnh dịch nguy hiểm, bệnh xã hội và bệnh mạn tính không lây theo hướng dẫn của y tế tuyến trên; 91 xã (57,2%) chưa đạt yêu cầu về tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Tiêu chí 7: Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền

10 xã (6,3%) đạt điểm tối đa; 69 xã (43,4%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn; 30 xã (18,9%) bị điểm liệt do thực hiện dưới 50% số dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực khám chữa bệnh theo quy định cho tuyến xã.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: tỷ lệ triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo quy định tại TYT xã thấp với 122 trạm (76,7%) triển khai dưới 80% số dịch vụ; tỷ lệ khám chữa bệnh y học cổ truyền thấp với 130 trạm (91,8%) ở mức dưới 30%; 39 trạm (24,5%) quản lý sức khỏe người khuyết tật chưa đạt yêu cầu; 50 trạm (31,4%) quản lý sức khỏe người cao tuổi chưa đạt yêu cầu.

- Tiêu chí 8: Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em

Có 38 xã (23,9%) đạt điểm tối đa; 1 xã (0,6%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Chỉ tiêu chưa đạt chủ yếu là tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao so với quy định; 73 xã (45,9%) chưa đạt và 46 xã (28,9%) đạt ở mức thấp.

- Tiêu chí 9: Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

24 xã (15,1%) đạt điểm tối đa; 16 xã (10,1%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 92 xã (57,9%) có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao; 35 xã (22%) có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2011 còn cao; việc tham gia và phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh chưa tốt ở 33 xã (20,8%).

- Tiêu chí 10: Truyền thông - Giáo dục sức khỏe

12 xã (7,6%) đạt điểm tối đa; 81 xã (50,9%) bị điểm liệt vì đạt dưới 50% số điểm chuẩn.

Các chỉ tiêu, nội dung chưa đạt chủ yếu là: 115 TYT (72,3%) chưa có đủ các trang thiết bị truyền thông theo quy định; 134 trạm (84,3%) chưa có đủ các tài liệu, công cụ truyền thông; 80 trạm (50,3%) thực hiện chưa đầy đủ việc TT-GDSK và tư vấn về sức khỏe khi người dân đến khám chữa bệnh hoặc khi đến thăm hộ gia đình, TT-GDSK trong trường học tại địa phương.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ ĐẾN NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến xã nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ở từng địa phương trong tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2015: có ít nhất 96/159 xã (60% số xã) được tỉnh công nhận thực hiện đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; trong đó có 27 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2020: có ít nhất 128/159 xã (80% số xã) được tỉnh công nhận thực hiện đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; trong đó có 65 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 của tỉnh.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến xã nhằm bảo đảm cung cấp cho mọi người dân các dịch vụ y tế cơ bản, thuận lợi, từng bước tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân giữa các vùng trong tỉnh.

2. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, nhất là ở tuyến cơ sở trong tổ chức thực hiện các hoạt động y tế ở địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các hoạt động y tế tại cộng đồng; lồng ghép việc thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

3. Tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho Trưởng trạm y tế và năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế xã, thôn; củng cố tổ chức mạng lưới y tế xã, thôn đủ về số lượng và có cơ cấu chuyên môn phù hợp.

4. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho trạm y tế để đáp ứng với các quy định của BTCQGYTX và nhu cầu triển khai các hoạt động y tế tại tuyến xã. Thường xuyên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu y tế ở tuyến xã.

5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để hỗ trợ việc thực hiện BTCQGYTX ở các xã; lồng ghép việc thực hiện BTCQGYTX vào các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của ngành Y tế và các chương trình, mục tiêu kinh tế - xã hội khác ở địa phương.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU

1. Về tổ chức, chỉ đạo thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã:

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện BTCQGYTX giai đoạn 2011 - 2020 ở tuyến tỉnh, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến huyện (hoặc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện BTCQGYTX của huyện) để giúp UBND tỉnh, huyện chỉ đạo thực hiện BTCQGYTX tại địa phương.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến xã để giúp UBND xã chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện BTCQGYTX tại tuyến xã.

- Tham mưu đưa chỉ tiêu thực hiện BTCQGYTX giai đoạn 2011 - 2020 vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp, từ đó UBND các cấp xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và chỉ đạo thực hiện.

- Huy động các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp và cộng đồng tích cực tham gia triển khai các chương trình y tế tại địa phương.

2. Kiện toàn mạng lưới y tế xã:

- Tiếp tục phân bổ chỉ tiêu nhân lực cho y tế xã, đảm bảo đủ định biên theo quy định của Liên Bộ Nội vụ - Bộ Y tế.

- Tuyển dụng, rà soát lại, sắp xếp cán bộ chuyên môn và tăng cường đào tạo nhằm đảm bảo cơ cấu cán bộ trạm y tế xã phù hợp theo quy định của BTCQGYTX. Tiếp tục đào tạo bác sĩ tuyến xã, ưu tiên nguồn tại chỗ; phấn đấu đến năm 2020, 98% số trạm y tế xã có bác sĩ trong biên chế.

- Đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho Trưởng trạm y tế. Thực hiện tốt việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế xã theo quy định của Bộ Y tế.

- Đào tạo chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và y tế thôn theo chương trình Bộ Y tế quy định.

- Thường xuyên tập huấn để nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ của trạm y tế; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ và mở các lớp tập huấn ngắn ngày theo từng chuyên đề tại Trung tâm Y tế huyện.

3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

- Có kế hoạch đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các trạm y tế hàng năm theo hướng đảm bảo quy định về cơ sở vật chất nêu trong BTCQGYTX; tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã đăng ký thực hiện đạt BTCQGYTX.

- UBND các huyện, xã hỗ trợ đầu tư duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng trạm y tế hàng năm để đảm bảo phục vụ cho việc triển khai các hoạt động y tế; mở rộng diện tích đối với trạm y tế hiện chưa đạt diện tích đất theo quy định, đối với các trạm y tế không còn khả năng mở rộng thêm diện tích đất thì cần xem xét địa điểm mới để xây dựng trạm y tế và chỉ cải tạo, sửa chữa nhỏ các trạm y tế này hàng năm để phục vụ nhân dân để tránh lãng phí.

- Tổ chức trồng cây xanh, xây dựng vườn thuốc nam mẫu trong trạm.

- Đảm bảo 100% trạm y tế có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh.

4. Đầu tư trang thiết bị:

- Đầu tư trang thiết bị chuyên môn, trang thiết bị truyền thông cho y tế xã theo quy định của Bộ Y tế; từng bước bổ sung các trang thiết bị theo quy định đối với trạm y tế có bác sỹ để phù hợp với năng lực và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tại địa phương.

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời túi y tế thôn, vật tư tiêu hao, trang thiết bị truyền thông cho y tế thôn và gói đỡ đẻ sạch cho các xã miền núi có nhu cầu. Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế kịp thời các trang thiết bị hư hỏng để đảm bảo nhu cầu hoạt động của y tế xã, thôn.

5. Cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao:

- Ngành Y tế tổ chức đảm bảo đầy đủ, kịp thời các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế tiêu hao cho hoạt động phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, phòng chống bão lụt, thực hiện các chương trình mục tiêu về y tế và hoạt động y tế khác tại xã.

- UBND huyện, xã hàng năm cân đối, bổ sung thêm kinh phí để trạm y tế tổ chức thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bão lụt, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, khám và quản lý sức khỏe cho người cao tuổi, người khuyết tật tại xã.

6. Tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn:

- Ngành Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn y tế xã, thôn triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo các yêu cầu của BTCQGYTX.

- UBND các cấp có trách nhiệm huy động sự tham gia, phối hợp của các ban, ngành, hội, đoàn thể; huy động sự tham gia của người dân trong việc triển khai các hoạt động y tế tại cộng đồng.

7. Công tác kiểm tra, giám sát:

- Ngành Y tế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hỗ trợ các xã trong việc tổ chức thực hiện BTCQGYTX.

- Ban chỉ đạo thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã tại địa phương mình.

8. Hỗ trợ kinh phí để khuyến khích việc thực hiện và công nhận thực hiện cho đơn vị thực hiện đạt BTCQGYTX:

- Thực hiện hỗ trợ để khuyến khích xã, huyện thực hiện đạt BTCQGYTX.

- Đối với xã đăng ký thực hiện đạt Bộ Tiêu chí lần đầu, huyện đăng ký 100% số xã thực hiện đạt BTCQGYTX: Chuyển kinh phí hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện vào năm đăng ký để mua sắm trang thiết bị bổ sung cho trạm y tế theo danh mục trang thiết bị quy định cho y tế xã hoặc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị hiện có.

Mức hỗ trợ: 20.000.000 đồng/TYT xã và 50.000.000 đồng/TTYT huyện. Chỉ hỗ trợ 1 lần đối với TYT xã được công nhận thực hiện đạt TCQGYTX, 1 lần đối với TTYT huyện khi 100% số xã trên địa bàn được công nhận thực hiện đạt TCQGYTX.

Nguồn kinh phí: từ nguồn chi sự nghiệp y tế trong dự toán ngân sách phân bổ hàng năm cho ngành Y tế.

- UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đạt TCQGYTX cho xã thực hiện đạt BTCQGYTX lần đầu.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

- Từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính Phủ.

- Hàng năm, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan thực hiện việc lập dự toán kinh phí theo quy định, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các hoạt động theo các nội dung của Kế hoạch này.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình, dự án để củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo nội dung Kế hoạch này, trình UBND tỉnh phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Y tế: Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Bình Định (sau đây gọi tắt là BCĐ tỉnh) chịu trách nhiệm:

- Căn cứ nội dung Kế hoạch này, chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện BTCQGYTX và dự toán kinh phí thực hiện hàng năm; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch được duyệt.

- Hướng dẫn UBND các huyện xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm của huyện và triển khai thực hiện đạt mục tiêu Kế hoạch đề ra.

- Chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực y tế liên quan đến việc thực hiện BTCQGYTX trên địa bàn tỉnh.

- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức các cuộc họp của BCĐ tỉnh, UBND tỉnh và các cuộc họp liên ngành; chủ động đề xuất các biện pháp giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Hàng năm, chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan với tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát để đánh giá kết quả thực hiện ở các TYT xã.

- Thành lập Hội đồng xét công nhận xã đạt TCQGYTX và Tổ thư ký xét công nhận xã đạt TCQGYTX theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện BTCQGYTX; tổng hợp các số liệu báo cáo BCĐ tỉnh, UBND tỉnh, Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan.

2. Trách nhiệm của Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trong việc tham mưu đề xuất phân bổ chỉ tiêu biên chế cho trạm y tế xã theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trong tham mưu bổ sung nhân viên y tế thôn cho các xã theo quy định của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong tổ chức đào tạo, chuẩn hóa mạng lưới y tế xã, thôn.

3. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Tham mưu lồng ghép việc thực hiện BTCQGYTX trong tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan trong thực hiện công tác phòng chống dịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện chỉ tiêu đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh và sử dụng nhà tiêu hợp hợp vệ sinh đối với các hộ gia đình nông thôn theo quy định của BTCQGYTX.

- Phối hợp trong các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho BCĐ tỉnh (qua Sở Y tế) và UBND tỉnh.

4. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này, trên cơ sở đề xuất của Sở Y tế, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, cân đối bố trí nguồn kinh phí đầu tư, nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia, lồng ghép các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện BTCQGYTX đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

5. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Y tế cân đối kinh phí thường xuyên, kinh phí sự nghiệp để thực hiện Kế hoạch này đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

- Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định tài chính đối với y tế xã và kinh phí thực hiện BTCQGYTX.

6. Trách nhiệm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

- Hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội khác trên địa bàn.

- Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT đến cộng đồng dân cư; vận động người dân tham gia BHYT theo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và 2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định, đã được UBND tỉnh ban hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật, trẻ em dưới 16 tuổi và các đối tượng chính sách tại cộng đồng.

7. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế thực hiện truyền thông - giáo dục sức khỏe trong trường học, thực hiện công tác y tế trường học.

- Phối hợp với Sở Y tế trong phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích trong trường học.

8. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định:

- Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành liên quan thực hiện các hoạt động thông tin - truyền thông về hoạt động của y tế cơ sở, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

- Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền về Kế hoạch và kết quả thực hiện BTCQGYTX.

9. Trách nhiệm của Trường Cao đẳng Y tế:

- Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, tổ chức đào tạo, chuẩn hóa chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế xã, thôn theo đề nghị của Sở Y tế.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc thẩm định, đề xuất phê duyệt các chương trình, nội dung đào tạo liên tục cho cán bộ y tế.

10. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo Kế hoạch mà UBND tỉnh đã ban hành; tổ chức in ấn, phát hành thẻ BHYT kịp thời đến các đối tượng.

- Hàng năm, tổ chức thống kê, báo cáo cho BCĐ tỉnh (qua Sở Y tế) số lượng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại từng xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện BTCQGYTX.

- Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh BHYT tại tuyến xã.

11. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức triển khai quán triệt nội dung Kế hoạch này đến các ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

- Chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện BTCQGYTX của huyện, thị xã, thành phố tại các xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế để xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm của địa phương mình và triển khai thực hiện kế hoạch đạt mục tiêu, kết quả đề ra.

- Tham mưu đưa chỉ tiêu thực hiện BTCQGYTX vào nghị quyết của HĐND huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo việc đưa chỉ tiêu thực hiện BTCQGYTX vào nghị quyết của HĐND các xã, phường, thị trấn.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân của địa phương (hoặc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện BTCQGYTX) để giúp UBND chỉ đạo thực hiện đạt BTCQGYTX ở địa phương.

- Đầu tư thêm kinh phí và huy động các ngành, đoàn thể có liên quan phối hợp thực hiện BTCQGYTX; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các chương trình mục tiêu trong lĩnh vực y tế.

- Hỗ trợ kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho trạm y tế; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn hỗ trợ kinh phí nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng cho trạm y tế; bổ sung kinh phí cho các hoạt động chuyên môn hàng năm của trạm y tế.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho BCĐ tỉnh (qua Sở Y tế) và UBND tỉnh.

12. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu về y tế, các hoạt động về y tế triển khai tại địa bàn dân cư, nhằm mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân trong tỉnh và thực hiện đạt BTCQGYTX.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần phải điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch này cho phù hợp với tình hình thực tế, các đơn vị, địa phương gửi ý kiến đề xuất về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo BCĐ tỉnh và UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời./

 

PHỤ LỤC 1:

DANH SÁCH CÁC XÃ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 23/4/2014 của UBND tỉnh Bình Định)

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Xã chọn làm thí điểm

Các xã hoàn thành đến 2015

Các xã hoàn thành đến 2020

Tổng số xã/ huyện, thị xã, hành phố

1

Quy Nhơn

 

Phước Mỹ, Nhơn Lý

Nhơn Hội, Nhơn Hải, Nhơn Châu

5

2

Tây Sơn

Bình Nghi

Bình Tường, Tây An

Bình Hòa, Tây Thuận, BìnhThuận

14

3

Phù Cát

 

Cát Trinh, Cát Khánh

Cát Nhơn, Cát Tài, Cát Tường, Cát Hưng, Cát Minh

17

4

An Nhơn

Nhơn Lộc

Nhơn Phúc, Nhơn An

Nhơn Khánh, Nhơn Phong, Nhơn Thọ

10

5

Hoài Nhơn

Hoài Hương

Hoài Thanh, Tam Quan Nam, Hoài Tân

Hoài Thanh Tây, Hoài Xuân, Hoài Hảo

15

6

Hoài Ân

Ân Thạnh

Ân Phong, Ân Tường Tây

Ân Nghĩa, Ân Hảo Đông, Ân Đức

14

7

Vĩnh Thạnh

 

Vĩnh Quang, Vĩnh Thuận

Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp,Vĩnh Thịnh

8

8

An Lão

 

An Hòa, An Tân

An Trung, An Quang, An Hưng

9

9

Vân Canh

 

Canh Vinh, Canh Thuận

Canh Hòa, Canh Hiển, Canh Hiệp

6

10

Tuy Phước

 

Phước Nghĩa, Phước Hưng

Phước Quang, Phước Hòa, Phước Hiệp, Phước Sơn

11

11

Phù Mỹ

 

Mỹ Hiệp, Mỹ Lộc

Mỹ Thành, Mỹ Lợi, Mỹ Chánh, Mỹ Châu, Mỹ Thọ

17

Tổng số xã

4 xã

23 xã

38 xã

126 xã

 

PHỤ LỤC 2:

DANH SÁCH CÁC XÃ DỰ KIẾN THỰC HIỆN ĐẠT TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ TRONG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 23/4/2014 của UBND tỉnh Bình Định)

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Tổng số xã, phường, thị trấn

Số xã, phường, thị trấn đạt TCQGYTX

Tỷ lệ % xã, phường, thị trấn đạt TCQGYTX

Danh sách các xã, phường, thị trấn thực hiện đạt TCQGYTX đến năm 2015

1

Quy Nhơn

21

21

100

Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt, Đống Đa, Quang Trung, Nhơn Châu, Hải Cảng, Ngô Mây, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Trần Quang Diệu, Phước Mỹ, Lê Lợi, Trần Phú, Nhơn Phú, Nhơn Lý, Nhơn Hội, Nhơn Hải, Thị Nại, Ghềnh Ráng, Nhơn Bình.

2

Tuy Phước

13

7

53,8

Tuy Phước, Diêu Trì, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Hưng, Phước Thuận, Phước Thành.

3

An Nhơn

15

11

73,3

Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Lộc, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn An, Nhơn Thọ, Nhơn Phong.

4

Phù Cát

18

14

77,8

Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Minh, Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Nhơn, Cát Khánh, Cát Tường, Cát Hưng, Cát Tài, Cát Trinh, Cát Thành, Cát Sơn, Cát Hiệp.

5

Phù Mỹ

19

9

47,4

Mỹ Hiệp, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thọ, Mỹ Thành, Mỹ Chánh, Bình Dương, Phù Mỹ.

6

Hoài Nhơn

17

12

70,6

Hoài Hương, Hoài Châu, Hoài Sơn, Hoài Châu Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Xuân, Bồng Sơn, Tam Quan, Hoài Phú, Hoài Thanh, Hoài Tân.

7

Tây Sơn

15

8

53,3

Bình Nghi, Phú Phong, Tây Giang, Bình Tường, Tây An, Tây Phú, Bình Hòa, Tây Thuận.

8

Hoài Ân

15

6

40,0

Ân Thạnh, Ân Phong, Ân Tường Tây, Ân Đức, Ân Tín, Ân Hảo Tây.

9

Vân Canh

7

3

42,9

Canh Vinh, Canh Thuận, Vân Canh.

10

Vĩnh Thạnh

9

5

55,6

Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hảo, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận.

11

An Lão

10

2

20,0

An Hòa, An Tân.

Tổng số

159

98

61,6

 

 

PHỤ LỤC 3:

DỰ KIẾN TIẾN ĐỘ, SỐ XÃ THỰC HIỆN ĐẠT TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ TRONG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-UBND ngày 23/4/2014 của UBND tỉnh Bình Định)

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Tổng số xã, phường, thị trấn của tỉnh

Theo tiến độ thực hiện chia theo năm

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Số xã đạt, tỷ lệ xã đạt theo huyện (%)

1

Quy Nhơn

21

6

11

16

21

21/21 (100 %)

2

Tuy Phước

13

3

5

6

07

07/13 (53,8 %)

3

An Nhơn

15

2

5

8

11

11/15 (73,3 %)

4

Phù Cát

18

2

6

10

14

14/18 (77,8 %)

5

Phù Mỹ

19

-

2

5

09

09/19 (47,4 %)

6

Hoài Nhơn

17

2

6

9

12

12/17 (70,6 %)

7

Tây Sơn

15

2

4

6

08

08/15 (53,3 %)

8

Hoài Ân

15

-

2

4

06

06/15 (40,0 %)

9

Vân Canh

7

-

1

2

03

03/07 (42,9 %)

10

Vĩnh Thạnh

9

-

-

2

05

05/09 (55,6 %)

11

An Lão

10

-

-

1

02

02/10 (20,0 %)

Tổng số

159

17

42

69

98

98/159

Tỷ lệ xã đạt chung toàn tỉnh (%)

10,7%

26,4%

43,4%

61,6%

61,6 %