Quyết định 1197/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã đến năm 2020 trên địa bàn Tỉnh Sơn La
Số hiệu: 1197/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Phạm Văn Thủy
Ngày ban hành: 10/06/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1197/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 10 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 89/TTr-SYT ngày 05/5/2015 và Báo cáo số 133/BC-SYT ngày 01/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 của tỉnh Sơn La.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 16/01/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2012 - 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Y tế, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- PCT UBND tỉnh PTVHXH;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, VX(2).NQ. 28

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thủy

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1197/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Sơn La)

Phần I

KẾT QUẢ THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ GIAI ĐOẠN 2012 - 2014

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thực hiện Quyết định số 3447/QĐ-BYT ngày 22/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã giai đoạn 2011 - 2020 và hướng dẫn thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2012 - 2020 kèm theo Quyết định số 112/QĐ-UBND ngày 16/01/2013. Việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2012 - 2020 đã được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương quan tâm chỉ đạo, tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và đưa vào Nghị quyết của HĐND các cấp.

Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND) các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn và hoạt động thường xuyên, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo và phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ban, ngành, đoàn thể.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 112/QĐ-UBND

1. Xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe

Ban chỉ đạo CSSKND cấp xã hoạt động thường xuyên, cán bộ trạm y tế xã và nhân viên y tế bản được bồi dưỡng kiến thức về truyền thông giáo dục sức khỏe, có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa trạm y tế xã, phường, thị trấn (TYT xã) với các ban, ngành, đoàn thể và các trường học trong công tác chăm sóc sức khỏe học đường, người cao tuổi, người tàn tật. Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe nhân dân với việc phấn đấu xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

2. Công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng

Tại các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế công tác khám chữa bệnh cho nhân dân đã có những bước chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, thu hút được số lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có thẻ bảo hiểm y tế.

3. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho trạm y tế xã

Các cấp, các ngành đã quan tâm huy động các nguồn đầu tư cho các TYT xã như: Sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các phòng chức năng và khối công trình phụ trợ cho các trạm y tế đảm bảo đạt tiêu chí về cơ sở vật chất; đồng thời mua sắm trang thiết bị y tế, trang bị thiết bị văn phòng đáp ứng yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020.

4. Công tác vệ sinh phòng bệnh

- Các TYT xã đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả. Đạt và vượt mức các chỉ tiêu như: Chương trình tiêm chủng mở rộng, dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, phòng chống HIV/AIDS...

- Công tác vệ sinh môi trường có tỷ lệ số hộ gia đình sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, xử lý rác, phân gia súc hợp vệ sinh đạt tỷ lệ cao từ 60% trở lên.

- Công tác quản lý sức khỏe như quản lý và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật tại cộng đồng, quản lý sức khỏe tại nhà cho người cao tuổi, quản lý sức khỏe học sinh trên địa bàn được triển khai thường xuyên và hiệu quả.

5. Khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT): Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) tại các TYT xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế ngày càng tăng và đạt trên 15%. Các TYT xã có vườn thuốc nam mẫu để hướng dẫn nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam tại cộng đồng và tại nhà để phòng và chữa bệnh.

6. Nhân lực và chế độ chính sách: Hầu hết nhân lực của TYT đã được chuẩn hóa và đảm bảo về số lượng và cơ cấu chuyên môn theo quy định. Cán bộ y tế được đào tạo, đào tạo lại cả về chuyên môn và quản lý y tế; việc tổ chức sinh hoạt trao đổi chuyên môn đều đặn thường kỳ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ TYT xã và đạt hiệu quả rõ rệt, giúp cho các TYT xã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

7. Công tác kế hoạch - tài chính và công tác dược được củng cố và dần đi vào nề nếp, đảm bảo thuốc thiết yếu phục vụ nhân dân.

8. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình: Thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho trẻ em, tiêm phòng cho bà mẹ mang thai, quản lý tốt phụ nữ có thai nhằm phát hiện kịp thời các tai biến có thể xảy ra góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh.

9. Kết quả thực hiện chỉ tiêu

TT

Tên huyện/ thành phố

Tổng số xã

Năm 2013

Năm 2014

Tỷ lệ đạt so với kế hoạch

Số TYT Đạt

Tỷ lệ TYT đạt

Chỉ tiêu

Đạt

Chỉ tiêu

Đạt

1

Thành phố

12

2

2

2

0

2/4

50%

2/12

16,7%

2

Bắc Yên

16

1

0

1

0

0/2

0%

0/16

0%

3

Mai Sơn

22

4

0

4

7

7/8

87,5%

7/22

32%

4

Mộc Châu

15

3

1

4

4

5/7

71,5%

5/15

33,3%

5

Mường La

16

2

0

2

0

0/4

0%

0/16

0%

6

Phù Yên

27

3

0

3

0

0/6

0%

0/27

0%

7

Quỳnh Nhai

11

1

1

1

3

4/2

200%

4/11

36,4%

8

Sông Mã

19

2

2

2

2

4/4

100%

4/19

21%

9

Sốp Cộp

8

0

0

1

1

1/1

100%

1/8

12,5%

10

Thuận Châu

29

3

0

4

4

4/7

57%

4/29

13,8%

11

Yên Châu

15

1

0

1

1

1/2

50%

1/15

6,7%

12

Vân Hồ

14

3

0

3

0

0/6

0%

0/14

0%

Tổng cộng:

204

25

6

28

22

28/47

59,6%

28/204

13,8%

III. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Đầu tư cho trạm y tế còn hạn chế

Một số TYT xã đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư, song mức độ đầu tư còn hạn chế nhất là các TYT xã ở vùng khó khăn và không được các dự án hỗ trợ. Cơ sở vật chất của nhiều TYT xã được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị y tế thiếu, cũ, cán bộ y tế được đào tạo thiếu đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.

2. Cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu

Phần lớn các xã chỉ ở ngưỡng tối thiểu theo yêu cầu của Bộ tiêu chí, nhiều TYT chưa đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ sở y tế, tại một số xã, phường, thị trấn quá xuống cấp mà không được đầu tư. Khu vực thành thị không đủ diện tích theo quy định. Trang thiết bị cho TYT xã chủ yếu do các chương trình dự án hỗ trợ đến nay đã hư hỏng nhiều, để đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã cần được đầu tư kinh phí để sửa chữa hoặc mua bổ sung mới.

3. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế còn thấp

Do đầu tư kinh phí và nhân lực còn thấp nên các Trạm Y tế vẫn còn rất khó khăn để đạt Tiêu chí quốc gia về Y tế xã, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và cán bộ chuyên môn. Một số huyện tỷ lệ đạt rất thấp như: Thuận Châu, Yên Châu, thành phố Sơn La; có huyện chưa có TYT xã đạt chuẩn đạt như các huyện: Mường La, Phù Yên, Bắc Yên.

4. Công tác khám chữa bệnh bằng YHCT chưa đạt tiêu chí

Yêu cầu của Bộ tiêu chí về tỷ lệ người bệnh được khám chữa bệnh bằng YHCT tại TYT xã là khá cao, một số TYT không có cán bộ chuyên trách về YHCT, không có kinh phí để mua các trang thiết bị khám chữa bệnh bằng YHCT, vườn thuốc nam không đủ điện tích và không đủ cây thuốc nam theo danh mục quy định.

6. Nguyên nhân tồn tại

Một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; kinh phí đầu tư cho TYT xã còn hạn hẹp, nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu Bộ tiêu chí.

Phần II

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ Y TẾ XÃ GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở;

2. Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

3. Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020;

4. Nghị quyết số 283/2010/NQ-HĐND ngày 17/7/2009 của HĐND tỉnh về việc điều chỉnh bổ sung một số nội dung quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Sơn La giai đoạn 2007 - 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết 156/NQ-HĐND ngày 10/8/2007 của HĐND tỉnh Sơn La khóa XII.

II. MỤC TIÊU

1. Tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế tuyến xã đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực.

2. Nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh, dịch trong cộng đồng, cung cấp dịch vụ y tế đến tận người dân, thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tất cả các TYT xã.

3. Phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

Thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế với 10 tiêu chí:

- Tiêu chí 1. Chỉ đạo, điều hành công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Tiêu chí 2. Nhân lực y tế xã.

- Tiêu chí 3. Cơ sở hạ tầng trạm y tế xã.

- Tiêu chí 4. Trang thiết bị, thuốc và phương tiện khác.

- Tiêu chí 5. Kế hoạch - Tài chính.

- Tiêu chí 6. Y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.

- Tiêu chí 7. Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và YHCT.

- Tiêu chí 8. Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em.

- Tiêu chí 9. Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

- Tiêu chí 10. Truyền thông - Giáo dục sức khỏe.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền trong việc xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được đưa vào Nghị quyết của Đảng ủy hoặc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã; Các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động CSSK. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo CSSKND, Ban chỉ đạo hoạt động thường xuyên, có quy chế và kế hoạch hoạt động sát thực tiễn của địa phương.

2. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại TYT xã

- Đảm bảo cung ứng thuốc thiết yếu theo quy định, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, quản lý và sử dụng thuốc đúng quy chế an toàn, hợp lý và hiệu quả. Tăng cường ứng dụng kết hợp khám chữa bệnh bằng YHCT với y học hiện đại.

- Bố trí bác sỹ luân phiên về hỗ trợ chuyên môn cho các TYT xã, nhất là các TYT xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và biên giới.

3. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế

Phát hiện sớm và báo cáo kịp thời các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế, tăng cường giám sát chặt chẽ các dịch bệnh nguy hiểm, có biện pháp đề phòng và khống chế không để có dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người tàn tật tại cộng đồng.

4. Củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trạm y tế

- Khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có của TYT, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ. Từng bước bổ sung các hạng mục công trình theo Bộ tiêu chí quốc gia cho các TYT từ ngân sách và huy động sự đóng góp của nhân dân.

- Đối với các TYT đã xây dựng lâu, nay cơ sở vật chất đã xuống cấp và những TYT chưa đủ diện tích, ngành y tế có trách nhiệm khảo sát và phối hợp với các ngành tham mưu trình UBND tỉnh kế hoạch cải tạo sửa chữa và mở rộng qui mô đảm bảo đạt các tiêu chí quốc gia về y tế xã.

- Thực hiện bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị theo đúng quy định. Sửa chữa, bổ sung kịp thời các trang thiết bị hư hỏng.

- UBND cấp xã cần quy hoạch và bố trí đủ quỹ đất để xây dựng TYT có vườn thuốc nam theo yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đối với những xã không thể mở rộng diện tích TYT, cần thực hiện trồng các chậu cây thuốc mẫu hoặc có tranh, ảnh cây thuốc mẫu để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng thuốc nam.

- Hàng năm UBND tỉnh cân đối, cấp ngân sách đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế tuyến xã.

5. Đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ và kinh phí chi thường xuyên cho TYT xã

- Thực hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ, động viên kịp thời đối với cán bộ y tế xã trong công tác và học tập.

- Đảm bảo kinh phí chi thường xuyên cho TYT xã theo Thông tư liên tịch số 119/2002/TTLT-BYT-BTC ngày 27/02/2002 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn nội dung chi và mức chi thường xuyên của TYT xã.

- UBND các cấp có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời với những xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

6. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động y tế

- Phối hợp các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân với các hoạt động của các sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, huy động các nguồn lực trong nhân dân và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từng bước xã hội hóa công tác y tế, đặc biệt tăng cường phối hợp với lực lượng quân y trong công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai thảm họa, tập trung vào các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

- Mở rộng quan hệ quốc tế, tận dụng mọi sự đầu tư, lồng ghép hoạt động các dự án, chương trình trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực

hiện có hiệu quả các dự án đầu tư cho công tác y tế.

- Tập trung huy động tổng hợp các nguồn vốn của các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn vốn của trung ương, địa phương và huy động sự đóng góp của xã hội, để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các TYT xã.

7. Công tác tuyên truyền

Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân, đa dạng hóa các loại hình truyền thông và phù hợp với từng loại đối tượng. Chú trọng thực hiện công tác truyền thông về vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh và các tiêu chí quốc gia về y tế xã bằng nhiều kênh, nhiều hình thức. nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, để mọi người dân nâng cao nhận thức và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Lồng ghép công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe cộng đồng với việc triển khai thực hiện các phong trào như: Làng Văn hóa, Làng Sức khỏe và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh.

Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia hỗ trợ công tác thực hiện Quốc gia về y tế xã.

V. CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

Phấn đấu đến hết năm 2020, đạt tỷ lệ 65% số xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

TT

Huyện/ thành phố

Số xã

Chỉ tiêu

Năm 2015

Năm2016

Năm 2017

Năm2018

Năm2019

Năm2020

Lũy tích

Tỷ lệ %

1

Mộc Châu

15

1

1

1

1

1

1

11/15

73%

2

Sông Mã

19

3

1

1

1

1

1

12/19

63%

3

Sốp Cộp

8

1

1

1

1

0

0

5/8

62%

4

Yên Châu

15

1

1

1

1

1

1

7/15

47%

5

Mường La

16

2

2

2

1

1

1

9/16

56%

6

Bắc Yên

16

2

2

2

1

1

1

9/16

56%

7

Phù Yên

27

3

2

2

2

2

2

13/27

48%

8

Mai Sơn

22

6

3

2

1

2

1

22/22

100%

9

Thuận Châu

29

2

2

2

2

2

2

16/29

55%

10

Thành phố

12

2

2

2

1

2

1

12/12

100%

11

Quỳnh Nhai

11

1

1

1

1

1

0

9/11

82%

12

Vân Hồ

14

2

2

1

1

1

1

8/14

57%

Cộng:

204

26

20

18

14

15

12

133

65%

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác bảo đảm cho việc triển khai, thực hiện các nội dung của kế hoạch.

1. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu

Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác bảo đảm cho việc triển khai, thực hiện các nội dung của kế hoạch.

2. Các nguồn vốn khác

- Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Các nguồn vốn khác: Bao gồm vốn viện trợ, vốn vay, vốn đầu tư hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư và tham gia xã hội hoá y tế trên địa bàn tỉnh.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo CSSK nhân dân tỉnh (cơ quan thường trực là Sở Y tế)

- Có trách nhiệm giám sát định kỳ các hoạt động và các chỉ tiêu đạt được trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã hàng quý của tỉnh.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các huyện, thành phố tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã của các huyện, thành phố.

- Tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và Tổ thư ký.

- Rà soát, phân loại và lập danh sách các xã của từng vùng cho phù hợp.

- Phổ biến nội dung Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế xã đến Phòng Y tế huyện, thành phố, các cơ sở y tế tuyến huyện: Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa và các đơn vị liên quan.

- Hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ các xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo từng giai đoạn.

- Định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã của tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu đưa chỉ tiêu thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư cho y tế xã theo đúng tiêu chí và tiến độ kế hoạch.

3. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí các nguồn vốn đầu tư cho các TYT xã theo Bộ tiêu chí và tiến độ thực hiện kế hoạch.

- Bố trí kinh phí cho ngành y tế trong nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về Y tế xã và kinh phí khen thưởng cho các xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng quy định, đúng mục đích và hiệu quả.

4. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố xây dựng hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy biên chế, cơ cấu cán bộ cho y tế xã, đào tạo cán bộ y tế xã.

- Kiện toàn tổ chức các TYT xã theo quy định cho phù hợp với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện tốt công tác y tế học đường và chính sách bảo hiểm y tế trong các trường học.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Căn cứ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xem xét kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí hàng năm để xây dựng cơ sở hạ tầng TYT xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.

- Đưa chỉ tiêu tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh và các huyện/thành phố.

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các địa phương trong quá trình xây dựng và công nhận xã đạt Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới phải đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã.

7. Các sở, ban, ngành liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành chỉ đạo các đơn vị ngành dọc phối kết hợp với ngành y tế tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 trên địa bàn toàn tỉnh.

8. UBND huyện, thành phố

- Quán triệt và đưa vào Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, HĐND hoặc kế hoạch của UBND nhiệm vụ thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020 trên cơ sở đó các địa phương cần thực hiện:

- Ban chỉ đạo CSSK nhân dân cấp huyện chỉ đạo việc thực hiện Bộ tiêu chí. Phòng Y tế huyện là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND cấp huyện chỉ đạo Trung tâm y tế huyện phối hợp với các đơn vị liên quan khác hướng dẫn thực hiện, theo dõi đánh giá tình hình thực hiện BTCQG về y tế xã cho các xã trong huyện. Trực tiếp thực hiện một số hoạt động Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế.

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã và Hội đồng xét công nhận xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế cấp huyện.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác xã hội hoá y tế tại địa phương.

- Hướng dẫn UBND cấp xã sử dụng kinh phí hỗ trợ tiết kiệm, đúng mục đích và đúng Luật Ngân sách nhà nước.

- Thực hiện các nhiệm vụ và chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014.

9. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên và các tầng lớp nhân dân phối hợp, hưởng ứng tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh.

10. Trình tự đánh giá, xét công nhận xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014./.