Quyết định 1158/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch thống kê khả năng đào tạo theo từng ngành đào tạo của trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Số hiệu: 1158/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Nguyễn Văn Thanh
Ngày ban hành: 04/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1158/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 04 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỐNG KÊ KHẢ NĂNG ĐÀO TẠO THEO TỪNG NGÀNH ĐÀO TẠO CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 53/QĐ-UBND , ngày 08/01/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011- 2020;

Xét Tờ trình số 434/TTr-SGDĐT-VP, ngày 09/4/2013 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thống kê khả năng đào tạo theo từng ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

(Kèm theo Kế hoạch số 425/KH-SGDĐT-GDCN-GDTX, ngày 08/3/2013 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo).

Điều 2. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đã được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 425/KH-SGDĐT-GDCN-GDTX

Vĩnh Long, ngày 08 tháng 3 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỐNG KÊ KHẢ NĂNG ĐÀO TẠO THEO TỪNG NGÀNH ĐÀO TẠO CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND, ngày 04/7/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Quyết định số 53/QĐ-UBND , ngày 08 tháng 01 năm 2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2020.

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long xây dựng Kế hoạch thống kê khả năng đào tạo theo từng ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 như sau:

I. THỰC TRẠNG CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN:

Toàn tỉnh hiện có 02 trường đại học, 04 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp chuyên nghiệp và 01 trường có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp gồm các ngành đào tạo:

1. Trường Đại học Cửu Long đào tạo 2 bậc học cao đẳng và đại học. Chỉ tiêu đào tạo là 1.300 sinh viên/năm (ĐH: 1000; CĐ: 300).

Bậc đại học gồm 16 ngành: Nông học, Cơ khí, Kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật công trình (Xây dựng dân dụng và công nghiệp; Xây dựng cầu đường; Xây dựng công trình thuỷ lợi, thuỷ điện), Công nghệ thông tin, Tiếng nước ngoài, Ngữ văn, ngành Quản trị kinh doanh, ngành Đông phương học, ngành Công nghệ sinh học.

Bậc cao đẳng gồm 09 ngành: Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điện tử - truyền thông, Công nghệ thực phẩm, tiếng Anh, Ngữ văn.

2. Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đào tạo 2 bậc học cao đẳng và đại học. Chỉ tiêu đào tạo là 1.400 sinh viên/năm (ĐH: 600; CĐ: 800).

Bậc đại học gồm 02 ngành: Kỹ thuật công trình xây dựng và Kiến trúc. Bậc cao đẳng gồm 05 ngành: Công nghệ kỹ thuật kiến trúc, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật giao thông, Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước, Kế toán.

3. Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính đào tạo 2 bậc học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo là 1.350 sinh viên/năm (CĐ: 750; TC: 600).

Bậc cao đẳng gồm 04 ngành: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý.

Bậc trung cấp chuyên nghiệp gồm 04 ngành: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý.

4. Trường Cao đẳng Cộng đồng đào tạo 2 bậc học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo là 1.770 sinh viên/năm (CĐ: 600; TC: 1170).

Bậc cao đẳng gồm 09 ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm, Kế toán, Quản lý đất đai, Quản trị văn phòng, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật tài nguyên nước, Nuôi trồng thuỷ sản, Dịch vụ thú y.

Bậc trung cấp chuyên nghiệp gồm 17 ngành: Tin học ứng dụng, Kế toán doanh nghiệp, Quản lý đất đai, Chăn nuôi - Thú y, Nuôi trồng thuỷ sản, Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Công nghệ kỹ thuật chế biến và Bảo quản lương thực, Công nghệ kỹ thuật kiểm nghiệm chất lượng lương thực - thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật chế biến và Bảo quản thực phẩm, Cơ khí chế tạo, Cơ khí động lực, Điện công nghiệp và dân dụng, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Điện tử công nghiệp và dân dụng, Công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thuỷ sản, Pháp luật, Hành chính văn phòng.

5. Trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo 2 bậc học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo là 575 sinh viên/năm (CĐ: 375; TC: 200).

Bậc cao đẳng gồm 02 ngành sư phạm: Giáo dục Mầm non, Sư phạm tiếng Anh và 04 ngoài sư phạm: Tiếng Anh, Việt Nam học, Quản trị văn phòng, Thư ký văn phòng.

Bậc trung cấp chuyên nghiệp gồm 01 ngành sư phạm: Giáo dục Mầm non.

6. Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật đào tạo bậc học cao đẳng. Chỉ tiêu đào tạo là 600 sinh viên/năm.

Bậc cao đẳng gồm 07 ngành: Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ thông tin, Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá.

7. Trường Trung cấp Y tế đào tạo bậc học trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo là 500 học sinh/năm.

Bậc trung cấp chuyên nghiệp gồm 05 ngành: Điều dưỡng, Y sĩ, Y sĩ - ĐHCK Y học cổ truyền, Hộ sinh, Dược sĩ trung cấp.

8. Trường Chính trị Phạm Hùng đào tạo bậc học trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu đào tạo là 140 học sinh/năm.

Bậc trung cấp chuyên nghiệp gồm 01 ngành: Hành chính.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO:

- Phát triển các ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm cải thiện và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển giai đoạn 2011 - 2015 và chuẩn bị nguồn cán bộ cho giai đoạn 2016 - 2020.

- Phát triển nhanh hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, mở rộng theo hướng đa dạng hoá các loại hình đào tạo nhằm tạo nhiều cơ hội học tập cho mọi người, xây dựng cơ cấu ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐÀO TẠO:

- Bậc đại học: Mở các ngành đào tạo mới gồm: Qui hoạch vùng và đô thị, Kinh tế xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điện tử - truyền thông. Với số lượng sinh viên đào tạo như sau:

* Giai đoạn 2011 - 2015: 9.902 sinh viên.

* Giai đoạn 2016 - 2020: 19.740 sinh viên.

(Biểu mẫu 1: Bảng thống kê xây dựng kế hoạch đào tạo đại học từ năm 2011 đến năm 2020).

- Bậc cao đẳng: Mở các ngành đào tạo mới gồm: Truyền thông và mạng máy tính, Tiếng việt và văn hoá Việt Nam, Quản lý đô thị, Giáo dục tiểu học, Giáo dục thể chất, Khoa học thư viện, Quản lý văn hoá, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ kỹ thuật hoá học, Công nghệ kỹ thuật nhiệt, Điều dưỡng, Hộ sinh, Dược sĩ. Với số lượng sinh viên đào tạo như sau:

* Giai đoạn 2011 - 2015: 27.933 sinh viên.

* Giai đoạn 2016 - 2020: 34.040 sinh viên.

(Biểu mẫu 2: Bảng thống kê xây dựng kế hoạch đào tạo cao đẳng từ năm 2011 đến năm 2020).

- Bậc trung cấp chuyên nghiệp: Mở các ngành đào tạo mới gồm: Quản trị mạng máy tính, Công nghệ kỹ thuật trắc địa, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công tác xã hội ngành nông dân, Thanh vận, Phụ vận, Y sĩ - ĐHCK Y học dự phòng. Với số lượng học sinh đào tạo như sau:

* Giai đoạn 2011 - 2015: 11.631 học sinh.

* Giai đoạn 2016 - 2020: 13.640 học sinh.

(Biểu mẫu 3: Bảng thống kê xây dựng kế hoạch đào tạo trung cấp chuyên nghiệp từ năm 2011 đến năm 2020).

IV. GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐÀO TẠO:

- Nhằm đạt được các mục tiêu đề ra phát triển các ngành nghề đào tạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm cải thiện và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển giai đoạn 2011 - 2015, chuẩn bị nguồn cán bộ cho giai đoạn 2016 - 2020 phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần qui hoạch phát triển mạng lưới các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020:

- Nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long thành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Công nghệ.

- Nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long thành Trường Cao đẳng Y tế.

- Thành lập mới 01 Trường Trung cấp chuyên nghiệp tư thục.

- Thành lập Trường Đại học Vĩnh Long trên cơ sở hợp nhất 03 Trường Cao đẳng: Cao đẳng Kinh tế - Tài chính, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng Cộng đồng.

- Nâng cao trình độ văn hoá đáp ứng đào tạo từ trung cấp chuyên nghiệp trở lên.

- Đa dạng hoá các loại hình đào tạo như liên thông, vừa làm vừa học ...

- Đầu tư kinh phí đảm bảo xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy các ngành đào tạo mới.

- Có chính sách thu hút đội ngũ giảng viên trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước về giảng dạy các ngành đào tạo của trường.

- Mở rộng liên kết hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước, đưa giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ ngành đào tạo nhất là đào tạo sau đại học.

- Phối hợp với các doanh nghiệp, tìm hiểu nhu cầu lao động của doanh nghiệp để có hướng mở ngành đào tạo hợp lý đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

- Có chính sách hỗ trợ, trợ cấp tiền đi học, nhà ở, nơi làm việc sau khi ra trường đối với học sinh - sinh viên học giỏi ở các ngành đào tạo mà nhu cầu thị trường đang thu hút.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Xây dựng kế hoạch thống kê khả năng đào tạo theo từng ngành đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành sơ kết hàng năm và tổng kết mỗi giai đoạn 5 năm, đồng thời sẽ điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh xem xét cấp kinh phí thực hiện phát triển ngành đào tạo giai đoạn 2011 - 2020 từ nguồn kinh phí sự nghiệp.

3. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh :

- Căn cứ vào những định hướng chung của Chính phủ; định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tình hình thực hiện nhiệm vụ đào tạo những năm qua; các điều kiện về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường để xây dựng kế hoạch thống kê khả năng đào tạo theo từng ngành đào tạo của trường giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020.

- Trên cơ sở tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các trường cần phối hợp với các doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu lao động của doanh nghiệp và có hướng mở ngành đào tạo hợp lý đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

- Đầu tư kinh phí đảm bảo xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy các ngành đào tạo mới.

- Có chính sách thu hút đội ngũ giảng viên trẻ tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước về giảng dạy các ngành đào tạo của trường. Mở rộng liên kết hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước, đưa giảng viên đi đào tạo nâng cao trình độ ngành đào tạo nhất là đào tạo sau đại học.

- Có chính sách hỗ trợ, trợ cấp tiền đi học, nhà ở, nơi làm việc sau khi ra trường đối với học sinh - sinh viên học giỏi ở các ngành đào tạo mà nhu cầu thị trường đang thu hút./.

 

 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Phạm Văn Hồng