Quyết định 01/QĐ-UBND về kế hoạch về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014
Số hiệu: 01/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Cao Khoa
Ngày ban hành: 02/01/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 02 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2014

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2336/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014;

Căn cứ Quyết định số 2986/QĐ-BTC ngày 30/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014; Căn cứ Quyết định số 1836/QĐ-BKHĐT ngày 02/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014;

Căn cứ Kết luận số 394-KL/TU ngày 29/11/2013 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ mười lăm (khóa XVIII) về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2013/NQ-HĐND ngày 10/12/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI, kỳ họp thứ 10 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kế hoạch về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, với nội dung như sau:

A. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU KẾ HOẠCH NĂM 2014

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện ba nhiệm vụ đột phá: Phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển nguồn nhân lực và hai nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Chỉ tiêu kinh tế:

(1) Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP): tăng 0 - 1 % so với 2013.

Tổng sản phẩm không tính sản phẩm lọc hóa dầu: tăng 8 - 9%.

(2) GDP bình quân đầu người (giá hiện hành): 2.133 USD/người/năm. (3) Cơ cấu kinh tế (giá hiện hành):

+ Công nghiệp - xây dựng 59 - 60 %

+ Dịch vụ 23 - 24 %

+ Nông - lâm - ngư nghiệp 16 - 17 % (4) Sản lượng lương thực có hạt: 473.594 tấn (5) Sản lượng thủy sản đánh bắt và nuôi trồng: 148.800 tấn.

(6) Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ: 33.674 tỷ đồng. (7) Kim ngạch xuất khẩu: 475 triệu USD.

(8) Kim ngạch nhập khẩu: 760 triệu USD.

(9) Tổng thu ngân sách trên địa bàn: 25.225,1 tỷ đồng.

Trong đó: Không tính thu từ NM Lọc Dầu: 5.805,1 tỷ đồng. (10) Tổng chi ngân sách địa phương: 8.073,57 tỷ đồng. (11) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 12.000 tỷ đồng.

2. Chỉ tiêu văn hóa - xã hội:

(1) Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 8,50%o

(2) Số giường bệnh/1vạn dân (không tính trạm y tế xã): 21,5 giường

(3) Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: 65%

(4) Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ : 92,0%

(5) Tỷ lệ người tham gia đóng BHYT toàn dân 70%

(6) Số lao động được giải quyết việc làm mới: 37.000 lao động

(7) Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề so với tổng số lao động: 40 % (8) Cơ cấu lao động trong nền kinh tế:

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 48%

- Công nghiệp - xây dựng: 28%

- Dịch vụ : 24%

(9) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,3%; trong đó, miền núi giảm: 7%

(10) Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: 83,2%

(11) Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia:

- Mầm non: 20,1%

- Tiểu học: 62,4%

- Trung học cơ sở: 58,1%

- Trung học phổ thông: 43,6%

(12) Tỷ lệ đạt chuẩn văn hoá:

- Gia đình văn hóa : 79%

- Thôn, khối phố văn hóa : 73%

- Cơ quan, đơn vị văn hóa : 90%

3. Chỉ tiêu về môi trường:

(1) Độ che phủ của rừng: 48,5%

(2) Tỷ lệ cây xanh đô thị: 67%

(3) Tỷ lệ xử lý chất thải rắn ở KKT, KCN và đô thị : 75%; ở nông thôn: 70%

(4) Tỷ lệ hộ dân đô thị được dùng nước sạch: 85%

(5) Tỷ lệ hộ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh: 82,5%

4. Chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh:

(1) Giáo dục quốc phòng - an ninh cho các đối tượng đạt 100%.

(2) Động viên quân dự bị và tuyển quân đạt 100% chỉ tiêu.

(3) Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,5% so với tổng dân số.

(4) Xây dựng 90% xã, phường, thị trấn vững mạnh về quốc phòng - an ninh; trong đó, 45% xã, phường, thị trấn vững mạnh toàn diện.

5. Các công trình trọng điểm:

- Hợp phần Di dân, tái định cư Dự án hồ chứa nước Nước Trong (chuyển tiếp).

- Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (chuyển tiếp).

- Hạ tầng đô thị thành phố Quảng Ngãi (chuyển tiếp).

- Tiêu úng thoát lũ sông Thoa (chuyển tiếp).

- Bệnh viện Sản - Nhi.

B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

I. VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Về quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách

Tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển đã được Trung ương phê duyệt, đặc biệt là Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 10/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.

Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch đã được giao nhiệm vụ lập quy hoạch trong năm 2013 nhưng chưa được phê duyệt; đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch, kế hoạch đã và đang thực hiện; bảo đảm chất lượng các quy hoạch đáp ứng được yêu cầu định hướng phát triển và quản lý theo quy hoạch.

Tiếp tục tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

2. Sản xuất công nghiệp:

Phấn đấu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh năm 2014 đạt 19.355 tỷ đồng (nhưng chỉ bằng khoảng 89,6% so với năm 2013); giá trị sản xuất công nghiệp ngoài sản phẩm dầu đạt 5.840 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2013.

Có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hoạt động của Nhà máy lọc dầu Dung Quất; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án VSIP được đẩy nhanh tiến độ và sớm đi vào hoạt động, tạo sức bật mới cho phát triển công nghiệp; tích cực phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan Trung ương liên quan xúc tiến dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất; dự án nhà máy nhiệt điện Dung Quất, nhà máy thép Quảng Liên và dự án đưa khí vào bờ tại khu kinh tế Dung Quất.

Tiếp tục chú trọng cải thiện chỉ số PCI, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng trong khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

3. Phát triển thương mại, dịch vụ

Phấn đấu giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt 5.798,8 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2013.

Tập trung tháo gỡ các khó khăn để sớm triển khai việc xây dựng lại chợ Trung tâm Quảng Ngãi trong năm 2014. Phát triển thương mại nội địa, quan tâm đến thị trường nông thôn, miền núi gắn với thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tích cực xây dựng và phát triển các thương hiệu hàng hóa, dịch vụ có chất lượng mang đặc trưng Quảng Ngãi phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.

Khuyến khích phát triển mạnh các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Chỉ đạo tốt công tác quản lý giá cả, thực hiện bình ổn giá và đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán 2014.

4. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2014 đạt 3.284,398 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng 4% so với năm 2013.

Các ngành, các cấp tích cực động viên, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của lũ lụt, ra sức thi đua khôi phục sản xuất. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững gắn với thị trường. Thực hiện tốt chính sách "dồn điền, đổi thửa" để tạo điều kiện cho phát triển cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp; quản lý thực hiện đúng lịch thời vụ; phấn đấu để sản lượng lương thực đạt 473.594 tấn.

Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, công nghiệp; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; cải tạo, phát triển đàn bò thịt có năng suất cao. Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ thú y, kiểm soát dịch bệnh.

Hỗ trợ ngư dân phát triển số lượng tàu thuyền theo hướng nâng cao công suất gắn với đầu tư trang thiết bị hiện đại; tiếp tục xây dựng và củng cố các tổ, đội, hợp tác xã khai thác hải sản xa bờ; phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng. Tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, phát triển trồng rừng kinh tế, tập trung quản lý rừng phòng hộ. Tăng độ che phủ của rừng năm 2014 đạt 48,5%.

Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch và xây dựng đề án nông thôn mới cấp xã tại 164 xã trên địa bàn tỉnh; quan tâm chỉ đạo và ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các xã có khả năng đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015. Tăng cường bố trí vốn đầu tư, kết hợp huy động, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới.

5. Tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai. Rà soát, có kế hoạch thu hồi, khắc phục tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp chưa hiệu quả của các công ty Lâm trường. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tập trung kiểm tra, rà soát và làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan Nhà nước và hợp tác xã để quản lý theo quy định. Xây dựng bảng giá các loại đất năm 2015.

Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên; thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; kiểm tra, ngăn chặn việc khai thác trái phép, khai thác lãng phí các nguồn tài nguyên, thiên nhiên.

Đẩy mạnh xã hội hóa và tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Rà soát, kiểm tra và lập danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để có phương án xử lý; tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Khu kinh tế, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp - làng nghề, nhằm giảm thiểu ô nhiễm và có biện pháp xử lý kịp thời. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; tranh thủ các nguồn vốn để thực hiện các dự án thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Thu, chi ngân sách nhà nước

Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách; thu hồi và giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thu ngân sách. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm chi đúng dự toán được duyệt.

Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán thu ngân sách theo Nghị quyết HĐND tỉnh gắn với thực hiện tiết kiệm chi.

7. Huy động các nguồn lực đầu tư, tăng cường quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng XDCB

Quản lý tốt, chặt chẽ việc triển khai các công trình đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; đồng thời, lập kế hoạch để tranh thủ nguồn vốn ODA; thu hút các dự án FDI; khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP đối với các công trình xây dựng theo quy định của Nhà nước; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI); tăng cường xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị Trung ương để sớm triển khai xây dựng tuyến cáp ngầm cho huyện đảo Lý Sơn và bố trí vốn đầu tư các công trình phục vụ hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Thông báo số 377/TB-VPCP ngày 14/10/2013; tích cực phối hợp, hỗ trợ các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là dự án mở rộng quốc lộ 1, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ; tiến hành rà soát các dự án đầu tư từ NSNN và TPCP để có giải pháp thích hợp trong việc dừng, giãn hoãn tiến độ, quản lý chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, triển khai thực hiện các dự án nhằm hạn chế tối đa nợ đọng xây dựng cơ bản.

8. Phát triển đô thị

Tập trung nguồn lực để xây dựng thành phố Quảng Ngãi mở rộng và đô thị mới của huyện Sơn Tịnh theo Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 12/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sơn Tịnh, huyện Tư Nghĩa để mở rộng thành phố Quảng Ngãi và thành lập Phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đề án của UBND tỉnh về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; các ngành, địa phương có biện pháp huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị; tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất cho các dự án bất động sản; triển khai các dự án phát triển quỹ đất ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ dự án Đường bờ Nam Sông Trà Khúc; phối hợp với đối tác đẩy nhanh tiến độ dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP.

9. Phát triển doanh nghiệp

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông theo Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian thành lập và sớm gia nhập vào thị trường.

Sơ kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013 - 2015. Hoàn thành công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhà nước sau khi sắp xếp.

Cải thiện môi trường đầu tư, tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tăng cường tổ chức đối thoại doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013.

II. LĨNH VỰC VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Giáo dục và Đào tạo

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt hiệu quả đề án đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục; chú trọng lồng ghép, tăng cường bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống các trường mầm non, đảm bảo điều kiện dạy và học. Khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh ở các huyện miền núi; đảm bảo tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở các cấp học, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào nhà trường; thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh.

Đẩy mạnh kiểm tra, chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm theo Quyết định số 51/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác dân số, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số. Phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm sinh và ngăn ngừa mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tăng cường công tác giáo dục sức khỏe cộng đồng, nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ. Từng bước thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực đối với lĩnh vực y tế. Tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác y tế dự phòng, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nâng cao y đức và quy tắc ứng xử cho cán bộ y tế; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực cho các tuyến y tế nhằm nâng cao năng lực, uy tín khám chữa bệnh tại địa phương; chú trọng phát triển dịch vụ kỹ thuật cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện như: Sơn Tịnh, Đặng Thùy Trâm, Mộ Đức.

Tiếp tục tăng cường luân chuyển bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã, đào tạo nguồn bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, bác sĩ liên thông hệ 4 năm cho tuyến xã. Tích cực kêu gọi bác sỹ, dược sỹ trình độ đại học, trên đại học về công tác tại tỉnh theo chính sách thu hút. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y tế tư nhân.

3. Giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội

Tạo việc làm mới cho hơn 37.000 lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữa là 50%; xuất khẩu lao động 1.400 người.

Tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tuyển mới dạy nghề 25.900 người. Tiếp tục thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giảm nghèo; tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chương trình giảm nghèo.

Triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ an sinh xã hội, nhất là các chế độ chính sách đối với người có công cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Huy động nguồn lực xã hội hóa về công tác “đền ơn đáp nghĩa”; xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà ở cho người có công cách mạng.

Quan tâm đến đời sống của nhân dân trong vùng tái định cư, đặc biệt là đối với các hộ dân di dời phục vụ xây dựng hồ chứa nước Nước Trong tại các huyện miền núi và di dời phục vụ phát triển công nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất.

Thực hiện các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn ngừa các nguy cơ xâm hại trẻ em; đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền.

4. Văn hóa, thể thao và du lịch

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng gia đình, khu dân cư, xã phường, thị trấn, cơ quan văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và có chất lượng. Tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh.

Tiếp tục đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch của tỉnh.

Phát động phong trào thể dục, thể thao sâu rộng trong quần chúng nhân dân; tổ chức tốt đại hội thể dục, thể thao toàn tỉnh lần thứ 4. Chú trọng đào tạo các đội tuyển trẻ có chất lượng tham gia các giải toàn quốc; phấn đấu ngày càng nhiều vận động viên của tỉnh được tuyển chọn vào các đội tuyển thể thao quốc gia tham dự các giải đấu khu vực và quốc tế.

Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tích cực xúc tiến các dự án đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch, các cơ sở tham quan du lịch, nhất là tại các Khu du lịch du lịch: Sa Huỳnh, Mỹ Khê và huyện đảo Lý Sơn; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; liên kết hình thành các tuyến du lịch liên tỉnh trong vùng duyên hải Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên.

5. Thông tin và truyền thông, phát thanh và truyền hình

Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí; kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự quản lý, điều hành của các ngành, các cấp trong tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý; đảm bảo an ninh và an toàn hệ thống mạng trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, bảo đảm cho việc phát triển và khai thác cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững.

Chú trọng việc sắp xếp, điều chỉnh hợp lý các chương trình phát thanh, truyền hình. Đổi mới về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng các tác phẩm, chương trình thời sự, chuyên đề, chuyên mục văn nghệ, đảm bảo tính nhanh nhạy, kịp thời, hấp dẫn, thiết thực, bổ ích, sát đúng với chủ trương và định hướng chỉ đạo của tỉnh, phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí ngày càng cao của nhân dân.

6. Khoa học công nghệ

Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả cao. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, tạo đột phá phát triển công nghiệp. Hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trong tỉnh xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp.

Tăng cường quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ và quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

7. Công tác dân tộc và miền núi

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; triển khai thực hiện tốt các chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; chính sách hỗ trợ di dân, định canh, định cư; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; triển khai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II ở cấp huyện và cấp tỉnh trong năm 2014.

III. LĨNH VỰC NỘI CHÍNH VÀ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC

1. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng

Tiếp tục chỉ đạo công tác thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị đối với việc giải quyết các công việc liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức và công dân; thanh tra việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị.

Tập trung xử lý dứt điểm vụ việc khiếu nại tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc; các vụ việc tranh chấp đông người giữa nhân dân với các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân và đối thoại qua các kênh truyền thông để tuyên truyền, giải thích các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nắm chắc thông tin và chủ động chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân; củng cố lòng tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước.

Thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những trường hợp tham nhũng, lãng phí.

2. Công tác tư pháp, ngoại vụ

Triển khai ”Ngày Pháp luật” trong toàn tỉnh. Đảm bảo quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo đúng quy định. Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; giám định tư pháp; xây dựng và kiện toàn đội ngũ công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Mở rộng và tăng cường các hoạt động đối ngoại, vận động, thu hút viện trợ phi chính phủ theo Chương trình Xúc tiến vận động thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2011-2015.

Tiếp tục thực hiện quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, khả năng hợp tác của tỉnh Quảng Ngãi nhằm thu hút đầu tư, viện trợ nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển du lịch. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền để bà con kiều bào hiểu rõ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư là kiều bào về hợp tác, đầu tư, nghiên cứu khoa học và làm việc tại tỉnh.

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến ngư dân ở các huyện ven biển về quy định của pháp luật Việt Nam và Luật pháp quốc tế liên quan đến biển, đánh bắt, khai thác, bảo vệ nguồn lợi biển; hỗ trợ, bảo vệ ngư dân, tàu thuyền của tỉnh đánh bắt hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền.

3. Tổ chức nhà nước và cải cách hành chính

Nâng cao chất lượng cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở các ngành, địa phương. Rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo dõi, đánh giá Chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ban, ngành, cấp huyện, cấp xã.

Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi đến công tác, làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp tục rà soát, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực, triển vọng để đào tạo nguồn. Phối hợp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ, tăng cường công tác dân vận chính quyền ở cơ sở.

Tiếp tục kiên trì triển khai các giải pháp sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp nhà nước, tiến tới xây dựng các đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về kinh phí; đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa trên các lĩnh vực, khuyến khích lĩnh vực tư nhân thay thế các đơn vị nhà nước trong việc cung ứng các dịch vụ công cho xã hội.

Tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính với yêu cầu cao hơn; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực thi các quyết định, chính sách của cấp có thẩm quyền, thực hiện quản lý hiệu quả công việc theo đầu ra.

4. Quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội

Xây dựng kế hoạch động viên quốc phòng của địa phương, hoàn thành công tác tuyển quân hàng năm. Duy trì chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm. Tăng cường công tác bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển, tập trung lực lượng, phương tiện đấu tranh phòng, chống tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải trái phép và sử dụng vật liệu nổ đánh bắt hải sản.

Tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm trên các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; triệt phá các băng ổ, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, phấn đấu tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật an toàn giao thông đối với người dân. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân, nhất là trong việc đền bù, giải toả, thu hồi đất.

Điều 2. Căn cứ vào Quyết định này, các sở, ban ngành tỉnh, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của sở, ngành, địa phương mình và triển khai thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả; hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Khoa

 





Nghị quyết 20/2013/NQ-HĐND điều chỉnh mức thu phí vệ sinh Ban hành: 13/12/2013 | Cập nhật: 22/01/2014