Quyết định 01/2013/QĐ-UBND ban hành Quy định phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu: 01/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 07/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2013/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI VÀ QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

Căn cứ Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2011/TT-BTC ngày 06/01/2011 của Bộ Tài chính quy định việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho hội;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1814/TTr-SNV ngày 25/10/2012 và báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 720/STP-XDVB ngày 04/9/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hội và quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ các văn bản sau:

1. Quyết định số 2304/QĐ-UBND ngày 14/9/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ủy quyền Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép hội có phạm vi hoạt động trong huyện tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường.

2. Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 27/01/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ủy quyền Chủ tịch UBND cấp huyện cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt Điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn.

3. Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 04/3/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ủy quyền Giám đốc Sở Nội vụ nhận báo cáo Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường của hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

4. Quyết định số 1435/QĐ-UBND ngày 22/5/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ủy quyền Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định về tổ chức và hoạt động đối với các quỹ có phạm vi hoạt động tại cấp huyện, cấp xã.

5. Công văn số 1526/UBND-VX ngày 04/3/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc quy định trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; trong huyện, thị xã, thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI VÀ QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về việc phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hội; quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Hội”: Là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tổ chức hoạt động và quản lý hội.

Hội bao gồm các tổ chức: Chính trị - xã hội, chính trị xã hội - nghề nghiệp, xã hội - nghề nghiệp, xã hội chịu sự quản lý Nhà nước của UBND tỉnh.

2. “Quỹ”: Là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện dành một khoản tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua hợp đồng, hiến tặng, di chúc; có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định pháp luật, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập, công nhận điều lệ.

3. “Quỹ xã hội”: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, khoa học và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.

4. “Quỹ từ thiện”: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích chính nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục đích lợi nhuận.

5. “Huyện”: Là các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện việc phân công, phân cấp

1. Đảm bảo nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trước UBND tỉnh về nội dung phân cấp.

2. Đảm bảo nguyên tắc giải quyết kịp thời và hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

3. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với tổ chức hội; quỹ xã hội, quỹ từ thiện nhằm bảo đảm việc thành lập và hoạt động của các tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện có hiệu quả, đúng pháp luật và đúng điều lệ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, công nhận, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI

Điều 4. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Hướng dẫn Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập hội.

2. Hướng dẫn Ban lãnh đạo hội hoàn chỉnh Điều lệ hội, hồ sơ, thủ tục trước khi đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên, phê duyệt điều lệ và thành lập pháp nhân thuộc hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện.

Điều 5. Thẩm quyền của UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

1. Quản lý Nhà nước đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn.

2. Cho phép thành lập; chia, tách, sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt Điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn.

Chương III

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN

Điều 6. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Hướng dẫn sáng lập viên thành lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện phạm vi hoạt động cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập theo quy định pháp luật.

2. Hướng dẫn sáng lập viên thành lập quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ xin phép thành lập theo quy định pháp luật.

3. Hướng dẫn Hội đồng quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện có phạm vi hoạt động cấp tỉnh, quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi cấp huyện hồ sơ, thủ tục trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý; thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; hợp nhất; sáp nhập; chia, tách; đổi tên; giải thể quỹ (trong trường hợp quỹ tự giải thể).

Điều 7. Thẩm quyền của UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

1. Quản lý Nhà nước đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện cấp huyện, cấp xã (trừ trường hợp quỹ do tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã) theo quy định pháp luật.

2. Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã (trừ trường hợp quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã).

Chương IV

PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HỘI

Điều 8. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh

1. Cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên và phê duyệt điều lệ đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện.

2. Cho phép hội có phạm vi hoạt động trong cả nước đặt Văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh.

3. Có ý kiến bằng văn bản về việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường của hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; hội có phạm vi hoạt động trong huyện.

4. Xem xét và cho phép hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

5. Thẩm định và có ý kiến đối với việc thành lập pháp nhân thuộc hội theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 11/2010/TT-BNV ngày 26/11/2010 của Bộ Nội vụ.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về hội theo quy định pháp luật.

7. Xem xét, hỗ trợ đối với các hội có phạm vi hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

8. Công nhận hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh và quyết định việc hỗ trợ các chính sách của Nhà nước đối với hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

9. Báo cáo Bộ Nội vụ về tình hình quản lý hội trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.

Điều 9. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với hội hoạt động trên địa bàn tỉnh.

2. Xem xét, thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên; phê duyệt điều lệ và tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện.

3. Lấy ý kiến sở, ban, ngành về việc cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên, phê duyệt điều lệ và tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện.

4. Lấy ý kiến sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc cho phép hội có phạm vi hoạt động trong cả nước đặt văn phòng đại diện trên địa bàn tỉnh.

5. Lấy ý kiến các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc thành lập pháp nhân thuộc hội theo quy định của pháp luật.

6. Theo dõi quản lý và phối hợp với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

7. Chủ trì hoặc phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ và chấp hành pháp luật; kiến nghị việc xử lý vi phạm của các tổ chức hội trên cơ sở đề nghị của các sở quản lý Nhà nước ngành, lĩnh vực, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý theo quy định.

8. Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về công tác hội cho sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

9. Báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Nội vụ hoặc tham mưu UBND tỉnh báo cáo theo yêu cầu của Bộ Nội vụ về công tác quản lý hội trên địa bàn tỉnh.

Điều 10. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Tài chính

1. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí đối với tổ chức hội theo quy định của pháp luật.

2. Định kỳ hàng năm và đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức hội.

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của các tổ chức hội, bảo đảm việc sử dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra.

Điều 11. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Xem xét, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc tiếp nhận viện trợ từ cá nhân, tổ chức nước ngoài của các tổ chức hội theo quy định của pháp luật.

2. Định kỳ hàng năm và đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình tiếp nhận viện trợ từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài của các tổ chức hội theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Thẩm quyền của Thủ trưởng các sở, ban, ngành

1. Quyết định công nhận Ban Vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia bằng văn bản về việc cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên, phê duyệt điều lệ, tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường và thành lập pháp nhân thuộc hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh.

3. Tham gia ý kiến bằng văn bản về việc cho phép đặt Văn phòng đại diện của hội có phạm vi hoạt động trong cả nước trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

4. Cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình công tác và phương hướng phát triển của ngành, lĩnh vực để hội có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động của hội; tạo điều kiện để hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực.

5. Lấy ý kiến của các hội để hoàn thiện các quy định quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia đóng góp ý kiến với vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, quy hoạch, phương hướng, chương trình công tác của ngành, lĩnh vực.

6. Rà soát, lập danh sách những tổ chức hội thuộc ngành, lĩnh vực được thành lập không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ tổng hợp) xem xét giải quyết.

7. Có ý kiến bằng văn bản với các cơ quan chức năng về việc tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật và những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội.

8. Phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của các tổ chức hội, bảo đảm việc sử dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra.

9. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hoạt động của các tổ chức hội trong việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ hội, đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm của các tổ chức hội.

10. Đối với việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho hội từ ngân sách Nhà nước:

- Sở chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định về mặt nội dung, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.

- Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh giao.

Điều 13. Thẩm quyền của UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

1. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn.

2. Tham gia bằng văn bản về việc cho phép thành lập; chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; giải thể; đổi tên, phê duyệt điều lệ, tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường và thành lập pháp nhân thuộc hội đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện.

3. Công nhận Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện.

4. Cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình công tác và phương hướng phát triển của địa phương để hội có cơ sở định hướng và xây dựng kế hoạch hoạt động của các hội; tạo điều kiện để hội tham gia các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, thể dục thể thao và khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Lấy ý kiến của các hội để hoàn thiện các quy định quản lý Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức hội tham gia đóng góp ý kiến với vai trò phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách, kế hoạch, quy hoạch, phương hướng, chương trình công tác của địa phương.

6. Rà soát, lập danh sách những tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện được thành lập không đúng quy định, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ tổng hợp) xem xét giải quyết;

7. Có ý kiến bằng văn bản với các cơ quan chức năng về việc tiếp nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước theo quy định của pháp luật và những vấn đề có liên quan đến tổ chức và hoạt động của các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện;

8. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của các tổ chức hội, bảo đảm việc sử dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra;

9. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra theo quy định pháp luật các hoạt động của các tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện; trong xã, phường, thị trấn đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật và thực hiện điều lệ hội, đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm của các tổ chức hội;

10. Xem xét hỗ trợ kinh phí đối với tổ chức hội có phạm vi hoạt động trong huyện; trong xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.

11. Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) tình hình hoạt động của hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn; tình hình hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức hội theo quy định.

12. Đối với việc hỗ trợ kinh phí họat động cho hội từ ngân sách Nhà nước:

- Sở chuyên ngành có trách nhiệm thẩm định về mặt nội dung, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.

- Văn phòng HĐND và UBND huyện có trách nhiệm xem xét, trình Chủ tịch UBND huyện giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ do Chủ tịch UBND huyện giao.

Chương V

PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC QUỸ XÃ HỘI, QUỸ TỪ THIỆN

Điều 14. Thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh

1. Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh và quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

2. Xem xét hỗ trợ kinh phí đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật.

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh, quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập hoạt động trong phạm vi huyện, xã theo quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

Điều 15. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Nội vụ

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với quỹ hoạt động trong tỉnh, quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã.

2. Thẩm định, lấy ý kiến bằng văn bản của sở quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực mà quỹ hoạt động và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết các thủ tục về quỹ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.

3. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của quỹ; phối hợp với các ngành hữu quan hướng dẫn về chính sách, pháp luật đối với quỹ.

4. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát hoạt động của quỹ theo quy định của pháp luật và điều lệ quỹ.

5. Hướng dẫn Phòng Nội vụ cấp huyện về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý quỹ.

6. Tổng hợp tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý quỹ xã hội, quỹ từ thiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (kể cả chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh có trụ sở tại tỉnh Đồng Nai), định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.

Điều 16. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Tài chính

1. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật.

2. Định kỳ hàng năm và đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình hỗ trợ kinh phí cho các quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc sử dụng và quản lý tài chính của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, bảo đảm việc sử dụng tài chính đúng mục đích đã đề ra.

Điều 17. Thẩm quyền của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Xem xét, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc tiếp nhận viện trợ từ cá nhân, tổ chức nước ngoài của các tổ chức quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật.

2. Định kỳ hàng năm và đột xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình tiếp nhận viện trợ từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài của các tổ chức quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Thẩm quyền Thủ trưởng các sở, ban, ngành

1. Tham gia bằng văn bản về các nội dung theo yêu cầu của Sở Nội vụ đối với quỹ liên quan đến lĩnh vực sở, ban, ngành quản lý.

2. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho quỹ tham gia các hoạt động thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra việc thực hiện các quy định quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với quỹ, xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

Điều 19. Thẩm quyền của UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

1. Quản lý Nhà nước đối với quỹ xã hội, quỹ từ thiện cấp huyện, cấp xã theo quy định pháp luật.

2. Cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, đổi tên; đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại sau khi bị tạm đình chỉ; công nhận quỹ đủ điều kiện hoạt động; công nhận thành viên Hội đồng quản lý quỹ; cho phép thay đổi hoặc cấp lại giấy phép thành lập; thu hồi giấy phép thành lập đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong huyện, trong xã (trừ trường hợp quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi huyện, xã).

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng thẩm quyền đã được phân công, phân cấp và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

2. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện những nội dung được phân công, phân cấp tại văn bản này; đồng thời, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị và tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo UBND tỉnh để xem xét giải quyết./.