Quyết định 263/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2011 đến năm 2020
Số hiệu: 263/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Cao
Ngày ban hành: 28/01/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 263/QĐ-UBND

Huế, ngày 28 tháng 01 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Luật sư ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 28/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư và Thông tư số 02/2007/TT-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Luật sư, Nghị định số 28/2007/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020”;

Xét đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 154/TTr-STP ngày 20 tháng 10 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ luật sư tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2011 đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Đoàn Luật sư tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Huế và thị xã Hương Thủy chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ LUẬT SƯ TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 28/01/2011 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Quán triệt Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt ra định hướng phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế; Nghị quyết số 08-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng và nhà nước là đào tạo, bồi dưỡng để hình thành và phát triển được đội ngũ chuyên gia pháp luật và luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tham gia tranh tụng quốc tế; Quyết định số 123/QĐ-TTg ngày 18/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến 2020”.

Hội nhập kinh tế quốc tế đã có những tác động mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp. Điều này đã đặt các doanh nghiệp trước những rủi ro về pháp lý. Bên cạnh đó việc gia nhập WTO không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan tổ chức cũng có nguy cơ trở thành một bên trong vụ kiện quốc tế. Thế nhưng số lượng, chất lượng luật sư của tỉnh để đáp ứng đầy đủ tiêu chí của luật sư hội nhập kinh tế quốc tế còn rất hạn chế.

Để giải quyết thực trạng về tổ chức, hoạt động luật sư và sử dụng dịch vụ pháp lý của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh thì yêu cầu đặt ra đối với việc phát triển tổ chức hành nghề luật sư, hoạt động luật sư để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế là rất cấp thiết.

II. MỤC TIÊU

1. Xây dựng và phát triển đủ số lượng luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế, có đủ khả năng tư vấn và tham gia tranh tụng các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. Phấn đấu đến 2015 có 10 luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư; năm 2020 số lượng này là 30 người; trong đó có một số đạt tiêu chuẩn luật sư quốc tế.

2. Phát triển các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 2 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Phát triển tổ chức hành nghề luật sư, đội ngũ luật sư

1.1. Tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng, phân loại đội ngũ luật sư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

Thời gian thực hiện quý I năm 2011.

1.2. Phối hợp Vụ Bổ trợ Tư pháp, Học viện Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tập huấn bồi dưỡng thường xuyên kiến thức, kỹ năng hành nghề luật sư, đạo đức nghề nghiệp và lý luận chính trị cho luật sư nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đa dạng hóa hình thức tổ chức bồi dưỡng luật sư, khuyến khích luật sư tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế.

Lựa chọn cử luật sư dự các khóa bồi dưỡng tiếng Anh pháp lý, tiếng Anh thương mại; kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư do Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Thời gian thực hiện: năm 2011 - 2020.

1.3. Tạo nguồn để phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng hành nghề luật sư tại thành phố Huế.

- Xây dựng chính sách, cơ chế thu hút, sử dụng luật sư được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại quốc tế đăng ký và hoạt động hành nghề trên địa bàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: năm 2011 - 2020.

2. Xây dựng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

2.1. Xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển các tổ chức hành nghề luật sư quy mô nhỏ và vừa thành các tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn, chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.

2.2. Thu hút các luật sư đã được lựa chọn đào tạo vào làm việc tại các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế.

2.3. Tạo điều kiện phát triển các tổ chức hành nghề luật sư thông qua việc thực hiện chính sách giao cho các tổ chức này thực hiện các giao dịch, dự án lớn của tỉnh, đồng thời, huy động sự tham gia của luật sư trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết.

2.4. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Thời gian thực hiện: năm 2011 - 2020.

3. Sử dụng đội ngũ luật sư

3.1. Tư vấn, tham gia tranh tụng tất cả các lĩnh vực theo quy định của pháp luật, các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, tranh chấp quốc tế cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi có yêu cầu.

3.2. Ký hợp đồng làm việc thường xuyên hoặc theo vụ việc cho các tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp lớn.

3.3. Tham gia góp ý dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

3.4. Tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho luật sư và cho doanh nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

- Phối hợp với Đoàn Luật sư tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức của tỉnh tăng cường sử dụng dịch vụ luật sư trong các giao dịch. Xây dựng các chỉ tiêu sử dụng dịch vụ luật sư cụ thể tại các đơn vị có dự án từ vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, dự án của Chính phủ và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Nội vụ, Đoàn Luật sư, Trung tâm đào tạo liên kết tại Học viện Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục mở các khóa đào tạo luật sư theo mô hình liên kết đào tạo và lựa chọn luật sư tham gia các khóa bồi dưỡng, đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án.

- Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, tổ chức sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

2. Trách nhiệm của Đoàn Luật sư

Phối hợp với Sở Tư pháp trong quá trình thực hiện Đề án.

3. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư mở các khóa đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch hàng năm cử 2 - 3 luật sư đi đào tạo về lĩnh vực thương mại quốc tế.

4. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh về cơ chế hỗ trợ kinh phí cho học viên tham gia các khóa đào tạo luật sư để về làm việc cho cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh; tham mưu hỗ trợ kinh phí cho việc mở lớp đào tạo luật sư, bồi dưỡng đội ngũ luật sư ở trong và ngoài nước về đầu tư, kinh doanh, thương mại quốc tế và ngoại ngữ.

5. Trách nhiệm của Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất giải quyết trụ sở làm việc của Đoàn Luật sư cho phù hợp với sự phát triển hội nhập kinh tế quốc tế.

6. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh

Các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lập kế hoạch sử dụng dịch vụ luật sư trong các giao dịch; đặc biệt là trong các dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài, các dự án của Chính phủ.

Huy động sự tham gia đóng góp của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước trong việc thực hiện Đề án./.