Chỉ thị 36/CT-UBND năm 2009 về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng năm 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành
Số hiệu: 36/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Hoàng Chí Thức
Ngày ban hành: 06/12/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 36/CT-UBND

Sơn La, ngày 06 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2010

Thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị quyết hội nghị lần thứ 3 - Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04 tháng 10 năm 2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong những năm vừa qua, công tác quản lý tài chính - ngân sách của các cấp, các ngành đã có chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng: Quản lý, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài sản, tiền vốn của Nhà nước; Thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Việc vi phạm chế độ quản lý tài chính ngân sách, chế độ kế toán thống kê giảm hơn so với trước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới tập trung ở một số lĩnh vực tiền vốn, tài sản nhà nước; Các lĩnh vực khác như: hiệu quả công tác, năng suất lao động, tiết kiệm thời gian; nhất là khu vực ngoài nhà nước còn có mặt hạn chế...

Để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng nhằm thực hiện triệt để tiết kiệm trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế năm 2010. UBND tỉnh Sơn La yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; xã, phường, thị trấn, các đơn vị dự toán triển khai thực hiện nghiêm túc một số nội dung, yêu cầu sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục: Đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhằm quán triệt đến tất cả các cán bộ, Đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chống tham nhũng; Tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức, có những hành động, việc làm cụ thể tạo sự chuyển biến thực sự trong lề lối làm việc, cải cách hành chính để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng.

2. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản

- Triển khai thực hiện đồng bộ Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp vốn đầu tư XDCB và chương trình mục tiêu cho các huyện, thành phố quản lý theo Quyết định số 210/2006/QĐ-TTg ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 125/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2006 của HĐND tỉnh.

- Thực hiện tốt yêu cầu chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, xác định rõ trách nhiệm người quyết định đầu tư; Kiện toàn các chủ đầu tư, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án:

+ Đối với người quyết định đầu tư: Quy định rõ trách nhiệm cá nhân người quyết định đầu tư; Chỉ quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn, đúng quy hoạch, đảm bảo có hiệu quả và đúng các quy định về quản lý XDCB. Nếu quyết định những dự án đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát tiền vốn của Nhà nước thì người quyết định đầu tư bị xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Đối với Chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình. Trường hợp chưa xác định được đơn vị quản lý công trình hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện thì người quyết định đầu tư lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện làm chủ đầu tư; Đơn vị sẽ quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với Chủ đầu tư để quản lý đầu tư xây dựng công trình và tiếp nhận quản lý, sử dụng sau khi công trình hoàn thành.

+ Đối với Ban quản lý dự án là cơ quan do Chủ đầu tư thành lập; giúp Chủ đầu tư quản lý dự án. Kiện toàn, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ.

+ Chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư của các Chủ đầu tư; Rà soát và có biện pháp nâng cao năng lực thi công, đảm bảo chất lượng công trình của các nhà thầu.

- Các cấp, các ngành và các đơn vị quản lý, lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án đầu tư phải thực hiện đúng quy trình, quy chế quản lý đầu tư theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 và Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

- Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đấu thầu và tổ chức triển khai dự án theo đúng quy định của Luật Đấu thầu; Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện tốt Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ: Tiếp tục rà soát các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản đảm bảo phù hợp với quy hoạch; Thực hiện cắt giảm các dự án không hiệu quả; Không triển khai thực hiện những dự án đầu tư không phù hợp với quy hoạch, không có hiệu quả; Kiên quyết đình chỉ những dự án đang xây dựng dở dang nếu thấy không hiệu quả. Không ghi kế hoạch vốn đối với các dự án chưa đảm bảo cân đối đủ vốn; chưa đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng theo quy định.

- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; Tăng cường sự giám sát của các cơ quan ngôn luận và cộng đồng đối với hoạt động đầu tư xây dựng đảm bảo nguyên tắc: Dân chủ, công khai, tăng cường sự giám sát của cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục đầu tư XDCB, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự toán theo quy định tại Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư số 09/2008/TT-BXD ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư thực hiện các dự án, công trình đầu tư XDCB và chương trình mục tiêu.

- Hết thời gian thông báo kế hoạch vốn, thanh toán vốn theo quy định tất cả các công trình, dự án không đủ hồ sơ, không có khối lượng nghiệm thu thanh toán kiên quyết thu hồi và điều chuyển vốn sang công trình, dự án khác; Đồng thời xem xét dừng bố trí kế hoạch vốn năm sau. Các huyện, thành phố, các ngành và chủ đầu tư các dự án phải chịu trách nhiệm về tiến độ triển khai, chất lượng và hiệu quả dự án.

- Người đứng đầu cơ quan quản lý đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư và đơn vị thực hiện dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tình trạng lãng phí xẩy ra đối với công trình, dự án do mình quản lý, phê duyệt và thực hiện.

3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực Quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước

- Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật trong tất cả các khâu: Lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí ngân sách, kiểm toán ngân sách. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện quyền quyết định chi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định chi ngân sách của mình theo Điều 5 của Luật Ngân sách nhà nước.

- Các cấp, các ngành và các đơn vị thực hiện tốt Kết luận số 27-KL/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ và Nghị quyết số 264/NQ-HĐND ngày 17 tháng 4 năm 2009 của HĐND tỉnh về triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội:

+ Thực hiện triệt để tiết kiệm trong sử dụng xe ô tô phục vụ công tác. Các cấp, các ngành và các đơn vị phải rà soát lại nhiệm vụ, bố trí và tổ chức công việc hợp lý; Từng bước thực hiện khoán kinh phí để tự túc phương tiện đến người sử dụng trực tiếp. Thực hiện triệt để tiết kiệm trong sử dụng điện theo Quyết định số 80/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính và Bộ Công thương.

+ Thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc như điện thoại cố định, điện thoại di động, Fax thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định tại Quyết định số 179/2002/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bước thực hiện khoán chi đến người quản lý, sử dụng trực tiếp phương tiện thông tin, liên lạc, văn phòng phẩm, sách báo, tạp chí…

+ Thực hiện triệt để tiết kiệm trong việc tổ chức hội nghị, đón nhận các danh hiệu, kỷ niệm ngày thành lập ngành, sử dụng xăng dầu, chi tiếp khách; Đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định và trong dự toán được duyệt... theo quy định tại quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2008 của UBND tỉnh.

+ Nghiêm cấm dùng công quỹ nhà nước làm quà biếu và chiêu đãi khách không đúng chế độ quy định theo tinh thần Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng chính phủ. Người quyết định việc sử dụng công quỹ để thưởng, biếu, cho, tặng sai chế độ phải bồi hoàn theo giá thị trường; Cán bộ, công chức đưa, nhận quà biếu dù ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật.

- Triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 105/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính.

- Thực hiện tốt Kết luận số 264-TB/TW ngày 31 tháng 7năm 2009 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 149-KH/TU ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội thực hiện mua sắm công phải ưu tiên sử dụng hàng nội địa

- Quản lý, sử dụng các khoản hoa hồng từ mua sắm tài sản, hàng hoá hoặc khi thanh toán dịch vụ (nếu có) đảm bảo nguyên tắc: Công khai, minh bạch và được quản lý như nguồn vốn ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Điều 15 - Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ.

4. Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

- Triển khai thực hiện tốt Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Thực hiện nghiêm quy trình tổ chức mua sắm, sửa chữa tài sản theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

- Đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, định mức trang bị phương tiện ô tô phục vụ công tác theo quy định tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2007 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; Định mức trang thiết bị làm việc của cán bộ, công chức theo Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thực hiện tốt quy chế quản lý công sở đối với các cơ quan hành chính theo Quyết định số 213/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và quy chế quản lý tài sản nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị lập hồ sơ quản lý và xây dựng quy chế nội bộ về sử dụng công sở đảm bảo đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức.

- Các ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị phải thực hiện tốt công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Đối với sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng; Tập trung nguồn lực của các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

- Triển khai cuộc vận động toàn dân thực hiện tốt chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”; Tập trung vào các nội dung xây dựng nếp sống mới, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, gây lãng phí.

6. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức

- Tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị đều phải công khai hoạt động của mình trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, minh bạch. Việc thực hiện công khai hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Niêm yết tại trụ sở làm việc; Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; Phát hành ấn phẩm; Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản nhằm đảm bảo sự minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thực hiện việc kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên; Các loại tài sản phải kê khai: Nhà, quyền sử dụng đất; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và các loại tài sản khác mà giá trị mỗi loại tài sản từ năm mươi triệu đồng trở lên; Tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Thu nhập phải chịu thuế theo quy định của Pháp luật.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng

- Tập trung giải quyết tốt những vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng còn tồn đọng và mới phát sinh ngay từ cơ sở; xử lý nghiêm khắc những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực dù bất kỳ ai, ở cương vị nào, đang đương chức, nghỉ hưu hay đã chuyển công tác.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Quản lý sử dụng đất đai - tài nguyên, quản lý thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công, cấp giấy phép kinh doanh, thi cử, tuyển dụng cán bộ công chức...

- Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí.

8. Giải pháp triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng

- Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện tốt nguyên tắc: Dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý tài chính - ngân sách, tài sản tiền vốn của Nhà nước nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; Tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của cấp uỷ Đảng, HĐND các cấp, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị, cán bộ, công chức trong cơ quan và nhân dân.

- Tất cả các cơ quan, đơn vị có các hoạt động giao dịch với doanh nghiệp, nhân dân đều phải xây dựng quy định thủ tục hành chính khi giải quyết công việc; Tất cả các thủ tục hành chính đều phải được niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan để nhân dân giám sát việc thực hiện.

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ. Mở rộng triển khai giao thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và biên chế đối với các Trường tiểu học, Trung học cơ sở ở những vùng có thuận lợi.

- Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ; Đảm bảo cập nhật đầy đủ các quy định về quản lý, chi tiêu ngân sách. Quy chế chi tiêu nội bộ trước khi ban hành phải xin ý kiến của Cấp uỷ, các đoàn thể chính trị và cán bộ, công chức trong cơ quan. Đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan, đơn vị.

- Triển khai thực hiện tốt cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng, kho bạc đối với việc mua sắm công; Đẩy mạnh việc thực hiện chi trả tiền lương và các khoản phụ cấp cho cán bộ, công chức qua tài khoản ATM đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh.

- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại cán bộ; Nâng cao trình độ, năng lực quản lý tài chính - ngân sách cho cán bộ, công chức; Kiện toàn cán bộ tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp, Ban quản lý dự án đầu tư, nhất là cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện tốt Nghị định số 84/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quy định bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Thực hiện tốt công tác luân chuyển vị trí công tác của các cán bộ theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán công tác tài chính ngân sách, sử dụng tài sản công của các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán; Thực hiện tốt công tác tự kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ngân sách, chủ tài khoản trong mua sắm tài sản; quản lý ngân sách, sử dụng tài sản công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ Đảng nhằm phòng ngừa sai phạm trong tổ chức Đảng và đảng viên theo Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06 tháng 01 năm 2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XII.

9. Tổ chức thực hiện

- Các cấp, các đơn vị dự toán, các công ty nhà nước phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm chống lãng phí; Thực hiện công khai, dân chủ trước tập thể cán bộ công chức của đơn vị, để cán bộ công chức giám sát thực hiện sau 15 ngày kể từ khi nhận được quyết định giao dự toán năm 2010 của UBND tỉnh.

- Các cấp, các ngành xây dựng quy định chế tài về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng nhằm động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng năm 2010, yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh, Chánh thanh tra nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ; (Để báo cáo)
- TT HĐND tỉnh; (Để báo cáo)
- TT UBND tỉnh; (Để báo cáo)
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- Huyện ủy, HĐND; UBND các huyện, thành phố;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Sơn La;
- Lãnh đạo VP, CV các khối;
- Lưu: VP, KTTH (1b), 350 b

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Chí Thức