Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2009 về tăng cường thực hiện giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố Cần Thơ
Số hiệu: 10/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Trần Tuấn Anh
Ngày ban hành: 26/05/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 26 tháng 5 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Trong thời gian qua các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã không ngừng nỗ lực phấn đấu thực hiện ngày càng tốt công tác cải cách hành chính cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhằm từng bước hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư, lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển, qua đó hình ảnh của thành phố Cần Thơ ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, qua các đợt khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy môi trường đầu tư của thành phố vẫn tồn tại những hạn chế như: trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thái độ phục vụ của cán bộ công chức đối với doanh nghiệp, công dân chưa thật sự đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và các dịch vụ phụ trợ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập cho gia đình các nhà đầu tư vẫn chưa đáp ứng được, hệ thống thông tin chung về thành phố Cần Thơ, về cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ chưa được đầu tư đúng mức và chưa có thông tin đầy đủ. Từ đó, đã ảnh hưởng đến sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố Cần Thơ cũng như chưa làm hài lòng các nhà đầu tư đã đầu tư tại thành phố Cần Thơ.

Những hạn chế nêu trên, đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, thể hiện trong một số chỉ tiêu quan trọng như: chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân; đào tạo lao động; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước; tính năng động tiên phong; chi phí không chính thức.

Để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư tại thành phố Cần Thơ, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, ngoài việc thực hiện thật tốt các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các ngành, các cấp tại thành phố Cần Thơ tập trung thực hiện một số nội dung cấp bách sau đây:

I. Mục tiêu:

1. Cải thiện môi trường đầu tư của thành phố Cần Thơ, theo hướng tạo nên môi trường thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc tích cực rà soát, phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các quy định của Hiến pháp, hướng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, kiểm tra đôn đốc thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn của thành phố.

2. Các vấn đề mang tính liên ngành giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức khác phải được triển khai thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

4. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra thực hiện các thủ tục hành chính. Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức của cán bộ công chức hành chính nhà nước trong thực thi nhiệm vụ.

II. Nhiệm vụ:

1. Tập trung thực hiện đúng, có hiệu quả các giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ ban hành, bảo đảm an sinh xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại cho doanh nghiệp do gặp rủi ro trong điều kiện khủng hoảng kinh tế Thế giới.

2. Lãnh đạo các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt các chủ trương chính sách của Trung ương, áp dụng hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định áp dụng có hiệu quả các chủ trương chính sách này, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.

3. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo khung pháp lý cụ thể rõ ràng, giải quyết nhanh, chính xác các nội dung ưu đãi cho doanh nghiệp theo quy pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Rà soát, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực: quản lý đất đai; công khai và cung cấp đầy đủ các thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; quản lý thuế; thủ tục cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện theo quy định.

5. Các ngành, các cấp tại thành phố Cần Thơ thường xuyên tổ chức kiểm tra và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao; có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đúng hạn định với đầy đủ các thông tin khi nhận được yêu cầu (bằng văn bản) của các cơ quan, doanh nghiệp và công dân.

6. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao đạo đức, nghiệp vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ công chức. Đồng thời phải tập trung triển khai thực hiện tốt Luật Phòng chống tham nhũng, xử lý theo quy định pháp luật các cán bộ công chức có hành vi tiêu cực.

7. Tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, các cấp trong giải quyết công việc, đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu.

8. Các ngành, các cấp tại thành phố Cần Thơ có nghĩa vụ cung cấp thông tin để đưa nội dung thông tin lên cổng thông tin của thành phố Cần Thơ

9. Định kỳ 6 tháng tổ chức một buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại thành phố.

10. Tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ, các tổ chức nghề nghiệp trên địa bàn thành phố và trực tiếp tại doanh nghiệp đối với các chủ trương chính sách có tác động đến doanh nghiệp, để doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào công tác xây dựng chính sách.

III. Nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan làm đầu mối theo dõi và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố đôn đốc việc triển khai Chỉ thị này cũng như chủ trương và các biện pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

- Hàng năm, chủ trì việc đánh giá tổng kết thực hiện các nội dung của Chỉ thị này, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố việc điều chỉnh, bổ sung nội dung Chỉ thị cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Đài phát thanh Truyền hình thành phố Cần Thơ tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 07/01/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đối với doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và tổ chức thực hiện tốt Quyết định này.

- Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố thành lập tổ tiếp nhận thông tin phản hồi của doanh nghiệp, do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng và thành viên là các sở, ngành có liên quan. Bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận thông tin phản hồi của doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tổ tiếp nhận thông tin có nghĩa vụ định kỳ hàng quý tổ chức một cuộc gặp gỡ, nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Những thông tin phản hồi này, trong phạm vi thẩm quyền giải quyết, Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời trực tiếp cho doanh nghiệp, hoặc có văn bản chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền quy định, có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để có hướng chỉ đạo chung. Định kỳ mỗi 6 tháng báo cáo một lần về Ủy ban nhân dân thành phố.

- Chủ trì phối hợp với các Sở: Tư pháp, Nội vụ, Công Thương, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp, Cục Thuế thành phố Cần Thơ, Viện nghiên cứu kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch đề xuất chương trình tổng thể khuyến khích hỗ trợ tạo điều kiện phát triển nhanh các loại hình doanh nghiệp, theo Chương trình số 29-Ctr ngày 29 tháng 10 năm 2007 của Thành ủy Cần Thơ, trước ngày 30 tháng 6 năm 2009.

2. Sở Nội vụ:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Tài nguyên - Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Tư pháp rà soát lại các loại “Giấy phép con” theo quy định của các ngành và của Ủy ban nhân dân thành phố (nếu có) để đề xuất cách giải quyết cho phù hợp với từng loại giấy phép.

- Làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện để thống kê các thủ tục, thời gian thực hiện các thủ tục và quy trình phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp.

- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Công nghệ phần mềm, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành và UBND quận huyện xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hành chính nhà nước.

- Làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện để thiết kế và công khai “bảng mô tả công việc cho từng chức danh của cán bộ công chức” đối với cán bộ, công chức có tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. Đồng thời giải quyết nhanh chóng, kịp thời cán bộ công chức có biểu hiện tiêu cực, cản trở công việc, làm việc không hiệu quả.

- Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định số 2308/QĐ-UBND ngày 22/9/2008 của UBND thành phố.

- Phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập tổ công tác do một đồng chí trong Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố làm tổ trưởng nhằm tiến hành rà soát tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản của địa phương. Trong đó chú trọng các quy chế làm việc của Cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp; quy chế làm việc của các sở, ngành và phòng, ban cấp huyện. Định kỳ hàng quý tổ công tác phải báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả rà soát và đề xuất các kiến nghị. Sở Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách cho tổ công tác này hoạt động.

3. Sở Công Thương:

- Chủ động rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành Công Thương và kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu xây dựng các đề án, chương trình phát triển các ngành Công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm. Báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở Ngoại vụ, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch triển khai các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia ký kết liên quan đến hoạt động phát triển của doanh nghiệp trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

- Thành lập bộ phận hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp về các cam thương mại quốc tế, thông tin cung cầu hàng hóa, các chính sách, rào cản thương mại, nhằm nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh và chủ động trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ.

- Chủ động phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương và Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch thành phố triển khai nhanh các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, giữ vững thị trường đã có đồng thời khai thác, mở rộng thị trường mới để tăng kim ngạch xuất khẩu.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm khai thác quỹ đất, tập trung tiến hành rà soát lại các quy hoạch sử dụng đất tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân các quận huyện đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết các trường hợp quy hoạch chồng chéo và các trường hợp quá thời gian nhưng chưa triển khai các hoạt động đầu tư. Báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ trước ngày 31 tháng 12 năm 2009 về nội dung này.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các quận huyện rà soát lại quy trình thủ tục để giao hoặc cho doanh nghiệp thuê đất và quy trình đăng ký quyền sử dụng đất, chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy trình mới về các nội dung quản lý đất đai nói trên, trên cơ sở phối hợp liên ngành cho phù hợp với điều kiện hiện tại.

- Chủ trì, phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất, Ban Quản lý bồi thường giải phóng mặt bằng, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân các quận huyện rà soát báo cáo lại Ủy ban nhân dân thành phố các quy định liên quan về bồi thường, giải phóng mặt bằng của thành phố. Đồng thời đề xuất các giải pháp bao gồm kiến nghị chỉnh sửa hoặc ban hành mới các quy định nhằm thực hiện có hiệu quả việc tạo mặt bằng cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Cục Thuế, Ủy ban nhân dân các quận huyện rà soát lại tình hình cho doanh nghiệp thuê đất tại thành phố Cần Thơ. Thống kê, báo cáo lại số lượng hợp đồng thuê đất, tổng diện tích đất cho doanh nghiệp đang thuê hiện nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Tổ chức đoàn kiểm tra mục đích sử dụng đất thực tế tại các doanh nghiệp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và đề xuất giải quyết đối với từng hợp đồng thuê đất cụ thể, trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

5. Sở Xây dựng:

- Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch chi tiết xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch ngành (muối, rác, cấp nước, nước thải…) thuộc phạm vi quản lý của Sở Xây dựng.

- Thực hiện công khai hóa các quy hoạch xây dựng nói chung và cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng nhanh chóng, chính xác khi có yêu cầu hợp lý của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp.

6. Sở Giao thông vận tải:

- Rà soát và thực hiện đầy đủ việc cắm các biển báo giao thông, thông báo tải trọng và việc hạn chế các loại phương tiện giao thông vận tải tại các tuyến đường trên toàn địa bàn thành phố Cần Thơ để công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố Cần Thơ trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

- Tập trung cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép cho xe quá khổ, quá tải được lưu thông trên các tuyến đường cấm các loại xe này.

7. Sở Tư pháp:

- Làm đầu mối, phối hợp với các sở, ngành đề xuất giải pháp công khai hóa văn bản quy phạm pháp luật đến doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nghiệp trẻ thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ và các hiệp hội doanh nghiệp khác tại thành phố Cần Thơ nghiên cứu, đề xuất quy chế lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng phương án và tổ chức thực hiện việc tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, định kỳ báo cáo kết quả tuyên truyền về UBND thành phố để theo dõi và có ý kiến chỉ đạo.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đánh giá kết quả thực hiện đào tạo lao động tại thành phố Cần Thơ, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo để hướng dẫn các trường, trung tâm dạy nghề thực hiện. Xây dựng bản hướng dẫn dịch vụ giới thiệu việc làm để các trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện, mặt khác phải tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện các hướng dẫn này.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách xã hội hoá lĩnh vực đào tạo lao động và dịch vụ giới thiệu việc làm theo quy định pháp luật.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và du lịch, Văn phòng UBND thành phố, UBND các quận, huyện chỉnh sửa giao diện trên Cổng thông tin điện tử thành phố Cần Thơ. Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp nhằm bảo đảm ổn định và hiệu quả Cổng thông tin điện tử thành phố Cần Thơ, trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

- Chủ trì, chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin từ các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp để đưa nội dung này lên Cổng thông tin điện tử của thành phố Cần Thơ. Không để xảy ra trường hợp thông tin lạc hậu, hoặc không có thông tin.

10. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành khác có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Kỹ thuật và Ứng dụng công nghệ để thử nghiệm các mẫu hàng hóa trước mắt là cho các doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ.

11. Cục Thuế:

- Triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 29/2005/CT-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và hiện đại hoá ngành Thuế. Trong đó, cần quan tâm thực hiện tốt những nội dung sau:

- Tổ chức niêm yết công khai quy trình tác nghiệp và các thủ tục hành chính liên quan đến việc thu nộp thuế, bán hóa đơn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, tổ chức bộ phận tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về quá trình tác nghiệp của cán bộ Thuế.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh Truyền hình thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về thuế, theo định kỳ hàng quý.

12. Thanh tra thành phố:

Chủ trì, điều tiết kế hoạch thanh tra của các cơ quan thanh tra trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế thanh tra trùng lắp giữa các cơ quan thanh tra với nhau. Ban hành quy định hướng dẫn các cơ quan thanh tra chuyên ngành, cơ quan thanh tra thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện gởi kế hoạch thanh tra của mình đến cơ quan Thanh tra thành phố Cần Thơ để theo dõi, thực hiện, trước ngày 30 tháng 6 năm 2009.

13. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố:

Tiếp tục thực hiện dự án cải cách thủ tục hành chính, lập quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài thành phố tham gia cung cấp các dịch vụ cơ sở hạ tầng đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp để tăng cường dịch vụ trong các khu cụm công nghiệp. Trong đó đặc biệt là các dự án xử lý nước thải công nghiệp, xử lý rác công nghiệp, cung cấp điện, nước, ký túc xá cho công nhân trong các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp đã được phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

14. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND thành phố, UBND các quận huyện tiếp nhận, tổng hợp các tài liệu kế hoạch kinh tế, xã hội của thành phố và thực hiện việc công khai, cung cấp cho doanh nghiệp phù hợp với từng loại tài liệu và cách thức cung cấp tài liệu theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và du lịch, Khoa học và công nghệ, Thông tin và truyền thông đề xuất UBND thành phố các giải pháp hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhằm đảm bảo doanh nghiệp có thể tiếp cận được các thông tin thị trường; thông tin pháp luật; thông tin về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của một số thị trường xuất khẩu chủ yếu; thông tin cơ bản về doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ, để các đối tác có thể nghiên cứu, tìm hiểu.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng đề án xã hội hóa lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch. Trình Ủy ban nhân dân thành phố thông qua trước ngày 31 tháng 12 năm 2009.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất thành lập Quỹ xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Cần Thơ, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động có hiệu quả quỹ này.

15. Trung tâm phát triển quỹ đất:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân các quận huyện xây dựng đề án tạo quỹ đất sạch, để kêu gọi các nhà đầu tư vào thành phố Cần Thơ. Ưu tiên đối với dự án thuộc danh mục các dự án thu hút đầu tư tại thành phố Cần Thơ.

16. Viện Kinh tế - Xã hội thành phố:

- Đẩy mạnh thực hiện vai trò phản biện xã hội. Tập trung nghiên cứu đề xuất cho lãnh đạo thành phố các chủ trương, chính sách phát triển doanh nghiệp phù hợp với sự phát triển chung trong từng thời kỳ.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng đề án nghiên cứu, khảo sát dư luận xã hội và doanh nghiệp về chất lượng môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của thành phố và trình Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 30 tháng 9 năm 2009.

17. Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố:

- Làm đầu mối tổng hợp thông tin phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố Cần Thơ, kịp thời đề xuất lãnh đạo thành phố điều chỉnh hoặc ban hành mới các chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nhằm tạo cho doanh nghiệp một môi trường đầu tư thuận lợi nhất trong phạm vi thẩm quyền của thành phố.

- Phối hợp tổ chức cho các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến cho các chính sách phát triển của thành phố Cần Thơ và các buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố, để phản ánh những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp tháo gỡ.

18. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

- Phối hợp với các sở, ngành trong việc thực hiện Chỉ thị này trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện việc cung cấp thông tin và định kỳ báo cáo về Ủy ban nhân dân quận, huyện tổng hợp gởi về Sở Thông tin và Truyền thông để đưa lên Cổng thông tin điện tử thành phố Cần Thơ.

- Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính ở cấp mình quản lý, ưu tiên ban hành các quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan nhà nước trong phạm vi quận, huyện.

- Chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ có trách nhiệm công khai các thủ tục hành chính, công khai quy hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch xây dựng và các nội dung khác có liên quan để người dân và doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện được.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi và đôn đốc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tiến độ, kết quả, những vướng mắc và kiến nghị biện pháp xử lý trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc và khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Tuấn Anh