Chỉ thị 08/2010/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng trừ rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa năm 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 08/2010/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Trung Tín
Ngày ban hành: 05/03/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/04/2010 Số công báo: Số 23
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 08/2010/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 03 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ RẦY NÂU VÀ BỆNH VÀNG LÙN - LÙN XOẮN LÁ HẠI LÚA NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Theo Thông báo số 21/BNN-BVTV-BCĐ-TB ngày 22 tháng 02 năm 2010 của Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá tại các tỉnh phía Nam, rầy nâu hiện nay phân bố khá rộng, diện tích nhiễm rầy nâu là 85.560 ha, tăng 16.714 ha so với trước Tết Nguyên đán. Đồng thời đã xuất hiện 95 ha bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và đã thực hiện tiêu hủy. Dự báo sẽ có đợt rầy di trú với mật số cao và kéo dài trong thời gian cuối tháng 02 đầu tháng 3 năm 2010 do lúa Đông Xuân vào giai đoạn thu hoạch rộ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian vừa qua ngành nông nghiệp thành phố đã phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành các cấp thực hiện tốt kế hoạch gieo cấy lúa đồng loạt và tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ rầy nâu có hiệu quả. Đến ngày 22 tháng 02 năm 2010, vụ Đông Xuân 2009 - 2010 đã xuống giống được 6.543 ha, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2009 (5.986 ha), trong đó giai đoạn mạ là 749 ha, đẻ nhánh: 2.851 ha, đòng: 2.217 ha, trổ: 555 ha, chín: 138 ha và thu hoạch: 33 ha. Tuy chưa xuất hiện bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá nhưng nguy cơ rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có khả năng bộc phát là khá cao. Tính đến ngày 22 tháng 02 năm 2010, tổng diện tích nhiễm rầy nâu là 182 ha, tăng 24 ha so với trước Tết Nguyên đán. Ngoài ra, còn có diện tích lúa bị nhiễm sinh vật hại khác như ốc bươu vàng: 673 ha, sâu cuốn lá: 261 ha, bọ trĩ: 82 ha và đạo ôn: 110 ha.

Nhằm tổ chức triển khai công tác phòng, chống rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá ngay từ đầu năm, không để dịch hại lúa bộc phát gây thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, đảm bảo ổn định đời sống cho bà con nông dân; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các công việc sau đây:

1. Tiếp tục duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và bệnh lùn xoắn lá cấp thành phố, phối hợp cùng với Ban Chỉ đạo các quận, huyện tích cực chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng trừ rầy nâu và bệnh hại lúa trong năm 2010.

2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

2.1. Chỉ đạo áp dụng triệt để các biện pháp không để bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá lây lan trên lúa trong năm 2010 đối với những nơi chưa thể chuyển đổi sang cây trồng khác như:

- Thường xuyên phân công và kiểm tra cán bộ theo dõi tình hình sản xuất; tình hình sinh vật hại, đặc biệt trước mắt cần lên danh sách cán bộ trực trong thời gian cao điểm phát sinh bệnh hại lúa.

- Chủ trì phối hợp với ngành nông nghiệp (Bảo vệ thực vật, Khuyến nông), chỉ đạo các phường - xã và các đơn vị liên quan vận động nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và xử lý rầy khi có mật số cao, đặc biệt là đối với lúa dưới 40 ngày tuổi. Đối với các ruộng lúa có bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xử lý rầy khi có mật số 3 con/tép, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc lúa đúng kỹ thuật, không được bón đạm khi bệnh đạo ôn xuất hiện, không để ruộng khô nước.

2.2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường phối hợp với các đoàn thể, ngành nông nghiệp tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích lúa có năng suất thấp sang cây trồng khác theo nội dung Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2006 về phê duyệt chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 - 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện, giải quyết nhanh cho nông dân xây dựng các dự án và vay vốn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn theo Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố về Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND .

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Triển khai các nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công điện số 05/BNN-CĐ ngày 03 tháng 02 năm 2010 về việc cảnh báo tình hình sâu bệnh hại lúa trong năm 2010, trong đó tập trung các công tác sau:

3.1. Chỉ đạo Chi cục Bảo vệ thực vật khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch rầy nâu, bệnh hại lúa như:

- Tăng cường công tác giám sát rầy nâu, mật số rầy vào đèn, tỷ lệ bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa trên đồng ruộng và các bệnh hại lúa khác để dự báo chính xác tình hình sinh vật hại trên lúa trong năm 2010.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức chặt chẽ công tác phun xịt diệt rầy đồng loạt khi có mật số 3 con/tép; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện mầm bệnh nhanh, kịp thời và tiêu hủy triệt để diện tích nhiễm bệnh.

- Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, lực lượng Công an, tăng cường lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

3.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến rầy nâu - bệnh hại lúa tại thành phố, trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ nhằm kịp thời đối phó với tình hình rầy nâu và dịch bệnh trong năm 2010.

3.3. Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và phòng, chống lụt, bão theo dõi diễn biến độ mặn, tình hình thời tiết, triều cường để xây dựng kế hoạch cung cấp, điều tiết nước, phương án chống hạn trong vụ Đông Xuân 2009 - 2010 và phương án phòng, chống ngập úng trong mùa mưa năm 2010 để phối hợp với chính quyền địa phương thông báo hướng dẫn cho nông dân và có kế hoạch điều tiết nước kịp thời và hợp lý theo đúng nhu cầu, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

4. Sở Tài chính:

Hướng dẫn các sở, ngành, quận, huyện lập dự toán kinh phí phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa; bố trí kịp thời đủ kinh phí, tổ chức thực hiện cấp phát, thanh quyết toán và kiểm tra việc thực hiện kinh phí, đảm bảo các yêu cầu công tác hoạt động phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa theo kế hoạch đã được phê duyệt.

5. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban, ngành liên quan, huy động Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền qua băng rôn, áp phích và các hình thức khác để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về các chính sách chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, vận động nông dân chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng khác theo nội dung Quyết định số 97/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 7 năm 2006; Quyết định số 105/2006/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2006 và Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố.

6. Sở Công Thương:

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, lực lượng Công an tăng cường lực lượng kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và vật tư nông nghiệp khác. Xử phạt nghiêm các trường hợp tăng giá sản phẩm; thuốc, phân bón ngoài danh mục; hàng giả, kém chất lượng…

7. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Thành Đoàn thành phố: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân quán triệt và thực hiện tốt công tác phòng, chống rầy nâu và bệnh hại lúa theo Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố.

Để ngăn chặn, phòng, chống và xử lý kịp thời rầy nâu và bệnh hại lúa trong năm 2010 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, các doanh nghiệp khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Tín