Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Nam Định
Số hiệu: 06/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định Người ký: Phạm Đình Nghị
Ngày ban hành: 01/06/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Nam Định, ngày 01 tháng 6 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH NAM ĐỊNH

Trong những năm qua, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo, đầu tư. Hầu hết các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật, các thông tin chỉ đạo điều hành được công khai trên website/cổng thông tin điện tử của đơn vị. Phần lớn cán bộ, công chức đã sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin. Một số cuộc họp quan trọng đã được tổ chức trực tuyến... qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí của người dân và doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin tại một số cơ quan, đơn vị còn bộc lộ nhiều hạn chế, còn mang tính hình thức, cán bộ lãnh đạo và công chức chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, các ứng dụng công nghệ thông tin mang tính rời rạc, hệ thống cơ sở dữ liệu còn phân tán. Các văn bản quản lý, điều hành chưa được cập nhật, vận hành thường xuyên, chưa thành nề nếp, chưa thông suốt giữa các cơ quan nhà nước các cấp. Một số phần mềm dùng chung được xây dựng từ nhiều năm trước không được nâng cấp, cập nhật nên không đáp ứng các yêu cầu mới.

Để khắc phục những hạn chế trên đồng thời tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng thường xuyên của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước:

a) Cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

b) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định của Luật, các văn bản dưới Luật, hướng dẫn chỉ đạo về công nghệ thông tin; Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và triển khai các biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại địa phương và đơn vị mình.

c) Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Nam Định nghiên cứu phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ hàng tuần có chuyên trang, chuyên mục về ứng dụng Công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính.

2. Sử dụng các phần mềm quản lý trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước:

a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì việc lựa chọn, tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai các phần mềm dùng chung, các phần mềm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước chung của tỉnh; xây dựng cổng dịch vụ công của tỉnh tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện hệ thống thư điện tử đảm bảo cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức tất cả các cơ quan nhà nước tỉnh.

b) Các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố thường xuyên trao đổi văn bản điện tử thông qua hệ thống các phần mềm dùng chung và hệ thống thư điện tử của tỉnh; khai thác và trao đổi thông tin trên môi trường mạng, cung cấp các dịch vụ hành chính công, các thủ tục hành chính, các thông tin về chính sách pháp luật, phục vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước.

3. Đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin thật sự thiết thực, hiệu quả:

a) Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh:

- Chủ trì thực hiện việc tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch 25/KH-UBND ngày 22/3/2016 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn về Công nghệ thông tin hỗ trợ các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc xây dựng phương án, giải pháp kỹ thuật, lựa chọn công nghệ để xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ.

- Khẩn trương xây dựng và triển khai Dự án Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nam Định phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam làm cơ sở để xây dựng chuẩn ứng dụng dùng chung. Triển khai ứng dụng chứng thư số đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trao đổi giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc lập kế hoạch, phân bổ và sử dụng kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin theo quy định để thực hiện các hoạt động, dự án công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh.

b) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xác định và tham mưu UBND tỉnh triển khai các ứng dụng CNTT từ nguồn kinh phí sự nghiệp và nguồn phát triển khoa học công nghệ hàng năm phục vụ phát triển công nghệ thông tin của tỉnh.

c) Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên hàng năm, kết hợp các chương trình dự án, các nguồn vốn khác để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của đơn vị mình và kết nối liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh và Chính phủ.

4. Đào tạo và phát triển nguồn lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước:

a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch và tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức về tin học cho cán bộ, công chức, viên chức; các khóa đào tạo kiến thức chuyên sâu về quản lý, quản trị hệ thống, an ninh, an toàn thông tin mạng cho cán bộ chuyên trách của các cơ quan, đơn vị.

b) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan xây dựng chính sách thu hút nhân lực và cơ chế tuyển dụng đối với công chức có trình độ cao về Công nghệ thông tin. Công tác thi đua khen thưởng phải được gắn liền với hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan đơn vị.

5. Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành là nhiệm vụ rất quan trọng, bắt buộc đối với các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện, định kỳ báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị này về Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Nam Định).

6. Giao Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh tổ chức thực hiện và định kỳ tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành, phấn đấu đưa tỉnh Nam Định trở thành tỉnh có mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin ở mức độ cao trên toàn quốc./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Nghị