Chỉ thị 04/2009/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2009 trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 04/2009/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Hoàng Quân
Ngày ban hành: 02/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/03/2009 Số công báo: Số 50
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 04/2009/CT-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 3 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2009 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Do tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã có biểu hiện tác động đến nước ta trong năm vừa qua. Đối với thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008 đã xảy ra 10 cơn lốc xoáy, 04 cơn mưa lớn có vũ lượng trên 50 mm, 03 đợt triều cường có đỉnh triều xấp xỉ và vượt mức báo động cấp III, 07 điểm bờ sông bị sạt lở làm 14 người bị thương, 155 nhà sập, hư hỏng, 113 cây xanh và 32 cột điện ngã đổ, bể 69 đoạn bờ bao… Dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, nhất là các loại thiên tai, mưa, bão, triều cường… năm 2009 có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của thành phố; để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lụt, bão, thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở - ban - ngành, đơn vị thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Ngay từ đầu năm 2009, các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của thành phố (ban hành kèm theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố). Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó với lụt, bão, thiên tai năm 2008, phát huy những ưu điểm, những công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp khắc phục ngay trước mùa mưa bão năm 2009. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với lụt, bão, thiên tai ngay tại cơ sở.

2. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, sở - ban - ngành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị chỉ đạo, triển khai đạt hiệu quả các biện pháp phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2009.

3. Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

a) Tập trung chỉ đạo triển khai thi công nhanh các công trình phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước, đặc biệt là các bờ bao loại nhỏ ở ngoại thành, vùng ven và hệ thống tiêu thoát nước ở nội thành đảm bảo hoàn thành đạt chất lượng trong quý II năm 2009.

b) Thành lập và triển khai huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng các tổ, đội xung kích, tình nguyện làm công tác ứng cứu, phòng, chống lụt, bão, thiên tai tại các quận - huyện, phường - xã - thị trấn.

c) Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các Phương án phòng, tránh, ứng phó lụt, bão, thiên tai của quận - huyện, đặc biệt là kiểm tra, cập nhật các địa điểm xung yếu, vị trí an toàn, số hộ dân, số dân phải sơ tán, di dời khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra. Hiệp đồng với chủ các phương tiện cơ giới trên địa bàn để kịp thời huy động, trưng dụng phương tiện khi cần thiết. Tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng, an toàn hoặc hướng dẫn người dân chủ động di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn, thuận tiện nhất khi có thiên tai xảy ra. Tại các địa điểm tạm cư phải được tổ chức chu đáo, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh cho người dân.

d) Tổ chức, phân công, kiểm tra và đôn đốc việc triển khai thực hiện thu, nộp, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống lụt, bão tại địa phương theo quy định hiện hành.

đ) Ủy ban nhân dân quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh chủ động lập kế hoạch huy động lực lượng, sử dụng kinh phí, vật tư tại chỗ để xử lý, gia cố các đoạn bờ bao thấp, yếu phát sinh nhằm đảm bảo khả năng ngăn triều, chống sạt lở, không để xảy ra bể, tràn bờ bao gây ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

e) Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè thực hiện khẩn trương các dự án di dời dân đang sinh sống trong khu vực ven sông, ven biển, có nguy cơ sạt lở cao, vùng trũng thấp, hộ dân có nhà ở trong rừng phòng hộ và di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công dự án xây dựng khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu thuyền tại khu vực sông Đồng Đình và thông báo rộng rãi cho tàu thuyền trú ẩn khi có sóng to, gió lớn.

4. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố:

a) Có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các sở - ban - ngành, quận - huyện thực hiện tốt kế hoạch, phương án phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đôn đốc, kiểm tra các quận - huyện có công trình phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước nhanh chóng thi công hoàn thành để phát huy hiệu quả trong mùa mưa bão. Điều chỉnh, bổ sung Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn thành phố; đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện Phương án chủ động phòng, chống và ứng phó với tình trạng ngập úng do mưa lớn, triều cường trên địa bàn thành phố.

 b) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, các quận - huyện rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định đầu tư các công trình phòng, chống triều cường, bờ bao kết hợp giao thông nông thôn, chống sạt lở bờ sông, tiêu thoát nước năm 2009. Phối hợp cùng Sở Tài chính thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố rà soát, kiểm tra, thống kê các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiện có của thành phố và đề xuất đầu tư bổ sung số lượng, chủng loại cần thiết theo nhu cầu của thành phố trong năm 2009 để thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”.

c) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tổ chức tập huấn về kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp lý đối với công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, chuyên viên, thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các sở - ban - ngành, quận - huyện vào quý II năm 2009.

d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống lụt, bão, thiên tai (trực tiếp, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, sổ tay…) cho cộng đồng dân cư để người dân luôn tự ý thức chủ động phòng, chống ứng phó đạt hiệu quả, kịp thời ngay khi có cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng.

đ) Chủ trì cùng các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan nghiên cứu, đề xuất việc thành lập các tổ, đội tự quản, áp dụng các chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia tuần tra, bảo vệ đê bao, bờ bao phòng chống triều cường tại phường, xã thuộc các huyện, quận ven theo Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các công trình sau đầu tư, đặc biệt là kịp thời tu sửa đê bao, bờ bao xung yếu, ngăn ngừa xảy ra sự cố bể bờ, tràn bờ ngay từ trước mỗi đợt triều cường.

e) Phối hợp với các sở - ngành chức năng khảo sát và xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Quản lý và Giảm nhẹ thiên tai thành phố trực thuộc Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố để tăng cường, tập trung triển khai các biện pháp phi công trình trong phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn thành phố.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố:

a) Kiểm tra chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phao cứu sinh, phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển.

b) Khi có thiên tai, bão, áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp, thời tiết xấu trên biển Đông phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển để hướng dẫn di chuyển phòng, tránh, đảm bảo an toàn.

c) Triển khai thí điểm đề án trồng cây chống sạt lở đê bao, bờ bao, bờ sông, rạch tại một số huyện, quận ven.

6. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố và các đơn vị liên quan điều chỉnh, bổ sung Phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ứng với từng loại hình thiên tai, tình huống, cấp độ thiệt hại để tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.

b) Phối hợp với Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai - tìm kiếm cứu nạn vào quý III năm 2009.

7. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố:

Kiểm soát chặt chẽ các tàu thuyền đánh bắt hải sản khi xuất bến; cập nhật đầy đủ các thông tin về người, tàu thuyền, ngư trường hoạt động khai thác. Kiên quyết không cho xuất bến đối với tàu thuyền hết hạn đăng kiểm, tàu thuyền không trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn theo quy định.

8. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố:

Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án tiêu thoát nước, chống ngập trên địa bàn thành phố để sớm xóa các điểm ngập cũ và hạn chế phát sinh các điểm ngập mới, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn ODA tại lưu vực trung tâm; đồng thời phối hợp với các cơ quan, ban – ngành Trung ương và thành phố tổ chức triển khai Dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố.

9. Sở Giao thông Vận tải thành phố:

a) Phối hợp với Công an thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố huy động lực lượng kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn tại các bến phà, đò ngang, cầu yếu. Tăng cường tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả chủ trương mọi người khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy đều tự giác mặc áo phao. Phân luồng, điều phối giao thông khi lụt, bão, thiên tai xảy ra; cắm biển báo tại các tuyến đường nguy hiểm, bị ngập sâu để người dân biết, hạn chế đi lại và tránh ùn tắc giao thông.

b) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện thủy neo đậu trái phép làm hư hỏng công trình phòng, chống lụt, bão; xử lý các trường hợp lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ và lòng sông, kênh, rạch gây sạt lở, bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy.

c) Chỉ đạo chủ đầu tư các dự án nạo vét sông, kênh, rạch trong quá trình thi công phải bảo vệ hệ thống bờ bao, đê bao và hạn chế phá bỏ các hàng cây bảo vệ chân bờ bao, đê bao nhằm tránh gây ra sạt lở dẫn đến nguy cơ bể bờ khi triều cường dâng cao như từng xảy ra ở quận 12 và quận Thủ Đức.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố:

a) Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Cảng vụ thành phố, các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức ứng phó, khắc phục nhanh các sự cố tràn dầu trên sông, trên biển để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên, công trình, sản xuất của nhân dân.

b) Tăng cường quản lý, xử lý các hoạt động khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy sông, rạch theo chiều hướng bất lợi; đồng thời phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân các tình huống và biện pháp ứng phó khi xảy ra động đất, sóng thần.

11. Sở Xây dựng thành phố:

a) Kiểm tra, cảnh báo các chủ đầu tư không để xảy ra đổ sập giàn dáo, cần cẩu tại các công trình đang thi công gây tai nạn; đảm bảo an toàn cho các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp, các công trình ngầm khi xảy ra lụt, bão, thiên tai.

b) Nghiên cứu đề xuất và phổ biến, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng các công trình, nhà ở, chung cư nhằm có khả năng chịu được gió, bão, lốc xoáy có cường độ cao, nhất là ở những vùng thường xuyên, trực tiếp chịu ảnh hưởng.

12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố:

Có trách nhiệm thông báo, khuyến cáo, yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa nô, biển quảng cáo… đúng kỹ thuật do ngành xây dựng quy định nhằm đảm bảo an toàn khi có bão, lốc xoáy, gió giật.

13. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố:

Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra các trạm tiếp sóng viễn thông, bảo đảm cho mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận, xử lý thông tin trong công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông suốt trong mọi tình huống.

14. Công ty Điện lực thành phố:

Bảo vệ hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục; chuẩn bị máy phát điện dự phòng khi thành phố bị ảnh hưởng của lụt, bão, thiên tai.

15. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ tăng thời lượng cung cấp thông tin, dự báo tình hình diễn biến thời tiết, lụt, bão, thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời, chính xác cho Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố, các sở - ngành, quận - huyện; tăng thời lượng phát sóng các chương trình truyền hình tuyên truyền các chủ trương, chính sách, các biện pháp phòng ngừa thiên tai, các chương trình hướng dẫn người dân ứng phó với các sự cố có thể phát sinh khi có thời tiết xấu, thiên tai bất thường.

16. Các sở - ban - ngành, Tổng Công ty 90, 91 đóng trên địa bàn thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do lụt, bão, thiên tai trong phạm vi đơn vị mình; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.

17. Các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo, đặc biệt là khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra (thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-PCLB ngày 30 tháng 9 năm 2008 của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố).

Yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành thành phố, Tổng Công ty 90, 91, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương; 
- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn;    
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- Phân Ban Chỉ đạo PCLB miền Nam;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Thường trực UBND TP;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;  
- Các sở - ban - ngành, đoàn thể TP;    
- Các thành viên Ban Chỉ huy PCLB TP; 
- Các Tổng Công ty 90, 91 đóng tại TP;
- UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn;
- CC Thủy lợi và PCLB (4 bản);
- CT Thủy điện: Trị An, Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng;
- CT TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng;
- Cơ quan thông tấn báo chí thành phố;
- VP HĐND-UBND: CPVP, các Phòng CV, TTCB;
- Lưu: VT, (CNN-Tr) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân