Chỉ thị 02/2010/CT-UBND về công tác ứng phó bão đổ bộ vào địa bàn quận 4 do Ủy ban nhân dân quận 4 ban hành
Số hiệu: 02/2010/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Tiến Đạt
Ngày ban hành: 17/03/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/04/2010 Số công báo: Số 25
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN 4
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 02/2010/CT-UBND

Quận 4, ngày 17 tháng 3 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC ỨNG PHÓ BÃO ĐỔ BỘ VÀO ĐỊA BÀN QUẬN 4

Trong những năm gần đây, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, gây ra nhiều tác hại nguy hiểm, tác động trực tiếp đến nước ta nói chung và thành phố, quận 4 nói riêng. Trước những dự báo về tình hình lụt, bão, thiên tai sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường và để chủ động ứng phó kịp thời khi có bão đổ bộ trực tiếp, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước, của nhân dân và các hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn quận 4;

Ủy ban nhân dân quận 4 chỉ thị:

1. Ban Chỉ huy phòng chống lụt, bão quận; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quận và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án phòng chống lụt, bão, thiên tai đã được phê duyệt theo quy định. Trọng tâm là:

a) Thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) theo Điều 3 của Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

b) Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang bị, vật tư, hậu cần… để kịp thời ứng phó trước, trong và sau bão; đảm bảo sự vận hành phối hợp tốt giữa các lực lượng trong hệ thống chính trị.

2. Công an quận triển khai các phương án tổ chức bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận trước, trong và sau khi bão xảy ra.

3. Ban Chỉ huy quân sự quận tổ chức triển khai kế hoạch phối hợp với Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng Cửa khẩu Cảng Sài Gòn, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy trên sông, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận, Quận đoàn, Công ty Dịch vụ Công ích quận để chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, huy động các phương tiện, trang thiết bị như tàu, canô, xe tải, thiết bị thông tin liên lạc, nhà bạt, phao cứu sinh, nệm hơi… và các trang thiết bị chuyên dụng khác để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

4. Phòng Kinh tế quận triển khai kế hoạch phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quận tổ chức cung ứng, hàng hoá, chất đốt, lương thực thực phẩm thiết yếu, phương tiện vận chuyển người dân phải đi sơ tán, di dời tránh bão, cứu hộ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói.

5. Phòng Y tế quận, Trung tâm Y tế Dự phòng quận, Hội Chữ thập đỏ quận triển khai phương án huy động lực lượng y, bác sĩ, chuẩn bị cơ số thuốc, phương tiện, vật tư, thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu cứu thương và khắc phục hậu quả, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, cứu tế nhân dân và xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.

6. Ủy ban nhân dân 15 phường, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão phường tổ chức triển khai phương án phòng, tránh, ứng phó bão đã được Ủy ban nhân dân phường phê duyệt. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các nhiệm vụ sau:

a) Xác định địa điểm, khu dân cư, số hộ dân, số dân phải di dời, sơ tán.

b) Chủ động liên hệ với các chủ phương tiện cơ giới trên địa bàn để kịp thời huy động, trưng dụng phương tiện khi cần thiết. Tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng, an toàn hoặc để người dân tự di chuyển đến các địa điểm trú ẩn thuận tiện nhất khi có sự cố xảy ra.

c) Tại các địa điểm tránh, trú bão phải chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh cho người dân, bảo đảm không để dịch bệnh xảy ra trong và sau bão. Tổ chức bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

d) Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về công tác phòng, tránh, ứng phó bão, chằng chống nhà cửa; đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn phường thực hiện phương án phòng, tránh, ứng phó bão của từng doanh nghiệp.

7. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quận; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Giám đốc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường tổ chức và chấp hành nghiêm túc chế độ trực 24/24 giờ; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo về tình hình lụt, bão, thiên tai xảy ra về Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão quận (thông qua Phòng Quản lý Đô thị quận - cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão quận)

8. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn quận có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do lụt, bão, thiên tai trong phạm vi đơn vị mình. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị vật tư cần thiết tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả của lụt, bão, thiên tai theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân quận và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão quận nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất khi có bão đổ bộ vào địa bàn quận.

9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 07 (bảy) ngày, kể từ ngày ký.

Yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão quận;Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quận; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và Giám đốc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận; Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Đạt