Quyết định 04/2019/QĐ-UBND sửa đổi quy định kèm theo Quyết định 03/2016/QĐ-UBND về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 04/2019/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Nguyễn Dương Thái
Ngày ban hành: 08/03/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2019/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 08 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 03/2016/QĐ-UBND NGÀY 14/3/2016 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị đnh số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 14/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương

1. Bổ sung khoản 7 Điều 3 như sau:

“7. Phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng là phạm vi đất và không gian để xây dựng công trình đường bộ.”

2. Bổ sung khoản 5 Điều 4 như sau:

“5. Chỉ giới xây dựng lâu dài nằm ngoài phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được xác định tại khoản 1 Điều này.”

3. Sửa đổi Điều 5 như sau:

“Điều 5. Phân công trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

4. Phân công trách nhiệm quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ:

a) Sở Giao thông vận tải quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường huyện, đường đô thị trên địa bàn quản lý; trực tiếp cùng với các cơ quan quản lý đường bộ thực hiện quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, Quốc lộ trên địa bàn;

c) Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường xã; trực tiếp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, Quốc lộ, đường huyện, đường đô thị trên địa bàn.

2. Phân công trách nhiệm xử lý vi phạm:

a) Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng đối với hệ thống đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính ngoài phạm vi công trình đường bộ đối với đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền và toàn bộ kết cấu hạ tầng giao thông đường huyện, đường đô thị, đường xã trên địa bàn; trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét ban hành quyết định;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định xử lý vi phạm trong phạm vi ngoài công trình đường bộ chiếm dụng đối với đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền và toàn bộ kết cấu hạ tầng giao thông đường huyện, đường đô thị trên địa bàn trong trường hợp vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã.”

4. Sửa đổi khoản 1 Điều 7 như sau:

“Việc xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khai thác thực hiện theo quy định tại Điều 12, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT , Điều 1, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT và các quy định sau:

1. Công trình thiết yếu đi ngầm qua đường bộ địa phương:

a) Đối với công trình đi ngầm qua đường bộ, ưu tiên thi công bằng phương pháp khoan ngầm, trường hợp không thể khoan ngầm mới sử dụng biện pháp đào cắt mặt đường;

b) Không cho phép công trình thiết yếu đặt trong cống thoát nước ngang đường. Trường hợp đi qua các cống kỹ thuật nếu còn đủ không gian thì cho phép chủ công trình thiết yếu lắp đặt trong cống kỹ thuật;

c) Trường hợp xây dựng công trình thiết yếu ngang qua đường bộ bằng phương pháp khoan ngầm hoặc đào cắt mặt đường phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật sau: Có đường ống hoặc hộp bao bên ngoài bằng vật liệu bền vững đảm bảo ổn định của công trình thiết yếu và phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của đường bộ; khoảng cách từ điểm thấp nhất của mặt đường đến điểm cao nhất của công trình thiết yếu tối thiểu 01 mét nhưng không nhỏ hơn chiều dày kết cấu áo đường (trừ các trường hợp đặc biệt được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền chấp thuận).”

5. Sửa đổi Điều 11 như sau:

“Điều 11. Đấu nối đường nhánh vào Quốc lộ

Đường nhánh đấu nối vào Quốc lộ được quy định tại Điều 20 Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT , Điều 1, Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT. Vị trí đấu nối cụ thể thực hiện theo quy hoạch các điểm đấu nối với các Quốc lộ qua địa bàn tỉnh Hải Dương đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương phê duyệt.”

6. Sửa đổi điểm b, điểm h, khoản 1; bổ sung điểm i, khoản 1, điểm b, khoản 2 Điều 12 như sau:

a) Sửa đổi điểm b, khoản 1 như sau:

“b) Đường nhánh đấu nối vào đường tỉnh phải đảm bảo quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối liền kề. Trường hợp không đảm bảo khoảng cách tối thiểu phải đấu nối thông qua đường gom.”

b) Sửa đổi điểm h, khoản 1 như sau:

“h) Trong trường hợp tại những vị trí đấu nối thuộc đoạn tuyến không đủ điều kiện làm đường gom (các khu dân cư xen kẹp nằm trong hành lang an toàn), Chủ dự án lập đề xuất chấp thuận vị trí đấu nối trực tiếp với đường tỉnh, kèm theo phương án thiết kế nút giao đấu nối phải đảm bảo kỹ thuật, an toàn tối thiểu (mở rộng mặt đường đảm bảo bán kính rẽ xe, bố trí làn tăng giảm tốc, hệ thống báo hiệu, gồ giảm tốc, điện chiếu sáng)”

c) Bổ sung điểm i, khoản 1 như sau:

“i) Đối với những dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trước khi đường huyện được nâng cấp lên đường tỉnh, cho phép thực hiện đấu nối theo quy hoạch. Ngoài thời hạn 12 tháng kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định nâng cấp đường huyện lên đường tỉnh việc đấu nối với đường nhánh vào đường tỉnh thực hiện theo quy định này.”

d) Sửa đổi điểm b, khoản 2 như sau:

“b) Ngoài khu vực nội thành, nội thị các đô thị:

- Đối với đường có dải phân cách giữa (phương tiện qua nút giao chỉ rẽ phải), có đủ quỹ đất xây dựng làn chuyển tốc, khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề cùng phía dọc mỗi bên của đường tỉnh không nhỏ hơn 2000m.

- Đối với tuyến đường không có dải phân cách giữa, khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu liền kề dọc theo mỗi bên của đường tỉnh không nhỏ hơn 3000m.”

7. Sửa đổi Điều 13 như sau:

“Điều 13. Đấu nối vào đường huyện, đường đô thị

Đối với các điểm đấu nối vào đường huyện, đường đô thị: Căn cứ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, căn cứ vào khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối vào đường tỉnh được quy định tại Điều 12 của quy định này và cấp đường quy hoạch, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét chấp thuận thiết kế, phương án tổ chức giao thông điểm đấu nối.”

8. Bổ sung khoản 4 Điều 17 như sau:

“4. Chủ dự án, lập phương án đấu nối tạm có thời hạn, gửi kèm theo phương án đấu nối chính thức đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền xem xét. Trong phương án đấu nối tạm nêu rõ vị trí, quy mô, thời hạn sử dụng đấu nối tạm (là thời gian thi công xây dựng cơ sở vật chất của dự án), hết thời hạn đấu nối tạm, Chủ dự án phải có trách nhiệm hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu. Chậm nhất đến hết thời gian đấu nối tạm, Chủ dự án phải tổ chức xây dựng xong phương án đấu nối chính thức.”

9. Sửa đổi khoản 2, khoản 4 Điều 19 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 như sau:

“2. Đối với cửa hàng xăng dầu.

a) Các cửa hàng xăng dầu đã đấu nối vào đường địa phương được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, nếu không đủ khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đấu nối theo quy định này, được tiếp tục tồn tại đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; Chủ cửa hàng xăng dầu phải có phương án đề xuất với cơ quan có thẩm quyền di chuyển sang vị trí khác đảm bảo khoảng cách giữa hai cửa hàng xăng dầu theo quy định hoặc tự xóa bỏ trước ngày 31 tháng 12 năm 2022;

b) Các cửa hàng xăng dầu xây dựng tự phát, đấu nối trái phép nằm trong hành lang an toàn đường bộ địa phương, giao Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, xóa bỏ trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.”

b) Sửa đổi khoản 4 Điều 19 như sau:

“4. Trường hợp đất ở hợp pháp nằm trong hành lang an toàn giao thông được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ; nếu có nhu cầu cấp thiết về nhà ở hoặc sửa chữa nhà ở đã xuống cấp thì được xem xét cho phép sửa chữa hoặc xây dựng nhà tạm. Vị trí xây dựng phải đảm bảo theo quy định về chỉ giới xây dựng tạm thời được quy định tại Điều 4 quy định này. Khi có dự án cải tạo, nâng cấp đường, chủ sử dụng công trình phải tổ chức tháo dỡ và được bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Việc cấp phép cho các hộ dân có nhu cầu xây dựng trong trường hợp trên thực hiện theo quy định về cấp phép xây dựng tạm tại Thông tư số 15/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng.”

10. Sửa đổi, bổ sung Điều 30 như sau:

“Điều 30. Xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền

1. Các hành vi vi phạm công trình đường bộ

a) Sử dụng lòng đường, dải phân cách giữa, lề đường, vỉa hè trái phép để tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị; xây, đặt bục, bệ; đặt biển quảng cáo, làm mái che; làm nơi để xe, trông, giữ xe; làm rạp đám cưới, đám tang; tụ tập đông người; họp chợ, bán hàng, sửa xe, rửa xe; đổ rác, xả nước thải; đặt máy tuốt lúa; phơi nông, lâm, hải sản, rơm, rạ; đốt rơm, rạ, các chất phế thải; chăn dắt, buộc, thả rông súc vật;

b) Đào cắt lòng đường, lề đường, vỉa hè; vuốt nối đường lên vỉa hè không đúng quy định gây đọng nước trên mặt đường, làm lấp cửa thu nước của rãnh; làm bậc lên xuống, vuốt nối đường vào nhà chiếm dụng diện tích lề đường không đúng quy định; làm lấp rãnh thoát nước dọc, cống thoát nước ngang của đường bộ;

c) Trồng cây, rau màu trên giải phân cách giữa, lề đường; trồng cây trong hành lang an toàn đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông;

d) Các hành vi khác vi phạm quản lý lòng đường, giải phân cách giữa, lề đường, vỉa hè theo quy định pháp luật.

2. Các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ

a) Xây dựng công trình, san lấp mặt bằng, đào, đổ vật liệu phế thải trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ;

b) Đấu nối trái phép đường vào khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, dịch vụ thương mại và công trình khác vào đường bộ;

c) Các hành vi khác vi phạm hành lang an toàn đường bộ theo quy định pháp luật.

3. Trường hợp vi phạm trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng

a) Trường hợp công nhân tuần đường phát hiện vi phạm: Khi phát hiện vi phạm, công nhân tuần đường, Hạt đường có biện pháp yêu cầu đình chỉ ngay hành vi vi phạm, thông báo bằng điện thoại cho tuần kiểm viên theo dõi tuyến để phối hợp xử lý ngay. Tuần kiểm viên, tuần đường thông báo và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã để lập biên bản xác định vi phạm, biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, ấn định thời hạn khắc phục hậu quả;

b) Trường hợp Tuần kiểm viên phát hiện vi phạm: Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; nếu đối tượng không khắc phục ngay vi phạm, Tuần kiểm viên phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý đường bộ lập biên bản xác định vi phạm và biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, ấn định thời hạn khắc phục hậu quả;

c) Trường hợp đối tượng vi phạm không ký biên bản vi phạm hành chính phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã ký xác nhận hoặc hai người chứng kiến ký xác nhận và phải ghi rõ lý do từ chối ký biên bản;

Khi lập biên bản vi phạm hành chính tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải ấn định thời hạn khắc phục hậu quả để làm cơ sở cho giải tỏa, cưỡng chế vi phạm;

d) Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: Tạm giữ dụng cụ, phương tiện thi công; trục xuất đối tượng vi phạm ra khỏi phạm vi thi công. Đối với trường hợp đấu nối trái phép, đơn vị quản lý đường bộ đề xuất biện pháp đào xúc hoặc rào chắn ngắt đấu nối;

đ) Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, lực lượng Tuần kiểm bàn giao hồ sơ vụ việc cho Thanh tra giao thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

e) Giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành: Theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính;

f) Cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải khảo sát cập nhật thông tin về đối tượng vi phạm có mở tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng; phối hợp với các tổ chức ngân hàng để cưỡng chế thu hồi kinh phí xử phạt vi phạm hành chính thông qua các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng;

g) Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc chấp hành biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tự giác khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra thì đơn vị quản lý đường bộ hoàn thiện hồ sơ bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, quản lý;

h) Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện cưỡng chế (nếu có)

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi hết thời gian khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt hành chính hoặc không tự giác tháo dỡ. Thanh tra giao thông chủ trì, phối hợp với lực lượng Tuần kiểm, đơn vị quản lý đường bộ, Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản phúc tra; đồng thời, hoàn thiện hồ sơ vi phạm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa;

Sau khi giải tỏa, cưỡng chế đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nhận bàn giao để theo dõi, quản lý. Đơn vị quản lý đường bộ phải thường xuyên kiểm tra, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã ngăn chặn tái lấn chiếm, vi phạm sau giải tỏa;

i) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế. Quá thời hạn trên, Ủy ban nhân dân cấp huyện không ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm mà không có lý do thì Đơn vị quản lý đường bộ có văn bản báo cáo Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về việc không phối hợp xử lý, giải tỏa vi phạm.

4. Trường hợp vi phạm trong phạm vi ngoài công trình đường bộ chiếm dụng

a) Trường hợp công nhân tuần đường phát hiện vi phạm: Khi phát hiện vi phạm, công nhân tuần đường, Hạt đường có biện pháp yêu cầu đình chỉ ngay hành vi vi phạm, thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì lập biên bản xác định vi phạm, biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, ấn định thời hạn khắc phục hậu quả;

b) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã phát hiện vi phạm: Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; nếu đối tượng không khắc phục ngay vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, đơn vị quản lý đường bộ phối hợp lập biên bản xác định vi phạm và biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra, ấn định thời hạn khắc phục hậu quả;

c) Trường hợp chủ vi phạm không ký biên bản vi phạm hành chính phải có đại diện của 02 người chứng kiến ký xác nhận và phải ghi rõ lý do từ chối ký biên bản;

Khi lập biên bản vi phạm hành chính tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải ấn định thời hạn khắc phục hậu quả để làm cơ sở cho giải tỏa, cưỡng chế vi phạm;

d) Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương để áp dụng các biện pháp ngăn chặn như: Tạm giữ dụng cụ, phương tiện thi công; trục xuất đối tượng vi phạm ra khỏi phạm vi thi công. Đối với trường hợp đấu nối trái phép, đơn vị quản lý đường bộ đề xuất biện pháp đào xúc hoặc rào chắn ngắt đấu nối;

đ) Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính xong, Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu vượt quá thẩm quyền trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

e) Giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành: Theo quy định Luật xử lý vi phạm hành chính;

f) Cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải khảo sát cập nhật thông tin về đối tượng vi phạm có mở tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng; phối hợp với các tổ chức ngân hàng để cưỡng chế thu hồi kinh phí xử phạt vi phạm hành chính thông qua các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng;

g) Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi, đôn đốc việc chấp hành biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

h) Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện cưỡng chế (nếu có)

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi hết thời gian khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt hành chính hoặc không tự giác tháo dỡ. Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp đơn vị quản lý đường bộ lập biên bản phúc tra, đồng thời, hoàn thiện hồ sơ vi phạm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cưỡng chế và tổ chức lực lượng cưỡng chế giải tỏa;

i) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế. Quá thời hạn trên, Chủ tịch UBND cấp huyện không ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế giải tỏa vi phạm mà không có lý do thì đơn vị quản lý đường bộ có văn bản báo cáo Sở Giao thông vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc không phối hợp xử lý, giải tỏa vi phạm.

5. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

a) Người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm tổ chức xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân bị cưỡng chế để làm căn cứ ra quyết định cưỡng chế;

b) Người ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cưỡng chế: Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không là cán bộ, công chức hoặc cá nhân đang làm việc được hưởng tiền lương hoặc thu nhập tại một cơ quan, đơn vị, tổ chức; không được hưởng bảo hiểm xã hội; không có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam hoặc đối tượng vi phạm không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì hoàn thiện hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các biện pháp cưỡng chế khác;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cưỡng chế: Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả;

d) Lực lượng Công an cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp có yêu cầu lực lượng Công an tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan Công an cùng cấp 05 ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng. Khi tham gia cưỡng chế, lực lượng Công an có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ, bảo đảm trật tự, an toàn;

đ) Việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo những quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012; Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”

11. Bổ sung Điều 31a như sau:

“Điều 31a. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm

1. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các đơn vị quản lý đường bộ về việc xử lý và phối hợp xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi được giao nhiệm vụ theo phân công tại Điều 5 quy định này, xem xét xử phạt theo quy định hợp đồng và quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với Ủy ban nhân dân cấp xã về việc xử lý và phối hợp xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi được giao nhiệm vụ theo phân công tại Điều 5 quy định này; xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp xã.

3. Thanh tra tỉnh tổ chức thanh tra việc thực hiện quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện, xem xét đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện.”

12. Sửa đổi khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 7 Điều 32 như sau:

a) Sửa đổi khoản 1 Điều 32 như sau:

“1. Phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các hành vi xâm phạm và sử dụng trái phép công trình giao thông và hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, có trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng.”

b) Sửa đổi khoản 4 Điều 32 như sau:

“4. Hàng tháng xây dựng kế hoạch phối hợp với Thanh tra giao thông, Ủy ban nhân dân cấp xã và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã giải tỏa đối với các công trình vi phạm trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng.”

c) Sửa đổi khoản 5 Điều 32 như sau:

“5. Phối hợp với Thanh tra giao thông, lực lượng tuần kiểm và Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ vi phạm, để kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế, giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đối với hành vi xây dựng công trình trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng. Hồ sơ vi phạm gồm:

a) Biên bản của công nhân tuần đường;

b) Biên bản vi phạm hành chính do Tuần kiểm phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương lập;

c) Quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

d) Biên bản phúc tra việc chấp hành Quyết định xử phạt do Thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường bộ, chính quyền địa phương lập;

đ) Văn bản đề nghị cưỡng chế giải tỏa vi phạm của Thanh tra giao thông.”

d) Sửa đổi khoản 7 Điều 32 như sau:

“7. Định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo cơ quan quản lý đường bộ về công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ trước ngày 24.”

13. Sửa đổi khoản 4, khoản 5, điểm a, b khoản 9, bổ sung khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15 Điều 33 như sau:

a) Sửa đổi khoản 4 Điều 33 như sau:

“4. Chỉ đạo công tác quản lý đường bộ đối với hệ thống đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền; hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý. Chỉ đạo thực hiện xử lý vi phạm trong phạm vi công trình đường bộ chiếm dụng đối với đường tỉnh và Quốc lộ ủy quyền.”

b) Sửa đổi khoản 5 Điều 33 như sau:

“5. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các đơn vị quản lý đường bộ trong việc xử lý và phối hợp xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền theo phân công tại Điều 5 của quy định này.”

c) Sửa đổi điểm a, b, khoản 9 Điều 33 như sau:

“9. Chỉ đạo lực lượng Tuần kiểm, Thanh tra giao thông:

a) Tiếp nhận hồ sơ vi phạm của đơn vị quản lý đường bộ; chủ trì, phối hợp đơn vị quản lý đường bộ hoàn thiện hồ sơ vi phạm đề nghị chính quyền địa phương cưỡng chế giải tỏa vi phạm;

b) Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;”

d) Bổ sung khoản 12, khoản 13, khoản 14, khoản 15 Điều 33 như sau:

“12. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với các đơn vị quản lý đường bộ về việc xử lý và phối hợp xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trong phạm vi được giao nhiệm vụ theo phân cấp, xem xét xử phạt theo quy định hợp đồng và quy định của pháp luật.

13. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm của người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thiếu quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

14. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đối với tuyến đường tỉnh và Quốc lộ ủy quyền.

15. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thiếu quan tâm chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”

14. Bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 34 như sau:

“3. Huy động mọi lực lượng, thiết bị phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ, Ủy ban nhân dân cấp huyện để bảo vệ công trình đường bộ; kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn công an cấp huyện xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”

15. Sửa đổi khoản 2, khoản 7, bổ sung khoản 9 Điều 35 như sau:

a) Sửa đổi khoản 2 Điều 35 như sau:

“2. Chủ trì, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác cưỡng chế, giải tỏa vi phạm căn cứ vào các hồ sơ vi phạm và văn bản đề nghị giải tỏa, cưỡng chế của Thanh tra giao thông, Ủy ban nhân dân cấp xã để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ; ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ. Thời gian tiến hành giải tỏa chậm nhất là sau 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vi phạm theo khoản 5 Điều 32 quy định này.”

b) Sửa đổi khoản 7 Điều 35 như sau:

“7. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.”

c) Bổ sung khoản 9 Điều 35 như sau:

“9. Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã, trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tập trung vào xử lý trách nhiệm để xảy ra vi phạm hành lang an toàn giao thông, tai nạn giao thông gia tăng trên địa bàn.”

16. Sửa đổi khoản 2, khoản 9 Điều 36 như sau:

a) Sửa đổi khoản 2 Điều 36 như sau:

“2. Chỉ đạo các lực lượng tích cực, thường xuyên thực hiện công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến đường thuộc địa bàn. Phát hiện và phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ, Tuần kiểm, Thanh tra giao thông và các lực lượng liên quan kiểm tra, lập biên bản và xử lý vi phạm kịp thời theo thẩm quyền các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn đường bộ đối với các tuyến đường. Chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm trong phạm vi ngoài công trình đường bộ chiếm dụng (đối với đường tỉnh, Quốc lộ ủy quyền), trên tất cả các tuyến đường bộ (đối với đường huyện, đường đô thị, đường xã).”

b) Sửa đổi khoản 9 Điều 36 như sau:

“9. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo vệ công trình, kịp thời khôi phục giao thông khi bị thiên tai, địch họa, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.”

17. Bổ sung khoản 9a Điều 38 như sau:

“9a. Trách nhiệm của Thanh tra tỉnh

a) Hàng năm, xây dựng kế hoạch thanh tra trách nhiệm người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tập trung vào xử lý trách nhiệm để xảy ra vi phạm hành lang an toàn giao thông, tai nạn giao thông gia tăng trên địa bàn;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra của Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Thanh tra cấp huyện trong công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.”

18. Sửa đổi, bổ sung Phụ lục 01 kèm theo Quy định này.

Điều 2. Bãi bỏ một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 03/2016/QĐ-UBND ngày 14/3/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Bãi bỏ điểm e khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15, khoản 10 Điều 18, Điều 40.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 3 năm 2019.

2. Các văn bản được dẫn chiếu tại Quyết định này nếu có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm
tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- UBND các xã, phường, thị trấn liên quan (do UBND cấp huyện sao gửi);
- TT Công nghệ thông tin - VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, Khanh (70b)
.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Dương Thái

 

PHỤ LỤC 1

CẤP ĐƯỜNG TỈNH THEO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HẢI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 08/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

STT

Tên đường

Cấp đường Quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

1

ĐT 389

 

 

- Km 0+000 - Km 16+000

II

 

- Km 16+000 - Km 26+400

III

2

ĐT 389B

III

3

ĐT 390

III

4

ĐT 390B

III

5

ĐT 390C (mới nâng cấp lên đường tỉnh)

IV

6

ĐT 390D

III

7

ĐT 390E (mới nâng cấp lên đường tỉnh)

III

8

ĐT 391

III

9

ĐT 392

III

10

ĐT 392B

III

11

ĐT 392C

III

12

ĐT 393

III

13

ĐT 394

III

14

ĐT 394B

III

15

ĐT 394C (mới nâng cấp lên đường tỉnh)

III

16

ĐT 395

III

17

ĐT 396

III

18

ĐT 396B

III

19

ĐT 396C (mới nâng cấp lên đường tỉnh)

 

 

- Đoạn từ Km0 (giao QL37) - Km 3+410 (Ngã ba Đông Xuyên)

IV

 

- Đoạn từ Km 3+410 (Ngã ba Đông Xuyên) - Km 15+500 (nhánh 1, giao với ĐT 392B) và đến Km 3+954 (nhánh 2, giao với ĐT 396)

Phía bên đồng là cấp IV, phía bên sông theo phạm vi bảo vệ hành lang đê.

20

ĐT 398

 

 

- Nhánh Chu Văn An

IV

 

- Nhánh Đồng Việt

III

 

- Nhánh Kiếp Bạc

Quy hoạch riêng

20

ĐT 398B

III

21

ĐT 399 (giai đoạn 2010 - 2020)

III

 

ĐT 399 (giai đoạn 2021 - 2030)

II