Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2020 về hành động tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 149/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Đức Chung
Ngày ban hành: 22/07/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG TĂNG TRƯỞNG XANH THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, UBND thành phố Hà nội ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Cụ thể hóa Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2015-2020, Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính thành các mục tiêu, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính; các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với thành phố Hà Nội.

2. Yêu cầu

- Các đơn vị căn cứ vào các nội dung kế hoạch hành động, chủ động triển khai các nhiệm vụ được phân công, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phát huy vai trò của tổ chức và cá nhân trong thực hiện Kế hoạch, giám sát các bên liên quan thực hiện Kế hoạch này.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU, CÁC GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2025, Hà Nội trở thành thành phố đi đầu trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, thực hiện thành công các chỉ tiêu tăng trưởng xanh của Thành phố và của Việt Nam.

2. Các chỉ tiêu cụ thể

2.1. Giảm phát thải khí nhà kính:

Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu đạt được cụ thể như sau:

Đến năm 2025: lượng phát thải khí nhà kính giảm 12,14% so với mức phát thải năm 2025 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 6,68 triệu tấn CO2).

Đến năm 2030: lượng phát thải khí nhà kính giảm 18,71% so với mức phát thải năm 2030 khi không có các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (khoảng 13,76 triệu tấn CO2).

Trong đó:

TT

Lĩnh vực

Mức giảm đến năm 2025 (triệu tấn CO2)

Mức giảm đến năm 2030 (triệu tấn CO2)

1

Quản lý đô thị

0,24

0,24

2

Công nghiệp

3,90

6,77

3

Dân dụng

0,65

1,12

4

Dịch vụ - các tòa nhà

0,03

0,53

5

Giao thông

0,10

0,19

6

Xây dựng

0,00

0,03

7

Nông - lâm nghiệp

1,76

4,88

 

Tổng

6,68

13,76

2.2. Xanh hóa sản xuất:

- Các sản phẩm được dán nhãn xanh/sinh thái: tỷ lệ gia tăng các sản phẩm được dán nhãn xanh/sinh thái hàng năm: 15%/năm.

- Các tòa nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”, mã số QCVN 09:2017/BXD (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, khu thương mại, dịch vụ, chung cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp) năm 2025: 100%.

2.5. Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững:

- Trong xây dựng đô thị tăng trưởng xanh:

+ Diện tích cây xanh bình quân đầu người khu vực đô thị năm 2025: 7,8-8,1m2/người; 2030: 13-15m2/người.

+ Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2025: 30-35%; năm 2030: 40-45%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn Việt Nam đến năm 2025: 100%.

+ Tỷ lệ phân loại chất thải rắn tại nguồn:

Đến năm 2025: 80% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và 50% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn.

Đến năm 2030: 100% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị và 70% chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn được phân loại tại nguồn.

+ Tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị đến năm 2025: 45-50%; đến năm 2030: 60%.

- Trong tiêu dùng bền vững:

Mức độ giảm tiêu thụ bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến năm 2025: 70-75%; năm 2030: 85% và tại các chợ đến năm 2025: 65-70%, năm 2030: 80%.

Tỷ lệ mua sắm công các sản phẩm xanh/sinh thái: Đối với các loại hàng hóa trên thị trường có sản phẩm được dán xanh/sinh thái: 100%.

3. Một số giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu

3.1. Giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền nâng cao nhận thức:

- Đa dạng hóa các nội dung giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền đối với các đối tượng, bao gồm: Các kiến thức về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các vấn đề cần quan tâm đến tăng trưởng xanh trên thế giới và ở Việt Nam, thành phố Hà Nội; các phương pháp, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường...; các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các hỗ trợ từ phía Nhà nước; các hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các hội, đoàn thể liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cho các đối tượng; những gương điển hình về thực hành tăng trưởng xanh trong mọi khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.

- Đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền: Thông qua các khóa giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; các chương trình giáo dục các cấp của Thành phố; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống của thành phố Hà Nội và Trung ương; tuyên truyền trực tiếp từ các tuyên truyền viên, các cơ quan chức năng, các hội, đoàn thể.... Áp dụng công nghệ hiện đại trong tuyên truyền: qua các trang web, qua tin nhắn...

- Hàng năm, xây dựng chương trình giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền cho các đối tượng về tăng trưởng xanh, giao cho các sở, ban, ngành chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung, cụ thể: xây dựng, khuyến khích xây dựng trang web thông tin về các nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh; tăng cường các thông tin về thực hiện tăng trưởng xanh trên trang web Cổng giao tiếp điện tử và Cổng Thông tin điều hành của Thành phố; giao các sở, ngành thực hiện thông tin về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực của đơn vị tại trang web của các đơn vị.

Khuyến khích các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ, chia sẻ xây dựng các trang web về các hoạt động này: Thành phố xác nhận độ tín nhiệm các trang web bằng hình thức dẫn đường link trang web này trên các trang điện tử của Thành phố, các sở ngành liên quan.

3.2. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách:

a) Rà soát các quy hoạch, kế hoạch để đảm bảo sự phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh; đề xuất lồng ghép các nội dung tăng trưởng xanh vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của Thành phố.

b) Nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ưu tiên trong chiếu sáng công cộng, tại các hộ gia đình, các cơ quan công sở.

c) Xây dựng các chính sách hỗ trợ về đầu tư và kỹ thuật đối với các doanh nghiệp để thúc đẩy sử dụng rộng rãi các trang thiết bị năng lượng có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, loại bỏ các trang thiết bị có công nghệ lạc hậu.

d) Xây dựng cơ chế khuyến khích các sản phẩm dán nhãn xanh/sinh thái; xây dựng bộ nhãn xanh/sinh thái đối với các loại sản phẩm thực phẩm (sản vật địa phương) của thành phố Hà Nội; triển khai chương trình thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm dán nhãn xanh/sinh thái trên địa bàn Thành phố.

e) Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp môi trường: các loại sản phẩm sử dụng nhiều lần, các loại bao bì tự phân hủy, pin năng lượng mặt trời, sử dụng năng lượng gió, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải; phát triển các sản phẩm công nghiệp sử dụng nguyên liệu tái chế, sử dụng năng lượng sạch,... trên địa bàn Thành phố.

f) Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sử dụng nhiên liệu sạch, ít phát thải, năng lượng tái tạo.

g) Nghiên cứu chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản.

3.3. Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính:

a) Tiếp tục thực hiện chương trình “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2016-2020” và xây dựng chương trình cho các năm tiếp theo, nhằm góp phần đạt được mục tiêu của Kế hoạch.

b) Hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả lò hơi, thiết bị nhiệt luyện..., thúc đẩy mô hình thu hồi nhiệt tại một số cơ sở sản xuất.

c) Vận động, tuyên truyền tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng mặt trời thay thế một phần điện trong các công xưởng, nhà máy, dân sinh, dịch vụ thương mại và các tòa nhà, chiếu sáng công cộng.

d) Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng điều khiển thông minh và biến tần cho thiết bị động lực trong xây dựng.

e) Tiếp tục chuyển đổi phương thức canh tác trong nông nghiệp; tiếp tục trồng và bảo vệ rừng; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình trồng trọt từ vô cơ sang hữu cơ; xây dựng các mô hình sản xuất tiết kiệm nước, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

f) Tiếp tục thực hiện chương trình trồng cây xanh trong đô thị, phát triển các công viên, vườn hoa trên địa bàn toàn Thành phố.

g) Tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông của Thành phố; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông công cộng đạt tiến độ theo quy hoạch, kế hoạch; thực hiện các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch CNG đối với các xe buýt và sử dụng các loại hình xe buýt khác thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

3.4. Xanh hóa sản xuất:

a) Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sinh khối, năng lượng tái tạo của người dân, các doanh nghiệp.

b) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố.

c) Tập trung hỗ trợ các làng nghề thay đổi công nghệ sản xuất, tiết kiệm năng lượng, tăng cường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thực hiện đề án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

d) Xây dựng, phát triển các mô hình sử dụng hiệu quả phế thải nông nghiệp tại khu vực nông thôn (làm nấm, làm phân hữu cơ, hầm biogas...).

e) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm.

3.5. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững:

a) Thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo các tiêu chí của Thông tư số 01/2018/TT-BXD .

b) Tiếp tục các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải và chất thải rắn triệt để. Thực hiện phân loại rác tại nguồn.

c) Thực hiện các giải pháp phát triển, quản lý hiệu quả các không gian công cộng trong đô thị.

d) Nghiên cứu, xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao tỉ lệ vận tải hành khách công cộng.

e) Nghiên cứu các giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái xe điện, trong đó trước hết áp dụng mô hình chia sẻ xe đạp điện tại các khu vực công cộng: trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, công viên, khu phố cổ...; thực hiện các giải pháp khuyến khích chuyển từ sử dụng xe máy sang xe đạp tại một số khu vực đặc thù trên địa bàn.

f) Triển khai Kế hoạch 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và xây dựng chương trình cho các năm tiếp theo.

g) Thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc ưu tiên dùng sản phẩm có dán nhãn xanh/sinh thái trên địa bàn Hà Nội; xây dựng và ban hành quy định ưu tiên mua các sản phẩm có dán nhãn xanh/sinh thái khi thực hiện mua sắm tài sản công.

III. CÁC DỰ ÁN/NHIỆM VỤ TRỌNG ĐIỂM

Ngoài các chương trình, dự án có liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Thành phố đang thực hiện, danh sách cụ thể các dự án giảm phát thải khí nhà kính, các dự án/nhiệm vụ triển khai tăng trưởng xanh để thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra được thể hiện trong các phụ lục kèm theo.

Phụ lục I: Danh mục các dự án/nhiệm vụ thực hiện giảm phát thải khí nhà kính của thành phố Hà Nội (bao gồm 32 giải pháp/nhiệm vụ).

Phụ lục II: Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện tăng trưởng xanh Thành phố Hà Nội (bao gồm 18 nhiệm vụ).

IV. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch dự kiến khoảng 9.700 tỷ đồng, trong đó sử dụng một phần từ ngân sách nhà nước Thành phố và huy động chủ yếu từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và kêu gọi tài trợ, đầu tư từ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Kinh phí phân kỳ như sau:

Giai đoạn từ nay đến năm 2025: dự kiến khoảng 5.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.

Giai đoạn 2025-2030: dự kiến khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách Thành phố dự kiến khoảng 400 tỷ đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công nhiệm vụ.

1.1. Sở Kế hoạch & Đầu tư:

- Là đơn vị thường trực thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh: có trách nhiệm tổng kết, báo cáo các kết quả thực hiện hàng năm; kiến nghị các hoạt động tiếp theo.

- Thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục a mục 3.2 của phần II.

1.2 Sở Tài chính:

- Rà soát, cân đối, bố trí kinh phí, báo cáo UBND Thành phố xem xét trình HĐND Thành phố quyết định phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

- Tham mưu, theo dõi việc thực hiện mua sắm tài sản công đối với các sản phẩm xanh/sinh thái để đạt được mục tiêu tại mục 2.3 của phần II.

1.3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Theo dõi các chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch về giảm phát thải khí nhà kính tại mục 2.1 phần II, các sản phẩm được dán nhãn xanh/sinh thái của Thành phố tại mục 2.2 phần II.

- Xây dựng báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính định kỳ 2 năm/lần, làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch.

- Thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục d, e mục 3.2 phần II và nhiệm vụ tại tiểu mục b, g mục 3.5 phần II.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch

1.4. Sở Công thương:

- Theo dõi các chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch về mức độ giảm tiêu thụ bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và các chợ tại mục 2.3 phần II.

- Thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng, tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực công thương về tăng trưởng xanh.

- Thực hiện các nhiệm vụ tại tiểu mục b, c mục 3.2 phần II; các nhiệm vụ tại tiểu mục a, b, c mục 3.3 phần II; nhiệm vụ tại tiểu mục c mục 3.4 phần II; nhiệm vụ tại tiểu mục f mục 3.5 phần II.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục I, II kèm theo Kế hoạch

1.5. Sở Giao thông Vận tải:

- Theo dõi các chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch về tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại mục 2.3 phần II.

- Thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền đối với các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải về tăng trưởng xanh

- Thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục f mục 3.2 phần E; nhiệm vụ tại tiểu mục g mục 3.3 phần II, nhiệm vụ tại tiểu mục d, e mục 3.5 phần II.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục I, II kèm theo Kế hoạch.

1.6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền đối với khu vực nông thôn về tăng trưởng xanh.

- Thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục g mục 3.2 phần II, nhiệm vụ tại tiểu mục e mục 3.3 phần II, nhiệm vụ tại tiểu mục d, e mục 3.4 phần II.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục I, II kèm theo Kế hoạch.

1.7. Sở Xây dựng:

- Theo dõi các chỉ tiêu cụ thể của Kế hoạch liên quan đến các tòa nhà xây mới đáp ứng tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” tại mục 2.2 phần II; diện tích cây xanh, xử lý nước thải, chất thải rắn tại mục 2.3 phần II.

- Thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng về tăng trưởng xanh.

- Thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục d mục 3.3 phần II, nhiệm vụ tại tiểu mục a, b, c mục 3.5 phần II.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục I, II kèm theo Kế hoạch.

1.8. Sở Nội vụ:

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng đối với các đối tượng là công chức, viên chức của Thành phố và các nội dung về tăng trưởng xanh.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch.

1.9. Sở Khoa học Công nghệ: tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục a mục 3.4 phần II.

1.10. Sở Giáo dục Đào tạo:

- Xây dựng các chương trình, kế hoạch giáo dục, tuyên truyền đối với các đối tượng là các học sinh, sinh viên.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch.

1.11. Sở Thông tin truyền thông chủ trì xây dựng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền đối với cộng đồng dân cư.

1.12. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội:

- Thực hiện các nhiệm vụ tại tiểu mục b mục 3.4 phần II.

- Phối hợp với các sở, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chính sách thực hiện tăng trưởng xanh tại mục 3.2 phần II.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch.

1.13. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch: Phối hợp với các sở, ngành xây dựng nội dung xúc tiến đầu tư, triển khai chương trình xúc tiến đầu tư đối với các dự án trong phụ lục I, II của Kế hoạch này.

1.14. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục f mục 3.3 phần II.

1.15. Tổng công ty Điện lực Hà Nội:

- Thực hiện công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, sử dụng điện mặt trời đến các khách hàng.

- Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Phụ lục II kèm theo Kế hoạch.

1.16. UBND các quận, huyện, thị xã:

- Tổ chức tuyên truyền về nội dung Kế hoạch.

- Thực hiện nhiệm vụ tại tiểu mục c mục 3.5 phần II.

- Phối hợp với các sở, ngành triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại địa phương.

1.17. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội

- Thực hiện công tác giám sát thực hiện Kế hoạch.

- Phối hợp với các sở, ngành, các cấp chính quyền thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại địa phương.

2. Chế độ báo cáo.

Định kỳ hàng năm, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện theo nội dung được phân công, gửi về Sở Kế hoạch & Đầu tư trước ngày 01 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố và Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; (để báo cáo)
- Đ/c Bí thư Thành ủy; (để báo cáo)
- VPCP, Bộ KHĐT;
- TTr: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo Thành ủy;
- UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các sở, ban, ngành; Thường trực cấp ủy và UBND các quận, huyện, thị xã, các Đoàn thể;
- Các báo: HNM, KTĐT; Đài PT&TH HN;
- VPUB: CPVP, các phòng CV;
- Lưu: VT, K.T Nam.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

PHỤ LỤC I.

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN/NHIỆM VỤ THỰC HIỆN GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Tên dự án/nhiệm vụ

Mục tiêu đạt được

Cơ quan chủ trì/theo dõi

Giảm phát thải lũy kế (Nghìn tCO2)

Nguồn vốn

Đến năm 2025

Đến năm 2030

 

I

Quản lý đô thị

 

 

 

 

NS

1

Xây dựng hệ thống quản lý và giám sát chiếu sáng công cộng thông minh

Thực hiện xây dựng hệ thống quản lý và giám sát chiếu sáng công cộng thông minh cho 100% các tuyến phố đến 2025

Sở xây dựng

3,1

3,1

 

2

Xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu suất cao và năng lượng mặt trời

Thay thế 100% đèn chiếu sáng công cộng hiện nay bằng đèn LED và năng lượng mặt trời đến 2025

Sở xây dựng

28,3

28,3

 

3

Tăng cường diện tích cây xanh, công viên, phố đi bộ

Thực hiện tăng cường trồng mới cây xanh, và tăng diện tích đệm cây xanh trong đô thị để đạt mục tiêu 10.8 m2 cây xanh/người ở đô thị vào năm 2025

Sở xây dựng

204,4

409,8

 

II

Lĩnh vực công nghiệp

 

 

 

 

Ngoài NS

4

Phát triển động cơ hiệu suất cao và điều khiển thông minh trạm bơm thủy nông

Thực hiện trang bị biến tấn cho 25% trạm bơm, và thay thế 50% máy bơm hiệu suất cao vào năm 2025; Phấn đấu đến 2030 có 50% trạm bơm trang bị biến tần và ứng dụng 75% máy bơm hiệu suất cao

Sở công thương

9,3

18,6

 

5

Nâng cao hiệu quả lò hơi và hệ thống hơi trong các cơ sở công nghiệp

Thực hiện đạt tỷ lệ áp dụng vào khoảng 10% đến năm 2025; Phấn đấu đến 2030 có 20% cơ sở triển khai

Sở công thương

740,2

1.110,3

 

6

Nâng cao hiệu quả thiết bị nhiệt luyện trong các cơ sở công nghiệp

Thực hiện đạt tỷ lệ áp dụng vào khoảng 20% đến năm 2025; Phấn đấu đến 2030 có 40% cơ sở triển khai

Sở công thương

2.014,1

4.027,2

 

7

Áp dụng hệ thống quản lý năng lượng khu vực công nghiệp

Thực hiện đạt tỷ lệ áp dụng vào khoảng 10% đến năm 2025; Phấn đấu đến 2030 có 20% cơ sở công nghiệp triển khai

Sở công thương

33,3

66,6

 

8

Thúc đẩy và thí điểm mô hình thu hồi nhiệt trong quá trình nung luyện ở một số cơ sở công nghiệp

Thực hiện đạt tỷ lệ áp dụng vào khoảng 5% đến năm 2025; Phấn đấu đến 2030 có 7% cơ sở nhiệt luyện triển khai

Sở công thương

1.107,8

1.550,9

 

III

Dân dụng

 

 

 

 

Ngoài NS

9

Sử dụng tủ lạnh hiệu suất cao trong Hộ gia đình

Hỗ trợ thực hiện đạt tỷ lệ 45% số hộ thay đổi tủ lạnh vào năm 2025; và đạt 75% vào năm 2030

Sở công thương

204,3

340,5

 

10

Sử dụng điều hòa không khí hiệu suất cao trong Hộ gia đình

Hỗ trợ thực hiện đạt tỷ lệ thêm 25% số hộ thay đổi ĐHKK vào năm 2025; và đạt 30% vào năm 2030

Sở công thương

99,1

123,9

 

11

Chuyển đổi chiếu sáng truyền thống sang thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao trong Hộ gia đình

Hỗ trợ thực hiện đạt tỷ lệ thêm 20% số hộ thay thế hệ thống chiếu sáng vào năm 2025; và đạt 40% vào năm 2030

Sở công thương

190,7

381,4

 

12

Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong Hộ gia đình

Hỗ trợ thực hiện đạt tỷ lệ thêm 10% số hộ ứng dụng bình nước nóng NLMT vào năm 2025; và đạt 20% vào năm 2030

Sở công thương

110,6

221,2

 

13

Áp dụng kính TKNL trong dân dụng

Hỗ trợ thực hiện đạt tỷ lệ 5% số hộ ứng dụng kính TKNL trong xây dựng dân dụng vào năm 2025; và đạt 8% vào năm 2030

Sở xây dựng

39,4

49,2

 

14

Phát triển ứng dụng Pin Năng lượng mặt trời cho dân dụng

Thực hiện hỗ trợ lắp đặt 4MWp điện mặt trời áp mái trong khu vực dân cư đến 2025 (khoảng 250 mái nhà); phấn đấu đến 2030 đạt 10MWp (khoảng 700 mái nhà) vào năm 2030

Sở công thương

2

5

 

IV

Dịch vụ

 

 

 

 

Ngoài NS

15

Sủ dụng tủ lạnh hiệu suất cao trong Cơ sở dịch vụ

Thực hiện 50% cơ sở dịch vụ thay thế và chuyển đổi Tủ lạnh hiệu suất cao đến năm 2025; phấn đấu đạt tỷ lệ 90% cơ sở vào năm 2030

Sở công thương

0,3

0,5

 

16

Sử dụng điều hòa không khí hiệu suất cao trong Cơ sở dịch vụ

Thực hiện 30% cơ sở dịch vụ thay thế và chuyển đổi ĐHKK hiệu suất cao đến năm 2025; phấn đấu đạt tỷ lệ 60% cơ sở vào năm 2030

Sở công thương

0,2

0,4

 

17

Chuyển đổi chiếu sáng hiệu suất cao và điều khiển thông minh trong Cơ sở dịch vụ

Thực hiện hỗ trợ thay thế 60% bóng chiếu sáng tại các cơ sở dịch vụ vào năm 2025; và phấn đấu đạt 100% vào năm 2030

Sở công thương

1,7

2,9

 

18

Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời trong Cơ sở dịch vụ

Thực hiện 30% cơ sở dịch vụ trang bị bình nước nóng năng lượng mặt trời đến năm 2025; phấn đấu đạt 75% vào năm 2030

Sở công thương

1,5

3,8

 

19

Phát triển hệ thống quản lý năng lượng lĩnh vực dịch vụ thương mại

Thực hiện 9% cơ sở dịch vụ xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng đến năm 2025; phấn đấu đạt 20% vào năm 2030

Sở công thương

4,5

9

 

20

Nâng cao hiệu quả lò hơi và hệ thống hơi trong các cơ sở nhà hàng khách sạn

Thực hiện 25% cơ sở nhà hàng khách sạn nâng cấp hệ thống hơi và lò hơi đến năm 2025; phấn đấu đạt 50% vào năm 2030

Sở công thương

-

431,6

 

21

Phát triển ứng dụng Pin Năng lượng mặt trời cho tòa nhà văn phòng

Thực hiện lắp đặt 5MWp điện mặt trời áp mái trong các tòa nhà văn phòng, thương mại, và công sở (khoảng 100 tòa nhà) đến 2025; phấn đấu đạt 15MWp (khoảng 300 tòa nhà) vào năm 2030

Sở công thương

1,2

2,7

 

22

Phát triển ứng dụng Kính TKNL trong Tòa nhà

Thực hiện hỗ trợ khu vực tòa nhà lắp đặt 5% diện tích kính tòa nhà đến 2025; phấn đấu đạt 15% vào năm 2030

Sở xây dựng

24,2

81,4

-

V

Giao thông

 

 

 

 

NS, Ngoài NS

23

Xây dựng tàu điện ngầm

Thực hiện phát triển Giao thông công cộng cho phát triển tàu điện ngầm, và giảm 25% phương tiện cá nhân vào năm 2030

Sở GTVT

-

25,9

NS, ODA

24

Mở rộng tuyến và tăng cường tần suất xe buýt

Thực hiện theo Quy hoạch phát triển Giao thông công cộng, và giảm 3% phương tiện cá nhân vào năm 2025; và giảm 5% vào năm 2030

Sở GTVT

15,4

20

NS, Ngoài NS

25

Phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt nhanh (BRT)

Thực hiện theo Quy hoạch phát triển Giao thông công cộng, và giảm 23% phương tiện cá nhân vào năm 2025; và giảm 30% vào năm 2030

Sở GTVT

72,3

77,5

NS

26

Thúc đẩy sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên (CNG) trong vận tải công cộng

Hỗ trợ doanh nghiệp vận tải công cộng chuyển đổi 30% phương tiện sang công nghệ nhiên liệu CNG đến năm 2025; và đạt 45% vào năm 2030

Sở GTVT

16,4

19

Ngoài NS

27

Tăng cường sử dụng xe đạp điện và xe máy điện

Hỗ trợ chuyển đổi 5% xe máy sang xe điện vào năm 2030

Sở GTVT

-

49,4

Ngoài NS

VI

Xây dựng

 

 

 

 

 

28

Phát triển điều khiển thông minh và biến tần cho thiết bị động lực trong xây dựng

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuyển đổi và áp dụng phương tiện san lấp mặt bằng, xây dựng, lắp đặt thiết bị có hiệu suất cao phấn đấu đạt 10% vào năm 2030

Sở xây dựng

-

25,4

Ngoài NS

VII

Nông lâm nghiệp

 

 

 

 

NS, Ngoài NS

29

Tăng cường ứng dụng khí sinh học trong chăn nuôi

Hỗ trợ cho 25% số lượng cơ sở và hộ gia đình chăn nuôi xây dựng hệ thống thu hồi biogas phục vụ sản xuất, sinh hoạt, và canh tác đến năm 2025; phấn đấu đạt 45% vào năm 2030

Sở NN&PTNT

471,1

588,9

NS

30

Tăng cường bảo vệ, chăm sóc phục hồi và quản lý rừng phòng hộ

Thực hiện hỗ trợ người dân bảo vệ và chăm sóc rừng phòng hộ cho 30% diện tích theo Quy hoạch đến năm 2025; phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu vào năm 2030

Sở NN&PTNT

38,8

129,3

NS

31

Tăng cường làm giàu và tái sinh rừng tự nhiên

Người dân bảo vệ và chăm sóc rừng tự nhiên cho 30% diện tích theo Quy hoạch đến năm 2025; phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu vào năm 2030

Sở NN & PTNT

855,5

2.851,7

NS

32

Tăng cường trồng và chăm sóc tái sinh rừng trồng cây công nghiệp

Thực hiện hỗ trợ người dân bảo vệ và chăm sóc rừng 30% diện tích trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh theo QH đến 2025; phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu đến năm 2030

Sở NN&PTNT

392,5

1.308,4

NS

 

Tổng

 

 

6.682,2

13.835,2

 

 

PHỤ LỤC II.

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 22/7/2020 của UBND Thành phố Hà Nội)

TT

Tên nhiệm vụ

Mục tiêu/nội dung

Cơ quan chủ trì/theo dõi, hỗ trợ

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Các nhiệm vụ tuyên truyền/giáo dục

 

 

 

1

Giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực về tăng trưởng xanh cho công chức, viên chức Thành phố

Triển khai kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền cấp xã, phường và các sở ngành Thành phố về nhận thức, kiến thức liên quan đến tăng trưởng xanh

Sở Nội vụ

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện

2020-2025

2

Chương trình tăng cường giáo dục cho các học sinh của Hà Nội về TTX

- Xây dựng các chương trình giảng dạy để đưa vào các cấp học

- Triển khai các hoạt động giáo dục tại các trường (khuyến khích các Tổ chức phi chính phủ tham gia)

Sở Giáo dục - đào tạo

Các tổ chức phi chính phủ

2020-2025

3

Chương trình tăng cường năng lực trong quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp

- Phát triển các mô hình DN Esco trên địa bàn

- Đào tạo kiến thức, hỗ trợ các giải pháp cho các doanh nghiệp

Sở Công thương

Tổng công ty điện lực HN; các tổ chức phi chính phủ

2020-2025

4

Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa và nilon

Triển khai tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường tại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhựa khó phân hủy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng

Sở Công thương

Các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố

2020-2025

II

Chương trình về nâng cao năng lực, thể chế

 

 

 

5

Đề án thí điểm lắp đặt mô hình điện mặt trời mặt nước tại hồ Đồng Quan thuộc xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, với công suất hệ thống khoảng 500k Wp

 

Sở Công thương

 

2020-2025

6

Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện dán xanh/sinh thái đến các sản phẩm

- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành hệ thống nhãn xanh/sinh thái đối với một số sản phẩm của Hà Nội, ưu tiên các loại thực phẩm.

- Thiết lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp làm hồ sơ đăng ký xanh/sinh thái với Bộ TNMT và Hà Nội.

- Thực hiện công tác truyền thông, khuyến khích người dùng sử dụng nhãn xanh/sinh thái.

Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Công thương

Các doanh nghiệp

2020-2025

7

Chương trình “tăng trưởng xanh thành phố Hà Nội” lĩnh vực nông nghiệp

* Mục tiêu:

- Phát triển kinh tế nông nghiệp Thủ đô nhanh, bền vững, hiệu quả; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản.

* Nội dung khái quát:

- Xây dựng chương trình tăng trưởng xanh cho lĩnh vực trồng trọt: Phát triển các giống ngắn ngày, năng suất cao, kháng sâu bệnh; xây dựng quy trình tưới tiết kiệm, thông minh trong sản xuất lúa và các cây trồng khác. Rà soát, định hướng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

- Xây dựng chương trình tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

- Xây dựng chương trình trồng rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý tài nguyên rừng bền vững

- Xây dựng chương trình cải thiện và phát triển thủy lợi theo hướng bền vững.

- Xây dựng chương trình nông thôn mới ven đô thị hài hòa với môi trường thiên nhiên

Sở Nông nghiệp & PTNT

UBND các huyện

2020-2025

III

Nhóm giải pháp về xanh hóa sản xuất

 

 

 

8

Nghiên cứu, xây dựng mô hình làng nghề tăng trưởng xanh

Lựa chọn 2 làng nghề truyền thống xây dựng mô hình với mục tiêu cải thiện công nghệ sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; tạo thêm việc làm mới với các nội dung sau:

- Xây dựng tiêu chí về làng nghề tăng trưởng xanh

- Đánh giá hiện trạng phát triển nghề; hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của phát triển nghề đối với địa phương

- Đề xuất mô hình phát triển làng nghề theo hướng xanh: triển khai các giải pháp liên kết phát triển nghề; hỗ trợ xây dựng trang web thúc đẩy đầu ra; hỗ trợ công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ xây dựng khu trưng bày sản phẩm; xử lý môi trường; xây dựng tour du lịch...

- Triển khai mô hình trên thực tế (thực hiện khi có hỗ trợ ngoài nhà nước)

Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH HN

Các sở: Công thương, Tài nguyên môi trường; Du lịch UBND các huyện

2020-2025

9

Triển khai mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn đồng ruộng để phục vụ sản xuất năng lượng sinh khối, phân compost tại khu vực ngoại thành

Xây dựng thí điểm 01 mô hình quản lý, xử lý CTR quy mô cấp xã, trong đó chất thải rắn hữu cơ được sử dụng để sản xuất phân hữu cơ phục vụ chính nông nghiệp của địa phương (đánh giá thực trạng; đề xuất mô hình và triển khai mô hình, bao gồm cả xây dựng xưởng sản xuất phân hữu cơ)

(Triển khai mô hình thực hiện khi có hỗ trợ ngoài nhà nước)

Sở Tài nguyên và môi trường;

Các sở: Nông nghiệp & PTNT; Du lịch UBND các huyện

2020-2025

10

Nghiên cứu xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố.

- Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của thành phố trong việc phát triển các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố

- Đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường

2021-2025

IV

Chương trình về xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững

11

Nghiên cứu, xây dựng mô hình khu đô thị thông minh, tăng trưởng xanh tại Hòa Lạc hoặc 1 huyện chuẩn bị thành quận

- Nghiên cứu, đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của khu vực nghiên cứu theo tiêu chí của đô thị xanh

- Đề xuất mô hình phát triển, các giải pháp xây dựng đô thị tăng trưởng xanh tại khu vực nghiên cứu

Sở Xây dựng

Chính quyền địa phương, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội

2020-2021

12

Chương trình xây dựng hệ thống chia sẻ xe đạp điện khu vực nội đô Hà Nội

Xây dựng mô hình cho thuê xe đạp điện tại các địa điểm công cộng (bến xe buýt, trường học, tòa nhà văn phòng, công viên, bệnh viện...) phục vụ người tham gia phương tiện công cộng di chuyển giữa các khu vực khi không có phương tiện công cộng hoạt động.

Sở Giao thông - Vận tải

UBND Quận Hoàn Kiếm và các quận liên quan; các doanh nghiệp

2020

13

Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy và chất thải nhựa; đề xuất xây dựng mô hình giảm thiểu phát thải túi nilon trong sinh hoạt và chất thải nhựa

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

các doanh nghiệp

2019-2025

14

Xây dựng mô hình thí điểm tiết kiệm năng lượng hướng tới xây dựng xã hội các bon thấp cho thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020-2021

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

2020-2025

15

Xây dựng và thực hiện đề xuất các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia cho lĩnh vực các khách sạn của TP Hà Nội, giai đoạn 2020-2022

 

Sở Công thương

 

2020-2022

16

Xây dựng và thực hiện đề xuất các hành động giảm nhẹ phù hợp với điều kiện quốc gia cho lĩnh vực các tòa nhà cao tầng (chung cư) của TP Hà Nội, giai đoạn 2020-2022

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

2020-2025

17

Điều tra, rà soát, thống kê & đề xuất các giải pháp giảm nhẹ khí thải; xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải từ các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2025

 

Sở Tài nguyên và Môi trường

 

2020-2025

18

Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát thực hiện các biện pháp giảm thiểu khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025

 

Sở Công thương

 

2020-2025