Kế hoạch 107/KH-UBND năm 2015 phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Đồng Tháp
Số hiệu: 107/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp Người ký: Trần Thị Thái
Ngày ban hành: 01/06/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 01 tháng 6 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ TỈNH ĐỒNG THÁP

Hai năm gần đây, du lịch Đồng Tháp đã có bước phát triển đáng kể: Số lượng du khách tăng bình quân trên 12%/năm, doanh thu tăng trên 20% năm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của tỉnh còn rất đơn sơ, trùng lắp, thiếu hấp dẫn; chưa có sản phẩm du lịch đặc thù đậm nét văn hóa, cảnh quan thiên nhiên Đồng Tháp; thời gian lưu lại của du khách ngắn, bình quân khoảng hơn 1 ngày; chi tiêu của du khách bình quân chỉ đạt 160.000 đồng/khách; hiệu quả kinh tế du lịch thấp….là những khó khăn cho sự phát triển của du lịch Đồng Tháp trong thời gian tới.

Căn cứ Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23 tháng 01 năm 2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long”; nhằm nâng cao khả năng khai thác các yếu tố đặc trưng của địa phương để phát triển du lịch trở thành điểm đến mang nét riêng, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu tham quan, khám phá, trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù Đồng Tháp, với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

- Đầu tư khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng của địa phương để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”, đồng thời, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Liên kết với các địa phương trong Vùng xây dựng tuyến, điểm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Xác định rõ sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh để cụ thể hóa phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp trong khu vực và cả nước.

- Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 15/01/2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, góp phần đưa du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020.

II. NỘI DUNG:

1. Phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa:

- Phát triển sản phẩm du lịch thưởng ngoạn cảnh quan sông nước gắn với các hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên mùa nước, ngắm cánh đồng sen, tham quan di chỉ khảo cổ văn hóa Phù Nam... Tìm hiểu, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực mùa nước nổi và các sản vật từ sen.

- Phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư vùng Đồng Tháp Mười tại Vườn Quốc gia Tràm Chim với các hoạt động của người dân trong mùa nước nổi như: trải nghiệm thu hoạch lúa trời, giăng câu, lưới bắt cá, săn bắt chuột đồng và tìm hiểu sinh thái nông nghiệp theo mùa của người dân vùng Đồng Tháp Mười; thưởng thức ẩm thực khẩn hoang của cư dân Đồng Tháp Mười.

- Phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu về sinh kế của người dân: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng ở Làng hoa kiểng Sa Đéc gắn với các hoạt động cho du khách cùng tham gia, tìm hiểu đời sống sinh hoạt truyền thống, trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương tại nhà người dân (du lịch homestay).

2. Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái:

- Loại sản phẩm du lịch sinh thái thứ 1: Phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh rừng tràm ngập nước với các hoạt động tham quan cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu các giá trị di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực đồng quê tại khu di tích Xẻo Quýt và khu du lịch sinh thái Gáo Giồng.

- Loại sản phẩm du lịch sinh thái thứ 2: Phát triển sản phẩm du lịch sinh cảnh đất ngập nước nội địa vùng trũng Đồng Tháp Mười với các hoạt động tham quan, tìm hiểu về môi trường, môi sinh và các giá trị đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

3. Danh sách các sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp: (có phụ lục kèm theo).

III. CÁC GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM:

1. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp các hạng mục hạ tầng và yếu tố hình thành sản phẩm du lịch đặc thù:

- Xây dựng mới bến tàu du lịch Sa Đéc và Cao Lãnh. Nâng cấp hệ thống bến tàu tại các điểm tham quan và các loại phương tiện vận chuyển đảm bảo an toàn, giảm tiếng ồn, tiện nghi đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch.

- Cải tạo hệ thống thu gom, xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường dọc theo các tuyến tham quan đường bộ và đường thủy.

- Xây dựng tuyến tham quan, điểm dừng chân cho sản phẩm du lịch đặc thù.

- Đầu tư các biển chỉ dẫn ở tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (Khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu Di tích Xẻo Quít, Khu Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn quốc gia Tràm Chim…).

- Cải tạo, nâng cấp các chòi, đài quan sát phù hợp với sản phẩm khai thác ở Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Khu di tích Xẻo Quít.

- Nâng cấp hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động trải nghiệm đảm bảo an toàn, hấp dẫn du khách (Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020).

- Đào tạo kỹ năng cho lao động trực tiếp liên quan đến sản phẩm, các hộ gia đình để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho khách, thuyết minh viên tại điểm, đồng thời giúp khách thưởng thức, khám phá, trải nghiệm nếp sống sinh hoạt cộng đồng.

- Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chế biến các món ăn truyền thống, kỹ năng phục vụ khách tại các địa bàn du lịch.

- Nghiên cứu hình thành chuỗi nhà hàng hoặc xây dựng “Không gian ẩm thực Nam bộ” tại thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc.

- Xây dựng và phát hành sách hướng dẫn, giới thiệu ẩm thực Nam bộ và tổ chức show dạy nấu ăn cuối tuần tại Khu du lịch Gáo Giồng.

2. Phát triển thị trường phù hợp sản phẩm đặc thù:

- Sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa: Thị trường khách quốc tế (Mỹ, các nước EU, Úc, Nhật, Hàn Quốc), khách nội địa từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Trung.

- Sản phẩm du lịch sinh thái: Thị trường khách quốc tế (Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc), khách nội địa từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, khách nội địa trong vùng.

3. Quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù:

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức trên các phương tiện truyền thông và tại các sự kiện của ngành, của tỉnh.

- Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch, Lữ hành, Báo, Đài tổ chức Famtrip để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

- Xây dựng thương hiệu riêng cho khu, điểm du lịch dựa vào sản phẩm đặc thù của điểm đến.

- Đẩy mạnh việc xã hội hóa, khai thác tối đa mặt tích cực của mạng xã hội trong quảng bá, xúc tiến du lịch.

4. Đảm bảo môi trường du lịch:

- Tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh du lịch.

- Tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các hoạt động du lịch bao gồm hành vi du khách, địa điểm lưu trú, phương tiện vận chuyển, khu vui chơi giải trí, trải nghiệm...

- Xây dựng, thành lập lực lượng bảo vệ du khách để đảm bảo môi trường an toàn, văn minh, thân thiện.

5. Chính sách đầu tư:

- Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch; quảng bá xúc tiến, đào tạo kỹ năng nghề du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch đặc thù cho các điểm du lịch. (các hạng mục đầu tư nằm trong Đề án phát triển du lịch tỉnh ĐT giai đoạn 2015 - 2020)

- Các đơn vị tham gia hoạt động du lịch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiện nghi phục vụ khách du lịch.

6. Giải pháp về vốn:

Tổng nhu cầu vốn (trực tiếp) xây dựng sản phẩm du lịch từ đây đến năm 2020, khái toán khoảng 20 tỉ đồng. Trong đó:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 02 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 10%. Tập trung các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ quảng bá hình ảnh.

- Ngân sách tỉnh thuộc nguồn kinh phí của Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020: 05 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 25%. Tập trung các hoạt động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, quảng bá giới thiệu, tập huấn kỹ năng, đào tạo chuyển giao.

- Vốn viện trợ của các tổ chức nước ngoài: 02 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10%. Tập trung các hoạt động hỗ trợ cải thiện môi trường sinh thái.

- Nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân: 11 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 65%. Tập trung các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, tiếp nhận chuyển giao, khai thác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch, có trách nhiệm điều hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng Tháp.

- Phối hợp với Trường đại học Đồng Tháp trong việc nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm, đào tạo chuyển giao sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

- Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh tổ chức thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; tăng cường phối hợp với Cục Xúc tiến (Tổng cục Du lịch), du lịch các tỉnh, thành để liên kết quảng bá các tuyến, điểm du lịch đặc thù của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương từ Chương trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng Cửu Long và sản phẩm du lịch đặc thù của Quốc gia.

- Tổ chức kiểm tra giám sát các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các đơn vị trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn vướng mắc để tháo gỡ, đảm bảo sự thành công của Kế hoạch.

2. Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, nghiên cứu phát triển mở rộng thị trường khách.

- Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch đặc thù tại các điểm đến.

- Tổ chức các đoàn Famtrip, presstrip, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khu điểm du lịch quảng bá các sản phẩm đặc thù của Tỉnh gắn chặt với hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Trường Đại học Đồng Tháp:

Tham gia đào tạo, tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên ngành du lịch cho công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng khác nhằm phát huy tốt nhất giá trị các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Khảo sát quy hoạch các điểm du lịch trên địa bàn. Lồng ghép xây dựng sản phẩm du lịch vào kế hoạch hàng năm và 5 năm về phát triển du lịch và về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống để tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm tại địa phương.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của du lịch, đảm bảo môi trường an toàn thân thiện; tập trung giải quyết các tệ nạn xã hội và vấn đề an ninh trật tự, mua bán hàng rong tại các tụ điểm văn hóa, khu du lịch.

5. Các khu, điểm du lịch và doanh nghiệp du lịch, lữ hành:

- Lồng ghép thực hiện Đề án phát triển du lịch của tỉnh, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tại điểm đến.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường tại các cơ sở và khu vực kinh doanh của mình, chịu trách nhiệm về an ninh trật tự trong khu vực do doanh nghiệp quản lý. Tham gia tích cực vào các chương trình, sự kiện văn hóa - du lịch của ngành để quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù.

- Đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch.

- Tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá các sản phẩm đặc thù của đơn vị để tạo thương hiệu đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

- Không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng, tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm mang sắc thái riêng của từng điểm đến để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, tăng hiệu quả hoạt động của đơn vị, đồng thời góp phần phát triển du lịch của địa phương./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT/TU, TT/HĐND, TT/MTTQ tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch;
- Báo ĐT, Đài PTTH ĐT, Cổng TTĐT tỉnh;
- LĐ VP/UBND tỉnh;
Lưu: VT, NC/VX.VD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Thái

 

PHỤ LỤC 1

SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số: 107/KH-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

STT

TÊN SẢN PHẨM/CÁC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH KHAI THÁC CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC THÙ

ĐỊA ĐIỂM

ĐƠN VỊ CHỦ TRÌ THỰC HIỆN

ĐƠN VỊ PHỐI HỢP THỰC HIỆN

THỜI GIAN THỰC HIỆN

1

Phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng gắn với những giá trị cảnh quan sông nước và văn hóa bản địa:

1.1

Sản phẩm du lịch thưởng ngoạn cảnh quan sông nước:
Các hoạt động: đi thuyền tham quan cảnh quan thiên nhiên mùa nước, ngắm cánh đồng sen, kết hợp tham quan di chỉ khảo cổ văn hóa Phù Nam... Tìm hiểu, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực mùa nước nổi và các sản vật từ sen.

Vườn Quốc gia Tràm Chim và khu Đồng sen Tháp Mười, Khu di tích Gò Tháp

UBND huyện Tháp Mười

BQL Khu di tích Gò Tháp, Khu Đồng sen Tháp Mười, Công ty CP Đầu tư TM Du lịch Đồng Tháp Mười, Doanh nghiệp du lịch, lữ hành

2015 - 2016

1.2

Sản phẩm du lịch tìm hiểu cuộc sống cộng đồng dân cư vùng Đồng Tháp Mười:
Các hoạt động: đi thuyền tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân trong mùa nước nổi như: thu hoạch lúa trời; giăng câu, lưới bắt cá; săn bắt chuột đồng,.. tìm hiểu sinh thái nông nghiệp theo mùa; thưởng thức ẩm thực khẩn hoang của cư dân vùng Đồng Tháp Mười.

Vườn Quốc gia Tràm Chim

Vườn Quốc gia Tràm Chim

Các hộ dân tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm; Doanh nghiệp du lịch, lữ hành

2015

1.3

Sản phẩm du lịch tìm hiểu về sinh kế của người dân:
Các hoạt động: Hướng dẫn khách tham quan, tìm hiểu đời sống sinh hoạt truyền thống, trải nghiệm quy trình sản xuất sản phẩm, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương tại nhà người dân (du lịch homestay).

Làng hoa kiểng Sa Đéc

UBND TP. Sa Đéc

Hợp tác xã hoa kiểng Sa Đéc, Doanh nghiệp du lịch, lữ hành

2016 - 2017

2

Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái:

2.1

Sản phẩm du lịch sinh thái rừng tràm ngập nước
Các hoạt động: đi thuyền hoặc đi bộ tham quan cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tìm hiểu các giá trị di tích lịch sử cách mạng, văn hóa ẩm thực đồng quê.

Khu di tích Xẻo Quýt và Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng

Sở VHTTDL

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng; Doanh nghiệp du lịch, lữ hành

2015

2.2

Sản phẩm du lịch sinh thái đất ngập nước nội địa vùng trũng Đồng Tháp Mười:
Các hoạt động: đi thuyền tham quan, nghiên cứu môi trường, môi sinh, tìm hiểu các giá trị đa dạng sinh học vùng sinh cảnh đất ngập nước nội địa.

Vườn quốc gia Tràm Chim

Vườn quốc gia Tràm Chim

Doanh nghiệp du lịch, lữ hành

2015

 

PHỤ LỤC 2

CÁC HẠNG MỤC ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2015 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

TT

CÁC HẠNG MỤC ĐẦU TƯ

THỜI GIAN THỰC HIỆN

CHỦ ĐẦU TƯ

NGUỒN VỐN (triệu đồng)

GHI CHÚ

Ngân sách

Xã hội hóa

 

A

ĐẦU TƯ CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT DU LỊCH

 

 

20.000

26,000

 

1

Trang bị phương tiện vận chuyển đường thủy không tiếng ồn

2015

Vườn Quốc gia Tràm Chim

1,500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

2

Bến xuồng

2015

Vườn Quốc gia Tràm Chim

1,500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

3

Nâng cấp các trạm dừng chân ngắm chim

2015

Vườn Quốc gia Tràm Chim

2,000

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

4

Hỗ trợ cải tạo nhà dân đảm bảo phục vụ homestay (thí điểm cho 06 hộ dân Làng hoa kiểng Sa Đéc)

2016-2017

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

600

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

5

Nâng cấp bến thuyền hiện có đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch ở Xẻo Quýt và Gáo Giồng

2015 - 2016

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Cao Lãnh

600

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

6

Khu hướng dẫn/biểu diễn ẩm thực

2015 - 2016

UBND huyện Cao Lãnh

500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

7

Bến tàu khách du lịch

2015 - 2016

UBND TP. Sa Đéc

500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

8

Bến xe du lịch

2015 - 2016

UBND TP. Sa Đéc

1,500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

9

Vườn hoa kiểu mẫu

2015 - 2016

UBND TP. Sa Đéc

1,500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

10

Bãi đỗ xe tập trung cho khu di tích Gò Tháp và khu Đồng Sen

 

UBND huyện Tháp Mười

3,000

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

11

Nhà đón tiếp khách và hướng dẫn

 

UBND huyện Tháp Mười

2,000

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

12

Cổng chào

 

UBND huyện Tháp Mười

2,000

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

13

Hệ thống bảng biểu chỉ dẫn nội bộ tại các khu điểm: Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít

 

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh

1,200

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

14

Tập huấn, đào tạo cho cộng đồng

2015

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh

500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

15

Chuẩn hóa hệ thống bảng biểu quảng bá cho các khu, điểm du lịch: Xẻo Quít, Tràm Chim, Gáo Giồng, Làng hoa Sa Đéc, Gò Tháp, Đồng Sen Tháp Mười

2015

Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh

600

 

 Kinh phí Đề án phát triển du lịch

16

Hỗ trợ thùng rác kiểu mẫu cho các khu, điểm du lịch

2015-2016

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

500

 

Kinh phí Đề án phát triển du lịch

17

Trang bị xuồng an toàn phục vụ khách tham quan

2015

Các hộ dân tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm

 

200

  Xã hội hóa

18

Dụng cụ, ngư cụ cho khách trải nghiệm

2015

Các hộ dân tham gia hoạt động du lịch trải nghiệm

 

100

 Xã hội hóa

19

Nâng cấp 06 nhà dân phục vụ lưu trú du lịch cộng đồng (homestay)

2015-2016

Các hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng

 

1,200

 Xã hội hóa

20

Đầu tư chuỗi nhà hàng hoặc “Không gian ẩm thực Nam bộ” tại thành phố Cao Lãnh và thành phố Sa Đéc

2016-2020

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp

 

16,000

  Xã hội hóa

21

Tập huấn, đào tạo tại chỗ, nâng cao tay nghề cho thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên phục vụ

2015-2020

Doanh nghiệp du lịch; khu, điểm du lịch; nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch

 

500

  Xã hội hóa

22

Quảng bá truyền thông sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu của đơn vị cơ sở

2015-2020

Doanh nghiệp du lịch; khu, điểm du lịch; nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch

 

3,000

  Xã hội hóa

23

Công tác bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp

2015-2020

Doanh nghiệp du lịch; khu, điểm du lịch; nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch; hộ dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng

 

5,000

   Xã hội hóa

 

Tổng cộng

 

 

20,000

26,000