Kế hoạch 103/KH-UBND năm 2018 về điều tra, khảo sát thu thập thông tin về trẻ em và cập nhật phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018-2020
Số hiệu: 103/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Trần Ngọc Căng
Ngày ban hành: 16/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 103/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 7 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT THU THẬP THÔNG TIN VỀ TRẺ EM VÀ CẬP NHẬT PHẦN MỀM CƠ SỞ DỮ LIỆU TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2018-2020.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em nhằm đảm bảo thông tin dữ liệu về trẻ em được nhanh chóng và chính xác; cung cấp nguồn dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng trên địa bàn tỉnh;

- Thiết lập và phát triển hệ thống thu thập, lưu trữ, cập nhật, xử lý, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu trẻ em được thống nhất trên toàn quốc;

- Thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em, xác định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt để tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp liên ngành trong việc tổ chức các hoạt động để bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em tại cơ sở;

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, điều hành bộ máy chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực và hiện đại hóa công tác quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý Bảo vệ trẻ em, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

2. Yêu cầu

- Xây dựng cơ sở dữ liệu trẻ em theo đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thống nhất trên phạm vi toàn quốc; hiện đại hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về công tác Bảo vệ trẻ em, làm cơ sở cho việc quy hoạch chính sách liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

- Khi xây dựng cơ sở dữ liệu trẻ em phải tuân thủ đúng theo các quy định, quy trình quy phạm hiện hành, đúng với phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia của Cục Trẻ em, phù hợp với điều kiện trang thiết bị, nhân lực hiện có; vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo tính hiệu quả và chính xác.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý trẻ em

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em. Luật Trẻ em (năm 2016) quy định khá đầy đủ về quyền trẻ em, trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Một số chương trình đã được xây dựng và triển khai nhằm giúp đỡ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em chỉ là số liệu báo cáo mang tính định tính, chưa mang tính khoa học và thống nhất; số liệu còn nhiều hạn chế, bất cập. Nguyên nhân:

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê, báo cáo về công tác bảo vệ trẻ em chưa đồng bộ, chưa thống nhất nên chưa được đánh giá. Mặc dù, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và các thông tin về cơ sở dữ liệu trẻ em trên phạm vi toàn quốc (năm 2016);

- Công tác thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn đến tình trạng thu thập, tổng hợp số liệu chưa chính xác. Số liệu chưa được chuẩn hóa, việc thu thập, cập nhật, quản lý thông tin còn mang tính đơn lẻ theo ý chí cá nhân; chưa đầy đủ, kịp thời, độ tin cậy chưa cao, hiệu quả sử dụng thấp.

- Cán bộ công chức, viên chức làm công tác trẻ em từ tỉnh đến cơ sở vừa thiếu và chưa được đào tạo cơ bản về công nghệ thông tin, quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trẻ em. Một số cán bộ, công chức cấp xã sử dụng máy vi tính và tiếp cận các phần mềm còn hạn chế.

- Kinh phí bố trí cho việc cập nhật thông tin trẻ em vào cơ sở dữ liệu trẻ em từ năm 2016 đến 2018 rất hạn chế, phần kinh phí này được bố trí bổ cho việc bổ sung dữ liệu phát sinh, không bố trí kinh phí điều tra, thu thập số liệu trẻ em tại cơ sở;

- Cơ sở hạ tầng về thông tin của ở huyện và xã còn hạn chế, chưa đảm bảo để triển khai các phần mềm, cơ sở dữ liệu trẻ em dùng chung cho toàn quốc.

2. Cơ sở pháp lý

Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đổi mới, phát triển Đề án trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030;

Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, giai đoạn 2016-2020;

Công văn số 660/BVCSTE-KHTH ngày 02/11/2016 của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em về việc hướng dẫn triển khai hoạt động duy trì, vận hành, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thu thập và cập nhật thông tin về trẻ em;

Công văn số 70/TE-KHTC ngày 30/01/2018 của Cục Trẻ em về việc hướng dẫn triển khai Dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2018;

Công văn số 505/LĐTBXH-TE ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn công tác trẻ em năm 2018;

Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 03/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Quy định về hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

Quyết định số 819/QĐ-UBND ngày 12/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện chương trình hành động vì trẻ em, giai đoạn 2013-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Đối tượng, số lượng: Trẻ em dưới 16 tuổi, dự kiến khoảng 271.707 trẻ em.

III. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THỰC HIỆN

1. Nội dung

Điều tra thông tin về trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (theo mẫu hướng dẫn của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội).

2. Hình thức:

- Phỏng vấn trực tiếp tại hộ gia đình ở thôn, xã;

- Điền thông tin vào Sổ theo dõi trẻ em trong gia đình;

- Cập nhật thông tin trẻ em vào phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em quốc gia.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

* Năm 2018:

- Từ tháng 7/2018 - tháng 11/2018: Điều tra viên tiến hành rà soát, khảo sát, thu thập thông tin tại thôn, tổ dân phố ghi danh sách trẻ em tại cộng đồng; thu thập thông tin vào sổ theo dõi trẻ em trong gia đình;

- Từ ngày 01/12/2018 - 05/12/2018: Các xã, phường, thị trấn kiểm tra, nhập tin trên máy tính và tổng hợp biểu mẫu gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố;

- Từ ngày 06/12/2018 -10/12/2018: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố thẩm định kết quả, tổng hợp kết quả về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Từ ngày 11/12/2018 - 11/01/2019: Cập nhật thông tin vào hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em quốc gia.

* Năm 2019:

- Từ ngày 11/01/2019 - 31/12/2019: Cập nhật bổ sung thông tin trẻ em vào hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em quốc gia.

* Năm 2020:

- Cập nhật bổ sung thông tin trẻ em vào hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em quốc gia.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện là 3.485.269.300 đồng (Ba tỷ, bốn trăm tám mươi lăm triệu, hai trăm sáu mươi chín nghìn, ba trăm đồng).

1. Từ nguồn kinh phí TW về chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 là 1.238.995.000 đồng:

- Năm 2018: 658.995.000 đồng (gồm: Số dư dự toán năm 2017 chuyển sang là 368.995.000 đồng và dự toán được giao năm 2018 theo Quyết định số 455/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh là 290.000.000 đồng).

- Năm 2019: 290.000.000 đồng;

- Năm 2020: 290.000.000 đồng;

2. Nguồn kinh phí ngân sách tỉnh là 2.246.274.300 đồng:

- Năm 2018: 750.000.000 đồng, được điều chỉnh từ nguồn chi Dự án phẫu thuật Tim bẩm sinh cho trẻ em Trả Lại Tuổi Thơ do tổ chức VinaCapital và các đối tác tài trợ năm 2018 đã giao cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (theo Quyết định số 18/QĐ-SLĐTBXH ngày 10/01/2018 của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội).

- Năm 2019: 1.496.274.300 đồng.

3. Nội dung và định mức chi:

Thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính về việc Quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia;

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động -Thương binh và Xã hội: Chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thực hiện:

- Xây dựng Kế hoạch và tổ chức họp triển khai kế hoạch điều tra, rà soát thu thập thông tin trẻ em tại các xã, phường, thị trấn;

- Tham mưu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập Tổ công tác cấp tỉnh để khảo sát, thu thập thông tin về trẻ em;

- Thực hiện kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả báo cáo về Sở Lao động -Thương binh và Xã hội;

- Lập biên bản bàn giao cơ sở dữ liệu giữa huyện và tỉnh;

- Chịu trách nhiệm thanh quyết toán về kinh phí được giao đúng quy định;

- Cùng thời điểm lập dự toán hàng năm, trên cơ sở dự toán được duyệt, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh dự lập toán trình Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổng hợp chung gửi Sở Tài Chính.

2. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập dự toán kinh phí khảo sát, cập nhật thông tin vào hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu trẻ em quốc gia;

- Hướng dẫn sử dụng kinh phí phục vụ khảo sát, thu thập thông tin theo quy định hiện hành;

- Cùng thời điểm lập dự toán hàng năm, trên cơ sở dự toán do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội lập và căn cứ khả năng ngân sách Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Tổ chức khảo sát, thu thập thông tin về trẻ em cấp huyện, thành phố;

- Tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa, nội dung kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để nhân dân biết và thực hiện;

- Chọn 01 điều tra viên/thôn, tổ dân phố để điều tra, rà soát lập danh sách trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo từng nhóm đối tượng;

- Bố trí kinh phí để hỗ trợ điều tra viên thực hiện khảo sát, thu thập thông tin về trẻ em;

Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố triển khai thực hiện, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh đúng theo quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phản ảnh Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- TTTU, HĐND tỉnh;
- Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Sở Tài chính;
- Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CPVP(VX), TH, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXthuy376.

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng