Quyết định 989/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Số hiệu: 989/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Lữ Quang Ngời
Ngày ban hành: 22/05/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 989/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 22 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh va Xã hội tại Tờ trình số 79/TTr-SLĐTBXH ngày 13/4/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc thực hiện Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

 (Kèm theo Kế hoạch số 19/KH-SLĐTBXH ngày 13/4/2018 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch nêu trên.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Công an tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lữ Quang Ngời

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-SLĐTBXH

Vĩnh Long, ngày 13 tháng 4 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ AN SINH XÃ HỘI, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030”.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, như sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI

I. TÌNH HÌNH ĐỐI TƯỢNG AN SINH XÃ HỘI VÀ DỰ BÁO ĐẾN NĂM 2020

1. Tình hình đối tượng an sinh xã hội (ASXH)

a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo

Năm 2017, toàn tỉnh đã chi trả trợ cấp thường xuyên cho 43.838 đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP , cụ thể: 275 trẻ em mồ côi, không người nuôi dưỡng và đối tượng từ đủ 16-22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; 20.632 người cao tuổi, 18.775 người khuyết tật; 17 người nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; 145 người đơn thân nghèo đang nuôi con; hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng tại cộng đồng cho 4.014 hộ với tổng số tiền là 162,039 tỷ đồng; hiện nay, tỉnh có 01 Trung tâm Công tác xã hội và 01 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, nuôi dưỡng trên 200 đối tượng bảo trợ xã hội.

Trong năm 2017, tỉnh hỗ trợ nhà cháy, sập, tốc mái, có người chết, người bị thương nặng là 26 trường hợp với số tiền 370.000.000 đồng; Chi trợ cấp đột xuất cho 56 đối tượng với số tiền là 68.950.000 đồng. Nhân dịp Tết Nguyên đán 2017 tỉnh đã hỗ trợ 51.219 phần quà với tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, quỹ vì người nghèo tỉnh, ngân sách huyện và nguồn kinh phí vận động. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2017 là 3,71%, với 10.355 hộ nghèo, trong đó có 8.086 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và 2.269 hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong năm 2017, đã hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nghèo là 36.995 thẻ, đạt 100%; cấp 42.677 thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, đạt 100%; có 4.834 người nghèo được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo Quyết định số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 729/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh với tổng số tiền là 1.212 tỷ đồng; có 15.617 lượt học sinh nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; có 1.288 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và nhà ở hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer.

b) Đối tượng hưởng chính sách người có công

Toàn tỉnh hiện đang quản lý trên 63.500 đối tượng chính sách Người có công. Trong đó, có trên 16.400 liệt sĩ và 2.867 bà mẹ Việt Nam anh hùng (còn sống 211 mẹ); 4.659 thương binh; 7.091 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 8.668 người và gia đình có công giúp đỡ cách mạng; 1.802 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học; 2.738 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày,… Phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 100% gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên.

c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế

Bảo hiểm xã hội: Mỗi năm cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh giải quyết cho hơn 800 người hưởng chế độ bảo hiểm xa hôi hàng tháng , 7.300 người hưởng chế độ trợ cấp một lần, 47.000 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hàng tháng thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp kịp thời cho 8.999 người, trong đó đối tượng hưởng hưu từ ngân sách nhà nước là 902 người. Năm 2017, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 765 ngươi, trong đó khoảng trên 400 người đã từng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; có 136 người hưởng hưu trí hàng tháng từ bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bảo hiểm y tế: Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 78,51% , trong đó Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế 100% và hỗ trợ một phần mức đóng cho 451.966 người, chiếm 54,77% số người tham gia (hỗ trợ toàn bộ cho 274.704 người và hỗ trợ một phần cho 177.262 người). Các doanh nghiệp, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều sáng kiến, phong trào vận động xã hội chăm sóc y tế cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: trợ giúp khám chữa bệnh, bữa ăn trong bệnh viện, mổ tim, mổ mắt, xe lăn, thiết bị y tế cho các bệnh viện…

d) Đối tượng tham gia thị trường lao động

Trong năm 2017, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 27.955 lao động, trong đó có 1.008 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, toàn tỉnh có 02 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, cụ thể trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trung tâm Liên đoàn Lao động tỉnh. Hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm từng bước được hoàn thiện, mở rộng về quy mô và hình thức, gồm tổ chức hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm...tư vấn, giới thiệu việc làm cho 7.500 lượt người.

e) Đối tượng được đào tạo nghề

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng. Hiện nay trên toàn tỉnh có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 04 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp, 01 trường nghiệp vụ, 08 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập huyện, thị xã, thành phố, 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; 02 trường đại học, 02 trung tâm dịch vụ việc làm, 02 doanh nghiệp và 05 cơ sở đào tạo khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Bình quân mỗi năm tổ chức tuyển sinh học nghề cho hơn 30.000 lao động, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề bình quân hằng năm cho hơn 6.000 lao động nông thôn học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

f) Đối tượng trẻ em

Năm 2017, toàn tỉnh có 195.945 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 19% dân số, trong đó: có 74.686 trẻ em dưới 6 tuổi, chiếm 7% dân số; 3.224 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 7.505 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

g) Đối tượng người nghiện ma túy

Tính đến tháng 5/2018, Cơ sở Cai nghiện ma túy quản lý là 149 học viên (trong tỉnh 130 học viên, ngoài tỉnh 19 học viên), trong đó: cai nghiện bắt buộc là 129 học viên (có nơi cư trú là 70 học viên, không có nơi cư trú là 58 học viên và 01 học viên chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP), cai nghiện tự nguyện là 14 học viên, đối tượng xã hội là 06 học viên.

2. Dự báo đối tượng đến năm 2020

a) Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo

Khoảng 48.000 người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân mỗi năm giảm 1%.

b) Đối tượng ở độ tuổi lao động và tham gia thị trường lao động

Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 19.000 lao động, trong đó bình quân mỗi năm đưa 800 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật là 63,1%, tổng số lao động có chuyên môn kỹ thuật là 430.821 người. Đến năm 2020 lao động qua đào tạo đạt 55% tổng lực lượng lao động, khoảng 501.746 người.

c) Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Khoảng 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (50% lực lượng lao động), có 220.000 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (35% lực lượng lao động).

Bảo hiểm y tế: Khoảng 950.000 người tham gia bảo hiểm y tế chiếm 90% dân số, trong đó tổng số người được Nhà nước hỗ trợ là 420.000 người chiếm 45% tổng số người tham gia.

d) Đối tượng chính sách người có công: Quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho khoảng 11.000 đối tượng.

e) Đối tượng là trẻ em

Khoảng 197.996 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó: có 76.187 trẻ em dưới 6 tuổi; 3.288 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 7.655 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

f) Đối tượng người nghiện ma túy

Cơ sở Cai nghiện ma túy quản lý khoảng 170 học viên, trong đó: cai nghiện bắt buộc là 146 học viên, cai nghiện tự nguyện là 17 học viên, đối tượng xã hội là 07 học viên.

II. KHÁI QUÁT THỰC TRẠNG XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ AN SINH XÃ HỘI

1. Công tác chỉ đạo, xây dựng luật pháp, chính sách về hình thành cơ sở dữ liệu ASXH

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI; Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, trong đó đã xác định rõ quan điểm “Hệ thống ASXH phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội với người dân”; và nhiệm vụ “Xây dựng mã số ASXH để phát triển Hệ thống thông tin chính sách ASXH; Xây dựng bộ chỉ số về ASXH quốc gia và bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phát triển hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện chính sách ASXH hàng năm”.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 3256/UBND-VX, ngày 14 tháng 8 năm 2017 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.

2. Hệ thống chỉ tiêu theo dõi, quản lý chính sách ASXH

Hàng năm và theo từng giai đoạn Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan xây dựng các chỉ tiêu cụ thể phù hợp với từng lĩnh vực để triển khai thực hiện các chính sách ASXH trên địa bàn như: Chỉ tiêu về dạy nghề, việc làm, giảm nghèo; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội; giáo dục; y tế; nhà ở; nước sạch...

3. Hệ thống phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thành phần ASXH

a) Hệ thống thông tin quản lý và CSDL về giáo dục nghề nghiệp: Hệ thống phần mềm quản lý chung cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp gồm:

Quản lý về cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh (thông tin chung về cơ sở giáo dục nghề nghiệp; số lượng cán bộ quản lý, nhà giáo, giáo viên giảng dạy; số lượng tuyển sinh đào tạo hằng năm,...)

Quản lý đối tượng lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và có việc làm phù hợp theo chính sách Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trên địa bàn tỉnh.

b) Hệ thống thông tin và CSDL thị trường lao động

Thực hiện Thông tư sô 27/2015/TT-BLĐTBXH ngay 24/7/2015 của Bộ Lao động - Thương binh va Xa hôi hướng dẫn thu thập , lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Theo đó, hàng năm tổ chức nhập và quản lý thông tin ban đầu, thông tin biến động của người lao động và người sử dụng lao động vào hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động của địa phương và chuyển tải dữ liệu cung lao động, cầu lao động của địa phương vào hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động Quốc gia.

c) Hệ thống thông tin quản lý và CSDL lĩnh vực BHXH

Ngành BHXH hiện tại đang sử dụng hệ thống quản lý với CSDL tập trung tại Trung ương, chạy trên nền web để quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Hiện tại còn 03 hệ thống quản lý giải quyết chế độ chính sách dữ liệu đặt tại tỉnh quản lý (CSDL SQL Server), định hướng tới ngành cũng sẽ tập trung tại Trung ương.

Ngành BHXH đang tập trung rà soát đồng bộ dữ liệu của 2 hệ thống quản lý hộ gia đình với dữ liệu quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, mục đích thống nhất quản lý mỗi người 1 mã số BHXH tránh cấp trùng thẻ BHYT (do thuộc nhiều đối tượng), thống kê chính xác tỷ lệ độ bao phủ BHYT, định hướng tiến tới cấp thẻ BHYT điện tử.

d) Hệ thống thông tin và CSDL người có công: Sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho người có công và thân nhân, trợ cấp học sinh-sinh viên, trợ cấp dụng cụ chỉnh hình, trợ cấp điều dưỡng, trợ cấp BHYT và phần mềm kế toán lĩnh vực Người có công được viết bởi Trung tâm Thông tin - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hiện đang được khai thác sử dụng tốt chương trình.

e) Hệ thống thông tin và CSDL Bảo trợ xã hội và giảm nghèo

Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) đã xây dựng xong phần mềm Hệ thống thông tin quản lý (MIS) và cơ sở dữ liệu về các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có đối tượng bảo trợ xã hội và đã bàn giao hệ thống MIS và CSDL cho tỉnh Vĩnh Long. Dự án SASSP đã tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm MIS cho cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội 08 huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, 08 huyện, thị xã, thành phố đang tiến hành điều tra, cập nhật danh sách đối tượng cho phần mềm.

f) Hệ thống thông tin quản lý và CSDL Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Dự án phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, thu thập thông tin về trẻ em. Đến nay đã triển khai đến 109/109 xã, phường, thị trấn và cập nhật, vận hành quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em tuy nhiên vận hành chưa có hiệu quả vì trang bị thiết bị sử dụng máy vi tính cũ, cấu hình kém, cập nhật và vận hành dữ liệu trẻ em trên mạng nên phần nào ảnh hưởng đến việc cập nhật thông tin trẻ em trên hệ thống cơ sở dữ liệu.

g) Hệ thống thông tin quản lý và CSDL phòng chống tệ nạn xã hội

Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đang triển khai hệ thống thu thập dữ liệu phòng chống tệ nạn xã hội đã được mã hoá chuyển về địa phương, giao địa phương thường xuyên cập nhật dữ liệu oline (CSDL chi tiết cấp huyện/xã). Công an tỉnh hiện đang quản lý, theo dõi, cập nhật phần mềm quản lý người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Phần mềm được Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an xây dựng và triển khai từ tháng 4/2014. Phần mềm được vận hành trên máy tính được Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp từ năm 2013 có kết nối mạng internet. Trong đó, mỗi đơn vị Công an cấp huyện được cấp 01 tài khoản và 01 mật khẩu bảo mật. Định kỳ 06 tháng, 01 năm, Công an các huyện, thị xã, thành phố cập nhật thông tin đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn cấp huyện, phòng tham mưu Công an tỉnh cập nhật thông tin người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại trại giam và Cơ sở cai nghiện ma túy. Hiện tại phần mềm vận hành tốt, đảm bảo nhập, trích xuất dữ liệu phục vụ yêu cầu khai thác. Tuy nhiên, phần mềm vận hành trên các máy tính được trang bị từ năm 2013 đến nay hầu như đã cũ, cấu hình máy tính chưa được nâng cấp, hệ thống xử lý chậm không đảm bảo khi triển khai trong thời gian tới.

4. Hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu về ASXH

Thời gian qua hệ thống mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phần mềm ứng dụng của các cơ quan, đơn vị được triển khai đồng bộ, tất cả các đơn vị trong tỉnh, huyện đã trang bị máy chủ đáp ứng nhu cầu hoạt động công nghệ thông tin và một số đơn vị được Trung ương chuyển giao phần mềm quản lý, thực hiện chính sách cho đối tượng,.... Tuy nhiên, nhiều phần mềm quản lý chưa trang bị hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin đầy đủ; phần mềm quản lý, giải quyết chế độ, chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chưa đồng bộ, phần mềm bị lỗi,...

III. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Chưa có hệ thống chỉ tiêu thống kê và các thông tin đồng bộ, thống nhất về ASXH, chỉ có các hệ thống chỉ tiêu thống kê trong từng lĩnh vực cụ thể như bảo hiểm xã hội, y tế, bảo trợ xã hội...Công tác thu thập, tổng hợp, báo cáo số liệu còn thiếu chi tiết, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ cơ sở, nhất là cấp xã, phường và cấp huyện thực hiện, dẫn tới tình trạng tổng hợp được số liệu chưa chính xác.

Hệ thống thông tin và CSDL hiện có chưa được chuẩn hoá, việc thu thập, cập nhật, quản lý thông tin còn mang tính đơn lẻ, chưa đầy đủ, kịp thời. Do đó không thể cập nhật, theo dõi biến động dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước. Thiếu sự kết nối nên vẫn xảy ra tình trạng trùng, sai, gây lãng phí.

Nguồn đầu tư cho ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý về ASXH chưa đáp ứng được yêu cầu. Trang bị thiết bị sử dụng máy vi tính cũ, cấu hình kém phần nào ảnh hưởng đến việc ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách ASXH.

Cán bộ, nhân viên làm công tác ASXH đa phần là kiêm nhiệm, khả năng sử dụng, khai thác, ứng dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý về ASXH còn hạn chế.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ CÁC NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu an sinh xã hội đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước; quản lý, cập nhật, khai thác thông tin thông qua cơ sở dữ liệu chung về an sinh xã hội chính xác, kịp thời, hiệu quả và tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu quản lý của các cấp, ngành và đối tượng có liên quan.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2020

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội kịp thời, công khai và minh bạch.

- Hoàn thiện cơ bản việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, triển khai cấp sổ và thẻ an sinh xã hội điện tử để tích hợp, giúp người dân thụ hưởng thuận lợi các chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, người có công với cách mạng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

- Hỗ trợ người dân, tổ chức dễ dàng đăng ký, tham gia, tiếp cận các dịch vụ, chính sách và khai thác thông tin về an sinh xã hội góp phần đưa chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào với đời sống thực tế.

- Hình thành cơ chế thu thập, khai thác, sử dụng và chia sẻ thông tin an sinh xã hội thống nhất, đồng bộ.

- Xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ngành có liên quan trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phối hợp, cung cấp chia sẻ và khai thác thông tin trong hệ thống cơ sở dữ liệu trong tỉnh về an sinh xã hội.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin.

- 50% chính sách, thông tin quan trọng, thủ tục hành chính công (quy trình, form mẫu đăng ký, hồ sơ thủ tục cần thiết...) liên quan đến an sinh xã hội được phổ biến kịp thời đến người dân thông qua cổng thông tin điện tử tích hợp và các kênh thông tin chính thức khác.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên thu thập, khai thác và cập nhật thông tin an sinh xã hội.

b) Mục tiêu đến năm 2025

- 100% cơ sở dữ liệu thành phần được triển khai trên phạm vi cả tỉnh; 100% các thông tin, dữ liệu an sinh xã hội được số hoá và cập nhật, quản lý thường xuyên, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành.

- 100% các dịch vụ công trực tuyến về an sinh xã hội được cung cấp ở mức độ 31 trên cổng thông tin điện tử tích hợp, bảo đảm các tổ chức, cá nhân và người dân có liên quan dễ dàng đăng ký, tiếp cận, khai thác sử dụng.

c) Định hướng đến năm 2030

Mở rộng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội gồm thông tin thêm về các lĩnh vực: Trẻ em, dạy nghề, việc làm, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các lĩnh vực khác của an sinh xã hội theo quy định của pháp luật.

II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH

1. Xây dựng cổng thông tin điện tử ASXH trên mạng điện tử để thực hiện

a) Nội dung

Cổng thông tin tích hợp cung cấp môi trường giao tiếp điện tử và dịch vụ công trực tuyến về ASXH nhằm hỗ trợ cán bộ, người dân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng.

Cổng cung cấp các thông tin, ứng dụng về ASXH như sau: Cung cấp thông tin chính sách, tin tức sự kiện ASXH...Tích hợp các ứng dụng và CSDL có liên quan về ASXH. Cung cấp các kênh thông tin tích hợp việc làm, dạy nghề, bảo hiểm cho các đối tượng trong nhóm ASXH.

Xây dựng, tích hợp và cung cấp trên Cổng thông tin tích hợp về ASXH các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 về ASXH, các dịch vụ xã hội cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu.

Tích hợp và cung cấp công cụ tìm kiếm đa năng nhiều tiêu chí khác nhau; có thể vẽ biểu đồ so sánh từng thời kỳ; hỗ trợ tìm kiếm và khai thác thông tin dữ liệu trực quan gắn kết thông tin bản đồ với thông tin thuộc tính phục vụ chỉ đạo, điều hành về ASXH.

Xây dựng, tích hợp Kênh thông tin, truyền thông đối thoại trực tuyến với người dân, doanh nghiệp (eTV) trên Internet về An sinh xã hội phục vụ công tác truyền thông, quảng bá về ASXH.

b) Phân công thực hiện

Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh

Đơn vị phối hợp: Bảo hiểm Xã hội tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, ngành, các đơn vị cấp huyện.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách ASXH, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu ASXH trên địa bàn tỉnh

Hiện đại hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống cơ sở dữ liệu ASXH thông suốt, kết nối và liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đáp ứng nhu cầu tuyên truyền, quản lý, điều hành, tìm hiểu, tra cứu, khai thác thông tin của đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh kịp thời, công khai, minh bạch.

3. Xây dựng, hoàn thiện các HTTT&CSDL chuyên ngành phục vụ cung cấp thông tin, dữ liệu cho CSDL của tỉnh về ASXH

3.1. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về bảo hiểm (đang được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai)

a) Nội dung: Hệ thống cung cấp các công cụ cập nhật, thống kê, báo cáo dữ liệu và quản lý toàn bộ hoạt động bảo hiểm trên phạm vi cả nước, tích hợp với hệ thống lao động, việc làm, dạy nghề và hệ thống hỗ trợ đền ơn đáp nghĩa, trợ giúp xã hội và giảm nghèo phục vụ chi trả, xây dựng chính sách trong ngành bảo hiểm (BHXH, BHYT, BHTN...).

b) Phân công thực hiện

- Đơn vị chủ trì: Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

- Đơn vị phối hợp: Sở Lao động - Thương binh Xã hội tỉnh, các Sở, ngành, các đơn vị cấp huyện.

3.2. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lao động, việc làm

a) Nội dung: Hệ thống cung cấp các công cụ cập nhật, thống kê, báo cáo dữ liệu về lao động, việc làm (Hệ thống Cung/Cầu việc làm, Hệ thống Liên minh HTX, Thị trường lao động) đồng bộ từ Tỉnh (Sở LĐTBXH, Liên minh HTX tỉnh) đến địa phương (cấp huyện/xã) góp phần hỗ trợ lưu trữ, quản lý, phân tích và cung cấp đa dạng, chất lượng thông tin từng bước đáp ứng kịp thời, chính xác nhu cầu sử dụng thông tin thị trường lao động, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng dữ liệu về lao động việc làm trên phạm vi cả nước.

Các nhóm CSDL cần quản lý gồm:

- CSDL về cung lao động.

- CSDL về cầu lao động (bao gồm cả liên minh HTX).

- CSDL về người nước ngoài làm việc tại Vĩnh Long.

- CSDL về lao động Vĩnh Long làm việc tại nước ngoài.

- CSDL về bảo hiểm thất nghiệp…

b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Liên minh HTX tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các Sở, ngành, các đơn vị cấp huyện.

3.3. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp

a) Nội dung: Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp gồm các ứng dụng và phần mềm cơ bản: Cổng thông tin mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, thông tin ngành nghề và trình độ đào tạo,... Quản lý thông tin về các chương trình, đề án, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, các chính sách hỗ trợ học nghề các cấp trình độ đào tạo,... tích hợp dữ liệu cung cầu lao động đảm bảo điều chỉnh, quy hoạch ngành nghề và trình độ đào tạo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.

Các nhóm CSDL cần quản lý gồm:

- CSDL về mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề và trình độ đào tạo.

- CSDL về nhà giáo, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

- CSDL về học sinh, sinh viên học chính quy.

- CSDL về đào tạo thường xuyên.

- CSDL về cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo.

- CSDL về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- CSDL về kỹ năng nghề,…

- CSDL về các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ học nghề,...

- CSDL về thông tin việc làm và thị trường lao động.

b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ngành, các đơn vị cấp huyện, cơ sở dạy nghề.

3.4. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về người có công

a) Nội dung: Hệ thống cung cấp công cụ hỗ trợ cập nhật, quản lý, thống kê, báo cáo về thông tin, hồ sơ về Người có công; công cụ chuyển nhận dữ liệu, hệ thống đồng bộ và tổng hợp số liệu của các địa phương trong tỉnh (CSDL chi tiết cấp huyện/xã). Hệ thống kết nối với các hệ thống có liên quan khác (chính sách người có công, hệ thống hỗ trợ chi trả) nhằm hỗ trợ công tác quản lý, chi trả trợ cấp, hỗ trợ đền ơn đáp nghĩa đối với người có công kịp thời.

Các nhóm CSDL quản lý gồm:

- CSDL về chính sách người có công

- CSDL về quản lý thông tin đối tượng người có công

- CSDL về trợ giúp tài chính người có công

- CSDL về liệt sỹ: thông tin/mộ/thân nhân liệt sỹ

- CSDL về ADN (GEN) của liệt sỹ

- CSDL nghĩa trang, công trình tưởng niệm Liệt sỹ…

b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ngành liên quan, các đơn vị cấp huyện.

3.5. Hệ thống thông tin bảo trợ xã hội và giảm nghèo

a) Nội dung: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý (MIS) tích hợp cho các chương trình TGXH trên toàn quốc và hướng tới hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) cho các chương trình TGXH. CSDL bước đầu sẽ bao gồm các thông tin cơ bản về hộ nghèo và cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ… góp phần hỗ trợ công tác xây dựng chính sách, chiến lược trợ giúp xã hội và giảm nghèo bền vững.

Các nhóm CSDL quản lý gồm:

- CSDL về các nhóm đối tượng BTXH (trẻ mồ côi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật không có khả năng lao động, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội, người mắc bệnh tâm thần, người nghèo, hộ nghèo, người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động).

- CSDL về đối tượng hưởng trợ giúp đột xuất (người, hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai, lũ lụt…).

- CSDL về hộ nghèo, hộ cận nghèo. b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ngành liên quan, các đơn vị cấp huyện.

3.6. Hệ thống thông tin quản lý bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em

a. Nội dung: Hệ thống cung cấp công cụ hỗ trợ hoạt động cập nhật, quản lý các thông tin về trẻ em, biến động về trẻ em từ tỉnh đến các đơn vị cấp huyện. Cập nhật dữ liệu trực tiếp vào CSDL (Sở LĐTBXH tổng hợp) và thành phần (CSDL chi tiết tại cấp huyện/xã) hoặc thực hiện kết nối, đồng bộ hoá giữa CSDL tổng hợp và CSDL thành phần để trao đổi thông tin... phục vụ nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách, vận động xã hội Bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Các nhóm CSDL quản lý gồm:

- CSDL về trẻ em, biến động trẻ em các cấp,

- CSDL về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt/trẻ em có nguy cơ bị tổn hại,

- CSDL về chính sách, thông tin có liên quan đến BVCSTE,

- CSDL về chương trình, dự án, dịch vụ BVCSTE... b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ngành liên quan, các đơn vị cấp huyện; cơ sở trợ giúp xã hội; Quỹ Bảo trợ trẻ em Vĩnh Long.

3.7. Hệ thống thông tin quản lý đối tượng mắc tệ nạn xã hội (người nghiện ma túy, người hoạt động mại dâm...)

a) Nội dung: Hệ thống cung cấp công cụ hỗ trợ cập nhật , quản lý , thống kê, báo cáo, xử lý và truyền tải thông tin về đối tượng mắc tệ nạn xã hội (người nghiện ma túy , người bán dâm ...) từ tỉnh (Sở LĐTBXH) đến địa phương (CSDL chi tiết cấp huyện/xã) nhằm hỗ trợ quản lý, theo dõi và tổng hợp đánh giá thực hiện nhiệm vụ phòng chống tệ nạn xã hội trên phạm vi cả nước.

Các nhóm CSDL quản lý gồm:

- CSDL người nghiện ma túy, mại dâm,

- CSDL về lây nhiễm HIV/AIDS,

- CSDL về nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về…

b. Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội; Công an tỉnh

- Đơn vị phối hợp: Cơ sở quản lý GDLĐXH; các Sở, ngành liên quan, các đơn vị cấp huyện.

4. Xây dựng, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến

a) Nội dung: Xây dựng, tích hợp và cung cấp trên Cổng thông tin điện tử tích hợp các dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ 3, 4 về an sinh xã hội thuộc lĩnh vực ngành quản lý, các dịch vụ xã hội cho người dân và doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu.

b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Các Sở, ngành, địa phương và đối tượng có nhu cầu.

5. Nâng cao năng lực và tuyên truyền phục vụ triển khai đề án

a) Nội dung: Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành tỉnh, địa phương như: hướng dẫn khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin ASXH; Đào tạo quản trị hệ thống mạng, quản trị các ứng dụng và hệ thống thông tin về ASXH; Có chính sách khuyến khích để có thể tuyển dụng được các cán bộ CNTT khá, giỏi tham gia triển khai, vận hành, phát triển hệ thống ASXH.

Tổ chức học hỏi kinh nghiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức của Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức.

b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các Sở, ngành, các đơn vị cấp huyện.

6. Tổ chức nhập liệu hồ sơ đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội

a) Nội dung:

Thu thập, xử lý, cập nhật dữ liệu và duy trì các hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu an sinh xã hội

Thống kê, số hoá, tích hợp các dữ liệu an sinh xã hội thành phần hiện có lên các phần mềm thành phần đã được xây dựng theo chuẩn thống nhất.

Tổ chức nhập liệu hồ sơ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ các dữ liệu thành phần của hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh về an sinh xã hội.

b) Phân công thực hiện:

- Đơn vị chủ trì: Sở Lao động - Thương binh Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: các Sở, ngành liên quan, các đơn vị cấp huyện; cơ sở trợ giúp xã hội; Quỹ Bảo trợ trẻ em Vĩnh Long.

7. Trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài tỉnh đã áp dụng thành công việc sử dụng thẻ ASXH điện tử: Tổ chức trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm trong công tác ứng dụng sử dụng thẻ ASXH điện tử.

8. Giám sát, đánh giá việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu ASXH: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật việc thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu ASXH của các cấp, các ngành. Định kỳ 06 tháng, năm tiến hành sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả về cơ quan thường trực (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) theo định kỳ (báo cáo 06 tháng trước ngày 15/5, báo cáo năm trước ngày 30/11) hoặc đột xuất khi có yêu cầu.

9. Kinh phí

Kinh phí thực hiện kế hoạch được đảm bảo từ các nguồn: Nguồn vốn ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước (tuỳ theo khả năng ngân sách); nguồn huy động, tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh và các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; điều phối các hoạt động của đề án; chủ trì, hướng dẫn các địa phương thực hiện đề án; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án; tổ chức sơ kết định kỳ, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Truyền thông nâng cao nhận thức; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội; phát triển cơ chế chính sách, văn bản pháp luật để quản lý, vận hành, kết nối và trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội các cấp.

Triển khai xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong phạm vi, quyền hạn được giao; hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thông tin, các mẫu biểu báo cáo thống kê theo từng lĩnh vực về an sinh xã hội; khảo sát đánh giá và thu thập thông tin về an sinh xã hội.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành, địa phương có liên quan bố trí các nguồn vốn đầu tư cho công tác xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

3. Sở Tài chính: có trách nhiệm bố trí kinh phí cho các Sở, ngành liên quan và các địa phương để triển khai thực hiện đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, đề án.

4. Sở Thông tin và Truyền thông: chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án tại các Sở, ngành, địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dịch vụ, chính sách và khai thác thông tin về an sinh xã hội góp phần đưa chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống thực tế.

5. Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Có trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội.

6. Công an tỉnh: Có trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo qui định tại Luật Căn cước công dân.

7. Các Sở, ngành liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch này.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân về vai trò tác dụng của số an sinh xã hội, thẻ an sinh xã hội điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiểm tra, giám sát công tác triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với tình hình của địa phương. Bố trí kinh phí thực hiện, lồng ghép việc thực hiện kế hoạch với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Định kỳ 06 tháng, năm hoặc đột xuất đề nghị các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long để Sở tổng hợp báo cáo về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long./.

 

 

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Phan Hồng Hạnh

 



1 - Dịch vụ công trực tuyến mức độ 1: là dịch vụ bảo đảm cung cấp đầy đủ các thông tin về thủ tục hành chính và các văn bản có liên quan quy định về thủ tục hành chính đó.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 2: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 và cho phép người sử dụng tải về các mẫu văn bản và khai báo để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi hoàn thiện được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 và cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.