Quyết định 596/QĐ-UBND năm 2011 quy định hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 596/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa Người ký: Nguyễn Chiến Thắng
Ngày ban hành: 08/03/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 596/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 08 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH HỖ TRỢ TRỰC TIẾP CHO NGƯỜI DÂN THUỘC HỘ NGHÈO Ở MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO, VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH KHÁNH HÒA, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-UBDT-BTC ngày 08 tháng 01 năm 2010 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa IV, kỳ họp thứ 15 về Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 03/TTr-BDT ngày 02 tháng 3 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2011 - 2015 như sau:

1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

a) Người dân thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo Quốc gia) đăng ký hộ khẩu và cư trú hợp pháp ở địa bàn các xã thuộc khu vực II và khu vực III;

b) Người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo Quốc gia) đăng ký hộ khẩu và cư trú hợp pháp ở địa bàn các xã thuộc khu vực I và thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông, thành phố Cam Ranh.

c) Các xã thuộc khu vực I, II, III theo quy định hiện hành của Ủy ban Dân tộc.

2. Mức hỗ trợ

a) Đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc khu vực III, mức hỗ trợ là 200.000 đồng/người/năm, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 100.000 đồng/người/năm

- Ngân sách tỉnh: 100.000 đồng/người/năm

b) Đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc khu vực II, mức hỗ trợ là 150.000 đồng/người/năm, trong đó:

- Ngân sách Trung ương: 80.000 đồng/người/năm

- Ngân sách tỉnh: 70.000 đồng/người/năm

c) Đối với người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở các xã thuộc khu vực I và thôn Giải Phóng, xã Cam Phước Đông, thành phố Cam Ranh, mức hỗ trợ là 100.000 đồng/người/năm (ngân sách tỉnh).

3. Hình thức hỗ trợ

Trên cơ sở xác định nhu cầu của người dân và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) lựa chọn, quyết định hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật cho phù hợp.

a) Hỗ trợ bằng tiền mặt

Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã yêu cầu các hộ được hỗ trợ chủ động sử dụng khoản tiền hỗ trợ để mua: giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y và muối i ốt.

b) Hỗ trợ bằng hiện vật

Trên cơ sở nhu cầu của người dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất danh mục hiện vật hỗ trợ, xây dựng đơn giá, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hiện vật hỗ trợ trong danh mục sau: giống cây trồng, giống vật nuôi, thuốc thú y, muối i ốt.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện giao cho đơn vị chức năng của huyện tổ chức thực hiện việc mua và cấp phát. Việc mua, cấp phát hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng và phù hợp thời vụ sản xuất của người dân. Các chi phí thực hiện việc mua, cấp hiện vật hỗ trợ không tính vào mức hỗ trợ cho người dân và do ngân sách chịu trách nhiệm.

- Trường hợp giá trị hiện vật thực nhận của hộ gia đình được hỗ trợ thấp hơn mức hỗ trợ, hộ gia đình được nhận thêm tiền mặt phần chênh lệch thiếu so với định mức.

4. Kinh phí và thời gian thực hiện

a) Kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ hàng năm bao gồm:

- Kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo định mức hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều này;

- Chi phí quản lý: bằng 2% tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp. Chi phí quản lý được sử dụng để phục vụ công tác tuyên truyền, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, mua, cấp phát hiện vật hỗ trợ..., được phân bổ như sau:

+ Cấp tỉnh (Ban Dân tộc): 0,5%

+ Cấp huyện: 1%

+ Cấp xã: 0,5%

b) Thời gian thực hiện: từ năm 2011 đến hết năm 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ban Dân tộc

Là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh:

- Tổng hợp, lập kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ hàng năm;

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định danh mục, đơn giá hiện vật hỗ trợ;

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở các địa phương, tránh xảy ra tiêu cực, thất thoát;

- Theo dõi, tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh và kiến nghị những vấn đề cần có sự điều chỉnh, bổ sung trong quá trình tổ chức thực hiện gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Tài chính theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Hướng dẫn các đơn vị, địa phương lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ trực tiếp theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước;

- Phối hợp với Ban Dân tộc và các ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí của địa phương; thẩm định đơn giá mua hiện vật hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hỗ trợ cho người dân đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng nội dung hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này;

- Xác định các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của địa phương để người dân có cơ sở lựa chọn; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân; kiểm tra, giám sát chất lượng hiện vật hỗ trợ;

- Đề xuất danh mục hiện vật hỗ trợ, xây dựng đơn giá, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; xây dựng phương án tổ chức triển khai thực hiện, đồng gửi Sở Tài chính và Ban Dân tộc để theo dõi, kiểm tra, giám sát;

- Giao Phòng Dân tộc hoặc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các huyện không thành lập Phòng Dân tộc) làm cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chính sách trên địa bàn huyện;

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện chính sách định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng và năm gửi về Ban Dân tộc và Sở Tài chính vào ngày 30 của tháng cuối quý và trước ngày 05/01 năm sau, sau khi kết thúc năm.

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

- Công khai chính sách hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân và dân cư; để người dân thực hiện được quyền dân chủ theo nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân kiểm tra;

- Phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra người dân sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích khoản tiền, hiện vật được Nhà nước hỗ trợ vào sản xuất, sinh hoạt;

- Bình xét hộ nghèo hàng năm theo hướng dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; tổng hợp danh sách hộ nghèo, nhu cầu hỗ trợ của người dân trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc; Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Chiến Thắng