Quyết định 543/QĐ-UBND năm 2013 thực hiện Nghị quyết 61/2012/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết 160/2010/NQ- HĐND về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2011-2015
Số hiệu: 543/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Ngọc Quang
Ngày ban hành: 18/02/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 543/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 18 tháng 02 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 61/2012/NQ-HĐND NGÀY 14/12/2012 CỦA HĐND TỈNH KHÓA VIII VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT SỐ 160/2010/NQ-HĐND NGÀY 22/4/2010 VỀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN THỦY LỢI NHỎ, THỦY LỢI ĐẤT MÀU VÀ KIÊN CỐ KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2011-2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;

Căn cứ Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 56/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 của Thủ tướng Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2012/NQ-HĐND ngày 14/12/2012 của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 160/2010/NQ-HĐND ngày 22/4/2010 của HĐND tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 21/TTr-SNN&PTNT ngày 22/01/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 61/2012/NQ-HĐND ngày 14/12/2012 của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa VIII về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 160/2010/NQ- HĐND ngày 22/4/2010 của HĐND tỉnh về tiếp tục phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015; gồm các nội dung chính sau:

1. Mục tiêu giai đoạn 2013-2015

a) Phát triển thủy lợi nhỏ, thuỷ lợi đất màu

- Về thủy lợi nhỏ: đầu tư xây dựng 90 công trình, phục vụ tưới trên 1.500 ha, với tổng kinh phí khoảng 75 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 25 tỷ đồng.

- Về thủy lợi đất màu: đầu tư xây dựng 65 công trình, phục vụ tưới 650 ha, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 15 tỷ đồng.

b) Kiên cố hóa kênh mương

Đầu tư kiên cố 75 km kênh loại II, với tổng kinh phí khoảng 120 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 25 km, với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng và 180 km kênh loại III, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 60 km với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng, chi tiết các năm như sau:

Năm

Kênh loại II

Kênh loại III

Chiều dài (km)

Vốn(tỷ đồng)

Chiều dài (km)

Vốn (tỷ đồng)

2013

25

40

60

50

2014

25

40

60

50

2015

25

40

60

50

Cộng

75

120

180

150

2. Cơ chế chính sách thực hiện

a) Về phát triển thủy lợi nhỏ

Ngân sách tỉnh và Trung ương đầu tư 100% theo các chương trình, dự án có mục tiêu của Nhà nước.

b) Về thủy lợi đất màu

+ Ngân sách nhà nước đầu tư 100% hạng mục công trình chính như: Trạm biến áp, đường dây điện cao, trung, hạ thế;

+ Nhân dân tự đóng góp và tự thực hiện các hạng mục phụ như: Khoan giếng, máy bơm, vật tư lắp đặt giếng và thiết bị tưới;

+ Phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng do ngân sách địa phương và nhân dân đóng góp thực hiện.

c) Về kiên cố kênh mương: Thực hiện cơ chế đầu tư như sau:

- Kênh loại II: Ngân sách tỉnh và Trung ương đầu tư 100% theo các chương trình, dự án có mục tiêu của Nhà nước.

- Kênh loại III (áp dụng đối với cả kênh hở và kênh kín ống nhựa). Thực hiện cơ chế đầu tư như sau:

Khu vực I: Gồm các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ 9 xã: Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang, Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã: Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã: Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 4 xã: Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây); trừ các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình được quy định như sau:

+ Ngân sách tỉnh đầu tư: 60 %

+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ, đóng góp của HTX và nhân dân: 40 %

Khu vực II: Gồm các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi: Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn; các xã miền núi, hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg ngày 03/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ thuộc các huyện còn lại đã nêu ở khu vực I.

Tỷ lệ đầu tư xây dựng công trình được quy định như sau:

+ Ngân sách tỉnh đầu tư : 80 %

+ Ngân sách huyện, xã hỗ trợ, đóng góp của HTX và nhân dân : 20 %

* Tỷ lệ đóng góp của cấp huyện, cấp xã, HTX và nhân dân của cả 02 khu vực trên do UBND cấp huyện quy định sau khi thống nhất với Thường trực HĐND cấp huyện.

* Phần kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng của cả 02 khu vực trên do địa phương và nhân dân đóng góp thực hiện.

3. Giải pháp thực hiện

- Tập trung xây dựng mới các công trình thủy lợi nhỏ ở miền núi và trung du để tăng diện tích tưới chủ động và tiếp tục duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có trên địa bàn tỉnh để phát huy năng lực tưới theo thiết kế, nhất là các công trình thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Ưu tiên xây dựng các công trình thủy lợi đất màu ở khu vực bãi bồi, ven sông suối, đồi, gò, vùng cát ven biển... để phát triển vùng chuyên canh, tập trung cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày.

- Thực hiện kiên cố kênh mương theo thứ tự ưu tiên đầu tư những khu vực có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, suất đầu tư thấp, các xã xây dựng nông thôn mới và sản phẩm cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhằm nâng cao hiệu quả tưới tăng khả năng chống chịu với thiên tai, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng công trình gắn với phát triển giao thông nội đồng, chỉnh trang nông thôn, với kết cấu phù hợp với địa hình, cụ thể như:

+ Địa hình, địa chất phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt, chọn kết cấu bằng bê tông cốt thép hình hộp. Riêng kênh có quy mô nhỏ, ít phức tạp có thể ứng dụng lắp đặt cấu kiện bê tông đúc sẵn hoặc xây bằng gạch, đá hộc...

+ Địa hình có độ chênh cao cột nước tưới giữa cống đầu mối với mặt ruộng đảm bảo trên 1m, quy mô diện tích nhỏ, nhất là những địa phương miền núi có địa hình phức tạp; những xã xây dựng nông thôn mới, các khu vực có diện tích đã thực hiện dồn điền đổi thửa hoặc vùng, khu vực có kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu chọn kết cấu kênh bằng ống nhựa kín.

+ Những khu vực có địa hình, địa chất ít phức tạp thì đối với kiên cố kênh loại III áp dụng theo thiết kế mẫu đã được ban hành.

- Về thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật:

+ Đối với thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương loại II: Thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng cơ bản hiện hành.

+ Đối với kênh mương loại III: Thực hiện theo Điều 2 của Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ là “Kênh loại III chỉ cần lập thiết kế, dự toán được UBND cấp huyện phê duyệt, không phải đấu thầu và giao cho UBND cấp xã tự tổ chức thực hiện, có sự giám sát của cộng đồng vùng hưởng lợi”.

Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình (thiết kế và dự toán). Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) chịu trách nhiệm thẩm định Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình (thiết kế và dự toán) đối với các công trình do UBND cấp xã làm chủ đầu tư. Đối với các công trình do các phòng, ban chức năng của huyện làm chủ đầu tư, UBND cấp huyện giao cho bộ phận có chức năng khác để thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình.

- Đơn vị chủ đầu tư phải cơ cấu cán bộ của đơn vị sẽ trực tiếp quản lý, bảo vệ, vận hành, duy tu, sửa chữa tham gia Ban quản lý dự án ngay từ khâu thiết kế để theo dõi, giám sát, kiểm tra trong quá trình thi công đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả.

- UBND các huyện, thành phố phải lập xong kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi đất màu và kiên cố hoá kênh mương hằng năm theo thứ tự ưu tiên gửi Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15/10 hằng năm để phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiểm tra, cân đối nguồn vốn, tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, bố trí kế hoạch năm sau.

Khi có quyết định phân bổ nguồn vốn của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết số 61/2012/NQ-HĐND ngày 14/12/2012 của HĐND tỉnh; Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ danh mục theo thứ tự ưu tiên do UBND các huyện, thành phố gửi và khả năng kế hoạch vốn để thông báo danh mục bằng văn bản cho các địa phương phân khai giao kế hoạch kịp thời gian theo quy định.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Sở, Ban, ngành có tham gia Ban Điều hành thực hiện Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011-2015: Thực hiện theo Quyết định số 3533/QĐ-UBND ngày 02/11/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành quy chế hoạt động của Ban Điều hành và Tổ giúp việc Ban Điều hành Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011 - 2015.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các thủ tục đất đai xây dựng công trình thủy lợi và xử lý đất thừa, thiếu (nếu có) trong quá trình thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương đảm bảo đủ hồ sơ thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đầu tư xây dựng.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chịu trách nhiệm phổ biến quán triệt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh đến tận hộ nông dân; chỉ đạo triển khai chương trình thủy lợi nhỏ, thuỷ lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương loại III; thực hiện, giám sát việc triển khai thực hiện kiên cố kênh loại II trên địa bàn.

- Lập kế hoạch và phát động phong trào thi đua để triển khai hằng năm phù hợp với điều kiện của từng địa phương và đúng theo quy định, trong đó xác định rõ nguồn đầu tư của địa phương và đóng góp của nhân dân, tổ chức lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, các tổ chức được đầu tư và tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng các mô hình thí điểm thực hiện chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố kênh mương trên địa bàn.

4. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, đoàn thể nhân dân cấp tỉnh: chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền và công sức nhằm thực hiện có kết quả chương trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương tại địa phương.

5. Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương thường xuyên xây dựng các chương trình, phóng sự, bài viết để tuyên truyền, hướng dẫn và đưa tin kịp thời người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong quá trình thực hiện chương trình thủy lợi nhỏ, thuỷ lợi đất màu và kiên cố kênh mương.

6. Đề nghị các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tích cực bố trí lực lượng cùng tham gia giúp các địa phương thực hiện các công trình thủy lợi nhỏ, thuỷ lợi đất màu và kiên cố kênh mương.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Điều hành thực hiện Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2011-2015; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1947/QĐ- UBND ngày 18/6/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 





Nghị Quyết 61/2012/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2013 Ban hành: 13/12/2012 | Cập nhật: 27/05/2013