Quyết định 41/2011/QĐ-UBND về Quy định tạm thời mức chi kinh phí cho công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành
Số hiệu: 41/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Trần Thành Lập
Ngày ban hành: 02/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 41/2011/QĐ-UBND

Hậu Giang, ngày 2 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỨC MỨC CHI KINH PHÍ CHO CÔNG TÁC CHỐNG MÙ CHỮ - PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Quyết định số 135/2009/QĐ-TTg ngày 04 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015;

Căn cứ Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ Quy định phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Công văn số 65/HĐND ngày 04 tháng 11 năm 2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc cho ý kiến ban hành mức chi cho công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định tạm thời về mức chi kinh phí cho công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, cụ thể như sau:

1. Nội dung chi:

a) Mua sắm trang bị bộ thiết bị tối thiểu cho các lớp mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, bộ thiết bị nội thất dùng chung cho các lớp học, trang bị bộ đồ chơi ngoài trời;

b) Thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; duy trì kết quả, củng cố, nâng cao chất lượng xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở, thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học: kinh phí mở lớp, thù lao cho giáo viên; hoạt động vận động trẻ em trong độ tuổi ra lớp, hoạt động Ban Chỉ đạo, cán bộ tổ chức, quản lý lớp, thắp sáng đối với lớp học ban đêm, mua sổ sách theo dõi quá trình giảng dạy, cung cấp sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy, học phẩm cho các cơ sở giáo dục, tổ chức điều tra cơ bản thu thập dữ liệu, kiểm tra công nhận, khen thưởng;

c) Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý làm công tác phổ cập giáo dục nhằm nâng cao nghiệp vụ giảng dạy, năng lực quản lý, triển khai, duy trì hoạt động phổ cập giáo dục;

d) Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất trường học.

2. Quy định về mức chi:

a) Chi mua sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các lớp mẫu giáo năm tuổi, lớp học xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc các ấp, xã đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội (theo quy định của Chính phủ): mỗi ấp, khu vực thuộc xã đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội được mua 01 bộ sách hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục cho trẻ 5 tuổi, 01 bộ tài liệu xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, bộ sách từ khối lớp 01 đến khối lớp 12 để làm tủ sách dùng chung;

b) Hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và các đối tượng trong độ tuổi phổ cập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng thuộc hộ nghèo (theo quy định của Chính phủ) chưa đi học: mỗi đối tượng được hỗ trợ 150.000 đồng/năm;

c) Chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các ấp, khu vực đặc biệt khó khăn (theo quy định tại Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II) hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, thuộc hộ nghèo (theo quy định của Chính phủ): mức hỗ trợ là 120.000 đồng/tháng/cháu, được hưởng không quá 9 tháng/năm học;

d) Chi hỗ trợ cho cán bộ vận động đối tượng trong độ tuổi chống mù chữ - phổ cập giáo dục ra lớp: Vận động một học viên ra lớp và hoàn thành chương trình một lớp, hỗ trợ 30.000 đồng/ học viên;

đ) Chi thắp sáng đối với lớp học chống mù chữ - phổ cập giáo dục ban đêm: tương đương 02kwh/lớp/đêm, theo giá bán điện bình quân của Chính phủ quy định;

e) Chi hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục các cấp (bao gồm điện, nước, văn phòng phẩm, công tác phí, ...) như sau:

- Ban Chỉ đạo cấp xã: 500.000 đồng/tháng;

- Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh: 1.000.000 đồng/tháng.

g) Chi hỗ trợ cho cán bộ tổ chức, quản lý lớp học:

- Xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, phổ cập giáo dục tiểu học: 200.000 đồng/lớp/năm;

- Phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông: 300.000 đồng/lớp/năm.

h) Chi mua học phẩm và sổ sách để theo dõi quá trình học tập gồm: phấn, sách vở, bút mực, sổ đầu bài, sổ điểm cá nhân, sổ điểm lớp, sổ điểm danh, sổ đăng bộ, học bạ học viên, ... được chi theo số lượng hợp lý của từng lớp và có chứng từ hợp lệ;

i) Chi trả thù lao giáo viên giảng dạy các lớp chống mù chữ - phổ cập giáo dục: thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Thông tư liên tịch số 125/2008/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 09/9/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; và kết quả đầu ra của học viên so với sĩ số ban đầu của lớp (quy định tại Điều 2 Quyết định này):

- Kết quả đầu ra của học viên dưới 30%: không chi trả thù lao giáo viên;

- Kết quả đầu ra của học viên từ 30% trở lên: tỷ lệ chi trả tương ứng với tỷ lệ kết quả đầu ra của học viên trên tổng số tiết giảng dạy của lớp.

j) Các nội dung chi như đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các trường; điều tra cơ bản thu thập dữ liệu, kiểm tra công nhận đạt chuẩn; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phổ cập giáo dục: thực hiện theo Thông tư liên tịch số 125/2008/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 22/12/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Quy định sĩ số lớp học ban đầu

1. Đối với các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ: ít nhất 05 học viên/lớp.

2. Đối với các lớp phổ cập:

- Các địa bàn vùng khó khăn (theo quy định của Chính phủ) sĩ số lớp học ban đầu ít nhất 10 học viên/lớp.

- Đối với các xã, phường, thị trấn còn lại ít nhất 15 học viên/lớp.

- Các trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Điều 3. Nguồn kinh phí

1. Nguồn kinh phí được hỗ trợ một phần kinh phí trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia do Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ.

2. Nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và ngân sách địa phương (huyện, thị xã, thành phố).

3. Ngoài ra, huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức, cá nhân tài trợ hợp pháp khác để hỗ trợ chi cho công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục.

Điều 4. Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí

1. Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch và các nhiệm vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo lập dự toán công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục trình Ủy ban nhân dân và cơ quan quản lý tài chính cùng cấp xem xét, phê duyệt dự toán; gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí theo kế hoạch của các địa phương bằng kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia cho các huyện, thị xã, thành phố.

3. Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí chống mù chữ - phổ cập giáo dục cho huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch duyệt dự toán cho đơn vị theo kế hoạch chi hàng năm của các huyện, thị xã, thành phố.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo để lại một phần kinh phí chống mù chữ - phổ cập giáo dục để chi cho hoạt động cấp tỉnh như: hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh; đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý; điều tra cơ bản thu thập dữ liệu; kiểm tra công nhận đạt chuẩn, khen thưởng.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục (phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học); việc giảng dạy các lớp chống mù chữ, phổ cập trên địa bàn và cấp phát, quyết toán kinh phí công tác chống mù chữ - phổ cập giáo dục, duyệt thanh toán cho các lớp chống mù chữ - phổ cập giáo dục đã hoàn thành chương trình theo quy định, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính.

Hồ sơ sổ sách thực hiện theo hướng dẫn và quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính.

- Chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh toán các khoản chi theo quy định và thực hiện báo cáo theo phân cấp quản lý, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 31/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức chi cho công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn tỉnh Hậu Giang (giai đoạn 2009 - 2010).

Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành, tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản - BTP;
- TT: TU, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các đoàn thể tỉnh
- VP.Tỉnh ủy và các Ban Đảng;
- VP.Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Như Điều 6;
- Cơ quan Báo, Đài tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.XĐ
 2011\QDPQ\
Muc chi cong tac chong mu chu va pho cap giao duc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thành Lập

 





Quyết định 31/2009/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 15/2008/QĐ-UBND Ban hành: 23/04/2009 | Cập nhật: 12/07/2013

Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục Ban hành: 02/08/2006 | Cập nhật: 12/08/2006