Quyết định 39/2016/QĐ-UBND Quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Số hiệu: 39/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Đặng Minh Hưng
Ngày ban hành: 07/10/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2016/QĐ-UBND

Bình Dương, ngày 07 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21/6/2012;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 181//2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;

Căn cứ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Quảng cáo;

Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL ngày 06/12/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quảng cáo và Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo;

Căn cứ Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 99/TTr-SVHTTDL ngày 12/9/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2016 và thay thế Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 27/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc Ban hành Quy định về hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Hưng

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39 /2016/QĐ-UBND ngày07 /10/2016 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo và tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Hình thức và phương tiện quảng cáo ngoài trời

1. Hình thức quảng cáo

Thể hiện sản phẩm quảng cáo bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng (logo), màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự trên các phương tiện quảng cáo.

2. Phương tiện quảng cáo

a) Bảng (pa - nô) quảng cáo, băng - rôn (ngang, dọc), bảng hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.

b) Phương tiện giao thông.

c) Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình hoạt động văn hóa, thể thao.

d) Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo.

đ) Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Nguyên tắc chung trong hoạt động quảng cáo ngoài trời

1. Hoạt động quảng cáo ngoài trời phải tuân theo các quy định của Luật Quảng cáo; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời QCVN 17:2013/BXD và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành; các quy định pháp luật khác có liên quan đồng thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch quảng cáo ngoài trời tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Việc cấp giấy phép xây dựng các công trình quảng cáo phải phù hợp với Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

3. Tổ chức, cá nhân quảng cáo bằng các loại phương tiện (khoản 2, Điều 2 Quy định này) phải thực hiện chế độ duy tu, bảo trì thường xuyên trong suốt thời gian quảng cáo đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với mọi sự cố do phương tiện tuyên truyền hoặc quảng cáo không an toàn của mình gây ra; chịu trách nhiệm về nội dung sản phẩm quảng cáo.

4. Quảng cáo trên các phương tiện là bảng, biển, băng - rôn, màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời; trên phương tiện giao thông và các vật thể di động khác phải tuân thủ các quy định về an toàn xã hội, mỹ quan đô thị, an toàn giao thông.

Điều 4. Nghiêm chỉnh chấp hành những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo

Tổ chức, cá nhân có hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải nghiêm chỉnh chấp hành những hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại điều 8 của Luật Quảng cáo.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tuyên truyền cổ động trực quan

Các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền bằng hình thức trực quan (pa - nô, băng - rôn) bên ngoài khu vực trụ sở phải có văn bản thông báo kèm theo 02 mẫu ma - két in màu và nội dung gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cũng lập thủ tục như trên và gửi Phòng Văn hóa và Thông tin cùng cấp) để được hướng dẫn kích thước, vị trí treo đúng với quy hoạch.

Thời hạn treo băng - rôn (ngang, dọc) không quá 15 ngày. Phải ghi rõ tên và địa chỉ của đơn vị thực hiện ở phía dưới của băng - rôn dọc và phía bên phải đối với băng - rôn ngang.

Về kích thước, chiều cao, vị trí và khoảng cách các loại băng - rôn, pa - nô cụ thể:

1. Băng - rôn ngang

a) Kích thước: 0,8m x 10m hoặc 0,8m x 12m (tùy theo điều kiện thực tế của đường phố, kích thước của băng - rôn có thể điều chỉnh nhưng không được vượt quá giới hạn + 20% chiều dài theo kích thước nêu trên).

b) Chiều cao: Tối thiểu là 5,50m tính từ điểm cao nhất của mặt đường theo phương thẳng đứng đến cạnh mép dưới của băng – rôn.

c) Vị trí: Treo trên các cột chuyên dùng (giăng ngang qua đường) ở các tuyến đường chính trong nội ô, trung tâm huyện, thị xã, thành phố theo quy hoạch của địa phương.

d) Khoảng cách: Giữa các băng - rôn liền kề cách nhau tối thiểu là 200m theo chiều dọc của tuyến đường.

đ) Biểu trưng, lô - gô nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo (nếu có) đặt ở phía dưới, bên phải của băng - rôn; diện tích thể hiện của biểu trưng, lô - gô, nhãn hiệu hàng hóa không quá 20% diện tích băng - rôn.

e) Kỹ thuật treo, gắn băng - rôn phải ngay ngắn, cân đối, đúng địa điểm quy định; đơn vị chủ quản có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các trường hợp đứt rách, hư hỏng trong suốt thời gian treo. Không treo băng - rôn chồng lên nhau, che khuất nhau và phải tháo dỡ ngay khi hết thời hạn.

2. Băng - rôn dọc

a) Kích thước: 0,8m x 2,5m.

b) Chiều cao: Từ mặt của dải phân cách hoặc mặt đường đến cạnh mép dưới của băng - rôn từ 1m đến 1,4m.

c) Vị trí: Tại các cột đèn chiếu sáng trên dải phân cách và cột đèn chiếu sáng ở lề đường đô thị có thiết kế giá (móc) treo. Không treo băng - rôn dọc trên các trụ mắc dây truyền tải điện, trụ đèn trang trí, trên các cột biển báo giao thông, cột đèn tín hiệu giao thông và trên cây xanh đường phố.

d) Khoảng cách: Cách một trụ đèn chiếu sáng (không phải là trụ, cột treo mắc dây dẫn điện) được treo 01 băng - rôn.

đ) Biểu trưng, lô - gô nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo (nếu có) đặt ở phía dưới của băng - rôn; diện tích thể hiện của biểu trưng, lô - gô, nhãn hiệu hàng hóa không quá 20% diện tích băng - rôn.

3. Pa – nô: Pa - nô tuyên truyền cổ động chính trị phải ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị thực hiện và thực hiện đúng quy cách quy định.

a) Pa - nô đơn: Kích thước 01m x 02m hoặc 02m x 03m.

b) Cụm pa - nô: Kích thước 02m x 06m, 02m x 09m hoặc 2m x 12m.

c) Vị trí: Được lắp đặt, dựng tại các địa điểm đã quy hoạch; không dựng pa - nô trong các vòng xoay giao lộ.

d) Khoảng cách từ mặt đường đến cạnh mép dưới của pa - nô là: 01m.

đ) Pa - nô bị rách phông, bạc màu, bong tróc chữ làm sai lệch nội dung, khung sườn rỉ sét, mục gãy, nghiêng, ngã không đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị thì đơn vị chủ quản có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa kịp thời; khi hết thời hạn phải tháo dỡ trả lại nguyên trạng.

4. Khu vực ưu tiên

a) Khu trung tâm hành chính của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

b) Một số điểm nút giao thông quan trọng.

c) Khu trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí.

d) Trên các trục giao thông chính, đường vành đai, đường xuyên tâm.

đ) Ranh giới hành chính tiếp giáp giữa các huyện, thị xã, thành phố.

e) Ranh giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương với các tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước.

Điều 6. Địa điểm, khu vực cấm và hạn chế quảng cáo

1. Địa điểm, khu vực cấm quảng cáo

a) Nơi đặt tượng đài, bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ; di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di tích khảo cổ học đã được xếp hạng; trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp; doanh trại quân đội, trụ sở cơ quan công an; địa điểm dành riêng cho việc tuyên truyền cổ động chính trị.

b) Quảng cáo giăng ngang qua đường giao thông.

c) Bên trong vòng xoay các giao lộ; mặt đường giao thông.

2. Địa điểm, khu vực hạn chế quảng cáo

a) Trên các công trình xây dựng băng ngang qua đường giao thông (cổng chào, trạm thu phí, bảng chỉ dẫn giao thông).

b) Mặt tiền và hai mặt tường bên (phải, trái) công trình các chợ có thiết kế hệ thống cửa sổ, ô lấy ánh sáng và thông gió.

Điều 7. Quy chuẩn kỹ thuật đối với các phương tiện quảng cáo

1. Băng - rôn ngang

a) Kích thước băng - rôn: 0,8m x 06m hoặc 0,8m x 08m.

b) Chiều cao: Tối thiểu là 5,50m tính từ điểm cao nhất của mặt đường theo phương thẳng đứng đến cạnh mép dưới của băng rôn.

c) Vị trí: Treo tại các vị trí theo quy hoạch quảng cáo; trường hợp có các trụ treo chuyên dùng riêng thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải hợp đồng với chủ đầu tư - quản lý.

2. Băng - rôn dọc

a) Kích thước: 0,8m x 2,5m.

b) Chiều cao: Từ mặt đường đến cạnh mép dưới của băng - rôn là 01m.

c) Khoảng cách: Cách 01 cột đèn chiếu sáng được treo 01 băng - rôn.

d) Vị trí: Tại các cột đèn chiếu sáng trên dải phân cách, cột đèn chiếu sáng ở lề đường có thiết kế giá (móc) treo; trường hợp có các cột treo chuyên dùng riêng thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải ký hợp đồng với chủ đầu tư - quản lý.

3. Quảng cáo trên băng - rôn theo phương thức xã hội hóa

Chỉ thực hiện băng - rôn (ngang, dọc) theo phương thức xã hội hóa (có logo của nhà tài trợ) đối với các hoạt động: Văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch; hội chợ, triển lãm thương mại; tuyên truyền các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể.

a) Quy cách: Kích thước băng - rôn ngang, dọc thực hiện như quy định tại khoản 1 và 2 Điều này. Diện tích thể hiện của biểu trưng, lô - gô, nhãn hiệu hàng hóa của đơn vị tài trợ thể hiện trên băng - rôn không được vượt quá 20% diện tích của băng - rôn; biểu trưng, lô - gô, nhãn hiệu hàng hóa của đơn vị tài trợ phải đặt ở phía dưới cùng đối với băng - rôn dọc và phía bên phải đối với băng - rôn ngang.

b) Số lượng: Thành phố Thủ Dầu Một: 500 băng rôn, thị xã: 300 băng - rôn, các huyện 200 băng - rôn.

Thời hạn treo: Không quá 15 ngày.

Không thực hiện lô - gô quảng cáo của đơn vị tài trợ trên các băng - rôn tuyên truyền cổ động chính trị của Đảng và Nhà nước.

4. Pa – nô: Pa - nô (bảng) quảng cáo sản phẩm hàng hóa: Vị trí, diện tích, chiều cao, kiểu dáng, khoảng cách thực hiện theo Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

a) Pa - nô bị bạc màu, mặt phông bị rách, bong tróc chữ làm sai lệch nội dung, khung sườn bị rỉ sét đơn vị chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục sửa chữa kịp thời.

b) Khi hết hạn quảng cáo, người thực hiện quảng cáo phải tháo dỡ sản phẩm quảng cáo.

5. Quảng cáo trên phương tiện giao thông: Việc quảng cáo trên phương tiện giao thông phải tuân thủ nội dung quy định tại Điều 32 của Luật Quảng cáo.

6. Quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự

a) Quảng cáo bằng loa phóng thanh và các hình thức tương tự phải tuân thủ nội dung quy định tại Điều 33 của Luật Quảng cáo.

b) Không dùng phương tiện ô tô chở thú đi quảng cáo trên đường phố.

7. Màn hình chuyên quảng cáo, màn hình điện tử: Việc đặt màn hình chuyên quảng cáo, màn hình điện tử phải tuân theo quy định tại Điều 28 của Luật Quảng cáo, quy định khác của pháp luật có liên quan và quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, cá nhân thực hiện màn hình chuyên quảng cáo, màn hình điện tử chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm, nội dung trên màn hình.

a) Màn hình chuyên quảng cáo đặt trên các tuyến đường giao thông

- Vị trí: Từ mép đường đến cạnh gần điểm gần nhất của màn hình, tối thiểu là 05m.

- Diện tích: Tối đa 100m2/một mặt.

- Chiều cao: Tối thiểu 10m tính từ mặt đường đến cạnh dưới của màn hình.

- Không được dùng âm thanh.

b) Màn hình điện tử đặt tại các khu vực công cộng

- Diện tích: Từ 40m2 đến 60m2.

- Vị trí: Đặt tại các khu vực công cộng, không được đặt tại các nút giao thông.

- Chiều cao: Tối thiểu 10m tính từ mặt đường đến cạnh dưới của màn hình.

- Không được dùng âm thanh.

Điều 8. Quảng cáo tại công trình, nhà ở riêng lẻ

1. Bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên công trình, nhà ở riêng lẻ (ốp tường) phải đảm bảo các yêu cầu:

a) Chiều cao tối đa 5m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng. Số lượng không quá 02 bảng.

b) Đối với công trình, nhà ở 4 tầng trở xuống, chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường bên không được nhô lên quá sàn mái 1,5m.

c) Đối với công trình, nhà ở 5 tầng trở lên toàn bộ diện tích mặt bảng quảng cáo phải gắn, ốp vào mặt tường bên.

d) Không gắn, lắp đặt (ốp tường) bảng quảng cáo vào mặt tường bên công trình, nhà ở có thiết kế cửa sổ, ô lấy ánh sáng và thông gió.

2. Bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền các công trình, nhà ở phải đảm bảo yêu cầu sau:

a) Bảng quảng cáo ngang

- Mỗi tầng chỉ được đặt một bảng, chiều cao tối đa 2m, chiều ngang không vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình, nhà ở; mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình, nhà ở tối đa 0,2m.

- Vị trí: Ốp sát vào ban công, mái hiên, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.

b) Bảng quảng cáo dọc

- Chiều ngang tối đa 1m, chiều cao tối đa 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình, nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo; mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình, nhà ở tối đa 0,2m.

- Vị trí: Ốp sát vào mép tường đứng.

- Đối với công trình/ nhà ở một tầng chỉ được đặt 01 bảng ngang và 01 bảng đứng (dọc).

3. Bảng quảng cáo đặt mặt ngoài các tòa nhà cao tầng phải đảm bảo an toàn về cháy nổ, chịu lực và không che chắn hệ thống ô (lỗ) thông gió, lấy ánh sáng.

4. Đối với các tòa nhà cao tầng là khách sạn, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính, ngân hàng, trung tâm hoạt động văn hóa đa năng, cao ốc trụ sở, văn phòng cho thuê được lắp đặt thêm biển hiệu hoặc bảng quảng cáo dạng chữ tại tầng trên cùng.

5. Trong khuôn viên công trình đang xây dựng được lắp đặt hoặc thể hiện quảng cáo tạm thời vào mặt tường rào bao xung quanh công trình, nhưng không được gây ảnh hưởng đến công tác thi công, các hoạt động bình thường của các công trình lân cận và các hoạt động xung quanh khác.

6. Trong khuôn viên trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe được thực hiện công trình bảng quảng cáo có diện tích tối đa là 40m2.

Điều 9. Quảng cáo tại các nhà chờ xe buýt, trạm rút tiền tự động (ATM) của ngân hàng

1. Không quảng cáo trên nóc nhà chờ xe buýt; không lắp đặt bảng quảng cáo đứng độc lập trong khu vực nhà chờ xe buýt.

2. Diện tích bảng quảng cáo chỉ thực hiện trong phần mặt phẳng diện tích vách nhà chờ xe buýt.

3. Tại các trạm rút tiền tự động (ATM), phía ngoài được quảng cáo tên giao dịch, tên viết tắt, nhãn hiệu của ngân hàng là chủ sở hữu máy. Các dịch vụ khác của ngân hàng chỉ được quảng cáo bên trong trạm.

Điều 10. Bảng chỉ đường

1. Bảng chỉ đường vào trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội phải tuân theo các quy định về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường.

2. Tại các khu, cụm công nghiệp có nhiều đơn vị có nhu cầu về bảng chỉ đường thì cơ quan quản lý cần hướng dẫn phối hợp kẽ, vẽ chung nội dung chỉ đường trong một bảng.

3. Kích thước: Bảng độc lập kích thước 0,6m x 1,2m.

4. Phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn về vị trí dựng bảng.

Điều 11. Viết, đặt biển hiệu

1. Biển hiệu phải có các nội dung sau:

a) Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).

b) Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

c) Địa chỉ, điện thoại.

d) Không quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu.

2. Chữ viết trên biển hiệu phải thể hiện bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một biển hiệu thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt

3. Vị trí, kiểu dáng, kích thước

a) Vị trí: Đặt ở cổng hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Không đặt biển hiệu lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

b) Kiểu dáng: Biển hiệu ngang hoặc biển hiệu dọc.

c) Kích thước:

- Biển hiệu ngang: Chiều cao tối đa là 02m (hai mét), chiều dài không được vượt quá chiều ngang của mặt tiền nhà.

- Biển hiệu dọc: Chiều ngang tối đa là 01m (một mét), chiều cao tối đa là 04m (bốn mét), không được vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Điều 12. Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo

Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo phải tuân theo quy định tại Điều 36 của Luật Quảng cáo, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 13. Quảng cáo rao vặt và hình thức quảng cáo khác

1. Quảng cáo rao vặt chỉ được quảng cáo tại những nơi quy định (địa điểm quy định dán quảng cáo rao vặt); không treo, dán, viết, kẻ, vẽ các bảng quảng cáo rao vặt lên tường, trên cột, trụ mắc dây truyền tải điện, cột và mặt biển báo giao thông, trụ đèn tín hiệu giao thông, trên cây xanh đường phố, cổng chào các khu phố, ấp.

2. Các hoạt động phát tờ rơi quảng cáo chỉ được thực hiện tại cửa ra vào và tại các quầy hàng phía trong; không phát tờ rơi tại các giao lộ.

3. Quảng cáo bằng dù che, dây cờ chỉ được thực hiện trong khuôn viên địa điểm tổ chức, nơi kinh doanh.

Chương III

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ

Điều 14. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh; có các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo; tập huấn về nghiệp vụ quản lý trong hoạt động quảng cáo.

2. Tiếp nhận và trả lời hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng - rôn của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo theo quy định tại Điều 29 của Luật Quảng cáo.

3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo theo quy định pháp luật hiện hành.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo tại địa phương.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo trên địa bàn tỉnh.

6. Theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ việc quản lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo quy định.

Điều 15. Các Sở, ngành có liên quan

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của ngành.

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tuyên truyền, phổ biến và nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Xây dựng

a) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời.

b) Cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cho các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 31 của Luật Quảng cáo.

c) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền.

3. Sở Giao thông - Vận tải

a) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.

b) Cấp phép thi công xây dựng biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ của Quốc lộ ủy thác Sở Giao thông - Vận tải quản lý và đường tỉnh.

c) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông trong hoạt động quảng cáo ngoài trời và phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao trong quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông theo thẩm quyền.

4. Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy: Kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh lắp đặt biển hiệu, bảng quảng cáo không đúng quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo thẩm quyền.

5. Các sở, ngành liên quan khác: phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo (Điều 7, Luật Quảng cáo) và quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 4, Điều 20, Luật Quảng cáo) theo thẩm quyền.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và Quy định này ở địa phương.

2. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động quảng cáo và thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ở địa phương theo thẩm quyền.

3. Tổ chức, quản lý hoạt động quảng cáo rao vặt và biển hiệu trên địa bàn quản lý.

4. Quy hoạch cụ thể những tuyến đường treo băng - rôn tuyên truyền cổ động chính trị và quảng cáo thương mại thuộc địa phương, ngoài những tuyến đường thực hiện ở cấp tỉnh, phù hợp với quy hoạch quảng cáo ngoài trời của tỉnh; thực hiện khi được tỉnh phê duyệt, phân cấp.

5. Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm về hoạt động quảng cáo theo thẩm quyền. Hướng dẫn các hộ kinh doanh thực hiện biển hiệu theo quy định của Luật Quảng cáo.

6. Báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm việc quản lý quảng cáo trên địa bàn gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

Điều 17. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Thanh tra chuyên ngành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chức năng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quảng cáo và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Điều 18. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các Sở, ngành; các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 





Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật quảng cáo Ban hành: 14/11/2013 | Cập nhật: 20/11/2013