Quyết định 350/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2020
Số hiệu: 350/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Phạm Văn Thủy
Ngày ban hành: 16/02/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 350/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 16 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2008 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Nghị quyết số 176/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2007 của HĐND tỉnh Sơn La về việc thông qua Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La giai đoạn 2008 - 2020; Nghị quyết số 140/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của HĐND tỉnh Sơn La về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La giai đoạn 2008 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 07/TTr-SGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2020 tại Điều 1 Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2008 của UBND tỉnh Sơn La gồm các nội dung như sau:

1. Tiết a, Điểm 2.2, Khoản 2 điều chỉnh như sau:

“ - Tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt từ 13,2% năm 2015, lên 35% vào năm 2020.

- Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động ra lớp mẫu giáo đạt 99,2% năm 2015, đến năm 2020 đạt 99,9%.

- Giáo dục trung học phổ thông: Huy động học sinh trong độ tuổi đến trường từ 54% năm 2015, lên 70% vào năm 2020”.

2. Tiết b, Điểm 2.2, Khoản 2 điều chỉnh như sau:

“ - Dạy nghề: Đến năm 2020, thu hút 15% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp và dạy nghề của huyện, các trường trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Trung ương và của tỉnh.

- Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp: Đến năm 2020 thu hút 7 - 10% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp”.

3. Tiết d, Điểm 2.2, Khoản 2 về trường chuẩn Quốc gia điều chỉnh như sau:

“ - Tăng số trường đạt chuẩn Quốc gia ở mầm non và phổ thông: Đến năm 2020 tỷ lệ trường chuẩn Quốc gia ở mầm non đạt 45%; phổ thông đạt 50%”.

4. Tiết e, Điểm 2.2, Khoản 2 về cơ sở vật chất điều chỉnh như sau:

“Đến năm 2020, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa; đạt tỷ lệ 80% phòng học kiên cố, không còn phòng học tạm. Tiếp tục triển khai xây dựng nhà bán trú, nhà công vụ cho giáo viên theo Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2014 của HĐND tỉnh, cụ thể là xây dựng 7.013 phòng học; 6.101 phòng phục vụ học tập; 3.886 phòng ở, nhà công vụ cho giáo viên”.

5. Điểm 3.1, Khoản 3, quy mô, mạng lưới trường lớp điều chỉnh như sau:

“Nâng số trường của toàn tỉnh đến năm 2020 lên 894 trường (mầm non 294 trường, tiểu học 303 trường, trung học cơ sở 234, trung học phổ thông 44 trường, 05 trường cao đẳng)”.

6. Tiết a, Điểm 3.1, Khoản 3 điều chỉnh như sau:

* Giáo dục mầm non: “Nâng số trường mầm non từ 263 trường năm 2015, lên 294 trường vào năm 2020”.

* Giáo dục phổ thông:

“ - Nâng số trường tiểu học toàn tỉnh từ 286 trường năm 2015, lên 303 trường vào năm 2020 và ổn định vào các năm tiếp theo.

- Đến năm 2020 có 226 trường trung học cơ sở và 8 trường liên cấp tiểu học - trung học cơ sở.

- Đến năm 2020 nâng tổng số trường trung học phổ thông toàn tỉnh lên 44 trường”.

* Nâng tỷ lệ đạt chuẩn Quốc gia ở mầm non và phổ thông:

“+ Tiếp tục xây dựng và công nhận thêm 107 trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường mầm non đạt chuẩn lên 139 trường, đạt tỷ lệ 47% vào năm 2020.

+ Công nhận thêm 87 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia, nâng số trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia 148 trường, đạt 50% vào năm 2020.

+ Công nhận thêm 81 trường trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia, nâng số trường trung học cơ sở đạt chuẩn 117 trường, đạt 50,2% vào năm 2020.

+ Công nhận thêm 21 trường trung học phổ thông đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường trung học phổ thông đạt chuẩn lên 22 trường vào năm 2020, đạt 50%”.

7. Tiết b, Điểm 3.1, Khoản 3 điều chỉnh như sau:

“Nâng quy mô đào tạo các trường chuyên nghiệp của tỉnh gồm 7.050 sinh viên học hệ cao đẳng chính quy và 4.800 học sinh học hệ trung cấp; đào tạo 2.700 học viên nghề hệ ngắn hạn và dài hạn”.

8. Tiết a, Điểm 3.2, Khoản 3 điều chỉnh như sau:

“Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phổ biến kiến thức chăm sóc, giáo dục theo khoa học cho các gia đình và xã hội. Đến năm 2020, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non còn dưới 8%; tỷ lệ trẻ phát triển toàn diện đạt trên 90%.

Nâng tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi hàng năm; hiệu quả giáo dục tiểu học đạt 97%; trung học cơ sở, trung học phổ thông đạt 96% vào năm học 2020 - 2021”.

9. Tiết a, Tiết b, Điểm 3.3, Khoản 3 sửa đổi, điều chỉnh như sau:

“ Củng cố, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, mở rộng xóa mù chữ cho các đối tượng xã hội. Năm 2020 hầu hết số người trong độ tuổi lao động ở nông thôn có trình độ văn hóa từ trung học cơ sở trở lên.

- Tiếp tục duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Đến năm 2020, công nhận thêm 92 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2, nâng tổng số toàn tỉnh lên 143 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 (đạt 70% số xã, phường, thị trấn của tỉnh)”.

10. Tiết a, Điểm 3.4, Khoản 3 sửa đổi, điều chỉnh như sau:

“Quy hoạch đào tạo đảm bảo đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu giáo viên theo định mức quy định ở mầm non và các cấp học phổ thông; đảm bảo số lượng giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp theo quy định”.

11. Tiết b, Điểm 3.4, Khoản 3 sửa đổi, điều chỉnh như sau:

“ - 100% cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được bồi dưỡng lý luận chính trị theo yêu cầu của cấp học; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên được quy hoạch cán bộ quản lý cấp trường, phòng, khoa có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên; được học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác quản lý giáo dục, quản lý nhà nước. Cán bộ, giáo viên, giảng viên có phẩm chất đạo đức trong sạch, không vi phạm pháp luật; không vi phạm về ma túy và các tệ nạn xã hội”.

12. Tiết c, Điểm 3.4, Khoản 3 sửa đổi, điều chỉnh như sau:

“ Đến năm học 2020 - 2021, các trường học trong tỉnh đều có chi bộ; tỷ lệ cán bộ, giáo viên là đảng viên đạt từ 60% trở lên”.

13. Tiết a, Điểm 3.5, Khoản 3 điều chỉnh như sau:

“Đến năm 2020 hoàn thành quy hoạch đất theo nhu cầu sử dụng và cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất cho 32,47% số trường còn lại, đảm bảo đủ diện tích theo quy định trường đạt chuẩn Quốc gia. Ưu tiên quỹ đất cho các trường mới thành lập, các trường được đầu tư nâng cấp và các trường ngoài công lập; đạt diện tích đất bình quân 20 m2/1 học sinh”.

14. Tiết b, Điểm 3.5, Khoản 3 điều chỉnh như sau:

“Đến năm 2020, hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa; đạt tỷ lệ 80% phòng học kiên cố, không còn phòng học tạm”.

15. Tiết b, Điểm 3.1, Khoản 3 bổ sung như sau:

“Tiếp tục thực hiện đào tạo lưu học sinh các tỉnh Bắc Lào theo kế hoạch ký kết hàng năm của tỉnh”.

16. Tiết a, Điểm 4.1, Khoản 4 điều chỉnh như sau:

“ Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giáo dục và đào tạo Sơn La đến năm 2020, dự kiến cần 23.651.850,0 triệu đồng; tăng 19.049.450,0 triệu đồng.

- Chi thường xuyên 20.891.910,0 triệu đồng.

- Chi cho đào tạo giáo viên 20.000,0 triệu đồng.

- Chi xây dựng cơ bản 2.213.240,0 triệu đồng.

- Chương trình mục tiêu giáo dục và đào tạo 526.700,0 triệu đồng”.

17. Điểm 1.1, Khoản 1 bổ sung như sau:

“Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước”.

18. Điểm 2.1, Khoản 2 bổ sung như sau:

“Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc”.

19. Tiết a, Điểm 2.2, Khoản 2 bổ sung như sau:

“Đến năm 2020, 100% trẻ em 5 tuổi dân tộc thiểu số được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1”.

20. Tiết c, Điểm 2.2, Khoản 2 bổ sung như sau:

“Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2”.

21. Tiết a, Điểm 3.1, Khoản 3 điều chỉnh, bổ sung như sau:

“- Phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

+ Đến năm 2020, thành lập thêm 8 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và 10 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở tại trung tâm xã, cụm xã ở địa bàn có nhiều khó khăn, giao thông cách trở; nâng tổng số toàn tỉnh lên 70 trường phổ thông dân tộc bán trú; nhằm tạo điều kiện cho học sinh ổn định đời sống, tập trung nâng cao chất lượng.

+ Mở rộng quy mô, tăng chỉ tiêu tuyển sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và huyện phù hợp với nhu cầu đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số của địa phương. Nâng cấp 11 trường phổ thông dân tộc huyện đang đào tạo trình độ trung học cơ sở lên cấp trung học phổ thông; đảm bảo 100% huyện có trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học phổ thông”.

22. Điểm 4.2, Khoản 4 bổ sung như sau:

“ Chương trình hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống các trường chuyên biệt; tăng cường hiệu quả công tác giáo dục dân tộc gồm:

- Hoàn thiện và nâng cao chất lượng các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và tỉnh.

- Hoàn thiện cơ sở vật chất, tăng cường các điều kiện phục vụ sinh hoạt các trường phổ thông dân tộc bán trú tại xã thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tại trung tâm cụm xã và các trường có tổ chức nấu ăn bán trú”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TT
Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- TT UBMTTQ VN tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT.VX.HA.25b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thủy