Quyết định 3349/QĐ-UBND năm 2008 về kế hoạch thực hiện Đề án phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009-2015
Số hiệu: 3349/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Hoàng Sĩ Sơn
Ngày ban hành: 12/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3349/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 12 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁP TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1921/QĐ-UBND ngày 11/7/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009-2015;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 531/TTr-SCT ngày 22/10/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển mạng lưới trợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009-2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Sĩ Sơn

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2009-2015.

I. Mục tiêu, chỉ tiêu

1. Mục tiêu:

- Tạo kênh tiêu thụ, mua bán hàng hoá nông sản cho nông dân. Xoá bỏ tình trạng “trắng” chợ ở các huyện, trung tâm cụm xã, đầu mối giao thương.

- Đảm bảo vai trò hạt nhân của chợ trong việc tạo nên các tụ điểm thương mại và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh phù hợp với đặc điểm và quy hoạch phân bố sản xuất, quy hoạch các khu dân cư, quy hoạch đô thị và nông thôn…

- Đầu tư phát triển chợ theo nguyên tắc huy động sức mạnh của toàn xã hội, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phát triển chợ theo mô hình lấy chợ nuôi chợ, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng hạ tầng đối với các chợ vùng II, vùng III, chợ liên vùng, đầu mối giao thương.

2. Chỉ tiêu:

Phấn đấu đến năm 2010 đạt 87/145 (60%) xã, phường có chợ. Năm 2015 đạt 116/145 (80%) xã, phường có chợ.

II. Kế hoạch đầu tư phát triển chợ (Có biểu chi tiết đính kèm)

Tổng vốn đầu tư phát triển chợ giai đoạn 2009-2015: 1092,05 tỷ đồng, đầu tư cho 100 chợ; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70,725 tỷ đồng, chiếm 6,47 %; ngân sách huyện 41,13 tỷ đồng, chiếm 3,76%; ứng vốn ngân sách tỉnh 14 tỷ đồng; vay từ quỹ đầu tư phát triển tỉnh 14 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 952,2 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

1. Năm 2009: đầu tư 25 chợ, tổng vốn 757,1 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 11,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 3,5 tỷ đồng; ứng vốn ngân sách tỉnh 14 tỷ đồng; vay quỹ đầu tư phát triển tỉnh 3 tỷ và kêu gọi đầu tư 725,1 tỷ đồng.

2. Năm 2010: đầu tư 26 chợ, tổng vốn: 99,8 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 24,125 tỷ đồng, ngân sách huyện 14,73 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 60,95 tỷ đồng.

3. Năm 2011: đầu tư 14 chợ, tổng vốn 62,65 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ: 7,75 tỷ đồng, ngân sách huyện 6,75 tỷ đồng, vay từ quỹ đầu tư phát triển tỉnh 5 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 43,15 tỷ đồng.

4. Năm 2012: đầu tư 10 chợ, tổng vốn đầu tư 38 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư 7,6 tỷ đồng, ngân sách huyện 4,6 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 25,8 tỷ đồng.

5. Năm 2013: đầu tư 10 chợ, tổng vốn đầu tư 43 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 6,4 tỷ đồng, ngân sách huyện 4 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 32,6 tỷ đồng.

6. Năm 2014: đầu tư 7 chợ, tổng vốn đầu tư 27,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 6,5 tỷ đồng, ngân sách huyện 2,6 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 18,4 tỷ đồng.

7. Năm 2015: đầu tư 8 chợ; tổng vốn đầu tư 64 tỷ đồng; ngân sách tỉnh hỗ trợ 6,85 tỷ đồng, ngân sách huyện 4,95 tỷ đồng, vay từ quỹ đầu tư phát triển tỉnh 6 tỷ đồng và kêu gọi đầu tư 46,2 tỷ đồng.

III. Một số giải pháp và chính sách trọng tâm đẩy mạnh phát triển mạng lưới chợ và hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009-2010 và định hướng đến 2015

1. Giải pháp về vốn và cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư:

a) Thực hiện hiệu quả nguyên tắc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển chợ:

- Đối với các chợ ở thành phố, thị xã, thị trấn nơi có hoạt động thương mại phát triển thì kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng chợ và tổ chức khai thác kinh doanh theo hình thức BOT hoặc BOO theo hai hướng: nếu có nhiều nhà đầu tư cùng xin đầu tư vào một địa điểm thì tổ chức đấu thầu, nếu có một nhà đầu tư thì chỉ định thầu.

- Đối với các chợ thuộc khu vực I (8 xã): khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư không qua đấu thầu theo cơ chế thu hút đầu tư do tỉnh ban hành, trường hợp không có nhà đầu tư tỉnh cho huyện, TP, TX vay đầu tư và hoàn trả dần kinh phí.

- Đối với các chợ thuộc khu vực II (61 xã): Nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào công trình như hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng.

- Đối với chợ thuộc khu vực III (39 xã trong đó có 32 xã đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách theo chương trình 135): Nhà nước chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất trống giao nhà đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác kinh doanh chợ. Nếu không có nhà đầu tư vào các chợ ở khu vực này thì Nhà nước đầu tư xây dựng chợ bằng nguồn vốn ngân sách (Trung ương, tỉnh, huyện, phường, thị trấn) và lồng ghép các chương trình mục tiêu, giao cho chính quyền địa phương tổ chức quản lý khai thác.

b) Hàng năm Nhà nước cân đối, phân bổ vốn để đầu tư xây dựng chợ, cơ sở hạ tầng chợ vùng II, III; tạo lập nguồn kinh phí cho huyện, TX, TP ứng vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng chợ và hoàn trả trong vòng 01-02 năm.

c) Cơ chế chính sách về thuế áp dụng theo quy định chung của Nhà nước. Riêng về cơ chế chính sách ưu đãi về đất để đầu tư chợ và kêu gọi đầu tư áp dụng theo quy định của tỉnh ban hành.

2. Giải pháp tổ chức quản lý và khai thác hợp lý cơ sở vật chất của chợ

a) Tổ chức khai thác, phân bổ hợp lý cho từng ngành hàng, quầy sạp nhằm đảm bảo lợi ích hài hoà của các hộ tiểu thương kinh doanh trong khu vực lồng chợ và bên ngoài khu chợ (phố chợ).

b) Thành lập các tổ tự quản, Ban quản lý chợ dựa trên các điều kiện cụ thể và quy mô từng chợ nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hiệu quả hoạt động kinh doanh chợ.

IV. Phân công tổ chức thực hiện

1. Nhiệm vụ và thành viên của Ban Quản lý chương trình phát triển chợ tỉnh Lâm Đồng thực hiện theo Quyết định số 48/2005/QĐ-UB ngày 28/2/2005 và Quyết định số 2676/QĐ-UBND ngày 14/10/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ban Quản lý chương trình phát triển chợ họp định kỳ 3 tháng 1 lần để đánh giá kết quả hoạt động và đưa ra định hướng phát triển chợ trong thời gian tiếp theo.

2. Kể từ năm 2009 trở đi tiến hành đầu tư phát triển chợ theo kế hoạch kèm theo.

3. Phân công trách nhiệm:

a) Sở Công Thương:

Thường trực Ban Quản lý chương trình phát triển chợ thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển chợ. Có trách nhiệm phối kết hợp với Sở Kế Hoạch-Đầu Tư, Sở Tài Chính, UBND các huyện, TX, TP xây dựng và tổng hợp kế hoạch xây dựng chợ hàng năm theo mức độ cấp bách, cấp thiết. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ; hàng năm phối hợp với UBND các huyện, TX, TP định kỳ đánh giá kết quả đầu tư phát triển chợ báo cáo UBND tỉnh.

b) Sở Kế Hoạch-Đầu Tư

Phối hợp Sở Công Thương, UBND các huyện, TX, TP thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư phát triển chợ của từmg cấp ngân sách hàng năm theo kế hoạch kèm theo. Tổ chức thẩm định các dự án đầu tư phát triển chợ theo phân cấp đầu tư.

c) Sở Tài Chính

Phối hợp Sở Công Thương xây dựng cơ chế chính sách và nguồn kinh phí để cho các huyện, TX, TP tạm ứng vay đầu tư và hoàn trả trong vòng 01-02 năm. Tổ chức phê duyệt quyết toán theo phân cấp quyết toán vốn hoàn thành.

d) Sở Tài Nguyên-Môi Trường: Trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của các địa phương phối hợp với các ngành liên quan và UBND các huyện, TX, TP xác định vị trí xây dựng chợ phù hợp với quy định chung. Giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính để các cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư. Bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phù hợp để triển khai phát triển chợ.

đ) Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch tỉnh Lâm Đồng trong chương trình kế hoạch xúc tiến hàng năm của đơn vị mình, xây dựng kế hoạch kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển chợ.

e) UBND các huyện, TX, TP: Căn cứ vào dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt, lập kế hoạch xây dựng, nâng cấp, mở rộng chợ hàng năm theo nhu cầu bức thiết và khả năng cân đối kinh phí từ các nguồn theo quy định. Tiếp tục triển khai lập dự án đầu tư và thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển chợ theo kế hoạch. Hàng năm cần rà soát lại địa điểm, quy mô, sự đồng thuận của nhân dân để xây dựng kế hoạch đúng quy trình, thời gian quy định.

g) Các sở, ngành và đơn vị có liên quan, căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp với UBND các huyện, TX, TP; sở ngành triển khai thực hiện./-





Quyết định 1921/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-UBND Ban hành: 12/09/2011 | Cập nhật: 17/07/2013