Quyết định 30/2011/QĐ-UBND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu: | 30/2011/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Bình | Người ký: | Nguyễn Hữu Hoài |
Ngày ban hành: | 20/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 30/2011/QĐ-UBND |
Quảng Bình, ngày 20 tháng 12 năm 2011 |
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở;
Căn cứ Quyết định 76/2004/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2011/NQ-HĐND ngày 18 tháng 10 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1159/TTr-SXD ngày 08 tháng 12 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban chỉ đạo chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
THỰC TRẠNG, TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH
1.1. Về số hộ có nhà ở, hình thức sở hữu; diện tích và chất lượng nhà ở
a) Số hộ có nhà ở và hình thức sở hữu: Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tổng số hộ đến ngày 1/4/2009 là 211.908, trong đó có 209.574 hộ có nhà ở, chiếm 98.9%; có 2.334 hộ không có nhà ở, chiếm 1.1% (nếu tính theo số người không có nhà ở thì tỷ lệ này chỉ là 0.24%). Phân ra ở đô thị và nông thôn như sau:
-Tổng số hộ ở đô thị: 35.809; số hộ có nhà ở: 35.081, chiếm 98,0%;
-Tổng số hộ ở nông thôn: 176.099; số hộ có nhà ở: 174.466, chiếm 99,0%;
Về sở hữu: trong 198.232 ngôi nhà có 197.873 nhà riêng lẽ, chiếm 99.90%; nhà dạng chung, nhà tập thể có 359 nhà, chiếm 0.1%. Đa số (99.9%) nhà ở ở tỉnh Quảng Bình là sở hữu riêng, không có nhà chung cư.
b) Thực trạng diện tích nhà ở: Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh là 76.8m2/nhà, chỉ tiêu này ở khu vực đô thị là 104.2m2/nhà, ở khu vực nông thôn là 71.6m2/nhà.
Diện tích nhà ở trên đầu người là 18.0m2/người. Chỉ tiêu này ở khu vực đô thị là 26.1m2/người, ở khu vực nông thôn là 16.6m2/người.
So với năm 1999, quy mô (diện tích) bình quân ngôi nhà tăng gần 1,8 lần (năm 1999: 43m2/nhà), diện tích nhà ở trên đầu người tăng gần 2 lần (năm 1999: 9,33m2/người).
So với bình quân cả nước, diện tích nhà ở trên đầu người của tỉnh đều cao hơn: 18m2 so với cả nước là 17,9m2, nếu so sánh tỉ lệ này ở đô thị là 26,1/22 và nông thôn là 16,6/16,1).
So sánh với các chỉ tiêu trong Quyết định số 76/2004/QĐ-TTg ngày 06/05/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 thì diện tích nhà ở trên đầu người ở tỉnh ta đạt khá cao. Đối với vùng đô thị, tiêu chí này cao hơn chỉ tiêu đến 2020 (26,1/20); đối với vùng nông thôn, tiêu chí này đã đạt và cao hơn chỉ tiêu đến 2015 (16,6/14) và gần đạt đến chỉ tiêu của năm 2020 (18m2).
Như vậy, diện tích nhà ở ở tỉnh ta cơ bản đạt đến mức yêu cầu, đảm bảo cơ bản được nhu cầu sinh hoạt của người dân.
c) Thực trạng về kiến trúc nhà ở: Nhà ở của nhân dân đa số là tự xây dựng, việc quản lý kiến trúc, quy hoạch, giấy phép xây dựng chưa đi vào nền nếp, nhận thức của người dân về kiến trúc-thẩm mỹ công trình đang còn hạn chế nên tình trạng kiến trúc nhà ở phát triển lộn xộn, gây nhiều bức xúc cho bộ mặt kiến trúc-cảnh quan các đô thị và nông thôn.
Ở khu vực đô thị, nhất là tại thành phố Đồng Hới, nhà ở hầu như chỉ đơn điệu kiểu nhà ống; nhà cửa xây dựng sát nhau, không có đủ khoảng không khí và ánh sáng tối thiểu, không gian sống thiếu tiếp xúc với thiên nhiên; công năng, kiểu dáng kiến trúc bắt chước nhau, chạy theo phong trào và lai tạp kiểu dáng kiến trúc của nhiều vùng miền hoặc trường phái kiến trúc khác nhau; chỉ giới xây dựng, chiều cao tầng, cốt nền, màu sắc kiến trúc công trình không thống nhất làm giảm mỹ quan các tuyến phố.
Ở khu vực nông thôn, do ảnh hưởng của đô thị, nhiều người dân cũng chuyển từ các kiểu nhà truyền thống sang xây dựng các kiểu nhà ống, nhà phố, lạm dụng kết cấu bê tông cốt thép làm mất đi bản sắc kiến trúc nông thôn mà không tính đến các yếu tố phong tục, tập quán, điều kiện sản xuất, sinh hoạt.
Các vấn đề bức xúc về kiến trúc nhà ở gần đây đã được cải thiện, nhiều ngôi nhà đã có kiểu dáng kiến trúc đẹp, nội ngoại thất hiện đại, hòa hợp với thiên nhiên, cải thiện điều kiện sống. Nhà nước cũng đã đưa ra những định hướng trong việc xây dựng, phát triển nhà ở, hạn chế dần nhà ở phân lô tự xây dựng để khắc phục tình trạng hỗn loạn trong kiến trúc nhà ở. Tuy nhiên, sự cải thiện chưa đáng kể, kiến trúc nhà ở vẫn đang làm ảnh hưởng lớn đến các bộ mặt kiến trúc đô thị trong thời gian dài.
d) Thực trạng về chất lượng nhà ở
Về diện tích: nhà ở có diện tích trên 60m2/nhà chiếm tỉ lệ 68,01%. Tỷ lệ này khu vực đô thị chiếm 73,6%, khu vực nông thôn chiếm 66,8%.
Toàn tỉnh hiện nay có 198.232 ngôi nhà ở thì số nhà có từ 1-2 phòng chiếm 57,06%; số nhà có từ 3- 4 phòng chiếm 33.02%; số nhà có từ 5-6 phòng chiếm 9.83%. Đa số ở nông thôn hiện nay nhà chủ yếu chỉ có từ 1 đến 2 phòng, còn ở đô thị thì tỉ lệ nhà từ 3-4 phòng, 5-6 phòng chiếm 63.56%.
Về kết cấu: kết cấu nhà kiên cố, bán kiên cố chiếm tỉ lệ chủ yếu: 95,38% (tỷ lệ này ở đô thị là: 97,37%; nông thôn là: 94,99%); nhà thiếu kiên cố, nhà tạm đơn sơ chiếm tỉ lệ 4,62% và tập trung nhiều ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc (đô thị: 2,63%; nông thôn: 5,01%).
Về hệ thống kỹ thuật: đa số là nhà ở của nhân dân tự xây dựng, quy mô nhỏ nên hệ thống kỹ thuật cũng tương đối đơn giản; ở đô thị, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống vệ sinh trong các nhà ở tương đối đầy đủ, tuy nhiên chưa được đồng bộ và hiện đại. Nhà ở ở nông thôn thì đa số chưa chú ý đến hệ thống kỹ thuật. Đa số các nhà ở hiện nay đều chưa được thiết kế và trang bị hệ thống PCCC.
Hệ thống vệ sinh, theo số liệu điều tra năm 2009 thì có đến 61,45% số hộ gia đình không có nhà vệ sinh và có nhà vệ sinh không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường (tỷ lệ này ở đô thị : 25%, nông thôn: 69%).
1.2. Về công tác phát triển nhà ở
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh cũng đã quan tâm phát triển và chăm lo nhà ở cho nhân dân. Bằng những chính sách như lập quy hoạch các khu dân cư, giao đất cho hộ dân tự xây dựng nhà ở, đầu tư xây dựng HTKT các khu dân cư, cho vay vốn làm nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở....., nên nhà ở trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, nhà ở chủ yếu là do người dân tự xây dựng và loại hình nhà ở riêng lẽ chiếm tỉ lệ tuyệt đối (99.9%). Nhà ở tập thể, nhà chung cư, nhà thương mại hầu như không đáng kể. Chưa có sự tham gia các tổ chức, các thành phần kinh tế trong phát triển các dự án nhà ở. Nhà nước chỉ giữ vai trò tổ chức quy hoạch, đấu giá và cấp quyền sử dụng đất để cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Những năm gần đây, nhà nước đưa ra nhiều chính sách để phát triển nhà ở trên toàn quốc như cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị (Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ) tỉnh Quảng Bình cũng đã tích cực triển khai thực hiện. Đến nay một số dự án đã đi vào hoạt động, tuy nhiên vẫn đang quá ít so với nhu cầu thực tế của xã hội.
Các chính sách về nhà ở như hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Chính phủ, hỗ trợ các đối tượng có công với cách mạng kinh phí để cải thiện nhà ở, các chương trình xoá mái tranh nghèo... làm khá tốt. Đến nay đã cơ bản thực hiện xong việc hỗ trợ cho các đối tượng người có công; chương trình 167 thực hiện đúng tiến độ, đến hết năm 2011 sẽ xóa hết nhà tạm cho khoảng 6.081 hộ nghèo, góp phần đảm bảo an sinh cho xã hội.
1.3. Về công tác quản lý nhà ở
Công tác quản lý nhà ở của tỉnh ta chưa thành hệ thống chặt chẻ; cơ quan QLNN về nhà ở chưa được thiết lập đồng bộ ở các cấp chính quyền, nội dung quản lý chỉ mới thực hiện được việc cấp phép khi xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa; tuy nhiên, số lượng nhà ở được cấp giấy phép xây dựng hiện nay rất ít và cũng chỉ thực hiện ở các vùng đô thị, vùng nông thôn chưa thực hiện.
Luật Nhà ở ra đời và có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2006, trong đó quy định đầy đủ nội dung việc quản lý nhà ở từ khi tạo lập, phát triển , sử dụng và giao dịch đối với tất các loại hình nhà ở nhưng ở tỉnh ta triển khai chưa đầy đủ. Lý do chủ yếu là nhà ở đa số của người dân tự xây dựng, ý thức và hiểu biết pháp luật của người dân về các quy định về quản lý nhà ở chưa cao, cơ quan quản lý nhà nước chưa tăng cường công tác quản lý nhà ở.
Ở cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn (Sở Xây dựng) đã thành lập phòng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản để tham mưu quản lý trong lĩnh vực Nhà ở và Thị trường bất động sản, ở cấp huyện nhiệm vụ này được giao cho phòng Kinh tế-Hạ tầng hoặc phòng Quản lý Đô thị (thành phố Đồng Hới). Tuy nhiên, việc quản lý nhà ở theo quy định của pháp luật mới bắt đầu thực hiện nên còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
1.4. Về thị trường bất động sản nhà ở
Do kinh tế chưa phát triển nên nhìn chung thị trường bất động sản về nhà ở trên tỉnh Quảng Bình cũng chưa phát triển; các dự án phát triển nhà ở chưa có nên lượng giao dịch bất động sản về nhà ở hằng năm thấp, giao dịch nhà ở còn hạn chế, chủ yếu là giao dịch về đất đai. Các sàn giao dịch Bất động sản cũng chưa phát triển, việc giao dịch chủ yếu thông qua giữa các cá nhân có nhu cầu mua-bán với nhau hoặc qua các người môi giới bất động sản hoạt động không có chứng chỉ hành nghề định giá hoặc môi giới bất động sản.
1.5. Về cơ sở hạ tầng, môi trường khu dân cư, khu nhà ở
Cấp nước: Tại 7/9 đô thị của tỉnh Quảng Bình có hệ thống cấp nước, vùng nông thôn tỷ lệ được cấp nước sạch còn thấp, chủ yếu từ các dự án cấp nước sinh hoạt của chương trình nước sạch nông thôn. Khoảng 86% dân số đô thị được cấp nước sạch để sinh hoạt. Khu vực nông thôn ngoài các vùng có dự án cấp nước sinh hoạt của Chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, còn lại chủ yếu dùng giếng, sông hay từ các hồ chứa, bể chứa nước mưa gia đình để sinh hoạt.
Thoát nước: Tại thành phố Đồng Hới đang được đầu tư hệ thống thoát nước, tại thị trấn Ba Đồn đang triển khai các thủ tục đầu tư, các đô thị còn lại chỉ ở một số tuyến đường chính, vùng nông thôn tỉnh Quảng Bình chưa có hệ thống thoát nước, nước thoát chủ yếu qua kênh rạch và hòa vào nguồn nước tự nhiên.
Giao thông: ở khu vực đô thị và nông thôn hiện nay đã cơ bản thông suốt, 100% xã phường trong tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Đường ở các khu dân cư đô thị được đầu tư cơ bản tuy nhiên chưa đồng bộ, khu vực dân cư nông thôn tỷ lệ đường đất chiếm cao (trên 85%).
Điện sinh hoạt: đã có 157/159 xã phường với 97% số dân trong tỉnh đã có điện lưới phục vụ sinh hoạt.
Về hạ tầng xã hội: Hầu hết các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều có đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội đáp ứng cơ bản nhu cầu cơ bản của người dân như trường học, chợ, trạm y tế, bưu điện....., trừ một số nơi ở vùng núi rẻo cao. Theo số liệu tổng kết đến năm 2010, đã có trên 100% số xã có trạm y tế; mỗi huyện có 01 bệnh viện và 2 - 3 phòng khám đa khoa; 100% số xã có trường tiểu học, 95% số xã có trường THCS, mỗi huyện có từ 2 - 3 trường THPT, 01 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Về vệ sinh môi trường: Tại các đô thị cũng như nông thôn, tình trạng vệ sinh môi trường nhìn chung đang tốt, các hiện tượng gây ô nhiễm môi trường như rác, bụi, tiếng ồn, khói, nước thải....đang ở mức thấp. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh môi trường cũng cần phải được chú ý cao hơn trong những giai đoạn sắp tới vì hệ thống HT-KT lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng được sự phát triển.
Hầu hết các hộ dân trong tỉnh đều có nhà ở, chất lượng nhà ở tương đối tốt, phần lớn có khả năng sử dụng lâu dài, chịu được các tác động bất lợi của thời tiết (95,4% là nhà kiên cố hoặc bán kiên cố) . Mặc dù nhà nước, các tổ chức, thành phần kinh tế chưa đầu tư mạnh vào lĩnh vực nhà ở nhưng nhà ở trên địa bàn vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, nhu cầu về nhà ở chưa đến mức bức xúc như một số vùng hay đô thị khác.
Diện tích nhà ở bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh ta đạt được tương đối cao (18m2/người), tương đương so với mức bình quân của cả nước (17,9m2/người). Diện tích ở bình quân/nhà cũng ở mức khá cao: 76,8m2/nhà. Một số chỉ tiêu đã đạt hoặc vượt theo định hướng của Chính phủ trong định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020.
Hệ thống hạ tầng xã hội cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuy chưa được đầu tư hiện đại và đồng bộ nhưng cơ bản đáp ứng được tại các khu vực đô thị, cảnh quan vệ sinh môi trường chưa bị áp lực gây ô nhiễm.
Nhà nước và các tổ chức, thành phần kinh tế khi thực hiện các dự án phát triển nhà ở đã chú ý hơn trong việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng KT-XH.
Các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách, cho người nghèo có khó khăn về nhà ở được triển khai có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống của các đối tượng này đồng thời cải thiện được bộ mặt kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
2.2. Những hạn chế và nguyên nhân
Việc phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh chưa được quan tâm và đầu tư của nhà nước cũng như của các tổ chức, thành phần kinh tế. Nhà ở chủ yếu là do người dân tự xây dựng và loại hình nhà ở riêng lẽ chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối, chưa có các dự án phát triển nhà ở.
Quy hoạch xây dựng còn thiếu, đặc biệt là quy hoạch chi tiết cũng làm ảnh hưởng đến việc phát triển nhà ở trên địa bàn. Một số địa phương có quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2000) như thị trấn Quán Hàu, thị trấn Kiến Giang phủ kín 100% diện tích, tuy nhiên việc thực hiện và quản lý quy hoạch đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí và hệ thống quản lý chưa đồng bộ.
Kiến trúc nhà ở đang là một vấn đề bức xúc lớn. Ở khu vực đô thị kiểu kiến trúc nhà ống, nhà phố với kiểu làm bắt chước nhau, chạy theo phong trào và lai tạp làm cho bộ mặt đô thị lô nhô, lồi lõm, màu sắc loạn xạ. Ở khu vực nông thôn, nhà ở cũng dần mất đi bản sắc kiến trúc làng quê Việt Nam. Nói chung, kiến trúc nhà ở trên địa bàn tỉnh chưa tạo được bản sắc kiến trúc vùng miền, hiện đại nhưng thiếu tính dân tộc. Chất lượng không gian sống chưa được chú ý trong đa số nhà ở.
Chất lượng xây dựng nhà ở của dân chưa được kiểm soát. Tình trạng người dân xây dựng mà không có bản vẽ thiết kế, không qua cấp phép xây dựng vẫn còn phổ biến, các nhà thầu nhận thi công chủ yếu thi công qua kinh nghiệm và thực hiện công việc theo yêu cầu của chủ nhà, nhất là ở khu vực nông thôn. ở nhiều vùng, tỷ lệ nhà ở bán kiên cố và nhà khung gỗ, nhà tạm còn nhiều.
Nhà ở cho các đối tượng xã hội như: học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại các khu vực đô thị (cán bộ công nhân viên chức, nhân viên lực lượng vũ trang......), nhà ở công vụ, nhà ở để tái định cư, di dân vùng thiên tai.....chưa được đầu tư xây dựng đúng mức, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư trên toàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ và chưa phát triển; vấn đề nước thải, rác thải và vệ sinh môi trường ở các khu vực đô thị cũng như nông thôn chưa được giải quyết triệt để. Tỷ lệ hộ dân có dùng hệ thống nước sạch chưa cao. Điện tuy đã đến được hầu hết các xã phường nhưng đường dây nhiều nơi còn tạm bợ, gây mất an toàn sử dụng và tổn thất điện năng lớn.
Tỉnh chưa có một chương trình, kế hoạch để định hướng cho việc phát triển nhà ở nói riêng và thị trường bất động sản nói chung trên địa bàn toàn tỉnh; chưa đề ra được các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện địa phương để khuyến khích các tổ chức, thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, thu hút các nguồn lực xã hội phát triển nhà ở.
Thị trường bất động sản nhà ở nhìn chung chưa phát triển, chưa hình thành thị trường một cách chính thức, rõ ràng, lượng giao dịch hàng năm còn thấp và chủ yếu thông qua giao dịch trực tiếp giữa người mua-bán hoặc môi giới của một số đối tượng hoạt động không có chứng chỉ hành nghề, chưa có sàn giao dịch bất động sản hoạt động.
Công tác quản lý nhà ở còn nhiều bất cập, chưa quản lý được việc phát triển, sử dụng, giao dịch nhà ở của xã hội; văn bản QPPL tuy đã được Nhà nước ban hành nhiều nhưng việc áp dụng còn chưa phổ biến, chưa đồng bộ. Việc hiểu biết và thực hiện theo các quy định của pháp luật trong lĩnh vực nhà ở chưa được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, pháp luật Nhà ở chưa thực sự đi vào cuộc sống của người dân.
2.3. Dự báo nhu cầu phát triển nhà ở
a) Nhà ở tại khu vực đô thị: Nhu cầu nhà ở khu vực đô thị phát sinh từ việc gia tăng dân số tự nhiên và cơ học, tỉ lệ và tốc độ đô thị hóa, sự thay đổi cơ cấu hộ gia đình; do nhu cầu nâng cao chất lượng, tăng diện tích sử dụng hoặc cải tạo lại nhà ở đã hư hỏng, xuống cấp của các hộ gia đình. Dự báo đến 2015, ở các đô thị của tỉnh ta cần xây mới thêm 1,109 triệu m2 nhà và đến năm 2020 là 2,278 triệu m2 nhà (so với hiện tại).
b) Nhà ở của một số đối tượng khó khăn về chỗ ở (nhà ở xã hội).
- Nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp: Dự báo đến năm 2015 sẽ có 15.000 và đến 2020 sẽ có 40.000 người làm việc tại các Khu công nghiệp tập trung trong tỉnh. Số công nhân có nhu cầu giải quyết chổ ở dự báo là 11.250 (đến 2015) và 30.000 (đến 2020) người; tương đương phải xây dựng 135.000m2 nhà ở cho công nhân vào đến năm 2015 và 390.000m2 vào đến năm 2020.
- Nhà ở của học sinh, sinh viên: dự kiến đến năm 2015 số học sinh, sinh viên là 21.800 người; số học sinh, sinh viên cần ở ký túc xá là 15.260 người. Đến năm 2020 là 30.000 người, số cần ở ký túc xá là 21.000 người. Số phòng ở phải xây dựng là 1.150 phòng vào năm 2015 (tương đượng 70.000m2), đến năm 2020 là 1.850 phòng ( tương đương 132.300m2 sàn).
- Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tại đô thị: Dự báo số người thu nhập thấp ở đô thị có khó khăn về nhà ở trên tỉnh ta giai đoạn 2011-2020 khoảng 5% dân số đô thị; diện tích nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị cần có đến 2015 là 110.700m2 (tương đương 2185 căn hộ) và đến 2020 là 148.140m2 (tương đương 2.570 căn hộ).
c) Nhà ở tại khu vực nông thôn: Nhu cầu nhà ở khu vực nông thôn trong thời gian đến năm 2020 tăng do các yếu tố: tăng dân số, do thay đổi cơ cấu hộ gia đình, do tăng diện tích nhà ở bình quân và các hộ gia đình sẽ có nhu cầu xây dựng, cải tạo để tăng chất lượng và tiện nghi nhà ở. Dự báo đến năm 2015 nhà ở nông thôn cần tăng thêm 2,368 triệu m2 và đến năm 2020 là 4,841 triệu m2.
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở GIAI ĐOẠN 2011-2015 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của nhân dân, giảm dần tiến tới xóa bỏ hộ không có nhà ở, hộ có khó khăn về nhà ở; giảm dần nhà tạm, thiếu kiên cố; nâng cao dần chất lượng cuộc sống, chất lượng và mức độ tiện nghi của nhà ở; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc, hiện đại, cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị; bước đầu hình thành quỹ nhà ở, hình thành và phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn; tạo động lực phát triển đô thị và nông thôn bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nhằm thực hiện có kết quả các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Bình đến 2020.
a) Giai đoạn 2011-2015
Phấn đấu đến năm 2015 diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,3m2, trong đó đô thị đạt 30m2, nông thôn đạt 19,5m2.
Đến năm 2015, giải quyết tối thiểu 60% số học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề (sau đây gọi tắt là học sinh, sinh viên) trên địa bàn thành phố có nhu cầu được thuê nhà để ở, diện tích ở tối thiểu đạt 4m2/sinh viên (tương đương 7,6m2 sàn xây dựng); 50% số công nhân có nhu cầu được thuê nhà để ở, diện tích sàn tối thiểu đạt 12m2/người; giải quyết cơ bản nhà ở cho các hộ thu nhập thấp ở đô thị, mỗi căn hộ tối thiểu 70m2.
Đến năm 2015 phấn đấu diện tích sàn nhà chung cư chiếm 5% trên tổng số diện tích sàn nhà xây dựng mới.
Nâng cao tỉ lệ nhà kiên cố cả ở khu vực đô thị và nông thôn đạt tỉ lệ 80%-85%, giảm tỷ lệ nhà bán kiên cố, thiếu kiên cố xuống dưới 20%; xoá dần nhà tạm, đơn sơ, cơ bản không còn nhà tạm, đơn sơ từ 2015 trở đi.
Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng KT-XH, các khu đô thị mới phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ hạ tầng KT-XH, các chỉ tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh (nước máy, nước mưa, nước giếng khoan và giếng đào được bảo vệ) tại đô thị đạt 95%, nông thôn đạt 75%-80%; tỷ lệ hộ có công trình hố xí hợp vệ sinh ở đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 75%.
- Xử lý và quản lý được trên 70% nguồn chất thải, loại và lượng rác thải nói chung trên toàn tỉnh, riêng chất thải rắn phấn đấu thu gom, vận chuyển và xử lý được trên 85% tại các đô thị.
b) Định hướng đến 2020
Phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 24,6m2, trong đó đô thị đạt 34m2 và nông thôn đạt 22,5m2.
Giải quyết tối thiểu 70% số học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố có nhu cầu và 100% số công nhân tại các khu công nghiệp tập trung có nhu cầu được thuê nhà để ở.
Diện tích sàn nhà chung cư chiếm 10% trên tổng số diện tích sàn nhà xây dựng mới.
Nâng cao tỉ lệ nhà kiên cố cả ở khu vực đô thị và nông thôn đạt trên 90%, giảm tỷ lệ nhà bán kiên cố, thiếu kiên cố xuống dưới 10%.
Từng bước hoàn thiện hệ thống HTKT và XH, đối với các khu đô thị và khu dân cư tập trung tại nông thôn đạt tiêu chuẩn quy định, các chỉ tiêu cụ thể:
- Tỷ lệ dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh tại đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 85%-90%; tỷ lệ hộ gia đình có công trình hố xí hợp vệ sinh tại đô thị đạt 100%, nông thôn đạt 90%.
- Xử lý và quản lý được trên 90% nguồn chất thải, loại và lượng rác thải trên toàn tỉnh; riêng chất thải rắn, phấn đấu thu gom, vận chuyển và xử lý được trên 90% tại các đô thị.
a) Tại thành phố Đồng Hới, Thị trấn Ba đồn và khu vực phía bắc tỉnh.
Về quy hoạch và kiến trúc: Phát triển các khu dân cư mới đầy đủ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở trước mắt của nhân dân, bình ổn thị trường bất động sản đồng thời phát triển các khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; ưu tiên phát triển nhà ở theo các dự án có quy mô đủ lớn để dần hình thành các khu đô thị mới; hạn chế dần việc giao đất lẻ cho các hộ tự xây dựng nhà ở, các dự án nhà ở có quy mô nhỏ, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ.
Tại các khu nhà ở, khu đô thị mới cần kết hợp phát triển nhà ở cao tầng, nhiều tầng và thấp tầng một cách hài hòa, tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh từ kiến trúc đến hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các yêu cầu cơ bản về công năng, kinh tế, bền chắc và mỹ quan.
Về cơ cấu nhà ở: Tăng tỷ lệ nhà ở chung cư (vừa và cao tầng) phù hợp từng giai đoạn để tiết kiệm quỹ đất, tạo diện mạo và cuộc sống đô thị văn minh, công nghiệp và hiện đại.
Kêu gọi, khuyến khích các tổ chức kinh tế cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng một số khu nhà ở để bán trả dần, cho thuê - mua hoặc cho thuê đối với các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở (gọi là quỹ nhà ở xã hội), trong đó chú trọng tăng tỷ lệ nhà ở cho thuê.
Về chất lượng nhà ở: Nâng cao chất lượng xây dựng, điều kiện sinh hoạt và mức độ tiện nghi của nhà ở; đảm bảo hoàn chỉnh, đồng bộ từ thiết kế kiến trúc đến quy hoạch tổng thể và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạn chế ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn, rác thải. Phát triển các khu nhà ở hướng tới nâng cao tính tiện nghi, độc lập cho mỗi cá nhân, hộ gia đình, thân thiện với môi trường xung quanh.
Về công nghệ, vật liệu xây dựng nhà ở: Khuyến khích ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, vật liệu xây dựng hiện đại trong phát triển nhà ở như ứng dụng và phát triển các loại hình nhà ở xanh - nhà ở sinh thái, các loại vật liệu xây dựng, loại hình nhà ở sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Đến 2015 và 2020, Ba Đồn sẽ trở thành đô thị loại IV gắn với việc phát triển mạnh mẽ Khu kinh tế Hòn La, khu vực phía Bắc của tỉnh sẽ trở thành một đô thị mới, do đó phương hướng phát triển nhà ở khu vực này cần phải theo định hướng như ở Thành phố Đồng Hới.
b) Tại các đô thị khác trong tỉnh (các thị trấn huyện lỵ)
Tiếp tục phát triển nhà ở mới theo phương thức: nhà nước hoặc các tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng hạ tầng sau đó giao cho các hộ gia đình tự xây dựng nhà ở, nhưng tăng cường chú ý sự đầy đủ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật-hạ tầng xã hội, đảm bảo yêu cầu Kiến trúc-Quy hoạch trong các dự án phát triển quỹ đất. Bên cạnh đó khuyến khích và tạo điệu kiện để các tổ chức kinh tế phát triển nhà ở theo dự án.
2.2. Nhà ở tại nông thôn, miền núi
Về kiến trúc-quy hoạch: Gắn quy hoạch phát triển nhà ở với việc Quy hoạch xây dựng nông thôn mới để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; kết hợp xây dựng nhà ở nông thôn với cải thiện môi sinh, môi trường; ban hành hướng dẫn việc xây dựng nhà ở nông thôn với công trình phụ đúng quy cách, hợp vệ sinh để vừa tiết kiệm đất vừa giảm thiểu sự ô nhiễm.
Phát triển nhà ở nông thôn gắn với công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất, đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt của từng vùng miền; sử dụng có hiệu quả quỹ đất ở sẵn có và hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa có năng suất cao sang đất ở; khuyến khích phát triển nhà tầng, nhà theo dự án ở những nơi đã có quy hoạch xây dựng đối với những vùng, miền có điều kiện hoặc xuất hiện các yếu tố thúc đẩy Đô thị hóa.
Về chất lượng nhà ở: Chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng nhà ở tại khu vực nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo, các hộ tại khu vực thường xuyên bị thiên tai; hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích ứng với sự biến đổi khí hậu các vùng, miền; giảm thiểu thiệt hại về nhà ở của người dân tại các vùng thường xuyên bão, lũ.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện chỗ ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình nghèo tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực thường xuyên bị thiên tai, các hộ gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở thông qua chương trình theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và đề án Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực có lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung; kết hợp, lồng ghép các chương trình 134, 135, 167, 30a ...
2.3. Nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp, khu kinh tế
Nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN phát triển theo phương thức chủ yếu là do các doanh nghiệp tự xây dựng để cho công nhân thuê. Nhà nước có các chính sách về đất, tài chính và các điều kiện ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê theo phương thức xã hội hóa.
Đến năm 2020, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại 8 Khu công nghiệp theo quy hoạch. Trước mắt tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại 4 khu công nghiệp được thành lập và hoạt động (gồm Tây Bắc Đồng Hới, Bắc Đồng Hới, Cảng biển Hòn La và Hòn La II). Đối với các KCN chưa thành lập khi có quy hoạch định hướng phát triển, quy hoạch xây dựng và đi vào hoạt động sẽ được bổ sung vào kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm của tỉnh.
2.4. Nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo nghề
Nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo nghề phát triển theo hướng nhà nước đầu tư tạo quỹ nhà ở cho sinh viên thuê kết hợp với sự đầu tư của các tổ chức kinh tế khác, trong đó nhà nước thực hiện theo các cơ chế tại Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phát triển thành các cụm ký túc xá tập trung (mỗi cụm dùng cho học sinh, sinh viên nhiều trường thuê).
Căn cứ trên nhu cầu thực tế để lần lượt đầu tư xây dựng tại mỗi thị trấn huyện lỵ và thành phố Đồng Hới các khu nhà ở công vụ với quy mô phù hợp phục vụ cho các cán bộ luân chuyển, điều động. Riêng đối với nhà ở công vụ giáo viên, tiếp tục thực hiện theo đề án kiên cố hóa trường học và nhà ở công vụ giai đoạn 2 để phấn đấu cơ bản giải quyết nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên.
2.6. Nhà ở cho các hộ gia đình có công với cách mạng
Tuỳ theo điều kiện phát triển KT-XH hằng năm để thực hiện hỗ trợ về nhà ở đối với các hộ gia đình chính sách, hộ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở bằng các hình thức như: Tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí để cải tạo hoặc sữa chữa nhà ở (đã thực hiện đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa) thông qua các chính sách, chương trình do nhà nước quy định; ưu tiên mua nhà ở xã hội.
III. NỘI DUNG CỤ THỂ GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Danh mục, khái toán kinh phí và nguồn vốn các dự án có phụ lục kèm theo)
Tập trung phát triển nhà ở cho sinh viên chủ yếu ở thành phố Đồng Hới; đến năm 2015, giải quyết tối thiểu 60% số học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố có nhu cầu thuê nhà để ở; diện tích ở tối thiểu đạt 4m2/sinh viên (tương đương 7,6m2 sàn xây dựng). Tổng diện tích sàn dự kiến xây dựng đến 2015: 70.000 m2 để đáp ứng 9.200 chổ ở. Bố trí 2 cụm nhà ở sinh viên tập trung; cụm 1: Cho sinh viên các trường Đại học Quảng Bình, Trung cấp Y tế, Trung cấp nghề, Trung cấp nghề số 9; cụm 2: Cho sinh viên trường Trung cấp kỹ thuật Công -Nông nghiệp Quảng Bình và trường Trung cấp Kinh tế Quảng Bình.
Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nhà ở công nhân cho các KCN Tây Bắc và Bắc Đồng hới, Cảng biển Hòn La và Hòn La II để phấn đấu có khoảng 50% công nhân tại các KCN có nhu cầu được giải quyết chỗ ở, diện tích sàn đạt 12m2/người.
Tại khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới: Đầu tư xây dựng khoảng 54.446m2 sàn nhà đáp ứng cho khoảng 1420 chổ ở (trong đó có khoảng 610 căn hộ gia đình).
Tại KKT Hòn La ( tính chung cho cả 2 KCN là Cảng biển HL và HL II): Đầu tư xây dựng khoảng 115.510m2 sàn nhà đáp ứng cho khoảng 3670 chổ ở (trong đó có khoảng 1100 căn hộ gia đình).
Tổng cộng đến 2015, tại các KCN tập trung đầu tư khoảng 170.000m2 sàn nhà ở công nhân.
3.3. Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở (theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ)
Từ năm 2012 tiếp tục hỗ trợ cho khoảng 4.500 hộ nghèo ở nông thôn có khó khăn về nhà ở theo cơ chế của Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giá thành khoảng 30 triệu đồng/nhà.
3.4. Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực có lũ lụt
Hỗ trợ cho khoảng 18.000 hộ nghèo có nhà bị ngập trên 1,5m xây dựng một gian nhà kiên cố, chắc chắn, liền kề với nhà ở đã có, có sàn cao hơn đỉnh lũ lớn nhất để ở và kết hợp tránh lũ. Giá thành khoảng 30 triệu đồng/nhà. Đối với hộ có điều kiện có thể xây dựng quy mô và chất lượng cao hơn.
3.5. Nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị
Nhà ở thu nhập thấp trong giai đoạn đến 2015 tập trung phát triển chủ yếu ở thành phố Đồng Hới; dự kiến cần phải xây dựng 1.500 căn hộ, tương đương 105.000m2 sàn (70m2/căn hộ).
3.6. Phát triển nhà ở thương mại
Nhà ở thương mại tập trung phát triển ở thành phố Đồng Hới (các đô thị khác và vùng nông thôn phát triển khi các nhà đầu tư có nhu cầu); phấn đấu đến 2015 trên 50% sàn nhà xây mới tại Đồng Hới được phát triển theo các dự án nhà ở, Khu Đô thị mới.
Các dự án nhà ở thương mại được phát triển theo 3 loại nhà :
(1) nhà chung cư căn hộ khép kín; (2) nhà biệt thự; (3) nhà riêng lẻ xây liền kề; trong một dự án có thể có 1 hoặc 2 hoặc 3 loại hình nhà trên. Căn hộ chung cư có diện tích sàn xây dựng không thấp hơn 70m2; nhà ở riêng lẻ liền kề có diện tích xây dựng không thấp hơn 50m2 và chiều ngang mặt tiền không nhỏ hơn 5m; nhà biệt thự xây không quá 3 tầng và diện tích xây dựng không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất, phấn đấu số nhà biệt thự chiếm khoảng 10% số căn xây mới tại Đồng Hới trong giai đoạn 2011 đến 2015.
Dự kiến đến 2015, tại Đồng Hới cần xây mới 881.300m2 sàn nhà. Trong đó, các dự án nhà ở thu nhập thấp khoảng: 105.000m2; các dự án nhà chung cư thương mại khoảng: 248.920m2; các dự án nhà liền kề khoảng 136.000m2; nhà biệt thự khoảng 715 căn; còn lại 320.000m2 thực hiện theo cơ chế cá nhân tự xây dựng.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CƠ BẢN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
4.1. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách
Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện có của tỉnh liên quan đến quản lý và phát triển nhà ở, cụ thể:
Hằng năm ban hành chỉ tiêu phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện và phải được xác định đó là một trong các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về nhà ở, kinh doanh bất động sản; tổ chức rà soát để bãi bỏ, thay thế hoặc bổ sung các quy định không còn phù hơp hoặc trái với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Ban hành cơ chế ưu đãi về đất đai, tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội phù hợp với các quy định của Chính phủ, nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm phát triển và quản lý có hiệu quả quỹ nhà ở xã hội. Xúc tiến thành lập quỹ phát triển nhà ở để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội. Nghiên cứu mô hình, tổ chức thành lập tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý quỹ nhà ở xã hội.
Rà soát cải cách hành chính để đơn giản hóa trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường GPMB, giao đất, cho thuê đất để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Nghiên cứu quy định cho phép áp dụng hình thức cho thuê đất để đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là xây dựng nhà ở để cho thuê; quy định cụ thể về việc thu hồi đất hai bên đường khi giải phóng mặt bằng làm đường giao thông để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất nhằm điều tiết được chênh lệch địa tô do Nhà nước đầu tư hạ tầng; điều chỉnh cách tính giá đất và thu tiền sử dụng đất để giảm tỷ lệ giá đất trong cơ cấu giá thành nhà ở phù hợp với điều kiện thu nhập của nhân dân.
Tăng cường và củng cố công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực nhà ở, kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức tư vấn và doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực phát triển và quản lý nhà ở. Xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ, tin cậy, minh bạch và dễ tiếp cận làm công cụ để quản lý và định hướng thị trường nhà ở phát triển ổn định, lành mạnh.
4.2. Giải pháp về quy hoạch-kiến trúc-hạ tầng kỹ thuật
Tập trung đẩy mạnh công tác lập, xét duyệt quy hoạch xây dựng, đặc biệt là quy hoạch chi tiết và quản lý xây dựng theo quy hoạch tại các đô thị, nhất là Quy hoạch chung điều chỉnh thành phố Đồng Hới; đẩy mạnh công tác lập quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch đối với các điểm dân cư nông thôn để có cơ sở quản lý việc phát triển nhà ở theo quy hoạch.
Khi lập quy hoạch khu đô thị, khu nhà ở mới phải bảo đảm nguyên tắc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, tận dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện có, gắn kết chặt chẽ giữa khu vực phát triển mới và đô thị hiện có, quy hoạch phải bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; bảo đảm sự đồng bộ và hoàn thiện về hệ thống các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ đô thị; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Thực hiện nghiêm quy định về việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung phải gắn với quy hoạch các điểm dân cư và khu nhà ở phục vụ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Nghiên cứu ứng dụng và phổ biến rộng rãi các mẫu nhà ở cho các đô thị của tỉnh phù hợp với chức năng, tính chất của từng đô thị và điều kiện tự nhiên, khi hậu, văn hóa, phong tục tập quán của địa phương; thực hiện tốt việc hướng dẫn xây dựng nhà ở theo mẫu; kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với kiến trúc truyền thống, giữ gìn bản sắc kiến trúc của địa phương.
Quy định bắt buộc về cơ cấu tỷ lệ các loại nhà ở theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê khi lập quy hoạch, phê duyệt dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dưới nhiều hình thức và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn doanh nghiệp thông qua đấu thầu chủ đầu tư các dự án hạ tầng, ... đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phải là yếu tố có trước, đồng bộ, thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở từ các nhà đầu tư. Kết hợp đầu tư hạ tầng giao thông với khai thác tiềm năng đất đai; thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất tại những vị trí thuận lợi sau khi đầu tư đường giao thông để huy động vốn từ quỹ đất cho đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các đối tượng xã hội giải quyết nhà ở, khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở không đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật.
4.3. Giải pháp về tài chính, thu hút đầu tư
Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ Trung ương, lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng, phát triển nhà ở.
Thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi đối với các loại hình dự án phát triển nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với các chương trình nhà ở xã hội, thực hiện cho vay 1 phần và trả chậm với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Huy động đa dạng các nguồn vốn để phát triển nhà ở, đặc biệt là vốn của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và vốn của cộng đồng dân cư, người có nhu cầu về nhà ở; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà theo quy định của pháp luật.
Rà soát quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý, quy hoạch và tổ chức đấu giá tạo nguồn quỹ phát triển đô thị và nhà ở.
Đối với các dự án do các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng: Nhà nước hỗ trợ bằng cách thực hiện việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng bên ngoài công trình, đền bù giải phóng mặt bằng, san nền.
Nghiên cứu thành lập Quỹ tín thác bất động sản để huy động vốn nhàn rỗi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ thông qua phát hành chứng chỉ quỹ và đầu tư vào lĩnh vực nhà ở; Quỹ tiết kiệm nhà ở nhằm hỗ trợ cho người có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập hạn chế; Quỹ phát triển nhà ở từ nguồn thu tiền bán, cho thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; tiền sử dụng đất thu được của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
4.4. Giải pháp về đất đai và thị trường bất động sản
Thực hiện tốt việc lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất trên toàn tỉnh giai đoạn đến 2020 và năm năm đầu kỳ, từ 2010-2015, trong đó chú ý đến đất để phát triển nhà ở, khu dân cư, khu đô thị mới. Quy hoạch các khu đất phục vụ tái định cư, di dời trong các trường hợp giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho người dân thuộc diện di dời. Dành diên tích đất phù hợp để phát triển nhà ở xã hội tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Nghiên cứu áp dụng quy định về việc đóng góp tài chính để phát triển quỹ đất và nhà ở xã hội đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha.
Nghiên cứu áp dụng cơ chế cho phép người có quyền sử dụng đất được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở.
Xây dựng và công bố chỉ số giá bất động sản và nhà ở
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về giao dịch qua sàn đối với các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở. Thực hiện chế tài không đăng ký quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với các bất động sản không giao dịch đúng theo quy định của pháp luật; có chính sách khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tham gia giao dịch mua bán, cho thuê nhà ở thông qua sàn giao dịch bất động sản;
Quy định việc thông báo công khai thông tin, lấy ý kiến góp ý của người dân có liên quan trong tất cả quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trụ sở cơ quan nhà nước để người dân dễ tiếp cận, kiểm tra, giám sát và có thể trực tiếp mua nhà ở với các chủ đầu tư, tránh đầu cơ.
Đẩy nhanh tốc độ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở để các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện phát triển và quản lý có hiệu quả thị trường bất động sản nhà ở.
4.5. Giải pháp về khoa học Kỹ thuật-công nghệ
Nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng nhà ở bằng công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường như vật liệu không nung, vật liệu tái chế; các loại hình nhà ở sinh thái - nhà ở xanh, nhà ở tiết kiệm năng lượng và thân thiên môi trường.
I- TRÁCH NHIỆM CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHÍNH SÁCH VỀ NHÀ Ở VÀ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TỈNH
Thực hiện theo nhiệm vụ đã được phê duyệt trong đề án tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh; Chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cụ thể hằng năm và giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.
II- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, NGÀNH
Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh, có nhiệm vụ sau:
Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm Pháp luật hướng dẫn về nhà ở, kinh doanh bất động sản trình cấp có thẩm quyền ban hành và rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh bãi bỏ, thay thế các văn bản không còn phù hợp hoặc trái Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy phạm Pháp luật khác.
Xây dựng chỉ tiêu và lập kế hoạch đầu tư phát triển nhà ở hằng năm và thời kỳ theo đúng chương trình đề ra bổ sung vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình, quy hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn.
Tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu Đô thị mới, các khu dân cư, trong đó có nhà ở; công bố các quy hoạch để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu đầu tư; tổ chức hoặc phối hợp tổ chức để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tập trung.
Tổ chức lập các dự án lớn về nhà ở, nhất là các dự án nhà ở cho sinh viên, học sinh, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân trong trường hợp được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Xây dựng mô hình quản lý và quy chế kinh doanh, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Nghiên cứu và phổ biến các mẫu nhà ở phù hợp với đối tượng sử dụng và kiến trúc cảnh quan môi trường của từng khu vực.
Nghiên cứu đề xuất thành lập “Quỹ phát triển nhà ở ”, “ Quỹ tiết kiệm nhà ở”, “Quỹ tín thác nhà ở ” nhằm tập trung các nguồn vốn cho việc đầu tư xây dựng nhà ở; tham mưu ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ phát triển nhà ở của tỉnh theo quy định của pháp luật.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý và phát triển nhà ở của các địa phương.
Theo dõi, giám sát các tổ chức thi công xây dựng, phát triển nhà ở trên địa bàn nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tổ chức sơ kết từng đợt thực hiện chương trình phát triển nhà ở nhằm đề xuất các biện pháp, giải pháp bổ sung để thực hiện tốt chương trình phát triển nhà ở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Thu thập, quản lý, xử lý số liệu về nhà ở và thị trường bất động sản để báo cáo Ban chỉ đạo, UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo định kỳ và khi có yêu cầu.
Chủ trì và phối hợp với các ngành và địa phương có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối các nguồn ngân sách để bố trí vốn cho các dự án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu đô thị mới, cụm nhà ở sinh viên tập trung, các dự án nhà ở đầu tư bằng vốn ngân sách theo chương trình đề ra trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Ưu tiên các nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, cá nhân người nước ngoài để phát triển nhà ở cho người nghèo và người có thu nhập thấp.
Nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh các chế độ ưu đãi đầu tư phù hợp với tình hình địa phương để thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách tài chính, thuế phù hợp với đặc điểm của địa phương để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia chương trình phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm các nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để phục vụ xây dựng các dự án phát triển nhà ở sử dụng vốn ngân sách.
Phối hợp cùng với Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan xây dựng bảng giá nhà cho thuê; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp quản lý quỹ nhà ở do nhà nước đầu tư.
Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập kế hoạch sử dụng đất ngắn hạn và dài hạn cho công tác xây dựng nhà ở theo chương trình kế hoạch hằng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tham mưu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách ưu tiên về đất ở phục vụ chương trình phát triển nhà ở; cải tiến các thủ tục giao đất, cho thuê đất (có các chính sách ưu tiên, thuận lợi) cho nhân dân và các tổ chức kinh doanh phát triển nhà ở; hỗ trợ các nhà đầu tư về trình tự, thủ tục sử dụng đất đai và đánh giá tác động môi trường trong các dự án phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật.
Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan đánh giá, xác định nhu cầu về nhà ở của công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp; kết hợp việc quy hoạch các khu nhà ở công nhân trong đồ án quy hoạch các khu công nghiệp để có cơ sở thành lập, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở cho công nhân.
III- TRÁCH NHIỆM CỦA UBND CÁC HUYỆN VÀ THÀNH PHỐ
Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn.
Tổ chức điều tra, thống kê nhu cầu nhà ở cho từng đối tượng; lập kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm, 5 năm trên địa bàn trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt và có trách nhiệm triển khai chương trình phát triển nhà ở, thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực nhà ở trên địa bàn.
Phối hợp với Sở Xây dựng lập và thực hiện quy hoạch chi tiết, thiết kế xây dựng đô thị và nông thôn trên địa bàn phục vụ cho việc phát triển nhà ở; tổ chức lập và phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
Tổ chức triển khai thực hiện và hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án phát triển nhà ở.
Củng cố, tăng cường tổ chức, bộ máy cơ quan liên quan trực thuộc đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ.
Tổng hợp kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn gửi Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ./.
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, KHÁI TOÁN KINH PHÍ VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÀ Ở TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình
I. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN VÀ KHÁI TOÁN KINH PHÍ
TT |
Dự án |
Quy mô |
Khái toán kinh phí (tỷ đồng) |
I |
NHÀ Ở SINH VIÊN |
|
|
1 |
Cụm nhà ở sinh viên tập trung tại thành phố Đồng Hới (2 cụm) |
70.000m2 sàn xây dựng |
482,0 |
II |
NHÀ Ở CÔNG NHÂN |
|
|
1 |
Nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp Tây Bắc và Bắc Đồng Hới |
54.446m2 sàn xây dựng |
374,0 |
2 |
Nhà ở cho công nhân tại KKT Hòn La ( tính chung cho cả 2 KCN là Cảng biển HL và HL II) |
115.510m2 sàn xây dựng |
794,0 |
III |
NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO |
|
|
1 |
Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở (Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của TTCP) |
4.500 nhà |
135,0 |
2 |
Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực có lũ lụt. |
18.000 nhà |
540,0 |
IV |
NHÀ Ở CHO NGƯỜI THU NHẬP THẤP TẠI ĐÔ THỊ. |
|
|
1 |
Dự án nhà ở TNT tại khu vực phía Bắc đường Trần Quang Khải-Đồng Hới |
80.000m2 sàn xây dựng |
550,0 |
2 |
Dự án nhà ở TNT tại Khu dân cư đường Phan Đình Phùng, gần ngã 3 Phú Quý. |
100.000m2 sàn xây dựng |
687,0 |
V |
NHÀ Ở THƯƠNG MẠI |
|
|
1 |
Khu Đô thị mới Bảo Ninh |
Diện tích đất: 55ha; diện tích sàn nhà CC: 165.000m2; diện tích sàn nhà BT:82.500m2; nhà liền kề: 68.750m2. |
2535,0 |
2 |
Khu Đô thị mới Phú Hải |
Diện tích đất: 28ha; diện tích sàn nhà CC: 84.000m2; diện tích sàn nhà BT:42.000m2; nhà liền kề: 35.000m2. |
1291,0 |
3 |
Khu nhà ở tại phường Đức Ninh Đông |
Diện tích đất: 9,2ha; diện tích sàn nhà CC: 124.200m2; diện tích sàn nhà BT: 32.400m2. |
1850,0 |
4 |
Khu biệt thự tại Khu dân cư phía Bắc Đường Lê Lợi |
Diện tích sàn nhà BT: 34.500m2. |
388,0 |
5 |
Khu biệt thự tại Khu phía Bắc Đường Trần Quang Khải |
Diện tích sàn nhà BT: 42,000m2. |
473,0 |
6 |
Khu biệt thự tại KDC Đường Phan Đình Phùng gần ngã 3 Phú Quý. |
Diện tích sàn nhà BT: 18,000m2. |
203,0 |
7 |
Khu biệt thự tại KĐTM phía Tây sông Cầu Rào thuộc phường Nam Lý và Đức Ninh Đông |
Diện tích sàn nhà BT: 9,000m2. |
101,0 |
8 |
Khu nhà ở liền kề tại Khu vực phường Đức Ninh Đông (trong QHCTXD phường Đức Ninh Đông và Trung tâm xã Đức Ninh). |
Dự kiến đất phân lô xây nhà liền kề: 6,5ha; diện tích sàn xây dựng: 162.500m2. |
1117,0 |
TT |
Dự án |
Khái toán kinh phí (tỷ đồng) |
Phân ra theo nguồn vốn |
|||
Ngân sách TW |
Ngân sách địaphương |
Vốn vay ngân hàng CS-XH |
Vốn các tổ chức, thành phần kinh tế khác |
|||
1 |
Nhà ở sinh viên |
482,0 |
361,5(75%) |
120,5(25%) |
- |
- |
2 |
Nhà ở công nhân |
1168,0 |
|
116,8(10%) |
|
1051,2(90%) |
3 |
Nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở |
135,0 |
45,0(33,3%) |
- |
45,0(33,3%) |
45,0(33,3%) |
4 |
Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực có lũ lụt. |
540,0 |
180,0(33,3%) |
- |
180,0(33,3%) |
180,0(33,3%) |
5 |
Nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị. |
1237,0 |
- |
123,7(10%) |
- |
1113,3(90%) |
6 |
Nhà ở thương mại |
7.958,0 |
- |
- |
- |
7.958,0(100%) |
Tổng cộng |
11.520 |
586,5 |
361,0 |
225,0 |
10.347,5 |
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2021 về dừng thực hiện thành lập Tổ Công tác liên ngành Ban hành: 10/02/2021 | Cập nhật: 10/02/2021
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2020 sửa đổi Nghị quyết 97/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước Ban hành: 26/02/2020 | Cập nhật: 28/02/2020
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2019 thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số Ban hành: 13/03/2019 | Cập nhật: 18/03/2019
Nghị quyết 18/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2018 Ban hành: 08/03/2018 | Cập nhật: 12/03/2018
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2016 ký Nghị định thư 2 về Chỉ định cửa khẩu biên giới thuộc Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh Ban hành: 26/02/2016 | Cập nhật: 01/03/2016
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2013 phê duyệt Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật giữa Việt Nam và I-xra-en Ban hành: 07/02/2013 | Cập nhật: 23/02/2013
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2012 ký kết Hiệp định về hợp tác du lịch Việt Nam và Ma-rốc Ban hành: 12/06/2012 | Cập nhật: 14/06/2012
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về thông qua kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước năm 2012 Ban hành: 16/12/2011 | Cập nhật: 17/05/2013
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2012 Ban hành: 09/12/2011 | Cập nhật: 29/09/2012
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2012 Ban hành: 17/12/2011 | Cập nhật: 09/07/2015
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Cà Mau do Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa VIII, kỳ họp thứ 2 ban hành Ban hành: 09/12/2011 | Cập nhật: 24/12/2011
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015 Ban hành: 14/12/2011 | Cập nhật: 03/07/2015
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức và chính sách thu hút, khuyến khích người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh An Giang Ban hành: 09/12/2011 | Cập nhật: 07/08/2014
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND quy định chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội Ban hành: 12/12/2011 | Cập nhật: 05/03/2013
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND Quy định một số mức chi cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật Ban hành: 08/12/2011 | Cập nhật: 16/05/2013
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND thông qua phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2012 tỉnh Bạc Liêu Ban hành: 11/12/2011 | Cập nhật: 15/05/2013
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI, kỳ họp thứ 3 ban hành Ban hành: 09/12/2011 | Cập nhật: 12/11/2012
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2011 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh năm 2012 Ban hành: 09/12/2011 | Cập nhật: 26/06/2014
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về trích tiền sử dụng đất, tiền đấu giá quyền sử dụng đất để thành lập Quỹ phát triển nhà ở và phát triển đất tỉnh Khánh Hòa Ban hành: 07/12/2011 | Cập nhật: 23/09/2015
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk Ban hành: 30/08/2011 | Cập nhật: 31/05/2018
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVI, kỳ họp thứ 3 ban hành Ban hành: 18/10/2011 | Cập nhật: 24/11/2011
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách tập trung Nhà nước giai đoạn 2012 - 2015 Ban hành: 31/08/2011 | Cập nhật: 08/07/2014
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm và phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 2 ban hành Ban hành: 16/08/2011 | Cập nhật: 28/10/2011
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVII, kỳ họp thứ 2 ban hành Ban hành: 18/08/2011 | Cập nhật: 07/09/2011
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 Ban hành: 12/08/2011 | Cập nhật: 23/07/2013
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm 2011 do Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Ban hành: 05/08/2011 | Cập nhật: 17/08/2012
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND đẩy mạnh phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 Ban hành: 22/07/2011 | Cập nhật: 10/07/2012
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2015 Ban hành: 16/07/2011 | Cập nhật: 31/03/2015
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND thông qua Đề án đề nghị công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nam Định Ban hành: 15/07/2011 | Cập nhật: 24/08/2015
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách địa phương tỉnh Sóc Trăng năm 2011 Ban hành: 15/07/2011 | Cập nhật: 11/08/2014
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010 Ban hành: 20/07/2011 | Cập nhật: 23/05/2013
Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND phê chuẩn điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương tỉnh Hải Dương năm 2009 Ban hành: 21/06/2011 | Cập nhật: 02/07/2014
Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật nhà ở Ban hành: 23/06/2010 | Cập nhật: 28/06/2010
Nghị quyết 18/NQ-CP năm 2010 về giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% Ban hành: 06/04/2010 | Cập nhật: 07/04/2010
Quyết định 65/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê Ban hành: 24/04/2009 | Cập nhật: 29/04/2009
Nghị quyết số 18/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị Ban hành: 20/04/2009 | Cập nhật: 28/04/2009
Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở Ban hành: 12/12/2008 | Cập nhật: 15/12/2008
Quyết định 76/2004/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển nhà ở đến năm 2020 Ban hành: 06/05/2004 | Cập nhật: 03/12/2011
Nghị quyết số 18/NQ-CP về việc phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010 Ban hành: 11/03/1994 | Cập nhật: 07/09/2011