Quyết định 29/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 29/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Ngọc Thọ
Ngày ban hành: 29/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 29/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 29 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Thông tư số 33/2012/TT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Bộ Công Thương Quy định về lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế mỏ, dự án đầu tư xây dựng mỏ khoáng sản rắn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 116//TNMT-KS ngày 23 tháng 02 năm 2013 về việc đề nghị ban hành Quy định quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Quyết định 2651/2008/QĐ-UBND ngày 22/11/2008 của UBND tỉnh về ban hành Quy định việc quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động -  Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố Huế và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (B/c);
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp
- TVTU; TT HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh; Tòa án Nhân dân tỉnh;
- Bộ CHQS tỉnh; Bộ ĐBP tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- VP: Các PCVP và các CV;
Cổng Thông tỉnh Điện tử TT Huế;
- Lưu VT, ĐC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2013/QĐ-UBND Ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản;

2. Tổ chức làm nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản;

3. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản (bao gồm khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản);

4. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Chương 2.

BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN

Điều 3. Khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

Thực hiện theo Quy định tại Điều 28 của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010 và Quyết định số 06/2011/QĐ-UBND ngày 04 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 4. Bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản.

Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò khoáng sản phải đánh giá tổng hợp và báo cáo đầy đủ các loại tài nguyên khoáng sản đã phát hiện được trong khu vực được phép thăm dò cho Sở Tài nguyên và Môi trường và đảm bảo không gây tổn thất tài nguyên khoáng sản.

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải được quản lý, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả trước mắt và lâu dài; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; ưu tiên cho các dự án thăm dò, khai thác gắn liền với chế biến sâu trên địa bàn tỉnh có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; hạn chế tối đa và hướng tới chấm dứt việc khai thác khoáng sản để xuất bán dưới dạng nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế.

Trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hoặc đối với khu vực có dự án xây dựng công trình nếu phát hiện khoáng sản hoặc khoáng sản mới, tổ chức, cá nhân phải báo cáo ngay cho Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý theo thẩm quyền và phải chịu trách nhiệm bảo quản nguồn tài nguyên mới phát hiện này trong thời gian chờ Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giải quyết theo các quy định của pháp luật; trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư;

Chương 3.

CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 5. Xây dựng kế hoạch hoạt động khoáng sản hàng năm.

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản:

Căn cứ vào kế hoạch phát triển sản xuất của đơn vị, hàng năm vào quý III, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) các khu vực xin thăm dò mới, thăm dò bổ sung đối với các khu vực đã được cấp giấy phép khai thác, khai thác mỏ mới hoặc nâng công suất khai thác đối với mỏ đã được cấp phép. Trong đó nêu rõ diện tích, công suất khai thác dự kiến tương ứng với từng mỏ cho năm tiếp theo.

Khi khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép; phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản đã khai thác nhưng chưa sử dụng hoặc khoáng sản chưa thu hồi được.

2. UBND cấp huyện.

Căn cứ vào kế hoạch xây dựng các công trình giao thông nông thôn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện để lựa chọn các khu vực khai thác khoáng sản đã được quy hoạch; nêu cụ thể vị trí, diện tích và công suất khai thác đáp ứng cho công trình, đề xuất lộ trình khai thác và đơn vị thực hiện khai thác gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép trước ngày 30/9 hàng năm để đưa vào kế hoạch cấp phép.

Đối với các khu vực mới phát hiện chưa được đưa vào quy hoạch khoáng sản, UBND cấp huyện phải có tờ trình đề nghị bổ sung về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

3. Các Sở, ngành có liên quan

Căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn và nhu cầu sử dụng khoáng sản, hàng năm trước ngày 30/9 gửi báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, cân đối, tham mưu UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền.

Trường hợp trong phạm vi diện tích khu vực thực hiện dự án có nguồn khoáng sản đảm bảo cung cấp cho việc thi công công trình, các Sở, ngành và địa phương chủ quản phải yêu cầu đơn vị thi công tiến hành đăng ký khối lượng khai thác, san lấp và quy trình khai thác với Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi tiến hành thực hiện theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản sau khi được cấp giấy phép:

1. Hoàn chỉnh các thủ tục quy định về đất đai và môi trường; các hồ sơ pháp lý và thông báo kế hoạch khai thác cho Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi mỏ được cấp phép.

2. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có mỏ tổ chức cắm mốc, xác định ranh giới khu mỏ tại thực địa;

3. Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản tại Quỹ Bảo vệ môi trường theo quy định.

4. Lập thiết kế mỏ phù hợp với dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ và thông báo bằng văn bản về trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của Giám đốc điều hành mỏ về Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương.

Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ các quy định của pháp luật về khoáng sản, xem xét, trả lời cho doanh nghiệp việc chấp thuận hay không chấp thuận đề nghị của doanh nghiệp.

6. Lập hồ sơ xin cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các mỏ khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác tại mỏ.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trong quá trình hoạt động khai thác mỏ

1. Báo cáo định kỳ kết quả hoạt động khoáng sản theo quy định tại điều 7 Nghị định 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012.

2. Thực hiện đúng các nội dung tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

3. Nộp thuế, phí bảo vệ môi trường, tiền thuê đất và khoản thu theo quy định;

4. Thực hiện việc khai thác mỏ đúng thiết kế kỹ thuật hoặc phương án khai thác đã được duyệt theo quy định.

5. Phục hồi môi trường khu vực mỏ theo phương án được duyệt;

6. Thực hiện đầy đủ các quy định:

a) Nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lệ phí cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ về tài chính khác theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ;

c) Đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với Sở Tài nguyên và Môi trường; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện;

d) Khai thác tối đa khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường;

đ) Thu thập, lưu giữ thông tin về kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản và khai thác khoáng sản;

e) Bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

g) Đóng cửa mỏ, phc hồi môi trưng đất đai khi Giấy phép khai thác khoáng sn hết hiệu lc;

i) Trách nhiệm khác theo quy định của pp luật.

Điều 8. Thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản

Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi trong các trường hợp quy định tại khoản 1,2,3,4 Điều 58 Luật Khoáng sản.

Điều 9. Trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác quản lý  và bảo vệ tài nguyên khoáng sản

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Công bố các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Chủ trì công bố công khai quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở: Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (đối với khu vực biên giới) xác định khu vực hoạt động khoáng sản trước khi tham mưu UBND tỉnh chấp thuận vị trí khai thác (đối với mỏ nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thì do Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô chủ trì khi được phân cấp);

d) Làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, lấy ý kiến các ngành và địa phương liên quan, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết cấp, gia hạn, thu hồi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu và khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình; chấp thuận trả lại Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản, Giấy phép khai thác tận thu và khai thác đất để san lấp, xây dựng công trình, trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh có ý kiến về các trường hợp xin cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; (Nộp hồ sơ cho BQL KKT Chân Mây - Lăng Cô đối với mỏ nằm trong khu vực BLQ quản lý khi được phân cấp).

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thẩm định báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản; trong trường hợp cần thiết tham mưu UBND tỉnh quyết định.

e) Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các xã, phường, thị trấn xác định cụ thể các khu vực quy hoạch ngoài thực địa làm cơ sở theo dõi việc triển khai quy hoạch và quản lý chặt chẽ các hoạt động khoáng sản theo quy hoạch.

g) Công tác thanh tra, kiểm tra:

+ Thanh tra, kiểm tra điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản đối với các giấy phép thăm dò thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

+ Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật có liên quan;

+ Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nội dung ghi trong giấy phép thăm dò, khai thác;

+ Thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông, hồ theo các nội dung: vị trí khai thác, độ sâu khai thác, việc đảm bảo khoảng cách an toàn các công trình... khi khai thác;

+ Kiểm tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong khai thác và việc phục hồi môi trường sau khai thác theo quy định;

+ Kiểm tra kết quả hoạt động khai thác tại mỏ và việc thực hiện các nghĩa vụ nhà nước theo quy định;

+ Chủ trì hoặc phối hợp với UBND cấp huyện, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và cơ quan liên quan kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép khi phát hiện hoặc có phải ánh của nhân dân;

+ Xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và khi được UBND tỉnh ủy quyền.

h) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về quản lý tài nguyên khoáng sản, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ dữ liệu về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh;

i) Tiếp nhận báo cáo định hàng năm về tình hình hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi sao bản báo cáo cho Sở Công Thương, Sở Xây dựng để phối hợp quản lý.

2. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) có trách nhiệm:

a) Đảm bảo an ninh trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân, tài sản của Nhà nước và công dân tại khu vực khai thác khoáng sản;

Trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực khai thác khoáng sản, sử dụng cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan khác cho các tổ chức, cá nhân được phép hoạt động khoáng sản;

b) Tuyên truyền, giáo dục và giám sát việc thi hành pháp luật về khoáng sản; tham gia giải quyết tranh chấp về hoạt động khoáng sản và thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền;

c) Quy hoạch khu tái định cư và phương án sinh kế cho các đối tượng bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác, chế biến;

d) Tổ chức lực lượng chủ động kiểm tra và xử lý đối với các hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp trên địa bàn theo thẩm quyền, trường hợp vụ việc vượt quá thẩm quyền xử lý của UBND cấp mình hoặc có dấu hiệu vi phạm luật hình sự thì phải chuyển cho cấp trên hoặc cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật;

đ) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các khu vực có giấy phép khai thác khoáng sản;

e) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác ở địa phương, kết hợp với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên khác;

g) Chủ trì kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương, đặc biệt trong các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, các khu vực dự trữ khoáng sản đã được khoanh định theo quy định của Luật Khoáng sản; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm. Các trường hợp vượt thẩm quyền xử lý thì lập biên bản tại hiện trường, chuyển đến Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý theo quy định;

h) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Phòng Tài nguyên và Môi trường  giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản.

3. UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) chịu trách nhiệm chính trong việc:

a) Theo dõi thực hiện quy hoạch và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác tại địa phương;

b) Kiểm tra, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại địa phương;

c) Thông báo kịp thời cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện để phối hợp xử lý dứt điểm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn;

d) Tham gia phối hợp xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;

đ) Giám sát việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa phương mình; trường hợp phát hiện đơn vị được cấp giấy phép khai thác vượt phạm vi ranh giới cho phép thì tiến hành lập biên bản vi phạm và báo cáo về UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý;

e) Chịu trách nhiệm kiểm tra các quy định về trật tự công cộng, về quản lý nhân khẩu của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn do mình quản lý;

g) Tổ chức lực lượng, chủ động trong công tác kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương;

h) Báo cáo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường về các trường hợp vượt quá thẩm quyền để được phối hợp xử lý kịp thời;

i) Vận động nhân dân cùng tham gia giám sát, kịp thời thông báo hoặc tố cáo những hành vi vi phạm trong việc quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

4. Các Sở, ngành liên quan:

Theo chức năng nhiệm vụ được phân công, khi rà soát các quy hoạch để điều chỉnh, phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân vùng hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt, đảm bảo điều chỉnh quy hoạch theo hướng sử dụng đất có hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất, đồng thời sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản và đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch.

Trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định đầu tư mới các dự án của ngành tại các khu vực trên địa bàn tỉnh phải lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường về tài nguyên khoáng sản trong khu vực thực hiện dự án để báo cáo tham mưu UBND tỉnh quyết định việc khai thác hoặc không khai thác; quyết định tiến độ trong trường hợp khai thác nhằm bảo đảm kế hoạch thực hiện dự án và tránh lãng phí tài nguyên.

a) Sở Công Thương:

- Tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ theo thẩm quyền;

- Kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản;

- Kiểm tra các vấn đề liên quan đến dây chuyền công nghệ và thiết bị khai thác và các vấn đề kỹ thuật trong hoạt động khai thác;

- Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tài nguyên khoáng sản đã được duyệt đối với các khu vực hoạt động khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;

- Tham gia ý kiến đối với Thiết kế cơ sở của các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản thuộc nhóm B, C xây dựng tại địa phương và quy định của Bộ Công Thương về thẩm tra thiết kế công trình.

- Có ý kiến bằng văn bản về thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án mỏ khoáng sản rắn (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu cho sản xuất xi măng) không phải lập Dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ và không lập Thiết kế cơ sở.

- Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường trong các đợt kiểm định kỳ và đột xuất.

b) Sở Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và UBND các huyện, thành phố lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh;

- Kiểm tra việc thực hiện quy hoạch tài nguyên khoáng sản đã được duyệt đối với các khu vực hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;

- Tham gia ý kiến đối với Thiết kế cơ sở của các Dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu cho sản xuất xi măng thuộc nhóm B, C xây dựng tại địa phương và quy định đối với xây dựng về thẩm tra thiết kế công trình.

- Có ý kiến bằng văn bản về thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu cho sản xuất xi măng không phải lập Dự án đầu tư xây dựng công trình mà chỉ lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình mỏ và không lập Thiết kế cơ sở.

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất.

c) Sở Giao thông - Vận tải:

- Quản lý các tuyến đường vận chuyển khoáng sản, công tác đấu nối giữa các tuyến đường vận chuyển khoáng sản với các tuyến đường trong phạm vi quản lý;

- Kiểm tra việc thực hiện các dự án nạo vét, chỉnh trị luồng trên hệ thống các sông trong địa bàn tỉnh. Xử lý các vi phạm hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền;

- Thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động mở bến bãi kinh doanh khoáng sản trên hệ thống các sông trong địa bàn tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt. Xử lý nghiêm các bến bãi kinh doanh khoáng sản có nguồn gốc bất hợp pháp;

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Theo dõi các tổ chức đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoạt động khoáng sản, nếu phát hiện vi phạm các nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư thì tham mưu xử lý theo đúng quy định của pháp luật;

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường trong các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất.

đ) Sở Tài chính:

 Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh trong việc tổ chức thu, quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, lệ phí cấp phép hoạt động  khoáng sản, lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản theo quy định. Bố trí kinh phí cho công tác bảo v khoáng sản chưa khai thác cho các địa phương trong d toán ngân sách n nước hằng năm.

e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

- Kiểm tra vấn đề an toàn lao động và vệ sinh lao động trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản;

- Phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra các vấn đề liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp.

g) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường trong các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất.

h) Công an tỉnh:

- Kiểm tra các hoạt động vận chuyển tài nguyên khoáng sản đường sông và đường bộ trên địa bàn tỉnh về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Xử lý các vi phạm theo phạm vi quyền hạn của ngành hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền, đặc biệt là các hoạt động bơm hút cát trái phép trên sông.

- Điều tra các hành vi vi phạm để xử lý theo chức năng hoặc đề xuất xử lý vi phạm theo thẩm quyền;

- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra các hoạt động khai thác khi có yêu cầu và các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh;

- Hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, công tác liên quan đến vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

- Phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý kịp thời có hiệu quả tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

i) Cục Thuế tỉnh:

- Hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản theo đúng quy định;

- Căn cứ quy mô sản lượng cho phép khai thác để xác định khoản thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với từng tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và kiểm tra, thanh tra việc kê khai, thực hiện. Xử lý các vi phạm hành chính trong việc nộp phí theo thẩm quyền;

- Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cở sở khai thác khoáng sản và đối tượng khác cung cấp theo chế quy định;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính trong thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp về việc thu, nộp các loại thuế, hợp đồng liên doanh, liên kết, chứng từ hóa đơn (kể cả tại khai trường)...; đề xuất biện pháp chống thất thu thuế, thất thoát tài nguyên trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản.

k) Các Sở, ngành khác:

Các Sở, ngành khác, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải thông báo ngay với Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp xử lý kịp thời.

5. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản:

Chỉ được phép hoạt động khoáng sản trong giấy phép được cấp; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trong khu vực hoạt động của mình. Báo cáo ngay cho UBND cấp xã, UBND cấp huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường các hoạt động vi phạm pháp luật về khoáng sản thuộc khu vực mình quản lý nếu không ngăn chặn được các hành vi vi phạm.

Điều 10. Quyền hạn của các cấp, các ngành trong thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản

1. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ:

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra định kỳ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

2. Đối với công tác kiểm tra đột xuất:

a) Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp xã kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử  lý các trường hợp khai thác khoáng sản không có giấy phép thuộc địa bàn mình quản lý, áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

b) Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các Sở ngành, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý ngay khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản theo thẩm quyền được quy định của Pháp luật.

c) Thanh tra các Sở, ngành khác kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan trong lĩnh vực khoáng sản theo thẩm quyền hoặc phối hợp với Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý theo quy định.

d) Công an tỉnh, các sở, ngành có liên quan cử cán bộ, công chức có trách nhiệm, đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ tham gia phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã để xử lý, giải quyết, ngăn chặn kịp thời các hành vi trái phép về khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản. Sở Tài nguyên và Môi trường phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh kết quả giải quyết, xử lý.

đ) Trường hợp đột xuất khi có yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương phải kịp thời cử cán bộ, công chức để phối hợp kiểm tra, xử lý.

e) Đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản vượt quá thẩm quyền, chủ tịch UBND cấp huyện, Thanh tra sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định.

Chương 4.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các quy định trên được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 12. Xử lý vi phạm

Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm bằng hình thức xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại về vật chất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý hoặc không báo cáo kịp thời theo quy định nêu trên, Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động -  Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Qui định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý./.





Nghị định 15/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản Ban hành: 09/03/2012 | Cập nhật: 13/03/2012