Quyết định 2584/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 - Nội dung phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt
Số hiệu: 2584/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Trần Châu
Ngày ban hành: 01/08/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2584/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 01 tháng 8 năm 2018

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035 - NỘI DUNG PHÂN BỔ VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC MẶT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Thông tư số 42/2015/TT-BTNMT ngày 29 tháng 9 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định kỹ thuật quy hoạch tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định thông qua Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 - Nội dung phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 465/TTr- STNMT ngày 08 tháng 6 năm 2018 và Tờ trình số 635/TTr-STNMT ngày 01 tháng 8 năm 2018,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Bình Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 - Nội dung phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt với các nội dung chủ yếu sau:

 

I. Quan điểm quy hoạch

Phù hợp với điều kiện tự nhiên, định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch các địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hợp tác, chia sẻ lợi ích, đảm bảo hài hòa, hợp lý trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Hướng đến khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực. Định hướng cho công tác quản lý, thẩm định, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành, các dự án có liên quan đến khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

 

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung: Phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Bình Định đáp ứng các nhu cầu sử dụng nước; bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước mặt phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.

2. Mục tiêu cụ thể:

a. Phân bổ nguồn nước: Đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của các ngành trong kỳ quy hoạch. Giai đoạn đến năm 2020 - 2025 - 2035 đáp ứng tổng nhu cầu sử dụng nước toàn tỉnh là: 1,26 - 1,35 - 1,48 tỷ m3/năm.

b. Bảo vệ tài nguyên nước: Đảm bảo mục tiêu chất lượng theo quy chuẩn hiện hành để phục vụ cho mục đích sử dụng nước sinh hoạt và các mục đích khác, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, môi trường đến năm 2025 - 2035.

c. Đến năm 2035 các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước được kiểm soát 100% theo quy định của pháp luật.

 

III. Nội dung chính của quy hoạch

1. Quy hoạch phân bổ nguồn nước mặt

Toàn tỉnh có trữ lượng nước mặt tiềm năng khoảng 9,34 tỷ m3 /năm.

a. Dự báo nhu cầu sử dụng nước:

- Đến năm 2020 là 1,26 tỷ m3.

- Đến năm 2025 là 1,35 tỷ m3.

- Đến năm 2035 là 1,48 tỷ m3.

b. Phân bổ nguồn nước theo các ngành:

 

 

- Giai đoạn đến năm 2020: Lượng nước phân bổ cho các ngành khoảng 1,211 tỷ m3/năm, trong đó: cho sinh hoạt 55,7 triệu m3; công nghiệp 159,83 triệu m3; nông nghiệp 924,52 triệu m3; thủy sản 56,63 triệu m3; các ngành khác 14,53 triệu m3; tỷ lệ nước mặt chiếm 93,2%, nước dưới đất chiếm 6,8%.

- Giai đoạn đến năm 2025: Lượng nước phân bổ cho các ngành khoảng 1,307 tỷ m3/năm, trong đó: cho sinh hoạt 64,43 triệu m3; công nghiệp 218,59 triệu m3; nông nghiệp 945,72 triệu m3; thủy sản 61,5 triệu m3; các ngành khác 17,19 triệu m3; tỷ lệ nước mặt chiếm 93%, nước dưới đất chiếm 7%.

- Giai đoạn đến năm 2035: Lượng nước phân bổ cho các ngành khoảng 1,433 tỷ m3/năm, trong đó: cho sinh hoạt 77,44 triệu m3; công nghiệp 322,91 triệu m3; nông nghiệp 943,24 triệu m3; thủy sản 68,44 triệu m3; các ngành khác 21,43 triệu m3; tỷ lệ nước mặt chiếm 93,2%, nước dưới đất chiếm 6,8%.

c. Nguồn nước phân bổ: Thuộc 51 sông, suối và các công trình hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện có và quy hoạch theo các giai đoạn đến năm 2020 là 167 hồ chứa, đến năm 2025 là 171 hồ chứa và đến năm 2035 là 198 hồ chứa (cụ thể như Phụ lục I đính kèm).

d. Nhu cầu chuyển nước: Tổng lượng nước thiếu vào mùa khô trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 52,3 triệu m3, đến năm 2025 là 40,7 triệu m3 và đến năm 2035 là 47,2 triệu m3. Các khu vực thiếu nước là đầm Trà Ổ, sông Thiện Chánh, hạ lưu sông Hà Thanh, thượng sông Lại Giang trước khi xây dựng hồ Đồng Mít.

Để giải quyết một phần lượng nước thiếu cho lưu vực đầm Trà Ổ, khu vực trung và hạ du sông Hà Thanh, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan và cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện duy tu, nâng cấp và xây dựng mới các công trình hồ chứa; hệ thống dẫn, chuyển nước tại các khu vực này để điều tiết nước nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng; chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước; đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc tưới, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

đ. Nguyên tắc phân bổ tài nguyên nước: Đảm bảo cung cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho tất cả các đối tượng sử dụng theo từng giai đoạn quy hoạch; tận dụng tối đa nguồn nước mặt. Ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo thứ tự: (1) Đảm bảo đủ nước sử dụng cho sinh hoạt cả về số lượng và chất lượng; (2) Đảm bảo dòng chảy tối thiểu để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh; (3) Đảm bảo yêu cầu nước cho phát triển công nghiệp, ưu tiên các KCN tập trung, CCN đóng góp giá trị kinh tế lớn cho tỉnh; (4) Đảm bảo cung cấp nước cho ngành nông nghiệp (bao gồm chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản).

 

2. Quy hoạch bảo vệ nguồn nước mặt

a. Quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hạn chế bị ô nhiễm, đáp ứng mục tiêu chất lượng nước cho các ngành, các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh:

- Giai đoạn đến năm 2020: Bảo vệ tài nguyên nước mặt đạt chất lượng cột A2 QCVN 08-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, đảm bảo chất lượng phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp tại 18 đoạn sông, suối; đạt chất lượng cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT, đảm bảo phục vụ cho mục đích cấp nước nông nghiệp tại các đoạn sông, suối còn lại.

- Giai đoạn 2025 - 2035: Bảo vệ tài nguyên nước mặt đạt chất lượng cột A2 QCVN 08-MT:2015/BTNMT, đảm bảo chất lượng phục vụ cấp nước sinh hoạt, công nghiệp tại 22 đoạn sông, suối; đạt chất lượng cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT phục vụ cho mục đích cấp nước nông nghiệp tại các đoạn sông, suối còn lại.

 

(cụ thể như Phụ lục II đính kèm)

b. Bảo vệ theo từng loại hình phát sinh nước thải

- Đến năm 2020 - 2025:

+ Nước thải công nghiệp: 85% cơ sở phát sinh nước thải phải có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nước thải y tế: 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, huyện, thị xã phải có hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nước thải sinh hoạt: 100% đô thị mới phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Nước thải chăn nuôi: 90% các cơ sở chăn nuôi thuộc trường hợp cấp phép xả nước thải phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

- Đến năm 2035: 100% các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị phát sinh nước thải thuộc trường hợp phải cấp phép phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất lượng nước thải trước khi xả vào nguồn tiếp nhận phải đạt thông số chất lượng nước cột A của các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

c. Bảo vệ nguồn sinh thủy tại 04 khu vực rừng đầu nguồn thuộc các huyện: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân; bảo vệ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các đầm trên địa bàn tỉnh; bảo tồn 08 nguồn nước có giá trị văn hóa, thể thao, di tích lịch sử: sông Gò Bồi, bến Trường Trầu phục vụ đua thuyền; hồ Mỹ Thuận, hồ Chánh Hùng, hồ Suối Chay, hồ Cửa Khâu, hồ Tường Sơn phục vụ lịch sử, văn hóa, cảnh quan Núi Bà; sông Trà Sơn phục vụ lịch sử văn hóa cảnh quan vườn Cam Nguyễn Huệ; sông Hầm Hô phục vụ di tích danh thắng Hầm Hô; suối Nga, suối Nước Miên, suối Nước Trinh phục vụ bảo tồn thiên nhiên và phòng hộ đầu nguồn xung yếu; đầm Thị Nại phục vụ dự trữ thiên nhiên; đầm Trà Ổ phục vụ khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh.

 

IV. Giải pháp thực hiện Quy hoạch:

1. Nhóm giải pháp về quản lý nhà nước:

- Xây dựng kế hoạch định kỳ rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy chế phối hợp phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ tài nguyên nước.

- Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý; xây dựng và triển khai kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp phân tán gần khu dân cư tập trung, gần nguồn nước cần bảo vệ.

- Lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các sông, suối, hồ chứa trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

- Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước cần bảo tồn, bảo vệ nguồn sinh thủy đặc biệt là các khu rừng phòng hộ huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, nguồn sinh thủy trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh và sông Lại Giang.

2. Nhóm giải pháp khoa học, công nghệ:

Xây dựng chương trình nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật tưới, sử dụng nước tiết kiệm; chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến để quản lý, bảo vệ phát triển nguồn nước; xây dựng chương trình chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, sử dụng các giống cây trồng chịu hạn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quan trắc, quan trắc tự động, truyền số liệu, khai thác, sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả và trong việc xử lý nước thải.

3. Nhóm giải pháp về công trình:

- Quan trắc, giám sát nguồn nước mặt, kiểm soát hoạt động xả nước thải theo mạng lưới quan trắc môi trường hiện có và đã được quy hoạch. Xây dựng bổ sung 01 trạm quan trắc số lượng, chất lượng nước mặt sông Lại Giang tại cầu Bồng Sơn mới (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn); 01 trạm quan trắc sông La Tinh tại Cầu Vạn Thiện (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ).

- Nâng cấp, cải tạo 49 công trình hồ chứa nước đang bị xuống cấp (cụ thể như Phụ lục III đính kèm), xây dựng mới các công trình thủy lợi, hồ chứa; đặc biệt ưu tiên xây dựng hồ điều tiết nước trên lưu vực sông Hà Thanh, sông La Tinh, sông Thiện Chánh, đầm Trà Ổ; khẩn trương xây dựng hồ Đồng Mít.

- Tận dụng tối đa nguồn nước được chuyển từ công trình thủy điện An Khê - Kanak trên sông Ba sang sông Kôn; chủ động dự trữ nước ngọt, kiểm soát xâm nhập mặn hạ du sông Kôn - Hà Thanh; tăng cường khả năng cấp nước từ các hệ thống thủy lợi như hệ thống đập Lại Giang, Văn Phong; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước từ các hồ điều tiết chính trên các lưu vực sông, cụ thể như các hồ: Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Hội Sơn.

- Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu/cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở y tế, nước thải bãi rác.

 

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Tổ chức công bố Quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Quy hoạch này.

- Chủ trì rà soát, thống kê, đánh giá và phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các danh mục nhiệm vụ, dự án ưu tiên đầu tư, trên cơ sở đó xây dựng các Chương trình cụ thể, xác định rõ những nội dung cần ưu tiên, theo đúng chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

 

 

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nhằm thực hiện tốt quy hoạch này; định kỳ hàng năm, 5 năm sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Quy hoạch; trình UBND quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung quy hoạch trong trường hợp cần thiết.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các chương trình, dự án, kế hoạch chi tiết nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới các công trình hồ chứa, công trình chuyển nước để điều tiết nước nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển nông nghiệp; thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy theo quy hoạch; mở rộng các công trình cấp nước sạch nông thôn, đặc biệt là các vùng thiếu nước vào mùa khô, nóng.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước ở những vùng đất thích hợp; đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích các địa phương tích cực áp dụng khoa học công nghệ trong việc tưới, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả trong nông nghiệp.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát việc điều tiết nước tại các công trình thủy lợi theo quy trình vận hành được phê duyệt; đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, ngăn chặn nguy cơ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xử lý chất thải trong nông nghiệp…ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, nhất là nước phục cho sinh hoạt

3. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các công trình cấp nước; thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, nhằm đảm bảo mục tiêu cấp nước và thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh theo các giai đoạn của quy hoạch đã phê duyệt.

4. Sở Công Thương: Thực hiện kiểm tra, giám sát việc điều tiết nước của các công trình thủy điện theo quy trình vận hành được phê duyệt. Phối hợp kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, chế biến sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, làng nghề đảm bảo chất lượng nước xả thải nhằm đáp ứng mục tiêu chất lượng nguồn nước theo quy hoạch.

5. Sở Khoa học và Công nghệ: Đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đề xuất UBND tỉnh các chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong khai thác, sử dụng nước và xử lý nước thải.

6. Ban Quản lý Khu kinh tế: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sản xuất, chế biến thực hiện triệt để việc thu gom, xử lý nước thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp đảm bảo chất lượng nước xả thải theo quy định, nhằm đáp ứng mục tiêu chất lượng nguồn nước theo quy hoạch.

7. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách để thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan đến Quy hoạch này.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Theo dõi, đôn đốc và chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương nhiệm vụ, dự án và bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình liên quan đến công tác bảo vệ, dự trữ và nâng cao chất lượng tài nguyên nước theo Quy hoạch đã phê duyệt.

9. Các sở ngành khác có liên quan: Trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, phải tuân thủ theo các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Quy hoạch này.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương. Tuyên truyền vận động các tổ chức cá nhân tích cực bảo vệ môi trường sinh thái; theo dõi quản lý chặt chẽ nguồn nước, nhất là nước sinh hoạt; kịp thời phát hiện xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong bảo vệ và khai thác tài nguyên nước theo quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

- Nội dung Phụ lục kèm theo xem tại Nghị quyết số 21/2018/NQ-HĐND ngày 19 tháng 7 năm 2018 đã đăng trên Công báo số 43 + 44 ngày 10/8/2018.





Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước Ban hành: 27/11/2013 | Cập nhật: 02/12/2013