Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Số hiệu: 2388/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Trương Văn Sáu
Ngày ban hành: 15/11/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2388/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định phê duyệt số 910 QĐ/BNN-CB, ngày 31 tháng 3 năm 2006 và Kế hoạch thực hiện số 1802/BNN-CB, ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án Phát triển ngành nghề nông thôn trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn đến năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long tại Tờ trình số 147/TTr-SNNPTNT, ngày 06 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (kèm theo Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn 2020).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và huyện, thị xã, cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2008 - 2010, TẦM NHÌN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2388/QĐ-UBND, ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

1. Vai trò bảo tồn và phát triển làng nghề.

- Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Mỗi làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho khoảng trên dưới 450 lao động, với mức thu nhập bình quân tháng từ 300 ngàn đồng đến 1,6 triệu đồng, các làng nghề đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập người dân nông thôn, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thành thị và nông thôn.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, gia tăng tỉ trọng hàng phi nông nghiệp. Các loại hình ngành nghề nông thôn góp phần tạo thêm thu nhập cho nông dân trong lúc nông nhàn, tạo việc làm cho những người dân không đất, từ đó gia tăng tỉ trọng khu vực kinh tế phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng góp phần thúc đẩy các loại hình dịch vụ phục vụ cho làng nghề như vận tải, các dịch vụ phục vụ công nhân, thông tin liên lạc... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các cụm dân cư đông đúc, hình thành, mở rộng các thị trấn, thị tứ góp phần đô thị hoá nông thôn.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá. Các sản phẩm của các làng nghề mang tính mỹ thuật, văn hoá gắn với quá trình phát triển của lịch sử, bảo tồn các làng nghề nhằm bảo tồn những nét văn hoá độc đáo, mang bản sắc của dân tộc, vùng, miền. Các sản phẩm làng nghề mới mang những hoạ tiết dân tộc, mang những câu chuyện văn hoá dân gian lên sản phẩm góp phần phát huy bản sắc văn hoá, đưa văn hoá Việt Nam đến mọi nơi trên mọi sản phẩm trong và ngoài nước.

- Tạo ra giá trị lớn hơn cho ngành công nghiệp nông thôn, để lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh.

2. Tình hình bảo tồn và phát triển làng nghề:

Trong những năm gần đây, do tác động của nền kinh tế thị trường, do không chịu được áp lực cạnh tranh, một số làng nghề truyền thống (dệt chiếu, đan đát, làm nhang...) không cạnh tranh lại các sản phẩm thay thế có nguồn gốc nhập khẩu hoặc sản phẩm công nghệ hiện đại nên một số làng nghề truyền thống bị mai một dần. Tuy nhiên, cũng có một số làng nghề mới xuất hiện (sản xuất gốm mỹ nghệ, đan thảm lục bình, kết cườm...).

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN , ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã xác định được 22 làng nghề, làng có nghề ở nông thôn. Cụ thể:

- 12 làng nghề đạt tiêu chí: 02 làng nghề đan thảm lục bình (huyện Tam Bình); 06 làng nghề sản xuất gạch, gạch - gốm; 04 làng nghề se lõi lác, làng nghề trồng lác và se lõi lác (Vũng Liêm).

- 10 làng nghề chưa đạt tiêu chí làng nghề (đạt tiêu chí làng có nghề): 01 làng nghề bánh tráng nem (Trà Ôn); 02 làng nghề gạch - gốm (Mang Thít 01; Long Hồ 01); 01 làng nghề sản xuất cốm dẹp, 01 làng sản xuất tàu hủ ky, 01 làng sản xuất nhang, 01 làng đan đát (Bình Minh); 01 làng kết cườm, 01 làng chằm nón, 01 làng dệt chiếu thảm (Long Hồ).

3. Tiềm năng phát triển làng nghề:

3.1. Tiềm năng về lực lượng lao động:

Là tỉnh có tỉ lệ dân số trong khu vực nông thôn cao (85%), tỉ lệ người có khả năng lao động trên tổng dân số chiếm 69% là nguồn cung ứng lao động dồi dào cho phát triển ngành nghề, làng nghề ở nông thôn.

3.2. Tiềm năng về nguồn nguyên liệu:

Là vùng có trữ lượng đất sét khoảng 100 triệu m3 mang đặc trưng riêng của "gốm đỏ Vĩnh Long", nếu được khai thác hợp lý sẽ là nguồn nguyên liệu sản xuất gạch gốm trong nhiều thập niên nữa. Tận dụng những khu vực khó khăn cho sản xuất lúa, tận dụng diện tích mặt nước, người dân đã trồng lác, trồng lục bình làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công - mỹ nghệ bán trong và ngoài nước. Tỉnh Vĩnh Long nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Lục bình, lác, dừa, tre, trúc,...

3.3. Tiềm năng về thị trường:

Nước ta đã là một thành viên của WTO, đó là cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu nói chung của Việt Nam, sản phẩm làng nghề, ngành nghề nói riêng. Có thị trường truyền thống là châu Âu và Mỹ ưa chuộng mặt hàng gốm đất đỏ Vĩnh Long và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (thảm lác, chiếu lác, các sản phẩm đan từ lục bình...) hiện các doanh nghiệp đang chú ý phát triển thị trường mới là Trung Đông. Bên cạnh đó, thị trường trong nước với dân số gần 100 triệu người cũng là một thị trường lớn đối với các sản phẩm làng nghề, ngành nghề, trong đó, thị trường nông thôn hiện chiếm tỉ trọng không nhỏ.

3.4. Yếu tố truyền thống và văn hoá:

Nhiều ngành nghề, làng nghề có quá trình phát triển lâu đời được nhiều thế hệ người dân đúc kết thành các bài học truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là những bài học kinh điển hay cũng có thể là bí quyết gia truyền nhưng đều mang tâm huyết của nhiều thế hệ cần được giữ gìn và phát huy. Các yếu tố truyền thống và văn hoá thể hiện trên sản phẩm mang lại sự khác biệt, đặc trưng của sản phẩm, của vùng đất, của địa phương đóng góp rất lớn cho sự thành công của sản phẩm trên thị trường.

II. THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN:

1. Thuận lợi:

- Có nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, khai thác được những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả...

- Có vị trí địa lý thuận lợi nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng nguyên liệu để sản xuất nhiều loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

- Làng nghề, ngành nghề nông thôn đã tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn, tận dụng thời gian nông nhàn, mang lại thu nhập cho người dân nông thôn đã được người dân hưởng ứng và ủng hộ.

- Cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm đến phát triển ngành nghề, vận động nhân dân phát triển nghề và tạo điều kiện học tập, tham quan các tỉnh về mô hình phát triển nghề và làng nghề.

- Có các chính sách về khuyến khích phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn qui định về các chính sách hỗ trợ đối với làng nghề, ngành nghề nông thôn.

- Đã được phê duyệt qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2010 (Quyết định 3133/QĐ-UB ngày 22/9/2003) cơ bản đã khảo sát nhiều ngành nghề trong nông thôn của tỉnh. Đến nay đã tổng hợp được 22 làng nghề ở các huyện, thị (theo tiêu chí của Thông tư số 116/2006/TT-BNN).

2. Khó khăn:

- Thị trường tiêu thụ còn bị động, chủ yếu xuất khẩu qua trung gian; trình độ quản lý, kinh doanh, tiếp thị của doanh nghiệp còn yếu kém; ngành và dịch vụ hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; hệ thống mẫu mã kiểu dáng chưa đa dạng, chủ yếu là do khách hàng đưa ra.

- Việc đầu tư xây dựng làng nghề vẫn có những tồn tại: Đối với nghề và làng nghề đa phần sản xuất nhỏ, thiếu vốn đầu tư, sản xuất thủ công, khả năng cạnh tranh yếu; không có giải pháp kỹ thuật công nghệ để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm hàng hoá, xúc tiến tổ chức thương mại, hợp tác sản xuất.

- Công nghệ sản xuất lạc hậu, đối với ngành gốm sử dụng lò nung bằng trấu, củi, thải ra nhiều khói bụi gây ô nhiễm môi trường.

- Cơ sở sản xuất gốm tranh nhau hạ giá bán làm giảm giá trị mặt hàng gốm.

- Cơ chế chính sách cho phát triển nghề và làng nghề chưa triển khai đầy đủ, đồng bộ, nhận thức về phát triển nghề và làng nghề chưa nhất quán, nên việc triển khai chỉ đạo phát triển có nhiều lúng túng.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH:

1. Quan điểm về bảo tồn và phát triển làng nghề:

- Khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, đa dạng sở hữu trong phát triển làng nghề và ngành nghề nông thôn, huy động mọi nguồn lực tham gia phát triển ngành nghề, làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn có sự hỗ trợ của nhà nước.

- Phát triển làng nghề trên cơ sở giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, đảm bảo hài hoà lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

- Phát triển làng nghề gắn với quá trình đô thị hoá, phát triển các thị trấn, phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh.

- Phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo. Sản phẩm làng nghề, ngành nghề nông thôn phải phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

2. Mục tiêu:

a) Mục tiêu tổng quát:

Phát triển các loại hình ngành nghề ở nông thôn nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp trong GDP; tạo việc làm cho lao động nông thôn; góp phần xoá đói, giảm nghèo; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giá trị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu tăng 2 lần so với năm 2006.

- Tỉ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn chiếm 20 - 25% giá trị sản xuất chung của từng huyện.

- Tăng tỉ trọng lao động tham gia ngành nghề nông thôn chiếm 18% trong tổng số lao động nông thôn.

- Phát huy các yếu tố nội lực và kết hợp các ngoại lực trên cơ sở lợi thế của từng vùng, phấn đấu mỗi huyện thị đều có cụm công nghiệp hoàn chỉnh từng bước phát triển mỗi làng một nghề.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

1. Phương hướng chung:

- Bảo tồn các làng nghề truyền thống mang đặc trưng của Vĩnh Long nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

- Đẩy mạnh phát triển các làng nghề gắn với nguyên liệu và vùng nguyên liệu tại địa phương. Đặc biệt khuyến khích các làng nghề, làng nghề truyền thống khai thác hiệu quả nguyên liệu tại địa phương, các phụ phẩm từ các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tại địa phương (xơ dừa, trấu, tre trúc, lá gòn...) nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, tận dụng diện tích, sản phẩm phụ trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường nhằm giảm thiểu các rủi ro về sản xuất, nguyên liệu, thị trường. Khuyến khích các ngành nghề sử dụng nhiều lao động.

- Qui hoạch xây dựng các làng nghề gắn với các trục giao thông, các cơ sở hạ tầng khác hiện có nhằm giảm chi phí hỗ trợ về cơ sở hạ tầng. Khuyến khích phát triển các làng nghề theo các cụm công nghiệp gắn với các thị trấn, trung tâm xã, cụm xã, khu dân cư vượt lũ.

- Phát triển các làng nghề mới mà tỉnh không có lợi về nguyên liệu nhưng đáp ứng nhu cầu thị trường (kết hạt cườm, sản xuất bánh kẹo, bánh tráng giấy, sản xuất nhang...) Phát triển làng nghề phải đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ của các khu vực dân cư khác. Khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề có sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

2. Định hướng 2008 - 2010:

- Tập trung khôi phục các làng nghề, làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển, có nguy cơ bị mai một dần như làng nghề làm cốm dẹp (Đông Bình - Bình Minh), sản xuất tàu hủ ky (Mỹ Hoà - Bình Minh), làng nghề đan đát (Thành Lợi - Bình Minh), làng nghề làm bánh tráng nem (Lục Sỹ Thành - Trà Ôn), làng nghề chằm nón (Long Phước - Long Hồ).

- Tập trung phát triển các ngành nghề, làng nghề có lợi thế của Vĩnh Long như gạch gốm, gạch nung (Mang Thít - Vũng Liêm), trồng lác và se lõi lác (Vũng Liêm), đan thảm lục bình (Ngãi Tứ, Loan Mỹ - Tam Bình).

- Phát triển các ngành nghề mới như sản xuất nhang (Cái Vồn - Bình Minh), dệt chiếu thảm (Long Phước - Long Hồ), kết hạt cườm (Phú Quới - Long Hồ), bánh tráng giấy, bánh kẹo (Tường Lộc - Tam Bình) nhằm tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn tại địa phương.

3. Định hướng 2011 - 2020:

- Tiếp tục duy trì, phát triển các làng nghề của giai đoạn 2008 - 2010.

- Phát triển các làng nghề hiện có trên cơ sở các làng có nghề hiện nay như gạch gốm (Tân Quới Trung - Vũng Liêm; Ngãi Tứ - Tam Bình; phường 5 - thị xã Vĩnh Long), sản xuất nước chấm (Thành Lợi - Bình Minh; thị trấn Trà Ôn; An Bình - Long Hồ), làng nghề đóng tàu, xuồng (Mỹ An - Mang Thít; thị trấn Trà Ôn; Hoà Thạnh - Tam Bình), chế biến trái cây (An Bình, Đồng Phú, Bình Hoà Phước - Long Hồ), chế biến thực phẩm (Tân Hạnh, thị trấn Long Hồ - Long Hồ).

- Phát triển mạnh các làng nghề mới như chế biến khoai lang, làng nghề hoa cây cảnh, đan lưới chài, đồ mộc, gỗ, du lịch sinh thái, may thêu thủ công, gia công may mặc, trồng và mua bán cải xà lách soong, làng nghề bảo quản nông sản, trồng và sơ chế nấm rơm, sửa chữa điện tử, nuôi trồng thuỷ sản, đan đát sản phẩm từ mây tre, làng nghề thủ công mỹ nghệ, sửa chữa cơ khí nhỏ, dệt thảm, chằm lá...

V. NỘI DUNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

1. Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống:

Ưu tiên phát triển các làng nghề truyền thống mà thị trường có nhu cầu và tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ để duy trì và bảo tồn các làng nghề truyền thống lâu đời, mang bản sắc văn hoá dân tộc, tạo điều kiện cho các làng nghề này phục hồi và phát triển.

a) Làng nghề cần khôi phục và bảo tồn như một tài sản văn hoá, có tiềm năng phát triển mạnh phù hợp kinh tế hội nhập:

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, các làng nghề truyền thống không còn phù hợp sẽ suy vong như một tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, cần gìn giữ và phát triển các làng nghề có truyền thống lâu đời, sản phẩm mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, mang tính đặc trưng của địa phương và thị trường có nhu cầu.

Giai đoạn 2008 - 2010, khuyến khích các làng nghề chằm nón lá, bánh tráng nem, đan đát (sản phẩm từ tre, trúc), tàu hủ ky, cốm dẹp... Đây là những làng nghề truyền thống lâu đời của địa phương có những sản phẩm mang tính đặc trưng của Vĩnh Long nói chung, có khả năng phát triển thành những sản phẩm xuất khẩu.

b) Mở rộng qui mô các làng nghề truyền thống, làng có nghề truyền thống chưa xác định được nhu cầu thị trường:

Đối với những ngành nghề nông thôn, làng có nghề mang tính chất truyền thống nhưng chưa đủ tiêu chuẩn công nhận làng nghề truyền thống thì khuyến khích sự mở rộng, chuyển giao, truyền nghề trong vùng và lân cận nhằm hình thành các làng nghề truyền thống đủ tiêu chuẩn.

2. Phát triển ngành nghề mới:

Đẩy mạnh phát triển các loại hình ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các làng nghề, ngành nghề chiếm ưu thế trên thị trường thông qua chương trình hỗ trợ quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Khuyến khích phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp tại các cụm tuyến dân cư. Khuyến khích các ngành nghề, làng nghề tập hợp thành các tổ chức kinh tế tập thể (hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất), các hiệp hội ngành nghề.

a) Làng nghề mới

 Những làng có nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn nhưng chưa đủ tiêu chuẩn làng nghề tiến hành xây dựng kế hoạch, dự án phát triển nhân rộng ra nhiều hộ, cơ sở trong làng.

Ưu tiên hỗ trợ những ngành nghề, làng nghề có thị trường, có tiềm năng phát triển. Đối với các làng xã ngành nghề nông thôn chưa phát triển cần lựa chọn, bồi dưỡng, hỗ trợ một số doanh nghiệp trẻ, năng động, biết cách làm ăn để làm nòng cốt, thu hút các hộ, các cá nhân khác tham gia phát triển ngành nghề nông thôn, dần dần hình thành các cụm, trung tâm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thực hiện cuộc vận động mỗi xã có cụm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

b) Làng chưa có nghề, cần cấy nghề mới:

Những làng, xã, những cụm tuyến dân cư nông thôn chưa có nghề phi nông nghiệp xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn. Khuyến khích ngành nghề hướng đến khai thác lợi thế lao động, nguyên liệu tại địa phương. Khuyến khích học tập làng nghề, làng nghề truyền thống trong vùng, phát triển ngành nghề chế biến nông lâm thuỷ sản, các loại hình dịch vụ nông thôn.

3. Phát triển làng nghề gắn với du lịch:

Phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, kết hợp tham quan làng nghề ngành nghề truyền thống, liên doanh, liên kết với các tỉnh trong khu vực để xây dựng những tour du lịch dài ngày liên tỉnh phục vụ cả khách trong nước và khách nước ngoài trên cơ sở bảo vệ phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc.

Đẩy mạnh kinh doanh du lịch, thu hút khách du lịch nước ngoài và khách du lịch trong nước trên cơ sở mở rộng, phát triển nhiều hình thức, nhiều mô hình du lịch ở cả hai loại hình du lịch tham quan và du lịch nghỉ dưỡng.

VI. CÁC GIẢI PHÁP:

1. Về qui hoạch:

- Trên cơ sở qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2010 (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3133/QĐ-UB ngày 22/9/2003) điều tra bổ sung, điều chỉnh nội dung theo hướng phù hợp với Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Thông tư số 116/2006/TT-BNN , ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Qui hoạch làng nghề điều chỉnh phải gắn với Đề án Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề (được phê duyệt tại Quyết định số 234/QĐ-UBND , ngày 29/01/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh).

- Quy hoạch và thực hiện quy hoạch các cụm, khu công nghiệp ở huyện, liên xã để đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn hoặc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh dễ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng công nghiệp, thủ công mỹ nghệ nhằm ổn định nguồn nguyên liệu và phát triển bền vững ngành nghề, làng nghề.

2. Về chính sách hỗ trợ:

- Về đất đai và cơ sở hạ tầng:

+ Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ, cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn được thuê đất tại các khu, cụm tuyến công nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển ngành nghề nông thôn.

+ Cụm cơ sở ngành nghề, làng nghề thực hiện theo qui hoạch tổng thể và qui hoạch ngành nghề nông thôn được hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường. Trong đó, ngân sách hỗ trợ tối đa 60%, các cơ sở thụ hưởng đóng góp tối thiểu 40%.

- Về đào tạo và học nghề:

+ Đối với hoạt động truyền nghề của các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề: Ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí truyền nghề đối với những làng nghề được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận theo tiêu chuẩn của Thông tư số 116/TT-BNN, ngày 18/12/2006. Cụ thể thực hiện theo mục 2.4 - phần II của Thông tư số 113/2006/TT-BTC , ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ.

+ Đối với người học nghề tại các làng nghề: Thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Thông tư Liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH , ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Về nghiên cứu khoa học thuộc làng nghề: Ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học (độc lập hoặc phối hợp) để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hoá. Mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo các qui định về sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ. Nghiên cứu chuyển giao và áp dụng công nghệ nung mới trong sản xuất gốm để giảm ô nhiễm môi trường.

- Về khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư: Ngân sách hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư tại các cụm cơ sở ngành nghề, làng nghề. Cụ thể, thực hiện theo Thông tư Liên tịch 36/2005/TTLT-BTC-BCN , ngày 16/5/2005 về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công; Thông tư Liên tịch số 30/2006/TTLT-BTC-BNNPTNT-BTS, ngày 06/4/2006 của Liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.

- Về xúc tiến thương mại: Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống thực hiện các chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm, tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề, làng nghề truyền thống đăng ký và thực hiện các chính sách bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ. Thực hiện theo Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg , ngày 03/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về qui chế xây dựng thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006 - 2010.

- Về đầu tư và tín dụng: Thực hiện theo phần III, mục 3 của Thông tư số 113/2006/TT-BTC , ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ. Cụ thể: Được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư; được vay vốn từ quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm; được quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng; được hưởng các chính sách tín dụng và đầu tư của nhà nước theo qui định của pháp luật.

- Về tuyên truyền chính sách: Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường phân công cán bộ theo dõi và hỗ trợ các làng nghề về mặt chính sách; phổ biến chủ trương, chính sách về hỗ trợ phát triển làng đến các làng nghề, ngành nghề nông thôn đến các chủ cơ sở, người làm nghề. Các ngành có liên quan lồng ghép công tác tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề trong các hoạt động của ngành.

VII. VỐN VÀ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ:

1. Vốn đầu tư:

a) Giai đoạn 2008 - 2010:

Tổng kinh phí: 10.200 triệu đồng:

+ Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề: 8.300 triệu đồng.

+ Dự án phát triển làng nghề mới: 1.900 triệu đồng.

(Chi tiết xem phụ lục: Danh mục các dự án đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề).

b) Giai đoạn 2011 - 2020:

Tổng kinh phí: 433.900 triệu đồng:

+ Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề: 5.000 triệu đồng.

+ Dự án phát triển làng nghề mới: 428.900 triệu đồng.

(Chi tiết xem phụ lục: Danh mục các dự án đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề).

Tổng hợp 2 giai đoạn.

Tổng kinh phí: 444.100 triệu đồng:

+ Dự án bảo tồn và phát triển làng nghề: 13.300 triệu đồng.

+ Dự án phát triển làng nghề mới: 430.800 triệu đồng.

(Chi tiết xem phụ lục: Danh mục các dự án đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề).

2. Nguồn vốn đầu tư:

Thực hiện theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Thông tư số 113/2006/TT-BTC , ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Phối hợp với Sở Công nghiệp điều tra, khảo sát, đề xuất, điều chỉnh bổ sung qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2010 (được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3133/QĐ-UB, ngày 22/9/2003) theo hướng phù hợp với Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Thông tư số 116/2006/TT-BNN , ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hằng năm, có đề xuất điều chỉnh, bổ sung những thay đổi, những nhân tố mới phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp và ngành nghề của địa phương.

- Xây dựng kế hoạch, phương án và đề xuất chính sách hỗ trợ cụm cơ sở chưa đủ điều kiện được công nhận làng nghề mở rộng qui mô sản xuất để đạt tiêu chuẩn làng nghề trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Là đầu mối tổng hợp số liệu về phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Thực hiện các báo cáo về hoạt động ngành nghề, làng nghề của tỉnh theo yêu cầu của cơ quan cấp trên. Tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện để kiến nghị, đề nghị về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải quyết.

2. Sở Công nghiệp:

- Hướng dẫn các địa phương xây dựng và thực hiện các dự án phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp; đăng ký công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đề xuất các chính sách hỗ trợ các làng nghề được công nhận thuộc lĩnh vực Sở quản lý.

- Chỉ đạo, hỗ trợ các huyện, thị xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch các cụm, khu công nghiệp ở huyện, liên xã để đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn hoặc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh dễ gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất, đóng góp bổ sung, điều chỉnh qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2010.

- Hướng dẫn các huyện, thị, cơ sở ngành nghề, làng nghề thực hiện Thông tư Liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN , ngày 16/5/2005 về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công.

3. Sở Thương mại - Du lịch:

Hướng dẫn xây dựng và thực hiện các dự án phát triển làng nghề dịch vụ, du lịch. Tổ chức các tuyến (tour) du lịch gắn với làng nghề, ngành nghề nông thôn; thành lập trung tâm, cửa hàng giới thiệu sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính bố trí kinh phí thực hiện hàng năm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét và phê duyệt.

- Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thực hiện các chính sách hỗ trợ ngành nghề, làng nghề tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá, đăng ký và thực hiện các chính sách bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

5. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh: Hàng năm bố trí kinh phí, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn đã ban hành.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn, hỗ trợ các huyện thị thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các hoạt động truyền nghề theo Thông tư số 113/2006/TT-BTC , ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Thông tư số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH , ngày 19/01/2006 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã:

Căn cứ qui hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đã được phê duyệt, xây dựng kế hoạch, dự án cụ thể về phát triển ngành nghề nông thôn của địa phương và tổ chức thực hiện.

IX. KẾT LUẬN:

Bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng góp phần không nhỏ vào tăng thu nhập của hộ gia đình ở nông thôn đặc biệt là các hộ chuyên sản xuất thủ công, góp phần tăng trưởng kinh tế, cải thiện mức sống người dân ở nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo góp phần làm giàu bản sắc văn hoá và truyền thống của địa phương.

Đề nghị các Sở, ngành có liên quan, các huyện thị căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công cụ thể hoá bằng kế hoạch hàng năm và kế hoạch đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020 tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long./.

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG

STT

Tên dự án

Địa điểm

Thời gian thực hiện

Mục tiêu

Tổng mức đầu tư (triệu đồng)

Ghi chú

A

GIAI ĐOẠN 2008 - 2010

 

 

 

10,200

 

I

CÁC DỰ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

 

 

 

8,300

 

1

Dự án khôi phục, mở rộng 1 làng nghề làm cốm dẹp

Xã Đông Bình, Bình Minh

2008 - 2009

Xây dựng mô hình đa dạng hoá sản xuất

200

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất

2

Dự án khôi phục, mở rộng 1 làng nghề sản xuất tàu hủ ky

Xã Mỹ Hoà, Bình Minh

2008 - 2009

Xây dựng mô hình đa dạng hoá sản xuất

200

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất

3

Dự án khôi phục, mở rộng sản xuất 1 làng nghề đan đát (cần xé, thúng, rỗ, sàn)

Xã Thành Lợi, Bình Minh

2008 - 2009

Xây dựng mô hình đa dạng hoá sản xuất

500

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu.

4

Dự án khôi phục, mở rộng 1 làng nghề làm bánh tráng nem

Xã Lục Sỹ Thành, Trà Ôn

2008 - 2009

Xây dựng mô hình đa dạng hoá sản xuất

200

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất

5

Dự án khôi phục, mở rộng 2 làng nghề chằm nón

Thị trấn Long Hồ, Long Phước - Long Hồ

2008 - 2009

Xây dựng mô hình đa dạng hoá sản xuất

300

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất

6

Dự án phát triển 03 làng nghề sản xuất gạch nung

Xã Quới An - Vũng Liêm; xã Nhơn Phú - Mang Thít; xã Hoà Tịnh - Mang Thít

2008 - 2009

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, khai thác nguyên liệu địa phương

900

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, đổi mới công nghệ

7

Dự án phát triển 05 làng nghề sản xuất gạch gốm

Xã Trung Thành Tây - Vũng Liêm; xã Chánh An; xã Mỹ Phước; xã Mỹ An - Mang Thít; xã Thanh Đức - Long Hồ

2009 - 2010

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập lao động, khai thác tài nguyên sét địa phương

2,500

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (gốm tráng men), xây dựng thương hiệu "Gốm đỏ Vĩnh Long", đào tạo nghệ nhân.

8

Dự án phát triển 02 làng nghề đan thảm

Xã Ngãi Tứ - Tam Bình

2009 - 2010

Tạo việc làm, tăng thu nhập, khai thác nguyên liệu địa phương

400

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề

9

Dự án phát triển 04 làng nghề trồng lác, se lõi lác

Xã Thanh Bình, xã Quới Thiện, xã Trung Thành Đông - Vũng Liêm

2008 - 2009

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, khai thác nguyên liệu địa phương

2,800

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu

10

Dự án phát triển 1 làng nghề đan thảm lục bình

Xã Loan Mỹ - Tam Bình

2009 - 2010

Giải quyết việc làm, tăng thu nhập, khai thác nguyên liệu địa phương

300

Hỗ trợ sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu

II

CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ MỚI:

 

 

 

1,900

 

1

Dự án phát triển 1 làng nghề sản xuất nhang

Thị trấn Cái Vồn - Bình Minh

2009 - 2010

Tận dụng nguồn nguyên liệu, tăng thu nhập nông dân

1,000

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất

2

Dự án khôi phục, phát triển 1 làng nghề dệt chiếu thảm

Xã Long Phước - Long Hồ

2009 - 2010

Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm

500

Đào tạo hỗ trợ sản xuất

3

Dự án phát triển 1 làng nghề kết hạt cườm

Xã Phú Quới - Long Hồ

2009 - 2010

Tạo việc làm, tăng thu nhập

200

Đào tạo, hỗ trợ sản xuất

4

Dự án phát triển 1 làng nghề bánh tráng giấy, bánh kẹo

Xã Tường Lộc - Tam Bình

2009 - 2010

Tạo việc làm, tăng thu nhập

200

Hỗ trợ sản xuất

B

GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

 

 

 

433,900

 

I

CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

 

 

 

5,000

 

1

Dự án phát triển 03 làng nghề sản xuất gạch gốm

Xã Tân Quới Trung - Vũng Liêm; xã Ngãi Tứ - Tam Bình; phường 5 - thị xã Vĩnh Long

2011

Gia tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập lao động, khai thác tài nguyên sét địa phương

2,000

Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sản xuất

2

Dự án phát triển 4 làng nghề chế biến nước chấm

Ấp Thành Nhân, xã Thành Lợi - Bình Tân; thị trấn Trà Ôn; xã An Bình - Long Hồ.

2011 - 2015

Giải quyết việc làm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ địa phương và ngoài tỉnh, xử lý nước thải

800

Hỗ trợ sản xuất, xử lý nước thải

3

Dự án phát triển 3 làng nghề đóng tàu, xuồng

Thị trấn Trà Ôn - Trà Ôn; xã Mỹ An - Mang Thít; xã Hoà Thạnh - Tam Bình

2010 - 2015

Giải quyết việc làm, phục vụ nhu cầu tiêu thụ địa phương và ngoài tỉnh

1,500

Hỗ trợ sản xuất

5

Dự án phát triển 3 làng nghề chế biến trái cây

Xã An Bình, Đồng Phú, Bình Hoà Phước - Long Hồ

2010 - 2013

Giải quyết việc làm, phục vụ nhu cầu xuất khẩu

300

Hỗ trợ sản xuất

6

Dự án phát triển 4 làng nghề chế biến thực phẩm

Ấp Tân Thới, Tân Bình - xã Tân Hạnh, thị trấn Long Hồ - Long Hồ

2010 - 2013

Tạo việc làm, tăng thu nhập

400

Hỗ trợ sản xuất

II

CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ MỚI:

 

 

 

428,900

 

1

Dự án phát triển 1 làng nghề chế biến khoai lang

Xã Tân Quới - Bình Tân

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

2,000

Đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ và đào tạo

2

Dự án phát triển 1 làng nghề làng hoa kiểng cây cảnh

Thị trấn Cái Vồn - Bình Minh

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

5,000

Hỗ trợ sản xuất

3

Dự án phát triển 1 làng nghề đan lưới, chài

Thị trấn Trà Ôn

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

2,000

Hỗ trợ sản xuất

4

Dự án phát triển 1 làng nghề mộc, đồ gỗ

Thị trấn Trà Ôn

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

2,000

Hỗ trợ sản xuất

5

Dự án phát triển 5 làng nghề du lịch sinh thái

Xã An Bình, Đồng Phú, Bình Hoà Phước - Long Hồ; Lục Sỹ Thành - Trà Ôn; xã Mỹ Hoà - Bình Minh

2015 - 2020

Phục vụ tham quan du lịch, chuyển dịch cơ cấu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập

200,000

Đầu tư hạ tầng và vốn doanh nghiệp

6

Dự án phát triển 1 làng nghề may thêu thủ công

Xã Hoà Thạnh - Tam Bình

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

2,000

Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất

7

Dự án phát triển 1 làng nghề gia công may mặc

Các tuyến dân cư huyện Bình Minh

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

2,000

Hỗ trợ sản xuất

8

Dự án phát triển 1 làng nghề mua bán cải sà lách soong

Xã Thuận An - Bình Minh

2015 - 2020

Tạo đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập

2,000

Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất

9

Dự án phát triển 1 làng nghề bảo quản nông sản

Xã Phú Thành - Trà Ôn

2015 - 2020

Nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản sau thu hoạch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập

2,000

Hỗ trợ công nghệ sản xuất

10

Dự án phát triển 4 làng nghề trồng và sơ chế nấm rơm

Xã Đông Thạnh - Bình Minh; Nguyễn Văn Thảnh, Tân Hưng, Thành Lợi - Bình Tân

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, tận dụng nguyên liệu

2,000

Đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất

11

Dự án phát triển 3 làng nghề dịch vụ sửa chữa điện tử

Thị trấn Cái Vồn - Bình Minh; xã Tân Quới - Bình Tân; xã Vĩnh Xuân - Trà Ôn

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, tận dụng nguyên liệu

1,000

Hỗ trợ đào tạo và sản xuất

12

Dự án phát triển 6 làng nghề nuôi trồng thuỷ sản (cá tra xuất khẩu)

Xã Mỹ An, Chánh An - Mang Thít; Đồng Phú, Bình Hoà Phước, An Bình - Long hồ

2015 - 2020

Tạo nguyên liệu phục vụ chế biến thuỷ sản xuất khẩu, nâng cao giá trị thuỷ sản, tăng kim ngạch xuất khẩu

200,000

Đầu tư hạ tầng và vốn doanh nghiệp

13

Dự án phát triển 10 làng nghề mây tre đan

Xã Lục Sỹ Thành, xã Hoà Bình - Trà Ôn; Phước Lộc A, Phước Lộc B - Mang Thít; xã Thành Lợi - Bình Minh; thị trấn Long Hồ; ấp Bình Tịnh A, ấp Vườn cò - xã Hoà Tịnh - Long Hồ, phường 2 - thị xã Vĩnh Long

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, khai thác nguyên liệu

2,000

Hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, tạo nguồn nguyên liệu

14

Dự án phát triển 1 làng nghề mua bán bưởi 5 roi

Xã Mỹ Hoà, Bình Minh

2015 - 2020

Tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập

500

Hỗ trợ sản xuất

15

Dự án phát triển 1 làng nghề thủ công mỹ nghệ

Thị trấn Trà Ôn

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, khai thác nguyên liệu

200

Hỗ trợ sản xuất

16

Dự án phát triển 14 làng nghề cơ khí nhỏ

Xã Thiện Mỹ, xã Thuận Thới, xã Thới Hoà, Xuân Hiệp - Trà Ôn; thị trấn Cái Vồn - Bình Minh; thị trấn Long Hồ; xã Long Phước; xã Long An, Đồng Phú, Phú Quới, Tân Hạnh, Lộc Hoà, Phước Hậu - Long Hồ

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

1,400

Hỗ trợ sản xuất

17

Dự án phát triển 7 làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng

Thị trấn Long Hồ, xã Tân Hạnh, Đồng Phú, Phú Quới, Long An, Long Phước - Long Hồ

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

1,400

Hỗ trợ sản xuất

18

Dự án phát triển 6 làng nghề dệt thảm

Xã Lộc Hoà, Thanh Đức, Long Phước, Phú Đức, Long An, Phú Quới - Long Hồ

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

600

Hỗ trợ sản xuất

19

Dự án phát triển 2 làng nghề sản xuất vôi bột

Ấp Thanh Hưng - xã Thanh Đức - Long Hồ

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

300

Hỗ trợ sản xuất

20

Dự án phát triển 4 làng nghề chằm lá

Ấp Long Hoà 1, Long Hoà 2, Long Khánh - xã Long Mỹ - Mang Thít; xã Long Phước - Huyện Long Hồ

2015 - 2020

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập

400

Hỗ trợ sản xuất

21

Dự án phát triển 1 làng nghề tiêu thụ nông sản

Xã Trà Côn - Trà Ôn

2015 - 2020

Tăng thu nhập

100

Hỗ trợ sản xuất

 

Tổng hợp 2 giai đoạn

 

 

 

444,100