Quyết định 23/2016/QĐ-UBND Quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 23/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
Ngày ban hành: 09/05/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2016/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 09 tháng 5 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 04 tháng 8 năm 2007;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 23 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TU ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận (khoá XII) về việc chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 991/TTr-SNV ngày 08 tháng 4 năm 2016 và Báo cáo thẩm định số 374/BC-STP ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 03 Chương và 08 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền và xử lý vi phạm trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức

1. Phải thực hiện những quy định tại các Điều 15, 16, 17, 18, 19, 20 của Luật Cán bộ, công chức; Điều 16, 17, 18, 19 của Luật Viên chức, các Điều 37, 40 của Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định khác của pháp luật về trách nhiệm, quyền hạn và những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

2. Phải chấp hành nghiêm túc và sử dụng có hiệu quả ngày, giờ làm việc theo quy định, đảm bảo giải quyết công việc được giao có chất lượng và hiệu quả, không lạm dụng thời gian làm việc để giải quyết việc riêng; khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải đeo phù hiệu, thẻ công chức, viên chức theo đúng quy định, trang phục phải gọn gàng, lịch sự. Cán bộ, công chức, viên chức có trang phục riêng thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Khi phát hiện có hành vi tiêu cực, vi phạm quy chế, nội quy, vi phạm pháp luật, phải có trách nhiệm báo cáo với thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình công tác hoặc thông báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Không báo cáo, làm sai lệch nội dung phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị mình, cơ quan, đơn vị hoặc các tổ chức, cá nhân khác về những việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc liên quan đến công việc mình được giao thực hiện.

4. Thực hiện nghiêm các quy định về nội quy, quy chế nơi công sở; không vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, phẩm chất, thuần phong mỹ tục để đảm bảo văn minh, tiến bộ xã hội.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Tiếp tục quán triệt các đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ý thức, trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức gắn với việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

2. Giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả, đúng thời gian theo quy định, không để sai sót, không để hồ sơ tồn đọng. Thường xuyên rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về các quy định thủ tục hành chính phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, kịp thời.

3. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, đơn vị.

4. Chấp hành nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở và quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan.

Điều 5. Trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó cơ quan, đơn vị

Ngoài trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức; người đứng đầu và cấp phó cơ quan, đơn vị còn có trách nhiệm:

1. Trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị phải tự giác đi đầu, gương mẫu thực hiện, nắm bắt kịp thời tâm lý của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý để có cách thức điều hành phù hợp với từng đối tượng nhằm phát huy khả năng, kinh nghiệm, tính sáng tạo, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; xây dựng khối đại đoàn kết, công tâm, công bằng, minh bạch, phát huy dân chủ, tạo điều kiện trong học tập và phát huy sáng kiến của cán bộ, công chức, viên chức; tôn trọng và tạo niềm tin cho cán bộ, công chức, viên chức khi giao việc và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, công vụ; bảo vệ danh dự của cán bộ, công chức, viên chức khi có phản ánh, khiếu nại, tố cáo không đúng sự thật.

2. Công khai, minh bạch trong thực thi công vụ và trong sử dụng tài sản, tài chính công; không được sử dụng tài sản công vào việc riêng; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Đối với cá nhân: cán bộ, công chức, viên chức vi phạm Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê bình, kiểm điểm, xem xét hạ bậc thi đua khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức cuối năm theo thẩm quyền phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

2. Đối với tập thể: trường hợp Tổ Kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của tỉnh kiểm tra đột xuất các cơ quan, đơn vị, nếu phát hiện có vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các trường hợp sau đây thì Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh không khen thưởng cuối năm đối với tập thể:

a) Cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức không thực hiện việc đeo thẻ công chức và không chấp hành nghiêm giờ giấc làm việc chiếm tỷ lệ trên 10% tổng số biên chế của cơ quan, đơn vị;

b) Cơ quan, đơn vị chủ quản có trên 10% cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính;

c) Cơ quan, đơn vị có từ 01 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm uống rượu, bia (hoặc các loại đồ uống khác có nồng độ cồn tương đương) theo nội dung Chỉ thị số 57-CT/TU ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Tỉnh ủy Ninh Thuận.

d) Cơ quan, đơn vị có số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bị trễ hẹn, tồn đọng chiếm trên 5% tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trong tháng.

đ) Cơ quan, đơn vị có từ 01 đơn thư phản ánh của tổ chức, cá nhân về việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân bị trễ hẹn do nguyên nhân chủ quan.

3. Đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị: tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc sẽ bị phê bình, kiểm điểm hoặc xử lý kỷ luật theo quy định trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm các quy định, quy chế cơ quan và pháp luật; thực hiện không đúng thời gian hoặc không thực hiện giải quyết các công việc được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng; không được khen thưởng nếu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đôn đốc, theo dõi, kiểm tra định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm Quy định này.

2. Công khai, duy trì hoạt động đường dây nóng; bố trí công chức, viên chức có trách nhiệm trực thường xuyên để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua đường dây nóng; khi tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng phải thông tin ngay đến cán bộ, công chức có trách nhiệm tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua đường dây nóng của huyện, thành phố để kịp thời tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính xảy ra trên địa bàn huyện, thành phố.

3. Tổng hợp kết quả việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh định kỳ 6 tháng và hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan

1. Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý về trật tự an toàn xã hội ngoài việc phát hiện, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời thông báo cho Sở Nội vụ và cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm để theo dõi, làm cơ sở đánh giá, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và bình xét thi đua hàng năm của cá nhân, tập thể, tổng hợp, thông báo việc xử lý kỷ luật theo quy định.

2. Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

a) Lập, công khai đường dây nóng; bố trí cán bộ, công chức có trách nhiệm trực thường xuyên để tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân qua đường dây nóng; khi tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng phải tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính theo thẩm quyền trên địa bàn; thông tin kết quả xử lý trên trang tin điện tử của địa phương, đơn vị. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, phải xử lý và báo cáo kết quả xử lý về Sở Nội vụ để theo dõi, tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc quyền quản lý có vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính thì phải báo cáo về Sở Nội vụ trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây nóng.

b) Thành lập Tổ kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính thường xuyên và đột xuất.

c) Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, thông báo và hàng năm tham gia đánh giá sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức tại nơi cư trú theo yêu cầu của cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến, phản ánh các cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân vi phạm nội dung tại Quy định này.

4. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:

a) Hàng năm tổ chức cho 100% cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình ký cam kết về thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Quy định này.

b) Bố trí cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện Quy định này, làm cơ sở cho việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

c) Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, quy trình, nội dung, thời gian công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.

d) Khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích, đồng thời nhắc nhở, phê bình và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm túc, kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm.

đ) Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này; định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 - 6), hàng năm (trước ngày 15 - 11) báo cáo kết quả về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp, báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.