Quyết định 25/2013/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ sản xuất cây khoai tây trên đất 2 lúa từ năm 2013 đến năm 2015
Số hiệu: 25/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định Người ký: Nguyễn Văn Tuấn
Ngày ban hành: 02/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2013/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 02 tháng 7 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT CÂY KHOAI TÂY TRÊN ĐẤT 2 LÚA TỪ NĂM 2013 ĐẾN 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 124/TTr-SNN ngày 12/6/2013 về ban hành chính sách hỗ trợ cây khoai tây từ năm 2013 đến 2015 và căn cứ tình hình thực tế của địa phương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất cây khoai tây trên đất 2 lúa trên địa bàn tỉnh Nam Định từ năm 2013 đến năm 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế mọi quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây khoai tây trước ngày ký ban hành Quyết định này.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn

 

QUY ĐỊNH

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẢN XUẤT CÂY KHOAI TÂY TRÊN ĐẤT 2 LÚA TỪ NĂM 2013 ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 02/7 /2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định)

1. Đối tượng hỗ trợ

Các hộ hoặc nhóm hộ nông dân, công nhân nông nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp (gọi chung là người sản xuất) trực tiếp sản xuất cây khoai tây thương phẩm theo phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rạ trên đất 2 lúa tại các vùng quy hoạch sản xuất vụ Đông tập trung của các xã, thị trấn trong các vụ Đông 2013, 2014 và 2015.

2. Điều kiện hỗ trợ

- Phải trồng các giống khoai tây: Đức, Hà lan, Atlantics, KT3 và áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rạ.

- Phải sản xuất tại các vùng quy hoạch vụ Đông tập trung trong các vụ Đông 2013, 2014 và 2015;

- Quy mô diện tích thực tế trồng khoai tây phải đạt từ 01 ha/vùng trở lên.

3. Mức hỗ trợ

Hỗ trợ tiền giống: 150.000 đồng/sào Bắc Bộ (4,17 triệu đồng/ha).

4. Trình tự, hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí

- Sau khi kết thúc gieo trồng 20 ngày, trong thời hạn 10 ngày, Trưởng thôn, xóm lập bảng kê danh sách các hộ trực tiếp sản xuất và diện tích trồng cây khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ, lấy chữ ký xác nhận của từng hộ và báo cáo UBND xã, thị trấn.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được báo cáo của Trưởng thôn, xóm về kết quả trồng cây khoai tây áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rạ trên đất 2 lúa, UBND xã, thị trấn tổ chức kiểm tra và nghiệm thu; lập 03 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ sản xuất cây khoai tây gửi UBND huyện, thành phố.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ của UBND xã, thị trấn gồm:

+ Tờ trình đề nghị hỗ trợ của UBND xã, thị trấn;  

+ Bảng kê danh sách các hộ trực tiếp sản xuất và diện tích trồng cây khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ, có chữ ký của chủ hộ. Bảng kê do Trưởng các thôn, xóm lập và UBND xã, thị trấn xác nhận.

+ Biên bản nghiệm thu kết quả gieo trồng cây khoai tây áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rạ trên đất 2 lúa theo từng vùng sản xuất của từng thôn, xóm. Biên bản do Ban nông nghiệp xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, xóm thực hiện; có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia nghiệm thu, Trưởng Ban nông nghiệp xã ký xác nhận.

+ Bảng tổng hợp diện tích trồng cây khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ của toàn xã.

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ của UBND xã, thị trấn, UBND huyện, thành phố có trách nhiệm thành lập Đoàn kiểm tra để tổ chức thẩm định diện tích thực tế trồng khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ và hồ sơ đề nghị hỗ trợ của từng xã, thị trấn; lập Biên bản kiểm tra, thẩm định; tổng hợp kết quả trồng khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ của toàn huyện; lập Tờ trình và hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp & PTNT và Sở Tài chính để thẩm định, trình UBND tỉnh.

Hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính gồm:

+ Tờ trình đề nghị hỗ trợ của UBND huyện, thành phố.

+ Biên bản kiểm tra, thẩm định diện tích thực tế trồng khoai tây áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu, phủ rạ trên đất 2 lúa (do phòng Nông nghiệp & PTNT chủ trì, phối hợp với phòng Tài chính – Kế hoạch và UBND xã, thị trấn thực hiện).

+ Bảng tổng hợp diện tích trồng khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ của toàn huyện hoặc thành phố.

+ Toàn bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ của UBND xã, thị trấn.

- Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ của UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp kinh phí hỗ trợ cho từng xã, thị trấn; lập Tờ trình đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định cấp kinh phí hỗ trợ.

- Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các huyện, thành phố và Tờ trình đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định, lập Tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ.

- Trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được Tờ trình của Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh ra Quyết định cấp kinh phí bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thành phố để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

5. Nguồn kinh phí và nguyên tắc hỗ trợ

- Nguồn kinh phí hỗ trợ: Từ nguồn kinh phí ngân sách tỉnh.

- Nguyên tắc hỗ trợ:

+ Thực hiện hỗ trợ sau khi người sản xuất kết thúc gieo trồng cây khoai tây và có đủ hồ sơ, thủ tục theo quy định.

+ Chỉ hỗ trợ mỗi năm 01 lần trên một đơn vị diện tích trồng khoai tây đủ điều kiện hỗ trợ. Trường hợp diện tích sản xuất khoai tây đã được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác thì không được hỗ trợ theo chính sách này.

6. Quản lý, cấp phát kinh phí hỗ trợ

- Sau khi được duyệt kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, UBND các huyện, thành phố cấp kinh phí bổ sung mục tiêu cho ngân sách xã, thị trấn.

- UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm tiếp nhận kinh phí hỗ trợ, thông báo và niêm yết công khai danh sách, số tiền được hỗ trợ đối với từng hộ tại trụ sở UBND xã, thị trấn và tại các thôn, xóm; chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho từng đối tượng được hỗ trợ và quyết toán ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

Kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng được hạch toán và quyết toán ngân sách xã, thị trấn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp & PTNT và Sở Tài chính để báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết./.