Quyết định 21/2014/QĐ-UBND về nhiệm vụ và quyền hạn của người kiêm nhiệm làm công tác lâm nghiệp tại các xã có rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu: 21/2014/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Lê Phước Thanh
Ngày ban hành: 01/08/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2014/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 01 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI KIÊM NHIỆM LÀM CÔNG TÁC LÂM NGHIỆP TẠI CÁC XÃ CÓ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và PTNT công tác trên địa bàn cấp xã;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 186/TTr-SNN&PTNT ngày 24/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người kiêm nhiệm làm công tác lâm nghiệp tại các xã có rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện theo các Quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Nội vụ; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có rừng; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT TU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- CVP;
- Lưu: VT, NC, TH, KTN.
D:\Dropbox\minh tam b\Nam 2014\Công văn VP\Xin y kien qppl\07 01 du thao Quy dinh nhiem vu va quyen han cua can bo lam cong tac lam nghiep xa.doc

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Phước Thanh

 

QUY ĐỊNH

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI KIÊM NHIỆM LÀM CÔNG TÁC LÂM NGHIỆP TẠI CÁC XÃ CÓ RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 21 /2014/QĐ-UBND ngày 01 /8/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của người kiêm nhiệm làm công tác lâm nghiệp tại các xã có rừng (sau đây gọi tắt là người làm công tác lâm nghiệp xã) để tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn cấp xã.

Điều 2. Người làm công tác lâm nghiệp xã chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã và được bố trí nơi làm việc, hỗ trợ một số trang thiết bị làm việc cần thiết tại UBND cấp xã, được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 3. Quy định này áp dụng đối với người làm công tác lâm nghiệp tại các xã, thị trấn có diện tích rừng và đất lâm nghiệp từ 300 hécta trở lên tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 21/8/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về bố trí nhân sự và hỗ trợ kinh phí cho người kiêm nhiệm làm công tác lâm nghiệp đối với các xã có rừng trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

Chương 2

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC LÂM NGHIỆP XÃ

Điều 4. Nhiệm vụ của người làm công tác lâm nghiệp xã

1. Phối hợp với các Hội đoàn thể, các ban, ngành có liên quan cấp xã, Kiểm lâm phụ trách địa bàn thực hiện các công việc sau:

a) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho người dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

b) Tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường, lập biên bản xác nhận hiện trường thiết kế khai thác gỗ rừng trồng, gỗ tận thu, tận dụng và lâm sản ngoài gỗ theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; Thông tư số 70/2011/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 về hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ; xác nhận nguồn gốc lâm sản theo quy định tại Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.

2. Tham mưu giúp Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện các nội dung sau:

a) Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; theo dõi và thống kê các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản, giám sát các chủ rừng trong việc gây nuôi, trồng, cấy nhân tạo động vật, thực vật rừng; kiểm tra, giám sát trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tình hình sản xuất lâm nghiệp của các cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn.

b) Phối hợp với các cơ quan chức năng lập và quản lý hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã; tổ chức giao, khoán, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp theo chỉ đạo của UBND cấp huyện.

c) Hướng dẫn người dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, sản xuất nương rẫy, sản xuất nông-lâm-ngư kết hợp theo quy hoạch đã được phê duyệt, tham gia xây dựng và đôn đốc các thôn, bản thực hiện quy ước quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

d) Huy động các lực lượng của xã, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng kiểm tra, truy quét lâm sản, khoáng sản trái phép; phối hợp với các lực lượng chức năng (Kiểm lâm, Công an, Quân đội, các đơn vị chủ rừng) trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm sản, khoáng sản trái phép trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn.

đ) Khi phát hiện trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng hoặc cháy rừng xảy ra thì phải kịp thời báo cáo UBND cấp xã để chỉ đạo các ngành chức năng ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã; tham mưu xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

e) Phối hợp với các ngành liên quan hòa giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

3. Định kỳ hàng tháng, quý người làm công tác lâm nghiệp xã phối hợp với Kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu UBND cấp xã tổ chức họp để đánh giá tình hình hoạt động trong tháng và bàn giải pháp hoạt động cho các tháng tiếp theo; tham mưu UBND cấp xã tổ chức họp trong trường hợp đột xuất (nếu cần thiết).

4. Hằng tháng, quý, năm người làm công tác lâm nghiệp xã báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có xác nhận của UBND cấp xã gửi các Hạt Kiểm lâm, cơ quan Tài chính cấp huyện để tổng hợp, theo dõi chỉ đạo.

Điều 5. Quyền hạn của người làm công tác lâm nghiệp xã

1. Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ rừng, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, sản xuất nông lâm kết hợp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn đối với các diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, khoán bảo vệ trên địa bàn cấp xã.

2. Phối hợp kiểm tra, xác minh đối với những trường hợp xin được giao, khoán, thuê rừng và đất lâm nghiệp để bảo vệ, trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp; yêu cầu các chủ rừng báo cáo kết quả về tình hình quản lý, bảo vệ rừng và hoạt động sản xuất kinh doanh lâm sản trên địa bàn cấp xã để tham mưu UBND cấp xã giải quyết theo thẩm quyền.

3. Theo dõi, kiểm tra các đơn vị, chủ rừng trên địa bàn thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch, phương án quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, trồng rừng và sử dụng đất lâm nghiệp tại địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Khi phát hiện cháy rừng, có quyền yêu cầu đơn vị, chủ rừng tổ chức lực lượng chữa cháy và báo cáo ngay cho Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng chữa cháy. Trường hợp các đơn vị chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư thôn được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy hoặc để rừng bị cháy mà không tổ chức cứu chữa kịp thời, người làm công tác lâm nghiệp xã có quyền lập biên bản vi phạm và tham mưu Chủ tịch UBND cấp xã xử lý theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

5. Khi thi hành công vụ, người làm công tác lâm nghiệp xã phối hợp với các ngành chức năng của xã, Kiểm lâm phụ trách địa bàn kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; có quyền yêu cầu các đối tượng bị kiểm tra xuất trình những giấy tờ liên quan phục vụ cho công tác kiểm tra theo thẩm quyền.

Chương 3

KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Kinh phí hoạt động

1. Người làm công tác lâm nghiệp xã được hưởng chế độ theo quy định tại Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 21/8/2013 của UBND tỉnh Quảng Nam về bố trí nhân sự và hỗ trợ kinh phí cho người kiêm nhiệm làm công tác lâm nghiệp đối với các xã có rừng trên địa bàn tỉnh.

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, người làm công tác lâm nghiệp xã được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cấp xã phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định và các nguồn hỗ trợ khác (nếu có).

Điều 7. Khen thưởng và kỷ luật

1. Cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng, tổ chức, chỉ đạo tham gia hoạt động có hiệu quả về công tác lâm nghiệp trên địa bàn cấp xã thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp người làm công tác lâm nghiệp xã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của mình để làm trái với các quy định nêu trên và không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Quy định này. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hướng dẫn các Hạt Kiểm lâm xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác lâm nghiệp xã; chỉ đạo Kiểm lâm phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với người làm công tác lâm nghiệp xã để thực hiện tốt vai trò tham mưu UBND cấp xã thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn việc cấp phát, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người làm công tác lâm nghiệp xã theo quy định.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp tại các địa phương, chỉ đạo các phòng, ngành chức năng cấp huyện phối hợp, hướng dẫn chế độ thanh quyết toán kinh phí theo quy định của pháp luật và hỗ trợ người làm công tác lâm nghiệp xã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện hoạt động của người làm công tác lâm nghiệp xã. Tùy theo tình hình cụ thể, hàng tháng hay quý UBND cấp xã họp giao ban với người làm công tác lâm nghiệp xã, Kiểm lâm địa bàn và các đơn vị chủ rừng có liên quan để đánh giá công tác tháng trước và triển khai công tác các tháng tiếp theo./.