Quyết định 24/2013/QĐ-UBND về Quy định quản lý, bảo vệ vệ sinh môi trường tại cảng, bến cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Số hiệu: 24/2013/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Nguyễn Đức Thanh
Ngày ban hành: 09/05/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2013/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 09 tháng 5 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CẢNG, BẾN CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 22/2006/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường;

Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BTNMT ngày 07 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

Căn cứ Thông tư số 14/2009/TT-BNN ngày 12 tháng 3 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý môi trường trong chế biến thủy sản;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 09/TTr-SNNPTNT ngày 16 tháng 01 năm 2013 và Báo cáo thẩm định số 44/BC-STP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý, bảo vệ vệ sinh môi trường tại cảng, bến cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 04 Chương 17 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CẢNG, BẾN CÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định việc quản lý, bảo vệ vệ sinh môi trường tại cảng, bến cá trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực cảng, bến cá; các phương tiện tàu thuyền, phương tiện vận tải ra vào mua bán sản phẩm và neo đậu trong và ngoài khu vực cảng, bến cá và ven luồng lạch, vũng đậu tàu.

Chương II

QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TẠI CẢNG, BẾN CÁ

Điều 3. Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ vệ sinh môi trường cảng, bến cá

1. Tổ chức tuyên truyền các nội dung về quản lý, bảo vệ vệ sinh môi trường đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu vực cảng, bến cá; các phương tiện tàu thuyền, vận tải ra vào mua bán sản phẩm và neo đậu trong khu vực cảng cá, bến cá và nhân dân sống ven luồng lạch, vũng đậu tàu để thực hiện bảo vệ vệ sinh môi trường, đảm bảo mỹ quan trong khu khu vực cảng, bến cá.

2. Tổ chức cam kết đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực cảng, bến cá; các chủ phương tiện tàu thuyền, vận tải ra vào mua bán sản phẩm và neo đậu trong khu vực cảng cá, bến cá và nhân dân sống ven luồng lạch, vũng đậu tàu trong việc thực hiện bảo vệ vệ sinh môi trường.

3. Thực hiện tốt việc thu gom rác thải, nạo vét hố ga, khơi thông cống rãnh trên địa bàn dân cư giáp ranh cảng, bến cá.

4. Kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và ngoài khu vực cảng, bến cá; các phương tiện tàu thuyền, vận tải ra vào mua bán sản phẩm và neo đậu trong, ngoài khu vực cảng, bến cá và nhân dân sống ven luồng lạch, vũng đậu tàu.

Điều 4. Những hành vi nghiêm cấm trong khu vực cảng, bến cá

1. Xả chất thải rắn, dầu nhớt đã qua sử dụng xuống luồng lạch, vũng đậu tàu và đường nội bộ trong cảng, bến cá.

2. Xả nước rửa thủy sản sơ chế, nước thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa qua xử lý ra môi trường.

3. Thải khói, bụi, khí độc, mùi độc hại vào không khí, phát bức xạ, phóng xạ ra môi trường xung quanh vượt quá quy chuẩn cho phép.

4. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn cho phép.

5. Vận chuyển hàng cấm, hàng có khả năng gây ô nhiễm, độc hại, chất cháy nổ, hàng lậu, hàng giả vào cảng, bến cá.

Điều 5. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường

1. Có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

2. Trang thiết bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo đúng quy định của pháp luật.

3. Lắp đặt các thiết bị lọc bụi, giảm thiểu và xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi khí độc ra môi trường lao động.

4. Có kế hoạch, bảo đảm nguồn lực và trang thiết bị đủ khả năng phòng, chống và ứng phó các sự cố môi trường.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực cảng, bến cá

1. Chấp hành các quy định của pháp luật và quy định của cảng, bến cá về bảo vệ vệ sinh môi trường.

2. Hạn chế, khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người lao động.

3. Chấp hành chế độ kiểm tra, thanh tra bảo vệ môi trường theo quy định.

4. Hợp tác đối với các đơn vị quản lý cảng, bến cá, các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương trong việc xử lý nước, rác thải và khí thải trước khi thải ra môi trường xung quanh đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

5. Khi phát hiện có hành vi gây ô nhiễm môi trường phải thông báo kịp thời đến đơn vị cảng, bến cá hoặc chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Điều 7. Quản lý chất thải nguy hại

Việc thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy chất thải nguy hại thực hiện theo Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Điều 8. Quản lý chất thải rắn

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý các loại phân, rác thải sinh hoạt phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.

Điều 9. Quản lý và xử lý nước thải

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản phải thu gom, xử lý nước thải, không được để rò rỉ ra môi trường và xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường theo QCVN 11: 2008/BTNMT.

2. Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn; nếu có yếu tố nguy hại phải được quản lý theo quy định đối với chất thải nguy hại.

Điều 10. Quản lý và giảm thiểu bụi, khí thải, tiếng ồn

1. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh khói, bụi phải có thiết bị thu gom bụi, khí thải, không để phát tán ra môi trường.

2. Đảm bảo chất lượng không khí xung quanh theo QCVN 05: 2009/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; tiếng ồn theo QCVN 26: 2010/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.

3. Các loại phương tiện giao thông ra vào cảng, bến cá khi vận chuyển nguyên vật liệu và các loại chất thải khác không được để rơi vãi gây ô nhiễm môi trường.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quy định trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với các cảng, bến cá trên địa bàn tỉnh.

2. Chỉ đạo Ban quản lý Khai thác các cảng cá thực hiện Quy định này và phổ biến cho các tổ chức, cá nhân có liên quan biết, thực hiện.

3. Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, tàu thuyền về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.

4. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ vệ sinh môi trường được nêu trong Quy định này và các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường

1. Hướng dẫn và kiểm tra việc xử lý nước thải, rác thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản tại cảng, bến cá.

2. Kiểm tra phát hiện hành vi, vi phạm vệ sinh môi trường tại cảng, bến cá và tiến hành xử phạt các đối tượng vi phạm để răn đe, giáo dục trong việc thực hiện bảo vệ vệ sinh môi trường.

Điều 13. Trách nhiệm của Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo về môi trường; kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản tại cảng, bến cá.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản, phương tiện tàu thuyền trong việc chấp hành quy định về quản lý, bảo vệ vệ sinh môi trường tại cảng, bến cá trên địa bàn tỉnh, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.

Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, phường có cảng, bến cá

1. Chỉ đạo và tổ chức vận động, tuyên truyền, ký cam kết về bảo vệ vệ sinh môi trường với các hộ gia đình trong khu dân cư, tàu thuyền địa phương thuộc phạm vi quản lý.

2. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, cá nhân, chủ phương tiện tàu thuyền. Xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý về môi trường cấp trên để xử lý trong trường hợp vi phạm vượt quá thẩm quyền.

3. Phối hợp với Ban quản lý Khai thác các cảng cá tổ chức quản lý, bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm xảy ra tại khu vực các cảng, bến cá.

Điều 16. Trách nhiệm của Ban quản lý Khai thác các cảng cá

1. Thường xuyên thông tin tuyên truyền về bảo vệ môi trường qua hệ thống loa nội bộ. Tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên mặt bằng cảng, bến cá, chủ phương tiện tàu thuyền vãng lai về bảo vệ môi trường.

2. Phối hợp với chính quyền địa phương cấp phường, xã kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực cảng, bến cá; hộ gia đình sống ven luồng lạch, vũng đậu tàu và các chủ phương tiện tàu thuyền.

3. Hướng dẫn, tổ chức thu gom và vận chuyển rác thải tập kết tại cảng, bến cá đúng quy định.

4. Kiến nghị chính quyền địa phuơng cấp phường, xã, thị trấn hoặc cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn do Nhà nước quy định có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy định này.

2. Quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.