Quyết định 18/2007/QĐ-UBND ban hành Quy định về chế độ trợ cấp đối với người có bằng đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành
Số hiệu: 18/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Trần Khiêu
Ngày ban hành: 06/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 18/2007/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 06 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ BẰNG ĐẠI HỌC VỀ CÔNG TÁC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TỈNH TRÀ VINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị quyết số 11/2007/NQ-HĐND ngày 17/8/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chế độ trợ cấp đối với người có bằng đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Trà Vinh
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chế độ trợ cấp đối với người có bằng đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Trà Vinh;

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nội vụ hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quyết định này, định kỳ hàng quý báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 64/2002/QĐ-UBT ngày 21/11/2002 của UBND tỉnh Trà Vinh “Về việc quy định tạm thời chế độ trợ cấp đối với những người có bằng đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn và hợp tác xã trong tỉnh Trà Vinh”

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn căn cứ Quyết định này thi hành.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Khiêu

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ BẰNG ĐẠI HỌC VỀ CÔNG TÁC TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN VÀ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP TRONG TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18 /2007/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Trà Vinh)

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (Khóa IX); nhằm thu hút người tốt nghiệp đại học về công tác ở xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp (dưới đây gọi tắt là xã), căn cứ Nghị quyết số 11/2007/NQ-HĐND ngày 17/8/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh quy định chế độ trợ cấp đối với người có bằng đại học về công tác tại xã, phường, thị trấn và hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh Trà Vinh, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Chế độ này được thực hiện đối với những người trong tỉnh, ngoài tỉnh có bằng đại học được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và quyết định phân công về công tác tại xã phù hợp với ngành nghề và sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng và không áp dụng

1. Đối tượng áp dụng

Những người trong tỉnh, ngoài tỉnh có bằng đại học thuộc các ngành: Nông nghiệp, địa chính, xây dựng, tài chính - kế toán, quản trị - kinh doanh, công nghệ - thông tin, luật, kinh tế nông nghiệp, môi trường, văn hóa, hành chính được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và quyết định phân công về công tác tại xã.

2. Đối tượng không áp dụng

- Công chức thuộc ngành giáo dục-đào tạo, y tế, khuyến nông, khuyến ngư do ngành dọc quản lý đang công tác tại xã;

- Cán bộ chuyên trách, công chức chuyên môn ở xã được điều chỉnh bởi Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn;

- Cán bộ hiện công tác ở xã có bằng cử nhân chính trị.

Điều 3. Điều kiện tiếp nhận, số lượng, quy trình và thẩm quyền tiếp nhận

1. Điều kiện tiếp nhận: Những người có bằng đại học có nguyện vọng về công tác tại xã phải nộp hồ sơ đủ các điều kiện sau đây:

a) Đơn xin công tác tại xã (theo mẫu quy định);

b) Tuổi đời không quá 40;

c) Tờ cam kết làm việc tại xã từ 05 năm trở lên, có ý kiến đồng ý tiếp nhận của UBND xã (theo mẫu quy định);

d) Bằng tốt nghiệp đại học (bản sao có chứng thực);

đ) Giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân (bản sao có chứng thực);

e) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp đủ sức khỏe để làm việc;

g) Lý lịch (theo mẫu quy định).

( Hồ sơ được lập thành 02 bộ như nhau )

2. Số lượng tiếp nhận (kể cả số lượng đã tiếp nhận theo Quyết định số 64/2002/QĐ-UBT ngày 21/11/2002 của UBND tỉnh Trà Vinh):

a) Mỗi xã, phường, thị trấn tiếp nhận không quá 05 người, trong đó mỗi ngành đào tạo không quá 02 người.

b) Mỗi hợp tác xã nông nghiệp tiếp nhận không quá 02 người.

3. Quy trình và thẩm quyền tiếp nhận

a) UBND xã khi có nhu cầu tiếp nhận người có bằng đại học về công tác tại xã phải niêm yết công khai nhu cầu về số lượng, lĩnh vực cần tuyển và thủ tục hồ sơ tại trụ sở UBND xã; nhận hồ sơ và lập đề nghị gởi UBND huyện - thị xã, qua Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh Xã hội để thẩm định;

b) UBND huyện - thị xã lập danh sách kèm theo hồ sơ của người cần tiếp nhận gởi đến Sở Nội vụ;

c) Giám đốc Sở Nội vụ mời đại diện UBND huyện - thị xã và Sở ngành quản lý chuyên ngành có liên quan để tổ chức phỏng vấn theo danh sách đề nghị của UBND huyện - thị xã; căn cứ vào kết quả phỏng vấn:

- Nếu đối tượng đạt yêu cầu phỏng vấn, Sở Nội vụ có văn bản thỏa thuận để UBND huyện - thị xã ban hành quyết định tiếp nhận và phân công công tác;

- Nếu đối tượng không đạt yêu cầu phỏng vấn, Sở Nội vụ thông báo cho đương sự biết bằng văn bản.

Điều 4. Chế độ trợ cấp:

Những người có bằng đại học được cơ quan có thẩm quyền quyết định tiếp nhận và phân công về công tác tại xã được hưởng trợ cấp như sau:

1. Được nhận khoản trợ cấp ban đầu 5.000.000 đồng (năm triệu đồng);

2. Hàng tháng được hưởng mức trợ cấp tương đương hệ số lương 2,34 nhân với mức lương tối thiểu hiện hành;

3. Cứ sau 03 năm công tác, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nâng mức trợ cấp hàng tháng tương đương với hệ số lương liền kề của ngạch chuyên viên nhân với mức lương tối thiểu hiện hành;

Điều 5. Quyền lợi và nghĩa vụ

1. Quyền lợi

a) Kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân công công tác tại xã, những người có bằng đại học được hưởng mọi quyền lợi như cán bộ, công chức tại xã (trừ phần Bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước trích nộp theo quy định đối với trường hợp chưa được tuyển dụng vào các chức danh theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn);

b) Quá trình công tác nếu có thành tích tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được xem xét, tuyển dụng vào các chức danh chuyên môn hay cơ cấu các chức danh cán bộ chuyên trách theo Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ; có thời gian công tác tại xã từ 01 năm trở lên được cơ quan cấp có thẩm quyền xem xét, tuyển dụng vào biên chế cơ quan Nhà nước thì không phải trãi qua thời gian tập sự.

2. Nghĩa vụ

a) Chấp hành sự phân công của Lãnh đạo cơ quan trực tiếp quản lý;

b) Trong 5 năm đầu có nghĩa vụ nghiên cứu, xây dựng hoặc ứng dụng một số đề tài về kinh tế - xã hội ở xã và tổ chức thực hiện có hiệu quả;

c) Làm tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo xã về những vấn đề có tính thiết thực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Điều 6. Khen thưởng và bồi thường kinh phí

1. Trong quá trình công tác xây dựng hoặc ứng dụng một số đề tài; mỗi đề tài khi được cơ quan có thẩm quyền đánh giá ứng dụng có hiệu quả tại địa phương, thì được xem xét, khen thưởng theo quy định;

2. Trường hợp tự ý bỏ việc (trong thời hạn 5 năm đầu) hoặc không hoàn thành nhiệm vụ bị cơ quan có thẩm quyền buộc thôi việc, phải bồi thường toàn bộ số tiền trợ cấp ban đầu 5.000.000 đồng (năm triệu đồng).

Điều 7. Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách tỉnh chi trả trợ cấp ban đầu 5.000.000 đồng; ngân sách xã và Hợp tác xã chi trả trợ cấp hàng tháng theo dự toán ngân sách xã được phân bổ và cân đối của Hợp tác xã hàng năm.