Nghị quyết 11/2007/NQ-HĐND quy định mức thu và sử dụng học phí đối với học sinh học nghề trong cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Số hiệu: 11/2007/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Nguyễn Viết Xuân
Ngày ban hành: 12/07/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2007/NQ-HĐND

Hà Giang, ngày 12 tháng 07 năm 2007

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC THU VÀ SỬ DỤNG HỌC PHÍ ĐỐI VỚI HỌC SINH HỌC NGHỀ TRONG CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHÓA XV - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 1 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số: 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở đào tạo nghề công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Căn cứ vào Thông tư liên tịch số: 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-TC ngày 31/8/1998 của liên Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn thực hiện thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 46/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 20/6/2001 của Bộ Tài chính và Bộ giáo dục - Đào tạo hướng dẫn quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 16/2006/TTLB/BLĐTBXH-BGD&ĐT-BTC ngày 20/11/2006 của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, Bộ giáo dục - Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ;

Sau khi xem xét Tờ trình số 132/TT-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc đề nghị ban hành Quy định mức thu và sử dụng học phí đối với học sinh học nghề trong các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

Hội đồng nhân dân tỉnh đã thảo luận và nhất trí,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành Quy định mức thu và sử dụng học phí đối với học sinh học nghề trong các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Có quy định kèm theo).

Điều 2. Bãi bỏ Điểm 4 - Mục I - Phần B trong Nghị quyết số: 04/1999/HĐND ngày 23/7/1999 của HĐND tỉnh Hà Giang “Về việc quy định thu học phí, các khoản lệ phí và sử dụng học phí, lệ phí trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo”.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/7/2007. Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XV - Kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy; HĐND; UBND Tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh;
- Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh
- Các Ban HĐND tỉnh
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP Đoàn ĐBQH &HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thị xã;
- Công báo tỉnh;
- Chuyên viên HĐND tỉnh;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Viết Xuân

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU VÀ SỬ DỤNG HỌC PHÍ ĐỐI VỚI HỌC SINH HỌC NGHỀ TRONG CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO NGHỀ CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 11/2007/QĐ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2007 của HĐND tỉnh Hà Giang- Kỳ họp thứ 9)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định mức thu và sử dụng học phí đối với học sinh học nghề trong các cơ sở đào tạo nghề công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Học sinh đang học ở các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 3. Nguyên tắc thu và sử dụng học phí

1. Học phí ở các cơ sở dạy nghề là khoản đóng góp của gia đình hoặc bản thân người học nghề để cùng Nhà nước đảm bảo các hoạt động đào tạo nghề.

2. Học phí thu được nộp vào kho bạc nhà nước, được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật.

3. Học phí do các cơ sở đào tạo nghề có trách nhiệm thu, quản lý, sử dụng theo đúng quy định về nguyên tắc tài chính và được công bố công khai vào đầu năm học.

Chương II

MỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HỌC PHÍ

Điều 4. Mức thu học phí

1. Mức thu học phí đối với các cơ sở dạy nghề công lập hệ trung cấp nghề; cao đẳng nghề (thu 10 tháng trong một năm học) tối đa không quá mức sau:

- Nông lâm nghiệp, cắt may, máy tính công nghệ thông tin, nghiệp vụ-phục vụ bàn, buồng: 70.000 đồng/học sinh/tháng;

- Kỹ thuật điện công nghiệp, kỹ thuật điện dân dụng, kỹ thuật điện tử dân dụng, kỹ thuật sửa chữa ô tô - xe gắn máy, xây dựng dân dụng và công nghiệp, thủ công mỹ nghệ: 80.000 đồng/học sinh/tháng;

- Kỹ thuật Gò-Hàn, sản xuất và chế biến, mỏ và khai thác, kỹ nghệ kim loại: 90.000 đồng/học sinh/tháng;

- Các nghề khác: Không quá 120.000 đồng/học sinh/tháng.

2. Mức thu học phí đối với loại hình đào tạo không chính quy (hệ ngắn hạn) tại cơ sở dạy nghề công lập tùy theo yêu cầu, nội dung và tính đặc thù của từng ngành, nghề đào tạo; Hiệu trưởng, Giám đốc các cơ sở dạy nghề tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở thỏa thuận với người học nghề theo hợp đồng đào tạo, nhưng mức thu tối đa không vượt quá 350.000đồng/tháng/người học.

Điều 5. Quản lý, sử dụng học phí

1. Thu và quản lý học phí:

Toàn bộ học phí thu được phải nộp vào kho bạc nhà nước nơi cơ sở dạy nghề giao dịch theo một tài khoản riêng. Việc lập dự toán thu, chi và quyết toán học phí theo quy định Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách.

2. Chi học phí:

a. Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, chi sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất hiện có, xây dựng nhỏ các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, ký túc xá cho học sinh, sinh viên; mua sắm, thuê mướn cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, quản lý chuyên môn hành chính và các công việc khác có liên quan.

b. Bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp đào tạo nghề, bao gồm tất cả các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn và các khoản chi thường xuyên thuộc nội dung chi hoạt động sự nghiệp dạy nghề, kể cả chi cho thi tốt nghiệp ở các cơ sở dạy nghề, chi nghiệp vụ quản lý quỹ học phí tại cơ sở.

c. Phần thu còn lại sau khi chi được trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐỐI TƯỢNG MIỄN, GIẢM HỌC PHÍ

Điều 6. Đối tượng được miễn nộp học phí

1. Học sinh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B (sau đây gọi chung là thương binh).

2. Học sinh là con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945; con của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, con của Anh hùng lao động trong kháng chiến; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh; con bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

3. Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

4. Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn đã hoàn thành cơ bản mục tiêu Chương tình 135 giai đoạn 1999-2005 được hưởng chính sách miễn học phí đến hết năm 2008 theo Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ

5. Học sinh các lớp học nghề ngắn hạn đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số: 32/2006/NQ-HĐND ngày 09/12/2006 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt phương án hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn giai đoạn 2007-2010.

6. Học sinh bị tàn tật (mức suy giảm khả năng lao động 21% trở lên do tàn tật và được Hội đồng giám định Y khoa xác nhận) và có khó khăn về kinh tế được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận và đề nghị.

7. Học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

8. Học sinh thuộc đối tượng tuyển chọn ở các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dạy nghề cho người tàn tật, trường khuyết tật (thiểu năng).

Điều 7. Đối tượng được giảm học phí.

1. Đối tượng được giảm 50% học phí

1.1. Học sinh là con cán bộ công nhân viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.

1.2. Học sinh thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ.

2. Những trường hợp đột xuất khi có thiên tai lớn xảy ra trong khu vực, Liên sở Lao động- Thương binh - Xã hội và Sở Tài chính xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định giảm học phí cho các đối tượng học sinh từng vùng, theo mức độ thiệt hại và trong thời hạn nhất định. Trường hợp cá biệt, gia đình hoặc bản thân học sinh có khó khăn đột xuất được địa phương xác nhận thì cơ sở đào tạo nghề xem xét cụ thể và quyết định việc giảm học phí trong thời hạn nhất định.