Quyết định 17/2020/QĐ-UBND quy định về định mức, điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu và thực hiện chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 17/2020/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Phương
Ngày ban hành: 01/04/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngân hàng, tiền tệ, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2020/QĐ-UBND

 Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 4 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC, ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ LÃI SUẤT VAY VỐN BAN ĐẦU VÀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2016;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định định mức, điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu và triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các doanh nghiệp mới thành lập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày 20 tháng 12 năm 2019 (trừ doanh nghiệp có vốn nước ngoài);

b) Các cơ quan quản lý nhà nước;

c) Cục Thuế tỉnh, các Chi cục Thuế khu vực, Chi cục Thuế huyện A Lưới, Chi cục Thuế thành phố Huế;

d) Cục Hải quan tỉnh, các Chi cục Hải quan;

đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, các Chi nhánh ngân hàng hoạt động trên địa bàn tỉnh;

e) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Định mức, điều kiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu

1. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ

Thực hiện theo khoản 1, khoản 2 Điều 6 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

2. Điều kiện hỗ trợ

Đảm bảo cả 02 điều kiện:

a) Thực hiện theo điểm a khoản 3 Điều 6 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh;

b) Có phương án, dự án sản xuất thuộc một trong các ngành nghề, sản phẩm sau: (i) Sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo do UBND tỉnh tổ chức hàng năm.

(ii) Lĩnh vực công nghệ thông tin: Gồm các ngành nghề, sản phẩm:

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học máy tính và thông tin (mã ngành 7211 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ);

- Đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (mã ngành 8531, 8559 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ);

- Thu thập, tạo lập và xử lý dữ liệu số, thông tin số (mã ngành 6311 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ);

- Nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ số (mã ngành 2610, 2620, 2630, 2640 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ);

- Phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin (mã ngành 5820, 6201, 6202 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

(iii) Lĩnh vực dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống: Gồm các ngành nghề, sản phẩm du lịch, tua du lịch (mã ngành 7911, 7912 tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ) liên quan đến:

- Du lịch di sản, văn hóa Huế;

- Du lịch làng nghề truyền thống;

- Du lịch ẩm thực;

- Du lịch lễ hội;

- Du lịch tâm linh.

(iv) Sản phẩm nông nghiệp an toàn, gồm:

- Được sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu; Thông tư số 02/2017/TT-BNNPTNT ngày 13/02/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT và Thông tư số 16/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT ngày 12/11/2013 về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu;

- Được sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý;

- Thuộc dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP theo Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về chứng nhận sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và Thông tư số 06/2018/TT-BNNPTNT ngày 21/6/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi Thông tư số 48/2012/TT-BNNPTNT ngày 26/9/2012;

- Thuộc dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương (VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…).

(v) Sản phẩm thân thiện môi trường, gồm:

- Sản phẩm được tạo ra từ các vật liệu thân thiện với môi trường;

- Sản phẩm đem đến những giải pháp an toàn đến môi trường và sức khỏe thay cho các sản phẩm độc hại truyền thống như túi ni lông, chai nhựa sử dụng một lần;

- Sản phẩm giảm tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng (ít chất thải, sử dụng năng lượng tái sinh, ít chi phí bảo trì).

(vi) Sản phẩm truyền thống, gồm:

- Sản phẩm mang bản sắc văn hóa Huế;

- Sản phẩm gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề;

- Sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Điều 3. Một số chính sách hỗ trợ khác

1. Hỗ trợ sử dụng chữ ký số công cộng

Thực hiện theo Điều 3 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

2. Hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử

Thực hiện theo Điều 4 của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

3. Hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh

Thực hiện theo Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quyết định này đến các cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức khi đến đăng ký thành lập mới doanh nghiệp.

b) Hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh triển khai thực hiện Quyết định này.

c) Hàng năm, lập dự toán nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách, gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

d) Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định đối tượng, hồ sơ, chứng từ có liên quan.

đ) Quyết định chi trả kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định tại Quyết định này và các quy định khác có liên quan; thực hiện thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ, tổng hợp vào quyết toán ngân sách hàng năm của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

e) Chủ trì, phối với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra thực tế các nội dung hỗ trợ.

2. Sở Tài chính

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định này, thực hiện quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm theo quy định.

b) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc kiểm tra triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp.

3. Cục Thuế tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong công tác kê khai thuế và chấp hành tốt các chính sách, pháp luật về thuế.

b) Chủ trì hướng dẫn và triển khai thực hiện hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp về thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các địa phương trong phối hợp thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Quyết định này đến với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với các Chi cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Rà soát, kiểm tra, yêu cầu các hộ kinh doanh có sử dụng thường xuyên hơn mười lao động phải chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

5. Các Chi nhánh ngân hàng hoạt động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

a) Xem xét cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả thuộc đối tượng hỗ trợ theo Quyết định này.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

6. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nhân trẻ

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn thực thi chính sách, pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.

b) Hàng năm phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.

7. Trách nhiệm của hộ kinh doanh, doanh nghiệp

Thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định của pháp luật và sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả.

8. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội

Tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng để các địa phương, đơn vị, cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp biết và thực hiện có hiệu quả.

9. Các cơ quan liên quan khác

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện đúng quy định.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2020.

Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Cục trưởng: Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương

 

 





Nghị quyết 18/2019/NQ-HĐND về bãi bỏ văn bản Ban hành: 09/12/2019 | Cập nhật: 20/02/2020