Quyết định 150/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án "Bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội số I, II, III và số V trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội” thành phố Hà Nội
Số hiệu: 150/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ngày ban hành: 13/01/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 150/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BỔ SUNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ, THEO DÕI CHẨN ĐOÁN, CẮT CƠN, GIẢI ĐỘC, PHỤC HỒI SỨC KHỎE VÀ TƯ VẤN TÂM LÝ CHO NGƯỜI KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH TRONG THỜI GIAN LÀM THỦ TỤC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC CHO CÁC TRUNG TÂM CHỮA BỆNH - GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI SỐ I, II, III VÀ SỐ V TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh; Nghị định số 61/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/7/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/6/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010 của Liên Bộ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội-Bộ Y tế hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện;

Căn cứ Thông tư số 14/2012/TTLB-BLĐTBXH-BCA ngày 06/6/2012 của Liên Bộ: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Công an quy định chi tiết về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

Căn cứ Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 08/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng;

Căn cứ Quyết định số 7144/QĐ-UB ngày 27/12/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 15/TTr-LĐTBXH ngày 06/01/2015 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 17/TTr-SNV ngày 06/01/2015 về việc phê duyệt Đề án, bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I, II, III và số V trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án số 14/ĐA-SLĐTBXH ngày 06/01/2015 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội "Bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội số I, II, III và số V trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội”.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các sở: Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động - Xã hội số I, II, III và số V chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ LĐ -TB & XH;
- TT Thành ủy, HĐNDTP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBNDTP;
- VPUBNDTP: PCVP Đ. Đ. Hồng; VX, NC, TH;
- Lưu: VT, VX (03b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc

 

ĐỀ ÁN

BỔ SUNG NHIỆM VỤ QUẢN LÝ, THEO DÕI CHẨN ĐOÁN, CẮT CƠN, GIẢI ĐỘC, PHỤC HỒI SỨC KHỎE VÀ TƯ VẤN TÂM LÝ CHO NGƯỜI KHÔNG CÓ NƠI CƯ TRÚ ỔN ĐỊNH TRONG THỜI GIAN LÀM THỦ TỤC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC CHO CÁC TRUNG TÂM CHỮA BỆNH - GIÁO DỤC “ LAO ĐỘNG XÃ HỘI SỐ I, SỐ II, SỐ III VÀ SỐ V TRỰC THUỘC SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HÀ NỘI

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ:

1. Sự cần thiết:

a) Thực trạng của các Trung tâm cai nghiện ma túy:

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 07 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được giao thực hiện công tác liên quan đến cai nghiện ma túy (Trung tâm số I, II, III, IV, V, VI, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội VIII). Trong số đó Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội số VIII hiện đang hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật chất. Các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được phân bổ đóng trên các địa bàn khác nhau để thuận tiện cho việc tiếp nhận, quản lý và thực hiện nhiệm vụ được giao. Trung tâm số I, II, IV đóng trên địa bàn xã Yên Bài, huyện Ba Vì; Trung tâm số III, VI đóng trên địa bàn xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn; Trung tâm V đóng trên địa bàn xã Xuân Phương, Quận Nam Từ Liêm.

Với nhiệm vụ “Tiếp nhận, phân loại, tổ chức cắt cơn nghiện ma túy, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, chăm sóc, quản lý, tư vấn cho các đối tượng nghiện hút ma túy, bị nhiễm HIV/AIDS (gồm hai đối tượng bắt buộc và tự nguyện) theo quy trình quy định; tổ chức cho các đối tượng lao động trị liệu, lao động sản xuất, hướng nghiệp. Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I, II, III, V được UBND Thành phố đầu tư xây dựng cơ sở vật chất với tổng diện tích xây dựng trên 58,4 ha, tổng công suất thiết kế tiếp nhận 3.300 người; với tổng số 531 công chức, viên chức và lao động hợp đồng đang làm việc tại các Trung tâm.

Trong những năm qua, các Trung tâm này luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; từ năm 2010 đến đầu năm 2014 đã tiếp nhận, quản lý, giáo dục và chữa bệnh cho khoảng 8.000 người thuộc đối tượng cai nghiện ma túy.

Từ năm 2014, thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính, việc đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải theo Quyết định của Tòa án, số lượng đối tượng vào Trung tâm giảm, số đối tượng hiện có mặt tại 04 trung tâm này là gần 2.100 người; như vậy, so với công suất thiết kế tiếp nhận của 4 trung tâm là 3.300 người, thì hiện nay 4 trung tâm này đang thừa công suất là 1.200 người.

Trong khi đó, theo con số thống kê của Công an thành phố Hà Nội tính hết ngày 15/6/2014 tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn Thành phố là 16.000 người; trong đó số có mặt tại cộng đồng là 7.300 người (chiếm tỉ lệ 40% số người nghiện hồ sơ quản lý); số đang quản lý tập trung tại 7 Trung tâm cai nghiện bắt buộc của Thành phố khoảng 3.200 người nghiện; số người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định người ngoại tỉnh vi phạm chiếm tỷ lệ 45% trên tổng số người nghiện đang quản lý tại các Trung tâm cai nghiện.

b) Yêu cầu công tác quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các đối tượng do Tòa án quyết định. Trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quyết định giao người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng đối với các trường hợp không có nơi cư trú ổn định cho tổ chức xã hội quản lý; Thời hạn quản lý được tính từ khi lập hồ sơ cho đến khi người có thẩm quyền đưa đối tượng đi áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quyết định của Tòa án (Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Theo quy định của Pháp luật việc xác định người nghiện ma túy phải dựa trên 2 tiêu chuẩn xét nghiệm và lâm sàng. Để theo dõi tiêu chuẩn lâm sàng thì người nghiện ma túy phải được lưu tại các cơ sở y tế từ 24-72 giờ để theo dõi. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ sở y tế không được quyền bắt hoặc tạm giữ người nghiện ma túy. Nghị định 221/2003/NĐ-CP quy định các điều kiện mà tổ chức xã hội được giao quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, con người, như:

- Về cơ sở vật chất, thiết bị: cơ sở phải xây dựng thành khu liên hoàn, cách ly với môi trường bên ngoài để tránh thẩm lậu ma túy và tối thiểu phải có 03 phòng chức năng và các thiết bị kèm theo như sau:

- Phòng khám và cấp cứu: diện tích tối thiểu 10 m2 trong đó có tủ thuốc với đầy đủ các danh mục thuốc, dụng cụ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế;

- Phòng lưu bệnh nhân: diện tích tối thiểu 8 m2 và bằng hoặc lớn hơn 4 m2/người điều trị; trong phòng có đủ mỗi bệnh nhân 01 bộ dụng cụ sinh hoạt gồm giường, chiếu, ga, gối, chăn, màn;

- Phòng thường trực của cán bộ y tế, bảo vệ;

- Về nhân sự phải có tối thiểu 04 người gồm: phụ trách đơn vị điều trị cắt cơn là y, bác sỹ chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; 01 y, bác sỹ điều trị; 01 điều dưỡng viên; 01 bảo vệ.

- Tổ chức xã hội có trách nhiệm quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 131 của Luật xử lý vi phạm hành chính và hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện theo quy định của Bộ Y tế.

Với các quy định như nêu trên, thì hiện nay không cơ sở nào tại các xã, phường, thị trấn có thể đảm bảo các điều kiện để quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được; nếu đầu tư xây dựng, thành lập mới sẽ tốn rất nhiều ngân sách của Thành phố. Trong khi đó 4 Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (Trung tâm số I, II, III, V) đã được Thành phố đầu tư xây dựng cơ bản có đủ các điều kiện quy định; có các hạng mục tường bao quản lý, phân khu với đội ngũ công chức, viên chức và lao động hợp đồng đã được đào tạo cơ bản, có chuyên môn, nghiệp vụ về công tác cai nghiện ma túy, có đầy đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu theo quy định, sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Từ những căn cứ trên, thấy rằng việc bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn Thành phố trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là cần thiết. Đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Trung ương tại Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015; vừa phù hợp với các quy định Pháp luật của Trung ương và Thành phố; vừa tận dụng được các cơ sở vật chất sẵn có của các trung tâm cai nghiện và phù hợp với mạng lưới các trung tâm cai nghiện hiện nay của Thành phố mà không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ đã được giao của các trung tâm.

2. Cơ sở pháp lý:

Việc nghiên cứu xây dựng Đề án bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, được dựa trên các cơ sở pháp lý cơ bản sau:

- Luật phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy năm 2008;

- Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012;

- Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2015;

- Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

- Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

- Nghị định số 61/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26/7/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10/6/2004 của Chính phủ quy định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

- Nghị định số 55/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/6/2012 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

- Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy.

- Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội- Bộ Y tế: Hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Thông tư số 14/2012/TTLB-BLĐTBXH-BCA ngày 06/6/2012 quy định chi tiết về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh.

- Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12/12/2007 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chuẩn đoán người nghiện ma túy nhóm opiats (chất dạng thuốc phiện).

- Quyết định số 14/2013/QĐ-UB ngày 08/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp dựa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.

- Thông báo số 253/TB-UBND ngày 19/12/2014 thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố tại cuộc họp rà soát, triển khai Nghị quyết số 77/2014/QH13 của Quốc hội, thực hiện chuyển đổi điều trị Methadone trên địa bàn Thành phố.

- Quyết định số 7144/QĐ-UB ngày 27/12/2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.

II. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

Bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn Thành phố trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I, số II, số III và số V trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội.

1. Mục đích

- Quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại các cơ sở xã hội trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 131 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Đảm bảo sự có mặt của người nghiện ma túy khi Tòa án nhân dân cấp huyện triệu tập phiên họp xem xét và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Xác định tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người nghiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và bộ máy cán bộ đã có kinh nghiệm về chuyên môn điều trị nghiện tại các Trung tâm cai nghiện đã được Thành phố đầu tư trong khi các Trung tâm chưa sử dụng hết công suất thiết kế cũng như khả năng tiếp nhận.

- Không tổ chức lao động sản xuất, kể cả lao động trị liệu trong thời gian quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định.

2. Đối tượng, thời gian tiếp nhận:

- Đối tượng: Người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Thời gian: thực hiện theo quy định tại Quyết định số 7144/QĐ-UB ngày 27/12/2014 của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế về trình tự, thủ tục thẩm quyền tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội.

3. Nội dung quản lý, theo dõi, chuẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý tại cơ sở xã hội:

Căn cứ Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đưa người vào Trung tâm để quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; lập hồ sơ theo quy định do cơ quan Công an bàn giao, Trung tâm tiến hành phân loại, theo dõi, quản lý, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, tư vấn tâm lý cho người nghiện theo 3 giai đoạn của Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT:

- Giai đoạn tiếp nhận, phân loại.

- Giai đoạn cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

- Giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách.

Vì thời gian người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định lưu trú tại các Trung tâm cai nghiện trong thời gian 15 ngày nên 3 giai đoạn trên sẽ quy định thời gian và nội dung thực hiện cụ thể phù hợp từng giai đoạn tại Quy chế hướng dẫn phối hợp liên ngành, hướng dẫn các Trung tâm cai nghiện ma túy tổ chức quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

4. Phương án xử lý các vấn đề về nhân sự, tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản và các vấn đề khác có liên quan khi làm nhiệm vụ

- Nhân sự và tổ chức bộ máy: Việc bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ hiện nay của các đơn vị; cũng như không làm ảnh hưởng đến học viên đang được quản lý, chữa trị tại các Trung tâm. Duy trì, sử dụng số cán bộ, nhân viên hiện có; không bổ sung tăng cán bộ và bố trí cán bộ, nhân viên theo nhiệm vụ cụ thể quy định tại Thông tư số 21/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC.

- Cơ chế tài chính:

Theo quy định của Quyết định 14/2013/QĐ-UB ngày 08/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội về việc “quy định quản lý sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng” thì người không có nơi cư trú ổn định được ngân sách Thành phố hỗ trợ, gồm các chế độ tiền ăn, thuốc, vật dụng tư trang, chi khác trong thời gian 15 ngày lưu trú tạm thời.

+ Các trung tâm căn cứ vào số lượng người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định được quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý tại Trung tâm để lập danh sách thanh quyết toán theo phương thức thực thanh, thực chi.

- Cơ sở vật chất: Sử dụng nguyên trạng như hiện nay của các trung tâm đang có.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Sau khi có Quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt Đề án bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức thực hiện Đề án như sau:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các quận, huyện triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và Công an Thành phố ban hành “Quy chế phối hợp liên ngành hướng dẫn các Trung tâm cai nghiện ma túy tổ chức quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.

- Thống nhất chỉ đạo các Trung tâm cai nghiện bố trí cơ sở vật chất theo phân khu riêng, lối đi riêng và có biển hiệu để quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc và tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Thông báo theo định kỳ chỉ tiêu tiếp nhận người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định cho từng Trung tâm.

- Chỉ đạo các Trung tâm cai nghiện sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của đơn vị để đảm bảo các điều kiện theo quy định về điều trị cắt cơn, giải độc, xác định tình trạng nghiện ma túy và tư vấn phục hồi hành vi nhân cách cho người nghiện ma túy.

- Chỉ đạo các Trung tâm cai nghiện đảm bảo công tác an ninh trật tự tại đơn vị để người nghiện ma túy an tâm chữa bệnh và học tập.

2. Đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo, phân công các Sở, ban, ngành:

- Công an Thành phố:

Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, xã trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy; truy tìm người nghiện ma túy bỏ trốn; phối hợp với các Trung tâm cai nghiện đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Sở Y tế:

Hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ y tế tại các Trung tâm cai nghiện ma túy đảm bảo điều kiện để xác định tình trạng nghiện ma túy và hướng dẫn quy trình xác định tình trạng nghiện.

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý các hoạt động y tế trong các Trung tâm cai nghiện ma túy.

- Tòa án nhân dân Thành phố:

Chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện đẩy nhanh tiến độ trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; phối hợp với cơ quan có liên quan hướng dẫn xử lý các trường hợp vướng mắc trong việc lập hồ sơ, thủ tục xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Phòng Lao động - Thương binh xã hội, cơ quan Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc lập hồ sơ đề nghị và thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Ủy ban nhân dân cấp xã:

Lập hồ sơ và ban hành quyết định đưa người vào các Trung tâm cai nghiện để quản lý, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trên đây là nội dung Đề án bổ sung nhiệm vụ quản lý, theo dõi chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe và tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cho các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội số I, số II, số III và số V trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, kính đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định./.