Quyết định 1307/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
Số hiệu: 1307/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Trần Khiêu
Ngày ban hành: 10/07/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1307/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 10 tháng 7 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Chỉ thị số 28/2007/CT-BNN ngày 17 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm làng nghề;

Căn cứ Quyết định số 62/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 594/TTr-SKHĐT-KT ngày 29 tháng 6 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Trà Vinh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển

1. Phát triển ngành nghề nông thôn được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, có quan hệ chặt chẽ với công nghiệp hóa và đô thị hóa; đặc biệt là với thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Đồng thời xây dựng và khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức sản xuất ngành nghề nông thôn phù hợp với các thành phần kinh tế và loại hình sở hữu, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống, thiết bị truyền thống với thủ công nhằm phát triển bền vững.

2. Chú trọng khai thác và phát huy nội lực, đặc biệt là nguồn lực ngay trong nông dân - nông thôn; đồng thời mở rộng liên kết tranh thủ các nguồn lực về: vốn, công nghệ, thị trường bên ngoài để có được sản phẩm hàng hóa với sức cạnh tranh cao.

3. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nông - công nghiệp; khai thác tốt nhất các thế mạnh về nguyên liệu ở từng địa phương; chủ động kết hợp nguyên liệu truyền thống với nguyên liệu hiện đại, giữa sản xuất thủ công với công nghệ hiện đại để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

4. Gắn liền với quan điểm bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, từng bước khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đặc thù của tỉnh.

5. Tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa của từng địa phương, chuyển đổi công nghệ, tiến hành di dời hoặc ngưng hoạt động các cơ sở ngành nghề gây ô nhiễm môi trường.

II. Mục tiêu quy hoạch

1. Mục tiêu chung

Tập trung phát triển ngành nghề nông thôn nhằm sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, xây dựng các làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề góp phần tích cực vào phát triển du lịch và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh qua các thời kỳ như sau:

Thời kỳ 2009 - 2020 tăng bình quân 5,5 - 6,0%/năm.

Trong đó:

Giai đoạn 2009 - 2010 tăng bình quân 5,0 %;

Giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 5,5 - 6,0%;

Giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 6,0 - 6,5%.

b) Giá trị sản xuất khu vực ngành nghề nông thôn năm 2015 gấp 1,5 lần và năm 2020 gấp 2,0 - 2,5 lần so với giá trị sản xuất năm 2008.

c) Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đồng thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

d) Phấn đấu mỗi năm tạo thêm việc làm cho 700 - 1.000 lao động, nâng tỷ trọng lao động ngành nghề nông thôn lên trên 5% trong tổng lao động xã hội, góp phần giải quyết việc làm và tạo việc làm cho nông dân trong lúc nông nhàn.

đ) Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đạt 23 - 25 triệu đồng/năm vào năm 2020.

e) Bảo tồn và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống. Xây dựng các làng nghề mới, làm hạt nhân cho phát triển ngành nghề. Vực dậy những cơ sở sản xuất “cầm chừng” và mở thêm các ngành nghề mới mà tỉnh có thế mạnh về nguyên liệu và triển vọng thị trường.

III. Định hướng phát triển

1. Quy hoạch phát triển nhóm ngành nghề chế biến nông - lâm - thủy sản

a) Xay xát gạo: Phát triển ở tốc độ trung bình, thấp khoảng 3 - 4%/năm. Năm 2015 sử dụng 2.050 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 90,8 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng khoảng 2.020 lao động, giá trị sản lượng khoảng 102,7 tỷ đồng. Các cơ sở cần chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư các dây chuyền xay xát hiện đại, tỷ lệ gạo thành phẩm cao, giảm thất thoát và các dây chuyền lau bóng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Từng bước di dời các cơ sở hiện có sang các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch ở các huyện để giảm ô nhiễm môi trường, thuận lợi trong vận chuyển sản phẩm.

b) Nấu rượu: Tăng trưởng ở mức cao hơn tốc độ tăng dân số, khoảng 1,6 - 1,7%/năm. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất rượu, đăng ký chất lượng sản phẩm, các ngành chức năng cần tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng rượu, xây dựng thương hiệu… đặc biệt làm thủ tục công nhận nghề truyền thống và thương hiệu rượu Xuân Thạnh - Trà Vinh.

c) Các nghề làm bánh, bún (Bánh tráng, bánh tét, bún - hủ tíu…)

- Bánh tráng: Định hướng đến năm 2020 sản xuất bánh tráng sẽ phát triển với tốc độ từ 8 - 10%/năm, sử dụng khoảng 290 lao động và tạo ra giá trị sản xuất khoảng 9,1 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở Cầu Ngang và Châu Thành.

- Bánh tét: Hiện tại toàn tỉnh có 27 cơ sở, tập trung chủ yếu ở khu vực Trà Cuôn - Cầu Ngang. Trong những năm tới sẽ xây dựng thương hiệu, công nhận nghề truyền thống “Bánh tét Trà Cuôn”. Dự kiến đến năm 2020 sử dụng 230 lao động và tạo ra giá trị sản xuất 6,2 tỷ đồng.

- Bún - hủ tíu: Phát triển ở tốc độ 8 - 9%/năm, năm 2015 sử dụng khoảng 1.310 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 129,6 tỷ đồng, năm 2020 sử dụng 1.680 lao động, giá trị sản lượng đạt 199,4 tỷ đồng.

d) Nghề làm bánh kẹo: Sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm công nghiệp và có khả năng bị mai một, để có thể tồn tại và phát triển các cơ sở phải từng bước chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất thành các doanh nghiệp, công ty sản xuất. Các cơ sở sản xuất bánh kẹo cần tăng cường ứng dụng các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đăng ký chất lượng sản phẩm; các ngành chức năng tiến hành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu,…

đ) Nghề giết mổ và chế biến sản phẩm từ thịt: Tăng giá trị sản lượng khoảng 6%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Năm 2015 sử dụng 1.600 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 80,6 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng 1.850 lao động, giá trị sản lượng đạt khoảng 113 tỷ đồng. Tiến hành quy hoạch các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, vị trí khu giết mổ tập trung đảm bảo theo đúng quy định của Pháp lệnh Thú y, nằm cách xa khu dân cư, đảm bảo khoảng cách tối thiểu về môi trường,…

e) Chế biến thủy hải sản: Tiến hành lập thủ tục để công nhận làng nghề truyền thống tôm khô Vinh Kim thuộc xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang, nghề truyền thống chế biến thủy hải sản ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải. Dự kiến nhóm ngành chế biến thủy hải sản sẽ tăng trưởng ở tốc độ cao, khoảng 9 - 10%/năm. Năm 2015 sử dụng 810 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 268,8 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng 1.360 lao động, giá trị sản lượng đạt 477,3 tỷ đồng.

g) Sản xuất nước đá, nước uống: Tốc độ tăng giá trị sản lượng khoảng 6 - 8%/năm. Giá trị sản lượng tăng từ 41,1 tỷ đồng năm 2008 lên 47,6 tỷ đồng năm 2010; 63,8 tỷ đồng năm 2015 và lên 89,5 tỷ đồng năm 2020. Năm 2015 sử dụng 1.780 lao động, năm 2020 sử dụng 1.970 người.

h) Chế biến bảo quản rau quả: Phấn đấu đến năm 2010 mỗi huyện, thị có từ 3 - 5 cơ sở, đến năm 2020 thu hút khoảng 140 lao động tham gia, giá trị sản xuất đạt khoảng 5,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 20%, thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 15%/năm.

2. Nhóm ngành nghề sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đan đát, dệt may, cơ khí

a) Nghề đan đát và xe sợi tơ xơ dừa: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của nhóm nghề này khoảng 9 - 10%/năm, giá trị sản lượng năm 2010 đạt 98,5 tỷ đồng, năm 2015 đạt 156,9 tỷ đồng và năm 2020 đạt 250,9 tỷ đồng. Lao động đến năm 2020 khoảng 9,6 ngàn người, tăng 4,9 ngàn người so với năm 2008.

b) Nhóm nghề đồ gỗ, mộc gia dụng, đóng xuồng ghe: Nhóm ngành này sẽ phát triển với tốc độ trung bình từ 3 - 4%/năm.

- Đồ gỗ: Tốc độ phát triển trong giai đoạn 2009 - 2020 khoảng 4,19%/năm, trong đó thời kỳ 2009 - 2010 khoảng 4%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 4%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 4,5%/năm. Đến năm 2020 sử dụng khoảng 570 lao động, giá trị sản xuất đạt 30,9 tỷ đồng.

- Mộc gia dụng: Tốc độ phát triển trong giai đoạn 2009 - 2020 khoảng trên 3,2%/năm, trong đó thời kỳ 2009 - 2010 khoảng 4%/năm, thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 3%/năm. Sử dụng 960 lao động, giá trị sản xuất năm 2020 đạt 44,7 tỷ đồng.

- Đóng xuồng ghe: Tốc độ phát triển trong giai đoạn 2009 - 2020 khoảng trên 6%/năm, trong đó thời kỳ 2009 - 2010 khoảng 5%/năm, thời kỳ 2011 - 2015 khoảng trên 6%/năm và thời kỳ 2016 - 2020 khoảng trên 7%/năm. Đến năm 2020 sử dụng khoảng 230 lao động, giá trị sản xuất đạt 8,0 tỷ đồng.

c) Cơ khí, sản xuất các sản phẩm từ kim loại: Trong những năm tới nghề này phát triển với tốc độ trung bình khoảng 4,3%/năm, tập trung đầu tư công nghệ, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Năm 2020 giá trị sản lượng đạt khoảng 142,3 tỷ đồng, lao động 2,2 ngàn người, tăng 60,8 tỷ đồng và 362 lao động so với năm 2008.

d) Nghề sản xuất gạch và vật liệu xây dựng

- Sản xuất gạch: Phát triển ở tốc độ 5,3%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, giá trị sản lượng đạt được khoảng 12,6 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008.

- Sản xuất vật liệu xây dựng và các vật liệu khác: Tiếp tục tăng trưởng khá trong những năm tới với tốc độ tăng trên 7%/năm trong cả giai đoạn 2009 - 2020, năm 2020 thu hút 600 lao động và tạo giá trị sản xuất khoảng 68,9 tỷ đồng.

3. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ

Phát triển với tốc độ cao từ 10 - 12%/năm trong giai đoạn 2009 - 2020, với các giải pháp như: khuyến khích phát triển các nghề đã có trên địa bàn tỉnh, có chính sách thu hút và mời gọi các nghệ nhân từ các tỉnh, thành lân cận đến Trà Vinh sản xuất và kinh doanh, đặc biệt chú trọng chính sách ưu đãi đối với đào tạo lao động sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

4. Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện về vốn, đất đai, kiến thức và kinh nghiệm đầu tư vào gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh. Địa bàn phân bố chủ yếu tập trung phát triển ở các khu vực ven đô thị, tập trung nhất ở khu vực phường 1, phường 4, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh và rải rác ở trung tâm các huyện.

5. Nhóm nghề xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác

Dự kiến tốc độ tăng trưởng của nhóm nghề này sẽ ở mức 6 - 7%/năm.

a) Xây dựng: Tăng trưởng ở mức 7%/năm trong giai đoạn 2009 - 2020. Năm 2020 sử dụng khoảng 1.900 lao động (tăng 347 lao động so với năm 2008), giá trị sản xuất đạt 105,9 tỷ đồng (tăng 61,5 tỷ đồng).

b) Vận tải: Tốc độ tăng bình quân đạt 7%/năm. Năm 2015 sử dụng 2.250 lao động, tạo ra giá trị sản lượng khoảng 123,7 tỷ đồng; năm 2020 sử dụng 2.570 lao động, giá trị sản lượng đạt 181,7 tỷ đồng.

c) Sửa xe: Trong những năm tới sẽ tăng ở tốc độ 6%/năm, đến năm 2020 thu hút 2.070 lao động, tạo ra giá trị sản xuất khoảng 72,3 tỷ đồng.

d) Dịch vụ sửa chữa và dịch vụ khác: Tăng trưởng ở tốc độ cao, ở mức 10 - 11%/năm trong giai đoạn 2009 - 2020. Đến năm 2020 thu hút 360 lao động và tạo ra giá trị sản xuất khoảng 36 tỷ đồng.

IV. Xây dựng chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề

1. Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống

- Nghề dệt chiếu;

- Nghề đan đát;

- Nghề làm bánh, bún;

- Nghề làm tôm khô;

- Nghề làm bánh tét;

- Nghề nấu rượu;

- Nghề trồng hoa cảnh.

Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở tiếp tục phát triển các nghề truyền thống, gia truyền như chế biến trà, cà phê, sản xuất nước mắm Rươi,...

2. Bảo tồn và phát triển làng nghề

- Làng nghề đan đát xã Đại An, huyện Trà Cú;

- Làng nghề dệt chiếu thảm, tơ xơ dừa ấp Đức Mỹ, Đức Mỹ A, Đức Hiệp, Long Sơn, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long;

- Làng nghề đan đát, dệt thảm Hưng Mỹ, huyện Châu Thành;

- Làng nghề sản phẩm từ tơ xơ dừa, cọng lá dừa ở các ấp Nhuận Thành, Đại Đức, Thuận Hiệp, huyện Càng Long;

- Làng nghề dệt chiếu ở các ấp Bến Bạ, Cà Hom, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú.

3. Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống

- Làng nghề truyền thống bánh tét Trà Cuôn, xã Hiệp Hòa, Kim Hòa, huyện Cầu Ngang;

- Làng nghề truyền thống tôm khô Vinh Kim, huyện Cầu Ngang;

- Làng nghề truyền thống nấu rượu Xuân Thạnh, ấp Vĩnh Trường, Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành;

- Làng nghề truyền thống tôm khô, cá khô ấp Động Cao, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải;

- Làng nghề trồng hoa cảnh phường 4, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh.

4. Phát triển ngành nghề mới

Phát triển nghề thủ công mỹ nghệ và sinh vật cảnh ở các huyện, thị xã, tập trung chủ yếu ở phường 1, phường 4, xã Long Đức, thị xã Trà Vinh và các thị trấn, các huyện.

Phát triển nghề bảo quản, chế biến rau quả ở thị xã Trà Vinh, thị trấn, thị tứ các huyện.

V. Các dự án ưu tiên đầu tư

Xây dựng mới 09 dự án ưu tiên đầu tư với tổng số vốn đầu tư khoảng 47,2 tỷ đồng:

1. Dự án phát triển làng nghề dệt chiếu Bến Bạ, Cà Hom, Hàm Giang;

2. Dự án phát triển làng nghề sản phẩm tơ xơ dừa, cọng lá dừa;

3. Dự án phát triển làng nghề truyền thống rượu Xuân Thạnh;

4. Dự án phát triển làng nghề truyền thống bánh tét Trà Cuôn;

5. Dự án phát triển làng nghề truyền thống tôm khô Vinh Kim;

6. Dự án phát triển làng nghề truyền thống tôm khô, cá khô Đông Hải;

7. Dự án phát triển làng nghề truyền thống trồng hoa cảnh và xây dựng các mô hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh;

8. Dự án phát triển nghề bánh, bún;

9. Dự án đầu tư xây dựng mô hình sơ chế bảo quản rau, quả sạch.

VI. Vốn đầu tư

Tổng nhu cầu đầu tư thời kỳ 2009 - 2020 khoảng 1.165,7 tỷ đồng; thời kỳ 2009 - 2010 khoảng 128,09 tỷ đồng; thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 368,07 tỷ đồng; thời kỳ 2016 - 2020 khoảng 669,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho các lĩnh vực xây dựng làng nghề, xây dựng các dự án, tiếp thị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 132,4 tỷ đồng, chiếm 11% tổng nhu cầu vốn. Vốn của các doanh nghiệp, vốn dân tái đầu tư sản xuất khoảng 582,83 tỷ đồng (chiếm 50% vốn), còn lại là vốn vay của các tổ chức tín dụng (chiếm 39%).

VII. Giải pháp và tổ chức thực hiện

1. Nhóm giải pháp về chính sách

a) Về chính sách tài chính và tín dụng

Thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nông thôn nói chung và ngành nghề nông thôn nói riêng.

Triển khai thực hiện tốt các chính sách tài chính và tín dụng của Nhà nước.

b) Về chính sách thuế

Thực hiện tốt chính sách thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nghề nông thôn phát triển.

c) Về chính sách đất đai

Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai. Quy hoạch các vùng nguyên liệu cung cấp cho ngành nghề. Cơ sở ngành nghề được ưu tiên thuê đất để phát triển nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.

2. Giải pháp về đào tạo lao động

Có biện pháp khuyến khích mời các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm…

Khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống mở lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương và các vùng lân cận theo quy định tại Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính.

Lao động nông thôn khi tham gia học nghề ở các cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ kinh phí đào tạo theo chính sách hiện hành của nhà nước.

3. Các giải pháp về thị trường

- Tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm: Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài bằng cách ưu tiên về quảng cáo, triển lãm. Tổ chức mạng lưới tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Tăng cường liên doanh liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển, tiêu thụ sản phẩm ngành nghề nông thôn. Hợp tác với Việt kiều ở nước ngoài để xâm nhập thị trường xuất khẩu.

- Đưa nhanh thông tin đến với người sản xuất, kinh doanh: Thành lập rộng rãi mạng lưới thư viện đến các xã, tăng thời lượng và chất lượng đối với các chương trình phát thanh, truyền hình, báo địa phương; hình thành hệ thống mạng thông tin từ xã - huyện - tỉnh; thường xuyên cập nhật nội dung về phát triển ngành nghề nông thôn, về thị trường tiêu thụ trên website của tỉnh.

- Tăng cường liên doanh liên kết để phát triển ngành nghề nông thôn: Tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết trong phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Trà Vinh với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ, Tiền Giang và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,… để vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật và để thu hút đầu tư.

- Thường xuyên tham gia hội chợ: Theo dõi chặt chẽ chương trình kế hoạch của các hội chợ có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầy đủ các buổi hội chợ, trong đó có cả việc tài trợ kinh phí tham gia.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý sản xuất kinh doanh các ngành nghề

Tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp và các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm đến các khu quy hoạch. Xây dựng và thực hiện chương trình hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở ngành nghề trong gia công nguyên liệu, linh kiện chi tiết và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện có hiệu quả các chương trình thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn. Phát triển các loại dịch vụ phục vụ sản xuất, xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại…

5. Tăng cường và đổi mới các hoạt động khuyến công

Tập trung tăng cường và đổi mới các hoạt động khuyến công ở cấp huyện và cấp xã. Bố trí kinh phí cho các hoạt động khuyến công, nghiên cứu khoa học về phát triển ngành nghề nông thôn. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ.

6. Về khoa học công nghệ

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề ứng dụng kịp thời công nghệ và kỹ thuật tiên tiến cần thiết để vừa tăng năng suất lao động, vừa sản xuất ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

7. Giải pháp về xây dựng vùng nguyên liệu

Quy hoạch trồng tre, tầm vông, lồ ô dọc theo các bờ sông, bờ kênh nhằm hạn chế xói lở đất ven sông rạch, bảo vệ đất sản xuất và an toàn cho các khu dân cư và làm nguồn nguyên liệu cho ngành nghề đan đát; vận động các hộ nông dân tập trung thực hiện tốt phong trào cải tạo vườn tạp, trồng mới 14,7 triệu cây phân tán; quy hoạch vùng nguyên liệu lác khoảng 1.880 ha, sản lượng khoảng 18.440 tấn, chủ yếu khu vực ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Càng Long (1.500ha), Châu Thành (250ha) và Trà Cú (120ha).

Quy hoạch 5.000ha lúa - tôm khu vực cánh đồng Vinh Kim và các xã lân cận. Khuyến khích, vận động người dân các xã Hiệp Hòa, Kim Hòa, huyện Cầu Ngang và xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành phát triển diện tích lúa nếp đủ để cung ứng gạo nếp nguyên liệu cho sản xuất bánh tét và nấu rượu Xuân Thạnh.

8. Giải pháp về bảo vệ môi trường

Từng bước di dời các cơ sở sản xuất ngành nghề gây ô nhiễm môi trường: xay xát gạo, giết mổ và chế biến các sản phẩm từ thịt, chế biến thủy hải sản, sản xuất gạch... ra các khu, cụm tập trung, cách xa khu dân cư.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực thi Luật Bảo vệ môi trường, các quy định về môi trường của Nhà nước. Hướng dẫn các biện pháp cụ thể để các cơ sở sản xuất sạch hơn, từng bước áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14000 và quản lý vòng đời sản phẩm (LCA).

Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục để được hỗ trợ kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ trong nghiên cứu đổi mới công nghệ (ưu tiên các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường theo Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ).

9. Giải pháp về tổ chức thực hiện

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết và các dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức thực hiện, công bố, thông báo công khai và rộng rãi nội dung quy hoạch, kế hoạch và các dự án tạo điều kiện thuận lợi để công dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận nghiên cứu, khai thác nhằm phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Theo dõi, giám sát, kiến nghị những bổ sung cần thiết đảm bảo cho việc triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả.

- Tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Trên cơ sở quy hoạch, các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương, bố trí, cân đối vốn đầu tư theo phân cấp để thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh theo quy định.

c) Các sở ngành có liên quan

- Sở Công thương: Trực tiếp là Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức thật tốt các hợp phần khuyến công theo quy định của pháp luật.

- Sở Khoa học và Công nghệ: Khẩn trương xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm truyền thống ở tỉnh nhằm duy trì và phát huy các cơ sở hành nghề hiện có; hướng dẫn các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn nhất là nghề truyền thống lập hồ sơ đăng ký công nhận xuất xứ hàng hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Bố trí quỹ đất cho phát triển ngành nghề nông thôn trong kỳ quy hoạch sử dụng đất 2010 - 2020. Hướng dẫn các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và chỉ đạo các cơ sở dạy nghề do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, tiếp nhận đào tạo nghề cho số lao động cần được đào tạo theo các dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn với chất lượng cao.

- Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh: theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn trong việc tham gia hội chợ triển lãm, học tập và xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

d) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng các dự án và kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn. Hướng dẫn các phường, xã, khóm, ấp tiến hành lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống.

đ) Ủy ban nhân dân các xã: Xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Sở, ngành cấp tỉnh. Lập hồ sơ đăng ký công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống trình Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn đăng ký kinh doanh và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Nhà nước.

e) Các cơ sở ngành nghề nông thôn: Tiếp tục triển khai phát triển sản xuất những ngành nghề có những lợi thế, đủ tiêu chí công nhận nghề truyền thống, ưu tiên phát triển trong thời kỳ từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đúng theo Quyết định đã phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Khiêu