Quyết định 12/2009/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân quận Tân Bình ban hành
Số hiệu: 12/2009/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Thái Thị Dư
Ngày ban hành: 27/11/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/12/2009 Số công báo: Số 296
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN TÂN BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 12/2009/QĐ-UBND

Tân Bình, ngày 27 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN TÂN BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 04 tháng 8 năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Chánh Thanh tra quận tại Công văn số 38/TTQ ngày 13 tháng 10 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (chủ yếu cho giai đoạn từ nay đến năm 2011).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 (bảy) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Thủ trưởng các đơn vị, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Thái Thị Dư

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2009/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình)

I. MỤC ĐÍCH

- Nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

- Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và của mỗi công dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng bộ, chính quyền quận trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức kỷ cương, liêm chính, hoạt động hiệu quả; đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

- Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật có liên quan một cách thiết thực, kịp thời, hiệu quả.

- Làm căn cứ để các phòng, ban, Ủy ban nhân dân 15 phường xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược trong phạm vi quản lý của mình nhằm đảm bảo việc tổ chức thực hiện kế hoạch được triển khai đến tận cơ sở.

II. YÊU CẦU

- Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Chiến lược, đảm bảo vừa phổ biến cung cấp kiến thức vừa giáo dục, vận động chấp hành; kết hợp hài hòa các hình thức, biện pháp tuyên truyền; lựa chọn nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách; tạo điều kiện để thúc đẩy thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển đúng hướng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai, đấu thầu, góp phần tạo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch đối với mọi thành phần kinh tế.

- Triển khai đồng bộ trong một tổng thể thống nhất các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực ngăn ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng.

- Gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc triển khai Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 trên toàn quận.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chiến lược và các chính sách, pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân

a) Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin, các thành viên trong Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quận biên soạn và phát hành tài liệu (tờ bướm, tài liệu hỏi đáp, cẩm nang, panô, áp phích, đưa tin, bài trên Website quận...) để phục vụ công tác tuyên truyền về Chiến lược, kế hoạch thực hiện Chiến lược của thành phố, quận và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

b) Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận và Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các phường tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về những nội dung cơ bản của Chiến lược, Kế hoạch thực hiện chiến lược của thành phố, quận và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân quận, Thanh tra quận rà soát, đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã thực hiện trong thời gian qua và lập kế hoạch tuyên truyền sâu rộng hơn, nhất là các nội dung chưa thực hiện. Thực hiện trong quý IV/2009.

c) Thủ trưởng các phòng, ban và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường phải hoàn thành việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Chiến lược và kế hoạch thực hiện Chiến lược của thành phố, quận đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện chiến lược trong phạm vi của phòng, ban, địa phương mình. Thực hiện trong tháng 11/2009.

2. Thực hiện các giải pháp của Chiến lược

2.1. Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật

a) Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp sơ kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Quyết định số 30/QĐ-TTg) và xây dựng kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính giai đoạn 2011 - 2020, theo chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố.

b) Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp, Thanh tra quận, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng quận và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và thực hiện chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực. Hàng năm, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định.

c) Công an quận chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp và Văn phòng Ủy ban nhân dân quận tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, qua đó để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thành chậm nhất tháng 6/2011.

2.2. Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ

a) Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp Phòng Tư pháp rà soát, đánh giá, báo cáo việc phân công, phân cấp, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý; việc quy định chức trách của từng vị trí công tác để đánh giá cán bộ, công chức. Hoàn thành chậm nhất tháng 6/2010.

b) Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng quận, Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra quận xây dựng Kế hoạch đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhằm tăng cường giáo dục liêm chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng và sơ kết việc thực hiện Kế hoạch này vào tháng 12/2011.

c) Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Phòng Tư pháp và Thanh tra quận rà soát, nghiên cứu, báo cáo đề xuất cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo chỉ đạo, hướng dẫn của thành phố. Hoàn thành chậm nhất tháng 12/2011.

d) Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra quận, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng quận, hàng năm xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chức trách công vụ, công chức, nhất là việc minh bạch tài sản, thu nhập, việc thực thi công vụ ở những vị trí trực tiếp giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp.

e) Phòng Tài chính - Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ dự thảo quy định theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận về công khai việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn sử dụng tài sản công của cán bộ, công chức và của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hoàn thành chậm nhất tháng 3/2010.

2.3. Xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch

Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Thanh tra quận và Công an quận dự thảo văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận thực hiện Quy định của Ủy ban nhân dân thành phố về xử lý nghiêm hành vi hối lộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong việc tham gia đấu thầu, đấu giá; hành vi gian lận thương mại, hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị, chuyên trách chống tham nhũng; công bố công khai danh tính các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm (sau khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định).

2.4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng

a) Thanh tra quận, Công an quận phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân quận, Tòa án nhân dân quận tăng cường lực lượng, bố trí cán bộ có phẩm chất chính trị, năng lực, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện.

b) Thanh tra quận đẩy mạnh thực hiện chức năng giám sát hành chính và tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, công vụ trong một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; tăng cường thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; pháp luật khiếu nại, tố cáo. Từ nay đến năm 2011 tổ chức thanh tra ít nhất là 08 cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân quận.

Thanh tra quận tiếp tục tập trung vào thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực trọng tâm: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách, quản lý tài sản công. Cụ thể là:

* Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản: thanh tra các công trình, dự án trọng điểm, sử dụng vốn lớn của Nhà nước, vốn vay, tài trợ của nước ngoài (nếu có) hoặc những công trình, dự án có dấu hiệu tiêu cực, dư luận quan tâm, phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo đông người.

* Trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai: thanh tra việc quản lý sử dụng đất đai ở địa phương có tình hình nổi cộm; việc giao đất, cho thuê đất, cho chuyển mục đích sử dụng đất, việc thực hiện chính sách bồi thường, giải tỏa, tái định cư, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, cấp giấy phép xây dựng...

* Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách: thanh tra việc quản lý thu chi ngân sách địa phương ở các phòng, ban, đơn vị hành chính - sự nghiệp và Ủy ban nhân dân 15 phường, việc sử dụng vốn kích cầu.

* Trong lĩnh vực quản lý tài sản công: thanh tra việc chấp hành quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng tài chính, mua sắm tài sản công, mua sắm trang thiết bị trường học; trong cải tạo, xây dựng trụ sở, tiếp khách, quà biếu và thực hiện các chính sách an sinh, xã hội...

Qua thanh tra phát hiện kịp thời, kiến nghị xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, hành vi tham nhũng và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không còn phù hợp góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách; chấn chỉnh trật tự kỷ cương và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn quận.

c) Thanh tra quận chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo quận về phòng, chống tham nhũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã có chỉ đạo xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, kiến nghị xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân cố tình dây dưa, không chấp hành để tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra. Trong quý IV năm 2009 sẽ tiến hành kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra tại một số đơn vị, sau đó duy trì thường xuyên. Hàng năm, kiểm tra chuyên đề này ít nhất một lần tại các đối tượng thanh tra.

d) Thanh tra quận chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo quận về phòng, chống tham nhũng, Công an quận, Viện Kiểm sát nhân dân quận, Tòa án nhân dân quận, các phòng, ban và Ủy ban nhân dân 15 phường tổng kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Qua đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng. Hoàn thành chậm nhất tháng 6/2011.

2.5. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng

a) Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Phòng Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận và Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về biểu hiện, tác hại của tham nhũng và trách nhiệm của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng; tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện thường xuyên từ nay đến cuối năm 2011.

b) Công an quận chủ trì, phối hợp với Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Thanh tra quận và Ban Chỉ đạo quận về phòng, chống tham nhũng dự thảo văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận thực hiện Quy định của Ủy ban nhân dân quận về xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, gây rối nội bộ làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội (sau khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện

a) Từ nay đến năm 2011

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược.

- Tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Chiến lược của thành phố, quận trong toàn hệ thống chính trị.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, các phòng, ban, Ủy ban nhân dân 15 phường xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược và Kế hoạch thực hiện Chiến lược của quận.

- Triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là giải pháp nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng.

- Đẩy mạnh xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân; tập trung rà soát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

- Sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện đã đạt được và hạn chế, phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm và xây dựng nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn sau.

b) Định hướng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là:

- Bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu của Chiến lược trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016.

- Mở rộng các biện pháp phòng ngừa như: kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; nâng cao chất lượng thực thi công vụ; thực hiện hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

- Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Sơ kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch đến năm 2016.

c) Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020

Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là:

- Bổ sung các giải pháp mới cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển từ năm 2016 đến năm 2020.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp đã thực hiện có kết quả trong các giai đoạn trước, triển khai các giải pháp còn lại, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược.

- Tổng kết việc thực hiện Kế hoạch đến năm 2020.

2. Tổ chức thực hiện

Căn cứ nội dung Kế hoạch này, trong tháng 11 năm 2009 Thủ trưởng các phòng, ban và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2011) của đơn vị, địa phương mình; trong đó có những nội dung chuẩn bị cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của Chiến lược. Trường hợp do đặc thù công tác quản lý của ngành, lĩnh vực, địa bàn thì có thể xây dựng thêm Kế hoạch thực hiện Chiến lược hàng năm. Các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch, cơ bản phải hoàn thành trong kỳ kế hoạch. Những nhiệm vụ có quy mô lớn, tính chất phức tạp có thể chuyển tiếp sang kỳ kế hoạch sau nhưng phải xác định cụ thể ngay trong Kế hoạch kỳ này.

Kế hoạch phải đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm. Các hoạt động đã được xác định trong phần nội dung phải quy định thời hạn, gắn liền với phân công trách nhiệm cụ thể, có đủ điều kiện thực hiện, nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch cân đối ngân sách, đảm bảo kinh phí cho các phòng, ban, đơn vị trong việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phù hợp với các quy định.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch

Thanh tra quận chủ trì phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân quận giúp Ủy ban nhân dân quận, giúp Ban Chỉ đạo quận về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch của quận.

Định kỳ hoặc đột xuất, Thanh tra quận và Ban Chỉ đạo quận về phòng, chống tham nhũng tổ chức các Đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Kế hoạch này đối với các phòng, ban, Ủy ban nhân dân 15 phường.

4. Đánh giá, tổng hợp báo cáo, sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch

Giao Thanh tra quận chủ trì phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân quận và các cơ quan, tổ chức liên quan:

a) Thường xuyên theo dõi tình hình, thực hiện điều tra, khảo sát về tình hình tham nhũng, về kết quả thực hiện; khảo sát, đo lường, đánh giá tác động của kết quả này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quận.

b) Định kỳ hàng quý, hàng năm và cuối mỗi giai đoạn triển khai Kế hoạch này, có báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Văn phòng Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng và Thanh tra thành phố để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Tổ chức sơ kết việc thực hiện giai đoạn thứ nhất của Kế hoạch vào cuối năm 2011; bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch thực hiện cho phù hợp với yêu cầu của Kế hoạch ở giai đoạn tiếp theo.

d) Sơ kết, đánh giá việc thực hiện giai đoạn thứ hai của Kế hoạch vào cuối năm 2016; bổ sung các giải pháp mới cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển và tổng kết việc thực hiện Kế hoạch vào năm 2020.

5. Chế độ thông tin, báo cáo

Thủ trưởng các phòng, ban và Chủ tịch Ủy ban nhân dân 15 phường có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch của đơn vị, địa phương định kỳ hàng quý, hàng năm và cuối mỗi giai đoạn thực hiện Kế hoạch gửi về Thanh tra quận, Văn phòng Ủy ban nhân dân quận để tổng hợp, báo cáo (theo điểm b, mục 4, Phần IV Kế hoạch); trình Ban Chỉ đạo quận về phòng, chống tham nhũng và Ủy ban nhân dân quận báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng và Thanh tra thành phố.

Đề nghị các cấp ủy Đảng, Tòa án nhân dân quận, Viện Kiểm sát nhân dân quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, cùng toàn thể nhân dân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này./.