Quyết định 1015/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2019-2022
Số hiệu: 1015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình Người ký: Tống Quang Thìn
Ngày ban hành: 10/08/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tôn giáo, tín ngưỡng, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1015/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 10 tháng 08 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ “THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH, GIAI ĐOẠN 2019-2022

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định của UNESCO ngày 01/12/2016 về việc công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;

Căn cứ Công văn số 3146/BVHTTDL-DSVH ngày 25/7/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai Chương trình hoạt động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tại Tờ trình số 44/TTr-SVHTT ngày 28/6/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019-2022.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa và Thể thao; Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ VHTTDL;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT,VP6,2,4,5.
TN/qd18

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN “THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2019 - 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Tổng quan

- Tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân. Tín ngưỡng này là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.

Thực hành cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, nghi thức thờ cúng hàng ngày, với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh... Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Nghi lễ chính, trung tâm của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Lên đồng - được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.

- Giá trị văn hóa, tầm ảnh hưởng của di sản

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương trong cả nước. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt...

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa (như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí...), là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, sau khi qua đời, họ hiển linh, là chỗ dựa tinh thần cho người đời sau, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước đối với thế hệ trẻ.

Với tính cởi mở của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia. Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hành và tham dự vào nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cùng các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái, xây dựng nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người. Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa... được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

- Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Ninh Bình

Ninh Bình là một trong những địa phương lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, được thể hiện ở các công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng mộ, từ đường, các làng nghề thủ công truyền thống và những phong tục, tập quán, lễ hội dân gian, là cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và thực hiện giao lưu văn hóa.

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, năm 2009, Ninh Bình đã thực hiện kiểm kê, phân loại sơ bộ, tuy nhiên cho đến nay chưa có cuộc khảo sát, hệ thống và đánh giá giá trị, sức ảnh hưởng của các di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Năm 2016, di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương được xác định là nơi có không gian diễn xướng “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” khá rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tác động đến sự phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh.

Theo kết quả kiểm kê sơ bộ, hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 415 di tích lịch sử văn hóa thờ và phối thờ Mẫu, được phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung nhiều hơn ở thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình và các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh... Tại các di tích này thường xuyên diễn ra hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vào các dịp tuần tiết và lễ hội. Một số di tích tiêu biểu như đền Dâu, đền Quán Cháo (thành phố Tam Điệp), phủ Đồi Ngang (huyện Nho Quan), đền Bình Hải (huyện Yên Mô), đền Thung Lá (Gia Viễn)... thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tạo hiệu ứng tích cực trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân.

2. Sự cần thiết xây dựng đề án

Trong thời gian gần đây, những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng nhất định đến công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh, ở một số đền, phủ còn hiện tượng lạm dụng đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường, sử dụng tiền mệnh giá lớn khi ban phát lộc, rút quẻ, xem tướng số, một số thanh đồng lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền, gây hoang mang cho nhân dân để trục lợi, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục và nét đẹp văn hóa. Một số diễn xướng truyền thống, các bài hát Văn cổ có nguy cơ bị thất truyền do không có đội ngũ kế cận và những người truyền dạy ngày một ít.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của kinh tế xã hội làm gia tăng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân đã có tác động nhiều mặt khiến nghi thức “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” phát triển phức tạp. Để kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và phát huy giá trị di sản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân, cần phải nắm rõ, quản lý tốt các hoạt động thực hiện nghi lễ tâm linh nói chung, nghi thức Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, có những giải pháp về cơ chế, chính sách làm căn cứ, cơ sở để bảo tồn và phát huy giá trị.

Trước yêu cầu của công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có đánh giá thực trạng một cách toàn diện nhằm đề ra những định hướng nghiên cứu, bảo vệ và phát huy giá trị, tránh những tác động tiêu cực làm mai một giá trị của di sản, việc thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2019-2022” mang tính thực tiễn cấp bách nhằm giải quyết các vấn đề như: định hướng nghiên cứu, thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng; công tác bảo tồn và trùng tu các di tích lịch sử văn hóa, tạo không gian lưu truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”... Đó là cơ sở để phát huy giá trị của các di sản văn hóa, phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển văn hóa, xã hội của tỉnh.

3. Căn cứ pháp lý

- Luật Di sản văn hóa ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

- Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ. Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

- Quyết định của UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

- Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 của Chính phủ, Quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể;

- Văn bản số 2189/BVHTTDL ngày 02/6/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng và phê duyệt dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục Quốc gia trên địa bàn tỉnh/thành phố;

- Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND ngày 13/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

- Công văn số 3146/BVHTTDL-DSVH ngày 25/7/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”;

- Công văn số 373/UBND-VP6 ngày 04/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”;

- Quyết định số 185/QĐ-UBND ngày 08/02/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Chương trình công tác năm 2018.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng, gắn với phát triển du lịch bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành việc Kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, xuất bản các ấn phẩm (sách, sản xuất phim bảo tồn di sản, sản xuất phim quảng bá hình ảnh di sản phát sóng các kênh truyền hình) về di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Ninh Bình.

- Tham gia các liên hoan, hội diễn “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” khu vực, trong nước và quốc tế theo chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Những nghệ nhân dân gian có công bảo tồn, gìn giữ, thực hành và truyền dạy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại Ninh Bình được tôn vinh và hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định của Nhà nước.

- Thực hiện giới thiệu các trích đoạn nghệ thuật diễn xướng và hát văn trong “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vào trình diễn tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh nhằm phổ biến giá trị di sản văn hóa đối với thế hệ trẻ.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, trong đó tập trung làm rõ ý nghĩa và các bí quyết, kỹ năng, kỹ thuật, nghi thức, nghi lễ thực hành... Đây chính là thực hiện bảo tồn theo hướng “bảo tồn sống”, bảo tồn trong cộng đồng bằng cách tổ chức thực hành truyền dạy trong không gian, thời gian phù hợp với hoạt động “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và gắn với việc khai thác và phát triển du lịch.

III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

Toàn bộ không gian tồn tại, không gian văn hóa, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư và các hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

IV. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Kiểm kê, nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn tài liệu, xuất bản các ấn phẩm về di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

1.1. Đánh giá hiện trạng công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

- Thực hiện khảo sát, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh, thống kê số người tham gia thực hành di sản (thủ nhang, đồng đền, thanh đồng, con nhang đệ tử...), không gian và điều kiện thực hành, trao truyền di sản.

- Đánh giá những tác động của di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương, những kết quả đạt được, yếu tố tích cực cần phát huy và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, những khó khăn, thách thức trong thực hành, trao truyền di sản, kinh nghiệm thực hiện trong những năm qua.

- Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh.

1.2. Tổ chức nghiên cứu tổng thể, biên tập, chỉnh lí tư liệu, số liệu một cách hệ thống và khoa học.

- Tổ chức hội thảo khoa học, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm đánh giá toàn diện về di sản trong đời sống sinh hoạt của nhân dân, những tác động đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

- Tổ chức biên tập, chỉnh lí tư liệu, số liệu một cách hệ thống và khoa học về di sản và không gian tồn tại, phát triển của di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

- Tư liệu hóa các dữ liệu của di sản bằng văn bản, hình ảnh sử dụng trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá trên các trang mạng, cổng thông tin điện tử.

- Biên tập, xuất bản sách về di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

- Tổ chức sản xuất phim tư liệu khoa học, phim quảng bá di sản phục vụ cho việc bảo vệ, phát huy và quảng bá hình ảnh di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại tỉnh Ninh Bình.

2. Tham gia các liên hoan, hội diễn “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” khu vực, trong nước và quốc tế theo chương trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3. Hoàn thiện chính sách và chế độ đãi ngộ đối với người có công bảo tồn, gìn giữ, truyền dạy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

- Xây dựng hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể cho những người thực hành và truyền dạy Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc chi trả phụ cấp hàng tháng cho các nghệ nhân đã được phong tặng theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

- Thực hiện các chính sách ưu đãi về mặt bằng, thuế, vốn, tín dụng, đào tạo nhân lực... nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

- Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tiêu biểu tại một số địa phương.

4. Tập huấn, nâng cao kỹ năng truyền dạy và phổ biến các trích đoạn nghệ thuật diễn xướng và hát văn trong “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vào trình diễn tại một số trường THCS, THPT

4.1. Xây dựng và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

- Xây dựng nội dung bồi dưỡng tập huấn.

- Tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cho các đối tượng là công chức làm công tác văn hóa - xã hội (Phòng VH&TT các huyện, thành phố, công chức văn hóa xã, phường, thị trấn), trưởng thôn, phố, bản, làng, nơi có di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

- Tập huấn cho cộng đồng nói chung (cộng đồng chủ thể di sản, cộng đồng nơi có di sản).

4.2. Tổ chức các lớp nâng cao kỹ năng truyền dạy di sản cho các nghệ nhân.

4.3. Phục dựng một số trích đoạn nghệ thuật diễn xướng và hát văn ở Nhà hát Chèo và Trung tâm Văn hóa tỉnh để phổ biến, giới thiệu di sản vào các trường THCS, THPT của tỉnh.

V. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

STT

Nội dung công việc

Thời gian thực hiện

Kết quả dự kiến

1

Kiểm kê di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh

Năm 2019

Báo cáo Kết quả kiểm kê, nhận diện di sản trên địa bàn tỉnh

2

Nghiên cứu, viết chuyên đề về di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh

Từ 01/2020 đến 11/2020

Các chuyên đề nghiên cứu, hệ thống các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản

3

Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh

12/2020

Kỷ yếu, kết luận hội thảo

4

Chỉnh lý, biên soạn, xuất bản sách, phim tài liệu, băng đĩa hình phục vụ lưu trữ, tuyên truyền, quảng bá trên phương tiện truyền thông về di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh

Năm 2020 và 2021

Sách, phim tư liệu, clip ngắn, các chương trình giới thiệu về di sản trên các phương tiện truyền thông, đại chúng

5

Tư liệu hóa di sản bằng hình ảnh (quay phim, chụp ảnh) di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh

Từ năm 2019 đến 2022

Hệ thống tư liệu kỹ thuật số về di sản

6

Tổ chức bồi dưỡng tập huấn về công tác quản lý nhà nước đối với di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cán bộ làm văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh

Năm 2022

Trang bị kiến thức căn bản về di sản, các quy định pháp luật liên quan cho cán bộ quản lý và người thực hành di sản

7

Mở các lớp truyền dạy kỹ năng, trao truyền di sản của các nghệ nhân và cộng đồng nhân dân

Năm 2020 và 2021

Số lượng người được truyền dạy

8

Xây dựng các trích đoạn tiêu biểu, trình diễn giới thiệu di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh

Năm 2021 và 2022

- Các trích đoạn tiêu biểu

- Các buổi trình diễn ở trường học trên địa bàn tỉnh

9

Tham gia các liên hoan, hội diễn về trình diễn di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cấp khu vực và quốc gia

Từ 2019 đến 2022

Các buổi tham gia liên hoan

10

Xây dựng hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân thực hành và trao truyền di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn tỉnh

Từ 2020 đến 2022

Số lượng nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân

11

Hỗ trợ 01 điểm di tích có di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ xây dựng kế hoạch, quảng bá phát triển hoạt động du lịch

Năm 2021

Kết quả hoạt động phát triển du lịch

12

Tuyên truyền, quảng bá di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng ở tỉnh

Từ năm 2019 đến 2022

Các chương trình giới thiệu, quảng bá

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo

1.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, coi đây là nhiệm vụ vừa có tính chiến lược lâu dài, vừa trọng tâm, cấp bách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

1.2. Đổi mới phương thức tuyên truyền nâng cao nhận thức và đồng thuận trong cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân, tạo sự vào cuộc đồng bộ trong việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Phát huy vai trò nghệ nhân, quan tâm phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

2. Về xây dựng nguồn nhân lực

2.1. Tăng Cường tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở.

2.2. Tăng cường đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế cận, lực lượng nòng cốt của các CLB. Tập huấn về kiểm kê, phương pháp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

3. Về xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách

3.1. Triển khai các quy hoạch, chương trình có liên quan đến nội dung bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh.

3.2. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa nói chung, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng đang bất cập hiện nay để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.

3.3. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù trong bảo vệ và phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Ninh Bình. Chú trọng cơ chế, chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực truyền dạy, về nghiên cứu khoa học; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

3.4. Chính sách về tài chính

- Hỗ trợ 100% kinh phí kiểm kê, nghiên cứu, tư liệu hóa, số hóa và xuất bản sách các đầu sách, sản xuất hệ thống phim khoa học bảo tồn, phim quảng bá về hình ảnh di sản văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ 100% kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức để đào tạo, giảng dạy, tập huấn “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; kinh phí tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn trong và ngoài nước; kinh phí cho các nghệ nhân tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh.

- Hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động của các CLB “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở các địa phương.

- Kinh phí khen thưởng cho các nghệ nhân khi tham gia liên hoan khu vực và quốc gia được thực hiện theo quy định của tỉnh.

- Đối với các đối tượng được hưởng nhiều chính sách có cùng nội dung thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.

4. Huy động các nguồn lực

4.1. Khai thác có hiệu quả nguồn hỗ trợ của trung ương từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn của nhà nước cấp cho các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương có di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ tại các huyện, thành phố nhằm tạo điều kiện phát triển mạng lưới CLB.

4.2. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa; tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia đóng góp công sức, tiền của cho lĩnh vực bảo vệ và phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sáng tạo, lưu truyền, phổ biến “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại tỉnh Ninh Bình.

4.3. Tăng cường nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập trong hoạt động bảo vệ và phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng xã hội hóa, sát với yêu cầu thực tiễn.

4.4. Đẩy mạnh việc khai thác các nguồn tài chính thông qua các quỹ, các thỏa thuận tài trợ, hiến tặng hoặc đồng hợp tác trong bảo vệ và phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

5. Tăng cường phối hợp giữa quản lý nhà nước và vai trò của cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế

- Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành; giữa chính quyền, cơ quan chức năng; Khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng chủ nhân di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, của các tổ chức nhằm tăng cường liên kết, phối kết hợp trong các hoạt động bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường quan hệ hợp tác giữa các đơn vị nghệ thuật, cộng đồng chủ nhân di sản với các trung tâm đào tạo, viện nghiên cứu về nghiên cứu, đào tạo nhân lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Khuyến khích các sáng kiến hợp tác về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, phóng viên báo chí đến nghiên cứu tại Ninh Bình, qua đó nhằm phát huy và quảng bá “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đến với bạn bè trong và ngoài nước, gắn kết phát triển văn hóa với du lịch của tỉnh.

6. Tăng cường công tác quảng bá và tuyên truyền, lồng ghép việc bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong phát triển kinh tế, văn hóa, thể thao và du lịch

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, hoạt động trong và ngoài tỉnh bằng các hình thức phù hợp.

- Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, lồng ghép giữa nội dung bảo vệ và phát huy “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” với các hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại các khu, điểm du lịch;

VII. DỰ TOÁN KINH PHÍ

- Tổng kinh phí thực hiện đề án: 1.458.228.000 đồng (Một tỷ bốn trăm năm mươi tám triệu hai trăm hai tám ngàn đồng)

- Kế hoạch kinh phí cho từng giai đoạn: (có bảng kê chi tiết kèm theo)

+ Năm 2019: Thực hiện các nhiệm vụ, kinh phí ước tính 538.040.000 đồng

(Năm trăm ba mươi tám triệu không trăm bốn mươi ngàn đồng)

+ Năm 2020: Thực hiện các nhiệm vụ, kinh phí ước tính 336.224.000 đồng (Ba trăm ba mươi sáu triệu hai trăm hai bốn ngàn đồng)

+ Năm 2021: Thực hiện các nhiệm vụ, kinh phí ước tính 389.864.000 đồng (Ba trăm tám mươi chín triệu tám trăm sáu mươi tư ngàn đồng)

+ Năm 2022: Thực hiện các nhiệm vụ, kinh phí ước tính 194.100.000 đồng (Một trăm chín mươi tư triệu một trăm ngàn đồng)

- Nguồn kinh phí: Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho sự nghiệp văn hóa - thể thao của tỉnh Ninh Bình và các nguồn vốn hợp pháp khác.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ: Chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án theo nội dung đã được phê duyệt; xây dựng, ban hành và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản triển khai, tổ chức thực hiện Đề án trên phạm vi toàn tỉnh.

- Tăng cường vai trò tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra nhằm giúp UBND tỉnh chỉ đạo công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

- Phối hợp với các Sở, ngành tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

- Hướng dẫn, đôn đốc và định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Văn hóa và Thể thao cân đối nguồn vốn, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện Đề án, hướng dẫn quản lý tài chính, kinh phí Đề án.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao bố trí cấp ngân sách thực hiện hàng năm, đảm bảo theo kế hoạch, mục tiêu Đề án đã được duyệt.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn cơ quan Báo chí, Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền về di sản và việc thực hiện Chương trình hoạt động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

5. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung có liên quan trong Đề án; tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền giúp nhân dân trong tỉnh có ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các đơn vị liên quan xây dựng chương trình, nội dung sử dụng di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong dạy học ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Du lịch

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lồng ghép nội dung giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong các chương trình giới thiệu quảng bá du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với di sản.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan chỉ đạo các phòng, ban chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.